Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

54/21. KHAO KHÁT / BẮC CẦU TÂM LINH



KHAO KHÁT

Phúc thay những ai khát khao
được nên người công chính,
vì Thiên Chúa sẽ cho họ thỏa lòng.
Matthêu 5:6
Khát khao (hay khao khát) tức là thèm muốn mãnh liệt. Trong bản tiếng Anh, theo New International Version (NIV), câu Kinh Thánh Matthêu 5:6 dẫn trên được in như sau: “Blessed are those who hunger and thirst for righteousness, for they will be filled.” Chúng ta ngầm hiểu câu kinh này hàm ngụ một cách ví von, so sánh: Ai mà thèm muốn công chính y hệt như kẻ đói thèm ăn, kẻ khát thèm uống thì họ sẽ được toại nguyện.
Như thế, thử hỏi ngược lại: Khi nào, hay với điều kiện gì thì con người được Thiên Chúa nhậm lời ban ơn cho mình? Câu trả lời là: Tùy vào mức độ mình khao khát mong cầu.
Thông thường, khi đói khát phần đông người ta chỉ còn nghĩ tới miếng ăn miếng uống và cố gắng giải quyết nhu cầu này bằng mọi cách. Có người bảo rằng ở châu Phi, họ từng chứng kiến một đàn hươu tử chiến với sư tử chỉ để giành một vũng nước trên bãi hoang khô nẻ. Vậy, lấy nỗi thèm ăn thèm uống để làm “thước đo” mức độ ham muốn mãnh liệt của con người âu cũng là một cách thích hợp.
Và đây là chuyện tôi nghe:
Một thanh niên tìm đến đạo viện danh tiếng nọ, khẩn khoản xin gặp vị đạo sư làm chủ nơi ấy.
Ngắm tướng tá chàng trai một thoáng, đạo sư hỏi:
- Anh thực sự muốn gì?
- Thưa thầy, nhiều năm nay con khao khát tìm đạo. Con muốn tu cho đắc đạo ngay trong kiếp này.
- Anh có chắc không? Đã nghĩ kỹ chưa?
- Lòng con đã quyết, xin thầy từ bi nhận con làm đệ tử.
Đạo sư dắt thanh niên đi về phía sau đạo viện, có một nhà nhỏ ẩn khuất giữa những lùm cây khóm lá xum xuê. Đây là loại “cốc” dành cho một người tu luyện, biệt lập chung quanh, bốn vách xây kín bưng, chỉ chừa lỗ thông khí trên cao và cánh cửa gỗ nhỏ đóng im ỉm. Trong cốc có chỗ vệ sinh, ngọn đèn thắp tù mù, chiếc đệm ngồi thiền. Đạo sư bảo chàng trai vào đó, căn dặn:
- Anh tạm nghỉ nơi đây. Ta sẽ khóa trái cửa để không ai quấy rầy anh. Cạnh cây đèn là nút chuông. Sau khi đã nghĩ suy thật chín chắn thì bấm chuông gọi ta.
Chàng trai đành làm tù nhân bất đắc dĩ trong không gian hẹp, lờ mờ, với chai nước lã cầm hơi.
Chưa hết nửa ngày thứ ba, chuông trong phòng đạo sư kêu ré lên. Đạo sư đích thân đi tới cốc, mở cửa ra:
- Anh sẵn sàng học đạo chưa?
Anh lắp bắp, giọng run run:
- Đói! Đói quá! Cho con ăn…
Buổi chiều hôm ấy, sau giờ công phu trong chánh điện, đạo sư bảo môn đệ nán lại một chút. Đạo sư nhỏ nhẹ bảo:
- Thông thường chúng ta ăn ngày ba bữa. Nhưng lắm khi chúng ta còn ăn nhiều hơn thế. Ngày nào thiếu ăn chúng ta không chịu được. Khi nào đau yếu, hay do hoàn cảnh khó khăn, chúng ta buộc phải ăn ít đi thì lúc khác chúng ta sẵn sàng ăn “trả bữa” hay ăn… “trả thù”. Chúng ta đều thấy như thế là rất tự nhiên.
Trái lại, trong việc học tu, phần đông chúng ta hay khoan dung với bản thân. Nếu vì lẽ gì đó chúng ta thiếu sót một giờ tu, vuột mất một buổi tu, chúng ta chẳng hề thấy đói thấy khát chi cả, và vì thế cũng chẳng muốn tu nhiều thêm một chút để gọi là bù đắp vào chỗ thiếu hụt đó. Vậy chúng ta đừng ngạc nhiên rằng tại sao xưa nay người tu tuy nhiều mà thành đạo vẫn ít.

HUỆ KHẢI
30-12-2011
CGvDT số 1840-1841


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.