ĐÀN
CHIM TRỐN TUYẾT
Louis Cassels chào đời ngày 14-01-1922 tại thị
trấn Ellenton, bang Nam Carolina và được nuôi dạy ở đấy. Tốt nghiệp Viện Đại
Học Duke (1942) ông gia nhập không quân. Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, giải ngũ
không lâu, ông làm thông tín viên cho hãng thông tấn UPI trong hai mươi năm.([1]) Năm 1967 Cassels
trở thành chủ bút (senior editor)
kiêm phụ trách chuyên mục tôn giáo cho UPI và giữ chức vụ này mãi đến khi qua
đời.
Ông còn nổi tiếng nhờ viết sách tôn giáo và luân lý, được
tặng nhiều giải thưởng. Từ năm 1955 đến 1974, chuyên mục Tôn giáo ở Hoa Kỳ của ông xuất hiện trên hơn bốn trăm nhật báo. Ông
tạ thế ngày 23-01-1974 tại thành phố Aiken, bang Nam Carolina. Mười năm cuối
đời, ông viết hàng chục quyển sách về đức tin, có những quyển nổi tiếng như: Your Bible (Kinh Thánh của bạn, 1967); The Real Jesus: How He Lived and What He Taught
(Giê-su đích thực: cách sống và lời dạy, 1968); The Reality of God (Chân tính của Thượng Đế, 1971), v.v…
Tháng 12 năm 1959 Cassels đăng báo một truyện ngắn. Từ
đó tới nay các báo, đài phát thanh và hàng trăm tổ chức truyền thông… trên khắp
nước Mỹ đã không ngừng dùng lại câu chuyện này. Mỗi lần được dùng lại, bản văn
gốc của ông lại bị thay đổi nhan đề, thay đổi một ít chữ và câu. Thành thử, qua
nhiều lần in thành sách, ghi âm thành sách nói, hay tải lên mạng Internet… hiện
nay đang có khá nhiều dị bản. Một nhan đề phổ biến hơn cả là The Parable of the Birds (Dụ ngôn về đàn
chim). Bản tiếng Việt sau đây căn cứ theo một bản tiếng Anh (dài non 600 từ) khá
phổ biến hiện nay.
ĐÀN CHIM TRỐN TUYẾT
Người đàn ông tôi sắp giới thiệu với quý bạn không
phải là kẻ bủn xỉn. Ông ấy tử tế, lịch sự, nói chung là người tốt. Ông rộng
lượng với gia đình, đúng đắn trong tiếp nhân xử thế.
Có điều ông không tin gì hết về chuyện Thiên Chúa
xuống thế gian làm người, như các nhà thờ vẫn rao giảng mỗi dịp Giáng Sinh.
Chuyện ấy theo ông chả có nghĩa lý chi và bởi lẽ ông ta quá trung thực nên
không thể giả vờ tin tưởng được.
Ông bảo vợ:
- Anh thật sự xin lỗi em, nhưng anh sẽ không cùng em đi
lễ nhà thờ đêm Giáng Sinh.
Ông bảo không muốn làm kẻ giả đạo đức nên chỉ muốn ở
nhà mà thôi. Nhưng ông sẽ thức khuya đợi vợ con tan lễ trở về. Thế là ông ở nhà
còn vợ con cứ đi dự thánh lễ nửa đêm.
Vợ con ông lái xe đi chẳng mấy chốc thì tuyết bắt đầu
rơi. Ông ra đứng ở cửa sổ dõi mắt nhìn cơn mưa tuyết bất ngờ đang mỗi lúc một
trở nên dữ dằn hơn. Rồi ông trở lại chiếc ghế kê bên cạnh lò sưởi để đọc báo.
Mấy phút sau ông giật mình vì có gì đó rớt nghe cái phịch. Lại thêm tiếng nữa,
và tiếng nữa.
Thoạt đầu ông ngỡ ắt hẳn ai đó vò tuyết thành cục ném
vào cửa sổ phòng khách nhà mình. Nhưng khi bước ra cửa trước xem xét, ông thấy
một đàn chim khổn khổ túm tụm vào nhau giữa trời tuyết lạnh. Chúng gặp bão
tuyết, trong lúc tuyệt vọng tìm chỗ trú ẩn, đã cố sức bay qua ô cửa kính to
tướng lắp ở phòng khách nhà ông.
Ông không thể để cho các sinh vật đáng thương này nằm
ngoài trời chết cóng. Ông nhớ đến cái chuồng đám trẻ nhà ông dùng nhốt chú ngựa
con. Chuồng ngựa là chỗ trú ẩn ấm áp nếu ông có thể lùa hết đàn chim vào trong
đó.
Ông nhanh nhẹn khoác áo choàng, mang ủng lội tuyết,
rồi giẫm lên lớp tuyết dày đi ra chuồng ngựa. Ông mở toang cửa, thắp đèn lên,
nhưng lũ chim không chịu vào. Ông nghĩ thức ăn sẽ dụ chúng được. Thế là ông vội
vàng trở vào nhà, tìm vụn bánh mì và rắc lên mặt tuyết trắng. Ông rải thành con
đường từ chỗ đàn chim suốt tới cửa chuồng ngựa đang mở toang và sáng trưng đèn.
Nhưng nản quá, lũ chim chẳng ngó ngàng tới chỗ vụn bánh mì, cứ tiếp tục vỗ cánh
tuyệt vọng trong tuyết.
Ông cố chộp lấy chúng. Ông cố lùa chúng vào chuồng
ngựa bằng cách đi vòng chung quanh đàn, xua tay lia lịa, mồm thì xuỵt xuỵt liên
tục. Lũ chim chỉ tản mác ra chứ chẳng chịu ùa vào cái chuồng sáng đèn, ấm áp.
Ông biết lũ chim sợ ông. Ông suy luận, với chúng thì ta
là kẻ lạ và đáng sợ. Ước gì ta có thể nghĩ ra cách chi đó để giúp chúng hiểu
rằng chúng có thể tin cậy ta, rằng ta không cố ý làm hại chúng mà chỉ đang cố
gắng cứu giúp chúng. Nhưng cách chi đây?
Ông nhủ thầm: “Ước gì ta biến thành chim, nhập bọn
với chúng và nói ngôn ngữ loài chim. Thế thì ta có thể bảo chúng chớ có sợ. Khi
ấy ta có thể dẫn dắt cả đàn đi vào chuồng ngựa an toàn, ấm áp. Ước gì ta là một
con chim cùng đàn để chúng thấy ta, nghe ta, và hiểu được ta.”
Ông vừa nghĩ tới đó thì chuông nhà thờ đổ rền. Tiếng
chuông vang vọng thấu tai ông át luôn tiếng gió rít. Ông đứng đó lắng nghe
những hồi chuông ngân vang khúc hoan ca mừng lễ Giáng Sinh. Và ông khuỵu xuống,
quỳ luôn trên nền tuyết lạnh.
Ông chắp tay, thì thầm: “Nay con hiểu rồi. Con đã hiểu
vì sao Thiên Chúa phải xuống thế làm người.”
SUY
NIỆM
Trước thềm Giáng Sinh năm 2012, tôi tình cờ tìm được dụ ngôn của Louis
Cassels và vui sướng thưởng thức. Chuyện hay quá, giản dị mà cao siêu, nên tôi muốn
sẻ chia cùng quý bạn đọc không chỉ bản dịch mà còn cả đôi điều suy niệm vụn vặt
của mình.
Tôi nghĩ, một em bé trí óc non nớt ắt khó lãnh hội một đề tài thần học,
nhưng câu chuyện giản dị, tuyệt vời của Cassels sẽ giúp thiếu nhi trực nhận
được tức thì lý do sâu xa huyền nhiệm vì sao Thiên Chúa từ trên trời cao phải
đi xuống trần gian, mang lấy xác phàm, để làm một con người giữa cõi ta bà tục
lụy, cái cõi khổ đau mà Phật Thích Ca dạy rằng nước mắt thế nhân gom lại còn
nhiều hơn nước mặn bốn đại dương.
Từ dụ ngôn của Cassels, tôi nghĩ tới một suy niệm mà
bản thân đã xác tín nhiều năm trước.
Hai mươi tuổi đầu, tôi ngộ đạo Cao Đài. Những dòng
thánh giáo thiêng liêng đánh thức tôi, làm tôi rung cảm. Nhưng tôi cũng không
khỏi băn khoăn. Thánh giáo của Đức Cao Đài, của Đức Mẹ Diêu Trì, của các Đấng
thiêng liêng trong Tam Kỳ Phổ Độ luôn luôn chứa chan tình cảm, vì có tỉ tê
khuyên nhủ, có thở than cám cảnh, có chan nước mắt, có lẫn tiếng cười…
Thoạt đầu tôi nghĩ, khi tu tới bậc thánh như La Hán
thì đã dứt luân hồi sanh tử; tức là không còn thất tình lục dục, không còn
những tình cảm tục lụy tầm thường của người phàm trần. Các Đấng Bồ Tát, Tiên
Phật, Thượng Đế đạo quả cao tột hơn hẳn bậc La Hán, cớ sao lại còn bộc lộ những
tình cảm không khác chi những kẻ thế gian vẫn đang mải miết lẩn quẩn giữa vòng
sanh tử luân hồi?
Rồi tôi dần dần nghiệm ra. Khi trong nhà có trẻ con,
người lớn chơi với trẻ phải tìm cách kết thân với trẻ, phải đồng hóa mình với
trẻ. Cho nên già đầu mà cứ giả bộ làm con nít, ăn nói đớt đát vụng về.
Cũng như vậy, để con cái trần gian gần gũi hơn với Trời
Phật, Tiên Thánh, các Đấng mượn lấy tiếng khóc cười và lời than thở của trần
gian đem vào lời Tiên tiếng Phật trong thánh ngôn, thánh giáo Cao Đài.
Nếu chỉ quan niệm các Đấng là những khối Linh Quang (những
vầng Ánh Sáng Thiêng Liêng), tức vô hình vô dạng, thì con người xác thịt hữu
hình khó lòng cảm nhận được các Đấng là “đồng loại” với mình, bởi hai đàng xa
cách nhau quá.
Trần gian là thế giới nhị nguyên (dualistic) có âm dương nam nữ, có cha có
mẹ… Cõi Trời, cõi Phật nào phải là cõi nhị nguyên, thế nhưng đến với trần gian
thì các Đấng lại là Cha (Đại Từ Phụ, Thượng Đế), là Mẹ (Phật Mẫu Diêu Trì) để
tâm tưởng con người dễ hình dung, dễ thân cận.
Trong Nhị Kỳ Phổ Độ (theo sử quan Cao Đài), bên trời
Do Thái, Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc loài người.
Sang Tam Kỳ Phổ Độ, tại đất Việt Nam , Thượng Đế và các Đấng lại
xuống thế, mang mặc tình cảm con người để dễ dàng gần gũi con người ngõ hầu nhủ
khuyên, dẫn dắt con người thức tỉnh quay trở về với Đạo, với Thượng Đế.
Và tôi tin đây là một trong nhiều lẽ tương
đồng giữa Công Giáo và Cao Đài.
Huệ
Khải
Phú
Nhuận, 01-12-2012
Tuần
báo CGvDT số 1887-1888, từ 14 đến 27-12-2012
Trích CÓ NHỮNG MÙA SAO, Nxb Hồng Đức, Hà Nội
2019.
Quyển 127 trong tủ sách VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện (2.000 bản in)