Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

7. GIÁNG SINH THỜI THẾ CHIẾN THỨ NHẤT


GIÁNG SINH THỜI THẾ CHIẾN THỨ NHẤT

Khi hai nước cùng đối đầu trên mặt trận, Giáng Sinh hầu như luôn là cơ hội để các chiến binh tạm ngưng tiếng súng. Thế Chiến Thứ Nhất nổ ra năm 1914. Ngày nay, nhiều người vẫn còn sưu tập các di tích, kỷ vật của hai thời đại chiến, trong đó có sự kiện ngưng bắn không chính thức và ngắn ngủi giữa hai bên Anh và Đức vào dịp Giáng Sinh 1914, và các tài liệu (thư từ, hình ảnh, bưu thiếp…) đang được lưu giữ tại Liberty Memorial Museum (bang Kansas, Mỹ). Sau đây là trích đoạn một số thư tín tiêu biểu về những đêm Giáng Sinh 1914-1918:
1. Pháo thủ Herbert Smith (khẩu đội 5, pháo binh Anh) viết:
Đêm Giáng Sinh (1914) có một sự yên ắng giữa cuộc chiến. Quân Đức dựng một cây Giáng Sinh trong chiến hào.
2. Một lính Đức khuyết danh kể lại:
Giáng Sinh 1914.
Thình lình một đồng đội của tôi báo cáo: “Bọn Anh đang bắn pháo bông.” Và quả vậy, ở chiến hào của quân thù trước mặt chúng tôi sáng rực lửa và pháo thăng thiên, v.v… Sau đó chúng tôi đã sẵn sàng dựng vài biểu ngữ “Giáng Sinh hạnh phúc”, thắp hai cây nến phía sau và hai cây phía trên.
3. Thư của một lính Bỉ:
Giáng Sinh (1914) trong chiến hào. Hẳn là buồn lắm, có phải em nói thế? Nửa đêm một giọng nam trung trổi lên và vang rền âm ba lời ca “Nửa đêm, con Chúa hỡi”. Tiếng đại bác nổ đùng đoàng, và khi lời ca lặng tắt, tiếng vỗ tay tán thưởng ở cả chiến hào bên ta và bên phía Đức!
4. Tấm ảnh 1914:
Hai người lính Đức nhân lúc tạm hưu chiến (1914), đi tìm hai nhánh cây về doanh trại để làm cây Giáng Sinh. Nét mặt hân hoan vì đã tìm được chút cây xanh giữa chiến địa hoang tàn.


5. Gemeiner Ernst Bergner (lính Đức, trung đoàn bộ binh 143) tâm tình:
Giờ thì chúng tôi đang ở phía trước đồi 60 buổi tối Giáng Sinh 1915. Cánh quân chúng tôi đang ở trong hầm trú bằng bê tông, dãy thứ hai… Đây là Giáng Sinh thứ hai của cuộc chiến này… Tôi phải tìm một cây Giáng Sinh, không có nó thì không có Giáng Sinh… Hôm nay là một ngày mùa Đông tuyệt vời, hiếm hoi mới có được sự yên ắng trùm lên mặt trận.
Ở tỉnh lẻ quê nhà đêm Giáng Sinh ra sao nhỉ? Ai ai cũng vội vàng mang theo quà cáp quay về nhà. Còn nơi đây tôi đang lẻ loi với cây Giáng Sinh của mình trong chiến hào nhỏ. Trên mấy nhánh cây và trên chiếc nón sắt cũ tôi thắp vài ngọn nến.
6. Và tấm ảnh này...


Người ta còn giữ được tấm bưu ảnh này, tuy tróc đôi chỗ, nhưng vẫn còn rất tốt. Anh Rudolf (Đức) ngày 19-12-1915 gởi nó về cho cô Linor Hehsler. Trong ảnh, ba người lính Đức buồn bã bên bàn rượu đón Giáng Sinh. Họ cũng có cây thông giăng đèn truyền thống. Nhưng mỗi người ngó mông về một hướng khác nhau. Có lẽ họ nhớ nhà, nhớ những mùa Giáng Sinh êm đềm đã xa lắc giữa thời chinh chiến.
*
Đình chiến, quân Đồng Minh đổ vào Đức. Quân Mỹ đóng ở thành phố Coblenz dựng cây Giáng Sinh trước tòa nhà Chính Phủ, thắp sáng rực những dây đèn dài giăng trên cây thông khi hoàng hôn vừa sụp xuống. Âm nhạc tràn ngập các toán quân, thường dân Đức và trẻ con túa ra vui chơi ngày hội. Các khung cửa sổ tòa nhà Chính Phủ vẫn sáng đèn và sau nhiều năm vắng bóng, trên nóc tòa nhà ấy đã thắp sáng cây thánh giá.
Thế là Giáng sinh đã trở lại. Nhưng rồi lại diễn ra Thế Chiến Thứ Hai (1939-1945) và nhiều cuộc chiến tranh khác nữa… cho đến mãi hôm nay!


Lại một mùa Giáng Sinh nữa, thế giới vẫn chưa yên lành, và chiếc trực thăng nhà binh này dẫu có vẽ to hàng chữ MERRY XMAS và HAPPY NEW YEAR thì những người lính đang ôm súng trên đó chắc cũng khó lòng cảm thấy vui khi năm cũ sắp tàn.
Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm. (Lu-ca 2:14) Xin nguyện cầu được như thế.

Huệ Khải
Phú Nhuận, 08-12-2006
Tuần báo CGvDT số 1587-1588, từ 15 đến 21-12-2006
Trích CÓ NHỮNG MÙA SAO, Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2019.


Quyển 127 trong tủ sách VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện (2.000 bản in)