ÔNG
GIÀ NÔ-EN CÓ THẬT ĐẤY
Ông sinh ngày 22-02-1839 tại thành phố Rochester ,
bang New York , Hoa Kỳ. Cha ông là một mục sư
Baptist kiêm chủ báo, sáng lập tờ The
New York Chronicle (Thời Sự New
York ). Năm 1859 Church tốt nghiệp đại học Columbia
ở thành phố New York .
Trong nội chiến Nam Bắc (1861-1865) ông làm phóng viên chiến trường cho tờ The
New York Times (Thời Báo New
York ). Sau chiến tranh, vào năm 1863 ông cùng
với anh ruột là William Conant
Church (1836-1917)
hợp tác xuất bản báo Army and Navy Journal (Quân Đội Và Hải Quân).
Những năm 1866-1878 hai anh em ông xuất bản nguyệt san The Galaxy (Thiên Hà). Sau khi Galaxy sáp nhập vào tạp chí văn học Atlantic Monthly (nguyệt san Đại
Tây Dương, ra đời ở thành phố Boston năm 1857) thì F. P. Church là cây bút hàng
đầu chuyên trách mục xã luận cho báo The Sun (Mặt Trời) ở thành phố New York.
Church tạ thế ngày 11-4-1906 tại thành phố New York, không con nối
hậu, được an táng ở nghĩa trang Sleepy Hollow (Khoảng Trống Yên Lành) trong làng Sleepy Hollow, hạt Westchester,
bang New York.
NHÂN
DUYÊN
Vào ngày 20-9-1897, tòa soạn The Sun trao cho F. P. Church một
lá thư và yêu cầu ông phải hồi âm ngay trong số báo ra ngày hôm sau. Thế là vào
năm năm mươi tám tuổi, Church đăng trên báo The Sun ra ngày 21-9-1897 bài xã luận (editorial) nhan đề Yes, Virginia ,
There Is a Santa Claus (Phải rồi, ông già Nô-en có thật đấy, cháu Virginia à). Bài xã luận
lập tức nổi tiếng và trở thành bất tử.
Cho tới nay, vào
mỗi mùa Giáng Sinh người ta vẫn chưa thôi nhắc nhở, in lại, dịch nó ra hàng
chục thứ tiếng, thể hiện nó trên nhiều phương tiện khác nhau (sách báo, phim
ảnh, bích chương, tem thư…). Tại sao thế? Chỉ vì bài xã luận này mang một thông
điệp thiêng liêng của tình yêu thương trẻ thơ chân thật.
Trên các phương
tiện truyền thông, đôi khi nhan đề nguyên thủy của bài xã luận hơn một trăm
tuổi bị sửa lại là Is There a Santa
Claus? (Có một ông già Nô-en không?)
CÔ BÉ VIRGINIA
TÁM TUỔI
Lá
thư tòa soạn The
Sun trao cho Church do Virginia
O’Hanlon gởi tới. Năm ấy cô bé mới tám tuổi, đang sống với cha mẹ ở số nhà 115
đường Chín Mươi Lăm phía Tây, khu Upper West Side, thuộc thành phố New York . Cháu luôn tin
chắc là ông già Nô-en có thật. Nhưng
vài bạn cháu khăng khăng nói rằng làm gì có ông già Nô-en, khiến cháu bắt đầu
hoang mang. Cha cháu là bác sĩ Philip làm việc cho sở cảnh sát New York . Cháu hỏi cha xem quả thật có ông
già Nô-en hay không. Vì báo The Sun có
mục Hỏi & Đáp mà gia đình Philip rất ưa thích, ông khuyên con hãy
viết thư nhờ tòa soạn trả lời.
Bài xã luận của
Church đã củng cố niềm tin của cô bé Virginia . Sau này cô
trưởng thành, tốt nghiệp cử nhân (BA) ở trường Hunter College (1910), lấy thạc
sĩ (MA) ở viện đại học Columbia (1911). Từ năm 1912, cô dạy học ở thành phố New York suốt bốn mươi
bảy năm, rồi làm hiệu trưởng, và tạ thế ngày 13-5-1971, thọ tám mươi mốt tuổi.
Sinh thời, bà giáo Virginia
cũng nổi tiếng nhờ bài xã luận bất hủ của Church .
Mỗi mùa Giáng Sinh, thư từ các nơi đổ dồn về nhà bà. Khi hồi âm, bà đều kèm
theo một bản in thật đẹp bài xã luận mà Church đã tận tâm viết cho cô bé Virginia tám tuổi ông
chưa từng quen biết.
BÀI XÃ LUẬN CỦA CHURCH CÓ GIÁ TRỊ NHÂN BẢN
Bài viết của Church
bộc lộ nhân cách cao quý và lương tâm trách nhiệm của một nhà báo nói riêng,
một người lớn nói chung. Đừng bao giờ coi thường một câu hỏi của trẻ thơ. Đừng
bao giờ bỏ lơ một lá thư mà người ta đã tín nhiệm gởi đến bạn.
Sự minh triết ở
Church là cách ông trả lời cô bé sao cho cháu có thể hiểu nổi, cháu không mất
niềm tin. Chẳng những cháu bé được nuôi dưỡng óc tưởng tượng thơ ngây mà đến
khi cháu trưởng thành rồi hay tất cả những người trưởng thành khác suốt hơn một
thế kỷ sau đó mỗi lần đọc lại bài trả lời của Church, đều thấy rằng không bao
giờ ông “xí gạt” đứa trẻ.
Tuy lá thư của bé
Virginia chỉ có bốn mươi lăm chữ, bài trả lời của Church
dài bốn trăm mười sáu chữ, nhưng trong kho tàng những áng văn chương mầu nhiệm
của tình thương yêu giữa người với người, Francis Pharcellus Church quả thật đã góp một tác phẩm nhỏ
mà giá trị nhân bản rất lớn.
Tiếp nối truyền thống hơn một thế kỷ của
huyền thoại Yes, Virginia , There Is a
Santa Claus, tôi dịch lại đây lá thư Virginia hỏi và bài trả lời của nhà báo Church .
(Xem nguyên văn ở Phụ
Đính cuối bài này.)
THƯ CỦA BÉ VIRGINIA
Kính thưa ông Chủ Bút,
Cháu tám tuổi. Mấy đứa bạn nhỏ của cháu nói là không có ông già Nô-en.
Bố bảo: “Nếu con thấy báo The Sun nói có, thì có thật.” Xin làm
ơn cho cháu biết, ông già Nô-en có thật không?
Virginia O’Hanlon
115 đường Chín
Mươi Lăm phía Tây
Cháu Virginia à,
các bạn nhỏ của cháu nói không đúng đâu. Các cháu ấy bị óc hoài nghi của thời
đại hoài nghi chi phối. Chúng không tin trừ phi nhìn thấy. Chúng nghĩ rằng
chẳng có gì mà đầu óc nhỏ bé của chúng không hiểu nổi. Cháu Virginia à, tất cả
mọi đầu óc đều nhỏ bé, dù là đầu óc người lớn hay trẻ con. Đem khả năng hiểu
biết của con người so sánh với vũ trụ vô biên bao quanh hắn, và đo lường bằng
trí năng nắm bắt trọn vẹn sự thật và tri thức của hắn, thì con người chỉ là một
côn trùng, một con kiến giữa vũ trụ bao la này của chúng ta.
Phải
rồi, ông già Nô-en có thật đấy, cháu Virginia
à. Ông ta có
thật, chắc chắn cũng như tình thương yêu, lòng quảng đại và đức tín thành đều
có thật. Mà cháu biết rằng những đức tính ấy có nhiều khắp chung quanh cháu để
ban cho đời cháu niềm vui tràn trề và vẻ đẹp tuyệt trần. Than ôi, thế gian này
sẽ ảm đạm biết bao nếu không có ông già Nô-en! Nó cũng buồn thảm y như thế nếu
không có các cháu bé mang tên Virginia .
Khi ấy sẽ chẳng còn lòng tin hồn nhiên của con trẻ, không còn thơ ca, không còn
cái gì lãng mạn khiến cho cuộc sống này được dễ chịu. Chúng ta sẽ không còn vui
thú, ngoại trừ tri giác và thị giác. Ánh sáng bất diệt mà trẻ thơ chiếu tỏa
tràn ngập thế gian này sẽ lịm tắt.
Không tin có ông
già Nô-en ư? Thì có lẽ cháu cũng chả tin có thần tiên nữa! Cháu có thể xin
bố thuê người canh chừng tất cả các ống khói vào đêm Giáng Sinh để tóm cho được
ông già Nô-en, nhưng dẫu cháu không nhìn thấy ông già Nô-en tuột xuống ống
khói, thì điều ấy chứng minh được gì đây? Không ai thấy
ông già Nô-en, nhưng đó không phải là dấu hiệu nói rằng không có ông già Nô-en.
Những việc rất thật trên thế gian này là những việc mà không trẻ con hay người
lớn có thể nhìn thấy. Cháu đã bao giờ nhìn thấy chư tiên múa trên bãi cỏ? Dĩ
nhiên là chưa, nhưng đó đâu phải là bằng chứng rằng chư tiên không có nơi ấy.
Đâu ai có thể quan niệm hay tưởng tượng ra được tất cả những chuyện thần tiên
huyền diệu mà họ không nhìn thấy và không thể thấy trên thế gian này.
Cháu xé toang chiếc lục lạc của em bé để xem
bên trong có cái gì tạo ra âm thanh, nhưng lại có một bức màn che phủ cái thế
giới ta không nhìn thấy mà kẻ mạnh mẽ nhất, thậm chí sức mạnh kết hợp của tất
cả những người mạnh mẽ nhất trên đời này cũng không thể xé toang bức màn ấy
được. Chỉ có đức tin, óc tưởng tượng, thơ ca, tình thương, sự lãng mạn, mới có
thể vẹt tấm màn qua một bên để ta nhìn thấy và chiêm ngưỡng vẻ đẹp siêu phàm,
lộng lẫy phía sau nó. Điều ấy có hoàn toàn thật không? A, này cháu Virginia , trên khắp cả
thế gian này chẳng có điều gì khác lại thật hơn và bền vững hơn thế đâu.
Không có ông già Nô-en ư? Tạ ơn Chúa! Ông già
Nô-en đang sống, và sống mãi muôn đời. Cháu Virgina à, một nghìn năm nữa, hằng
vạn hằng ức năm nữa, ông già Nô-en sẽ còn tiếp tục làm vui lòng con trẻ.
Huệ
Khải
Phú
Nhuận, 07-12-2007
Tuần
báo CGvDT số 1637-1638, từ 21-12-2007 đến 03-01-2008
Trích CÓ NHỮNG MÙA SAO, Nxb Hồng Đức, Hà Nội
2019.
Quyển 127 trong tủ sách VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện (2.000 bản in)
PHỤ ĐÍNH
THƯ CỦA BÉ VIRGINIA
Dear Editor
I am eight years old. Some
of my little friends say there is no Santa Claus. Papa says, “If you see it in The Sun, it's so.” Please tell me the
truth, is there a Santa Claus?
Virginia O’Hanlon
Yes, Virginia, there is a Santa Claus. He exists as certainly as love and generosity and devotion exist, and
you know that they abound and give to your life its highest beauty and joy.
Alas! How dreary would be the world if there were no Santa Claus! It would be
as dreary as if there were no Virginias .
There would be no child-like faith then, no poetry, no romance to make
tolerable this existence. We should have no enjoyment, except in sense and
sight. The eternal light with which childhood fills the world would be
extinguished.
Not believe in Santa Claus!
You might as well not believe in fairies! You might get your papa to hire men
to watch in all the chimneys on Christmas eve to catch Santa Claus, but even if
you did not see Santa Claus coming down, what would that prove? Nobody sees
Santa Claus, but that is no
sign that there is no Santa Claus. The most real things in the world are those
that neither children nor men can see. Did you ever see fairies dancing on the
lawn? Of course not, but that’s no proof that they are not there. Nobody can
conceive or imagine all the wonders there are unseen and unseeable in the
world.
You tear apart the baby’s
rattle and see what makes the noise inside, but there is a veil covering the
unseen world which not the strongest man, nor even the united strength of all
the strongest men that ever lived, could tear apart. Only faith, fancy, poetry,
love, romance, can push aside that curtain and view and picture the supernal
beauty and glory beyond. Is it all real? Ah, Virginia , in all this world there is nothing
else real and abiding.
No Santa Claus! Thank God! He
lives, and he lives forever. A thousand years from now, Virginia , nay, ten times ten thousand years
from now, he will continue to make glad the heart of childhood.