Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

54/27. NHƯ TÁCH CÀ PHÊ / BẮC CẦU TÂM LINH

Image result for CUP OF COFFEE
 NHƯ TÁCH CÀ PHÊ

Bởi lẽ, khi bạn đang so sánh,
khi bạn đang cân đong đo đếm chính mình
với “cái nên là” hay “cái đã và đang là”
thì bạn không thấy được cái tht s.
Because when you are comparing, when you are measuring yourself with “what should be” or “what has been,” you are not seeing what is. (The Collected Works, Vol. 17, p. 182.)
Krishnamurti (1895-1986)
Đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm, nhóm bạn học đồng môn điện thoại rủ nhau cuối tuần đến thăm thầy giáo cũ.
Thầy họ đã già, đang nghỉ hưu. Nhiều năm xa cách từ buổi ra trường, nay gặp lại nhau do một quyết định ngẫu hứng, thầy trò đều rất vui. Câu chuyện hàn huyên cứ tự nhiên lan man từ người này sang người khác, như thuở nào cùng tụm bầy tung hứng một trái banh trong giờ ra chơi.
Ít nói hơn cả, thầy giáo chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng mỉm cười, gật gù khuyến khích nhóm môn sinh cũ thoải mái bộc lộ tâm tình. Chẳng mấy chốc, thầy đã có thể nắm bắt được toàn cảnh cuộc sống hiện nay của họ. Những người trẻ này đều thành đạt trên đường đời, hiểu theo nghĩa có đủ cả danh vọng và tài sản. Nhưng dường như họ vẫn chưa mãn nguyện với những gì họ đang có. Len lỏi giữa những mẩu chuyện họ đổi trao là lời ca cẩm, tiếng than phiền, giọng trách móc về công việc, về gia đình... Thầy không khỏi nghĩ rằng sự thành đạt của họ giống như một sân khấu hoành tráng đang che đậy phía sau một hậu trường luộm thuộm, nhếch nhác, xô bồ.
Thầy đứng dậy, lịch sự bảo học trò cũ thứ lỗi cho thầy năm, mười phút, rồi bước vào trong. Không lâu sau, thầy trở ra, khệ nệ trên tay một khay lủ khủ những tách cà phê bốc khói thơm lừng. Đặt khay giữa bàn, thầy ôn tồn nói:
- Thầy mới được người ta biếu cho thứ cà phê này ngon tuyệt. Các em nếm thử xem sao. Có điều đừng cười thầy nhé! Nhà thầy thanh bạch, cốc tách chả ra làm sao, không cái nào giống cái nào vì chẳng phải cùng một bộ ấm chén.
Học trò cười vui thông cảm khi thấy trên khay nào tách lớn tách bé, tách cũ tách mới, gốm sứ có, thủy tinh có… Nhưng nhấp cà phê rồi, họ nhìn nhau, gật đầu tỏ ý khen ngon, rất ngon!
Thầy giáo nhoẻn miệng cười, thủng thỉnh nói:
- Ngon đấy chứ, phải không các em? Dù cái tách trên tay các em xấu đẹp hay cũ mới khác nhau, chất lượng cà phê trong tách vẫn y hệt nhau. Lúc các em thò tay vào khay, hầu như em nào cũng kín đáo liếc nhanh để chọn cho mình cái tách tốt hơn cả. Thầy cố ý mang ra nhiều tách hơn số người có mặt, và rốt cuộc, trên khay còn chừa lại hai cái tệ nhất vì mẻ miệng, sứt quai. Nhưng cà phê trong đó vẫn cùng một thứ rất ngon như các em đang thưởng thức.
Cái tách từng em đã chọn thật sự không ảnh hưởng gì tới chất lượng cà phê nó chứa đựng. Thứ các em thật sự muốn là cà phê ngon nhưng đồng thời các em lại kén chọn vật chứa nó. Khi nâng tách lên miệng, có em còn liếc mắt xem tách bạn mình tốt hay xấu hơn mình. Những nguyên nhân phiền não trong cuộc sống chúng ta cũng đến theo cách như thế thôi.
Ý vị cuộc sống đời ta ví như cà phê. Nghề nghiệp, tiền tài, địa vị xã hội ví như những cái tách chứa cà phê. Đôi khi chúng ta quá bận tâm tới cái tách mà quên để cho lòng mình thanh thản thưởng thức hương vị cà phê. Không tiền thì rất khổ, nhưng biến đời mình thành cỗ máy in tiền thì còn khổ hơn nữa kìa. Vì như vậy tức là mình mất đi ý vị cuộc sống hay hạnh phúc.
Người thật sự hạnh phúc nhất vẫn đâu có được hết những gì tốt nhất trên đời. Thế nhưng chúng ta có thói quen hay so sánh những gì ta có với những gì người khác có để so đo xem ta hay họ, ai hạnh phúc hơn ai.
Thầy nhớ, Krishnamurti có lần nói: “So sánh sản sinh ra thói tranh cạnh, lòng tàn nhẫn, khát vọng, thế mà chúng ta cho rằng điều ấy mang lại tiến bộ.” Thế nên, ông khuyên: “Nuôi nấng, dạy dỗ trẻ con mà không so sánh mới là giáo dục đích thực.” ([1])
HUỆ KHẢI
22-5-2012
CGvDT số 1859, ngày 25-5-2012




([1]) … but comparison breeds competitiveness, ruthlessness, ambition, which we think brings about progress. (…) To bring up children without comparison is true education.




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.

Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

54/26. NGƯỜI HIẾM CÓ / BẮC CẦU TÂM LINH



NGƯỜI HIẾM CÓ
Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi,
nghĩa là trong xác thịt tôi.
Thư Gởi Tín Hữu Rôma 7:18
*
Chở tôi đi thăm một bạn đồng nghiệp nghỉ hưu, anh bảo:
- Mình đi tắt, gần hơn mà ít xe. Đường nhỏ nhưng thường thông thoáng.
Từ phía Lăng Ông Bà Chiểu, qua khỏi trường học, gần tới Cầu Bông thì anh rẽ phải vào đường Vũ Huy Tấn. Sắp quẹo trái để lên cầu Hoàng Hoa Thám, gặp đèn đỏ, anh dừng lại. Ngồi phía sau, gãi gãi vào lưng áo anh, tôi trêu:
- Đường vắng, không cảnh sát giao thông, ngoan thế!
Trời đang nắng. Anh cười hì hì, chẳng nói gì, nhẫn nại đợi đèn xanh mới cho xe chạy lên cầu.
Cùng ngồi uống trà trong nhà người bạn ở Xóm Chùa, tôi kể lại chuyện chấp hành luật lệ giao thông của anh. Chủ nhà gật gù khen, giọng chẳng hề giễu cợt:
- Người hiếm có! Hiếm có!
Uống xong chén trà, ông giáo già nói thêm:
- Mà phải như vậy thôi.
Anh gật đầu, tỏ ý tán thành. Hai người vốn là tri kỷ, làm bạn tu tại gia (cư sĩ) với nhau bấy lâu, tôi đoán mình sắp được nghe một chủ đề vượt ra ngoài phạm vi đèn xanh đèn đỏ.
Quả nhiên, anh thủng thỉnh mở lời:
- Thấy cảnh sát thì mình không phạm luật. Vắng bóng họ, mình chạy ẩu. Phần đông chúng ta đều làm như thế trong cuộc sống. Vô chùa thất, vào nhà thờ nói chung ai cũng cung kính, cẩn thận khi đứng trước tượng Phật, Chúa, Thánh Thần; nhưng hễ bước ra ngoài thì hay lung tung. Chúng ta tôn kính hình ảnh, cốt tượng Đấng thiêng liêng trên bàn thờ nên biết giữ gìn mồm miệng, cử chỉ, hành vi. Trái lại, khi ở một mình, hoặc cho rằng không ai thấy ai biết, chúng ta dễ mắc lỗi, dễ sái quấy. Giá như chúng ta biết tin chắc, tin mạnh mẽ rằng trong chính ta lúc nào cũng thường trực có mặt một vị Phật, Chúa, Thánh Thần vô hình, một đấng Impersonal God, thì ta còn cẩn thận, giữ gìn hơn cả khi đứng trước một bàn thờ hữu hình trong thánh đường.
Chủ nhà rót thêm cho anh chén nước, gục gặc đầu tỏ vẻ đắc ý, và phụ họa:
- Hồi mới nhập môn Cao Đài, tụng Kinh Sám Hối, có hai câu tôi không hiểu: “Biết chước quỷ đánh lừa cám dỗ / Yếu đức tin nên phải lụy mình.” Sau này tôi mới vỡ lẽ như anh vừa nói. Nếu ta vững đức tin rằng trong thân xác ta đang có và luôn có Đấng thần minh ngự trị thì ta sẽ cố giữ mình để khỏi phạm lỗi. Có lần tôi đọc được câu này trong bài giảng của một vị mục sư người Mỹ: “Temptation is not sin, but a trial of my faith.” (Cám dỗ không phải là tội lỗi, mà là một thử thách đức tin của tôi.) Nói được như thế quả là đạt đạo. Nếu đức tin vào Phật Chúa nội tại (immanent) trong ta vững mạnh thì ta không dễ bị cám dỗ để vấp ngã, phạm tội.
Anh trầm ngâm một lúc rồi nhìn tôi, nói như tâm tình:
- Học đạo, có những câu đơn giản lắm! Có khi mình hiểu liền; có khi phải trải qua một thời gian chiêm nghiệm sau những trầy trật bản thân, bấy giờ mới bừng ngộ, nên càng thấm thía. Đức Tôn Sư dạy chúng tôi tu thiền là Đông Phương Lão Tổ. Hồi cuối năm Ất Tỵ (1965), khi khuyên chúng tôi phải luôn đề cao cảnh giác, kẻo dễ phạm lỗi, Ngài dạy: “Ở đời mạt kiếp này, đã là người thì không ai khỏi lỗi. Nhích chơn, hả miệng đã gây nên tội lỗi rồi, cần gì phải hành động?” Đó không phải là lời nói cường điệu. Hồi xưa, trong thư gởi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô viết: “Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi.” Lúc đầu, mới tập đọc Kinh Thánh, tôi không hiểu vì sao trong một vị Thánh tông đồ mà lại có điều bất thiện. Lần hồi, tu học thêm được chút ít, tôi nghĩ Thánh Phaolô dạy như thế có lẽ để nhắn nhủ chúng ta rằng trong con người phàm tục vốn chất chứa nhiều ham muốn, nên chúng ta có xu hướng dễ phạm lỗi, mắc tội.
Chủ nhà tán thành:
- Mở đầu sách Trung Dung của đạo Khổng có mấy chữ này: “Cố quân tử thận kỳ độc dã.” Đại khái mình hiểu là người quân tử dù ở lẻ loi một mình cũng rất cẩn thận giữ gìn, không để dể duôi phạm lỗi rồi mới đi tụng Kinh Sám Hối. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ dịch câu chữ Nho này thành lục bát quá hay: “Nên dù chiếc bóng tịch liêu / Đã là quân tử chẳng xiêu lòng vàng.”
HUỆ KHẢI
18-9-2011
CGvDT số 1826, ngày 23-9-2011


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

54/25. NGÀY TRỌNG ĐẠI / BẮC CẦU TÂM LINH

Image result for silk
 NGÀY TRỌNG ĐẠI

Ngày gặp may mắn, hãy cứ vui hưởng.
Ngày bị rủi ro, hãy gẫm mà xem:
Ngày nào cũng do Thiên Chúa làm nên…
Giảng Viên 7:14
Ðây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
Thánh Vịnh 118:24
Đây là chuyện tôi nghe:
Cậu em rể lấy ra từ ngăn kéo tủ chiếc áo lụa vàng nõn nà trao cho chị. Chiếc áo mới tinh, mẩu giấy nhỏ in giá bán vẫn còn đính trên cổ áo bằng một sợi cước nylon thật thanh mảnh.
- Em mua tặng cô ấy đã lâu, nhân sinh nhật năm trước. Cô ấy thích lắm, nói áo đẹp và sang quá, nên cứ để dành đợi khi nào có dịp gì thật trọng đại mới mặc cho xứng đáng. Bây giờ chẳng phải là dịp trọng đại thì còn chờ lúc nào nữa!?
Chị cắn môi nén khóc khi nghe lời nói đớn đau như trách móc, rồi cùng em rể cẩn thận đỡ em gái chị lên để choàng vào thi hài tấm áo mới.
Sau lễ tang, chị suy gẫm hoài lời nói của em rể: “Chớ nên để dành bất kỳ thứ gì chờ dịp trọng đại. Mỗi ngày ta sống há chẳng phải là một dịp trọng đại sao?”
Từ đó, chị như kẻ xài sang. Những chén dĩa sứ mỹ miều xưa nay chỉ được lấy khỏi tủ khi đãi tiệc, chị bắt đầu đem ra dùng trong bữa cơm thường ngày. Những chai dầu thơm đắt tiền chỉ đụng tới khi đi ăn cưới, liên hoan, tết nhất... chị cũng lần lượt mở nút.
Chị đi làm, bạn bè hỏi:
- Sao bữa nay bà bảnh thế?
Chị cười:
- Hôm nay là một ngày trọng đại.
Và đối với chị ngày nào cũng trọng đại. Chị tự nhắc nhở mình đừng nại ra lý do này lý do kia để cốt hoãn lại bất kỳ việc gì tốt mà chị biết là cần nên làm. Đi thăm người quen lâu ngày không gặp. Viết thư cho bạn ở xa. Gọi điện thoại về hỏi han bố mẹ. Đưa các con về chơi với ông bà... Khi muốn bộc lộ tình cảm thương yêu, trìu mến với gia đình, người thân thì chị cũng không ngần ngại nữa, vì chị nghĩ biết đâu sẽ không còn dịp nào bày tỏ.
Mỗi sáng thức dậy, chị bắt đầu một ngày bằng cách tự nhủ thầm câu kinh nhật tụng:
- Hôm nay là một ngày trọng đại. Mỗi giây, mỗi phút, mỗi hơi thở vô thở ra của ta chính là bảo vật Trời ban.
HUỆ KHẢI
24-6-2008
CGvDT số 1663, ngày 29-6-2008
Phỏng theo “A Story to Live by” của Anne Wells.



 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

54/24. MỘT CHÚT TÌNH CỜ / BẮC CẦU TÂM LINH

Image result for walking lady profile

MỘT CHÚT TÌNH CỜ 
Trời có nói gì đâu…
Thiên hà ngôn tai.
天何言哉.
Đức Khổng Tử
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Bác sĩ đã lên lịch và mẹ chị sẽ phải mổ não vì chứng phình mạch làm xuất huyết (bleeding aneurysm). Sau đó, mẹ sẽ phải nằm viện nhiều tháng dài để được hồi phục. Bác sĩ bảo chỗ phình mạch của mẹ khá lớn, nguy cơ khi mổ não vì thế cũng nhiều hơn. Chị còn được biết trong những trường hợp tương tự như mẹ, tỷ lệ sống sót và hồi phục hoàn toàn chức năng thường rất thấp. Lo sợ trăm bề, chị chỉ còn biết thành khẩn cầu nguyện.
Những ngày này chị hay tìm con đường văng vắng để bách bộ, mong giảm bớt căng thẳng. Một hôm đang thong thả bước trên vỉa hè dọc theo bờ tường dài rợp bóng cây, chị giật nảy mình khi có chiếc xe chợt trờ tới sát bên. Người đàn ông nở nụ cười thân thiện và chị trấn tĩnh khi thấy ánh mắt người lạ có vẻ hiền lành. Móc trong túi áo ra mảnh giấy, ông ta chìa cho chị xem một địa chỉ:
- Chị biết chỗ này không? Trước đây tôi thường tới đó… Bây giờ đường sá lạ quá!
Chị không khỏi ngạc nhiên khi người lạ nói luôn một hơi như phân trần:
- Vả lại, năm ngoái tôi mới mổ não vì chứng phình mạch. Bây giờ tôi hồi phục hầu như hoàn toàn, vẫn lái xe được… Chỉ có điều đôi lúc trí nhớ hơi lôi thôi như thế này.
Chị ngẫm nghĩ một chút, rồi mượn ông ta cây bút bi, hí hoáy vẽ phác một bản đồ lên mặt sau mảnh giấy. Ông ta cảm ơn và lái xe đi tiếp, sau khi nói thêm một câu, như nhắn nhủ:
- Đi bộ nhiều như chị rất tốt cho bộ não.
Chị rảo bước, tiếp tục lộ trình dang dở. Đi thêm một đoạn ngắn, chị bỗng khựng lại khi nghĩ tới câu chuyện của người lạ tình cờ mới gặp. Chị ứa nước mắt. Có lẽ Thượng Đế đã gởi ông ta đến để chuyển cho chị một thông điệp, bảo rằng mẹ chị sẽ vượt qua, cũng như ông ta đã vượt qua. Chị cảm thấy lòng nhẹ nhõm, thấy được an ủi khôn xiết.
Chắp tay lên ngực, chị ngẩng lên bầu trời xanh ngắt trên cao, thầm tạ ơn Trời Phật. Dưng không chị nhớ tới câu nói của ai đó, đã đọc trong cuốn sách nào đó:
“Những tình cờ ngẫu nhĩ xảy đến trong đời ta chính là cách thầm kín Thượng Đế cứu giúp ta, vì Ngài luôn giấu mặt, im hơi lặng tiếng.”
HUỆ KHẢI
01-4-2009
CGvDT số 1701, ngày 03-4-2009.
Mượn ý Diana Mason Bruhn, “Coincidence on a Country Road, 2001.




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

54/23. BÀI THƠ HAY THIẾU TÊN TÁC GIẢ / BẮC CẦU TÂM LINH

Image result for e-mail

MỘT BÀI THƠ HAY MÀ THIẾU TÊN TÁC GIẢ

E-mails là bằng chứng về tính hai mặt của cuộc đời. Những thư rác luôn là chút phiền nhiễu hàng ngày, nhưng cùng lúc e-mails lại mang tặng chúng ta những niềm vui nho nhỏ bất ngờ. Chẳng hạn, có bạn thích mượn e-mails làm phương tiện duy trì mối quan hệ thân quen. Bằng cách này, thay vì những câu hỏi thăm khuôn sáo, bạn gởi cho chúng ta một video clip têu tếu, một mẩu viết ngắn của ai đó mà bạn cho rằng ý nhị, và cũng đáng chia sẻ với nhau.
Mới rồi, bạn phương xa chuyển cho tôi hai mươi câu thơ, kèm nhắn nhủ là “Đọc chơi cho vui.” Ừ, thì đọc. Tôi nghĩ bụng.
Đó là bài thơ của một người nước ngoài, tiếng Anh. Có lẽ bạn tôi tình cờ nhặt được đâu đó trên mạng, và lẽ thường, những gì nhặt nhạnh ngẫu nhĩ như thế hay bị bỏ quên xuất xứ, bị sót tên tác giả.
Tôi thấy bài thơ hay lắm, bèn chuyển ngữ như sau:
Một bài hát khuấy động phút giây
Một đóa hoa gợi nên mơ mộng
Một cây nhỏ làm thành khoảnh rừng
Một cánh chim báo hiệu mùa xuân.
Một nụ cười mở đầu tình bạn
Một xiết tay nâng đỡ tâm hồn
Một ánh sao soi đường giữa biển
Một lời nói định hướng cuộc đời.
Một lá phiếu thay đổi quốc gia
Một tia nắng soi sáng gian phòng
Một ánh nến xua tan bóng tối
Một tiếng cười phiền muộn cũng qua.
Một bước chân mở ra hành trình
Một lời nói xướng thành câu nguyện
Một hy vọng vực dậy tinh thần
Một tiếp xúc tỏ lòng quan tâm.
Một tiếng nói có thể khôn ngoan
Một con tim biết đâu là thật
Một mảnh đời có thể được nên
Những điều ấy CÒN TÙY Ở BẠN! ([1])
HUỆ KHẢI
07-01-2012
CGvDT số 1841-1842, ngày 12-01-2012





([1]) One song can spark a moment,/ One flower can wake the dream./ One tree can start a forest,/ One bird can herald spring.
One smile begins a friendship,/ One handclasp lifts a soul./ One star can guide a ship at sea,/ One word can frame the goal.
One vote can change a nation,/ One sunbeam lights a room,/ One candle wipes out darkness / One laugh will conquer gloom.
One step must start each journey,/ One word must start each prayer./ One hope will raise our spirits,/ One touch can show you care.
One voice can speak with wisdom,/ One heart can know what’s true,/ One life can make the difference,/ You see, IT’S UP TO YOU!




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.

Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

54/22. LÁ CỜ HIỆU / BẮC CẦU TÂM LINH



LÁ CỜ HIỆU

Than ôi! Phù sinh một kiếp ai đã chắc trăm năm! Dù có trăm năm đi nữa, ai đã thấy cảnh thiên đường cực lạc để cho kiếp sống được hạnh phúc vinh quang? Hay là chỉ thấy những việc khổ đau, những điều tráo chác lẩn quẩn loanh quanh trong bả lợi danh vinh nhục? Rốt cuộc tay trắng buổi sơ sinh đến phút cuối cùng vẫn hoàn đôi tay trắng.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư
Minh Lý Thánh Hội, ngày 21-5-1969.
Anh theo bố mẹ rời miền sông nước An Giang lên sống luôn ở thành phố này hơn bốn mươi năm, từ cái hồi hai bên con đường nối từ chân Cầu Bông đổ dốc xuống Lăng Ông Bà Chiểu còn trống trải, bày ra những vạt rau muống.
Lớn lên cùng thành phố, nhưng anh chậm nắm bắt kịp thời những thay đổi trong nếp sống thị dân. Khi ai đó nói ra rồi anh mới ngỡ ngàng “À, à…” để gián tiếp thú nhận sự trễ bước của mình.
Tệ nữa là đôi lần anh hơi hào hứng nêu nhận xét về chút đổi khác của đô thị, ra vẻ mình vừa phát hiện được cái mới, thì bạn liền cười: “Xưa rồi Diễm!”
Chung quy có lẽ do anh kém quan sát, thiếu nhận xét tinh tường. Thế nên, khi ông bạn già hỏi anh có biết mấy lá cờ ấy người ta bắt đầu treo từ hồi nào không, thì anh chịu!
Ông bạn già và anh đang nói về những lá cờ vuông vuông treo đầu ngõ khi trong xóm có đám tang. Anh vẫn thường gặp những lá cờ như thế hàng ngày trong thành phố. Lắm hôm trên cùng một quãng đường không dài lại đến những hai lá.
Tập tục treo cờ hiệu cho đám tang khởi đầu bao giờ anh không biết, nhưng khi chú ý tới thì nhận ra quen mắt lâu rồi.
Cờ nền đen hoặc tím thẫm, đoán rằng tang chủ người Công Giáo. Bằng không, cờ kết vải đủ màu xanh, vàng, đỏ, trắng, gợi nghĩ những lá cờ treo đình làng dịp lễ hội.
Nhà thành phố chen chúc, hẻm hóc ngóc ngách đan xen. Có việc đi phúng viếng mà lạ đường lạ lối, chỉ cần nhìn thấy lá cờ từ xa cũng dễ định vị.
Giọng ông bạn bùi ngùi:
- Mới tiễn một lão bằng hữu sáng nay. Gẫm lại, trong chỗ thân tình với mình, những kẻ đang chờ xếp hàng còn thưa quá. Mỗi lần đi viếng một người thân quen, nhìn lá cờ báo tang, tôi lại lẩn thẩn nghĩ rằng nó còn là một thông điệp nhắn gởi bọn già chúng tôi.
Anh nắm chặt bàn tay khô ráp của ông bạn, không khỏi chạnh lòng. Ngẫu nhiên mà đấy chẳng phải là ý nghĩ riêng ông. Chính anh, mỗi khi dọc đường bắt gặp lá cờ báo tang, lại hay vẩn vơ nghĩ đến bố mẹ tuổi cao, và đến cả thân mình.
Anh bây giờ chưa gọi quá già nhưng tháng ngày trẻ trung rõ đã trôi xa vào dĩ vãng. Những ước mơ và kế hoạch chưa hoàn tất, những cái người xưa bảo là “bán đồ nhi phế”, là bỏ cuộc nửa đường, cứ dồn thêm nhiều trong lúc anh không biết mình còn được bao nhiêu thời gian nữa để làm cho xong phần nhỏ nào của ngần ấy những dở dang.
HUỆ KHẢI
23-01-2007
CGvDT số 1594, ngày 26-01-2007




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

54/21. KHAO KHÁT / BẮC CẦU TÂM LINH



KHAO KHÁT

Phúc thay những ai khát khao
được nên người công chính,
vì Thiên Chúa sẽ cho họ thỏa lòng.
Matthêu 5:6
Khát khao (hay khao khát) tức là thèm muốn mãnh liệt. Trong bản tiếng Anh, theo New International Version (NIV), câu Kinh Thánh Matthêu 5:6 dẫn trên được in như sau: “Blessed are those who hunger and thirst for righteousness, for they will be filled.” Chúng ta ngầm hiểu câu kinh này hàm ngụ một cách ví von, so sánh: Ai mà thèm muốn công chính y hệt như kẻ đói thèm ăn, kẻ khát thèm uống thì họ sẽ được toại nguyện.
Như thế, thử hỏi ngược lại: Khi nào, hay với điều kiện gì thì con người được Thiên Chúa nhậm lời ban ơn cho mình? Câu trả lời là: Tùy vào mức độ mình khao khát mong cầu.
Thông thường, khi đói khát phần đông người ta chỉ còn nghĩ tới miếng ăn miếng uống và cố gắng giải quyết nhu cầu này bằng mọi cách. Có người bảo rằng ở châu Phi, họ từng chứng kiến một đàn hươu tử chiến với sư tử chỉ để giành một vũng nước trên bãi hoang khô nẻ. Vậy, lấy nỗi thèm ăn thèm uống để làm “thước đo” mức độ ham muốn mãnh liệt của con người âu cũng là một cách thích hợp.
Và đây là chuyện tôi nghe:
Một thanh niên tìm đến đạo viện danh tiếng nọ, khẩn khoản xin gặp vị đạo sư làm chủ nơi ấy.
Ngắm tướng tá chàng trai một thoáng, đạo sư hỏi:
- Anh thực sự muốn gì?
- Thưa thầy, nhiều năm nay con khao khát tìm đạo. Con muốn tu cho đắc đạo ngay trong kiếp này.
- Anh có chắc không? Đã nghĩ kỹ chưa?
- Lòng con đã quyết, xin thầy từ bi nhận con làm đệ tử.
Đạo sư dắt thanh niên đi về phía sau đạo viện, có một nhà nhỏ ẩn khuất giữa những lùm cây khóm lá xum xuê. Đây là loại “cốc” dành cho một người tu luyện, biệt lập chung quanh, bốn vách xây kín bưng, chỉ chừa lỗ thông khí trên cao và cánh cửa gỗ nhỏ đóng im ỉm. Trong cốc có chỗ vệ sinh, ngọn đèn thắp tù mù, chiếc đệm ngồi thiền. Đạo sư bảo chàng trai vào đó, căn dặn:
- Anh tạm nghỉ nơi đây. Ta sẽ khóa trái cửa để không ai quấy rầy anh. Cạnh cây đèn là nút chuông. Sau khi đã nghĩ suy thật chín chắn thì bấm chuông gọi ta.
Chàng trai đành làm tù nhân bất đắc dĩ trong không gian hẹp, lờ mờ, với chai nước lã cầm hơi.
Chưa hết nửa ngày thứ ba, chuông trong phòng đạo sư kêu ré lên. Đạo sư đích thân đi tới cốc, mở cửa ra:
- Anh sẵn sàng học đạo chưa?
Anh lắp bắp, giọng run run:
- Đói! Đói quá! Cho con ăn…
Buổi chiều hôm ấy, sau giờ công phu trong chánh điện, đạo sư bảo môn đệ nán lại một chút. Đạo sư nhỏ nhẹ bảo:
- Thông thường chúng ta ăn ngày ba bữa. Nhưng lắm khi chúng ta còn ăn nhiều hơn thế. Ngày nào thiếu ăn chúng ta không chịu được. Khi nào đau yếu, hay do hoàn cảnh khó khăn, chúng ta buộc phải ăn ít đi thì lúc khác chúng ta sẵn sàng ăn “trả bữa” hay ăn… “trả thù”. Chúng ta đều thấy như thế là rất tự nhiên.
Trái lại, trong việc học tu, phần đông chúng ta hay khoan dung với bản thân. Nếu vì lẽ gì đó chúng ta thiếu sót một giờ tu, vuột mất một buổi tu, chúng ta chẳng hề thấy đói thấy khát chi cả, và vì thế cũng chẳng muốn tu nhiều thêm một chút để gọi là bù đắp vào chỗ thiếu hụt đó. Vậy chúng ta đừng ngạc nhiên rằng tại sao xưa nay người tu tuy nhiều mà thành đạo vẫn ít.

HUỆ KHẢI
30-12-2011
CGvDT số 1840-1841


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

54/20. ÍT MÀ NHIỀU / BẮC CẦU TÂM LINH

Image result for mother teresa
Mẹ Teresa

ÍT MÀ NHIỀU

Chuyện xưa này rất nhiều người biết:
Tổ thứ hai mươi tám dòng thiền Ấn Độ và sơ tổ thiền tông Trung Quốc là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma, 470-543). Tới Trung Quốc năm 520, Tổ gặp Lương Võ Đế trước khi lên núi Tung Sơn, ngồi quay mặt vào vách đá chín năm trong động Thiếu Thất.
Lương Võ Đế (464-549) trị vì bốn mươi bảy năm (502-549), rất sùng mộ đạo Phật. Tương truyền vua đã cho cất được bảy mươi hai cảnh chùa. Khi gặp Tổ, vua hỏi:
- Từ khi lên ngôi đến nay, trẫm xây chùa, in kinh, ủng hộ tăng ni nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?
Tổ đáp:
- Không có công đức.
Câu chuyện này còn thêm một đoạn nữa, và xưa nay được nhiều người bình luận khác nhau. Nhưng chúng ta tạm dừng ở câu trả lời “phũ phàng” trên đây của Tổ.
Không thể phủ nhận rằng những của cải mà vua Lương dốc vào làm công quả, phụng sự Phật pháp là rất lớn, rất nhiều. Vua quả là một đại thí chủ khó có ai “cạnh tranh”. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng vua lấy của cải trong quốc khố mà làm công quả, tức là lấy tiền thuế của dân chúng. Do đó, công quả của vua Lương nhiều mà ít, lớn mà nhỏ.
Chuyện này cũng rất nhiều người biết:
A Xà Thế (Ajātaśatru) làm vua nước Ma Kiệt Đà (Magadha) ở miền Bắc Ấn Độ. Trong tám năm cuối cùng của Phật Tổ khi Đức Thế Tôn còn hoằng pháp giữa cõi ta bà, vua có duyên tu theo Phật và rất nhiệt tâm phụng sự Phật pháp.
Một hôm, vua tổ chức đại hội hoa đăng để kính dâng Như Lai và giáo hội tại tịnh xá Kỳ Hoàn, với ý nghĩa ánh sáng đạo pháp tỏa rộng đến đâu thì bóng tối vô minh bị xóa nhòa đến đó.
Xế chiều ấy, một bà lão ăn xin biết tin rằng kinh thành sẽ mở đại hội hoa đăng. Xét phận mình, thấy chưa từng làm được một công quả nhỏ nhít nào, bà phát tâm bồ đề, liền đem hết số tiền ít ỏi xin được trong ngày để mua dầu thắp đèn cúng dường Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng).
Thấy bà lão chỉ có vỏn vẹn hai đồng tiền mọn mà chịu nhịn đói để góp lòng thành vào đêm hoa đăng, người bán cảm động, bèn tặng bà thêm ba đồng tiền dầu kèm cái đèn nhỏ. Bà lão mang đèn đến tịnh xá, hướng về Đức Phật và lập đại nguyện kiếp sau sẽ tu thành Phật.
Số đèn của nhà vua được quân lính luân phiên châm dầu, thay tim cẩn thận, nhưng không tránh khỏi nhiều ngọn bị gió thổi tắt, hoặc bén lửa cháy rụi...
Tuân lời Đức Thế Tôn, sáng sớm hôm sau tôn giả Mục Kiền Liên (Moggallāna) bước ra ngoài tịnh xá, lần lượt đi tắt hết những ngọn đèn còn cháy.
Khi đến trước cây đèn nhỏ của bà lão ăn xin, tôn giả quạt mạnh ba lần, đèn vẫn không tắt. Tôn giả cầm vạt cà sa và dùng phép thần thông quạt thêm lần nữa, đèn càng rực sáng hơn. Chúng ta nhớ, trong mười đại tông đồ của Đức Phật, tôn giả Mục Kiền Liên là vị thần thông đệ nhất (phép thuật cao cường hơn hết).
Lúc ấy, Đức Phật vừa đến bên cạnh và dạy:
- Dù đem hết phép thần thông con vẫn không thể tắt được ngọn đèn này, vì đó là ánh sáng công đức của một vị Phật sẽ thành.
Chúng ta thừa biết cây đèn bé nhỏ của bà lão ăn xin nghèo khổ chỉ có một ít dầu, nhưng nó đã sáng bền suốt cả đêm dẫu không được ai châm thêm chất đốt. Hơn thế nữa, gió không thể thổi tắt nó, kể cả cơn gió lớn từ phép mầu của vị tông đồ nổi tiếng là thần thông đệ nhất.
Do tâm thành và đại nguyện, công quả của bà lão ít mà nhiều, nhỏ mà lớn.
Câu chuyện thứ hai nhắc chúng ta liên tưởng tới một trường hợp được chép lại trong Phúc Âm như sau:
“Ngước mắt lên nhìn, Ðức Giêsu thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà góa túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: ‘Thầy bảo thật anh em. Bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Luca 21:1-4)
Hai đồng tiền của bà góa nghèo ấy cũng to tát chẳng khác chi một xu bolivar được tặng cho Mẹ Teresa (giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979).
Lần nọ, Mẹ gặp một người ăn xin. Cả ngày kẻ khốn khổ này chỉ xin được một đồng xu bolivar.([1]) Giúi đồng xu vào tay Mẹ, ông nói:
- Con tặng Mẹ hết những gì con có. Mẹ hãy nhận lấy đem giúp người nghèo của Mẹ.
Mẹ thổ lộ:
- Trong thâm tâm tôi cảm thấy con người khốn khó kia đã trao cho tôi còn nhiều hơn cả giải thưởng Nobel, bởi vì ông cho tôi tất cả những gì ông có. Chắc hẳn tối hôm đó chẳng ai cho ông thêm tí gì nữa và ông phải ôm bụng đói đi ngủ.([2])

HUỆ KHẢI
12-11-2011
CGvDT số 204, tháng 12-2011





([1]) Bolivar: Tiền nước Venezuela, tương đương khoảng 0,23 Mỹ kim (tỷ giá ngày 26-5-2012).
([2]) In my heart I felt that the poor man had given me more than the Nobel Prize because he gave me all he had. In all probability, no one gave him anything else that night and he went to bed hungry.




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.

Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.