Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

1. GIAO CẢM – NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY


1. GIAO CẢM – NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY


Văn hào, bá tước Lev Tolstoy (1828-1910) là tác gia Nga, bậc thầy về tiểu thuyết hiện thực và là một trong các tiểu thuyết gia lỗi lạc nhất thế giới. Nơi Nào Thương Yêu Thì Có Thầy (sáng tác năm 1885) là một trong các câu chuyện luân lý rất sâu sắc mà Tolstoy viết cho quần chúng bình dân.
Bản tiếng Việt in nơi đây căn cứ theo Where Love Is, God Is, do vợ chồng Maude dịch từ nguyên tác tiếng Nga. Aylmer Maude (1858-1938) là người Anh, sang Mạc Tư Khoa (Nga) học hành (1874-1876) rồi sinh sống ở đó hơn hai mươi năm. Ông trở thành bạn vong niên của Tolstoy từ sau lần đầu gặp nhau vào năm 1888. Vợ ông là Louise Maude (1855-1939),([1]) người Anh, nhưng sinh trưởng ở Mạc Tư Khoa vì thân phụ là một thương nhân lập nghiệp tại kinh thành này.
Sau nhiều năm tha hương, Aylmer và Louise trở về Anh năm 1897 và từ đó cho tới cuối đời cả hai chuyên tâm dịch các tác phẩm của Tolstoy sang tiếng Anh. Có thể nói hai ông bà đã tận tụy bắc chiếc cầu nối Tolstoy với văn học Anh.
Hai ông bà kết tập hơn hai mươi truyện ngắn của Tolstoy, in chung vào năm 1906 với nhan đề Hai Mươi Ba Câu Chuyện (Twenty-Three Tales). Sách gồm bảy phần, trong đó Nơi Nào Thương Yêu Thì Có Thầy là truyện chót (truyện thứ tư) của Phần II (Những Truyện Bình Dân: Popular Stories), và là truyện thứ bảy của cả hiệp tuyển.


Truyện ngắn của Tolstoy nhắc tôi nhớ lời Chúa (Gio-an 15:9-17): Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em. Và tôi cũng nhớ tới lời Đức Chí Tôn: Sự thương yêu là chìa khóa mở tam thập lục thiên, cực lạc thế giới và Bạch Ngọc Kinh.([2]) Sự thương yêu là cơ thể của Thầy.([3]) Thương nhau, tặng vật hiến dâng Thầy.([4]) Bởi vậy, tôi dịch nhan đề là Nơi Nào Thương Yêu Thì Có Thầy. Các chú thích trong sách là của Huệ Khải.
Với lòng biết ơn, tôi in kèm theo đây bảy tranh sơn dầu được họa sĩ Trần Bửu Long vẽ tặng (tháng 11-2013). Ngoài ra, còn có mười hai minh họa (họa sĩ khuyết danh), mượn từ một bản điện tử.([5]) Chân dung Tolstoy in trên bìa 1 chụp vào những năm cuối đời của tác giả.([6])
Món quà Giáng Sinh 2019 này xin trân trọng trao gởi quý đạo hữu gần xa, để anh chị em chúng ta cùng nhau sống đúng theo bài học thương yêu mà Thầy luôn nhắc nhở đàn con.
07-10-2019
HUỆ KHẢI
Trích NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019.
Quyển 128 trong tủ sách VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện (2.000 bản in)


([1]) Cô Louise Shanks từ khi lấy chồng thì mang họ Maude. Theo văn hóa “quý bà trước tiên” (lady first) của Anh, khi in sách hai ông bà ghi tên người dịch là Louise và Aylmer Maude.
([2]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển Hai, đàn ngày 27-10-1927.
([3]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 08-02-1967.
([4]) Thiên Nguyệt Lâm Huyền Châu (Hội Thánh Hậu Giang Minh Chơn Đạo), 26-8-1969.
([5]) https://mywonderstudio.com/level-2/2013/12/6/where-love-is-god-is-also.html
([6]) Mượn của http://www.logoslovo.ru/media/pic_full/12/37360.jpg.

2. NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY


2. NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY
Ở thành phố nọ có người thợ sửa giày tên là Mác-tin. Ông có căn phòng nhỏ xíu trong một tầng hầm, với ô cửa sổ duy nhứt nhìn ra mặt đường. Qua đó chỉ có thể thấy chân những người đi ngang, tuy nhiên Mác-tin nhận biết khách bộ hành nhờ giày họ mang. Ông sống nơi đó đã lâu và quen nhiều người. Hiếm đôi giày nào trong xóm chưa từng một hai lần qua tay ông, thế nên ông thường bắt gặp công việc mình đã làm qua ô cửa sổ. Đôi thì thay đế, đôi thì vá lại, đôi thì khâu chỉ, và có đôi ông còn thay nguyên cả lớp da phủ bên trên. Ông có nhiều việc làm vì khéo tay, dùng vật liệu tốt, không chặt chém, đáng tin cậy. Nếu có thể làm xong vào ngày khách cần ông mới nhận hàng; bằng không, ông nói thật chứ chẳng hứa hão; bởi vậy ông có tiếng tăm và chưa hề thiếu việc.
Mác-tin lúc nào cũng là người tốt; nhưng về già ông bắt đầu suy nghĩ về linh hồn nhiều hơn và xích lại gần Thượng Đế hơn. Trong lúc ông vẫn còn làm công cho chủ, chưa tách ra riêng, thì vợ ông qua đời, bỏ lại một bé trai lên ba. Mấy đứa con trước chẳng nuôi được, đều vắn số lúc còn là ấu nhi. Thoạt đầu Mác-tin nghĩ tới việc gởi con trai bé bỏng cho em gái ở quê nuôi, nhưng thấy xót xa cảnh chia lìa, ông nghĩ: “Để thằng bé phải lớn lên ở chỗ lạ nhà lạ cửa thì chẳng hay ho gì; mình nuôi nó thôi.”
Mác-tin nghỉ làm cho chủ và đi thuê chỗ trọ sống với con thơ. Nhưng ông bạc phước về đường con cái. Ngay khi con trai tới tuổi có thể đỡ đần cho ông để ông có được niềm vui, thì cậu ngã bệnh và qua đời sau một tuần nằm sốt hầm hập.
Mác-tin chôn con, và tuyệt vọng đến nỗi phải buông lời oán trời trách đất. Trong nỗi buồn đau ông cứ than thở cớ sao Thượng Đế lại bắt đi đứa con yêu dấu, đứa con độc nhứt của ông, trong lúc cha nó già rồi mà còn sống. Sau đó Mác-tin không màng đi lễ nhà thờ nữa.


Một hôm có ông lão sau tám năm hành hương xa xứ, nay trở về quê và tiện đường ghé thăm Mác-tin là người cùng làng. Mác-tin mở lòng kể ông lão nghe nỗi bất hạnh đời mình:
- Ông ơi, tôi thậm chí không còn muốn sống nữa. Tất cả những gì tôi cầu xin Thượng Đế là được chết quách cho xong. Bây giờ tôi hết còn hy vọng trên đời này.
Ông lão khuyên:
- Mác-tin, ông không được quyền nói những điều như thế. Chúng ta không thể phán xét cách thức của Thượng Đế. Không phải lý trí chúng ta mà ý Trời mới định đoạt. Nếu Thượng Đế muốn con trai ông chết mà ông lại sống, thì ắt như thế là tốt nhất. Ông tuyệt vọng, bởi lẽ ông muốn sống cho hạnh phúc riêng ông.
Mác-tin hỏi:
- Vậy tôi nên sống cho ai khác?
Ông lão đáp:
- Sống cho Thượng Đế, Mác-tin à. Ngài ban cho ông cuộc đời, nên ông phải sống cho Ngài. Khi đã biết phải sống cho Ngài, ông sẽ hết còn bi thương nữa, và mọi chuyện sẽ thấy dễ dàng với ông.
Mác-tin lặng thinh một hồi rồi hỏi:
- Nhưng sống cho Thượng Đế cách nào?
Ông lão đáp:
- Thầy Giê-su đã bày cho chúng ta cách sống cho Thượng Đế. Ông biết đọc không? Vậy hãy mua Phúc Âm mà đọc. Trong kinh ông sẽ thấy Thượng Đế muốn ông sống ra sao. Trong đó ông có tất cả.
Lời nói của ông lão lắng sâu vào lòng Mác-tin. Ngay hôm ấy ông đi mua cho mình một quyển Kinh Thánh in chữ to, và khởi sự đọc.
Thoạt đầu ông chỉ có ý đọc vào các ngày lễ, nhưng một khi bắt đầu đọc, ông thấy lòng mình thanh thản đến nỗi ngày nào cũng đọc. Đôi lúc mê mải đọc đến nỗi đèn cạn dầu, lụn tắt trước khi ông có thể tách mình ra khỏi quyển kinh. Ông tiếp tục đọc hằng đêm, và càng đọc càng hiểu rõ Thượng Đế yêu cầu ông điều gì, ông có thể sống cho Ngài ra sao. Tâm hồn ông càng lúc càng nhẹ tênh. Trước kia, khi vào giường ngủ ông thường nằm với cõi lòng nặng trĩu, rên rỉ vì thương nhớ con trai; nhưng giờ đây ông chỉ nhắc đi nhắc lại: “Ôi, vinh diệu, vinh diệu, lạy Thầy! Ý Thầy được nên!”
Kể từ lúc ấy cuộc đời Mác-tin hoàn toàn thay đổi. Hồi trước, vào những ngày lễ ông thường ra quán uống trà và thậm chí không từ khước một hai ly rượu trắng. Có lúc, sau khi nhấm nháp tí rượu với bạn, ông ra về, không say nhưng lâng lâng, và hay thốt những lời dại dột như lớn tiếng với ai đó, trêu ghẹo họ. Giờ đây, tất cả những điều ấy đều rời khỏi ông. Đời ông trở nên an lạc. Buổi sáng ông ngồi làm việc, và khi xong công việc một ngày ông lấy cây đèn dầu treo trên vách xuống, đặt lên bàn, tìm quyển kinh trên kệ, mở ra, rồi ngồi đọc. Càng đọc càng thấm thía, càng cảm thấy cõi lòng trong trẻo, sướng vui hơn.
[Còn tiếp]
LEV TOLSTOY (Mạc Tư Khoa,1885)
HUỆ KHẢI (Nhiêu Lộc, 2019)
Trích NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019.
Quyển 128 trong tủ sách VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện (2.000 bản in)

3. NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY


3. NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY


Có lần Mác-tin thức khuya, đắm mình vào quyển kinh. Đang đọc Phúc Âm chép theo Thánh Lu-ca, ở chương thứ sáu ông gặp những dòng này (câu 9-31):
Ai tát má bên nầy của các con, hãy đưa luôn má bên kia cho họ tát. Ai muốn cướp giựt áo ngoài của các con, đừng cố giữ lại áo trong. Ai xin, hãy cho. Ai lấy của các con vật gì, chớ đòi lại. Hãy làm cho người khác những gì các con muốn họ làm cho mình.
Ở chương đó ông còn đọc những dòng này (câu 46-49):
Tại sao các con gọi Thầy “Lạy Chúa, lạy Chúa” mà không làm theo những điều Thầy bảo? Thầy sẽ chỉ cho các con thấy bất kỳ người nào đến với Thầy, nghe và làm theo lời Thầy thì giống ai: Họ giống người cất nhà, đào móng thật sâu, và xây nền trên đá tảng. Khi nước lụt dâng lên, lũ dữ tràn tới, nhà ấy vẫn chẳng lay chuyển, vì móng nền được xây trên đá tảng. Nhưng ai nghe mà không làm theo thì giống người cất nhà trên mặt đất mà chẳng xây móng làm nền. Khi lũ dữ tràn tới, nhà ấy liền sụp đổ, tan hoang.
Khi đọc mấy lời này, lòng Mác-tin thầm vui. Gỡ mắt kiếng ra đặt lên quyển kinh, rồi chống khuỷu tay lên bàn, ông suy gẫm những gì vừa đọc. Ông xét lại đời mình theo chuẩn mực những lời kinh đó, tự hỏi: “Nhà mình xây trên đá hay trên cát? Nếu cất trên đá thì tốt. Ngồi đây lẻ loi, cho rằng mình đã làm xong những mệnh lệnh của Trời thì dường như dễ quá. Nhưng ngay khi thôi cảnh giác, mình lại tái phạm tội lỗi. Tuy nhiên mình sẽ kiên trì và sẽ có được niềm vui. Ôi, lạy Thầy, xin hãy giúp con!”
Sắp phải đi ngủ nhưng Mác-tin không muốn rời quyển kinh. Thế nên ông đọc tiếp qua chương thứ bảy (câu 36-46):
Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu ([1]) mời Thầy Giê-su ăn tối với ông ta. Thầy đến nhà ông Pha-ri-sêu ấy và ngồi vào bàn. Một phụ nữ trong thành vốn là người tội lỗi biết rằng Thầy đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, nên tới đó, xách theo một bình quý đựng dầu thơm. Chị đứng phía sau, sát chân Thầy và khóc, nước mắt ướt đẵm hai bàn chân Thầy. Rồi chị lấy tóc mình lau hai bàn chân, hôn chúng và lấy dầu thơm rưới lên đó.
Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Thầy tới nhà nhủ thầm: “Nếu ông này là ngôn sứ,([2]) thì ắt biết ai đang chạm vào ông ta và ả là hạng người nào, là kẻ tội lỗi.”
Thầy Giê-su bảo ông: “Này Si-môn, tôi có điều nói với ông.” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” Thầy Giê-su nói: “Người nọ có hai con nợ. Kẻ nợ năm trăm quan tiền, kẻ nợ năm chục. Họ chẳng có tiền trả, chủ nợ bèn xóa nợ cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai thương chủ nợ hơn?” Ông Si-môn đáp: “Tôi cho rằng người được tha nợ nhiều hơn.” Thầy Giê-su bảo: “Ông xét đoán đúng rồi.”
Quay về phía người phụ nữ, Thầy nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông mà ông chẳng rưới chút nước nào lên chân tôi, còn chị ấy lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, và lấy tóc mình lau khô. Ông chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây không ngừng hôn chân tôi. Ông chẳng đổ dầu lên đầu tôi,([3]) còn chị ấy lấy dầu thơm rưới lên chân tôi.”
Đọc những dòng này, Mác-tin ngẫm nghĩ: “Ông ta không rưới nước lên chân Thầy, không hôn cũng không đổ dầu lên đầu Thầy . . .” Mác-tin gỡ kiếng ra lần nữa, đặt lên quyển kinh, và trầm tư: “Ông Pha-ri-sêu đó chắc giống mình. Ông ta chỉ nghĩ tới bản thân quá nhiều: làm sao có tách trà, làm sao giữ ấm và thoải mái mà chẳng hề nghĩ tới khách. Ông ta lo cho bản thân, còn khách mình mời thì chẳng ngó ngàng. Mà khách là ai vậy? Chính là Thầy đấy! Nếu Thầy đến với mình, liệu mình có cư xử tệ giống thế?”
Rồi Mác-tin gục đầu lên hai cánh tay, ngủ thiếp hồi nào cũng chẳng hay chẳng biết.

Bỗng ông nghe một giọng nói, cơ hồ ai rót vào tai:
- Mác-tin!
Ông choàng tỉnh, hỏi:
- Ai đó?
Ông nhìn quanh và ngó ra cửa; chẳng thấy ai cả. Ông lại hỏi nữa, rồi nghe thật rõ:
- Mác-tin! Mác-tin à, mai con nhìn ra đường nhé, vì Thầy sẽ đến.
Mác-tin tỉnh hẳn, đứng dậy, giụi hai mắt. Nhưng ông không biết là mình nghe những lời đó trong mơ hay đang thức. Ông tắt đèn vào giường nằm ngủ.
[Còn tiếp]
LEV TOLSTOY (Mạc Tư Khoa,1885)
HUỆ KHẢI (Nhiêu Lộc, 2019)
Trích NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019.
Quyển 128 trong tủ sách VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện (2.000 bản in)



 ([1]) Pha-ri-sêu (Pharisees): Nhóm tín đồ đạo Do Thái thông thạo luật lệ, luôn câu nệ luật lệ, tự cao tự đại, tự cho họ thánh thiện, nhưng lại sống giả dối, tách biệt người nghèo và người ngoài đạo Do Thái.
([2]) ngôn sứ (prophet): Người được cử đi loan báo việc gì (như Tin Mừng). Trước kia thường gọi là “nhà tiên tri”.
([3]) rưới nước, nụ hôn, đổ dầu: Phong tục tỏ lòng hiếu khách.

4. NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY


4. NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY


Hôm sau ông nhổm dậy khi trời chưa hửng sáng. Đọc kinh xong, ông nhóm lửa, nấu món canh bắp cải và cháo lúa mạch. Rồi ông đun nước pha trà, choàng lên người tấm tạp dề, đoạn ngồi xuống làm việc bên cửa sổ. Trong lúc ngồi làm việc Mác-tin suy tư về chuyện xảy ra đêm qua. Lúc thì ông thấy dường như mộng mị, lúc thì ông cho rằng thật sự có nghe giọng nói đó.
Thế là ông ngồi bên cửa sổ, ngó ra đường nhiều hơn làm việc. Mỗi khi ai đi qua mang giày lạ thì ông rướn người và ngước lên nhìn, để chẳng những thấy đôi chân mà còn cả khuôn mặt họ nữa. Một người khuân vác xỏ đôi ủng mới bằng nỉ, kế đến là người xách nước. Lúc này có người lính già giải ngũ cầm xẻng tới gần cửa sổ. Nhìn đôi ủng bèo nhèo thì Mác-tin biết là ông ta, hiện đang được một nhà buôn trong khu phố thương tình cho ở nhờ. Lão cựu binh bắt đầu dọn tuyết trước cửa sổ nhà Mác-tin. Ông đưa mắt nhìn lão rồi tiếp tục công việc.
Mác-tin tức cười cho óc tưởng tượng của ông: “Mình hẳn mụ mị vì tuổi tác. Lão đi tới dọn tuyết mà mình ngỡ đâu Thầy Giê-su ghé thăm. Mình rõ là ông già lẩm cẩm!”
Tuy nhiên sau khoảng chục mũi khâu Mác-tin cảm thấy thôi thúc phải nhìn ra cửa sổ lần nữa, và bắt gặp lão cựu binh đã dựa cây xẻng vào tường, đang nghỉ mệt hay là ráng làm cho ấm người. Lão đâu còn dẻo dai nữa, và rõ ràng không đủ sức dọn tuyết.
Mác-tin nghĩ: “Nếu mình mời lão ghé vào uống chút trà thì sao nhỉ? Ấm nước vừa mới sôi.”
Ông găm mũi dùi vào chỗ của nó, đứng dậy, đặt ấm nước lên bàn, rồi pha trà. Kế đó ông gõ gõ mấy ngón tay lên cửa sổ. Lão cựu binh quay lại và đi tới cửa sổ. Mác-tin ngoắc ngoắc ra dấu mời lão bước vào, rồi đích thân ra mở cửa.
Mác-tin nói:
- Vào đi ông, và làm ấm người một chút. Chắc chắn ông đang lạnh.
Khách đáp:
- Cầu Trời ban phước cho ông. Quả thật xương cốt tôi ê ẩm, rêm nhức hết cả rồi.
Ông ta đi vào, trước hết là rũ tuyết, và để khỏi vấy bẩn sàn nhà nên bắt đầu chùi chân, nhưng khi làm thế thì loạng choạng, chực ngã.
Mác-tin nói:
- Đừng bận lòng chùi chân. Tôi sẽ lau sàn. Việc đó làm hằng ngày mà. Lại đây, bạn ơi, hãy ngồi xuống uống chút trà.


Rót đầy hai ly, Mác-tin đưa một ly cho khách, và sớt ly của mình ra dĩa lót, bắt đầu thổi cho nguội.
Khách uống cạn, xong úp ly xuống, đặt miếng đường ăn dở lên đó. Lão mở lời cảm ơn, nhưng rõ ràng sẽ vui lòng uống thêm chút nữa.
- Uống ly nữa nhé!
Mác-tin nói vậy và lại rót đầy hai ly, nhưng trong khi uống trà ông cứ nhìn ra đường.
Khách hỏi:
- Ông đang ngóng ai à?
- Tôi đang ngóng ai hả? Này, tôi lấy làm mắc cỡ mà kể ông nghe. Tôi thật sự chẳng mong ngóng ai hết, nhưng tối qua tôi nghe điều gì đó mà không sao dứt nó ra khỏi đầu óc. Là lời báo mộng hay chỉ là óc tưởng tượng, tôi chẳng thể nói được. Bạn ơi, ông biết đấy, tối qua tôi đang đọc Phúc Âm chép về Thầy Giê-su, Thầy chịu đau khổ ra sao, đi khắp nơi thế nào. Tôi dám nói ông có nghe kể rồi.
Khách đáp:
- Tôi có nghe kể, nhưng không biết đọc vì mù chữ.
- Ông biết đấy, tôi đang đọc chỗ kể chuyện Thầy tới nhà một người Pha-ri-sêu mà chủ nhà tiếp đãi quá lơ là. Bạn à, đọc tới chỗ đó, tôi bèn giả thử nếu Thầy ghé nhà một kẻ như chính tôi đây, thì tôi nên tiếp đón Thầy ra sao cho đúng phép. Bạn à, đang suy nghĩ như vậy thì tôi bắt đầu ngủ thiếp đi. Trong lúc mơ mơ màng màng tôi nghe ai đó kêu tên mình. Tôi thức dậy và nghĩ rằng có nghe tiếng người nào rỉ tai: “Hãy đợi Thầy; mai Thầy tới.” Tôi nghe như vậy hai lần. Nói thật với ông nhé, nó in sâu trong đầu tôi đến nỗi dù tự thấy ngượng mà tôi vẫn cứ đang trông đang ngóng Thầy tới nhà mình.
Khách lắc đầu nhưng làm thinh, uống cạn ly trà, và úp ly xuống; tuy nhiên Mác-tin lật ngửa ly lên, lại rót đầy trà cho khách.
- Đây, uống thêm ly nữa đi ông, trời lạnh mà. Tôi cũng nghĩ, Thầy đi mọi nơi và không rẻ rúng một ai, nhưng Thầy chủ yếu đến với những người bình dân. Thầy đi với những người chất phác, mộc mạc, và chọn tông đồ trong số những ai như chúng ta, các thợ thuyền giống tụi mình, tội lỗi như bọn mình. Thầy bảo: Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên, còn ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Các con gọi Thầy là Chúa, mà Thầy lại đi rửa chân các con. Ai muốn đứng đầu thì hãy phục vụ hết thảy mọi người. Phúc thay cho những ai có tâm hồn nghèo khó, khiêm hạ, ôn hòa và nhân đức.
Khách quên cả uống trà. Ông già rồi, lại mau nước mắt, trong lúc ngồi lắng nghe Mác-tin nói, những giọt lệ cứ tuôn dài xuống hai gò má khô héo.
Mác-tin mời:
- Nào, uống thêm chút nữa nhé.
Nhưng khách làm dấu thánh giá trước ngực tỏ lòng tôn kính, cảm ơn chủ nhà, đẩy ly của mình qua một bên, rồi đứng lên. Ông lão nói:
- Cảm ơn ông, Mác-tin. Ông đãi tôi trà ngon mà còn xoa dịu cả thể xác lẫn tâm hồn tôi.
Mác-tin đáp:
- Có chi đâu. Dịp khác mời ông lại ghé nhà nhé. Tôi vui lòng đón tiếp.
[Còn tiếp]
LEV TOLSTOY (Mạc Tư Khoa,1885)
HUỆ KHẢI (Nhiêu Lộc, 2019)
Trích NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019.
Quyển 128 trong tủ sách VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện (2.000 bản in)

5. NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY


5. NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY


Khách rời khỏi rồi, Mác-tin rót nốt chỗ trà còn lại uống cạn. Sau đó ông dọn dẹp bộ đồ trà và ngồi xuống chỗ làm việc, khâu chỗ nối ở mặt sau một chiếc ủng. Đang khi tay luồn mũi kim, rút sợi chỉ, thì mắt ông cứ nhìn ra cửa sổ, ngóng đợi Thầy Giê-su, tâm trí nghĩ về Thầy và các việc Thầy làm. Trong đầu ông đầy ắp những lời Thầy dạy.
Hai anh lính bước ngang qua, kế tiếp là ông chủ nhà hàng xóm, rồi tới ông thợ lò bánh mì. Tất cả đều đi khuất. Lúc đó xuất hiện một chị mang vớ len xỏ chân trong đôi giày nhà nông. Chị đi qua cửa sổ, nhưng dừng lại bên tường. Mác-tin ngước nhìn qua ô cửa sổ, thấy chị lạ mặt, y phục nghèo khổ, hai tay ẵm con. Chị nép bên tường, đưa lưng về hướng gió, cố che đậy cho con thơ mặc dầu chị hầu như chẳng có gì để bao bọc lấy trẻ. Chị chỉ mặc phong phanh manh áo mùa hè nhàu nhò, sờn cũ. Xuyên qua cửa sổ Mác-tin nghe tiếng đứa bé khóc, người mẹ cố dỗ dành nhưng chẳng ăn thua gì. Mác-tin đứng dậy, đi ra cửa, bước lên bậc thềm, cất tiếng gọi:
- Cháu ơi, cháu! Bác gọi cháu đó!
Nghe kêu, chị xoay người lại.
- Sao cháu đứng đó ẵm con ngoài trời lạnh? Hãy vào đây. Cháu có thể ủ cho em bé tốt hơn trong chỗ ấm áp. Đi lối này nè cháu.
Ngạc nhiên nhìn ông lão mặc tạp dề, đôi tròng kính gắn trên mũi, đang lên tiếng gọi mình, nhưng chị cũng theo chân ông đi vào nhà.
Hai người bước xuống mấy bậc thềm, đi vào căn phòng nhỏ, và ông lão đưa chị tới bên giường.
- Đó, cháu ngồi xuống đi, gần lò sưởi. Cháu hãy hơ ấm, và cho con bú.
- Có chút sữa nào đâu, bác! Từ sớm tới giờ cháu chẳng có miếng gì bỏ vô bụng hết!
Nói vậy chớ chị cũng kê miệng con vào ngực.
Mác-tin lắc đầu. Ông mang ra cái tô và ít bánh mì. Rồi mở cửa lò hấp, ông trút một ít canh bắp cải vào tô. Ông cũng lấy ra nồi cháo lúa mạch, nhưng cháo chưa nhừ nên ông trải khăn bàn và dọn canh với bánh mì.
- Ngồi xuống ăn đi cháu. Để bác trông em bé giùm cho. May phúc là bác cũng có con nên biết cách săn sóc trẻ nhỏ.
Chị làm dấu thánh giá và ngồi vào bàn, bắt đầu ăn, còn Mác-tin đặt em bé lên giường, ngồi kế bên. Miệng ông kêu chụt chụt để dỗ bé con, nhưng vì móm nên làm không khéo và bé khóc hoài. Mác-tin bèn lấy ngón tay khều nhẹ vào người bé, đưa ngón tay vào gần môi bé rồi rụt nhanh lại, cứ đưa tới và rụt lui như vậy. Ông không để cho bé ngậm trúng đầu ngón tay đen đủi, dính đầy sáp đánh giày. Vậy mà em bé nín khóc, đưa mắt nhìn theo ngón tay, rồi bật cười. Mác-tin thấy lòng mình khoan khoái lắm.
Người mẹ vừa ăn vừa kể lể thân phận:
- Chồng cháu đi lính. Họ điều ảnh đi đâu mất tiêu, biệt tăm biệt tích cả tám tháng trời. Từ đó tới nay cháu bặt tin ảnh. Trước đây cháu có nghề nấu ăn, nhưng khi sanh con thì họ cho nghỉ việc. Ba tháng qua cháu ráng hết sức mà không tìm ra chỗ làm nào khác, đành bán hết mọi thứ để đổi lấy miếng ăn miếng uống. Cháu thử xin làm vú em, nhưng không ai mướn. Họ nói cháu còm cõi, bộ dạng như chết đói. Cháu vừa gặp vợ ông thương gia. Một chị người làng chúng cháu đang giúp việc cho bà ấy và bà đã nhận lời cho cháu vào làm. Tưởng đâu cuối cùng cũng ổn thỏa, nào ngờ bà ấy bảo cháu tuần sau hãy tới. Cháu ở cách xa bà ấy mà lại mệt đuối rồi, con cháu thì khát sữa, tội nghiệp nó. May mà bà chủ nhà thương tình cho mẹ con cháu ở nhờ khỏi trả tiền, bằng không cháu chẳng biết tính sao.
Mác-tin thở dài hỏi:
- Cháu không có áo ấm nào à?
Chị đáp:
- Có sao được, bác! Hôm qua còn cái khăn quàng cuối cùng cháu cũng đem cầm lấy sáu xu rồi.
Rồi chị tới bồng con. Mác-tin đứng lên. Ông đi tới xem mấy món đang treo trên tường và lấy xuống tấm áo khoác cũ. Ông nói:
- Đây nè, cháu. Tuy cũ sờn rồi nhưng nó sẽ giúp cháu ủ ấm em bé bên trong.
Chị nhìn tấm áo, rồi nhìn ông lão, đưa tay đón nhận, òa khóc. Mác-tin quay đi, mò mẫm dưới gầm giường và kéo ra chiếc rương nhỏ. Ông sờ soạng tìm món gì đó trong rương, sau đó quay lại ngồi đối diện người mẹ. Chị nói:


- Cầu Chúa phù hộ bác. Ắt hẳn là Chúa Ki-tô dắt cháu tới cửa sổ nhà bác, bằng không con trai cháu sẽ chết cóng. Hồi cháu mới ra khỏi nhà, trời còn ấm, bây giờ thì trở nên lạnh buốt. Ắt hẳn Chúa Ki-tô đã xui khiến bác nhìn ra cửa sổ và thương xót cháu nghèo nàn, khốn khổ.
Mác-tin mỉm cười nói:
- Hoàn toàn đúng. Chính Thầy Giê-su xui khiến bác đấy cháu. Đâu phải chỉ là tình cờ mà bác ngó ra đường.
Rồi ông kể cho chị biết về chuyện mộng mị, về việc ông nghe Thầy hứa hôm nay sẽ ghé nhà.
- Ai biết được, bác nhỉ? Mọi chuyện đều có thể mà.
Chị đứng lên, choàng áo khoác lên vai, phủ kín cả người hai mẹ con. Rồi cúi đầu, chị cảm ơn Mác-tin lần nữa.
- Vì Chúa, cháu hãy cầm cái này.
Mác-tin nói và đưa chị sáu xu để chuộc lại khăn quàng. Chị làm dấu thánh giá, Mác-tin cũng làm như vậy và tiễn chị ra về.
[Còn tiếp]
LEV TOLSTOY (Mạc Tư Khoa,1885)
HUỆ KHẢI (Nhiêu Lộc, 2019)
Trích NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019.
Quyển 128 trong tủ sách VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện (2.000 bản in)

6. NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY


6. NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY


Sau khi khách đi rồi, Mác-tin ăn chút canh bắp cải, dọn dẹp bàn, và lại ngồi xuống làm việc. Ông chẳng quên ô cửa sổ đâu, mỗi lần có bóng người hắt lên đó, ông liền ngước lên nhìn để biết ai đi qua. Người quen kẻ lạ đều có mà chẳng ai đáng chú ý.
Một lúc sau ông thấy bà lão bán táo đứng ngay trước cửa sổ. Bà xách một giỏ lớn, bên trong dường như chỉ còn sót một ít, rõ ràng đã bán gần hết hàng. Trên lưng là một bao đầy dăm bào, gỗ vụn mà bà quảy về nhà. Chắc chắn bà nhặt nhạnh đâu đó, ở nơi đang có xây cất. Hiển nhiên bị đau vì cái bao cấn lưng, nên bà muốn đổi qua vai bên kia. Thế là bà hạ cái bao và giỏ trái cây xuống mặt đường. Trong khi bà xóc xóc mớ dăm bào và gỗ vụn trong bao, thì có thằng bé đội nón kết te tua bổ nhào tới, chộp nhanh một quả trong giỏ táo, và bỏ chạy; nhưng đã chú ý thấy, bà quay phắt lại, túm được tay áo kẻ cắp. Nó vùng vẫy, cố thoát thân, còn bà lấy cả hai bàn tay ghì cứng, hất nón kết văng khỏi đầu nó và xoắn chặt chỏm tóc. Thằng bé hét lên, bà thì mắng chửi. Mác-tin buông dùi, chẳng kịp găm nó vào đúng chỗ, phóng vội ra cửa, vấp phải mấy bậc thềm, rơi cả mắt kính. Ông chạy ra đường. Bà lão đang kéo tóc thằng bé, vừa mắng nhiếc vừa hăm he lôi nó tới cảnh sát. Nó vùng vẫy và cự cãi:
- Tôi không có lấy. Sao đánh tôi? Buông ra!
Giữ bàn tay thằng bé, Mác-tin nói:
- Tha nó đi, bà ơi. Vì Chúa, hãy tha nó.
- Tôi sẽ đem thằng ranh con này tới cảnh sát.
Mác-tin năn nỉ:
- Tha nó đi, bà ơi. Nó sẽ chẳng tái phạm đâu. Vì Chúa, hãy tha nó.
Bà lão bỏ tay ra, thằng bé chực chạy, nhưng Mác-tin chặn lại. Ông bảo:
- Hãy xin lỗi bà và đừng tái phạm. Ông nhìn thấy cháu lấy quả táo mà.
Thằng bé bắt đầu khóc và xin lỗi.
- Vậy là tốt. Đây, ông cho cháu.
Lấy trong giỏ ra một quả, Mác-tin đưa thằng bé, rồi quay sang bà lão:
- Tôi sẽ trả tiền cho bà.
- Ông làm như vậy bọn trẻ ranh sẽ hư hết. Thằng nhãi này đáng đánh đòn để nó nhớ cả tuần.
Mác-tin đáp:
- Ôi, bà ơi, đó là cách của chúng ta, không phải cách của Thượng Đế. Nếu nó đáng bị đánh đòn vì ăn cắp một quả táo, thì chúng ta đáng bị phạt ra sao vì tội lỗi chúng ta gây tạo?
Bà lão lặng thinh.


Mác-tin nói :
- Thượng Đế luôn tha thứ chúng ta, bằng không chúng ta sẽ không được xá tội. Hãy tha thứ mọi người, mà nhất là một đứa trẻ nông nỗi.
Bà lão gục gặc đầu và thở dài:
- Ông nói đúng, nhưng đám trẻ bây giờ hư hỏng thấy sợ!
Mác-tin đáp:
- Vậy thì bọn già chúng mình phải dạy cho lũ trẻ biết đường ngay nẻo chánh.
Ám chỉ thằng bé, bà nói:
- Dĩ nhiên chỉ vì trẻ còn dại dột. Xin Thượng Đế cứu giúp nó.
Bà lão chực quảy cái bao lên vai thì thằng bé nhảy phóc tới, liến láu:
- Để con mang giúp ngoại. Con đi đường đó mà, ngoại.


Bà lão gật đầu, đưa cái bao cho nó, rồi cả hai cùng đi xuống cuối đường. Bà quên đòi Mác-tin đền tiền trái táo. Mác-tin đứng nhìn theo một già một trẻ sóng bước bên nhau.
[Còn tiếp]
LEV TOLSTOY (Mạc Tư Khoa,1885)
HUỆ KHẢI (Nhiêu Lộc, 2019)
Trích NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019.
Quyển 128 trong tủ sách VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện (2.000 bản in)