Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

54/19. HOÀN HẢO CỦA KHÔNG HOÀN HẢO / BẮC CẦU TÂM LINH

Image result for child playing ball

HOÀN HẢO CỦA KHÔNG HOÀN HẢO

Vì vậy anh em hãy trở nên hoàn hảo,
như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn hảo.
You therefore must be perfect,
as your heavenly Father is perfect.
Matthêu 5:48
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Trong một buổi họp để gây quỹ chăm sóc các trẻ khuyết tật, ban tổ chức mời một người cha lên phát biểu. Ông nói:
- Thưa quý ông, quý bà, con trai tôi sinh ra đã không hoàn hảo. Cháu không hiểu được những điều bình thường mà các trẻ khác đều hiểu dễ dàng. Cháu không biết làm tính cộng tính trừ mà cũng không nhớ được các con số. Tay chân cháu vụng về, cầm nắm món gì cũng rất lóng cóng! Nuôi đứa con như vậy, những lúc không nhẫn nại nổi, tôi từng gào lên oán trách: Thượng Đế thì toàn năng toàn trí, sao lại tạo ra con tôi không hoàn hảo? Thượng Đế hoàn hảo ở chỗ nào chứ?!
Người cha nghẹn ngào ngừng giọng. Cả gian phòng rộng chật người bỗng trìu trĩu một nỗi im lặng nặng nề.
Lấy lại bình tĩnh, người cha nói tiếp:
- Thế rồi, một hôm tôi chợt ngộ ra, chợt tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi đầy than oán trách móc của tôi. Vâng, tôi ngộ được điều đó vào buổi sáng Chúa Nhật, khi đưa con trai tôi ra công viên. Bấy giờ có một nhóm chừng chục đứa trẻ cùng trang lứa với con tôi đang chia làm hai phe đá banh.
Con tôi hỏi: “Con vô chơi chung được không?” Ai đời lại xin chơi với nhóm trẻ không quen?! Nhưng nhìn ánh mắt khẩn khoản và vẻ mặt háo hức của con trai, tôi biết mình chẳng thể làm gì khác hơn là ngần ngại đi tới gặp đứa trẻ lớn nhất trong nhóm, có vẻ như đầu đàn.
Tôi nói vắn tắt rằng con tôi không được khỏe mạnh lắm, nhưng muốn xin chơi chung. Lúc ấy, đám trẻ đã bỏ dở cuộc vui, tụm lại quanh đứa đầu đàn để hóng chuyện.
Tôi nói xong, chú nhỏ chỉ làm thinh. Chú liếc con tôi rồi quay lại, đảo mắt nhìn khắp đám bạn, như dò xét ý tứ. Cả nhóm chẳng nói gì, nhưng có vài cháu gật đầu.
Thế là con trai tôi được nhập bọn. Cháu hào hứng chạy lúp xúp theo chân đám trẻ. Trái banh nhựa cứ lăn kêu bình bịch phía trước cháu, bên trái cháu, bên phải cháu, hay sau lưng cháu… Con tôi không sao bắt kịp. Cháu cứ lẹt đẹt đuổi theo hướng này rồi đổi sang hướng khác. Chẳng mấy chốc, mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo, và cháu dừng lại thở dốc, gương mặt nhễ nhại đỏ bừng, nhưng cháu cứ tươi cười sung sướng dù bàn chân chưa hề chạm được trái banh.
Lúc đó, đứa trẻ mà tôi cho là đầu đàn khoát mạnh tay làm hiệu. Một trẻ khác liền lăn trái banh về phía chú. Chú nhỏ liền bê trái banh đi về chỗ con tôi đứng, đặt ngay dưới chân con tôi. Và chú giơ chân làm hiệu, ra dấu cho con tôi đá trái banh.
Con tôi vụng về quệt bàn chân vào khối cầu bằng nhựa dẻo. Trái banh chao đi một chút rồi thôi. Chú nhỏ đầu đàn nhặt trái banh để lại dưới chân con tôi và chỉ cách cho con tôi co chân đá mạnh. Khi trái banh văng ra phía trước, lũ trẻ vỗ tay hò reo và đuổi theo nhặt về cho con tôi được đá thêm lần nữa…
Thưa quý ông, quý bà, như thế đâu phải là đá banh! Nhưng có hề chi! Lũ trẻ chẳng quan tâm, con tôi lại càng chẳng thèm quan tâm. Cháu rất vui, có lẽ chưa bao giờ cháu được vui như thế. Và tôi cũng vui nữa, tôi cười theo con tôi mà nước mắt làm nhòe nhoẹt những hình ảnh sống động của các thiên thần bé nhỏ trên bãi cỏ công viên.
Nén xúc động, người cha mím môi thở sâu rồi kết thúc câu chuyện:
- Thưa quý ông, quý bà, sáng hôm đó tôi chợt ngộ ra một điều: Khi Thượng Đế mang một đứa trẻ khuyết tật vào cõi đời chúng ta, Thượng Đế muốn tìm thấy sự hoàn hảo trong cách thế mà mọi người chúng ta đối xử với đứa trẻ không hoàn hảo.

HUỆ KHẢI
26-12-2011
CGvDT số 1839, ngày 30-12-2011




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.