NGƯỜI KHAI SÁNG TỜ
BÁO CAO ĐÀI ĐẦU TIÊN
HUỆ
KHẢI
TỔNG QUAN BÁO CHÍ
CAO ĐÀI
Đầu thế kỷ 20, với mục đích truyền bá giáo lý Cao
Đài, kinh sách bằng chữ quốc ngữ được ấn tống rộng rãi đã góp phần ý nghĩa vào
việc phát triển chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ Lục Tỉnh. Bên cạnh các ấn phẩm ấy, năm
1928, khi đạo Cao Đài vừa ra đời hai năm, các tiền bối Cao Đài đã sớm quan tâm
xuất bản báo chí tiếng Pháp và chữ quốc ngữ để có diễn đàn hiệu quả cho mối đạo
còn quá trẻ tuổi. Trong lịch sử báo chí Việt Nam , chắc chắn không thể thiếu báo
chí Cao Đài, một mảng của báo chí tôn giáo nước nhà.
Bên cạnh các báo chính thức làm cơ quan ngôn luận hay
diễn đàn của đạo Cao Đài và có thể gọi đấy là báo chí Cao Đài, trong làng báo
chí Việt Nam còn có một số tờ báo không do tín đồ Cao Đài chủ trương nhưng
thỉnh thoảng có khá nhiều bài viết về đạo Cao Đài như tuần san Phụ Nữ Tân Văn, ra ngày Thứ Năm. Sáng
lập: bà Nguyễn Đức Nhuận (Cao Thị Khanh). Chủ nhiệm: ông Nguyễn Đức Nhuận. Quản
lý: Bùi Hữu Minh. Tòa soạn: 65 đường Matingiơ,
Sài Gòn. Năm thứ nhất: số 1, ngày 02-5-1929. Đình bản: số 271, ngày 20-12-1934.
Tục bản: số 272, ngày 11-4-1935. Đình bản: số 273, ngày 21-4-1935. In typo: nhà
in Bảo tồn; nhà in Xưa Nay. Khổ 29x44cm.([1])
Lại có một số báo mà người phụ trách là tín đồ Cao
Đài như:
- Bán nguyệt san Đồng
Nai, sau chuyển thành tuần san. Chủ nhiệm: Bác sĩ Nguyễn Văn Nhã. Quản lý:
Lê Thế Vĩnh; sau chuyển sang Đoàn Quân Tuấn. Tòa soạn: 331 Frère Louis, Sài Gòn; sau chuyển về 95bis Lagrandière
(sau là Gia Long, nay là Lý Tự Trọng), Sài Gòn. Năm thứ nhất: số 1, ngày
15-02-1932. Đình bản: số 34, ngày 01-7-1933. Tục bản: số 1, ngày 06-11-1933.
Lại đình bản: số 6, ngày 14-12-1933. In typo: nhà in Đức Lưu Phương. Khổ
23,8x29,5cm; 21,5x30cm.([2]) Quản lý Lê Thế Vĩnh (1903-1945) là Tiếp Thế
Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh.
- Nhật báo Tiếng
Việt, xuất bản tại Sài Gòn. Chủ nhiệm: Nguyễn Trung Ngôn, tự Tam Đức. Chủ
bút: Nguyên Lý. Năm thứ nhất: số 1, ngày 03-12-1964. Đình bản: số 4, ngày
25-12-1964. Tục bản: bộ mới số 1, ngày 28-3-1965.([3]) Nguyễn Trung Ngôn (1920-1974) là
con cả của tiền khai Nguyễn Trung Hậu (1892-1961, Bảo Pháp Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh
Cao Đài Tây Ninh).
- Tuần san Sống
Chung. Chủ nhiệm: Trương Kế An; từ số 15, ngày 01-9-1940 chủ nhiệm là Ngô Quang
Minh. Quản lý: Lê Thành Long. Tòa soạn: đường Pheđécbơ,
Bạc Liêu; từ số 8, ngày 01-4-1940 chuyển về số 2 đường Savatsiơ,
Rạch Giá; rồi số 2 Tự Đức. Năm thứ nhất: số ra mắt, ngày 22-6-1939. Số 1, ngày
13-7-1939. Đình bản: số 18, tháng 10-1940. In typo: nhà in Lý Công Quân, Sóc
Trăng; nhà in Đông Phương, Chợ Lớn; nhà in S.A.T.I., 92 Pellerin (nay là
Pasteur), Sài Gòn. Khổ 22x40,5cm.([4]) Tiền bối Trương Kế An (1899-1983), bút
danh Tuyết Vân Mặc Khách là Thái Đầu Sư Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo (Bạc
Liêu).
- v.v...
Báo chí Cao Đài ấn hành tại Việt Nam cho tới
tháng 4-1975 khá đa dạng. Số cuối cùng góp mặt với làng báo là nguyệt san Cao Đài Giáo Lý số 95 (tháng 3-1975) của
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (Sài Gòn),([5]) mà người đứng đầu Cơ Quan này là tiền
bối Huệ Lương Trần Văn Quế (1902-1980).
Nói về báo chí tôn giáo, có sách cho rằng: “Tất nhiên, lý do đầu tiên xuất hiện dòng
báo này là lý do tôn giáo. Nhiệm vụ truyền bá đức tin và giáo dục tín đồ là
thiên chức của mọi tôn giáo. Đặc biệt, việc giáo dục đạo đức và gây ý thức đạo
đức – đạo đức tôn giáo và đạo đức xã
hội – là quan trọng. Đời sống đạo đức
ấy vừa bao gồm yếu tố giáo lý, nghi lễ vừa là sự thực hành nó trong đời sống
(...). Đây là một đặc tính của báo chí tôn giáo.” ([6])
Vì thế, sách ấy bảo: “Nghiên cứu dòng báo này không chỉ giúp hiểu biết thêm sinh hoạt tôn
giáo ở nước ta mà còn góp vào sự nghiên cứu lịch sử báo chí, văn hóa, tư
tưởng.” Lại viết: “... việc nghiên
cứu dòng báo này cũng là cần thiết trước hết cho những nhà chuyên nghiên cứu
tôn giáo ở Việt Nam cận hiện
đại vì bản thân nó cũng là nhịp thở của đời sống tôn giáo ở Việt Nam .” ([7])
Tuy nhiên, thực tế cho thấy: “Báo chí tôn giáo là một khoảng trống trong lịch sử báo chí Việt Nam , gần như
chưa được nghiên cứu.” ([8]) Trong hoàn cảnh này, việc khảo sát non
nửa thế kỷ báo chí Cao Đài là rất cần thiết.([9]) Nó cho thấy lại một hoạt động truyền
thông đại chúng đã góp phần vào sự đa dạng, phong phú của nền tôn giáo bản địa
Cao Đài; cho thấy nhu cầu tâm linh của một bộ phận không nhỏ cộng đồng dân cư
Việt Nam; và cũng cho thấy tâm tư cùng ý nguyện của những người lãnh đạo tôn
giáo Cao Đài trải qua ngót năm thập niên thăng trầm của một lịch sử không suôn
sẻ kể từ buổi đầu mở Đạo.
L’ACTION
INDOCHINOISE – TỜ BÁO CAO ĐÀI ĐẦU TIÊN
Nói đến báo chí Cao Đài, không thể không trân trọng
nhắc đến tiền bối Nam
Đình Nguyễn Thế Phương – một nhà báo lỗi lạc của nền báo chí nước nhà từ thời
Pháp thuộc, đồng thời lại là người khai sáng tờ báo Cao Đài đầu tiên.
Niên biểu Nam Đình Nguyễn
Thế Phương (1906-1978)
1925: Vào làng báo, viết bài (tiếng Pháp) cho tờ L’Opinion (Công Luận).
1928: Làm giám đốc tuần san L’Action indochinoise, cơ quan nghị luận và thông tin, ra ngày Thứ
Năm, viết toàn tiếng Pháp. Chủ bút: Cao Chánh. Tòa soạn: 106 rue des Marins (nay
là Trần Hưng Đạo B), Chợ Lớn. Năm thứ nhất: số 1, ngày 23-8-1928 (4 trang, giá
10 xu).([10]) Đình bản: cuối năm 1928. In typo: nhà in
Thân Thị Mậu, 186 rue d’Espagne (nay là Lê Thánh Tôn), Sài Gòn. Khổ báo khoảng
30x60cm.([11]) L’Action
indochinoise chính là tờ báo đầu tiên của đạo Cao Đài.
1932: Làm chủ nhiệm tuần san Bảo An (Conservation de la Paix), ra ngày Thứ Bảy, ủng hộ đạo Cao
Đài. Chủ bút: Nguyễn Hữu Đắc.([12]) Tòa soạn: 104 đường Galliéni (nay là
Trần Hưng Đạo A), Sài Gòn; 27 đường Marne (nay
là Bến Vân Đồn, quận 4), Sài Gòn; lại chuyển đi nhiều nơi khác. Năm thứ nhất:
số 1, ngày 02-02-1932. Đình bản: số 16, ngày 18-02-1933. In typo: nhà in J.
Testelin, 146 Pellerin (nay là Pasteur), Sài Gòn. Khổ 31,5x23,5cm.([13]) Tiền bối Nguyễn Hữu Đắc (1897-1974) là
môn sanh Minh Lý Đạo, tức Tam Tông Miếu ở đường Cao Thắng, quận 3, Sài Gòn; sinh
thời rất thân thiết với các tiền khai Cao Đài như Lê Văn Trung, Ngô Văn Chiêu…
1935: Quản lý tờ Sài
Gòn Ngọ Báo, xuất bản không định kỳ. Tòa soạn: 105-109 boulevard De la Somme (nay là Hàm Nghi), Sài Gòn. Năm thứ nhất: số 1,
ngày 09-7-1935. Đình bản: số 4, xuân 1936. In typo: nhà in Việt Nam . Khổ
30x60cm.([14])
1940-1945: Cùng Trần Tấn Quốc chủ trương biên tập
nhựt báo Điển Tín của Lê Trung Cang
(Huyện Cang).
1946-1947: Cùng Trần Tấn Quốc làm các báo Tin Điển, Tin Mới của Anna Lê Trung Cang; Dư
Luận, Việt Thanh của Nguyễn Phan Long.([15])
Nhật báo Việt Thanh
(Echo du Việt Nam )
phát hành buổi sáng tại Sài Gòn. Chủ báo: Nguyễn Phan Long. Quản lý: Nguyễn
Trung Ngôn. Biên tập: Nam
Đình, Trần Tấn Quốc. In typo: khổ 43,5x60cm. Năm thứ nhất: số 1, ngày
15-6-1947. Đình bản: số 87, ngày 21-11-1947.([16])
1948 đến 1954: Làm chủ nhiệm nhật báo Thần Chung tại số 4 Nguyễn Văn Thinh,
Sài Gòn (nay là Mạc Thị Bưởi, quận 3).
1968-1972: Cùng Trần Tấn Quốc làm báo Đuốc Nhà Nam .
1977: Được hai con gái (Nguyễn Thị Cẩm Vân, Nguyễn
Thị Cẩm Hường) đón sang Pháp trị bệnh. Mất tại Pháp cuối năm 1978.
*
Ngoài tờ L’Action
indochinoise (là tờ báo đầu tiên của đạo Cao Đài), và tờ Bảo An (ủng hộ đạo Cao Đài), với các tờ khác,
cụ thể như Việt Thanh, thú thật tôi
chưa biết rõ diễn đàn này có khuynh hướng Cao Đài hay không. Có điều tiền bối
Nguyễn Phan Long (1889-1960) là thành phần lãnh đạo Cao Đài Đại Đạo Liên Hòa
Tổng Hội (1936-1941) để vận động thống nhất đạo Cao Đài.
Lý do chưa xác định đơn giản là khi viết bài này, tôi
đang đối diện với một chướng ngại mà những người đi trước đã từng giáp mặt.
Chẳng hạn, tại Sài Gòn ngày 01-01-1966, Lê Ngọc Trụ trong “Lời Nói Đầu” quyển Mục Lục Báo Chí Việt Ngữ 1865-1965,([17]) đã viết: “... chúng tôi gặp trở lực lớn lao là không được có tài liệu trước mặt;
những loại báo xưa cũ không còn thấy lưu lại.”
Trở lại với tờ báo đầu tiên của tín đồ Cao Đài là
tuần báo L’Action indochinoise (Hành Động
Đông Dương). Số ra mắt ngày 23-8-1928 gồm bốn trang, mỗi trang chia làm năm
cột. Báo đã dành cột thứ năm, trang 2, đăng bài “A propos du Caodaïsme” (Về đạo Cao Đài) của H.H. Ngay giữa trang 1
(cột 3) là bài xã luận (éditorial)
của Nam
Đình nhan đề “L’Action indochinoise et le
Caodaïsme” (Báo Hành Động Đông Dương và đạo Cao Đài). Tác giả viết: “S’il est une question d’actualité brulante,
c’est bien la question Caodaïste.” (Nếu có một vấn đề thời sự nóng bỏng,
thì đó chính là vấn đề Cao Đài.) Và không che giấu mục đích của tờ báo, lại
viết: “... nous n’avions en vue en créant
‘L’Action indochinoise’ que la défense des intérêts des Caodaïstes...” (khi
thành lập báo Hành Động Đông Dương chúng tôi chỉ nhắm vào việc bênh vực những
lợi ích của các tín đồ Cao Đài).
NHÀ BÁO NAM ĐÌNH LÀ TÍN
ĐỒ CAO ĐÀI TRONG THỜI ĐẠO CÒN TIỀM ẨN
Tiền bối Nam Đình đã nhập môn Cao Đài vào giờ Tý ngày
15-3 Bính Dần (26-4-1926) trên căn lầu của tư thất tiền khai Lê Văn Trung
(1876-1934) ở đường Tổng Đốc Phương (nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5). Đêm
ấy, sau phần Thiên phong chức sắc cho các tiền khai là phần tuyên thệ nhập môn
của các tín đồ. Sau này, trong lúc đang ở Pháp (số 22 Lambardie, Paris XIIè),
tiền bối viết thư ngày 02-02-1955 gởi tiền khai Hộ Pháp Phạm Công Tắc, thổ lộ: “Tôi được vinh dự tuyên thệ trong đêm ấy;
dầu đến chết tôi cũng không quên.” Thư cũng cho biết “Đêm ấy tất cả là 19 người”, chi tiết này cũng dễ hiểu vì theo luật
lệ Nam Kỳ thuộc Pháp (Cochinchine
française), thời ấy họp từ 20 người trở lên phải xin phép nhà chức trách.
*
Qua ba phần tư thế kỷ, do chiến tranh và nhiều nguyên
do khác, báo chí Cao Đài đã thất tán không ít; các mục lục báo chí trước đây
cũng ghi chép thiếu sót, hoặc không nhất trí. Trong hoàn cảnh đó, những báo nào
tôi chưa tận mắt nhìn thấy, mà chỉ ghi nhận qua tài liệu những người đi trước,
thì tôi chú ý ghi rõ xuất xứ tham khảo. Trong bài viết này, không ít chỗ tôi
ghi chép khá dài dòng, vì muốn cố gắng giữ lại một số thông tin có tính cách
như minh họa phần nào diện mạo các báo, và cũng vì e rằng nếu ghi sơ sài quá,
càng lâu dài về sau, lại càng thêm mơ hồ vì càng khó tìm được các số báo cũ xưa
này.([18])
Tài liệu tham
khảo
[Đỗ Quang Hưng 2000]. Đỗ Quang Hưng (chủ biên),
Nguyễn Thành, Dương Trung Quốc. Lịch Sử
Báo Chí Việt Nam
1865-1945. Hà Nội: Nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
[Huỳnh Văn Tòng 2000]. Lịch Sử Báo Chí Việt Nam .
Nxb Tp.HCM, 2000.
[Lê Ngọc Trụ 1966]. Mục Lục Báo Chí Việt Ngữ 1865-1965. Ấn hành nhân tuần lễ kỷ niệm
100 năm báo chí Việt ngữ. Sài Gòn: Tổng Bộ Văn Hóa Xã Hội. Nha Văn Khố và Thư Viện
Quốc Gia xb, 1966. [Ronéo. Không đánh
số trang. 20,5x26,5 cm.]
[Ngô Hà 1998]. Lược
Sử Báo Chí Thành Phố (1865-1945), trong Địa
Chí Văn Hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Tập II. Nxb Tp,HCM, 1998, tr. 475-567.
[Nguyễn Thành 1998]. Thư Tịch Báo Chí Việt Nam .
(Sách tham khảo.) Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 1998. [608 trang, 15x22 cm.]
[Nguyễn Thành 2001]. Từ Điển Thư Tịch Báo Chí Việt Nam . Hà Nội: Nxb Văn Hóa -
Thông Tin, 2001. [748 trang, 14,5x20,5 cm.]
[Trần Văn Rạng 1975]. “Bảng Chỉ Dẫn Về Báo Chí”, trích tr. 194-195, từ Vị Thế Cao Đài Phái Tây Ninh Trong Quốc Sử (Lịch
Sử Chính Trị Và Quân Sự Từ 1937-1954). Sài Gòn: Ban Sử Học, Đại Học Văn Khoa.
Tiểu luận cao học sử, 1975. [Đánh máy, 202 trang, 20,5x26,5 cm.]
[TVQG 1975]. Thư Viện Quốc gia. Mục Lục Bán Tuần Báo Việt Ngữ, Tuần Báo Việt Ngữ, Tạp Chí Việt Ngữ.
[Sài Gòn]: 01-8-1975. [Đánh máy, 161 trang, 21x30 cm.]
Ghi chú: Xuất xứ trích
dẫn ghi [Nguyễn Thành 1998: 382], nghĩa là trích trang 382, quyển Thư Tịch Báo Chí Việt Nam, in năm 1998
của Nguyễn Thành, như dẫn trên.
HUỆ
KHẢI
([10]) Ngày 13-11-2000,
nhà báo, nhà văn Thiện Mộc Lan (tức Đinh Công Thanh, Sa Đéc) gởi cho Huệ Khải
một bản chụp trọn số ra mắt L’Action
indochinoise, do bà Catherine Henninger (Auxerre, Pháp) tìm giúp. Bà đã hỏi
Thư Viện Quốc Gia Pháp (Bibliothèque nationale de France), Thư Viện không có,
nhưng chỉ bà tới ACRPP (l’Association pour la Conservation et la Reproduction
Photographique de la Presse) thì tìm được tờ báo này. Huệ Khải xin ghi lại với
lòng biết ơn hai vị.
([15]) Theo Thiện Mộc
Lan Đinh Công Thanh (Chi Hội Sử Học tỉnh Đồng Tháp), tiền bối Nguyễn Thế Phương
có sáng kiến ghép tên của ba vị Nam Đình, Trần Tấn Quốc, Lê Trung Cang thành
bút danh Nam Quốc Cang. Theo nhà sử học Phan Văn Hoàng, sau Cách Mạng Tháng Tám
(1945), Pháp chiếm lại Nam Bộ, thành lập Nam Kỳ Quốc, tách Nam Bộ ra khỏi lãnh
thổ Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Văn Sinh, người Bình Định (sinh năm 1917) lấy bút
danh Nam Quốc Cang lúc phụ trách mục “Trớ Trêu” trên báo Tin Điển, chống chủ trương phân ly (séparatisme), đòi thống nhất Bắc Trung Nam (unionisme). Sáng 06-5-1950, hai nhà báo Nam Quốc Cang và Đinh Xuân
Tiếu bị ám sát trước tòa soạn báo Dân Quý
ở góc đường Frère Louis (nay là Nguyễn Trãi) và d’Arras (nay là Cống Quỳnh).
Ngày 04-4-1985, bút danh Nam Quốc Cang được đặt tên cho con đường nhỏ ở phường
Phạm Ngũ Lão, quận 1 (nguyên là đường Lucien Lacouture, rồi đổi là Đặng Đức
Siêu), không xa nơi nhà báo thọ tử khi xưa.
([18]) Trong quá trình
tìm hiểu báo chí Cao Đài, tôi đã được các bạn văn, các nhà nghiên cứu gần xa
nhiệt tình trợ giúp rất nhiều trong việc thu thập thông tin liên quan và các
báo chí xưa cũ. Ngoài nhà báo, nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan (Đinh Công Thanh,
thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã nhắc tới trên đây, tôi cũng xin chân thành
biết ơn: nhà thư tịch học Đỗ Văn Anh, quận Bình Thạnh; nhà giáo, nhà sử học
Phan Văn Hoàng, Đại Học Sư Phạm; nhà nghiên cứu, Đức Nguyên Nguyễn Văn Hồng
(1940-2005, Hiền Tài Tây Ninh), quận 11; hiền huynh Đạt Truyền Hà Văn Phủ
(1938-2014, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo)…