Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

16. MỘT VÀI BIỂU TƯỢNG VÀ TẬP TỤC GIÁNG SINH


Phụ lục 2: MỘT VÀI BIỂU TƯỢNG
VÀ TẬP TỤC GIÁNG SINH
Ngày Giáng Sinh
Sáng kiến tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 25-12 dương lịch bắt đầu từ thế kỷ 4. Giáo Hội Công Giáo chọn ngày này để “tranh” ảnh hưởng với lễ hội mừng sinh nhật thần mặt trời Mithras của người La Mã đang rất thịnh hành vào thời ấy.
Lễ Giáng Sinh được tiếp thu khá chậm ở Mỹ. Thời thuộc địa, luật pháp bang Massachusetts cấm tổ chức lễ Giáng Sinh.


Cây tầm gởi (mistletoe)
Hai trăm năm trước Chúa giáng sinh, tu sĩ người xứ Celt (ở nước Anh thời cổ) có tục dùng cây tầm gởi trang hoàng nhà cửa để đón mùa đông về. Tầm gởi là loại thực vật sống bám vào thân cây khác. Họ tin rằng loại cây này có nhiều khả năng kỳ diệu như trị chứng vô sinh của phụ nữ, giải độc, v.v…
Cư dân ở miền bán đảo Scandinavia (tại Bắc Âu, gồm các nước Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển) lại tin rằng cây tầm gởi mang lại an bình và hòa hiệp. Họ gắn liền loại cây này với nữ thần ái tình của họ là Frigga. Do đó có tục trai gái hôn nhau bên dưới chùm tầm gởi để chúc phúc cho mối tình của họ.


Cây nhựa ruồi (holly)
Vì cây tầm gởi liên quan đến tín ngưỡng bán đảo Scandinavia nên ban sơ Giáo Hội Công Giáo xem là tập tục của dị giáo và cấm dùng nó trang trí lễ Giáng Sinh. Để thay thế người ta dùng cây nhựa ruồi.


Cây trạng nguyên (poinsettias)
Cây trạng nguyên có nguồn gốc ở Mexico. Nó mang tên vị đại sứ Mỹ đầu tiên của Mỹ tại Mexico, là ông Joel Roberts Poinsett (1779-1851). Vốn là nhà vật lý và thực vật học, nên ông đã mang giống cây này về Mỹ năm 1828. Người Mexico vào thế kỷ 18 tin rằng hoa trạng nguyên tượng trưng cho ngôi sao trên vòm trời thành Bêlem đã dẫn đường cho ba nhà thông thái đến gặp Chúa Hài Đồng.


Cây thông Giáng Sinh (the Christmas tree)
Cây thông Giáng Sinh có nguồn gốc từ nước Đức, thế kỷ 16. Người Đức có tập tục trang trí cây thông bằng hoa hồng, quả táo, giấy màu. Người ta cho rằng chính Martin Luther (1483-1546) là người có sáng kiến dùng nến để thắp sáng cây thông Giáng Sinh. Truyền thuyết nói rằng một đêm đông tối mịch gần lễ Giáng Sinh, Luther trở về nhà và choáng ngợp vì vẻ đẹp của ánh sao hắt lên cành thông nhỏ trước nhà. Luther bèn dùng nhiều nến gắn lên cây thông trong nhà để tái hiện lại vẻ đẹp ấy.
Mãi tới thế kỷ 19 cây thông Giáng Sinh mới phổ biến ở nước Anh. Trong thập niên 1820, khi nhập cư vào bang Pennsylvania, người Đức đã đem tập tục cây thông Giáng Sinh truyền sang đất Mỹ.


Viết tắt Xmas thay cho Christmas
Trong tiếng Anh, cách viết tắt Xmas thay cho Christmas (Giáng Sinh) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp. Người Hy Lạp gọi Chúa Kitô (Christ) là Xristos. Từ thế kỷ 16, châu Âu mượn chữ X trong danh xưng Xristos để viết tắt chữ Christmas.
Thanh kẹo Giáng Sinh hình chiếc gậy (the candy cane)
Thanh kẹo hình que như cây gậy đã có từ nhiều thế kỷ. Nhưng khoảng năm 1900 nó mới được uốn cong ở đầu như tay nắm của cây “can” và trang trí sọc đỏ trên nền trắng.
Theo truyền thuyết, vào cuối thế kỷ 19, một người thợ làm kẹo ở bang Indiana (Mỹ) muốn bày tỏ ý nghĩa Giáng Sinh qua hình dạng thanh kẹo. Ông làm thanh kẹo bạc hà màu trắng tượng trưng đức thánh khiết và vô nhiễm của Chúa. Các sọc màu đỏ tượng trưng máu Chúa đã đổ ra trên thập giá. Nếu mỗi sọc đỏ gồm có ba sọc nhỏ hợp lại thì số ba ấy liên quan tới Ba Ngôi (Trinity). Khi để xuôi, thanh kẹo giống như chiếc gậy của người chăn cừu, nhắc đến ý nghĩa Chúa là đấng chủ chăn của nhân loại. Khi xoay ngược thanh kẹo, nó mang hình chữ J là tên tắt của Chúa Jesus.

Ông Già Nô-en (Santa Claus)
Sinh ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ 4, từ bé Thánh Nicholas đã rất sùng tín, nguyện hiến đời Ngài cho Chúa. Ngài nổi danh là người có lòng vị tha, thương yêu trẻ em, và hay cứu giúp người nghèo. Người La Mã bỏ tù Ngài và đày đọa bằng nhục hình. Đến đời hoàng đế Constantine (274-337) Ngài được trả tự do. Constantine trở thành tín đồ Công Giáo và triệu tập Công Đồng Nicaea (năm 325); Thánh Nicholas là đại biểu tại công đồng này. Thánh Nicholas là thánh bổn mạng của thủy thủ đảo Sicily (Ý), Hy Lạp, và Nga. Dĩ nhiên Ngài cũng là thánh bổn mạng của trẻ em.
Người Hà Lan đã làm huyền thoại về Thánh Nicholas trở nên bất tử. Vào thế kỷ 16, trẻ em Hà Lan hay đặt giày gỗ cạnh lò sưởi với mong ước sẽ nhận được quà tặng của Thánh Nicholas. Người Hà Lan viết St. Nicholas (Thánh Nicholas) là Sint Nikolaas, sau lại gọi chệch đi là Sinterklaas, rồi cuối cùng tín đồ Anh Giáo (Anglicans) gọi chệch đi là Santa Claus.


Khoảng cuối năm 1823, giáo sư văn học và thần học (Mỹ) Clement C. Moore (1779-1863) viết bài thơ A Visit from St. Nick (Một lần Thánh Nicholas ghé qua), đăng báo Sentinel (Người canh phòng) ở thành phố Troy, bang New York (Mỹ) ngày 23-12-1823. Bài thơ lập tức nổi tiếng và được liên tục in lại nhiều lần với nhan đề khác là The Night before Christmas (Đêm trước lễ Giáng Sinh).
Bài thơ của Moore đã mang đến trẻ em trên thế giới hình ảnh bất diệt của ông già Nô-en là ông lão bụng phệ, y phục đỏ chói, râu quai nón rậm và bạc phơ, miệng nở nụ cười nhân hậu, chỉ quen chui qua ống khói lò sưởi để tặng quà trẻ em.
Huệ Khải
Phú Nhuận 11-12-2007
Nguyệt san CGvDT số 156, tháng 12-2007
Trích CÓ NHỮNG MÙA SAO, Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2019.

Quyển 127 trong tủ sách VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện (2.000 bản in)