MÁNG
CỎ GIA BẢO
Nếu
không là gia vị của cuộc sống, thì hòa giải là sự bền vững của nó. Hòa giải là
cái làm cho các quốc gia vĩ đại và các cuộc hôn nhân hạnh phúc.([1])
Câu
nói dẫn trên cũng đúng với trường hợp đại gia đình chị Kathy Melia Levine.
Khi má tôi mất,
thọ tám mươi bốn tuổi, năm chị em chúng tôi tan nát cõi lòng. Làm sao chúng tôi
có thể vượt qua nỗi mất mát người phụ nữ đôn hậu này - một họa sĩ tài
hoa luôn sống vui bất chấp những thách thức trong đời và luôn hết lòng yêu
thương chồng mình, các con gái, và đám cháu ngoại.
Trong những tuần
sau đó, mấy chị em tôi thường gặp nhau ăn tối, cười cười khóc khóc khi ôn lại
những kỷ niệm. Tới lúc phải bán đi mái nhà má tôi yêu quý, trong lúc giải quyết
những món đồ của má, chúng tôi trải qua nhiều ngày khó mà tin được.
Tôi nhớ nhiều năm
trước đây có đọc một bài báo của chị Ann Landers ([3]) bàn về việc nhiều anh chị em choảng nhau vì tranh giành tài sản của
cha mẹ qua đời để lại. Tôi nghĩ: “Chị em chúng tôi may mắn biết bao vì chuyện
ấy sẽ chẳng bao giờ xảy ra cho chúng tôi.”
Bằng cách này
cách khác, tài sản của má - các món đồ gỗ,
nữ trang và đồ dùng trong nhà - dễ dàng được
chúng tôi hòa thuận phân chia cho chính chúng tôi hoặc đem tặng vài cơ sở từ
thiện. Mặc dù tôi nghĩ rằng có thể xảy ra tranh giành các bức tranh má vẽ nhưng
điều đó chẳng hề xảy ra. Như thế là hay vì má có tới năm đứa con gái và bốn đứa
cháu ngoại.
Hoàn toàn không
xung đột, cãi cọ hay tranh chấp chi hết cho tới khi chúng tôi phát hiện cái hộp
đựng bộ máng cỏ đã cũ cất trong tủ của má.
Tôi nhớ má có kể
nguyên do vì sao được sở hữu bộ máng cỏ này. Một người bạn cũ làm nghề mộc đã
tặng ba má làm quà Giáng Sinh trong năm đầu tiên ba má kết hôn. Tuy nhiên, chị
tôi là Eileen lại nhớ khác hơn. Má bảo chị rằng má nhặt được trong thùng rác
nhà bà Bingham ở bên kia đường.
Không giống như
các kiểu mẫu hoa mỹ ngày nay bày bán trong các cửa hàng, bộ máng cỏ này làm
bằng gỗ sẫm màu và hoàn toàn không trang hoàng, điểm tô chi hết - chỉ là một cái
mái che, một mặt sàn và hàng rào bao quanh. Dù xinh xắn, nó vẫn có khuyết điểm:
Một trong hai cánh cổng rào ở mặt tiền bị nghiêng lệch.
Thoạt đầu má đặt
vào ba tượng nhỏ: Mẹ Ma-ri-a, ông Giu-se, và Chúa Hài Đồng. Trong nhiều năm
sau, má bổ sung mấy tượng khác: ba nhà thông thái,([4]) các mục đồng, các thiên thần, và gia súc.
Bọn
trẻ con chúng tôi rất yêu quý các nghi thức vào mùa Giáng Sinh hằng năm, đặc
biệt là việc rinh nguyên bộ máng cỏ và những thứ trang hoàng từ trên gác xép
xuống rồi cẩn thận bày biện tất cả các thứ vào đúng chỗ đúng nơi.
Khi mấy chị em
đều thành gia thất và đưa bọn trẻ con về nhà má, mấy đứa cháu ngoại bày thêm
vào đó các tượng của chúng, kể cả một bộ ba chú heo con.
Sau khi má qua
đời, lúc bộ máng cỏ được phát hiện, chúng tôi không ai sẵn sàng đón nhận sự
tranh giành xảy ra.
Em Joanne là
người trước tiên đòi sở hữu nó, nằng nặc nói rằng đó là món duy nhất trong tài
sản của má mà em ấy thật sự muốn. Ước ao của em được chấp thuận.
Nhưng khi cháu
tôi là Mandy (con gái chị Eileen) biết được sự việc, đã gọi điện về từ nhà cháu
ở bang California
để lên tiếng phản đối. Cháu rõ ràng xúc động khi nhắc lại lời hứa của bà ngoại
mấy chục năm qua: “Ngoại hứa với con rằng khi ngoại mất rồi thì con được sở hữu
bộ máng cỏ.” Cháu khóc: “Bộ máng cỏ là của con.”
Em Joanne tôi
khăng khăng rằng là con gái má thì được quyền ưu tiên chọn lựa. Em và cháu
Mandy chẳng ai chịu nhường ai.
Khi nhận ra những
dấu hiệu cho thấy sự bất đồng sẽ phình ra để trở thành thù địch, chúng tôi hiểu
phải làm một điều gì đó.
Vào vai trọng tài
cho gia đình, chị tôi là Eileen nhìn thấy một tia sáng. Nhưng là má của Mandy
và là chị của Joanne, liệu chị có xử lý công bằng tình trạng khó xử này? Tạm
thời chị đặt cảm xúc qua một bên và dùng lý trí để suy nghĩ về việc tranh chấp.
Bộ máng cỏ chỉ là
một vật bằng gỗ, chẳng phải là một tác phẩm nghệ thuật không thể nào thay thế.
Cái đẹp nằm trong con mắt người xem, nhận thức của hai kẻ thèm muốn một món đồ
đơn giản từng là vật sở hữu của một người họ thương yêu. Há không thể làm ra
một bản sao ư? Dĩ nhiên là được. Eileen sẽ mua gỗ và nhờ ai đó đóng thành bộ
máng cỏ thứ hai.
Ngày hôm sau,
Eileen đi tới một xưởng gỗ và đứng xếp hàng chờ vào gặp chàng trai đầu húi cua
đeo bảng tên viết bằng bút mực là Brett. Khi tới lượt Eileen, chị phải nói lớn
để át tiếng ồn của máy cưa đang xẻ gỗ. Chỉ vào bộ máng cỏ mang theo, chị kể cho
anh chàng nghe đầu đuôi câu chuyện, giải thích rằng nó đang gây ra rạn nứt lớn
giữa hai dì cháu ruột thịt là Joanne và Mandy. Brett đón lấy bộ máng cỏ, giơ
lên bằng một tay và cười: “Hai dì cháu tranh giành cái này à?”
Eileen giải
thích: “Đúng vậy. Tôi biết chuyện này dường như điên điên, nhưng nó là kỷ vật
của má tôi và cả hai dì cháu đều yêu thương bà tha thiết. Anh có cách nào đo
đạc và cắt giùm mấy miếng gỗ để chúng tôi có thể đóng ráp thành một bản sao
không?”
Brett nói: “Hãy
để nó lại đây. Tôi sẽ coi mình có thể làm được gì.” Eileen ra khỏi tiệm, hy
vọng anh chàng có thể làm được phép lạ nho nhỏ. Đó là điều sẽ làm vừa lòng hai
dì cháu ruột đang cãi cọ, tranh giành với nhau.
Mấy ngày sau, chị
tôi nhận được tin nhắn qua điện thoại nói rằng việc chị đặt làm đã xong. Khi
ghé cửa hàng để lấy món đồ gỗ, Eileen không tin vào mắt mình - cả hai bộ máng
cỏ đặt cạnh nhau, nom giống y như đúc. Brett không chỉ đo và cắt các mảnh gỗ,
mà còn đóng ráp thành một bộ máng cỏ hẳn hoi. Anh chàng nói: “Tôi biết chị muốn
chúng nhìn giống hệt nhau, nên tôi đã làm giống y chang, kể cả những khuyết tật
sẵn có ở nguyên mẫu cũ. Hy vọng là nó coi được.”
Đúng như vậy, bộ
máng cỏ mới làm cũng có một cánh cửa ở cổng trước bị nghiêng lệch y hệt nguyên
mẫu. Brett hỏi: “Được chứ?” Eileen đáp trong nước mắt: “Anh không biết món đồ
này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với em gái tôi và con gái tôi đâu. Và đối với
toàn thể gia đình nữa. Tôi không ngại phí tổn là bao nhiêu hết. Việc anh làm đã
cứu chúng tôi.”
Brett nói: “Tiền
gỗ hết 3 đô 75.” Khi Eileen nài nỉ được trả nhiều hơn, anh chàng đáp: “Tôi
không làm trong giờ của công ty. Tôi làm tại nhà mình nên không tính tiền công
với chị.” Anh chỉ vào bộ máng cỏ mới, nói tiếp: “Tôi hy vọng cái này giúp gia
đình chị có một Giáng Sinh vui hơn.”
Eileen rời khỏi
cửa hàng của Brett sau khi để lại món tiền bồi dưỡng hậu hỹ và ôm chặt lấy anh
để cảm ơn. Về tới nhà, Eileen gọi điện để báo cho Joanne và Mandy biết về giải
pháp đầy sáng tạo của mình; mọi người rất vui và nhẹ cả lòng vì rắc rối được
giải quyết êm thắm. Thêm cú điện thoại sau đó, Joanne và Mandy đồng ý rằng
Joanne sẽ giữ bộ máng cỏ mới “sao chép” cùng với một ít tượng cũ, có cả Mẹ
Ma-ri-a, ông Giu-se và Chúa Hài Đồng. Mandy sẽ được giữ nguyên bản bộ máng cỏ
đúng như bà ngoại đã hứa với cháu.
Huệ
Khải
Phú
Nhuận, 08-12-2017
Tuần
báo CGvDT số 2137-2138, từ 22-12-2017 đến 04-01-2018
Trích CÓ NHỮNG MÙA SAO, Nxb Hồng Đức, Hà Nội
2019.
Quyển 127 trong tủ sách VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện (2.000 bản in)
([3]) Vào năm 1943, Ann Landers là một bút danh phụ nữ do
nhật báo Chicago Sun-Times (xuất bản ở
thành phố Chicago, bang Illinois, nước Mỹ) đặt cho cây bút nữ Ruth Crowley phụ
trách chuyên mục tư vấn bạn đọc hằng ngày với nhan đề Ask Ann Landers (Hãy hỏi Ann Landers). Đến năm 1955 thì
bà Esther Pauline “Eppie” Lederer (1918-2002) thay thế bà Ruth Crowley và vẫn
lấy bút danh Ann
Landers. Chuyên mục Hãy hỏi Ann Landers rất nổi tiếng ở Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
([4]) Mát-thêu (2:1-2)
chép: Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem,
miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương
Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?
Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến
bái lạy Người.” Đấy cũng là ba nhà thông thái từ phương Đông
đi tìm Chúa Hài Đồng.