Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

2. CHÚA KHÔNG CÓ NHÀ

CHÚA KHÔNG CÓ NHÀ



Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm.” Bấy giờ những người công chính sẽ thưa: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?” Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ: “Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
Đoạn Phúc Âm (Mát-thêu 25:35-40) dẫn trên đã là nguồn cảm hứng siêu nhiên đối với Timothy P. Schmalz, điêu khắc gia người Ontario (Canada), bốn mươi bốn tuổi. Thế nên, ông đã tạc một pho tượng lớn bằng người thật, nằm co ro trên băng ghế lộ thiên, dài hai mét rưỡi. Ta không thấy được gương mặt, vì con người nghèo khổ đó trùm kín trong chăn, chỉ có đôi bàn chân thò ra ngoài. Nhưng, chú ý nhìn kỹ bàn chân, ta thấy dấu đinh đóng xuyên qua.
Thì ra Chúa đấy! Chúa không nhà, Chúa đang chia sẻ nỗi thống khổ của biết bao kẻ lang thang không nhà, đang sống lây lất giữa thế gian xa hoa hoang phí.
Cả hai nhà thờ chánh tòa Thánh Micae ở Toronto (Canada) và nhà thờ chánh tòa Thánh Patrick ở thành phố New York (Hoa Kỳ) đều từ khước tặng vật hy hữu này. Do đó, đã có lúc kiệt tác điêu khắc của Schmalz phải phơi mình trong mưa tuyết bên ngoài trường thần học Regis College của dòng Tên ở Toronto.
Phúc Âm (Lu-ca 9:58) chép rằng Chúa đã bảo con chồn còn có hang, chim trời thì có tổ, nhưng Chúa lại chẳng có được một chỗ để mà tựa đầu. Mặc dù vậy, vì quá kính ái Chúa, phần đông không muốn và không nỡ nhìn thấy tượng Chúa không nhà, nằm co ro trên băng ghế. Thế nên dễ hiểu vì sao kiệt tác “Giê-su không nhà” đã bị từ khước.
Sau hai năm chưa tìm được chỗ an vị cho “Giê-su không nhà”, cuối cùng Schmalz đã toại nguyện, là quảng trường Thánh Phê-rô, Vatican. Ngày Thứ Tư 04-12-2013, Schmalz chuyển tới trước mô hình gốc bằng gỗ, kích thước như thật để trình Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô. Tượng đồng sẽ được chuyển tới sau.
Sau buổi tiếp kiến chung hằng tuần, Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện trước tượng này và làm phép lành bức tượng. Ngài thích tác phẩm của Schmalz.
Timothy P. Schmalz rất cảm kích. Ông nói với báo chí: “Đức Giáo Hoàng tự xưng là Phan-xi-cô. Mà Thánh Phan-xi-cô là một người ăn xin.”
Huệ Khải
Phú Nhuận, 16-12-2013
Tuần báo CGvDT số 1937-1938, từ 20-12-2013 đến 02-01-2014
Trích CÓ NHỮNG MÙA SAO, Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2019.

Quyển 127 trong tủ sách VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện (2.000 bản in)