A Lịch Sơn (Alexander)
DI CHÚC CỦA ĐẠI ĐẾ
DI CHÚC CỦA ĐẠI ĐẾ
Còn hoi hóp
tranh đua bay nhảy
Nhắm mắt
rồi, phủi thảy lợi danh…
Kinh Sám Hối
A Lịch Sơn (Alexander) sinh vào
hạ tuần tháng 7 năm 356 trước Công Nguyên tại vương quốc Macedonia, ngày nay là
miền bắc Hy Lạp. Hoàng tử theo học với triết gia Aristotle cho tới năm mười sáu
tuổi. Chưa tròn ba mươi tuổi, Đại Đế đã cai trị một đế quốc mênh mông, trải dài
từ Hy Lạp tới Ấn Độ.
Đây là chuyện tôi nghe:
Vào thượng tuần tháng 6 năm 323 trước
Công Nguyên, đang nằm bẹp trên giường bệnh, trong những giờ phút sau cùng trước
khi rời khỏi thế gian, vị Đại Đế ba mươi ba tuổi ra lệnh cho các tướng quân
thân cận:
- Sau khi ta qua đời, lúc tẩn liệm, các ông phải để cho hai cánh tay ta
thòng ra bên ngoài áo quan với hai bàn tay mở xòe ra. Các thầy thuốc giỏi nhất,
danh tiếng nhất trong vương quốc phải đích thân khiêng linh cữu ta ra huyệt mộ.
Mệnh lệnh cuối cùng này được thi hành đúng như ý Đại Đế, mặc dù mọi người
rất đỗi bối rối, không hiểu lý do.
Khi đông đảo quan chức, quốc khách, thần dân… cung kính đến viếng tang,
đưa tang dĩ nhiên cũng không ai hiểu vì sao Đại Đế lại ra lệnh kỳ quặc như thế.
Một nhà thông thái biết chuyện, bèn giảng giải:
- Đại Đế muốn nhắn nhủ cho chúng ta nhớ rằng khi còn cai trị thế gian
này, ngài làm chủ biết bao lãnh thổ mênh mông, biết bao kho tàng chứa đầy vàng
bạc, châu báu. Ngài còn là chủ nhân của biết bao con người phải thần phục dưới
quyền lực uy vũ của ngài. Nhưng đến lúc rời bỏ trần gian, ngài ra đi chỉ vỏn
vẹn hai bàn tay trắng mà thôi, y hệt như lúc ngài được sinh vào cõi đời này.
Có người hỏi:
- Vậy các danh y làm đô tùy khiêng linh cữu là sao?
- Đại Đế cũng muốn chúng ta nhớ rằng, khi Thần Chết tìm tới ta, không một
thầy thuốc tài giỏi nào đủ sức giành giật được mạng sống giúp cho ta cả.
Một vị hiền triết nghe nhà thông thái giảng giải như thế, gật gù bổ sung:
- Khi từ bỏ trần gian, mỗi người chúng ta sẽ phải chia lìa hai thứ, và
chỉ còn một thứ vẫn bám riết theo chúng ta. Chia lìa thứ nhất là gia đình, thân
thích, bè bạn. Chia lìa thứ hai là quyền lực, danh vọng, của cải. Bám riết theo
chúng ta là tất cả những gì ta đã làm, đã trót gây tạo trong suốt cuộc đời.
Chúng sẽ bám cứng theo chúng ta cùng đi sang bên kia thế giới. Phật gọi chung
những thứ đó là nghiệp (karma). Những
nghiệp ác, nghiệp dữ sẽ là điểm trừ. Những nghiệp thiện, nghiệp lành sẽ là điểm
cộng. Sau khi bù trừ qua lại, ai còn giữ được nhiều điểm cộng sẽ hưởng phúc
lành. Ai chỉ còn điểm trừ đành phải chịu đền bồi tội lỗi.
HUỆ KHẢI
13-3-2012
CGvDT số 1849, ngày
16-3-2012 ► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.