ĐÊM
THÁNH VÔ CÙNG
Hằng năm, mỗi
dịp Giáng Sinh, trên khắp thế giới, từ chốn kinh thành hoa lệ cho đến vùng quê
hẻo lánh, sơn cước ngút ngàn, hay hải đảo xa xôi… giai điệu dịu dàng, thánh
thót của bản thánh ca quen thuộc lại vang lên:
Silent night, holy night
All is calm, all is bright
Round yon Virgin Mother and Child
Holy Infant so tender and mild
Sleep in heavenly peace
Sleep in heavenly peace . . .
Và đó chỉ là một ca
từ phổ biến nhất trong số ít nhất là sáu bản dịch tiếng Anh đã có.
Bài hát gốc tiếng
Đức Stille Nacht! Heilige Nacht! gồm
sáu khổ, mỗi khổ năm câu, tổng cộng một 138 từ. Cũng như Kinh Thánh, bài hát
này được dịch ra rất nhiều ngôn
ngữ trên thế giới, và hiện nay đã có 228 bản dịch viết bằng 143 ngôn ngữ khác
nhau,([1]) kể cả những thổ ngữ ở châu lục đen hay trên các đảo xa khơi ngoài Thái
Bình Dương, và không thiếu các ngôn ngữ nhân tạo như Thế Giới Ngữ (Esperanto), v.v…
Tại Việt Nam , bản
dịch Đêm Thánh Vô Cùng của
nhạc sĩ Hùng Lân, tức Phê-rô Hoàng Văn Cường (1922-1986), rất thành công. Ca từ như sau:
1. Ðêm thánh vô
cùng, giây phút tưng bừng
Ðất với trời se chữ đồng
Ðêm nay Chúa Con Thần Thánh tôn
thờ
Canh khuya giáng sinh trong chốn
hang lừa
Ơn châu báu không bờ bến
Biết tìm kiếm của chi đền.
2. Ôi, Chúa
thiên đàng, cam nếm cơ hàn
Nhấp chén phiền, vương phong
trần
Ôi, Thiên Chúa thương người đến
quên mình
Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh
thành
Ai ham sống trong lạc thú
Nhớ rằng Chúa đang đền bù.
3. Tinh tú trên
trời, sông núi trên đời
Với Thánh Thần mau kết lời
Cao rao Hóa Công đã khéo an bài
Sai con hiến thân mong cứu nhân
loại
Hang chiên máng rêu tạm trú
Bốn bề tuyết sương mịt mù.
Đã hai thế kỷ,
bài hát bất tử này ra đời từ một làng quê trong vùng núi hẻo lánh nước Áo, tác
phẩm của hai con người khiêm tốn, thanh bạch...
*
Sinh ngày 11-12-1792 ở thành phố Salzburg, nước Áo, Joseph Francis Mohr là con ngoại hôn của anh lính đánh thuê Franz
Mohr, kẻ đã bỏ ngũ và trốn chạy đứa con còn nằm trong bụng cô thợ thêu nghèo
Anna Schoiberin. Từ thơ ấu bần khổ, rồi vào đại học, cho tới khi thành linh
mục, Mohr luôn được sự bảo trợ của Johann Nepomuk Hiernle là vị giám mục chỉ
huy dàn hợp xướng nhà thờ chánh tòa thành phố Salzburg . Nhờ thế, năng khiếu âm nhạc của
Mohr sớm được phát huy. Còn trẻ, Mohr vừa hát vừa chơi vĩ cầm trong hai ca đoàn
của nhà thờ trường đại học và nhà thờ Thánh Peter thuộc tu viện dòng Benedictines.
Mohr học ở tu viện Kremsmünster dòng Benedictines (1808-1810), rồi vào chủng
viện (1811).
Vì là con ngoại
hôn, Mohr phải được Giáo Hoàng Pius VII (trị vì
1800-1823) cho phép đặc biệt mới được thụ phong linh mục (21-8-1815). Sau đó
ông được phái tới giáo xứ làng Mariapfarr trong vùng núi Alpine. Tại chốn hẻo lánh này, ông
viết một bài thơ tiếng Đức gồm sáu khổ (1816). Năm sau, ông chuyển đến làng Oberndorf
phục vụ hai năm và gặp Franz Xaver Gruber, thầy giáo tiểu học.
Sinh ngày 25-11-1787 và mất ngày
07-6-1863, ngoài việc đánh đàn organ trong nhà thờ làng Arnsdorf (nước Áo) Franz
Xaver Gruber đồng thời còn đánh đàn organ và chỉ huy ca đoàn của nhà thờ
Thánh Nikolas ở làng Oberndorf. Gruber bằng lòng phổ nhạc bài thơ của Mohr và
soạn phần đệm guitar để hát trong thánh lễ vào nửa đêm 24-12-1818.
Giáng Sinh năm ấy, Mohr vừa đệm
guitar vừa hòa giọng cùng Gruber hát ra mắt bài Stille Nacht. Ca đoàn nhà thờ Thánh Nikolas hát phần điệp khúc (hai
câu cuối mỗi khổ thơ).
Bài hát mừng Giáng Sinh Stille Nacht! Heilige Nacht! nổi tiếng
nhất trên thế giới ra đời như thế, rất mau chóng được phổ biến. Nhiều năm sau nữa Gruber mới soạn thêm phần nhạc
cho đàn organ.
Với lòng từ ái dốc sức làm từ thiện, linh mục Mohr
luôn di chuyển từ miền này sang miền khác. Cuối cùng, khi về làng Wagrain, ông
lập trường và gây quỹ giúp trẻ nghèo đi học. Sau khi ông từ trần vì bệnh phổi (04-12-1848),
trường làng này đã mang tên Mohr, còn mộ ông thì nằm trang trọng trong nghĩa
trang giáo xứ cạnh trường. Trên lối đi lộ thiên nối nhà xứ với giáo đường, dân
làng đặt bia ghi nhớ công đức linh mục Mohr.
Huệ
Khải
Phú
Nhuận, 11-12-2006
Nguyệt
san CGvDT số 144, tháng 12-2006
Trích CÓ NHỮNG MÙA SAO, Nxb Hồng Đức, Hà Nội
2019.
Quyển 127 trong tủ sách VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện (2.000 bản in)