Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

9. LƯỢC SỬ ĐẠO CAO ĐÀI: THỜI TIỀM ẨN 1920-1926



THƯ TỊCH
[Archie J. Bahm 1964]. The World’s Living Religions. New York: Dell Pub. Co.
[Huệ Khải 2008a]. Đất Nam Kỳ – Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài / Cochinchina as a Legal Precondition for the Foundation of Caodaism. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo.
[Huệ Khải 2008b]. Đất Nam Kỳ – Tiền Đề Văn Hóa Mở Đạo Cao Đài / Cochinchina as a Cultural Precondition for the Foundation of Caodaism. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo.
[Huệ Khải 2008c]. Ngô Văn Chiêu – Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên / Ngô Văn Chiêu – the First Caodai Disciple. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo.
[Huệ Khải 2010]. Tam Giáo Việt Nam – Tiền Đề Tư Tưởng Mở Đạo Cao Đài / The Three Teachings of Vietnam as an Ideological Precondition for the Foundation of Caodaism. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo.
[Huệ Khải 2015]. Lược Sử Đạo Cao Đài: Khai Minh Đại Đạo 1926 / A Concise Caodai History: the 1926 Inauguration. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo.
[Huệ Khải 2016]. Hành Trạng Tiền Khai Nguyễn Ngọc Tương 1881-1951. Hà Nội: Nxb Hồng Đức.
[Huệ Khải 2017]. Hành Trạng Tiền Khai Lê Văn Trung 1876-1934. Hà Nội: Nxb Hồng Đức.
[Huệ Nhẫn 2005]. Lịch Sử Đạo Cao Đài. Quyển 1. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo.
[Hương Hiếu I-II]. Đạo Sử Xây Bàn. Quyển I, II (mimeographed). Tòa thánh Tây Ninh, không năm xuất bản.
[Lalaurette 1932]. “Le Caodaisme”. Tây Ninh: Report, 01 January 1932 (typewritten).
[Lê Anh Dũng 1996]. Lịch Sử Đạo Cao Đài Thời Kỳ Tiềm Ẩn 1920-1926. Huế: Nxb Thuận Hóa.
[Ngô Văn Chiêu 1962]. (Không ghi tác giả). Lịch Sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu. Sài Gòn.
[Nguyễn Trung Hậu 1957]. Đại Đạo Căn Nguyên. Sài Gòn.
[Paulus Của 1895]. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome I. Sài Gòn: Imp. Rey, Curiol & Cie.
[Paulus Của 1896]. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome II. Sài Gòn: Imp. Rey, Curiol & Cie.
[R.B. Smith 1970]. “An Introduction to Caodaism”, BSOAS. University of London, Vol. XXXIII, Part I, pp. 335-349.
[R.B. Smith 2012]. Pre-Communist Indochina, edited by Beryl Williams. London and New York: Routledge.
[Trần Văn Khê 2000]. Văn Hóa Với Âm Nhạc Dân Tộc. TpHCM: Nxb Thanh Niên.

[Vương Hồng Sển 1969]. Sài Gòn Năm Xưa. Sài Gòn: Nxb Khai Trí.

8. LƯỢC SỬ ĐẠO CAO ĐÀI: THỜI TIỀM ẨN 1920-1926


THAY LỜI KẾT
Về góc độ lịch sử đạo Cao Đài, sự kiện Khai Tịch Đạo kết thúc thời tiềm ẩn, mở màn cho công cuộc phổ độ khắp các tỉnh Nam Kỳ, đồng thời dọn đường cho lễ Khai Minh Đại Đạo vào tháng 11-1926 (tháng 10 Bính Dần).([1]) Nói cách khác, tại điểm mốc Khai Tịch Đạo, lịch sử đạo Cao Đài mở sang một trang mới, để rồi chỉ ba hay bốn năm sau đó, tôn giáo trẻ này phát triển với tốc độ phi thường, và sự thật này được Giáo Sư Jayne Susan Werner khẳng định khi bà viết: “Đạo Cao Đài là phong trào quần chúng rộng lớn xuất hiện đầu tiên ở Nam Kỳ...” ([2])
Các tác giả phương Tây và Việt Nam hay có xu hướng diễn giải sự ra đời của đạo Cao Đài như một phong trào chánh trị núp sau hình thức tôn giáo. Truy tìm ngược về thời tiềm ẩn của đạo Cao Đài, người đọc nhận ra đạo Cao Đài đơn thuần là tôn giáo, là con đường tu hành. Mọi màu sắc chánh trị nếu có, đều hoàn toàn do nhân dục, và nó chính là tai họa cho đạo Cao Đài.
Những ngộ nhận về đạo Cao Đài đã xuất hiện ngay từ buổi bình minh của nền đạo. Bởi vậy, đúng vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Giáo Sư Ralph Bernard Smith (1939-2000), Viện Đại Học London, đã nhận xét:
“Hiếm có hiện tượng nào trong lịch sử châu Á hiện đại lại có thể bị người phương Tây hiểu sai hoàn toàn như đạo Cao Đài. Đặt nền tảng trên sự dung hợp tôn giáo, với các đàn cơ giữ một vai trò trọng yếu, tôn giáo này chắc chắn đã bị các cây bút Kitô Giáo với lòng nghi ngờ (nếu không nói là khinh thường) xem như là một kiểu ‘thông linh học’ phương Tây; sự thiếu cảm thông từ ban đầu này còn bị làm cho tệ hại hơn bởi sự kiện là trong các đàn cơ Cao Đài đã xuất hiện các nhân vật quen thuộc như Victor Hugo và Jeanne d’Arc. Kế đến, tại Tây Ninh có một ngôi đền của tín đồ Cao Đài là nơi khách du lịch hay đặt chân tới, đã khiến ông Graham Greene mô tả là ‘Chúa Kitô và Phật từ trên mái giáo đường nhìn xuống một biến tấu phương Đông của Walt Disney, rồng rắn sặc sỡ.’ ([3]) Sự hiểu biết hời hợt như thế về yếu tố tôn giáo trong đạo Cao Đài lại rất phù hợp với thói nhạo báng hoặc lối chỉ trích cay độc của các quan sát viên chánh trị, đặc biệt là Bernard Fall, một người nhìn thấy trong đạo Cao Đài chẳng có gì khác hơn là một phong trào chánh trị chỉ lo bảo thủ quân đội riêng và quyền lực địa phương của mình, dùng tôn giáo chỉ để lừa gạt đám nông dân nhẹ dạ cả tin.([4]) Trong những tình huống như thế, có lẽ chẳng ngạc nhiên rằng thực chất và căn nguyên của đạo Cao Đài đã không được nhìn thấy, và thậm chí lịch sử tôn giáo này cũng chưa hề được tóm tắt đầy đủ bằng bất kỳ một ngôn ngữ phương Tây nào.” ([5])
Hôm nay, những lời lẽ của vị giáo sư lỗi lạc người Anh nói trên vẫn còn đáng lưu ý. Nhất là trong thời đại Internet, những thông tin không trung thực về đạo Cao Đài lại càng dễ có thể lan rộng, tạo nên một màn sương mù dày đặc làm nản lòng những ai chân ướt chân ráo tìm đến ngưỡng cửa tôn giáo này.
Năm hai mươi hai tuổi, lần đầu tiên đọc Giáo Sư Smith, tôi rất thấm thía lời ông nhắn nhủ: “Trong chừng mực nào đó, việc người phương Tây không hiểu biết về đạo Cao Đài là trách nhiệm của chính những người Cao Đài.” ([6]) Lời khuyên chí lý của ông tợ như một ám ảnh đã thôi thúc tôi khởi sự xuất bản vài tập sách vào giữa thập niên 1990. Sau này, tôi xuất bản hơn mười tập sách nhỏ Việt-Anh về đạo Cao Đài trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, hoạt động từ giữa năm 2008 tới nay.
Tôi hoàn toàn chẳng phải là một người chép sử, mặc dầu bà Janet Alison Hoskins, giáo sư nhân học và tôn giáo tại Viện Đại Học Nam California, có lần quá đỗi hào phóng gọi tôi là “the most sophisticated and careful Caodai historian inside Vietnam”.([7]) Tôi cũng chẳng hề là “a modern Vietnamese scholar”,([8]) như được nhắc tới trong hai quyển sách của tiến sĩ Sergei Blagov, giảng viên môn lịch sử và các tôn giáo Việt Nam tại Viện Nghiên Cứu Á Phi thuộc Viện Đại Học Quốc Gia Moscow. Chung quy tôi chỉ là một học trò Cao Đài áo trắng đơn sơ, mà lòng mến đạo xui tôi lờ đi những hạn chế bản thân để liều lĩnh vương mang nghiệp viết lách với mong muốn cố gắng trình bày chân diện mục Cao Đài, một nền đạo luống chịu những xuyên tạc thái thậm.


Giáo Sư Winfried Löffler, người Áo, giảng dạy tại Viện Triết Học Kitô Giáo (Institut für Christliche Philosophie), Viện Đại Học Innsbruck, sau khi đọc ba tập sách nhỏ tôi tặng ông làm món quà mọn trong một cuộc tọa đàm khoa học quốc tế về tôn giáo tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2014, từ quê nhà đã viết điện thư gởi tôi ngày 11-01-2015. Sau những nhận xét đầy mỹ ý, ông kết luận: “Tóm lại: Hình ảnh về đạo Cao Đài trong tôi đã thay đổi rất nhiều.” ([9])
Tôi ước mong sao những trang trên đây tôi viết về thời tiềm ẩn của đạo Cao Đài có thể giúp bạn đọc chia sẻ cùng một ý nghĩ như Giáo Sư Löffler. Và nếu may ra mà được thế, tôi rất biết ơn quý bạn.
Phú Nhuận, 14-01-2017
HUỆ KHẢI



([1]) Xem chi tiết trong [Huệ Khải 2015].
([2]) [Huệ Khải 2008b: 9]
([3]) Graham. Greene, The Quiet American (Penguin Books, 1962), p. 81.
([4]) Bernard B. Fall, “The Political-Religious Sects of Viet-Nam”, Pacific Affairs, XXVIII, 3, 1955, pp. 235-53.
([5]) [R.B. Smith 1970: 335], [R.B. Smith 2012: 115].
([6]) [R.B. Smith 1970: 335], [R.B. Smith 2012: 115].
([7]) Janet Alison Hoskins, The Divine Eye and the Diaspora: Vietnamese Syncretism Becomes Transpacific Caodaism. Honolulu: University of Hawai’i Press, 2015, p. 209.
([8]) Sergei Blagov, The Cao Dai: a New Religious Movement. Moscow: The Institute of Oriental Studies, 1999, p. 22; Caodaism: Vietnamese Traditionalism and Its Leap Into Modernity. New York: Nova Science Publishers Inc., 2001, p. 1.
([9]) Đại Đạo Văn Uyển, Tập Nguyên (13), Xuân Ất Mùi. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2015, tr. 82. 




7. LƯỢC SỬ ĐẠO CAO ĐÀI: THỜI TIỀM ẨN 1920-1926


Chương IV
KHAI TỊCH ĐẠO
I. CUỘC HỌP KHAI TỊCH ĐẠO
Đêm Thứ Tư 29-9-1926 (23-8 Bính Dần), lúc 8 giờ, tại nhà tiền khai Nguyễn Văn Tường số 237 bis, trong một con hẻm trên đại lộ Galliéni, quận 1 (nay là số 208 đường Cô Bắc),([1]) có cuộc họp đông đảo để chuẩn bị lập tư cách pháp nhân của đạo Cao Đài.
Theo một thánh giáo Cao Đài tiếp nhận vào giờ Tý ngày Thứ Tư 23-9-1970, sự kiện lịch sử này lần đầu tiên được mệnh danh là Khai Tịch Đạo.([2]) Ngoài ra, cũng theo thánh giáo ấy, đại lễ tấn tôn các chức sắc đầu tiên của Hội Thánh Cao Đài sơ khai tại làng Long Thành (tỉnh Tây Ninh) vào đêm Thứ Năm 18 rạng sáng Thứ Sáu 19-11-1926 (14 rạng sáng 15-10 Bính Dần) lần đầu tiên được mệnh danh là Khai Minh Đại Đạo.([3])
Ngay trước cuộc họp, một cơn mưa như trút kéo dài nhiều giờ làm ngập nhiều nơi chung quanh. Cuộc họp nhờ thế được cô lập khỏi sự tò mò của người ngoài cuộc, nhất là cảnh sát thuộc địa. Thời ấy, họp từ hai mươi người trở lên phải được nhà cầm quyền thực dân cho phép.
Dưới sự đồng chủ tọa của ba vị tiền khai Lê Văn Trung (Đầu Sư Thượng Trung Nhựt), Lê Văn Lịch (Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt), và Cao Quỳnh Cư (Thượng Phẩm), cuộc họp lịch sử này quy tụ hơn hai trăm chức sắc và tín đồ đầu tiên của đạo Cao Đài.


Kết quả là có được mười một trang danh sách gồm họ tên hai trăm bốn mươi lăm vị, kèm chữ ký, để đính theo hồ sơ lập tư cách pháp nhân; trong đó văn bản tiếng Pháp gồm hơn năm trăm từ, ghi ngày 07-10-1926, có hai mươi tám môn đệ đứng tên (do Đức Cao Đài chọn). Tất cả hồ sơ được tiền khai Lê Văn Trung đích thân mang đến Phủ Thống Đốc Nam Kỳ gởi cho Quyền Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol vào Thứ Năm 07-10-1926,([4]) đúng theo lời Đức Cao Đài dạy: “Thầy dặn con, Trung! Nội Thứ Năm tuần tới phải đến Le Fol mà khai cho kịp nghe!” ([5])
II. TỜ KHAI TỊCH ĐẠO
Tờ Khai Tịch Đạo viết bằng tiếng Pháp như sau:
Saigon, le 7 Octobre 1926
Monsieur le Gouverneur,
Les soussignés,
Ont l’honneur de venir respectueusement vous faire connaître ce qui suit:
Il existait en Indochine trois Religions (Bouddhisme, Taoïsme, Confucianisme). Nos ancêtres pratiquaient religieusement ces trois doctrines et vivaient heureux en suivant strictement les beaux préceptes dictés par les Créateurs de ces religions.
On était, pendant cet ancien temps, tellement insoucieux qu’on pouvait dormir sans fermer les portes et qu’on dédaignait même de ramasser les objets tombés dans la rue (Gia vô bế hộ, lộ bất thập di [家無閉户, 路不拾遺], tel est l’adage inscrit dans nos annales).
Hélas! Ce beau temps n’existe plus pour les raisons suivantes:
1. Les pratiquants de ces religions ont cherché à se diviser tandis que le but de toutes les religions est le même: faire le bien et éviter le mal, adorer pieusement le Créateur.
2. Ils ont dénaturé complètement la signification de ces saintes et précieuses doctrines.
3. La course au confort, à l’honneur, l’ambition des gens, sont aussi des causes principales des divergences d’opinions actuelles. Les Annamites de nos jours ont complètement abandonné les bonnes mœurs et traditions de l’ancien temps.
Écœurés de cet état de choses, un groupe d’Annamites, fervents traditionalistes et religieux, ont étudié la refonte de toutes ces religions, pour n’en former qu’une seule et unique appelée CAODAÏSME ou ĐẠI ĐẠO.
Le nom “ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ”, qui signifie la troisième Amnistie générale, est donné par l’Esprit Suprême qui est venu aider les soussignés à fonder cette nouvelle religion.
L’Esprit Suprême est venu sous le nom de NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ dit CAO ĐÀI ou “LE TRÈS HAUT, DIEU TOUT PUISSANT”.
Par l’intermédiaire de médiums écrivants, NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ transmet aux soussignés des enseignements divins ayant pour but de concentrer et d’enseigner les beaux préceptes de ces trois anciennes Religions.
La Nouvelle Doctrine enseignera aux peuples:
1. la haute morale de Confucius;
2. les vertus dictées dans les religions bouddhique et taoïque, ces vertus consistant à faire le bien et éviter le mal, aimer l’humanité, pratiquer la concorde, éviter totalement la dissension et la guerre.
Les soussignés ont l’honneur de vous soumettre:
1. quelques extraits du recueil des “Saintes paroles’ de NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ, paroles estimées plus précieuses que tout ce qui existe ici-bas.
2. la traduction de quelques passages du livre de prières que NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ nous a enseignées.
Le but poursuivi par les soussignés est de ramener les peuples à l’ancien temps de paix et de concorde. On sera ainsi dirigé vers une époque nouvelle tellement heureuse qu’il est difficile de la décrire.
Au nom de très nombreux Annamites qui ont entièrement approuvé ces études et dont la liste est ci-jointe, les soussignés ont l’honneur de venir respectueusement vous déclarer qu’ils vont propager à l’humanité entière cette Sainte Doctrine.
Persuadés d’avance que cette nouvelle religion apportera à nous tous la paix et la concorde, les soussignés vous prient de recevoir officiellement leur déclaration.
Les soussignés vous prient d’agréer, Monsieur le Gouverneur, l’assurance de leurs sentiments respectueux et dévoués.” ([6])
Bản dịch Tờ Khai Tịch Đạo:
Sài Gòn, ngày 07 tháng 10 năm 1926
Thưa ông Thống Đốc,
Những người ký tên dưới đây hân hạnh kính báo cho ông biết những điều sau:
Từ xưa đến nay ở Đông Dương đã có Tam Giáo (Phật, Lão, Khổng). Tổ tiên chúng tôi đã tu hành theo giáo lý Tam Giáo và sống hạnh phúc nhờ tuân thủ nghiêm nhặt những lời dạy tốt lành của Tam Giáo Đạo Tổ.
Thời xưa, dân chúng sống vô ưu lự đến độ có thể ngủ không cần đóng cửa, và chẳng ai màng nhặt của rơi ngoài đường. (Gia vô bế hộ, lộ bất thập di 家無閉户, 路不拾遺 là câu nói đã được sử sách chúng tôi ghi lại.)
Than ôi! Thời đại tốt đẹp đó không còn nữa vì những lý do sau đây:
1. Tín đồ các tôn giáo ấy tìm cách chia rẽ nhau trong khi mục đích vạn giáo đều đồng nhất: Làm lành lánh dữ, chí thành thờ kính đấng Tạo Hóa.
2. Họ đã làm sai lạc hoàn toàn ý nghĩa các giáo lý thiêng liêng và quý báu này.
3. Sự đua chen theo bả vinh hoa, mồi phú quý, lòng tham vọng của con người, tất cả những cái đó cũng là các nguyên nhân chính của những bất đồng tư tưởng hiện nay. Người Việt Nam bây giờ đã từ bỏ hoàn toàn những mỹ tục và truyền thống của thời xa xưa.
Đau lòng trước những trạng huống này, một nhóm người Việt Nam, gồm những người có nhiệt tâm với truyền thống và việc tu hành, đã nghiên cứu canh tân tất cả các tôn giáo này, để hiệp nhất thành đạo Cao Đài hay Đại Đạo.
Danh xưng ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ có nghĩa là kỳ Ba đại ân xá,([7]) danh xưng này đã do Đức Chí Linh ban cho và Ngài đã lâm trần phù trợ cho những người ký tên dưới đây thành lập nền tôn giáo mới này.
Đức Chí Linh đã đến với danh xưng NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ, tức CAO ĐÀI hay là ĐẤNG TỐI CAO, THƯỢNG ĐẾ TOÀN NĂNG.
Thông qua ngưòi đồng tử phò cơ, Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ truyền cho những người ký tên dưới đây các thánh giáo nhằm mục đích kết tinh và giảng dạy các giáo huấn tốt đẹp của Tam Giáo ngày xưa.
Nền giáo lý mới sẽ dạy cho dân chúng các điều sau đây:
1. Luân lý cao siêu của Đức Khổng Tử.
2. Những đức tính được dạy trong Phật và Lão Giáo. Những đức tính này gồm có làm lành lánh dữ, yêu thương nhân loại, sống hòa hiệp, tránh hoàn toàn sự chia rẽ và chiến tranh.
Những người ký tên dưới đây hân hạnh gởi kèm theo cho ông:
1. Một vài đoạn trích lục từ tập “Thánh ngôn” của Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ, những lời dạy được đánh giá là quý báu hơn hết thảy mọi hiện hữu ở thế gian này.
2. Bản dịch một vài đoạn trong quyển kinh cầu nguyện mà Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ đã dạy chúng tôi.
Mục đích những người ký tên dưới đây theo đuổi là đưa nhân loại trở lại cái thời xưa hòa bình và hòa hiệp. Như vậy con người sẽ hướng về một thời đại mới hạnh phúc khôn tả.
Nhân danh đông đảo những người Việt Nam đã hoàn toàn tán thành những điều nghiên cứu này và có danh sách kèm theo, những người ký tên dưới đây hân hạnh tuyên bố cho ông biết là chúng tôi sẽ truyền bá cho toàn thể nhân loại giáo lý thiêng liêng này.
Tin tưởng rằng nền tôn giáo mới này sẽ mang đến cho tất cả chúng ta hòa bình và hòa hiệp, những người ký tên dưới đây yêu cầu ông hãy chánh thức tiếp nhận tờ khai của chúng tôi.
Thưa ông Thống Đốc, những người ký tên dưới đây xin ông ghi nhận những tình cảm trân trọng và chân thành của chúng tôi.([8])
III. HAI MƯƠI TÁM VỊ TIỀN KHAI ĐỨNG TÊN KHAI TỊCH ĐẠO
Sau khi có mười một trang bao gồm họ tên hai trăm bốn mươi lăm môn đệ cùng với chữ ký,([9]) các tiền khai lập đàn. Đức Cao Đài truyền lịnh tiền khai Cao Quỳnh Diêu xướng tên từng môn đệ theo thứ tự. Mỗi khi Đức Cao Đài gõ ngọn cơ xuống sau tên ai, vị đó được chọn đứng tên trong Tờ Khai Tịch Đạo.([10])
Hai mươi tám môn đệ ([11]) được Đức Cao Đài chọn như sau:
1. Bà Lâm Ngọc Thanh, nghiệp chủ, Vũng Liêm. / 2. Ông Lê Văn Trung, cựu Thượng Nghị Viện, ngũ đẳng bửu tinh [Bắc Đẩu Bội Tinh hạng năm], Chợ Lớn. / 3. Ông Lê Văn Lịch, thầy tu, làng Long An, Chợ Lớn. / 4. Ông Trần Đạo Quang, thầy tu, làng Hanh Thông Tây, Gia Định. / 5. Ông Nguyễn Ngọc Tương, tri phủ, chủ quận Cần Giuộc. / 6. Ông Nguyễn Ngọc Thơ, nghiệp chủ, Sài Gòn. / 7. Ông Lê Bá Trang, đốc phủ sứ, Chợ Lớn. / 8. Ông Vương Quan Kỳ, tri phủ, Sở Thuế Thân, Sài Gòn. / 9. Ông Nguyễn Văn Kinh, thầy tu, Bình Lý thôn, Gia Định. / 10. Ông Ngô Tường Vân, thông phán, Sở Tạo Tác, Sài Gòn. / 11. Ông Nguyễn Phát Đạt,([12]) nghiệp chủ, Sài Gòn. / 12. Ông Ngô Văn Kim, điền chủ, đại hương cả, Cần Giuộc. / 13. Ông Đoàn Văn Bản, đốc học trường Cầu Kho, Sài Gòn. / 14. Ông Lê Văn Giảng, thơ ký kế toán hãng Hippolito, Sài Gòn. / 15. Ông Huỳnh Văn Giỏi, thông phán, Sở Tân Đáo, Sài Gòn. / 16. Ông Nguyễn Văn Tường, thông ngôn, Sở Tuần Cảnh, Sài Gòn. / 17. Ông Cao Quỳnh Cư, thơ ký, Sở Hỏa Xa, Sài Gòn. / 18. Ông Phạm Công Tắc, thơ ký, Sở Thương Chánh, Sài Gòn. / 19. Ông Cao Hoài Sang, thơ ký, Sở Thương Chánh, Sài Gòn. / 20. Ông Nguyễn Trung Hậu, đốc học, trường tư thục Đa Kao, Sài Gòn. / 21. Ông Trương Hữu Đức, thơ ký, Sở Hỏa Xa, Sài Gòn. / 22. Ông Huỳnh Trung Tuất, nghiệp chủ, Chợ Đũi, Sài Gòn. / 23. Ông Nguyễn Văn Chức, cai tổng, Chợ Lớn. / 24. Ông Lại Văn Hành, hương cả, Chợ Lớn. / 25. Ông Nguyễn Văn Trò, giáo viên, Sài Gòn. / 26. Ông Nguyễn Văn Hương, giáo viên, Đa Kao. / 27. Ông Võ Văn Kỉnh, giáo tập, Cần Giuộc. / 28. Ông Phạm Văn Tỉ, giáo tập, Cần Giuộc.
Sau đây là đôi nét thân thế một số vị tiền khai kể trên:
1. Tiền khai Huỳnh Trung Tuất (1873-1947)
Tiền khai Huỳnh Trung Tuất nhập môn Cao Đài khoảng cuối tháng 3 hay đầu tháng 4-1926 (tháng 2 Bính Dần). Người phối ngẫu của tiền khai là bà Nguyễn Thị Hòa (1872-1963), sanh được ba người con.([13])
2. Tiền khai Huỳnh Văn Giỏi (1880-1954)
Tiền khai Huỳnh Văn Giỏi người làng Giồng Luông (nay thuộc xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), là con ông Huỳnh Văn Ngôn và bà Nguyễn Thị Được. Kết hôn với cô Phạm Thị Thêu (1881-1953), tiền khai có tám người con. Tiền khai làm thông phán tại Sở Tân Đáo, và cư ngụ trên đường Bourdais, sát bên nhà tiền khai Cao Quỳnh Cư.([14])
3. Tiền khai Lại Văn Hành (1878-1939)
Lúc đang làm hương cả, tiền khai Lại Văn Hành nhập môn Cao Đài ngày Thứ Ba 05-10-1926 (29-8 Bính Dần) tại đàn Tân Kim (làng Tân Kim, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn). Người phối ngẫu của tiền khai là bà Trần Thị Chốt (1885-1968).([15])
4. Tiền khai Lê Bá Trang (1878-1936)
Sanh ngày Thứ Hai 18-02-1878 (17-01 Mậu Dần) tại làng Tân Quy Đông (sau này thuộc xã Tân Vĩnh Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc), tiền khai Lê Bá Trang là con ông Lê Văn Lâu và bà Trần Thị Nga. Kết hôn với cô Trần Thị Ngoạn (1878-1926), tiền khai có một con gái là Lê Thị Mạnh (1900-1966). Sau khi vợ mất, tiền khai tục huyền với cô Huỳnh Thị An, người tỉnh Sa Đéc, nhưng cả hai không con. Sau khi tốt nghiệp collège Chasseloup-Laubat (Sài Gòn), tiền khai thi đậu và làm thơ ký tại Phủ Toàn Quyền Đông Dương (Gouvernement général de l’Indochine) đặt ở Sài Gòn. Được thăng lên ngạch tri huyện, tiền khai thuyên chuyển về Tòa Bố tỉnh Bến Tre. Khi làm chủ quận Thủ Đức (tỉnh Gia Định), tiền khai được thăng lên ngạch tri phủ hạng nhất. Năm 1925, tiền khai làm chủ quận Châu Thành (tỉnh Chợ Lớn), rồi được thăng lên ngạch đốc phủ sứ. Tháng 3-1927, tiền khai làm chủ quận Vũng Tàu, sau khi nhập môn Cao Đài vào tháng 5-1926.([16])
5. Tiền khai Lê Văn Giảng (1883-1932)
Tiền khai Lê Văn Giảng người làng Phong Thới, quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Song thân là ông Lê Văn Thoại và bà Võ Thị Lương. Tiền khai kết hôn với cô Huỳnh Thị Chính (1886-1973) và có bảy người con. Ngày họp khai tịch Đạo vợ chồng tiền khai và vài người con đều có mặt. Bấy giờ tiền khai cư ngụ tại số 85 đường Lagrandière, và đang làm thơ ký kế toán cho hãng buôn Hippolito ở Sài Gòn.([17])
6. Tiền khai Ngô Văn Kim (1868-1940)
Tiền khai Ngô Văn Kim là điền chủ, đại hương cả, người làng Trường Bình, quận Cần Giuộc (nay thuộc tỉnh Long An); người phối ngẫu là bà Chung Thị Tạo (1868-1925). Tiền khai được Đức Cao Đài thâu nhận làm đệ tử ngày Thứ Ba 02-02-1926 tại quận Cần Giuộc.([18])
7. Tiền khai Nguyễn Phát Đạt (1881-1942)
Tiền khai tên thật là Trần Phát Đạt, con ông Trần Đăng Khoa và bà Võ Thị Phú. Tiền khai làm việc tại Sở Thương Chánh trước khi trông coi vườn cao su của gia đình.([19])
8. Tiền khai Nguyễn Văn Chức (1873-1956)
Năm 1926, tiền khai Nguyễn Văn Chức nhập môn Cao Đài lúc đang làm cai tổng Phước Điền Trung (tỉnh Chợ Lớn). Người phối ngẫu của tiền khai là bà Trần Thị Trầm (1871-1947).([20])
9. Tiền khai Nguyễn Văn Kinh (1890-1945)
Tiền khai Nguyễn Văn Kinh là con ông Nguyễn Văn Khá và bà Thái Thị Ban. Tiền khai tu theo Minh Sư (1902), giỏi chữ Nho, thường hốt thuốc trị bệnh tại nhà ở làng Bình Lý, tổng Bình Thạnh Trung, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TpHCM).([21])
10. Tiền khai Nguyễn Văn Trò (1886-1949)
Tiền khai Nguyễn Văn Trò là con ông Nguyễn Văn Lừa (1846-1914) và bà Nguyễn Thị Lộc (1847-1942). Kết hôn với cô Dương Thị Ngại (1885-1965), tiền khai có được một con gái. Tiền khai nhập môn Cao Đài khi đang dạy học ở Sài Gòn.([22])
11. Tiền khai Nguyễn Văn Tường (1887-1939)
Tiền khai Nguyễn Văn Tường sanh tại làng Lương Hòa Lạc (sau này thuộc về quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho). Song thân là ông Nguyễn Văn Tịnh và bà Võ Thị Quyên (1867-1934). Tiền khai mồ côi cha trước khi chào đời một tháng. Tiền khai được mẹ gởi lên Sài Gòn sống với người cậu làm công chức, và được cậu cho đi học. Tiền khai làm thông ngôn (phiên dịch) tại một bót cảnh sát ở quận 1, Sài Gòn. Kết hôn với cô Đặng Thị Kế (1888-1943), tiền khai có một trai là Nguyễn Văn Tri (1910-1984) và một gái là Nguyễn Thị Phẩm (1912-1947). Khoảng năm 1921, mua được miếng đất rộng 1.474m2 trong một hẻm ở đại lộ Galliéni (nay là Trần Hưng Đạo), tiền khai cất ngôi nhà lớn, đánh số 237 bis. Tiền khai nhập môn Cao Đài ngày Thứ Tư 23-6-1926 (14-5 Bính Dần).([23]) Hơn ba tháng sau, ngôi nhà của tiền khai được mượn làm nơi họp chuẩn bị khai tịch Đạo.


12. Tiền khai Phạm Văn Tỉ (1887-1949)
Tiền khai Phạm Văn Tỉ làm giáo tập tại quận Cần Giuộc, được Ơn Trên hóa độ trong một đàn cơ ngày Thứ Bảy 20-3-1926 tại làng Tân Kim, quận Cần Giuộc (nay thuộc tỉnh Long An). Bào đệ của tiền khai là Phạm Văn Tươi về sau là một chức sắc Hiệp Thiên Đài, phẩm Hiến Đạo, tại Tòa Thánh Tây Ninh.([24])
13. Tiền khai Võ Văn Kỉnh (1880-1946)
Tiền khai Võ Văn Kỉnh là giáo tập, Phật tử, người làng Thanh Hà (nay thuộc xã Tân Kim, quận Cần Giuộc, tỉnh Long An), con bà Lê Thị Liên. Kết hôn với cô Lê Thị Ngưu, tiền khai có bốn người con. Tiền khai nhập môn Cao Đài ngày Thứ Sáu 05-3-1926.([25])
IV. CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ LẬP PHÁP NHÂN ĐẠO CAO ĐÀI
Để hoạt động hợp pháp, trước tiên tôn giáo Cao Đài phải có tư cách pháp nhân. Vì vậy ngày Thứ Năm 07-10-1926 tiền khai Lê Văn Trung đích thân nộp cho Quyền Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol các văn bản cần thiết đúng theo quy định của luật pháp thời ấy.
Vì là thuộc địa của Pháp, Nam Kỳ đã sớm chịu sự chi phối của luật lệ nước Pháp. Chỉ hơn hai năm sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) và đảo Côn Lôn, không chờ đến lúc chiếm thêm ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), thực dân Pháp bắt đầu áp dụng luật lệ nước Pháp tại lãnh thổ đã cướp được. Thật vậy, ngày Thứ Tư 21-12-1864, Thống Đốc Nam Kỳ, Chuẩn Đô Đốc Pierre-Paul de La Grandière ban hành luật lệ nước Pháp ở ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ.([26])
Vào đầu thế kỷ 20, tiền khai Lê Văn Trung và không ít vị tiền khai khác vốn là công chức ngạch cao trong Phủ Thống Đốc Nam Kỳ, hoặc là các chủ quận. Do đó các tiền khai Cao Đài đương nhiên am tường thủ tục hành chánh và luật lệ Pháp áp dụng tại thuộc địa Nam Kỳ.
Khi khai tịch Đạo, các tiền khai đã theo Luật Hiệp Hội 01-7-1901 của Pháp,([27]) do Thủ Tướng Waldeck-Rousseau (1846-1904) ban hành. Toàn văn Luật Hiệp Hội 01-7-1901 được đăng trên Công Báo nước Pháp ngày 02-7-1901. Ngày nay, một số điều của luật này có thể tìm thấy trên mạng quốc tế (Internet).([28])
Trích dịch Luật Hiệp Hội 01-7-1901

Điều 2.

Các hiệp hội có thể được tự do thành lập không cần cho phép hay khai báo trước, nhưng chỉ được hưởng năng lực pháp lý nếu phù hợp với những quy định ở Điều 5.
Điều 5. (Trích)
Mọi hiệp hội muốn có năng lực pháp lý dự kiến trong Điều 6 phải được những người sáng lập công bố.
Việc khai báo trước được thực hiện ở cơ quan của tỉnh hay của quận nơi hiệp hội đóng trụ sở. Hiệp hội thông báo tên và mục đích của mình, trụ sở các cơ quan và tên, nghề nghiệp, nơi ở và quốc tịch của những người trong ban quản trị hay ban lãnh đạo hiệp hội với chức danh của họ. Hai bản điều lệ đính kèm tờ khai. Biên nhận tờ khai sẽ được cấp trong vòng năm ngày.
Điều 21 bis.
Luật này được áp dụng ở các lãnh thổ hải ngoại (…).([29])
Căn cứ theo Điều 5 dẫn trên, tiền khai Lê Văn Trung đã nộp một hồ sơ gồm có:
a. Một văn bản tiếng Pháp dài hơn năm trăm từ để trình bày tên gọi và mục đích của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
b. Vài đoạn trích lục thánh giáo và vài đoạn tiếng Pháp dịch kinh cúng.
c. Danh sách các tín đồ.
Liền sau khi hoàn tất thủ tục như thế, các tiền khai Cao Đài nhiệt thành truyền đạo khắp cả Nam Kỳ mà không cần bất kỳ một giấy phép nào hết, bởi vì Điều 2 dẫn trên hàm ngụ rằng không cần nhà cầm quyền cho phép trước.
V. PHẢN ỨNG CỦA NGƯỜI PHÁP
Mặc dù Điều 5 của Luật Hiệp Hội quy định “Biên nhận tờ khai sẽ được cấp trong vòng năm ngày”, hơn ba tháng sau tiền khai Lê Văn Trung vẫn không nhận được biên nhận nào. Bởi thế, ngày Thứ Tư 13-10-1926 (07-9 Bính Dần), Đức Cao Đài dạy tiền khai Lê Văn Trung: “Con, Trung! Con phải nói với Le Fol cho con giấy chứng khai Đạo. Mai con lên nó, có Thầy.” ([30])
Thứ Sáu 09-4-1926 Aristide Eugène le Fol, ngạch tham biện hạng nhất (administrateur de 1er classe), được bổ làm Quyền Thống Đốc Nam Kỳ,([31]) và ông đảm nhiệm chức vụ này trong hơn tám tháng (từ 19-4-1926 đến 30-12-1926) trong lúc chờ một thống đốc chính thức từ Pháp bổ sang (là Paul Marie Alexis Joseph Blanchard de la Brosse).
Gustave Meillon, tác giả một khảo luận nhan đề Le Caodaïsme, cho biết thái độ của Le Fol đối với việc khai tịch Đạo ngày 07-10-1926 như sau: “Thận trọng, ông bằng lòng tiếp nhận văn kiện, nhưng không hứa chính thức công nhận mối Đạo.” ([32])
Như vậy, trái với Luật Hiệp Hội 1901, Le Fol lờ đi việc cấp “giấy chứng khai Đạo” (tức biên nhận); phải chăng là do “thận trọng”? Chẳng những thế, hơn một tháng sau, ông còn tiến xa thêm một bước. Trong một báo cáo ngày 01-01-1932, Thanh Tra Lalaurette viết: “Tuy nhiên bằng mật điện số 146-C ngày 14-11-1926, Thống Đốc đã cảnh báo các tham biện, chủ tỉnh về hoạt động tôn giáo mà Lê Văn Trung cùng nhóm truyền giáo của ông ta khởi xướng, và ra lịnh cho các tham biện, chủ tỉnh phải bí mật theo dõi việc truyền đạo này và báo cáo cho Thống Đốc bằng công văn mật.” ([33])
Cũng theo báo cáo ấy của Lalaurette, bốn tháng sau mật điện của Le Fol, Thống Đốc Blanchard de la Brosse còn nhắc tới nó trong thông tri số 52-C ngày 07-3-1927: “Người tiền nhiệm của tôi, bằng Thông Tri số 146-C, đã yêu cầu các ông chú ý theo dõi sự phát triển của đạo Cao Đài.” ([34])
Như được phản ánh trong hai trích dẫn nêu trên từ báo cáo của Lalaurette, phản ứng của người Pháp là bằng chứng xác thực cho thấy nếu bất kỳ ai đó bảo rằng “Pháp ký giấy phép cho đạo Cao Đài hoạt động”, hoặc nói rằng “đạo Cao Đài do Pháp lập ra”, thì rõ ràng họ không chân thực.
VI. Ý NGHĨA KHAI TỊCH ĐẠO
Luật Hiệp Hội 1901 được áp dụng tại thuộc địa Nam Kỳ, và điều này giúp chúng ta hiểu vì sao tôn giáo Cao Đài có thể lập được tư cách pháp nhân một cách dễ dàng, suôn sẻ ở Sài Gòn vào mùa thu năm 1926. Điều này cũng góp phần giải thích vì sao xuất phát điểm của đạo Cao Đài không thể là Bắc Kỳ hay Trung Kỳ,([35]) mà phải là Nam Kỳ.
Thoạt đầu, ngày 23-8 Bính Dần (Thứ Tư 29-9-1926) được chọn để tín đồ Cao Đài hội họp chuẩn bị khai tịch Đạo. Về sau, ngày này trở nên một ngày kỷ niệm của cộng đồng Cao Đài, và được gọi là ngày kỷ niệm Khai Tịch Đạo để phân biệt với ngày kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo (rằm tháng Mười).
Khi tiền khai Nguyễn Văn Tường còn tại thế, lễ kỷ niệm được tổ chức tại tư gia của tiền khai trong một hẻm trên đại lộ Galliéni, nơi đã được chọn để tổ chức cuộc họp lịch sử.
Sau khi tiền khai Tường quy thiên, lễ kỷ niệm này được tổ chức ở thánh thất Cầu Kho (nhà riêng của tiền khai Đoàn Văn Bản), và lúc thánh thất Cầu Kho không còn thì lễ kỷ niệm này được duy trì hằng năm ở thánh thất Nam Thành.([36])
Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng ngày kỷ niệm Khai Tịch Đạo mang ý nghĩa quan trọng nhiều hơn ngày kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo, hay ngược lại. Thật ra, như đã trích dẫn ở cuối Chương II (trang 63), ngày mùng 1 tháng Giêng Bính Dần đáng lẽ cần được chú trọng nhiều hơn nữa, bởi vì Đức Cao Đài từng xác định đấy chính là ngày “Thầy lập Đạo…” Và, chính Đức Thượng Đế Chí Tôn lập Đạo, nên nào có phải “xin phép” ai đâu.
 HUỆ KHẢI




([1]) Xem Phụ bản 11.
([2]) [Huệ Khải 2008a: 31-32]
([3]) Xem đầy đủ chi tiết trong [Huệ Khải 2015].
([4]) Xem Phụ bản 12, Phụ bản 13.
([5]) [Huệ Khải 2017: 41]
([6]) [Lê Anh Dũng 1996: 166-169]
([7]) Mặc dù ban sơ các tiền khai giải thích như trên, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nên hiểu là công cuộc phổ độ lần thứ ba của Đại Đạo. (Huệ Khải chú)
([8]) [Lê Anh Dũng 1996: 166-172]. Diệu Nguyên dịch.
([9]) Tối hôm ấy tiền khai Trần Đạo Quang vắng mặt vì việc đạo, vẫn được Đức Cao Đài ban ơn chọn vào danh sách, thể theo lời cầu xin của tiền khai Lê Văn Trung. Xem Phụ bản 13.
([10]) [Huệ Nhẫn 2005: 281]
([11]) Tại sao lại là con số hai mươi tám? Tới nay, ngay cả một giải thích rất ngắn vẫn chưa có, mặc dù tượng số học (numerology) có thể tìm thấy rải rác trong giáo lý Cao Đài. Tuy nhiên, con số này có thể gợi ý cho người đọc nhớ tới hai mươi tám vì sao (nhị thập bát tú).
([12]) Tức là Trần Phát Đạt, xem Phụ bản 14-5.
([13]) [Huệ Nhẫn 2005: 301-303]. Xem Phụ bản 14-1.
([14]) [Huệ Nhẫn 2005: 301]. Xem Phụ bản 14-1.
([15]) [Huệ Nhẫn 2005: 303]. Xem Phụ bản 14-1.
([16]) [Huệ Nhẫn 2005: 406-407]. Xem Phụ bản 14-2.
([17]) [Huệ Nhẫn 2005: 175]. Xem Phụ bản 14-2.
([18]) [Huệ Nhẫn 2005: 262]. Xem Phụ bản 14-2.
([19]) [Huệ Nhẫn 2005: 301]. Xem Phụ bản 14-5.
([20]) [Huệ Nhẫn 2005: 303]. Xem Phụ bản 14-3.
([21]) [Huệ Nhẫn 2005: 315]. Xem Phụ bản 14-4.
([22]) [Huệ Nhẫn 2005: 303-304]. Xem Phụ bản 14-4.
([23]) [Huệ Nhẫn 2005: 428-429]. Xem Phụ bản 14-4.
([24]) [Huệ Nhẫn 2005: 304]. Xem Phụ bản 14-4.
([25]) [Huệ Nhẫn 2005: 304]
([26]) Về một số điểm mốc lịch sử liên quan quá trình áp dụng luật lệ nước Pháp tại Nam Kỳ, xin xem [Huệ Khải 2008a: 38-39].
([27]) Loi du 1er Juillet 1901 régissant les associations, Loi du 1 Juillet 1901 relative au contrat d’association, Loi sur les associations 1901. Tài liệu tiếng Anh thường gọi luật này là The Associations Law of 1901. Xem nguyên văn tiếng Pháp trong [Huệ Khải 2008a: 73-74].
([28]) Chẳng hạn: http://mapage.noos.fr/iriv.info/Loi_1901.htm.
([29]) [Huệ Khải 2008a: 37-42]
([30]) [Huệ Khải 2017: 43]
([31]) Trên Tờ Khai Tịch Đạo ngày 07-10-1926, Le Fol được gọi là “Thống Đốc” vì phép lịch sự.
([32]) “Prudent, il se contente d’en prendre acte, sans toutefois s’engager formellement à le reconnaître.”
(http://antruong.free.fr/Lecaodaisme.html, truy cập 04-01-2017.)
([33]) Néanmoins par télégramme confidentiel No. 146-C du 14 novembre 1926, le Gouverneur avisait les administrateurs, chefs de Province, du mouvement religieux que préparait Lê Văn Trung et son groupe de missionaires, et les invitait, “à suivre discrètement cette propagande et à le tenir au courant sous le timbre ‘Sûreté’.” [Lalaurette 1932: 15]
([34]) Mon prédécesseur, par Circulaire 146-C, vous a demandé de suivre attentivement le développement du Caodaisme. [Lalaurette 1932: 19]
([35]) Trung Kỳ quả nhiên không phải là đất hứa cho việc truyền đạo Cao Đài. Một cuốn sách nhỏ song ngữ của tôi nhan đề Cấm Đạo Cao Đài Ở Trung Kỳ 1928-1950 / Caodaism under Persecution in Central Vietnam 1928-1950 (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012) cung cấp một ghi chép biên niên các biện pháp bách hại đạo Cao Đài do thực dân Pháp và triều đình Huế liên tiếp thi hành.
([36]) Nay ở số 124-126 đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TpHCM.