Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

BA BÀI THƠ XUÂN HÀN QUỐC

 


 BA BÀI THƠ XUÂN HÀN QUỐC

Huệ Khải

1. Kim Kirim (Kim Khởi-Lâm 金起林) sinh ngày 11-5-1908 tại Haksung (Hạc Thành 鶴城), tỉnh Hàm Kính Bắc (咸鏡北道 Hàm Kính Bắc Đạo) nay thuộc Bắc Triều Tiên. Ông sang Nhật học và tốt nghiệp Đông Bắc Đại Học (東北大學 Tohoku University), sau đó là Nhật Bản Đại Học (日本大學 Nihon University). Ông trở về nước và bắt đầu sự nghiệp văn học. Năm 1936 ông in tập thơ đầu tay “Bản Đồ Khí Tượng” (Gisangdo: Khí Tượng Đồ 氣象圖). Ngoài thơ, ông còn làm phóng viên, viết phê bình văn học, dạy tiếng Anh và toán ở một trường trung học gần quê nhà. Năm 1946 ông định cư ở miền Nam (tức Hàn Quốc ngày nay), làm giảng viên tại Trung Ương Đại Học Hiệu (中央大學校 Chung-Ang University) và tại Diên Thế Đại Học Hiệu (延世大學校 Yonsei University), rồi làm phó giáo sư tại Hán Thành Quốc Lập Đại Học (漢城國立大學 Seoul National University). Trong cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc (1950-1953) ông mất tích và không rõ ngày qua đời.

l Năm 1946 Kim Kirim viết bài thơ này:

XUÂN

Tháng Tư mới tỉnh giấc,

Như chú báo biếng lười.

Long lanh hai con mắt,

Cảm thấy ngứa gai gai,

Xù bộ lông dựng đứng,

Duỗi tấm lưng xoãi dài,

Và rồi chú dụ dự.

Đã qua mùa đông rồi.(1)

2. Yun Dong-ju (Doãn Đông-Trụ 尹東柱) là nhà thơ Hàn Quốc yêu nước, chống đế quốc Nhật. Ông sinh ngày 30-12-1917 tại Long Tỉnh 龍井, Cam Đa 甘多, tỉnh Cát Lâm 吉林 (Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp trung học tại Pyongyang (Bình Nhưỡng 平壤), nay thuộc Triều Tiên, ông tới Seoul (Hán Thành), nay thuộc Hàn Quốc, và theo học Diên Hy Chuyên Môn Học Hiệu (Yonhi College 延禧專門學校). Năm 1942 ông sang Nhật, theo học trường đại học Doshisha (Đông Chí Xã Đại Học 同志社大學) ở thành phố Kyoto (Kinh Đô 京都). Năm 1943 ông bị hiến binh Nhật bắt giam vì hoạt động chống đế quốc Nhật. Bị nhục hình trong nhà tù tại thành phố Fukuoka (Phước Cương Thị 福岡市), ông qua đời ngày 16-02-1945 (lúc hai mươi bảy tuổi), để lại hơn một trăm bài thơ.

l Sau đây là bài thơ của Yun Dong-ju:

XUÂN

Mùa xuân chảy như dòng suối trong huyết quản,

và trên bờ gần một dòng nước

hoa kim chung 金鍾, đỗ quyên 杜鵑, và hoa cải vàng

Tôi, kẻ đã chịu đựng mùa đông,

nảy mầm như cỏ

Chim tri canh 知更 cổ đỏ mừng vui,

Bay vút lên từ luống cày nào đó

Bầu trời xanh

lấp lánh trên cao.(2)

3. Kim Yong-taek (Kim Dung-Trạch 金容澤) sinh năm 1948 tại Imsil (Lâm Thật 臨實), tỉnh Jeollabuk-do (Toàn La Bắc Đạo 罗北道). Ngoài nghề giáo tại trường tiểu học Woonam (Ô Nam 烏南), ông viết nhiều bài thơ miêu tả vùng nông thôn chưa bị tàn phá và vẻ đẹp thiên nhiên sâu lắng. Ông được tặng giải thưởng văn học Kim Soo-young (Kim Tú-Anh 金秀英) năm 1986, và giải thưởng về thơ Sowol (Tố Nguyệt 素月) năm 1997.

l Sau đây là bài thơ của Kim Yong-taek:

MỘT NGÀY XUÂN

Nếu bạn đang tới tìm tôi,

chỉ thấy cái cuốc lấm lem

nằm nơi góc bếp sau vườn,

hãy biết rằng tôi đi rồi

xuôi dòng xuân sông Sâm Tân 森津,

nắm tay cô gái yêu thương

ngắm bông mận nở xinh tươi.(3)

CHÚ THÍCH:

(1) Dịch theo bản tiếng Anh của GS.TS. Song Chae-pyong (Tống Tại-Bình 宋在平), Quang Châu Đại Học Hiệu (光州大學校 Gwangju University):

SPRING

April has just awakened

Iike a lazy leopard.

His eyes sparkle,

he feels itchy,

his hair rises,

he stretches his back,

and he hesitates.

He has already leapt over winter.

(2) Dịch theo bản tiếng Anh của GS.TS. Song Chae-pyong và nữ GS.TS. Anne Rashid (Viện Đại Học Binghamton, Mỹ):

SPRING

Spring runs within blood vessels like a stream,

and on the bank near a stream

forsythias, azaleas, and yellow cabbage flowers

I, who have endured winter,

sprout like grass

Joyful robin,

fly up from any furrow

The blue sky

glistens high above

(3) Dịch theo bản tiếng Anh của GS.TS. Song Chae-pyong và nữ GS.TS. Anne Rashid:

A SPRING DAY 

If you are looking for me,
and all you find is a hoe covered with soil
in the kitchen garden,

just know that I have gone
to admire plum blossoms,
following the spring water of the Sumjin River,
holding a lovely woman’s hand.

Nhiêu Lộc, 26-12-2023

Huệ Khải

THƠ XƯNG DANH TRONG THÁNH GIÁO CAO ĐÀI

 


THƠ XƯNG DANH

TRONG THÁNH GIÁO CAO ĐÀI

HUỆ KHẢI

1. Mấy năm trước, thể theo lời mời của linh mục PX Bảo Lộc, tôi hân hạnh dự vài lớp đêm tại Học Viện Mục Vụ (Tổng Giáo Phận TpHCM) để góp ý với quý anh chị học viên khóa Đối Thoại Liên Tôn (môn học về đạo Cao Đài). Nhờ thế, tôi biết có anh có chị thích thú các bài thánh thi xưng danh làm theo thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú hay tứ tuyệt. Chẳng hạn, thánh giáo ngày 18-01 Ðinh Mão (Chủ Nhật 19-02-1927) in trong “Thánh Ngôn Hiệp Tuyển” mở đầu với bài tứ tuyệt như sau:

QUANG minh huệ nhãn chiếu càn khôn

THÁNH đức lưu tâm quốc bảo tồn

ÐẾ Việt san hà chung hạnh đạt

QUÂN tranh thế giới Ðạo khai môn.

Như vậy, Đấng giáng cơ dạy đạo đã xưng danh là QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN.

Quý học viên nhờ tôi cho biết về thể thơ này, vì thấy nó thú vị và rất phổ biến trong thánh giáo Cao Đài. Tiếc rằng thời gian vắn vỏi của buổi học không tiện cho tôi chia sẻ chút ít hiểu biết cạn cợt của mình.

2. Bác sĩ Trần Ngọc Án (1888-1963), bút danh Diên Hương, khi soạn cuốn Phép Làm Thơ (Sài Gòn: nhà sách Khai Trí xb, 1963, in lần thứ hai), chỉ nói sơ sài về thể thơ này (tr. 142, 149), và gọi là thơ “khoáng-thủ” [sic]. Bài tứ tuyệt của Thanh Tâm (chưa biết là ai) nhan đề “Kỉnh tạ ông Thuần-Phong tặng cuốn Ngụ-Ngôn Việt-Nam” được Diên Hương chọn làm thí dụ (tr. 149), gồm bốn câu như sau:

NGỤ ý cao thâm giá ngọc đường

NGÔN-từ nho-nhã bực đài-chương

VIỆT-văn lưu-loát thông thiên-hạ

NAM-vận hòa thinh nhứt thế trường.

Bốn chữ đầu bốn câu thơ ráp lại thành NGỤ NGÔN VIỆT NAM là nhan đề bộ sách (hai quyển) của Thuần Phong Ngô Văn Phát (1912-1983), người Vĩnh Lợi (Bạc Liêu). Năm 1956, ông Phát có công đặt tên các đường phố Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định, và nhiều tên đường xưa trong số đó ngày nay vẫn còn giữ nguyên.

3. Thánh giáo Cao Đài gọi thể thơ này là “khoán thủ” hay “khoán thủ thi bài”. Tôi tìm trong một số từ điển và sách khảo về các thể thơ, dạy cách làm thơ, vẫn chưa gặp hai chữ “khoán thủ”. Do đó, trước đây có lúc tôi tạm giảng “thủ” là “đầu”, và “khoán” là “giao ước”; vậy, “khoán thủ” là “giao ước lấy các chữ ở đầu từng câu thơ ráp lại”. Nếu “giao ước” lấy chữ trong câu thơ thì gọi là “khoán tâm” 券心. Chẳng hạn:

CAO xanh MỪNG trẻ kết dây liên

ĐÀI trổ XUÂN hoa đượm thế miền

THƯỢNG hỷ KỶ niên đầy xán lạn

ĐẾ mừng HỢI đến cảnh Nghiêu thiên

GIÁO dân ĐẤT Á không nài quản

ĐẠO mở VIỆT Nam vững mối giềng

NAM bắc BÌNH thông khai Quốc Đạo

PHƯƠNG trời HÒA ái thấy Bồng Tiên.

(Tòa Thánh Tiên Thiên Châu Minh, Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển I. Sài Gòn: Tân Sửu 1961, tr. 9.)

Bài thất ngôn bát cú xưng danh dẫn trên vừa “khoán thủ” là CAO ĐÀI THƯỢNG ĐẾ GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG (Cao Đài Thượng Đế dạy Đạo phương Nam), vừa “khoán tâm” là lời chúc của Đức Cao Đài (các chữ thứ ba trong bài thơ): MỪNG XUÂN KỶ HỢI ĐẤT VIỆT BÌNH HÒA. (Kỷ Hợi là năm 1959.)

Trở lại với Diên Hương (người Trà Vinh), ông viết sai chánh tả bởi vì giọng miền Nam không phân biệt “khoán” với “khoáng”.

4. Lâu lắm rồi, tôi nhớ mang máng có đọc trong quyển sách nào đó của nhà văn S.N., thấy ông gọi thể thơ này là “quán thủ”, nhưng giờ đây truy tìm trong một số từ điển thì không thấy; nhờ Google giúp cũng không kết quả. (Do đó, tôi đành viết tắt bút danh nhà văn ấy, bởi chỉ nhớ mơ hồ.)

Tuy thiếu sách vở làm căn cứ, tôi vẫn ưng cách gọi “quán thủ” và tạm giảng rằng “quán” là “xem xét”; “quán thủ” là “xem xét các chữ ở đầu từng câu thơ”. Dù tạm giảng như nói trên, tôi vẫn cứ bận lòng tìm kiếm xem “khoán thủ” và “quán thủ” từ đâu mà ra.

5. Gần đây, nhờ bào đệ Lê Anh Minh trợ giúp, tôi biết rằng người Hoa gọi lối thơ này là “tàng đầu thi” 藏頭詩 (thơ giấu đầu), trong đó có kiểu “quán thủ thi” 冠首詩, cũng gọi “quán đỉnh thi” 冠頂詩, “quán đầu thi” 冠頭詩.

Ba chữ “thủ”, “đầu”, và “đỉnh” đều có nghĩa “ở trên cùng, trên đỉnh, đầu tiên”. Chữ “quán” là “đứng đầu”; người đứng đầu một cuộc thi tài là “quán quân” 冠軍, tức là nhà vô địch (champion).

Tiểu thuyết Thủy Hử (Bờ Nước) của Thi Nại Am (1296-1371) ở Hồi Sáu Mươi Mốt kể chuyện Lư Tuấn Nghĩa trước khi bỏ nhà mà theo các hảo hán Lương Sơn Bạc (tức là “làm phản” triều đình) đã đề trên vách bài thơ như sau:

蘆花叢中一扁舟

俊傑俄從此地游

義士若能知此理

反躬難逃可無憂.

hoa tùng trung nhất thiên chu

Tuấn kiệt nga tòng thử địa du

Nghĩa sĩ nhược năng tri thử lý

Phản cung nan đào khả vô ưu.

Á Nam Trần Tuấn Khải (1895-1983) dịch:

hoa phơ phất chiếc thuyền bơi

TUẤN kiệt vui chơi buổi tối trời

NGHĨA sĩ tay cầm ba thước kiếm

PHẢN rồi chém lũ nghịch thần chơi.

Khi ráp các chữ đầu bốn câu thì được câu: LƯ TUẤN NGHĨA PHẢN.

6. Như vậy, lối thơ xưng danh phổ biến trong thánh thi Cao Đài là thơ “quán thủ” 冠首.Nhưng tại sao thánh giáo Cao Đài lại gọi là “khoán thủ” thay vì “quán thủ”?

Tôi nghĩ rằng ở đây ắt có sự “biến âm” (phonetic variation) của phương ngữ Nam Kỳ, tức là QU biến âm thành KH như ta từng thấy: QUãng cách → KHoảng cách; QUãng đường → KHoảng đường; QUãng trống → KHoảng trống.

7. Bạn đạo của tôi là hiền huynh Giuse Bùi Văn Hóa (Phó Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn, Tổng Giáo Phận TpHCM) làm thơ thường ghi bút danh Hòa Duyên, hoặc Duyên Hà. Khi đọc thánh giáo Cao Đài có lẽ thích thú lối thơ xưng danh “quán thủ / khoán thủ” trong đạo Cao Đài nên huynh Giuse Hóa (giáo xứ Bùi Phát, quận Ba) từng nhiều lần làm thơ quán thủ.

Khi ấn tống giai phẩm Xuân Chung Tâm (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011), tôi cho biết sang năm 2012 sẽ ấn tống giai phẩm Xuân Hòa Đồng. Thế thì, huynh Giuse Hóa gởi tặng tôi bài thơ bát cú chúc xuân Tân Mão (2011) như sau:

XUÂN THÊM XUÂN

MỪNG Ấn Tống, ba mốt tháng xuân,

XUÂN Chung Tâm đậm nét nẻo xuân.

CHUNG tay hiệp lực in kinh sách,

TÂM kết Tâm – sáng tạo Trời Xuân.

VỌNG nhớ thăng trầm trong quá khứ,

XUÂN TRỜI như vắng! Dạ bâng khuâng.

HÒA đồng liên kết, nay nên nghiệp,

ĐỒNG vui xuân mới – Xuân trong XUÂN.

DUYÊN HÀ (31-01-2011)

Đọc “quán thủ” thì có lời chúc này: MỪNG XUÂN CHUNG TÂM VỌNG XUÂN HÒA ĐỒNG. Nghĩa là hiền huynh đang mong chờ xuân sau (2012) sẽ đón nhận thêm tập Xuân Hòa Đồng, như tôi hứa hẹn trong tập Xuân Chung Tâm. Ý nhị thay!

HUỆ KHẢI

Nhiêu Lộc, 15-01-2024

Tuần san CGvDT, số 2429 từ 26-01 đến 01-02-2024

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

BÀI THƠ CỔ Ở THIÊN TRƯỚC

 

BÀI THƠ CỔ Ở THIÊN TRƯỚC

LÊ ANH MINH & HUỆ KHẢI

1. Là một thánh tịnh Cao Đài đơn lập (vì không thuộc một Hội Thánh nào), Thiên Trước tọa lạc tại ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ (ảnh 1). Trong chánh điện thánh tịnh có treo một tấm biển rất xưa (ảnh 3), nhìn hao hao như tấm hoành (tức hoành phi 橫披 hay hoành phúc 橫幅).

Thông thường, hoành phi có hình chữ nhật, chiều ngang ít ra phải gấp đôi chiều cao, trên đó viết gọn hai, ba, bốn, hay năm chữ Nho. Chẳng hạn tấm hoành đính kèm (ảnh 2) viết rất đẹp năm chữ “Gia Hòa Vạn Sự Hưng” (trong nhà hòa thuận, muôn việc hưng thịnh).

Tấm biển ở Thiên Trước cũng khá giống “cuốn thư” theo cách người Việt gọi. Cuốn thư mô phỏng một cuốn sách xưa (vốn cuộn thành bó) đang mở ra, một bên trục là quản bút lông, trục bên kia là thanh gươm, ý nói “văn võ song toàn”, chung quanh có thể chạm trổ thêm rồng phượng. Cũng như tấm hoành, trên cuốn thư thường viết vài ba chữ Nho, chẳng hạn như “Đức Lưu Quang” 德流光 (ảnh 4), ý nói “Đức lưu sáng; gia tộc vẻ vang nhờ có đức”.

2. Tấm biển ở Thiên Trước khắc một bài thơ cổ nằm gọn trong một vòng tròn, người Hoa gọi kiểu trình bày này là “viên hình đoàn phiến” 圓形團扇 hay “viên hình phiến” 圓形扇 (mặt quạt hình tròn).

Tấm biển này tương truyền đã có vào khoảng năm 1933, thuộc sở hữu của ông Huyện hàm Phan Lương Tưởng (1861-1926) là một nhân sĩ đạo đức nổi tiếng ở Cần Thơ. Con cháu ông (cùng mang họ Phan Lương) xưa nay đều là các bậc tu hành đạo cao đức trọng và đắc quả trong đạo Cao Đài. Khi thánh tnh Thiên Trước xây dựng năm 1952, tấm biển được truyền lại cho bổn đạo trân trọng lưu giữ cho tới nay.

3. Bài thơ cổ trong vòng tròn là bài thất ngôn tứ tuyệt viết theo lối chữ triện , nhưng thợ chỉ khắc hai mươi sáu chữ (vì thiếu chỗ?), tức là bỏ sót hai chữ “nhàn xao” 閒敲 mở đầu câu kết, và không có nhan đề “Hữu Ước” 有約 (Có Hẹn). Một dị bản ghi là “Ước Khách” 約客 (Hẹn Khách).

Tấm biển còn khắc thiếu tên tác giả là Triệu Sư Tú 趙師秀 (1170-1220), đời Nam Tống, tự Tử Chi 紫芝, cũng gọi Linh Chi 靈芝, có hai hiệu là Linh Tú 靈秀 và Thiên Lạc 天樂. Là người Vĩnh Gia 永嘉 (nay là Ôn Châu 溫州, thuộc tỉnh Chiết Giang 浙江, Trung Quốc), ông đậu tiến sĩ năm 1190.

Bài thơ nguyên văn như sau:

黃梅時節家家雨

青草池塘處處蛙

有約不來過夜半

閒敲棋子落燈花

Hoàng mai thời tiết gia gia vũ

Thanh thảo trì đường xứ xứ oa

Hữu ước bất lai quá dạ bán

Nhàn xao kỳ tử lạc đăng hoa.

Ý nghĩa:

Mưa đang mùa, nhà nhà dầm mưa

Bờ ao xanh cỏ, ếch nhái kêu khắp nơi

Đã hẹn mà quá nửa đêm khách chẳng đến

Ngồi buồn gõ quân cờ làm rụng bấc tàn.

4. Giải nghĩa

Câu 1: “Hoàng mai” là trái mơ (plum) chín vàng, nhưng “hoàng mai thời tiết” tức là “hoàng mai quý” 黄梅季 (mùa mưa đầu hè lúc trái mơ chín vàng). “Gia gia vũ” là nhà nào cũng dầm trong mưa, nên chẳng ai muốn ra đường. Câu này ngầm giải thích lý do khách lỗi hẹn (câu 3).

Câu 4: “Nhàn” là ở không, rảnh rỗi, vì đang chờ khách (nên bày cờ giải sầu dù chơi một mình). “Đăng hoa” là hoa đèn, tức là ngọn bấc (tim đèn) trước khi thành tro tàn thì cháy đỏ lên, nhà thơ ví von là hoa lửa, hoa đèn. Gõ quân cờ mạnh tay, mặt bàn lay động làm rụng ngọn bấc tàn. Câu 4 và câu 2 diễn tả nỗi cô đơn của nhà thơ trong đêm buồn mưa khuya.

5. Huệ Khải dịch ra lục bát

HẸN KHÁCH

Mưa mùa dội khắp nhà nhà

Bờ ao ếch nhái gần xa gọi sầu

Quá khuya khách hẹn thấy đâu

Quân cờ gõ mạnh rụng mau bấc tàn.

Nhiêu Lộc, 12-01-2024

Tuần san CGvDT, số 2428

từ 19-01 đến 25-01-2024