Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

100/10. HÌNH ẢNH SINH HOẠT / Đôi Điều Về Bình Giảng Thánh Giáo

HÌNH ẢNH SINH HOẠT CỦA ĐOÀN PHỔ TẾ LƯU ĐỘNG NGÀY 05-3-2016 TẠI THÁNH THẤT TỪ VÂN, PHÚ NHUẬN






 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

100/9. ĐOÀN PHỔ TẾ LƯU ĐỘNG / Đôi Điều Về Bình Giảng Thánh Giáo

Đôi nét giới thiệu
ĐOÀN PHỔ TẾ LƯU ĐỘNG
thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài
NGUYỄN CÔNG KHÁNH
Nhằm mục đích yểm trợ cho sinh hoạt phổ tế ở các họ đạo, cơ sở đạo, kết hợp phổ biến các thông tin của Giáo Hội đến bổn đạo, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài đã chấp thuận cho Cơ Quan Phổ Tế tổ chức Đoàn Phổ Tế Lưu Động.
Từ lúc hình thành Đoàn Phổ Tế Lưu Động cho đến tháng 3-2016, thời gian đã được một năm, trong đó có ba tháng thực thi đạo sự phổ tế cùng với sinh hoạt tu học. Sau đây là đôi nét về Đoàn Phổ Tế Lưu Động thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài:
1. Kế hoạch tổ chức Đoàn Phổ Tế Lưu Động
Kế hoạch tổ chức Đoàn Phổ Tế Lưu Động do Cơ Quan Phổ Tế đệ trình đã được Hội Thánh chấp thuận trong phiên họp ngày 13-01 Ất Mùi (03-3-2015). Nội dung kế hoạch đã xác định mục đích, cơ cấu nhân sự điều hành, và các bước thực hiện. Hiện nay, thành phần điều hành Đoàn gồm có:
Trưởng Đoàn: Giáo Hữu THƯỢNG KHÓA THANH
Phó Đoàn 1: Đạo huynh NGUYỄN HUỆ QUANG
Phó Đoàn 2: Đạo huynh NGUYỄN CÔNG KHÁNH
2. Nội Quy Hành Đạo của Đoàn Phổ Tế Lưu Động
Căn cứ kế hoạch đã được Hội Thánh phê chuẩn, Ban Điều Hành Lâm Thời đã soạn thảo Nội Quy Hành Đạo của Đoàn và được Cơ Quan Phổ Tế thông qua vào ngày 08-3 Ất Mùi (26-4-2015). Nội quy này ấn định các chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các thành viên và cách thức làm việc trong đoàn, cũng như đặt ra những tiêu chí cần thiết cho việc tuyển dụng thành viên Đoàn Phổ Tế Lưu Động.
3. Chiêu sinh
Ngày 12-4 Ất Mùi (29-5-2015), đạo văn thông báo chiêu sinh số 48/PT-15 đã được Cơ Quan Phổ Tế gởi đến các họ đạo và cơ sở đạo. Sau hơn một tháng, có 46 hồ sơ xin dự tuyển từ 29 họ đạo và 2 cơ sở đạo, gồm 37 nam ứng viên và 9 nữ ứng viên.
Các hồ sơ đăng ký đã thể hiện tinh thần hăng hái phụng sự Giáo Hội của các nam nữ ứng viên. So với điều kiện dự tuyển có 13 hồ sơ không hợp lệ; tuy nhiên, trong tinh thần dìu dắt nhau trên đường tu học lập công, Cơ Quan Phổ Tế đã chấp nhận cho các ứng viên này được dự khảo tuyển.
4. Khảo tuyển giai đoạn 1
Việc khảo tuyển giai đoạn 1 được tổ chức tại hai địa điểm là Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng) và thánh thất Từ Vân (Phú Nhuận, TpHCM). Các ứng viên phải thực hiện một bài viết trong thời gian 120 phút với một đề tài do Cơ Quan Phổ Tế đặt ra. Đây là bước khảo sát kiến văn, học nghiệm của các ứng viên. Các ứng viên cũng được yêu cầu thực hiện một Phiếu Tham Khảo về sở trường và điều kiện tham gia Đoàn Phổ Tế Lưu Động.
Kết quả giai đoạn 1 có 40 ứng viên được Cơ Quan Phổ Tế chấp thuận chuyển sang khảo tuyển giai đoạn 2.
5. Khảo tuyển giai đoạn 2
Khảo tuyển giai đoạn 2 được tổ chức tại Trung Hưng Bửu Tòa vào hai ngày 30-7 và 01-8 Ất Mùi (12 và 13-9-2015), có 37 ứng viên tham gia. Ở giai đoạn này, các ứng viên đã được Hội Đồng Giám Khảo gồm sáu chức sắc đại diện của năm Cơ Quan trong Hội Thánh (Hành Chánh, Phước Thiện, Minh Tra, Phổ Tế, và Nữ Phái) “sát hạch” qua hai câu hỏi dành cho mỗi ứng viên: (a) Một câu do ứng viên chọn trong số 40 câu hỏi in sẵn; (b) Một câu hỏi trực tiếp từ Hội Đồng Giám Khảo. Thời gian trả lời hai câu hỏi này không quá 20 phút.
Hội Đồng Giám Khảo đã đánh giá kết quả dự tuyển của mỗi ứng viên qua nội dung phần trả lời hai câu hỏi, cách ứng xử tình huống và tác phong ứng viên khi xuất hiện trước đạo hữu.
Căn cứ kết quả khảo tuyển hai giai đoạn 1 và 2, Cơ Quan Phổ Tế chấp nhận cho 34 ứng viên bước tiếp sang giai đoạn 3: Tập huấn.
6. Giai đoạn 3: Tập huấn
Giai đoạn 3 được tổ chức tại Trung Hưng Bửu Tòa trong ba ngày 09, 10 và 11-10 Ất Mùi (20, 21, và 22-11-2015), có 30 ứng viên tham dự.
Trong giai đoạn này các ứng viên được trang bị bổ sung phần kiến thức, kỹ năng và đặt ra những yêu cầu cần có của người Phổ Tế Lưu Động qua việc học tập và thảo luận các chủ đề sau: (a) Con đường trung đạo; (b) Vai trò Phổ Tế; (c) Bản lĩnh cùng tác phong đạo hạnh của thành viên Phổ Tế Lưu Động; (d) Tín, Nguyện, Hạnh của thành viên Phổ Tế Lưu Động; (e) Kỹ năng thuyết trình; (f) Nội Quy Hành Đạo của Đoàn Phổ Tế Lưu Động.
Sau phần học tập và thảo luận, các ứng viên thực hiện phần kiểm tra bằng cách trả lời 50 câu hỏi trắc nghiệm để kết thúc khóa tập huấn.
Các ứng viên đạt yêu cầu trọn ba giai đoạn được Cơ Quan Phổ Tế cấp một Sổ Hành Đạo và một số tư liệu cơ bản làm hành trang bước vào hành trình phụng sự Giáo Hội với danh nghĩa thành viên Đoàn Phổ Tế Lưu Động.
7. Hành đạo và học tập
Cuối năm 2015 tất cả 33 thành viên Đoàn Phổ Tế Lưu Động (bao gồm thành phần điều hành) đã nhận nhiệm vụ giao phó của Hội Thánh nói chung và Cơ Quan Phổ Tế nói riêng trên tinh thần: (a) Tôn trọng tổ chức; (b) Tự nguyện; (c) Tự giác; (d) Không ngại khó.
Và hứa nguyện: (a) Hành đạo trên tinh thần tích cực phụng sự; (b) Lấy Thuần Chân Vô Ngã làm phương châm tu tiến; (c) Giữ hạnh khiêm cung trong mọi giao tiếp xử sự; (d) Luôn cố gắng làm tròn bổn phận giữ đạo và truyền đạo của người tín đồ Cao Đài.
Sau khi nhận nhiệm vụ, từ ngày 11-10 Ất Mùi (22-11-2015), Đoàn Phổ Tế Lưu Động đã nhận được yêu cầu yểm trợ từ các họ đạo như: Trung Thạnh, Hội An, Trung Đồng, Lý Sơn, Vệ Long Trung, Trung Hòa (Quảng Ngãi), và Ngọc Linh Đài. Sau đó Đoàn chỉ kịp thực hiện thuyết trình các đề tài trong mùa Chung Niên Sám Hối tại ba họ đạo (Trung Thạnh, Hội An, và Trung Đồng); bốn họ đạo còn lại phải hẹn qua năm Bính Thân.
Ngày 27-01 Bính Thân (05-3-2016), Đoàn tổ chức kỳ họp đầu tiên để ôn lại đạo sự sau ba tháng hành đạo đồng thời trang bị thêm một số kiến thức, kinh nghiệm học thánh giáo và kỹ năng truyền đạt thánh giáo đến đạo hữu.
Cùng ngày, Đoàn Phổ Tế Lưu Động hân hạnh đón tiếp Anh Lớn Giáo Sư Thượng Văn Thanh (Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) đến thăm, khuyến khích, và tham gia sinh hoạt với Đoàn.
Xin cầu nguyện Thầy Mẹ và các Đấng thiêng liêng soi dẫn, Hội Thánh và nhân sanh hộ trì cho Đoàn Phổ Tế Lưu Động hoàn thành nhiệm vụ trên đường hành đạo lập công.
TM. Đoàn Phổ Tế Lưu Động

Phó Đoàn 2: NGUYỄN CÔNG KHÁNH


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

100/8. VÀI BIỆN PHÁP TU TỪ TRONG THÁNH GIÁO CAO ĐÀI / Đôi Điều Về Bình Giảng Thánh Giáo


VÀI BIỆN PHÁP TU TỪ TRONG THÁNH GIÁO CAO ĐÀI


Kinh điển các tôn giáo truyền từ nước ngoài vào Việt Nam thường phải qua một hoặc vài lần phiên dịch, thí dụ, dịch từ tiếng Ấn Độ (Sanskrit hay Pali) sang tiếng Hán, rồi từ Hán dịch sang Việt; dịch từ tiếng Hebrew sang La-tinh, rồi từ La- tinh dịch sang tiếng Việt...
Là tôn giáo ra đời ở Việt Nam từ những năm 20 thế kỷ 20, đạo Cao Đài qua phương tiện cơ bút, đã trực tiếp dùng tiếng Việt dạy đạo cho người Việt. Đó là một trong nhiều yếu tố cho thấy tính dân tộc của đạo Cao Đài. Nhà ngôn ngữ học có thể khảo sát dòng tiếng Việt này và phát hiện ít nhiều đặc trưng độc đáo, chẳng hạn như một số biện pháp tu từ.
1. Biện pháp nhấn mạnh bằng một mạo từ
Chỉ sự vật cụ thể và một số động vật, người Việt dùng mạo từ cái, thí dụ:
- cái nhà, cái ghế (tĩnh vật);
- cái cò, cái vạc, cái kiến (động vật, côn trùng)...
Với danh từ trừu tượng, không dùng mạo từ cái, thí dụ: sự học, việc học, chuyện công danh, sự công danh, sự nợ nần, việc nợ nần...
· Cái đứng trước danh từ trừu tượng để nhấn mạnh, thí dụ:
- Cái học ngày nay đã hỏng rồi... (Tú Xương)
- Cái công danh là cái nợ nần. (Nguyễn Công Trứ)
- Người ta hơn tớ cái phong lưu... (Tản Đà)
· Trong thánh giáo Cao Đài, thí dụ:
- Thương thân phải kíp tu trì,
Để đem cái Đạo bù chì nước non.([1])
- Ta mến ta thương mới chỉ truyền,
Giáo Tông tạm gác cái uy quyền;
Chỉ còn sư đệ tình hơn thiệt,
Tâm đó, lòng đây, bởi vạn duyên.([2])
2. Biện pháp nhấn mạnh bằng hai mạo từ
· Tiếng Việt chấp nhận dùng cùng lúc hai mạo từ để tăng thêm ý nhấn mạnh, thí dụ:
- Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu? (Nguyễn Du)
- Tớ cũng hơn ai cái sự nghèo. (Tản Đà)
- Cái thứ mưa dầm ở Huế... (Nguyễn Tuân)
· Trong thánh giáo Cao Đài, thí dụ:
- Trước tiên mình phải hiểu mình,
Sinh trong cái cõi nhân sinh làm gì? ([3])
- Xuống lên trong cái cõi đời,
Dễ chi gặp đặng một thời xá ân.([4])
3. Biện pháp nhấn mạnh bằng một mạo từ kèm với một từ chỉ lượng (lượng từ)
Chỉ lượng xác định, người Việt nói một, hai, ba..., thí dụ: một người, một nhà, hai ngày, ba năm....
Chỉ lượng bất định, người Việt nói những, thí dụ: những người, những nhà, những ngày, những năm...
· Mộtnhững còn dùng để nhấn mạnh, thí dụ:
- Cả một đời Mạnh Tử khổ công làm việc nghĩa.
- Họ đi vắng, không còn một ai cả.
- Bé thế mà ăn được những năm sáu chén cơm à!
- Đêm ngày lòng những giận lòng... (Nguyễn Du)
- Khi mơ những tiếc khi tàn... (Đoàn Thị Điểm)
· Trong thánh giáo Cao Đài, cái một, những được kết hợp để “gấp đôi” ý nhấn mạnh, thí dụ:
- Chỉ một cái tâm, tâm vũ trụ,
Thoát ly vạn tướng phục nguơn thần.([5])
- Rằng ta là một cái ta chung,
Lớn rộng bao la ở khắp cùng...([6])
- Những cái tầm thường là những tầm thường chung của mọi người. Những cái phi thường cũng vẫn là phi thường chung của tất cả, chớ không dành riêng cho nữ hoặc nam.([7])
4. Biện pháp tách từ
Tiếng Việt có rất nhiều từ kép (thí dụ: ân oán, hạnh phúc) và từ láy (thí dụ: vui vẻ, buồn bã) để lời nói được êm tai, làm cho tiếng Việt rất giàu nhạc điệu. Chẳng hạn, nói “nắng mai ấm” cũng đủ nghĩa, nhưng nói “nắng mai ấm áp” thì nghe cân đối, nhịp nhàng và nhiều ấn tượng hơn. Ngoài tính cân đối này, người Việt còn tách từ để thể hiện tính đối xứng, tạo sự hài hòa về ngữ âm, có được tiết điệu và tăng thêm sức nhấn mạnh, thí dụ:
4.1. Một từ xen giữa từ kép hay từ láy, thí dụ:
- Thấy nó học với hành mà chán! [với + từ kép học hành]
- Còn đắn với đo làm gì nữa! [với + từ láy đắn đo]
· Trong thánh giáo Cao Đài, thí dụ:
- Lẩn quẩn, loanh quanh, lên lại xuống,
Trong vòng luân chuyển khổ cho thân.([8])
[lại + từ kép lên xuống]
- Chỉ có trường đời tranh với cạnh,
Hiền ngu, khôn dại với hơn thua.([9])
[với + từ kép cạnh tranh]
4.2. Một từ “cài răng lược” với từ kép hay từ láy, thí dụ:
- sống khổ sống sở [sống / sống + từ kép khổ sở]
- ăn vội ăn vàng [ăn / ăn + từ láy vội vàng]
- Làm người phải đắn phải đo,
Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu. (Ca dao)
[phải / phải + từ láy đắn đo]
· Trong thánh giáo Cao Đài, thí dụ:
- Mặt nhựt hồi mô thấy xẻ hai,
Có thương mới biết đấng Cao Đài;
Cũng con cũng cái đồng môn đệ,
Bụng muốn phân chia hỏi bởi ai? ([10])
[cũng / cũng + từ kép con cái]
4.3. Hai từ có quan hệ đối ứng “cài răng lược” với từ kép hay từ láy, thí dụ:
- nay thương mai nhớ
[từ đối ứng nay / mai + từ kép thương nhớ]
- hồn xiêu phách lạc; xiêu hồn lạc phách
[từ đối ứng xiêu / lạc + từ kép hồn phách]
- Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai? (Ca dao)
[từ đối ứng ra / vào + từ láy ngẩn ngơ]
- đi lẻ về loi [từ đối ứng đi / về + từ láy lẻ loi]
· Trong thánh giáo Cao Đài, thí dụ:
- Hỡi các con ơi ráng chí bền,
Trước dìu sau dắt ráng cho nên.([11])
[từ đối ứng trước / sau + từ kép dìu dắt]
- Cõi vô thường kẻ đến trước người đến sau, kiếp nhơn sanh nay về mai ở.([12]) [từ đối ứng về / ở + từ kép nay mai]
Nhận xét: Lẽ thường phải nói nay ở [sống] mai về [chết], mượn ý câu sinh ký tử quy (sống gửi thác về). Tuy nhiên, cách nói nay về mai ở hoàn toàn phù hợp với kiểu nói “trớ trêu” của người Việt, như: con ông cháu cha, cao chạy xa bay, tai ngơ mắt điếc...
Lưu ý: Trong thánh giáo Cao Đài, có một dạng khác hơn các biện pháp tu từ “cài răng lược” nói trên, đó là:
(a) xen kẽ một từ kép với từ láy;
(b) xen kẽ một từ kép với từ đối ứng, hay là
(c) xen kẽ một từ kép với một từ kép khác.
Thí dụ:
- Mẹ vẫn biết các con đứa nào cũng đã lỡ mang duyên trần nghiệp tục, sớm liệu chiều lo.([13])
[từ kép duyên nghiệp + từ kép trần tục;
từ đối ứng sớm chiều + từ kép lo liệu]
- Vì sao xẻ mún chia manh,
Đã chia thì khó, khó đành mượn vay.([14])
[từ kép xẻ chia + từ láy manh mún]
- Đó là nguyên nhân nảy sinh ra nhiều hình thức hành đạo mà ngày nay các em hằng nói là chia chi rẽ phái.([15])
[từ kép chia rẽ + từ kép chi phái]
5. Đảo trật tự từ kép hay từ láy
· Một số từ kép hay từ láy không thể đảo ngược trật tự thành phần của nó, thí dụ: bâng khuâng, giang san, bàng hoàng không thể đảo ngược thành khuâng bâng, san giang, hoàng bàng.
Nhưng nhiều từ có thể đảo ngược, thí dụ: xuyến xao / xao xuyến, suy nghĩ / nghĩ suy, soi sáng / sáng soi, giữ gìn / gìn giữ, non nước / nước non... Biện pháp đảo ngược này làm câu văn nhịp nhàng, hài hòa vần điệu, có giá trị nghệ thuật, thí dụ:
- Ai ơi trẻ mãi ru mà,
Càng đo đắn lắm càng già mất duyên. (Ca dao)
Không thể nói “đắn đo” vì câu thơ bị sái luật bằng trắc.
- Nhưng trong khoảnh khắc ơ thờ ấy,
Thấy cả muôn đời hận biệt ly. (Thế Lữ)
Nói thờ ơ thì câu thơ nghe kém ngay, điều này có lẽ phải được “thẩm âm” bằng... lỗ tai thơ.
· Trong thánh giáo Cao Đài, thí dụ:
- Chơn lý là gì? Một câu hỏi vỏn vẹn chừng ấy mà hàm súc tất cả quan niệm về lý đạo triết minh.([16])
Nói minh triết, khi đọc tiếng trắc (triết) ở cuối câu văn dài, nghe như bị “nghẽn” lại, câu văn như “đoản hậu”.
· Một biện pháp tu từ khác trong thánh giáo Cao Đài là kết hợp một từ đảo ngược (thí dụ: điên đảo) cùng với nguyên thể (đảo điên) của từ đó. Thí dụ:
- Tử sanh, sanh tử đâu là,
Nặng lo thể xác, khó qua luân hồi.([17])
- Nhìn qua một lượt đời người và muôn loại chẳng đặng an bình, mải xâu xé xé xâu, mải trắng đen đen trắng...([18])
- Thế sự ngày nay không là ngày xưa, cuộc diện đã đổi thay lại càng thêm thay đổi.([19])
- Đối cảnh sinh tình, tình sinh phiền não, phiền não sinh oan nghiệt, oan nghiệt buộc trói con người vào vòng vay trả trả vay.([20])
- Nhìn xem thế sự, trước mắt bao nhiêu việc đổi thay thay đổi, luật tuần hoàn luân chuyển chuyển luân...([21])
- Dòng đời cám dỗ rủ ren em,
Sanh tử tử sanh, ấy cũ mèm;
Lên xuống, xuống lên, lên xuống mãi,
Luân hồi chuyển kiếp khổ thân em.([22])
Biện pháp tu từ này có công dụng: nhấn mạnh về lời và ý mà không phải điệp ngữ; tạo âm điệu cân xứng, làm cho câu văn lời thơ thêm giàu nhạc điệu; diễn tả sự dai dẳng liên miên của một tình thế; hoặc cho thấy một sự việc mãi lập đi lập lại, hoặc trong vòng lẩn quẩn, hoặc mang tính ráo riết, ngày một gay go hơn.
6. Tạo hình trong thánh giáo Cao Đài
Qua nghệ thuật tạo hình (tượng hình) thánh giáo Cao Đài, đạo lý trừu tượng được thể hiện bằng những hình ảnh cụ thể, tinh xác. Thí dụ:
- Đừng bao giờ con nhọc tâm suy nghĩ đường này cao, nẻo kia thấp. Sự thấp cao chỉ ở trong lòng con cũng như biển sâu non cao ở trong vũ trụ.([23])
- Hỡi các con, rừng có cây cao cây thấp, con có đứa dở đứa hay...([24])
- Nhơn sanh là con thuyền, thế đời là biển động.([25])
· Chân lý tuyệt đối chỉ có một, là Đạo. Tất cả các tôn giáo dù khác nhau ở hình tướng nhưng đều có công dụng là phương tiện để đưa con người tới cứu cánh là Đạo. Diễn tả tương quan tôn giáo và Đạo, thánh giáo Cao Đài có câu:
- Tôn giáo là con thuyền đưa khách mà Đạo là bến đỗ. Các con thuyền cuối cùng cũng xuôi về bến đỗ.([26])
Lưu ý: Tiếng Việt mượn cách diễn tả thời gian của ngôn ngữ Trung Hoa, và đã có cách ví: bóng câu cửa sổ, mượn từ chữ Hán bạch câu quá khích, gọi tắt là câu ảnh, khích câu.([27]) Thí dụ:
- Tàn ác thời gian giục vó câu. (Đinh Hùng)
Leo Tolstoy nhìn thời gian chuyển động theo con mắt cơ giới, nên viết:
- Thời gian là sự chuyển động khôn cùng chẳng một phút giây ngưng nghỉ. (Chiến Tranh Và Hòa Bình) ([28])
Ralph Hodson có lẽ nặng tình du cư nên diễn tả thời gian bằng hình ảnh như sau:
- Thời gian, ơi lão già du cư,
Có bao giờ ngươi dừng lại,
Có bao giờ ngươi thử nán cuộc lữ dài,
Dù chỉ một ngày? ([29])
· Góp phần giàu đẹp cho tiếng Việt là cách thánh giáo Cao Đài tả thời gian, bằng hình ảnh rất sáng tạo, thí dụ:
- Những hạt chuỗi thời gian trôi qua theo ngón tay Tạo Hóa.([30])
Tạo Hóa đang lần tràng hạt thời gian, đều đặn. Một hạt chuỗi lăn qua ngón tay Tạo Hóa, một đơn vị thời gian trôi qua, không theo đường thẳng mà theo chuyển động vòng tròn, giáp hết một vòng sẽ trở lại chỗ ban đầu.([31]) Hình tượng độc đáo này còn được vận dụng linh hoạt như sau:
- Nếu con mãi lo âu thế sự,
Mang nghiệp trần lành dữ đeo đai;
Xuân sang xuân vẫn còn hoài,
Chuỗi đời đếm hạt không tài vượt qua.([32])
- Đông sắp mãn thì xuân lại đến,
Hạt chuỗi đời định mệnh lần qua;
Trăm năm gẫm có bao là,
Hỡi con sứ mạng Kỳ Ba thế nào? ([33])
Nghiên cứu các biện pháp tu từ trong thánh giáo Cao Đài, ngoài những điểm tiêu biểu nêu trên còn có thể thấy thêm nhiều dạng khác, chẳng hạn:
7. Chuyển từ loại
Thí dụ, danh từ [dt] chuyển thành tính từ [tt]:
- Xuân đến lồng trong khắp mọi người,
Sang hèn thanh trược cũng vui chơi;
Lẽ đâu xuân [dt] chỉ xuân [tt] chừng ấy,
Mà nợ tang bồng quên đấy thôi.([34])
- Thượng Đế Chí Tôn đã mở con đường cho nhân loại trở về với Thượng Đế: con người [dt] cho thiệt con người [tt].([35])
8. Cách điệp ngữ nhấn mạnh
8.1. Kiểu liên châu, thí dụ:
- Ôi Thiên cơ, Thiên cơ là huyền diệu... (Cao Đài Tiên Ông)
- ... thì các con, các con phải hiểu thông lẽ Đạo ấy... (Vô Cực Từ Tôn)
- Nó là một lẽ, một lẽ cố định từ vô thủy đến vô chung... (Quan Âm Bồ Tát)
- Nhắp chén trà sen vị ngọt ngào,
Hương xuân nồng ấm thú tiêu dao;
Kìa hoa, hoa nở vì ai đó,
Theo luật sinh tồn Đấng tối cao.([36])
- Rằng ta là một cái ta chung,
Lớn rộng bao la ở khắp cùng;
Ta chẳng có ta mà vẫn có,
ta, ta cũng chỉ tâm trung.([37])
- Kìa xem, xem lại cõi trần,
Triền miên giấc mộng phù vân chập chùng.([38])
8.2. Kiểu gián cách bằng một từ nối, thí dụ:
- Đời sống con người là một phức tạp rộng lớn, hội và xã hội quay quần xoay động... (Đại Tiên Lê Văn Duyệt)
- Sự liên giao càng ngày càng sâu rộng, tôn giáo và tôn giáo càng gần gũi lại với nhau...([39])
*
Noah Webster (1758-1843), nhà soạn từ điển người Mỹ, nói: “Ngôn ngữ, cũng như khả năng đàm thuyết, là tặng vật gần gũi của Thượng Đế.” ([40]) Như thế, thánh giáo Cao Đài đem lại cho người Việt một tặng vật ngôn ngữ với nhiều đặc trưng và không ít sáng tạo độc đáo mà qua lịch sử non chín thập niên của nền Đạo, chưa có điều kiện được lưu ý để nghiên cứu, xiển minh trọn vẹn trên phương diện ngôn ngữ.
Albert Dauzat (1877-1955), nhà ngôn ngữ học người Pháp, viết: “Ngôn ngữ là vật di sản truyền từ đời nọ qua đời kia. Mỗi thế hệ phải chịu trách nhiệm về di sản ấy đối với thế hệ sau.” ([41]) Hiểu theo tinh thần đó, trong bối cảnh riêng của cộng đồng Cao Đài, nghiên cứu thánh giáo Cao Đài về phương diện ngôn ngữ - mà bài này chỉ mới tạm thời phác thảo rất sơ lược một vài cạnh khía tiêu biểu - phải chăng cũng là một việc không nhỏ?
Viết lại, 11-7-1996
Bổ túc 16-8-2011




([1]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu (1972-1973). Sài Gòn: Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, tr. 42.
([2]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 36.
([3]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 69.
([4]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 70.
([5]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 78.
([6]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 78.
([7]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 103.
([8]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 30.
([9]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 30.
([10]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn ngày 21-01-1926.
([11]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 26.
([12]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất Và Tân Hợi (1970-1971). Sài Gòn: Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, tr. 184.
([13]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất Và Tân Hợi, tr. 4.
([14]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất Và Tân Hợi, tr. 59.
([15]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất Và Tân Hợi, tr. 142.
([16]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất Và Tân Hợi, tr. 175.
([17]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 41.
([18]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất Và Tân Hợi, tr. 52.
([19]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất Và Tân Hợi, tr. 53.
([20]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất Và Tân Hợi, tr. 107.
([21]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất Và Tân Hợi, tr. 184.
([22]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất Và Tân Hợi, tr. 117.
([23]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 27.
([24]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 185.
([25]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất Và Tân Hợi, tr. 53.
([26]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất Và Tân Hợi, tr. 167.
([27]) ; ; 隙駒 .
([28]) Time is infinite movement without one moment of rest.
([29]) Time, you old gipsy man, / Will you not stay, / Put up your caravan, / Just for one day?
([30]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất Và Tân Hợi, tr. 9.
([31]) Chu nhi phục thủy. .
([32]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất Và Tân Hợi, tr. 3.
([33]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 186.
([34]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất Và Tân Hợi, tr. 18.
([35]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 38.
([36]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 18.
([37]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 78.
([38]) Thánh Giáo Sưu Tập Năm Nhâm Tý Và Quý Sửu, tr. 41.
([39]) Thánh Giáo Sưu Tập Mậu Thân Và Kỷ Dậu (1968-1969). Sài Gòn: Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, tr. 128.
([40]) Languages, as well as the faculty of speech, was the immediate gift of God. dẫn theo Lewis C. Henry, Best Quotations. Connecticut: A Fawcett Premier Book, 1965, p. 126.
([41]) Trong lời tựa Le Génie de la Langue Française, dẫn theo Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê, Khảo Luận Về Ngữ Pháp Việt Nam. Sài Gòn: Đại Học Huế xb, 1963, tr. 700.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.