Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

54/27. NHƯ TÁCH CÀ PHÊ / BẮC CẦU TÂM LINH

Image result for CUP OF COFFEE
 NHƯ TÁCH CÀ PHÊ

Bởi lẽ, khi bạn đang so sánh,
khi bạn đang cân đong đo đếm chính mình
với “cái nên là” hay “cái đã và đang là”
thì bạn không thấy được cái tht s.
Because when you are comparing, when you are measuring yourself with “what should be” or “what has been,” you are not seeing what is. (The Collected Works, Vol. 17, p. 182.)
Krishnamurti (1895-1986)
Đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm, nhóm bạn học đồng môn điện thoại rủ nhau cuối tuần đến thăm thầy giáo cũ.
Thầy họ đã già, đang nghỉ hưu. Nhiều năm xa cách từ buổi ra trường, nay gặp lại nhau do một quyết định ngẫu hứng, thầy trò đều rất vui. Câu chuyện hàn huyên cứ tự nhiên lan man từ người này sang người khác, như thuở nào cùng tụm bầy tung hứng một trái banh trong giờ ra chơi.
Ít nói hơn cả, thầy giáo chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng mỉm cười, gật gù khuyến khích nhóm môn sinh cũ thoải mái bộc lộ tâm tình. Chẳng mấy chốc, thầy đã có thể nắm bắt được toàn cảnh cuộc sống hiện nay của họ. Những người trẻ này đều thành đạt trên đường đời, hiểu theo nghĩa có đủ cả danh vọng và tài sản. Nhưng dường như họ vẫn chưa mãn nguyện với những gì họ đang có. Len lỏi giữa những mẩu chuyện họ đổi trao là lời ca cẩm, tiếng than phiền, giọng trách móc về công việc, về gia đình... Thầy không khỏi nghĩ rằng sự thành đạt của họ giống như một sân khấu hoành tráng đang che đậy phía sau một hậu trường luộm thuộm, nhếch nhác, xô bồ.
Thầy đứng dậy, lịch sự bảo học trò cũ thứ lỗi cho thầy năm, mười phút, rồi bước vào trong. Không lâu sau, thầy trở ra, khệ nệ trên tay một khay lủ khủ những tách cà phê bốc khói thơm lừng. Đặt khay giữa bàn, thầy ôn tồn nói:
- Thầy mới được người ta biếu cho thứ cà phê này ngon tuyệt. Các em nếm thử xem sao. Có điều đừng cười thầy nhé! Nhà thầy thanh bạch, cốc tách chả ra làm sao, không cái nào giống cái nào vì chẳng phải cùng một bộ ấm chén.
Học trò cười vui thông cảm khi thấy trên khay nào tách lớn tách bé, tách cũ tách mới, gốm sứ có, thủy tinh có… Nhưng nhấp cà phê rồi, họ nhìn nhau, gật đầu tỏ ý khen ngon, rất ngon!
Thầy giáo nhoẻn miệng cười, thủng thỉnh nói:
- Ngon đấy chứ, phải không các em? Dù cái tách trên tay các em xấu đẹp hay cũ mới khác nhau, chất lượng cà phê trong tách vẫn y hệt nhau. Lúc các em thò tay vào khay, hầu như em nào cũng kín đáo liếc nhanh để chọn cho mình cái tách tốt hơn cả. Thầy cố ý mang ra nhiều tách hơn số người có mặt, và rốt cuộc, trên khay còn chừa lại hai cái tệ nhất vì mẻ miệng, sứt quai. Nhưng cà phê trong đó vẫn cùng một thứ rất ngon như các em đang thưởng thức.
Cái tách từng em đã chọn thật sự không ảnh hưởng gì tới chất lượng cà phê nó chứa đựng. Thứ các em thật sự muốn là cà phê ngon nhưng đồng thời các em lại kén chọn vật chứa nó. Khi nâng tách lên miệng, có em còn liếc mắt xem tách bạn mình tốt hay xấu hơn mình. Những nguyên nhân phiền não trong cuộc sống chúng ta cũng đến theo cách như thế thôi.
Ý vị cuộc sống đời ta ví như cà phê. Nghề nghiệp, tiền tài, địa vị xã hội ví như những cái tách chứa cà phê. Đôi khi chúng ta quá bận tâm tới cái tách mà quên để cho lòng mình thanh thản thưởng thức hương vị cà phê. Không tiền thì rất khổ, nhưng biến đời mình thành cỗ máy in tiền thì còn khổ hơn nữa kìa. Vì như vậy tức là mình mất đi ý vị cuộc sống hay hạnh phúc.
Người thật sự hạnh phúc nhất vẫn đâu có được hết những gì tốt nhất trên đời. Thế nhưng chúng ta có thói quen hay so sánh những gì ta có với những gì người khác có để so đo xem ta hay họ, ai hạnh phúc hơn ai.
Thầy nhớ, Krishnamurti có lần nói: “So sánh sản sinh ra thói tranh cạnh, lòng tàn nhẫn, khát vọng, thế mà chúng ta cho rằng điều ấy mang lại tiến bộ.” Thế nên, ông khuyên: “Nuôi nấng, dạy dỗ trẻ con mà không so sánh mới là giáo dục đích thực.” ([1])
HUỆ KHẢI
22-5-2012
CGvDT số 1859, ngày 25-5-2012




([1]) … but comparison breeds competitiveness, ruthlessness, ambition, which we think brings about progress. (…) To bring up children without comparison is true education.




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.

Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.