Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

54/36. PHỤNG SỰ ĐÍCH THỰC / Bắc Cầu Tâm Linh

Thiền Sư Thiết Nhãn Đạo Quang
(Tetsugen Dōkō1630-1682) 

PHỤNG SỰ ĐÍCH THỰC
Trong Kinh Sám Hối của Minh Lý Đạo ra đời năm 1925 (và Cao Đài kế thừa năm 1926), Ðức Khổng Phu Tử giáng cơ ban cho bốn câu 261-264 nói về tội lỗi của những kẻ mượn danh làm đạo để bòn rút tiền công quả của bá tánh đem dùng cho bản thân:
Lại có kẻ miệng ngay lòng vạy,
Tởi làm chùa, dối cậy in kinh,
Ăn gian xới bớt cho mình,
Đâu qua dương pháp, luật hình Diêm Vương.
Hai câu sau dễ hiểu: Những kẻ phạm tội ấy khó tránh khỏi luật thế gian (dương pháp) khi còn sống, lúc chết đi lại còn chịu thêm tội với pháp đình của âm phủ.
Nhưng câu thứ nhì thì khó hiểu. Vì thế trong một số bản in, người ta tự ý sửa là “tới làm chùa”. Chữ tới vô nghĩa! Thật ra, tởi là tiếng Việt cổ, có nghĩa là quyên góp tiền bạc.
Như vậy, người mắc tội này cùng lúc vi phạm cả hai giới cấm trong năm giới cấm của đạo Phật và Cao Đài:
- Giới cấm trộm cắp, vì tham nhũng tiền của bá tánh công quả.
- Giới cấm nói dối, vì lấy danh nghĩa quyên góp tiền để cất chùa hay ấn tống kinh sách (in để biếu, không bán) mà rốt cuộc lại dùng cho riêng mình.
Ở Á Đông, tín đồ đạo Phật, Lão, Cao Đài, v.v… vẫn có truyền thống lâu đời là góp tiền làm công quả ấn tống kinh sách để giúp nhiều người dễ có kinh sách học đạo. Kinh sách dạy rằng người làm công quả này được hưởng nhiều phước báu, thế nên tín đồ rất nhiệt thành hưởng ứng. Do đó, khó tránh khỏi kẻ có tà tâm mượn danh nghĩa ấn tống để trục lợi.
Bên Nhật ngày xưa, vào thế kỷ 17 có một sự kiện ấn tống rất nổi tiếng.
Thiền Sư Thiết Nhãn Đạo Quang (Tetsugen Dōkō 鐵眼道光, 1630-1682) đi quyên tiền để in kinh Phật. Chưa kể tiền giấy và công in, riêng việc thuê thợ giỏi khắc chữ lên từng phiến gỗ đã rất tốn kém, vì phải cần tới khoảng sáu, bảy ngàn bản khắc mới in đủ bộ Đại Tạng Kinh.
Bởi thế, phải mất ròng rã mười năm lặn lội khắp nơi sư mới kiếm đủ số tiền để khởi sự công trình. Nhưng bấy giờ nước sông Vũ Trị (Uji 宇治) dâng cao, gây lụt lớn, làm cho dân chúng trong vùng bị nạn đói. Thế là, thay vì in kinh Phật, sư đem hết số tiền quyên góp được để lo cứu đói cho bá tánh.
Sau đó, sư bắt đầu đi quyên góp lần thứ hai. Được vài năm thì xảy ra bệnh dịch tràn lan khắp nơi. Sư lại trút hết số tiền quyên góp vào việc cứu nhân độ thế.
Sư nhẫn nại đi quyên góp lần thứ ba. Rốt cuộc, phải mất hai mươi năm sư mới đạt được ước nguyện ấn tống. Tương truyền toàn bộ bản khắc gỗ in bộ kinh ấy vẫn được lưu giữ tại chùa Hoàng Phách (Obaku 檗寺) ở Kinh Đô Phủ (Kyoto 京都府).
Việc Thiền Sư Thiết Nhãn Đạo Quang lấy tiền in kinh để cứu dân phù hợp lời chú trong Kinh Lăng Nghiêm:
“Tương thử thâm tâm phụng trần sát. Thị tắc danh vi báo Phật ân. (將此深心奉塵剎. 是則名為報佛恩.)
Nghĩa là đem hết tấm lòng ra phụng sự cõi trần, như thế ắt được gọi là báo ân Phật.
Các vị Tiền Khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nhắc nhở:
Thượng Đế không kêu gọi con người phụng sự cho Thượng Đế, mà con người hãy cải tạo để xây dựng thiên đàng cho con người và thế giới ở trên đời.(Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, ngày 07-3-1974)
Tư tưởng nhân bản này phù hợp lời Chúa:
“Ta bảo thật các ngươi: bất kỳ việc gì các ngươi đã làm cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Matthêu 25:40)
Bởi thế, người Nhật vẫn tán tụng rằng Thiền Sư Thiết Nhãn Đạo Quang thật sự đã ấn tống được ba bộ kinh, và bộ kinh thứ ba in trên giấy trắng mực đen không thể sánh được với hai bộ kinh vô tự (không có chữ) trước đó.
Huệ Khải
26-10-2011
CGvDT số 1831, ngày 28-10-2011


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

54/35. PHÉP THỬ / BẮC CẦU TÂM LINH

Image result for bus

PHÉP THỬ

Thấy lỗi mọn, chớ nghi chẳng hại
Thường dạn làm, tội lại hằng hà
Vì chưng tụ thiểu thành đa
Họa tai báo ứng, chẳng qua mảy hào.
Kinh Sám Hối
*
Cụ Phan Khôi (1887-1959) cùng Mục Sư W. Cadman có công dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt trong buổi đầu phát triển của Hội Thánh Tin Lành tại Việt Nam. Cụ Phan Khôi dịch thuật ngữ pastor mục sư, và dịch preacher thầy giảng.
Đây là chuyện tôi nghe về một thầy giảng bên Mỹ:
Ở thị trấn nhỏ mọi người thường biết mặt nhau, và hễ có sự kiện nào mới xảy ra cũng dễ lọt tai hầu hết dân cư địa phương.
Một thầy giảng vừa được thuyên bổ tới thị trấn nhỏ nọ vài tuần. Một hôm, thầy đón xe buýt ra chợ mua vài thứ cần thiết. Khi yên vị trên ghế nệm êm ái rồi, thầy kiểm lại tiền và thấy người lái xe buýt đã thối dư hai mươi lăm xu. (Ở Mỹ, người lái xe buýt còn trực tiếp thu tiền vé.) Xử lý thế nào nhỉ? Tốt hơn là trả lại người lái xe. Không trả là sái quấy. Thầy nghĩ vậy.
Nhưng liền lúc ấy một tiếng nói khác trong thầy cãi lại:
- Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ! Ai thèm để ý chút tiền nhỏ mọn như thế chứ? Hơn nữa, công ty xe buýt mỗi ngày thu rất nhiều tiền vé; họ có thiệt thòi chi ghê gớm đâu! Cứ giữ đồng xu lẻ này, và làm thinh, coi như quà tặng của Chúa.
Thầy giảng nắm chặt chỗ xu lẻ trong tay, lưỡng lự.
Khi xe buýt dừng lại ở trạm ngay đầu chợ, thầy giảng bước ra cửa xe, nhưng bất chợt dừng chân ở bực thềm. Thầy quay ngoắt lại, dang thẳng cánh tay chìa cho người lái xe thấy đồng hai mươi lăm xu nằm gọn trong lòng bàn tay mở xòe ra.
- Ông thối dư đây nè!
Người lái xe vói tay cầm đồng xu, nở nụ cười tươi tắn:
- Ông là thầy giảng mới về thị trấn phải không? Gần đây tôi có ý định sẽ tới nhà thờ nghe giảng thử một buổi xem sao. Tình cờ bữa nay gặp nhau, tôi chỉ muốn thử xem ông thầy giảng của mình sẽ làm gì với đồng xu lẻ thối dư.
Thầy giảng bước xuống xe. Không biết vì hụt chân hay vì lý do nào khác, thầy hơi loạng choạng suýt té, nhưng may mắn níu kịp cái cột cắm tấm biển của trạm xe buýt.
Vẫn bám chặt thân cột như tìm một chỗ dựa, thầy cảm thấy mồ hôi rịn trên mặt, trên sống lưng. Ngẩng nhìn lên bầu trời xanh trong veo của một ngày đầy nắng tốt, thầy thở dài:
- Lạy Chúa, suýt chút nữa con đã bán đứng Chúa chỉ vì hai mươi lăm xu!
Huệ Khải
21-3-2012
CGvDT số 1850, ngày 23-3-2012



 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

54/34. PHÉP LẠ (2) / BẮC CẦU TÂM LINH

Image result for maria
 PHÉP LẠ (2)

Đây là chuyện tôi nghe:
Berniece Duello rất sùng kính Đức Mẹ Maria. Bà dạy tám đứa con đọc kinh Kính Mừng và lần tràng hạt. Trên mặt tủ chè bà đặt tượng Đức Mẹ trang trọng, lúc nào cũng bày hoa tươi bên cạnh. Bà thích kể cho các con chuyện Đức Mẹ hiện xuống ở Lourdes bên Pháp, ở Guadeloupe bên Mexico.
Thập niên 1980, các con đã trưởng thành, bà kể thêm vài chuyện mới về việc Đức Mẹ hiện xuống ở Medjugorie là một thị trấn nằm về phía Tây Bosnia. Bà rất hứng thú tìm đọc báo chí và dự các buổi thuyết trình để biết thêm về Medjugorie. Chưa đủ, bà mua vé rời Mỹ đi Bosnia, tham gia một đoàn cứu trợ sau cuộc chiến đau thương (1992-1995).
Con gái bà, LeAnn Thieman, y tá, diễn giả, nhà văn, cũng là một nhân vật khá nổi tiếng trong các hoạt động nhân đạo quốc tế giúp đỡ nạn nhân chiến tranh. Năm 2002 LeAnn viết “The Miracle of Medjugorie” (Phép lạ ở Medjugorie), kể lại một chuyến đi cứu trợ của mẹ.
Ở Mỹ, ngày thứ Năm của tuần thứ lễ thứ tư trong tháng Mười Một là ngày lễ Tạ Ơn. Năm ấy, hôm trước ngày lễ, trưởng đoàn cứu trợ của bà Duello tại Bosnia quyết định sẽ cứu trợ hai mươi bốn gia đình ở Medjugorie đúng dịp lễ Tạ Ơn.
Họ chuẩn bị hai mươi bốn túi lớn đầy ắp nhu yếu phẩm, chất kín phía sau xe buýt. Cả đoàn, kể cả lái xe, mười hai người lên đường từ sớm, lần lượt ghé từng nhà theo danh sách do các viên chức chánh quyền và một nhà thờ tại địa phương cung cấp.
Ở cuối một con đường, lái xe tình cờ dừng lại trước một căn nhà tồi tàn. Trưởng đoàn chưa kịp nói rằng gia đình này không có tên trong danh sách thì đã thấy một người cha và hai trẻ nhỏ lem luốc vừa hớn hở chạy ùa tới, vừa vỗ tay reo mừng. Bà trưởng đoàn liền ra lệnh cho lái xe vọt đi, bỏ lại phía sau đám bụi mù và nỗi ngỡ ngàng, thất vọng của ba cha con đáng thương.
Ngoái nhìn những bàn tay vẫn cố vẫy vẫy vói theo xe, bà Duello không khỏi bất nhẫn:
- Sao mình không chia cho họ ít thực phẩm?
Trưởng đoàn kiên quyết:
- Mình chỉ có hai mươi bốn túi, dành cho hai mươi bốn gia đình. Tất cả họ đều được thông báo, ta đã hứa với họ, và họ đang chờ mình.
Khi đánh dấu vào dòng địa chỉ cuối cùng bản danh sách, trưởng đoàn reo lên:
- Hai mươi bốn! Mình về được rồi!
Nhưng ai đó liền đính chính:
- Hai mươi ba! Sau xe vẫn còn một túi!
Cả đoàn ngơ ngác. Một người nói:
- Sao thế được?! Tôi đếm đi đếm lại ba lần trước khi xuất phát. Chỉ có hai mươi bốn túi cho đúng hai mươi bốn gia đình. Ở đâu ra túi này!?
Trưởng đoàn nói:
- Chẳng phải lỗi của ai hết. Hãy xem túi đó đựng gì. Bánh mì và thịt cá hả? Vậy thì tốt quá rồi!
Cả đoàn ngẩn ra nhìn nhau, rồi cùng cười rộ lên.
- Quay lại đó!
Theo lệnh trưởng đoàn, lái xe nhấn ga lao về chỗ ba cha con đã bị từ khước.
Bây giờ không phải là ba kẻ đó đang ngóng trông đoàn cứu trợ, mà chính đoàn cứu trợ đang sốt ruột mong sớm gặp lại họ.
Nhà báo, nhà văn nữ Katherine A. Porter (Mỹ, 1890-1980, giải thưởng Pulitzer 1966) bảo:
“Phép lạ xảy ra tức thì, người ta không thể triệu thỉnh. Phép lạ tự nó đến, thường vào những lúc không ngờ, và cho những ai chả còn mong vọng chúng…” (Miracles are instantaneous; they cannot be summoned, but they come of themselves, usually at unlikely moments and to those who least expect them…)
Huệ Khải
26-11-2008
CGvDT số 1685, ngày 28-11-2008



 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

54/33. PHÉP LẠ (1) / BẮC CẦU TÂM LINH

Image result for a soldier thumbing

PHÉP LẠ (1)

Ở đâu có tình thương bao la
thì luôn luôn có phép lạ.
Where there is great love there are always miracles.
Nữ sĩ Willa Cather (Mỹ, 1873-1947)
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Thế Chiến thứ Hai (1939-1945) kết thúc, anh giải ngũ trở về nhà năm 1949.
Trên các ngả đường, rất đông những người mặc quân phục vừa bước đi vừa ngoái cổ ra sau tìm xe vẫy tay xin quá giang. Anh tìm về với gia đình cùng một cách giống như họ.
Nhưng niềm vui sum hiệp của anh mau chóng tan biến. Mẹ anh vào viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết cần phải truyền máu cho bà ngay, bằng không bà sẽ không qua khỏi một đêm. Khó khăn ở chỗ bà thuộc nhóm máu AB là nhóm máu quá hiếm. Hồi ấy chưa có ngân hàng máu và cũng không có máy bay mang máu tới bệnh viện. Tất cả mọi người trong gia đình anh đều thử máu nhưng chẳng một ai cùng nhóm máu với bà.
Tuyệt vọng. Anh rời bệnh viện, lái xe về nhà để tập họp người thân lại chuẩn bị hậu sự cho mẹ. Dọc đường, anh gặp một người lính vừa giải ngũ rối rít ngoắc xe xin quá giang.
Đang lúc cõi lòng tan nát, anh định làm ngơ và nhấn ga đi luôn, vì thừa biết sẽ có các xe khác ở phía sau sẵn sàng dừng lại chở giúp. Nhưng ngay khi anh định vượt qua chỗ người lính, bỗng dưng như có ai xui khiến, anh lập tức tấp xe vào vệ đường một cách không ý thức.
Người lính ấy vừa yên chỗ trên xe, anh liền phóng xe chạy luôn. Không chào hỏi tên. Không hỏi nơi muốn tới. Không cả nhìn mặt người ngồi bên cạnh.
Người lính ấy chăm chú nhìn anh, nhận ra gương mặt đau khổ của kẻ lái xe lặng lẽ đến mức lầm lì, bèn gợi chuyện. Thế là anh bật khóc và thổ lộ chuyện nhà. Người lính im lặng nghe.
Anh vừa kể dứt, người lính bảo anh mau quày đầu xe chạy ngược về bệnh viện. Anh ngơ ngác, nhưng liền hiểu ngay. Nắm tay người lính vừa giơ lên trước mắt anh; khi lòng bàn tay mở ra, anh nhìn thấy tấm thẻ bài: nhóm máu AB.
Mẹ anh sống thêm bốn mươi bảy năm nữa. Khi tiễn bà về với Chúa vào năm 1996, cả nhà anh vẫn không biết được ân nhân của họ tên gì, ở đâu. Con gái anh giải thích đơn giản: Đó là phép lạ của thiên thần. Một thiên thần hóa trang trong bộ quân phục.
Huệ Khải
13-02-2008
CGvDT số 1644, ngày 15-02-2008
Theo lời kể của Jeannie Ecke Sowell (1997)



 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

54/32. NƯỚC MẮT KẺ TRỘM / BẮC CẦU TÂM LINH

Image result for old bible

NƯỚC MẮT KẺ TRỘM

… ai xưng thú và chừa tội sẽ được xót thương.
Châm Ngôn 28:13
Tội đã phạm, con xin xưng thú,
lỗi lầm vương phải, con áy náy băn khoăn.
Thánh Vịnh 38:19
… nhưng nếu nó từ bỏ tội lỗi mà trở lại
và thực hành điều công minh chính trực,
nếu nó trả lại của cầm, đền của lấy cắp,
sống theo những lề luật đưa tới sự sống
và không làm điều bất công
thì chắc chắn nó sẽ được sống
và không phải chết. Mọi tội lỗi nó đã phạm,
người ta sẽ không còn nhớ đến nữa:
nó đã thi hành lẽ công minh, nó sẽ được sống.
Êdêkien 33:14-16
*
Học tiếng Hy Lạp với các tu sĩ Hy Lạp, được giáo dục rất tốt, do đó Anastasius (810-879) được xem là một tu sĩ rất uyên bác của Rome vào thế kỷ 9, có công dịch nhiều kinh sách từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latin.
Dưới triều đại Giáo Hoàng Nicholas I (trị vì 855-867), Anastasius là tu viện trưởng coi sóc tu viện Sancta Maria Trans-Tiberim ở Rome trong chín năm (858-867). Qua triều đại Giáo Hoàng kế tục là Adrian II (trị vì 867-872), Anastasius được bổ nhiệm làm quản thủ thư viện của Giáo Hội.
Đây là chuyện tôi nghe:
Tu viện trưởng Anastasius có một quyển Kinh Thánh cổ rất quý hiếm, đầy đủ cả hai phần Cựu Ước và Tân Ước.
Một hôm có tu sinh trẻ từ phương xa đến thăm tu viện và được tu viện trưởng Anastasius tiếp đón niềm nở. Tình cờ nhìn thấy bảo bối của Anastasius, anh ta không cầm lòng được, bèn thừa dịp cuỗm lấy rồi mau chân lẻn trốn.
Cũng ngay hôm ấy, tu viện trưởng cần đến quyển Kinh Thánh quý hiếm của mình, và biết ngay nó đã biến mất cùng người khách trẻ xa lạ. Tuy nhiên Anastasius không cho người truy đuổi để lấy lại.
Khi tới một thành phố lân cận, kẻ yếu lòng trót phạm giới cấm trộm cắp liền rao bán quyển Kinh Thánh.
Một người muốn mua nhưng thấy giá quá cao, sợ bị hớ nên thương lượng:
- Cho tôi mượn tạm quyển Kinh để nhờ người chuyên môn thẩm định. Nếu quả thật là vật quý thì tôi sẽ mua đúng giá.
Không biết người ấy có thế chấp món chi hay không nhưng kẻ trộm đồng ý.
Mang quyển Kinh Thánh tới tu viện, người ấy xin gặp Anastasius, kể rõ đầu đuôi và hỏi:
- Thưa cha, quyển Kinh Thánh này có đáng mua với cái giá đó không?
Tu viện trưởng đón lấy quyển kinh quen thuộc của mình, nhìn lướt qua rồi trao lại người ấy, và bình thản nói gọn:
- Quyển kinh này vô giá!
Mừng rỡ, người ấy liền cảm ơn và cáo từ. Trở lại gặp kẻ trộm, ông ta hào hứng khoe:
- Cha Anastasius xác nhận quyển kinh rất giá trị. Tôi chịu mua.
Kẻ trộm sửng sốt:
- Sao?! Ông gặp cha Anastasius à?! Cha có nói thêm gì nữa không?
- Không.
Kẻ trộm bỗng thừ người ra. Anh ta nhíu mày suy nghĩ rất nhanh rồi lắc đầu, giọng dứt khoát:
- Thôi, tôi đổi ý. Không bán đâu. Thành thật xin lỗi ông.
Lòng đầy hối hận, kẻ trộm quày quả trở về tu viện. Trước mặt Anastasius, anh ta cúi đầu, hai tay cung kính dâng cha quyển Kinh Thánh, giọng nghẹn ngào pha nước mắt, nói chẳng nên lời.
Không nhận lại quyển kinh, tu viện trưởng nói nhỏ nhẹ:
- Cha tặng con làm quà. Con đi đường bình an.
- Không đâu, thưa cha! Nếu cha không nhận lại thì lòng con mãi mãi chẳng bình an.
Nghe nói rằng sau đó tu sinh trẻ ấy đã ở lại tu viện cho tới cuối đời.
Huệ Khải
23-7-2012
CGvDT số 1868, ngày 27-7-2012




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

54/31. NÓI VÀ LÀM / BẮC CẦU TÂM LINH


Gandhi (1869-1948)


NÓI VÀ LÀM

Họ hứa cho người khác được tự do,
trong khi chính họ lại làm nô lệ cho sa đọa …
They promise them freedom,
while they themselves are slaves of depravity …
Thư 2 của Thánh Phêrô 2:19
*
Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (The American Heart Association) khuyên rằng một phụ nữ mỗi ngày không nên dùng quá sáu muỗng nhỏ đường, còn đàn ông thì chớ ăn nhiều hơn chín muỗng. Đường là thủ phạm gây ra bệnh béo phì, đái tháo đường, và bệnh về tim mạch, không kể sâu răng và mụn trứng cá.
Bác sĩ David Servan-Schreiber (1961-2011) là người đồng sáng lập tại Mỹ chi nhánh của Bác Sĩ Không Biên Giới, (Doctors Without Borders; Médecins Sans Frontières) một tổ chức quốc tế được tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1999. Trong quyển sách Chống Ung Thư: Một Lối Sống Mới (Anticancer: A New Way of Life, Viking Penguin., 2009) bác sĩ cho biết đường tinh luyện trực tiếp làm phát triển ung thư.
Tuy biết rõ đường có hại, nhưng đến nay phần đông con người vẫn thích dùng chất ngọt, vì nó khoái khẩu. Sở thích này khó bỏ vì từ tấm bé, khi vừa chào đời, hài nhi đã được tập để sau này lớn lên sẽ “nghiện” chất ngọt, vì dù bú mẹ hay bú bình, cả hai thứ sữa ấy đều chứa nhiều đường lactose. Đây là ý kiến của Elyse Resch, một chuyên gia trị liệu về dinh dưỡng, đồng tác giả quyển Ăn Theo Trực Giác (Intuitive Eating, Nxb St. Martin’s Press, 2003).
Vậy, đừng ngạc nhiên khi thấy trẻ con và người lớn đều thích của ngọt, kể cả một vĩ nhân như Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948).
Thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941) tôn kính Gandhi, gọi ông là Tâm Hồn Vĩ Đại (Mahatma). Người Ấn xem Gandhi là Cha (Bapu), và tôn vinh là người Cha Của Dân Tộc (Father of the Nation). Ngày sinh của Gandhi (02-10) trở thành ngày lễ chung cho cả nước Ấn, và cũng là Ngày Quốc Tế Bất Bạo Động (the International Day of Non-Violence).
Người Ấn tôn sùng bậc vĩ nhân ấy như Thánh sống, cho nên những lời ông khuyên bảo đều rất thuyết phục. Có lẽ vì vậy, dân Ấn hay tìm đến ông để xin được giúp đỡ, thậm chí những việc nhỏ nhặt.
Và đây là chuyện tôi nghe:
Một bà mẹ gặp Gandhi, xin ông răn dạy con trai bà bỏ tật ham ăn đường. Gandhi hẹn bà tuần sau hãy dắt cậu bé tới.
Đúng hẹn, hai mẹ con đến trước mặt Gandhi và ông từ tốn bảo chú nhỏ:
- Con đừng ăn đường nữa.
Bà mẹ cảm ơn vị Thánh sống, nhưng trước khi quay lưng ra về, bà hỏi vì sao chỉ có một câu ngắn ngủi như thế mà Gandhi bắt bà phải đợi suốt một tuần lễ.
Gandhi điềm nhiên đáp:
- Vì cách nay một tuần, ta chưa bỏ được tật ăn đường.
Người kể chuyện nhắc lại câu nói khôi hài của một nhà văn ở Sài Gòn trước 1975: “Hãy làm những gì tôi nói, đừng làm những gì tôi làm.”
Thói đời, chúng ta nói rất hay mà làm quá dở. Ta thích dạy đời mà bản thân ta chẳng mấy khi làm đúng như lời ta dạy khôn kẻ khác. Chả trách, người xưa bảo: Hành nan, thuyết dị. (Nói dễ, làm khó.)
Đức Đông Phương Chưởng Quản nhắc nhở:
Nói rất dễ mà làm rất khó
Mình dối mình nào có hay đâu…
(Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc, Long An), 26-10-1973)
Âu đó cũng là lý do Đức Khổng Tử khuyên phải lập đức trước khi lập ngôn. Lập đức để lòng được chân thành, ý được chân thành, và bấy giờ việc làm sẽ không trái ngược với lời nói (thuyết hành như nhất).
Thuở còn sống, dẫu mòn trán lỏng gót chu du các nước, Đức Vạn Thế Sư Biểu không được vua chúa nào dám dùng có lẽ cũng vì thế.
Huệ Khải
08-11-2011
CGvDT số 1833, ngày 11-11-2011




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

54/30. NHỮNG VIÊN SỎI / BẮC CẦU TÂM LINH

Image result for pebbles
NHỮNG VIÊN SỎI

Người đạo đức phải bền chí cả
Bực chơn tu công quả mót bòn...
Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển II
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Nhóm người nọ rủ nhau hành hương. Điểm đến là ngôi đền nhỏ cheo leo ở đỉnh một ngọn núi cao vút, tưởng như chạm tới những cụm mây lơ lửng trên bầu trời xanh ngăn ngắt.
Đường đi khó, phải mất dài ngày. Càng lên cao hành trình càng thêm vất vả… Nhưng cả nhóm quyết tâm vượt núi, vì ngôi đền từ xưa nổi tiếng linh thiêng và lão sư trụ trì là bậc chân tu đã chứng đắc chánh quả.
Dưới chân núi dựng một nhà trạm, do vị đại đệ tử của lão sư trông coi, thường gọi là chủ trạm. Khách mộ đạo tạm trú ở đó, dưỡng sức, đồng thời chuẩn bị thêm ít lương khô và nước uống trước khi bắt đầu leo núi.
Ngủ một đêm ở nhà trạm, sáng sớm hôm sau thức dậy, nhóm người nọ cung kính cảm tạ và từ biệt chủ trạm.
Tiễn khách ra cổng, đi ngang khoảnh sân nhỏ rải đầy sỏi trắng, chủ trạm tủm tỉm cười, bảo cả nhóm:
- Mỗi vị hãy tự tay nhặt mấy viên sỏi này mang theo. Nhiều ít tùy tâm. Không nhặt cũng tùy tâm. Ai không nhặt sẽ hối tiếc, và ai có nhặt cũng sẽ hối tiếc.
Lời nói lạ lùng! Nghĩ đến dốc núi cao và dài, có người không muốn lưng vác thêm nặng, nên khẽ nhún vai.
Có người ngần ngại, nhưng cũng cúi xuống nhặt bừa vài viên gọi là.
Có người hồn nhiên ngồi thụp xuống, vốc sỏi đầy hai bàn tay…
Có đi thì có đến. Cuối cùng cả nhóm được vào bái kiến vị lão sư tại ngôi đền thiêng trên chót núi.
Trong chánh điện, lão sư chúc phúc cho cả nhóm rồi ôn tồn nói:
- Bần đạo ở nơi non cao hẻo lánh, không có món gì xứng đáng lưu niệm chuyến đi nhọc nhằn của quý vị. Tuy nhiên, ai có sỏi thì lấy ra xem.
Cả nhóm sửng sốt khi thấy những viên sỏi tầm thường ở nhà trạm chân núi đã hóa thành những viên ngọc óng ánh từ lúc nào.
Những người không nhặt sỏi quá đỗi hối tiếc, thầm nhiếc mắng bản thân thậm tệ.
Những người đã nhặt sỏi cũng rất hối tiếc, thầm trách mình đã không chịu khó hốt thêm cho thật nhiều, thật đầy vào!
*
Người học đạo hiểu chuyện này như sau:
Đến ngày phán xét cuối cùng, mỗi người sẽ phải trình dâng công đức tu hành trước Thượng Đế. Ai không biết tu hoặc chưa thật lòng tu, ắt sẽ chẳng có gì để dâng trình. Bấy giờ họ sẽ hối tiếc khi thấy người khác nhờ có tu mà được Thiên Đình ban thưởng đạo quả thiêng liêng.
Bên cạnh đó, những người tuy có tu, nhưng còn kém công đức nên đạo quả thấp. Họ sẽ ân hận khi thấy bạn đồng tu với mình được chấm điểm cao hơn, được hưởng ngôi vị thiêng liêng cao trọng hơn nhờ cả đời siêng chăm tu hành, dày dặn công đức.
Người Việt khuyên: “Năng nhặt chặt bị.” Đạo Cao Đài dạy môn đệ phải siêng lo bòn mót công quả, làm phước làm đức.
“Theo Thầy học đạo mót bòn thỉ chung.” (Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển II, ngày 22-7-1961)
Bòn mót là lượm lặt từng chút mảy mún, không để rơi rớt, bỏ sót. Vì có tu nhiều bao nhiêu vẫn cứ e chưa đủ để giải trừ nghiệp xấu bản thân đã tồn đọng, tích lũy lại từ biết bao kiếp trước. Do đó, phải ráng bòn mót công quả, công đức để khấu trừ cho mòn bớt dần nghiệp cũ. Giống như kẻ nghèo mạt suốt đời còng lưng trả góp nợ nần.
Huệ Khải
29-02-2012
CGvDT số 1847, ngày 02-3-2012




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.

Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.