3. NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY
Có lần Mác-tin thức khuya, đắm mình vào quyển kinh.
Đang đọc Phúc Âm chép theo Thánh Lu-ca, ở chương thứ sáu ông gặp những dòng này
(câu 9-31):
Ai tát má bên nầy
của các con, hãy đưa luôn má bên kia cho họ tát. Ai muốn cướp giựt áo ngoài của
các con, đừng cố giữ lại áo trong. Ai xin, hãy cho. Ai lấy của các con vật gì,
chớ đòi lại. Hãy làm cho người khác những gì các con muốn họ làm cho mình.
Ở chương đó ông còn đọc những dòng này (câu 46-49):
Tại sao các con
gọi Thầy “Lạy Chúa, lạy Chúa” mà không làm theo những điều Thầy bảo? Thầy sẽ
chỉ cho các con thấy bất kỳ người nào đến với Thầy, nghe và làm theo lời Thầy
thì giống ai: Họ giống người cất nhà, đào móng thật sâu, và xây nền trên đá
tảng. Khi nước lụt dâng lên, lũ dữ tràn tới, nhà ấy vẫn chẳng lay chuyển, vì
móng nền được xây trên đá tảng. Nhưng ai nghe mà không làm theo thì giống người
cất nhà trên mặt đất mà chẳng xây móng làm nền. Khi lũ dữ tràn tới, nhà ấy liền
sụp đổ, tan hoang.
Khi đọc mấy lời này, lòng Mác-tin thầm vui. Gỡ mắt
kiếng ra đặt lên quyển kinh, rồi chống khuỷu tay lên bàn, ông suy gẫm những gì
vừa đọc. Ông xét lại đời mình theo chuẩn mực những lời kinh đó, tự hỏi: “Nhà
mình xây trên đá hay trên cát? Nếu cất trên đá thì tốt. Ngồi đây lẻ loi, cho
rằng mình đã làm xong những mệnh lệnh của Trời thì dường như dễ quá. Nhưng ngay
khi thôi cảnh giác, mình lại tái phạm tội lỗi. Tuy nhiên mình sẽ kiên trì và sẽ
có được niềm vui. Ôi, lạy Thầy, xin hãy giúp con!”
Sắp phải đi ngủ nhưng Mác-tin không muốn rời quyển
kinh. Thế nên ông đọc tiếp qua chương thứ bảy (câu 36-46):
Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu ([1]) mời Thầy Giê-su ăn tối
với ông ta. Thầy đến nhà ông Pha-ri-sêu ấy và ngồi vào bàn. Một phụ nữ trong
thành vốn là người tội lỗi biết rằng Thầy đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu,
nên tới đó, xách theo một bình quý đựng dầu thơm. Chị đứng phía sau, sát chân
Thầy và khóc, nước mắt ướt đẵm hai bàn chân Thầy. Rồi chị lấy tóc mình lau hai
bàn chân, hôn chúng và lấy dầu thơm rưới lên đó.
Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Thầy tới nhà nhủ thầm: “Nếu ông này
là ngôn sứ,([2]) thì ắt biết ai đang
chạm vào ông ta và ả là hạng người nào, là kẻ tội lỗi.”
Thầy Giê-su bảo ông: “Này Si-môn, tôi có điều nói với ông.” Ông ấy
thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” Thầy Giê-su nói: “Người nọ có hai con nợ. Kẻ nợ
năm trăm quan tiền, kẻ nợ năm chục. Họ chẳng có tiền trả, chủ nợ bèn xóa nợ cho
cả hai. Vậy trong hai người đó, ai thương chủ nợ hơn?” Ông Si-môn đáp: “Tôi cho
rằng người được tha nợ nhiều hơn.” Thầy Giê-su bảo: “Ông xét đoán đúng rồi.”
Quay về phía người phụ nữ, Thầy nói với ông Si-môn: “Ông thấy người
phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông mà ông chẳng rưới chút nước nào lên chân tôi, còn chị ấy lấy nước mắt tưới
ướt chân tôi, và lấy tóc mình lau khô. Ông chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ
lúc vào đây không ngừng hôn chân tôi. Ông chẳng đổ dầu lên đầu tôi,([3]) còn chị ấy lấy dầu
thơm rưới lên chân tôi.”
Đọc những dòng này, Mác-tin ngẫm nghĩ: “Ông ta không
rưới nước lên chân Thầy, không hôn cũng không đổ dầu lên đầu Thầy . . .”
Mác-tin gỡ kiếng ra lần nữa, đặt lên quyển kinh, và trầm tư: “Ông Pha-ri-sêu đó
chắc giống mình. Ông ta chỉ nghĩ tới bản thân quá nhiều: làm sao có tách trà,
làm sao giữ ấm và thoải mái mà chẳng hề nghĩ tới khách. Ông ta lo cho bản thân,
còn khách mình mời thì chẳng ngó ngàng. Mà khách là ai vậy? Chính là Thầy đấy!
Nếu Thầy đến với mình, liệu mình có cư xử tệ giống thế?”
Rồi Mác-tin gục đầu lên hai cánh tay, ngủ thiếp hồi
nào cũng chẳng hay chẳng biết.
Bỗng ông nghe một giọng nói, cơ hồ ai rót vào tai:
- Mác-tin!
Ông choàng tỉnh, hỏi:
- Ai đó?
Ông nhìn quanh và ngó ra cửa; chẳng thấy ai cả. Ông
lại hỏi nữa, rồi nghe thật rõ:
- Mác-tin! Mác-tin à, mai con nhìn ra đường nhé, vì
Thầy sẽ đến.
Mác-tin tỉnh hẳn, đứng dậy, giụi hai mắt. Nhưng ông
không biết là mình nghe những lời đó trong mơ hay đang thức. Ông tắt đèn vào
giường nằm ngủ.
[Còn tiếp]
LEV TOLSTOY (Mạc Tư Khoa,1885)
HUỆ KHẢI (Nhiêu Lộc, 2019)
Trích NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019.
Quyển 128 trong tủ sách VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách
Đại Đạo thực hiện (2.000 bản in)