Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

12. NÉT ĐẸP GIÁNG SINH


NÉT ĐẸP GIÁNG SINH TRONG TÌNH ĐẠO CAO ĐÀI

Tôi muốn mở đầu bằng nhan đề như thế, khi lần giở những ảnh lưu trữ về thánh thất Bàu Sen, thấy lại các đạo hữu Cao Đài, khăn đóng đen, áo dài trắng, đang trịnh trọng xướng lễ nhân ngày Giáng Sinh, và cao cao trên bức tường sau lưng họ, nổi bật dòng chữ lớn, mỹ thuật: VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN TRỜI. BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI THIỆN TÂM.
Đó là một tấm ảnh đẹp, thể hiện trung thực tư tưởng đại đồng, vạn giáo nhất lý của Cao Đài, như bài thánh ngôn (quán tâm thành tôn hiệu DA TÔ GIÁO CHỦ)([1]) dạy vào đêm Giáng Sinh 24-12-1965 tại Hườn Cung Đàn:

Thích, Nho, DA, Lão một đường về

Chánh tín TÔ bồi thoát muội mê
Độ thế GIÁO dân tùy mỗi xứ
Một trời CHỦ tể khắp tư bề.
Tôn giáo nào xét cho cùng cũng chỉ nhằm khai phóng một con đường chánh đại cho những người thiện tâm trở về với Đấng Thiên Chúa (Trời Cha). Đó cũng là ý chỉ bài thánh ngôn được chuyển tải giữa tình cảm thiêng liêng của người đạo Cao Đài vào đêm Giáng Sinh 24-12-1963 tại Tòa Thánh Châu Minh, Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên (Bến Tre):

Những lời giáo lý của Giêsu

Nam nữ chăm ghi để học tu

Đêm tối phải nhờ nơi đuốc huệ

Ngày đông nắng chói vẹt sương mù

Tâm lành sẽ được về Thiên quốc ([2])

Ác ý ắt là xuống ngục tù
Hữu chí cánh thành ([3]) đâu phải khó

Ráng tu trọn phận đưc danh lưu.([4])

Đức Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Thế được tôn vinh và phụng thờ trong hệ thống Bát Quái Đài của mọi Tòa Thánh, thánh thất Cao Đài trên đất nước Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Với đức tin và lòng thành kính ngưỡng ấy, liên tục trong khoảng bốn mươi năm qua,([5]) cứ mỗi độ tiết Đông Chí trở về, cùng lúc dọn mình chuẩn bị nhập khóa tu thiền nuôi dưỡng tâm linh, họ đạo Cao Đài Bàu Sen lại náo nức phân công nhau sửa soạn thánh lễ Giáng Sinh vào sáng ngày 24-12 dương lịch. (Vào nửa đêm, trong bửu điện, sẽ thiết đại đàn cúng thời Tý, thượng sớ kỷ niệm Đức Da Tô Giáo Chủ giáng sinh.)
Dịp này đồng thời cũng là lễ kỷ niệm tái thiết thánh thất, và là dịp liên giao hành đạo giữa họ đạo Bàu Sen với các cộng đồng Cao Đài khác, cũng như các tôn giáo bạn, đặc biệt là các vị khách quý đến từ các giáo xứ, dòng tu Công Giáo. Và vì thế, đã trở thành một hình ảnh quen thuộc mỗi khi đến thánh thất vào ngày thánh lễ Giáng Sinh, chúng ta không chỉ gặp cây thông và hang đá xinh xinh, mà còn thấy các vị Ki-tô hữu đang chăm chú theo dõi một đạo hữu Cao Đài trình bày về ý nghĩa Giáng Sinh qua thánh ngôn, thánh giáo Cao Đài, hay một vị linh mục đang đứng trên bục giảng giữa thánh thất Cao Đài để sẻ chia những điều cảm nghiệm chân thành trong không khí thiêng liêng đón mừng ơn phước của Chúa Cứu Thế.


Nay ở số 59/9 Trần Phú, phường 4, quận 5, thánh thất Bàu Sen lọt thỏm giữa khu dân cư chen chúc, ngõ ngách quanh co. Phần lớn bà con địa phương sinh sống bằng nghề làm sương sâm, truyền nhau qua nhiều đời.
Khi xưa, Sài Gòn còn cảnh người thưa đất vắng, nơi đây là một cái bàu lớn trồng sen. Tháng 3-1949, tiền bối Phan Thanh, người làng Bình Trị Đông (Bà Hom), tỉnh Chợ Lớn, đã quy tụ dân quê lưu tán vì chạy loạn chiến tranh, và dựng lên ngôi thánh thất đơn sơ ở xóm nghèo này, thì Bàu Sen trở thành cái tên đi vào sử đạo Cao Đài. Trước khi sang Anh truyền đạo (1950), rồi sang Pháp và quy thiên ở Paris (1952), tiền bối Phan Thanh còn kịp lập ở Bàu Sen một cô nhi viện (1950) để cưu mang, đùm bọc những sinh linh bé nhỏ sớm là nạn nhân của một thời khói lửa điêu linh.
Cô nhi viện Bàu Sen không còn, nhưng thánh thất Bàu Sen đã dần dần khang trang hơn và vẫn tiếp tục con đường thực thi tư tưởng đại đồng, vạn giáo nhất lý, nối tiếp đạo nghiệp của tiền bối Phan Thanh (đắc quả Bạch Liên Tiên Trưởng).
Từ năm 1949 tới nay thánh thất này vẫn là một thánh sở đơn lập, nghĩa là không tùy thuộc vào một Hội Thánh, Tòa Thánh nào. Khoảng gần cuối thập niên 60 của thế kỷ 20, sau một thỏa thuận liên giao hành đạo giữa một số thánh sở Cao Đài ở Sài Gòn và vùng phụ cận, thánh thất Bàu Sen đã vinh dự được chọn làm nơi đại diện cho toàn thể cộng đồng Cao Đài ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định để hằng năm thiết thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh.
Mấy thập niên trôi qua trong nhiều đổi thay của đất nước nói chung và Sài Gòn nói riêng, nhưng Bàu Sen vẫn trung thành, bền bỉ với vinh dự được thay mặt cộng đồng Cao Đài làm sáng danh Chúa trong Tam Kỳ Phổ Độ.
Kết thúc thánh lễ ở Bàu Sen bao giờ cũng là một tiệc chay thơm ngon, thanh khiết. Ăn chay để mừng Chúa Giáng Sinh, các vị linh mục, nữ tu, Ki-tô hữu lại hòa chung niềm vui với họ đạo Cao Đài, cùng quây quần dưới một mái thánh đường. Đó cũng là nét son tươi đẹp khoanh lại chặng đường một năm dài tu học sắp sửa kết thúc theo mấy tờ lịch đang mỏng dần trên vách.
Cụ Nguyễn, một trí thức Công Giáo khả kính, có lần bảo tôi rằng cụ đã đi nhiều và nghe nhiều. Cụ đã từng ngồi giữa những giáo đường sang cả, lộng lẫy huy hoàng, và đã từng bao lần xúc động ngập tràn khi nghe những bài giảng hoặc lưu loát hùng biện, hoặc tinh tế chữ nghĩa, hoặc bóng bảy ngôn từ. Nhưng chính khi có dịp ngồi giữa những đạo hữu Cao Đài lam lũ, chất phác, ở một thánh thất rất bình dị như Bàu Sen và rồi lắng nghe cách bày tỏ mộc mạc, chân chất đến mức lắm khi tưởng như vụng về của những người bạn đạo áo trắng đơn sơ này, cụ lại càng xúc động lãnh hội thêm sâu sắc ý nghĩa vì sao Chúa Cứu Thế đã chọn một gia đình lao động thanh bần, và đã giáng sinh trong máng cỏ hèn mọn nơi hang đá lạnh lẽo giữa đêm đông tuyết giá.
Huệ Khải
Phú Nhuận, 08-12-2003
Tuần báo CGvDT số 1437-1438, từ 12 đến 18-12-2003
Trích CÓ NHỮNG MÙA SAO, Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2019.

Quyển 127 trong tủ sách VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện (2.000 bản in)



([1]) Da Tô 耶穌: Da cũng viết là Gia . Da, Gia đều có nghĩa là cha.
([2]) Thiên quốc : Nước Trời.
([3]) hữu chí cánh thành 生有志更成: Có ý chí thì cuối cùng sẽ thành công, làm nên việc.
([4]) được danh lưu: Có tên tuổi, danh tiếng với đời.
([5]) Bài này viết năm 2003.