Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

8. GIÁNG SINH VÀ QUẺ PHỤC


GIÁNG SINH VÀ QUẺ PHỤC



Sống li lòng mình hi thế nhân
Trở v Thượng Ðế Tính đơn thuần
Không gây tham vọng không oan trái
Nước mnh dân an bi hp qun.([1])
Đại Tiên Lê Văn Duyệt
Mừng Giáng Sinh 2002, báo Công Giáo và Dân Tộc, số kép 1387-1388, ngay từ những trang đầu đã chuyển tải một ý tưởng mà con người hôm nay cần để tâm suy gẫm:
Do nhiều lý do lịch sử và xã hội, cơn cám dỗ triền miên của những người Công Giáo chúng ta là dễ có khuynh hướng chỉ có chúng ta mới có thể xây dựng yêu thương, công bằng và huynh đệ cho nhân loại (. . .) từ đó dễ đưa đến một thái độ sống co cụm, thiếu tôn trọng những thiện chí của người khác; dễ làm thầy dạy hơn làm chứng nhân, dễ làm người phê phán hơn làm người hợp tác.([2])
Tôi không dám tin rằng cơn cám dỗ triền miên nêu ra trong bài báo nói trên chỉ là “riêng tư” của những người Công Giáo. Tôi nghĩ tác giả đã lịch sự mà bớt lời bớt chữ. Xưa nay, có lẽ đây cũng là cơn cám dỗ của hầu hết những tôn giáo và những ai vốn không tự kềm chế được nhiệt huyết lý tưởng nên tự thấy rằng chỉ chính họ và riêng họ mới có sứ mạng cứu thế: Một độc quyền mang lại hạnh phúc cho chúng sinh.
Con người thường có tâm lý cho mình luôn đúng hơn kẻ khác và muốn thống trị kẻ khác, xứng đáng được nhận phần ưu thắng về mình mà chà đạp những người đồng loại cùng là con của Chúa, Phật...([3])
Hai tác giả, hai bài báo khác nhau, nhưng sao lại gióng lên cùng một hồi chuông trong trẻo đến thế! Tôi nghĩ, phải chăng vì sinh khí, vì linh lực của Giáng Sinh đã khơi nguồn mạch sống thiêng liêng?
Thực vậy, đại lễ mừng Chúa giáng sinh nhằm vào mùa Đông, cuối tháng 12 dương lịch (tháng 11 âm lịch), cũng là tiết Đông Chí theo nông lịch.
Kinh Dịch tượng trưng thời khắc này của vũ trụ bằng hình tượng một hào âm (hào 1, hay hào sơ, là vạch đứt dưới cùng) ở quẻ Khôn đã trổi dậy thành hào dương (vạch liền) để biến thành quẻ Phục. Đông Chí ứng với quẻ Phục. Giáng Sinh ứng với quẻ Phục.
Hào 1 âm ở quẻ Khôn trở thành hào 1 dương ở quẻ Phục nói lên rằng khí dương đã hồi phục, cũng tượng trưng cho sự hồi phục đạo lý ở lòng người. Con người đầy tham dục và ngộ nhận (quẻ Khôn thuần âm, với sáu vạch đứt) nay đang bắt đầu le lói ánh sáng của đạo lý hay thiên lý (hào 1, vạch liền dưới cùng quẻ Phục). Do đó, cái lý của Giáng Sinh là phục sinh đạo lý nơi con người và cuộc đời, làm sống lại, phục hồi lại tình thương đã hư hao nơi lòng người.
Sự phục sinh này không phải dễ dàng. Quẻ Phục gồm ba vạch trên là quẻ Khôn, tượng Đất hay Địa; ba vạch dưới là quẻ Chấn, tượng Sấm hay Lôi. Do đó, tên quẻ Phục gọi đầy đủ là Địa Lôi Phục (tiếng sấm dưới lòng đất). Mỗi người phải lóng tai và lắng lòng mới có thể nghe được. Cho nên, tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến cho rằng cuộc trùng tu của nhân loại hôm nay chính là một cuộc đấu tranh từng giờ từng phút trong bản thân mỗi con người giữa thói ích kỷ và lòng vị tha, bằng sự tự xét và quyết định bởi hành vi thực tâm sống đạo, sẵn sàng chia sẻ với những người bất hạnh khốn khổ, không tranh giành (. . .). Và: Một nhân loại đang có vẻ đổ nát sẽ có thể trùng tu lại được chỉ trên cơ sở một niềm xác tín như thế bằng nỗ lực tự thân trước hết của mỗi người chúng ta.([4])
Tiếng chuông Giáng Sinh như vậy, theo tôi cũng là tiếng chuông tỉnh thức để con người “sống lại lòng mình”. Số báo Giáng Sinh vừa qua đã gióng lên tiếng chuông đó, đem một tấm lòng gởi tới mọi tấm lòng đang phấn đấu sửa sang, tu tạo lại chính mình để góp phần trùng tu lại cuộc đời.
Huệ Khải
Phú Nhuận, tháng 12-2002
Tuần báo CGvDT số 1389, từ 03 đến 09-01-2003
Trích CÓ NHỮNG MÙA SAO, Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2019.



([1]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, thánh giáo ngày 21-3-1970.
([2]) Nguyễn Thanh Long, Chúa Nhập Thể Để Ở Giữa Con Người. Tuần báo CGvDT số 1387-1388, tr. 3.
([3]) Trần Khuyết Nghi, Tin Mừng Với Cuộc Trùng Tu Của Nhân Loại Hôm Nay. Tuần báo CGvDT số 1387-1388, tr. 5.
([4]) Trần Khuyết Nghi, bài đã dẫn, tr. 5.