Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

95/4. PHỤ LỤC / Hành Trạng Tiền Khai Nguyễn Ngọc Tương


PHỤ LỤC
I. NGUỒN GỐC TÊN NAM KỲ LỤC TỈNH([1])
Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, vào năm Mậu Dần (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập phủ Gia Định. Năm Nhâm Tuất (1802) vua Gia Long đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định; đến năm Mậu Thìn (1808) đổi tên trấn Gia Định ra thành Gia Định gồm năm trấn là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên.
Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn, 1832) vua Minh Mạng đổi tên thành Gia Định ra thành Phiên An, năm trấn chia thành sáu tỉnh Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Như vậy tên Lục Tỉnh đã có từ năm 1832. Hai năm sau (Giáp Ngọ, 1834), Lục Tỉnh được gọi chung là Nam Kỳ. Năm Ất Mùi (1835), tỉnh Phiên An đổi tên là tỉnh Gia Định.([2])
Sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa (Nhâm Tuất, 1862) và ba tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (Đinh Mão, 1867), thực dân Pháp xóa bỏ cách phân chia địa giới hành chánh cũ của triều Nguyễn.
Lúc đầu Pháp gọi département thay cho phủ, gọi arrondissement thay cho huyện.([3]) Khoảng năm Mậu Thìn (1868), Nam Kỳ Lục Tỉnh có hơn hai mươi arrondissement (gọi là hạt hay địa hạt, do tham biện cai trị, dinh hành chánh gọi là tòa tham biện, chịu dưới quyền thống đốc đóng ở Sài Gòn, thư ký địa hạt cũng gọi là bang biện tức là secrétaire d’arrondissement).
Nghị định ngày 07-6-1871 thu hẹp lại còn mười tám hạt; rồi tăng lên mười chín (1876); tăng lên hai mươi (1880); bỏ hạt hai mươi (1881); rồi lại lập thêm hạt Bạc Liêu (1882) và hạt Cap Saint Jacques (1895) thành hai mươi mốt arrondissement.
Nghị định ngày 16-01-1899 đổi tên hạt thành tỉnh (province), tham biện đổi thành chủ tỉnh (chef de province), tòa tham biện gọi là tòa bố.
II. LỤC TỈNH CHIA RA HAI MƯƠI MỐT TỈNH([4])
Vài chục năm sau mới chia tỉnh ra quận (délégation) dưới quyền chủ quận; quận chia ra tổng (canton), đứng đầu là cai tổng (chef de canton). Tổng chia thành .([5])
Do có thay đổi tên theo nghị định 1899, dân Nam Kỳ thời trước còn gọi viên chức đầu tỉnh là quan tham biện chủ tỉnh; người thông ngôn cho chủ tỉnh được gọi là thông ngôn đứng bàn ông chánh.([6]) Như vậy, do nghị định 1899, từ năm Kỷ Hợi (1899), Lục Tỉnh của Nam Kỳ chia thành hai mươi mốt tỉnh như sau:
- Gia Định chia thành năm tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Gò Công.
- Biên Hòa chia thành bốn tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Cap Saint Jacques (tức Vũng Tàu).
- Định Tường đổi thành Mỹ Tho.
- Vĩnh Long chia thành ba tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh.
- An Giang chia thành năm tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Sóc Trăng, Cần Thơ.
- Hà Tiên chia thành ba tỉnh: Hà Tiên, Rạch Giá, Bạc Liêu.
Chia lại đất Nam Kỳ thành hai mươi mốt tỉnh,([7]) có lẽ thực dân Pháp muốn xóa nhòa hai chữ Lục Tỉnh trong lòng người Việt, cũng là cách cắt đứt lòng lưu luyến với truyền thống, một thủ đoạn tâm lý bên cạnh các cuộc đàn áp những phong trào yêu nước kháng chiến.
Nhưng dân Nam Kỳ vẫn hoài vọng Lục Tỉnh. Nên mãi đến năm Mậu Thân (1908) trên tờ báo Lục Tỉnh Tân Văn do ông Gilbert Trần Chánh Chiếu làm chủ bút, vẫn xuất hiện thường xuyên tên Lục Tỉnh, Lục Châu. Mùa Thu năm Bính Dần (1926), khi khởi đầu công cuộc phổ độ ở miền Nam, các vị tiền khai đạo Cao Đài đã gọi đó là cuộc phổ độ Lục Tỉnh. Mãi đến thập niên 50 và 60, ở miền Nam cũng còn nói, nhắc đến hai chữ Lục Tỉnh xa xưa này.
Thực dân Pháp bỏ tên Lục Tỉnh nhưng còn giữ lại hai chữ Nam Kỳ, gọi là Cochinchine, phân biệt với Bắc Kỳ là Tonkin, Trung Kỳ là Annam. Người Anh, Mỹ cũng gọi Nam Kỳ là Cochinchina. Giới học giả trong và ngoài nước từng đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau về xuất xứ tên gọi Cochinchine, nhưng vẫn chưa ngã ngũ.([8])
III. VÀI THUẬT NGỮ HÀNH CHÁNH Ở NAM KỲ THỜI PHÁP CHIẾM([9])
1. Thống Đốc và Thanh Tra
Đứng đầu bộ máy hành chánh Nam Kỳ thời Pháp chiếm là Thống Đốc Nam Kỳ (Gouverneur de la Cochinchine). Viên chức này do Toàn Quyền Đông Pháp, tức Đông Dương thuộc Pháp, giới thiệu và được Tổng Trưởng Thuộc Địa bổ nhiệm.
Toàn Quyền còn cử thêm một viên chức lưu động, hàng năm thanh tra các tỉnh một lần và báo cáo cho Thống Đốc. Đó là Thanh Tra Chánh Trị Và Hành Chánh Sự Vụ (Inspecteur des Affaires politiques et administratives).
2. Soái Phủ
Trụ sở của Thống Đốc đặt tại Sài Gòn (về sau gọi là Dinh Gia Long). Người miền Nam quen gọi là Soái Phủ Nam Kỳ (Gouvernement des Amiraux), vì cho tới năm 1878 nó còn là dinh của một quan võ Pháp, hàm Lieutenant-Gouverneur, tức Phó Soái. Kể từ năm 1879 mới thay quan võ bằng quan văn, và Thống Đốc Nam Kỳ (dân sự) đầu tiên là Le Myre de Vilers. Mãi đến năm 1926, khi nói tới Quyền Thống Đốc Le Fol, người Nam Kỳ vẫn còn lẫn lộn gọi là Thống Soái, Phó Soái, dù ông không phải là sĩ quan.
3. Chủ Tỉnh, Chủ Quận, Tri Phủ, Tri Huyện
Ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, tỉnh chia thành nhiều phủ, đứng đầu là tri phủ; phủ chia thành nhiều huyện, đứng đầu là tri huyện. Ở Nam Kỳ, tỉnh chia thành nhiều quận, đứng đầu là chủ quận. Quận chia thành nhiều tổng, đứng đầu là cai tổng (chef de canton). Tổng chia thành nhiều làng.
Chủ tỉnh là người Pháp. Do Nghị định ngày 15-02-1898, chủ quận được tuyển trong số viên chức hành chánh người Việt nào đã có ngạch huyện, phủ, đốc phủ sứ. Cho nên tri huyện, tri phủ ở Nam Kỳ chỉ là ngạch trật về hành chánh, không phải là quan chức như ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, nhưng người miền Nam quen gọi chủ quận là quan phủ, quan huyện. Những viên chức người Việt này xuất thân là thơ ký, có thể có một ít vốn chữ Nho, học ở trường làng trước khi vào học chương trình Pháp ở collège de Mỹ Tho (nay là trường Nguyễn Đình Chiểu) và trường Bổn Quốc ở Sài Gòn, tức là lycée Chasseloup-Laubat, sau đổi tên thành Jean Jacques Rousseau (nay là trường Lê Quý Đôn). Phần lớn các bậc tiền khai đạo Cao Đài đã xuất thân từ hai trường học này. Hai trường trung học lớn khác là Petrus Ký ở Sài Gòn và collège de Cần Thơ.
4. Collège de Mỹ Tho
Nghị định ngày 17-3-1879 của Thống Đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers thành lập collège de Mỹ Tho tại tỉnh Mỹ Tho (nghị định bổ sung ngày 14-6-1880). Ngày 02-12-1942, trường đổi tên là collège Le Myre de Vilers. Do nghị định 179-NÐ ngày 22-3-1953 của Tổng Trưởng Giáo Dục Nguyễn Thành Giung, trường đổi tên là trung học Nguyễn Ðình Chiểu cho tới nay. Ông Giung sinh năm 1894 tại Sa Đéc, lấy tiến sĩ vạn vật học tại Marseille (Pháp), làm Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục nhiệm kỳ 1952-1953 thời Bảo Đại làm Quốc Trưởng Quốc Gia Việt Nam (l’État du Việt Nam). Bấy giờ Thủ Tướng là Nguyễn Văn Tâm, nhiệm kỳ từ 23-6-1952 đến 07-12-1953.
Charles Marie le Myre de Vilers là cựu tỉnh trưởng (préfet), cựu giám đốc dân sự vụ (directeur des affaires civiles) ở Algérie, được bổ làm Thống Đốc Nam Kỳ ngày 13-5-1879, nhậm chức từ 07-7-1879 đến 11-01-1883, vắng mặt ở Sài Gòn từ 04-3-1881 đến 31-10-1881. (Xem: Commission française du Guide des Sources de l’Histoire des Nations, Sources de l’Histoire de l’Asie et de l’Océanie dans les Archives et Bibliothèques françaises. Part I: Archives. [Ouvrage préparé avec l’aide et sous les auspices de l’Unesco.] München: K.G. Saur, 1981, pp. 538-539.) ([10])
5.Collège Chasseloup-Laubat
Lược sử trường Chasseloup-Laubat: Pháp thành lập école Normale colonial (trường sư phạm thuộc địa, 10-7-1871); xây trên nền cũ chùa Khải Tường (12-8-1871). Đổi tên thành collège Indigène (trường bản xứ, 1874). Đổi tên thành collège Chasseloup-Laubat (1876), chia ra khu Âu (quartier européen) và khu bản xứ (quartier indigène). Tách khu bản xứ nhập sang collège de Cochinchine (trung học Nam Kỳ, 15-7-1927). Collège de Cochinchine đổi tên thành lycée Petrus Ký, còn collège Chasseloup-Laubat đổi tên thành lycée Chasseloup-Laubat (1928). Từ 1966 tới nay lycée Chasseloup-Laubat đổi tên là trường trung học Lê Quý Đôn.
Chasseloup-Laubat là Bộ Trưởng Hải Quân và Thuộc Địa của triều đình Pháp, chủ trương chiếm Sài Gòn để làm căn cứ thuận lợi cho quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Ông ta tác động vua Napoléon III rất nhiều trong chính sách xâm lược, cướp Nam Kỳ làm thuộc địa.([11])
SÁCH THAM KHẢO
Huệ Khải, Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2010.
Huệ Khải, Ngô Văn Chiêu - Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012.
Huệ Nhẫn, Lịch Sử Đạo Cao Đài. Quyển II. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2008.
Nguyễn Như Lân, 200 Năm Dương Lịch Và Âm Lịch Đối Chiếu (1780-1980). Sài Gòn: Nxb Khai Trí 1968.
Nguyễn Thế Anh, Việt Nam Dưới Thời Pháp Đô Hộ. Sài Gòn: Nxb Lửa Thiêng 1970.
Nha Khí Tượng Việt Nam, Lịch Thế Kỷ XX (1901-2000). Hà Nội: Nxb Phổ Thông, 1976.
Thánh thất An Hội (Bến Tre), Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936. Sài Gòn: Nhà in Hòa Chánh 1954.
[Thánh thất An Hội (Bến Tre),] Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương 1881-1951. Sài Gòn: Nhà in Hòa Chánh 1958.




([1]) Huệ Khải, Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2010, tr. 7-8.
([2]) Đại Nam Nhất Thống Chí. Tập V. Phạm Trọng Điềm dịch. Đào Duy Anh hiệu đính. Huế: Nxb Thuận Hóa, 1992, tr. 122, 133, 200, 201.
([3]) Bulletin de la Société des Études Indochinoises (Nouvelle série, Tome XX). Sài Gòn: 1945, p. 16.
([4]) Huệ Khải, Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài, tr. 8-10.
([5]) Theo Bulletin de la Société des Études Indochinoises (Nouvelle série, Tome XX). Sài Gòn: 1945, p. 16-35; và theo Nguyễn Đình Đầu, “Địa Bàn Thành Phố Qua Các Thời Kỳ”, in trong Địa Chí Văn Hóa Tp.HCM. Nxb Tp.HCM, 1988, tr. 485-486. Theo Đào Văn Hội, Lịch Trình Hành Chánh Nam Phần. Sài Gòn: 1961, Chương IV, tham biện là inspection; viên chức trông coi inspection gọi là inspecteur hay résident. Về tên bang biện, xem Paulus Huình Tịnh Của, Sách Quan Chế. Sài Gòn: Bản in Nhà nước, 1888, tr. 15.
([6]) Sơn Nam, Miền Nam Đầu Thế Kỷ XX: Thiên Địa Hội Và Cuộc Minh Tân. 1971, tr. 99.
([7]) Sau này, ngày 11-5-1944, Pháp lập tỉnh thứ hai mươi hai là Tân Bình, gồm một phần tỉnh Gia Định và Chợ Lớn nhập lại.
([8]) Để tham khảo, sau đây là cách giải thích của Nguyễn Đình Đầu (“Thay lời giới thiệu”, in trong: Pierre Pegneaux de Béhaine [Bá Đa Lộc Bỉ Nhu], Tự Vị An Nam La Tinh. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu. Nxb Trẻ, 1999, tr. 5-6.):
“Chúng ta có thể tóm tắt: địa danh COCINCINA chia ra làm hai phần COCIN và CINA. Cocin nguyên trước là Co Ci, do phiên âm hai tiếng Giao Chỉ mà thành (vì thế Tự Vị An Nam La Tinh mới dịch Người Giao Chỉ là Cocincinenses). Còn Cina thì bởi âm Sin hay Ts’inn và người mình đọc là Tần mà ra. Bên Ấn Độ có một thành phố tên COCHIN, sợ lẫn với Cochi hay Cochin, nên phải ghi rõ “Giao Chỉ (gần) Tần” và chữ La Tinh ghi thành COCINCINA (mà người Nhật hay Trung Hoa ghi ra Giao Chỉ Chi Na). Trên các bản đồ Tây phương vẽ Đông Nam Á, từ trước cho tới thế kỷ XVII, đều ghi trên địa phận nước ta tên COCINCINA, CAUCHINCHINA, COCHINCHINA, COCHINCHINE hoặc dạng tự nào đại khái như thế để nói lên đó là xứ GIAO CHỈ GẦN NƯỚC TẦN. Do đó, ta có thể đoán địa danh ấy đã xuất hiện từ khi nước ta gọi là quận Giao Chỉ bị nhà Tần đô hộ.
“Từ đầu thế kỷ XVII, hai họ Trịnh-Nguyễn tranh giành quyền lực, phân chia nước ta thành hai vùng cai trị Đàng Trong và Đàng Ngoài, lấy sông Gianh làm ranh giới phân ly. Trên bản đồ cũng như trong văn kiện, người Tây phương gọi Đàng Ngoài là TUNQUYN (hoặc nhiều dạng tương tự như TUMQUYN, TUNKIN, TONGKING, TONKIN...) tức lấy tên thủ đô ĐÔNG KINH để gọi bao quát cả Đàng Ngoài. Còn Đàng Trong thì họ vẫn dùng tên cũ COCINCINA mà gọi. Đàng Trong dưới thời Đắc Lộ (Từ Điển Việt-Bồ-La) rộng từ sông Gianh tới núi Đá Bia ở dinh Phú Yên. Trên một thế kỷ sau – thời của Bỉ Nhu với Tự Vị An Nam La Tinh –, địa danh COCINCINA lại chỉ thêm phần đất phương nam rất rộng lớn. Phần Nam Bộ xưa được mệnh danh là xứ Đồng Nai. Năm 1698, xứ Đồng Nai được thiết lập phủ huyện. Phủ GIA ĐỊNH tồn tại suốt từ đó đến năm 1800 và bao gồm toàn thể đất Nam Bộ. (...) Lại từ sau 1885, khi Pháp đã chiếm hết Việt Nam, Pháp chia cắt nước ta thành ba khúc và mệnh danh:
TONKIN là BẮC KỲ
ANNAM là TRUNG KỲ
COCHINCHINE là NAM KỲ
“Cả ba địa danh Đông Kinh, An Nam, Giao Chỉ (gần) Tần đã bị Tây ngữ hóa và đặt tên cho những phần đất chẳng ăn nhằm gì với ý nghĩa của nguyên ngữ.”
Huệ Khải nói thêm: COCHIN mà Nguyễn Đình Đầu nói tới là một cảng trên bờ biển Malabar ở tây nam Ấn Độ, là nơi người phương Tây đặt chân lên nước Ấn trước tiên. Cảng bị thực dân Bồ Đào Nha chiếm từ năm 1502.
([9]) Huệ Khải, Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài, tr. 11-16.
([10]) Huệ Khải, Ngô Văn Chiêu - Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012, tr. 38.
([11]) Huệ Khải, Ngô Văn Chiêu - Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên, tr. 39.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu. 

95/3. NIÊN BIỂU (tiếp theo) / Hành Trạng Tiền Khai Nguyễn Ngọc Tương


NIÊN BIỂU TIỀN KHAI

NGUYỄN NGỌC TƯƠNG
1935 (Ất Hợi):
Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương cho khởi công tu tạo thánh thất An Hội.([1])
Thiên Lý Mật Truyền được cất tạm trên nóc Thiên Phong Đường. (Cuối năm 1939 Thiên Lý Mật Truyền được dời về nơi cất Tịnh Xá, trong vườn Trước Hoa Kỳ Thọ.)
Hội Thánh phê chuẩn, ban hành quyển Lễ Nghi Niêm Thức - Hôn Nhơn Tang Tế, dày 43 trang (12x15,5cm, nhà in Xưa Nay, Sài Gòn).
THỨ BẢY 05-01-1935 đến THỨ TƯ 06-02-1935
(01-12 Giáp Tuất đến 03-01 Ất Hợi):
Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương nhập đại tịnh, tuyệt thực, cầu phước cho nhân sanh đầu năm mới.
THỨ HAI 11-02-1935 đến THỨ NĂM 14-02-1935
(08-01 Ất Hợi đến 11-01 Ất Hợi):
Lúc 8 giờ sáng, Hội Vạn Linh khai mạc tại thánh thất An Hội, có tám mươi tám họ đạo trong hai mươi tỉnh tham dự. Chưởng Pháp Thượng Trang Thanh (Lê Bá Trang) ([2]) chủ tọa, đã trình bày trước Hội:
“Sở dĩ gọi Hội Vạn Linh là vì Hội nầy gồm toàn các phần tử trong Đạo, từ chức sắc đại Thiên phong cho đến tín đồ. Ấy là hội lớn hơn hết trong Đạo vì Hội Vạn Linh gồm cả ba: Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, và Thượng Hội.
Quyền của Hội Vạn Linh tự nhiên phải lớn hơn các quyền trong Đạo. Thánh giáo có dạy rằng quyền vạn linh đối với quyền của Đức Chí Tôn. Vạn linh nhứt định tức là Đức Chí Tôn nhứt định vậy, vì nhơn tâm tức Thiên ý.
Hội Vạn Linh để định đoạt những việc tối trọng của Đạo, mà không hội nào khác định được, ví dụ như việc chọn cử người cầm giềng mối Đạo.
Vì sao mà có nhóm Hội Vạn Linh hôm nay?
Nguyên khi Anh Cả chúng ta là ông Thượng Trung Nhựt quy liễu rồi, thì bên Cửu Trùng Đài khuyết vị thay thế cho Thầy mà làm chủ quyền Đại Đạo tại thế. Hễ thiếu, thì tự nhiên phải có người thay, chớ không nên để trống, vì nếu không ai làm đầu, thì làm sao mà cử động hình thể được.
Trong Hội Thánh hiện thời, những chức sắc đại Thiên phong đứng kế Anh Cả là ba vị Quyền Đầu Sư, sắp theo thứ tự thọ phong trước sau là: Thượng Tương Thanh, Ngọc Trang Thanh và Thái Thơ Thanh.
Hồi mới khai Đạo tới nay, có nhiều thánh giáo của Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông cho biết trước phận sự của ông Thượng Tương Thanh ngày sau là người cầm giềng mối Đạo.
Tôi trích lục vài đoạn thánh giáo ấy ra đây cho chư hiền hữu rõ:
1. Thánh giáo năm Thìn [29-5 Mậu Thìn] ngày 16-7-1928, đàn tại quận Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa. Hộ Pháp và Thượng Phẩm phò loan. Ông Thượng Trung Nhựt, Thượng Tương Thanh, Thái Thơ Thanh và Nữ Chánh Phối Sư Hương Thanh chứng đàn.
‘Thầy các con.
(…)
Tương, con nhớ lời Thầy! Con vốn con tin của Thầy giao cho Chánh Phủ. Nhờ con mà nền Đạo mới ra lẽ chơn chánh trước mặt Chánh Phủ và chúng sanh. Thầy để con chịu sự nhọc nhằn đau thảm, song có vậy mới đặng, vì con là Đạo, Đạo là con. Thầy rất mừng cho hạnh đức con, rất hạp cùng lý Đạo. Thầy dặn con phải ẩn nhẫn, chịu khổ hạnh cho lẽ Đạo đặng rỡ ràng. Đạo nhờ con mà nên, con vì Đạo mới ra đáng mặt.
(…)
Ôi! Con yêu dấu ôi! Nếu mỗi đứa anh con đều đặng như con vậy, Đạo chưa ra đến nỗi nầy. Thầy nhiều phen ứa lụy! Con hiểu ý Thầy. Thầy biết bụng con, con ráng chịu. Thầy xin con đừng sầu thảm mà động đến Thầy.’
Và thánh ngôn ngày 14-8-1931, năm Mùi [01-7 Tân Mùi], đàn nơi bửu điện Tòa Thánh Tây Ninh, Hộ Pháp và Văn Pháp ([3]) phò loan. Ông Thượng Trung Nhựt, Thượng Tương Thanh, Ngọc Trang Thanh, Thái Thơ Thanh và Hương Thanh chứng đàn.
‘Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Lý Giáo Tông.
(…)
Ngọc Trang Thanh! Kêu Thượng Tương Thanh.
(…)
Thượng Tương Thanh! Lão mừng hiền hữu đó. Lão vì Chí Tôn đã hứa, mà lo lập vị cho đáng giá, thì hiền hữu phải tận tâm mà chung lo với Lão mới phải. Ngày nay đã hành chánh, thì cũng nên tập cho mình có đủ tư cách người cầm sanh mạng của nhơn loại.’
Cũng vì phẩm vị hiện thời của ông Thượng Tương Thanh trong Hội Thánh, và cũng vì các lời thánh giáo của Thầy và Đức Lý dạy trước đó, nên tôi có ý tỏ muốn xin trong Hội Thánh công cử ông Thượng Tương Thanh lên chấp chưởng nền Đạo cho thuận Thiên ý, cho hòa Luật Đạo. Nhưng ông Thượng Tương Thanh nằng nằng không dám, vì bởi Đạo đã phân rẽ nhiều chi nhiều phái; lại thánh giáo Thầy và Đức Lý dạy cũng đã lâu rồi, chưa biết nhơn sanh còn để trọn đức tin nơi đó hay chăng.
Vả lại, sau khi an táng Anh Cả chúng ta rồi, ông Hộ Pháp lại nắm luôn quyền hành của phẩm Giáo Tông, lập Nghị Định ngày 12-12-1934 [06-11 Giáp Tuất], ký tên như vầy: ‘Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài: Hiệp Thiên và Cửu Trùng: Phạm Hộ Pháp’. Việc nầy trái Luật Pháp: Hiệp Thiên Đài hay ([4]) về phần thiêng liêng là phần hồn; Cửu Trùng Đài về phần hữu hình là phần xác. Hai Đài có quyền hành đặc biệt, không bên nào xâm lấn bên nào được. Nếu chức sắc Hiệp Thiên Đài qua lần lần hết bên Cửu Trùng Đài, thì phải bỏ trống Hiệp Thiên Đài, tức là bỏ cho hồn tan thì xác phải rã.
Vì các cớ đã tỏ trên đây nó rất trọng hệ cho nền Đạo, nên hai vị Quyền Đầu Sư thi hành phận sự mình, nhóm Ban Chỉnh Đạo rồi nhóm Hội Thánh mà bàn tính về vấn đề tối trọng ấy. Song hai Hội nầy không giải quyết được, nên mới nhứt định mời nhóm Vạn Linh hôm nay...
Vì sao Hội Vạn Linh không nhóm nơi Tòa Thánh Tây Ninh, lại nhóm tại thánh thất An Hội (Bến Tre)?
Ấy là tại mấy vị chức sắc nơi Tòa Thánh Tây Ninh. Ông Thượng Tương Thanh có viết thơ ngày 11 tháng Chạp (15-01-1935) xin ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc thuận tình để cho Hội Vạn Linh nhóm về Tòa Thánh, cho có thể tán thành sự hòa hiệp cho nền Đạo đặng yên. Song ông Hộ Pháp trả lời không thuận, nên ngày nay mới có nhóm tại đây.
Hội bỏ thăm tuyển cử rồi, bàn tính sắp đặt xong rồi sẽ nhứt định việc về Tòa Thánh tưởng không muộn gì.
Đây tôi xin nhắc lại cho chư hiền hữu nhớ rằng thánh địa ở Tây Ninh, ông Thượng Tương Thanh vẫn còn thay mặt cho Đạo đứng bộ làm chủ như trước. Không ai có quyền cản ngăn không cho Đạo theo ông về Tòa Thánh đặng.
Hội Vạn Linh nầy nhóm đủ phép theo Luật Đạo, vì là Hội Thánh nhóm ngày 24-12-1934, có tám mươi ba vị chức sắc Thiên phong dự hội, hiệp với hai vị Quyền Đầu Sư và hai vị chức sắc bên Hiệp Thiên Đài nhứt định mời hội. Vả lại cái duyên cớ mời hội cũng đủ trong Châu Tri mời nhóm gởi trước cho các thánh thất và đăng vào báo trước lâu ngày, tưởng cũng đủ thì giờ cho toàn Đạo đâu đâu đều được hay biết hết.” (38)
Thượng Chưởng Pháp chủ toạ cuộc bỏ phiếu, bắt đầu từ 2 giờ 30 chiều ngày 08-01 Ất Hợi, đến 6 giờ chiều ngày 10-01 Ất Hợi mới xong.[5]([6])
THỨ BA 12-02-1935 (09-01 Ất Hợi):
Hội Vạn Linh tại thánh thất An Hội lập vi bằng (biên bản) về việc Tòa Thánh Tây Ninh đòi đất thánh địa và các thánh thất. Có đoạn viết:
“Ông Hộ Pháp và bà Nữ Chánh Phối Sư có gởi thơ cho ông Thượng Tương Thanh mà đòi đất Tòa Thánh mà các thánh thất của ông đứng tên.
Sau khi xét nét rồi, Hội Vạn Linh nhứt định để hết thảy tài sản của Đạo cho vị đắc cử cầm giềng mối Đạo đứng bộ làm chủ cho Đạo...” ([7])
THỨ NĂM 14-02-1935 (11-01 Ất Hợi):
Lúc 8 giờ sáng, Hội Vạn Linh còn khoảng một ngàn người dự. Ban Trị Sự kiểm trong thùng được năm ngàn ba trăm năm mươi ba phiếu.([8]) Trong đó: Chưởng Pháp Thượng Trang Thanh (Lê Bá Trang) được hai mươi bảy phiếu; Đầu Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương) được năm ngàn ba trăm hai mươi sáu phiếu. (Có năm ngàn ba trăm hai mươi lăm phiếu xin về Tòa Thánh Tây Ninh hành đạo.)
Buổi chiều Hội Vạn Linh họp lại (15-18 giờ 30), còn khoảng một ngàn người dự. Chưởng Pháp Thượng Trang Thanh (Lê Bá Trang) công bố biên bản kiểm phiếu. Hội Vạn Linh đồng đứng dậy chào mừng Đầu Sư Thượng Tương Thanh đã đắc cử địa vị cầm giềng mối Đạo.
Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương phát biểu:
“Thưa chư vị hiền hữu lưỡng phái.
Khi mở Hội Vạn Linh, tôi vì biết mình tài sơ đức thiểu, đã có tuyên bố rằng không ra dự cử, nhưng chư hiền hữu cũng tín nhiệm bỏ thăm cho tôi đại đa số như vậy, làm cho tôi rất cảm động. Tôi xin để lời cảm tạ ơn hết thảy chư vị hiền hữu còn ở lại đây và chư vị vắng mặt.
Vả chăng phận sự cầm giềng mối Đạo là rất lớn lao nếu chẳng biết chắc có Thiên lực phò trì, thì không ai dám lãnh. Lòng tín nhiệm của vạn linh đã tỏ ra rõ ràng hôm nay, tôi tin thiệt là mạng lịnh của Trời định vậy. Nên tôi không dám từ nan, phải cúi đầu vâng chịu.
Chư hiền hữu đã có để lòng tin tưởng nơi tôi mà phú thác các gánh nặng nề nầy cho tôi, thì từ đây về sau, tôi cũng xin chư hiền hữu vùa giúp ([9]) cho tôi lo tròn phận sự. Còn việc về Tòa Thánh Tây Ninh, vạn linh đã bỏ thăm “về” gần trọn hết. Tôi vẫn cũng có lòng ước vọng như vậy, nhưng nghĩ lại sự về có điều trở ngại, nên phải làm sao về cho được êm ái hòa thuận.
Tôi tưởng phải nhờ hiền hữu Thượng Chưởng Pháp và Hội Vạn Linh ráng lo liệu giùm việc khó khăn nầy mới được.”
Thượng Chưởng Pháp tuyên bố: “Ông Đầu Sư Thượng Tương Thanh đã nhận sự tuyển cử ông hôm nay. Ông cũng đã thuận tình về Tòa Thánh Tây Ninh. Còn lễ đăng điện cho ông tôi tính làm tại Tòa Thánh Tây Ninh có mời các chi các phái. Vậy chư hiền hữu có đồng ý kiến không?” Mọi người đồng ý.
Hội Vạn Linh công cử ba vị Chưởng Pháp Thượng Trang Thanh (Lê Bá Trang), Thượng Sanh Cao Hoài Sang, và Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu về Tòa Thánh Tây Ninh thương nghị việc hòa hiệp.([10])
THỨ BA 19-02-1935 đến THỨ BẢY 23-02-1935
(16-01 Ất Hợi đến 20-01 Ất Hợi):
Theo nghị quyết của Hội Vạn Linh ngày Thứ Năm 14-02-1935 (11-01 Ất Hợi) ba vị Chưởng Pháp Thượng Trang Thanh (Lê Bá Trang), Thượng Sanh Cao Hoài Sang, và Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu hướng dẫn một phái đoàn đông đảo về Tòa Thánh Tây Ninh thương nghị việc hòa hiệp.
Chưởng Pháp Thượng Trang Thanh (Lê Bá Trang) gởi thư đến Phạm Hộ Pháp và các Nghị Viên trong ban Phụ Chánh, nhưng không được tiếp.
Ngày 21-02-1935 Chưởng Pháp Thượng Trang Thanh gởi đến Phạm Hộ Pháp thư thứ hai, cho biết đến 12 giờ trưa Thứ Bảy 23-02-1935 (20-01 Ất Hợi) thì Thượng Chưởng Pháp hết phận sự được ủy thác đi nghị hòa.
Thứ Bảy 23-02, lúc 10 giờ sáng, Phạm Hộ Pháp phái Tiếp Đạo Cao Đức Trọng là một Nghị Viên trong ban Phụ Chánh ra tiếp riêng Chưởng Pháp Thượng Trang Thanh (Lê Bá Trang). Tiếp Đạo giải thích rằng phái đoàn về đông tới bảy, tám trăm người mà không báo trước, nên không thể tiếp ở Tòa Thánh vì sợ xảy ra điều trở ngại; vậy tiếp một mình Thượng Chưởng Pháp cũng như tiếp cả phái đoàn; Thượng Chưởng Pháp được trọn quyền quyết định việc về Tòa Thánh, nhưng phải cho ban Phụ Chánh biết trước năm ngày để chuẩn bị tiếp đón.([11])
THỨ NĂM 04-4-1935 (02-3 Ất Hợi):
Hội Thánh gởi thơ mời các chức sắc từ Lễ Sanh trở lên về thánh thất An Hội (Bến Tre) dự lễ đăng điện của tiền khai Nguyễn Ngọc Tương.
THỨ NĂM 11-4-1935 (09-3 Ất Hợi):
Tại Bến Tre, Đầu Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương) gởi Châu Tri đến các chức sắc, chức việc, và đạo hữu nam nữ:
“Từ ngày 14 tháng Giêng tới nay, gần được hai tháng rồi, Đức Thượng Chưởng Pháp lãnh lịnh của Hội Vạn Linh, cũng cứ hết lòng lo điều đình mãi sự hòa hiệp với Tây Ninh, nhưng kết quả cũng chưa thấy hình thấy dạng.
(…)
Vậy Đức Chưởng Pháp và tôi nhứt định từ đây ở nơi thánh thất An Hội (Bến Tre), lập Văn Phòng tại đó mà lo việc đạo. Chừng nào có mạng lịnh của Đại Từ Phụ dạy thì mới về Tòa Thánh Tây Ninh.” ([12])
THỨ BA 07-5-1935 (05-4 Ất Hợi):
Lập đàn cơ tại thánh thất An Hội. Chứng đàn: Chưởng Pháp Thượng Trang Thanh (Lê Bá Trang) và Đầu Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương). Phò loan: Châu, và Lê Tam Tỉnh (1893-1966). Đức Lý Thái Bạch Tiên Trưởng giáng, dạy Chưởng Pháp Thượng Trang Thanh (Lê Bá Trang) nghi thức làm lễ đăng điện như sau:
 “Đúng 11 giờ 9 phút ngày mùng 7 tới đây [Thứ Năm 09-5-1935] đem hiền hữu Thượng Tương Thanh tắm gội, xông hương bách hoa, rồi trấn sau lưng bốn chữ Cửu Thiên Khai Hóa. Nơi nhứt khiếu [nê huờn] đề Thập Nh Linh Thần. Hai bàn tay trấn Thần Lc Đinh Lc Giáp. Chơn họa phù Chiếu Linh Tiên. (…)
Mười hai giờ trưa cùng ngày mùng 7 đó, hiền hữu vào Bát Quái Đài trấn thần vào Thiên phục Giáo Tông, trấn thần Kim Quang, rồi lên Cửu Linh Điện là chỗ của em tọa vị, triệu Thập Nhị Thời Thần Vương. Trấn bốn hướng tứ phương bằng bùa Giáng Ma Xử. Kế đăng điện liền, cho Bần Đạo chia sớt nhị xác thân (…).
Thượng Tương Thanh lên tọa vị. Hiền hữu Thượng Trang Thanh đọc thánh giáo về Luật của Bần Đạo giáng dạy Thượng Tương Thanh, đã đưa cho rồi đó. Đạo truyền và hai thánh giáo (các thánh giáo này đặng đem vào Thiên sử). Khi đọc rồi thì ra ngoài bàn Hộ Pháp đứng ngó vô cho ngay mặt Giáo Tông, rồi truyền lịnh như vầy:
‘Sắc lịnh cho Bảo Phong Quân [Hồ Thiện Quyện], Khai Thế [Lê Thành] Tính và Bảo Đức Chơn Quân [Nguyễn Văn Cho], các em khá dâng Luật và Pháp.’
Sáu bàn tay dâng lên Đức Giáo Tông. Dâng rồi để trên ghế, thì hiền hữu đi thẳng đến trước mặt, gần nơi ngai của Giáo Tông mà phán lời này:
‘Này là Thiên Luật, hiền hữu khá tuân theo!’
Đoạn này rồi thì Giáo Tông đứng dậy, mới cất tiếng xưng hô danh hiệu của mình. Rồi tỏ lòng thương nhân loại, nghĩa là giơ hai tay lên trên không mà nhìn trọn chư đạo hữu một giây lát. Kế dộng mười hai tiếng chuông, thì Giáo Tông vào Bát Quái Đài làm phép nước, rồi sắp trở về nhà Thiên Lý Mật Truyền. Ấy là xong phận.” ([13])
THỨ TƯ 08-5-1935 (06-4 Ất Hợi):
Việc thương nghị hòa hiệp với Tòa Thánh Tây Ninh không đạt kết quả mong muốn. Theo đề nghị của Chưởng Pháp Thượng Trang Thanh (Lê Bá Trang), lễ đăng điện được đồng thuận sẽ tổ chức tại thánh thất An Hội để tiền khai Nguyễn Ngọc Tương chánh thức nhận phẩm vị Giáo Tông.
Theo thơ mời ngày Thứ Năm 04-4-1935, các chức sắc từ Lễ Sanh trở lên về thánh thất An Hội dự lễ đăng điện của tiền khai Nguyễn Ngọc Tương. Lúc 15 giờ đã có mặt: Chưởng Pháp Thượng Trang Thanh (Lê Bá Trang); Đầu Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương); Giáo Sư (năm nam, một nữ); Giáo Hữu (hai mươi nam, ba nữ); Lễ Sanh (một trăm bảy mươi nam, trong đó có một trăm bốn mươi bốn mới được công cử; và một trăm lẻ tám nữ, trong đó có một trăm mới được công cử.) ([14])
THỨ NĂM 09-5-1935 (07-4 Ất Hợi):
Lễ đăng điện của Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương được cử hành long trọng vào giờ Ngọ. Buổi chiều, Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo họp lại lúc 16 giờ 30.
THỨ SÁU 10-5-1935 (08-4 Ất Hợi):
Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo phê chuẩn Nội Luật Thánh Thất và cho phép ban hành để hướng dẫn cách tổ chức nội trị trong từng họ đạo.
THỨ BẢY 11-5-1935 (09-4 Ất Hợi):
Chưởng Pháp Thượng Trang Thanh (Lê Bá Trang) ra bố cáo, cho biết từ ngày 09-5-1935 (07-4 Ất Hợi) tiền khai “đã giao quyền đạo lại cho Đức Giáo Tông”. Trong bố cáo, tiền khai Thượng Chưởng Pháp dẫn lại bài “Kinh Chúc Mừng” (mười sáu câu) do Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch ban cho tiền khai Nguyễn Ngọc Tương vào giờ Tý, Thứ Tư 17-4-1935 (15-3 Ất Hợi):
Đầu cúi lạy Ơn Trên Từ Phụ
Ban phước lành nuôi đủ chúng sanh
Hoằng khai mối Đạo nên thành
Nay cho một đấng Thánh hành độ dân
Cầm giềng mối ra ân cứu khổ
Giải cho đời sanh khổ đặng an
Bốn phương lạc nghiệp thừa nhàn
Mừng nay đặng thấy một đàng Thánh minh
Giữa vạn vật công bình chánh trực
Giáo dẫn đời đặng thoát biển mê
Trần gian lao khổ nhiều bề
Nhờ ơn rọi đuốc dẫn về ngôi xưa
Mừng nền Đạo sớm trưa phong nhã
Vừng mây lành phủ cả càn khôn
Nương theo phép nhiệm vĩnh tồn
Mừng trong sanh chúng phước tồn ngày nay.([15])
THỨ HAI 05-8-1935 (07-7 Ất Hợi):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương bắt đầu đợt đại tịnh một trăm hai mươi ngày tại Thiên Lý Mật Truyền (trên nóc Thiên Phong Đường). Trong bảy ngày sau cùng, Giáo Tông tuyệt thực, mỗi ngày chỉ uống vài hớp nước.
1936 (Bính Tý):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương cho lập nhà tu thượng thừa nam, rồi mở thêm nhà tu trung thừa nữ.
THỨ SÁU 31-01-1936 (08-01 Bính Tý):
Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo họp phiên đầu tiên tại thánh thất An Hội (Bến Tre).([16]) Lúc này Hội Thánh có chín mươi sáu thánh thất (toàn đạo Cao Đài có một trăm ba mươi lăm thánh thất). Thành phần tham dự như sau:
- Hiệp Thiên Đài: Bảo Đạo, Khai Thế, Bảo Phong Quân.
- Cửu Trùng Đài: Phối Sư (6 nam, 2 nữ); Giáo Sư (31 nam, 6 nữ); Giáo Hữu (92 nam, 43 nữ); hơn 300 Lễ Sanh nam nữ dự thính.
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương giải thích: “Vì trong Hội Thánh còn thiếu chức Đầu Sư và Chánh Phối Sư, còn mấy vị Phối Sư mới thăng thưởng thì chưa được thông thuộc, nên Anh Cả phải ngồi chủ tọa Hội Thánh kỳ này, sau có người điều đình được rồi sẽ phú thác.” ([17])
Đại hội chấp thuận một chương trình gồm mười điểm như sau: Về bốn hạng chức sắc.([18]) \ Về sự hành đạo của chức sắc.([19]) \ Về công hạnh của mỗi phẩm chức sắc.\ Về sắc phục thường mặc của chức sắc, chức việc.\ Về tài chánh.([20]) \ Về phước điền.([21]) \ Về nhà tu,([22]) hạnh đường,([23]) tiểu học đường.([24]) \ Về vệ sinh.([25]) \ Về ban thường xuyên của Hội Thánh.([26]) \ Về Ban Ủy Viên Kiểm Dượt [duyệt] kinh sách để tái bản.([27])
CHỦ NHẬT 12-4-1936 (21-3 Bính Tý):
Thánh thất An Hội (Bến Tre) cho xuất bản Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936, dày 74 trang (16x24cm), in tại nhà in Bùi Văn Nhẫn (Bến Tre).([28]) Gồm mười châu tri từ lúc khởi đầu Ban Chỉnh Đạo. Sách in không có Châu Tri số 1 và số 2, bắt đầu từ Châu Tri số 3 (ngày 27-7-1934), không có số 4; kế tiếp là Châu Tri số 5 (ngày 26-9-1934), số 6 (ngày 20-11-1934), số 7 (ngày 05-12-1934), số 8 (ngày 15-12-1934), số 9 (ngày 29-12-1934), số 10 (ngày 15-01-1935). Còn có nhiều văn bản khác, và kết thúc với vi bằng (biên bản) phiên họp đầu tiên của Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo tại thánh thất An Hội (Bến Tre) vào Thứ Sáu 31-01-1936 (08-01 Bính Tý).
THỨ BẢY 13-6-1936 (24-4 Bính Tý):
Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương nhập đại tịnh tại Thiên Lý Mật Truyền (trên nóc Thiên Phong Đường). Tiền khai ăn rất ít cơm, còn dùng trái cây, uống nước dừa, sữa đậu nành, và chút ít cháo.
THỨ SÁU 17-7-1936 (29-5 Bính Tý):
Sau hơn nửa tháng bệnh nặng, Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang quy thiên tại thánh thất An Hội. Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương cho báo tang các nơi, trong đó có:
- Điện tín gởi Phạm Hộ Pháp:
“Avons douleur pour faire part décès notre grand frère Lê Bá Trang, survenu 17 Juillet, enterrement 21 Juillet.”
Dịch: Chúng tôi đau đớn báo tin anh lớn của chúng ta Lê Bá Trang quy thiên ngày 17-7, an táng ngày 21-7.
- Điện tín gởi Nữ Chánh Phối Sư Hương Thanh:
 “Avons douleur vous informer décès Chưởng Pháp Lê Bá Trang, survenu aujourd’hui à BenTre et demandons permission d’enterrer dans propriété commune derrière Grand Temple Tây Ninh. Attendons réponse demain.”
Dịch: Chúng tôi đau đớn báo tin Chưởng Pháp Lê Bá Trang đã quy thiên hôm nay tại Bến Tre. Mong muốn được an táng phía sau Đền Thánh Tây Ninh. Chúng tôi chờ phúc đáp ngày mai.([29])
CHỦ NHẬT 19-7-1936 (02-6 Bính Tý):
Buổi chiều, Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương nhận được hai điện tín, cùng chấp thuận việc an táng Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang phía sau Đền Thánh ở Tây Ninh.
- Điện tín của Phạm Hộ Pháp:
“Au nom sacerdoce et au mien vous adresse condoléances émues. Autorise enterrer au Saint Siège.”
Dịch: Nhân danh Hội Thánh và cá nhân, tôi xin chia buồn sâu sắc. Được phép chôn cất ở Tòa Thánh.
- Điện tín của Nữ Chánh Phối Sư Hương Thanh:
“Condoléances très émues, accord pour inhumation derrière Grand Temple.”
Dịch: Xin gởi lời chia buồn sâu sắc nhất. Đồng ý được an táng phía sau Đền Thánh.([30])
THỨ BA 21-7-1936 (04-6 Bính Tý):
Sau ba ngày lễ tang tại thánh thất An Hội, vào buổi sáng Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương cùng hai vị chức sắc Hiệp Thiên Đài và bổn đạo đưa liên đài Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang về Tòa Thánh Tây Ninh.
Buổi chiều không thể làm lễ tang tại Đền Thánh, vì Tòa Thánh Tây Ninh yêu cầu tất cả mọi người khi vào Đền Thánh phải mặc tang phục, không được mặc phẩm phục chức sắc.([31])
Khoảng 10 giờ tối, trở ngại được giải quyết: Liên đài Thượng Chưởng Pháp để tại nhà giảng, hôm sau làm lễ tại đây; phái đoàn đưa tang nghỉ tạm ở Học Xá.
THỨ NĂM 23-7-1936 (06-6 Bính Tý):
Lúc 8 giờ sáng, Phạm Hộ Pháp làm lễ tiếp dẫn đưa liên đài Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang an táng phía sau Đền Thánh.
Buổi chiều, Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương dẫn đầu phái đoàn đến Hộ Pháp Đường chào từ biệt Phạm Hộ Pháp. Cả đoàn trở về Bến Tre trong ngày.
Sau ngày Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang quy thiên, Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương ra lệnh ngưng lập đàn, không dùng cơ bút. Từ đây Hội Thánh chỉ trọn hành theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Tân Luật, và Pháp Chánh Truyền (không dùng phần chú giải của Tòa Thánh Tây Ninh).
Mọi việc đạo, Hội Thánh chung trí luận bàn trong các cuộc nhóm họp theo định lệ hằng tháng, hằng năm và trong các cuộc nhóm họp bất thường.([32])
1937 (Đinh Sửu):
Với hoài bão truyền đạo Cao Đài ra ngoài địa giới Nam Kỳ. Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương đi Huế và Hà Nội để thăm dò tình thế trong hoàn cảnh triều đình Huế đang ngăn cấm nền tôn giáo mới. Đi theo tiền khai có thanh đồng Tô Văn Pho (1919-1998). Sau này người thanh niên ấy sẽ giữ vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và gìn giữ thánh thất Cao Đài tại Hà Nội.
CHỦ NHẬT 16-5-1937 (07-4 Đinh Sửu):
Lạc thành thánh thất An Hội sau khi hoàn tất tu tạo. Đến chúc mừng có các vị: Nguyễn Bửu Tài, Nguyễn Thế Hiển (Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên); Phan Văn Thiệu (Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo), v.v…
THỨ NĂM 08-7-1937 (01-6 Đinh Sửu):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương nhập đại tịnh tại Hiệp Thiên Đài. Tiền khai ghi lại nhật ký hành pháp rất chi tiết.([33])
CHỦ NHẬT 08-8-1937 (03-7 Đinh Sửu):
Người phối ngẫu của tiền khai Nguyễn Ngọc Tương là bà Bùi Thị Giàu (sinh năm 1884) tạ thế.
1938 (Mậu Dần):
Suốt năm này Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương đi thăm các thánh thất, làm phép đại xá, giải khổ cho từng nơi. Tiền khai giảng giải:
- Mỗi người đều mang nặng nhiều nghiệp chướng tội tình, nên khó dứt mà tu được. Ai được hưởng phép đại xá rồi thì các nghiệp cũ đã dứt, có thể tu hành đắc đạo được.
- Ngoài các nghiệp cũ lỗi xưa, mỗi người còn vương mang lấy khổ trần, do lòng ham muốn dục vọng chiêu tập vào, khó giải thoát được. Phép giải khổ là cách Ơn Trên hộ trợ điển lành, giúp người tu có đủ đức tin sẽ nương theo phép giải khổ ấy mà tự mình lần lần giải được các khổ trần.
Trong hai năm 1938-1939, tiền khai phái nhiều chức sắc ra phổ độ ở hai miền Trung và Bắc. Ở miền Trung, mở được hai mươi lăm thánh thất với số tín đồ khoảng năm ngàn người. Ở miền Bắc, lập được thánh thất tại Hà Nội.([34])
THỨ BẢY 15-01-1938 (14-12 Đinh Sửu):
Thành lập ban tổ chức chuẩn bị cho Lễ Thành Đạo, bao gồm đại diện Ban Cửu Viện: Chánh, Phó Nội Viện Trưởng: Giáo Sư Thượng Trò Thanh, Giáo Sư Ngọc Thóa Thanh.\ Công Viện Trưởng: Giáo Sư Thượng Trọng Thanh.\ Chánh, Phó Lễ Viện Trưởng: Giáo Sư Thượng Thân Thanh, Giáo Sư Thượng Hộ Thanh.\ Chánh, Phó Hộ Viện Trưởng: Nữ Giáo Sư Hương Phụng, Giáo Sư Ngọc Khánh Thanh.
Ban tổ chức soạn xong chương trình chi tiết cho Lễ Thành Đạo, kéo dài từ Thứ Hai 07-02-1938 đến Thứ Hai 14-02-1938 (08-01 Mậu Dần đến 15-01 Mậu Dần). Chương trình được các vị Quyền Chánh Phối Sư Thái Cậy Thanh, Thượng Lai Thanh và Giáo Sư Ngọc Diệu Thanh (thay thế Quyền Ngọc Chánh Phối Sư Thái Minh Thanh đang bệnh) kiểm duyệt.
THỨ HAI 07-02-1938 đến THỨ HAI 14-02-1938
(08-01 Mậu Dần đến 15-01 Mậu Dần):
Lễ Thành Đạo được cử hành long trọng tại thánh thất An Hội.([35]) Mặc dù đã xác định “Đại Lễ có ý nghĩa chấm dứt nhiệm vụ Chỉnh Đạo và các chi phái cũng đã rồi phận sự. Từ nay, chỉ có Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để hướng dẫn nhơn sanh tu hành đúng theo chơn truyền và Tân Pháp Đức Chí Tôn.” ([36]) nhưng thực ra sau Lễ Thành Đạo, Hội Thánh vẫn giữ danh xưng Ban Chỉnh Đạo.
Giữa tháng 02-1938 (giữa tháng 01 Mậu Dần):
Tòa Thánh Tây Ninh ban hành Đạo Luật Năm Mậu Dần (gồm mười bảy điều). Điều Thứ Năm (Quan sát gia nghiệp của Đạo) quy định: Cả sản nghiệp của Đạo do bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh và ông Nguyễn Ngọc Tương đứng bộ từ thử phải cải bộ lại cho Đức Hộ Pháp đứng tên thay mặt làm chủ cho Đạo.”
1939 (Kỷ Mão):
Từ năm này trở về sau, trong nhiều văn bản, Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương khuyên nhủ bổn đạo vào mỗi thời cúng, phải để tâm thành cầu nguyện cho nhơn sanh được mau thoát nghiệp vay trả tương tàn; phải tụng Kinh Sám Hối, Kinh Cứu Khổ càng nhiều càng tốt. Tiền khai luôn luôn nhắc bổn đạo chỉ siêng lo tu hành cầu nguyện, chẳng nên vướng vào việc quốc sự (chánh trị).
CHỦ NHẬT 19-02-1939 đến THỨ SÁU 17-3-1939
(01-01 Kỷ Mão đến 27-01 Kỷ Mão):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương nhập đại tịnh.([37])
THỨ BẢY 01-7-1939 đến THỨ SÁU 07-7-1939
(15-5 Kỷ Mão đến 21-5 Kỷ Mão):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương nhập đại tịnh.([38])
Cuối năm 1939 (Kỷ Mão):
Dời Thiên Lý Mật Truyền về nơi cất Tịnh Xá trong vườn Trước Hoa Kỳ Thọ.([39])
THỨ TƯ 24-01-1940 (16-12 Kỷ Mão):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương ra Châu Tri số 395 để chúc xuân bổn đạo năm Canh Thìn. Có đoạn viết: “... những mảng gắng lo việc cả của Đạo nhứt là việc kiến trúc các cơ quan cho kịp thì Thiên ý định, mà Tệ Huynh quên mệt quên già. Hôm nay Đạo đã đến tuổi mười lăm, được có huệ quang chánh kiến; còn Tệ Huynh cũng tới lục tuần nhĩ thuận rồi, mong gấp thấy sự quy nhứt tán thành...” ([40])
THỨ SÁU 02-02-1940 đến THỨ BẢY 04-5-1940
(25-12 Kỷ Mão đến 27-3 Canh Thìn):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương nhập đại tịnh. Có những ngày ngồi luôn từ giờ Tý đến giờ Dậu.
THỨ NĂM 15-02-1940 (08-01 Canh Thìn):
Khánh thành Tịnh Xá.
THỨ BA 14-5-1940 (08-4 Canh Thìn):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương mở khóa tịnh đầu tiên tại Tịnh Xá vừa khánh thành ngày 15-02-1940 (08-01 Canh Thìn). Giáo Tông đích thân truyền pháp tu.
THỨ SÁU 15-11-1940 đến THỨ SÁU 20-12-1940
(16-10 Canh Thìn đến 22-11 Canh Thìn):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương nhập đại tịnh. Mỗi ngày dùng một bữa. Có những ngày không ăn.
1941 (Tân Tỵ):
Nhà tu trung thừa nữ được dời về khoảng đất rộng rãi.([41]) Trước kia tạm cất gần phòng trù thánh thất An Hội.
THỨ TƯ 22-01-1941 (25-12 Canh Thìn):
Do lỗi hai chức việc tại họ đạo Hiệp Thạnh (Tây Ninh), lại bị vu cáo về chánh trị, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương bị tòa án xử phạt mười tám tháng tù. Sau khi chống án, ngày Thứ Ba 08-4-1941 (12-3 Tân Tỵ) tiền khai được tòa xử lại, đổi ra sáu tháng tù treo.
THỨ NĂM 10-4-1941 (14-3 Tân Tỵ):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương ra Châu Tri số 418, nhắc tới việc phải ra hầu tòa hai lần (22-01 và 08-4-1941):
“Tệ Huynh không buồn cũng không phiền những người vu cáo ám hại. Tệ Huynh tin chắc chi chi cũng có Thầy biết cả. Nơi tòa trên mà không nhìn nhận được sự chắc thiệt, sự trung thành và sự vô tội của Tệ Huynh trong vụ nầy, cũng bởi có Thiêng Liêng để vậy, mới tạo ra được một cái hàm oan cho Tệ Huynh phải chịu, hầu thử lòng các em trong buổi nầy, đặng lừa lọc người tâm thành bền vững có hạnh đức, xứng đáng đệ tử của Thầy, em của Tệ Huynh. Nói rõ là những em nào thiệt tu hành, thiệt tin Tệ Huynh, rõ biết Tệ Huynh phải chịu nạn, để gánh bớt tội lỗi cho các em mà tỏ lòng thêm mến thương khắng khít, thì em ấy sẽ được vững chắc mà đi trên con đường đạo đức đến nơi kết quả. Trái lại, những em nào không dốc chí tu hành, không đủ đức tin nơi Thầy, nơi Đạo, và nơi Tệ Huynh, mới thấy khó nản lòng trở bước, đã lơ lảng Đạo Thầy, thì phải mắc kế của quỷ vương, rồi có thể bị lôi kéo ra khỏi Đạo…” ([42])
1942 (Nhâm Ngọ):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương phái nhiều Ban Minh Đạo đi thăm viếng các thánh thất. Tiền khai giải thích:
Minh là tỏ rạng, làm cho sáng rõ. Đo là nói về sự hành đạo của mỗi chức sắc và sự giữ đạo của mỗi tín đồ.
Đi minh đo là đến nơi nào còn khuyết điểm để khêu đuốc huệ, rọi đường tu, chỉ thêm rõ phận sự cho mỗi chức sắc và dạy tín đồ cho rõ thêm luật Đạo và cách tu hành, nâng đỡ đức tin cho trong họ đạo được thêm vững vàng…”-([43])
THỨ NĂM 01-01-1942 đến THỨ BẢY 07-02-1942
(15-11 Tân Tỵ đến 22-12 Tân Tỵ):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương nhập đại tịnh.([44])
THỨ HAI 06 rạng THỨ BA 07-4-1942
(21 rạng 22-02 Nhâm Ngọ):
Khoảng một tuần lễ trước ngày này, Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương làm việc và tiếp chức sắc suốt ngày đêm. Tiền khai đi thăm các nhà tu, cơ sở đạo... Mỗi đêm tiền khai làm việc đến khuya. Luôn luôn có hai thư ký bên cạnh làm giúp việc giấy tờ.
Trước khi vào tịnh, tiền khai vừa làm việc vừa trò chuyện, chia sẻ những tâm sự trong đời hành đạo:
“Sứ mạng của nền Đạo là cao cả, mà hiện tình rất hiếm người đảm đương. Việc đạo là tối trọng, là cả một công cuộc tái tạo và cứu khổ cho nhơn loại đang bị chìm đắm trong biển khổ đầy khói lửa tang thương. Anh đã vì lòng thương mà cố gắng hết sức mình, nhưng sức người có hạn! Vả lại, anh cần phải nắm cơ siêu thoát, mới thấu triệt lẽ Đạo, mới đủ huyền năng đưa thuyền Đạo đến nơi đến chốn. Bổn phận anh là về phần lý tưởng, về phần đạo pháp, chớ không phải về phần hành chánh là phận sự của Đầu Sư. Thế mà vì thiếu người, anh phải cam lo cả, đến những việc thường thức hằng ngày. Như vậy thiệt là một điều không may cho Đạo!
Nhưng thôi, dầu sao, anh cũng phải vào đại tịnh. Mọi việc ở ngoài giao lại cho Hội Thánh lo; và sẽ luôn luôn có Thiêng Liêng, Đức Lý ủng hộ.”
Vào giờ Tý, Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương từ giã, bước lên lầu Thiên Lý Mật Truyền, vào đợt đại tịnh.([45])
THỨ NĂM 24-9-1942 (15-8 Nhâm Ngọ):
Khánh thành nhà tu thượng thừa nữ.
THỨ BẢY 13-02-1943 (09-01 Quý Mùi):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương ra Tuyên Ngôn:
“Vì đạo Cao Đài chính mình Đức Chúa Trời khai, mới có muôn vàn Thần Thánh, Tiên Phật hạ trần giúp sức phổ thông, nên sẽ được bền bỉ đến bảy ức năm.
Gặp đời nầy ai không vào Đạo, đời sau, rồi đời sau nữa, nếu có tái sanh trở lại trái địa cầu nầy, thì cũng phải vào Đạo.” ([46])
1944 (Giáp Thân):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương cho lập nhà tu trung thừa nam. Tiền khai dạy lập nhiều đoàn chức sắc lấy tên là Ban Truyền Tín đi các tỉnh miền Nam để thăm viếng bổn đạo, nâng đỡ đức tin, khuyến tu và độ thêm người vào Đạo.
THỨ TƯ 21-02-1945 (09-01 Ất Dậu):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương ra Tuyên Ngôn:
Nơi đây [tỉnh Bến Tre và hai quận An Hóa, Chợ Lách] sẽ được phong võ thuận hòa, điền viên thêm thạnh mậu, không khí thường được thanh lương, người thêm thơ thới mạnh khỏe, khỏi bịnh hiểm nghèo, khỏi nạn tai sẽ đến.
Muốn hưởng lạc cảnh nầy, thì chỉ có tùng luật lệ của Đạo Trời mới mở, buộc nhứt là ăn chay làm lành…” ([47])
THỨ BẢY 19-5-1945 (08-4 Ất Dậu):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương ra Tuyên Ngôn:
“Thời cuộc lúc này rất nghiêm trọng. Chư hiền hữu nên nhớ lại những lời của Bần Đạo đã khuyên dạy về cử chỉ của người đạo đối với đời. Nhứt là không nhúng tay vào quốc sự, chiến tranh, mà phải có hại không khỏi. Trái lại, nhơn lúc này mà lo lập thêm công quả và lo phổ độ những người trong địa phận họ đạo mình cho biết nhập môn tu hành…
Phổ độ người đồng chủng với mình biết bỏ quấy theo lành, tu nhơn tích đức, cũng là giúp ích cho nước nhà, hóa dân vi thiện, không luận là nhập theo đảng phái mới gọi là ái quốc.” ([48])
THỨ NĂM 20-9-1945 (15-8 Ất Dậu):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương ra Tuyên Ngôn:
“Nếu các em quên lời dạy của Thầy và không nhớ lời khuyên của Tệ Huynh, tự mình đem mình vào nơi hiểm địa bên đời, nơi chốn có sự tranh đấu quyền lợi, tức là các em đem Đạo vào nơi một phạm vi rất hẹp, nghịch ý Trời, lỗi lời nguyền mà phải phạm Thiên điều…
Tóm tắt, các em cứ thành tâm tu niệm, ráng lập mình nên gương, nên đạo đức, ráng độ người theo chánh về lành. Việc đó rất hữu ích cho người đời, cũng là cho nước nhà vậy. Rất thuận Thiên ý, đẹp lòng Trời. Có thể chiêu tập được nhiều phước lành, đưa nước nhà khỏi nạn tai còn sẽ tới.” ([49])
THỨ HAI 11-02-1946 (10-01 Bính Tuất):
Quân Pháp tái chiếm Bến Tre. Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương rời Thiên Lý Mật Truyền ra gặp các sĩ quan Pháp để bảo lãnh cho bổn đạo và Hội Thánh. Vì còn trong thời gian đại tịnh, tiền khai chỉ viết trên giấy (bút đàm).
THỨ BẢY 19-10-1946 (25-9 Bính Tuất):
Một phái đoàn quan chức thay mặt Giám Mục Ngô Đình Thục ([50]) đến viếng Hội Thánh, và trình Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương hai việc: (a) Làm thế nào chấm dứt xung đột Việt-Pháp? (b) Muốn có sự liên lạc mật thiết giữa hai đạo Thiên Chúa và đạo Cao Đài.
Tiền khai trả lời:
“Vì còn trong đại tịnh, Bần Đạo chưa có thể tiếp kiến được.
Muốn cho Pháp Nam hiểu biết nhau, cho khỏi sự xung đột nữa, thì hai bên cần phải nhìn nhận quả quyết rằng chi chi cũng có Đấng Chúa Trời định đoạt trước, và có Phật, Tiên, Thánh, Thần thi hành Thiên ý.
Hiện bây giờ muốn biết quả quyết có Trời và Phật, Tiên, Thánh, Thần, thì phải biết nhìn nhận có đạo Cao Đài, là của Đấng Chúa Trời đã đem khai trong nước Việt Nam từ năm 1926 tới bây giờ, và quan sát những thánh giáo của Đấng Chúa Trời đã giáng dạy, và sự tu hành của những người thiệt tu về đạo Cao Đài.
Nếu hiểu rõ được đạo Cao Đài rồi, thì biết nhìn nhận rằng cả nhơn loại đều là con chung của một Cha Trời, tức là anh em với nhau, rồi gìn một Đạo với nhau, thì sự xung đột hết thấy, mà sẽ thấy đem lại những sự thương yêu hòa thuận.
Đạo Cao Đài từ khi mới lập, đã có tỏ ý liên lạc với Ngũ Chi Đại Đạo. Trong Ngũ Chi Đại Đạo có đạo Thánh [Thiên Chúa], thì tự nhiên theo ý Trời đã định, sớm muộn đạo Thánh cũng phải hiệp với đạo Cao Đài.
Nay Đức Cha đã tỏ ý muốn liên lạc mật thiết, thì sự hiệp một có lẽ sẽ thấy gần đây.
LÝ GIÁO TÔNG
Tái bút: Xin mời quý vị thượng quan ở lại vài hôm để hiểu biết thêm việc Đạo nơi đây.”
Sau đó, Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương dạy Hội Thánh phái chức sắc đi đáp lễ Giám Mục Ngô Đình Thục.([51])
1947 (Đinh Hợi):
Đầu năm này, con trai tiền khai Nguyễn Ngọc Tương là kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích bị giặc Pháp bắt.([52]) Để giữ trọn vẹn tinh thần thuần chân vô ngã của Đạo, tiền khai không chịu dùng uy tín của Người để bảo lãnh con (y như trường hợp sau này, vào tháng 6-1949, khi con tiền khai là kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt bị giặc Pháp bắt).
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương sai dịch các Tuyên Ngôn ra tiếng Pháp, rồi in song ngữ Việt-Pháp để phổ biến cho nhơn sanh. Mỗi Tuyên Ngôn in khoảng vài ba chục ngàn bản. Ngoài ra tiền khai còn dạy gởi các báo Việt, Pháp đăng các Tuyên Ngôn ấy.
THỨ NĂM 30-01-1947 (09-01 Đinh Hợi):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương ra Tuyên Ngôn:
“Nhơn sanh phải chịu đau thảm thiệt mạng khôn cùng. Ấy là đời sắp tiêu diệt đó. Vậy nên Đạo Trời mới mở kỳ ba, đại ân xá mới có ban hành. Nhơn sanh phải nhập môn giữ Đạo, làm phải làm lành thì mới được hưởng đại ân xá ấy.
Đại ân xá là một sự rất quý báu của Đạo Trời, người tu vào Đạo Trời nhờ đó mà tội lỗi kiếp trước và kiếp nầy được bôi xoá; nhờ đó mà thân tâm mình mới được trong sạch trở lại, được hưởng khí thanh, nó đưa mình ra ngoài vòng tiêu diệt của tận thế.” ([53])
THỨ SÁU 07-3-1947 (15-02 Đinh Hợi):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương ra Tuyên Ngôn:
“Trong thời kỳ rất khó khăn nầy, chư hiền hữu phải ráng lo giữ Đạo cho thêm sốt sắng, đức tin cho thêm bền vững, và đừng để cám dỗ ép buộc, xa Đạo mà trở lại đời loạn ly đau thảm.
Chư hiền hữu đã chọn theo về bên Đạo, phải cứ giữ một đường mà đi tới. Người giữ Đạo Trời với lòng thành thật, cũng có thể chiêu tập được nhiều phước lành hữu ích cho nhơn sanh, và cũng cho nước nhà vậy. Nước có đức được thảnh thơi hưng thạnh lâu dài. Nước không đức chẳng sớm thì muộn không khỏi nạn tai đưa đến dồn dập.” ([54])
THỨ HAI 29-9-1947 (15-8 Đinh Hợi):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương ra Tuyên Ngôn:
“Dân Nam chúng ta thường xưng mình là giống dân Hồng Lạc, tức là giống dòng Tiên Thánh vậy. Chúng ta rất tin tưởng kính thờ Trời, Phật, Tiên, Thánh, Thần, và ông bà cha mẹ. Chúng ta đã có được nhiều ân huệ của Trời ban, và có nhiều trang lịch sử khá đẹp.
Nhưng hiện nay, Bần Đạo lấy làm buồn mà thấy một số đông người Nam mất gần hết đức tin của tổ tông thuở trước, mà mê man trong giả mộng theo vật chất bên đời. Cái nạn đao binh khói lửa nó đang đưa nước nhà lần lần đến cảnh điêu tàn hiu quạnh, cũng do nơi sự mất đức tin mà ra.
Bần Đạo cất lời tha thiết kêu gọi các đẳng nhơn sanh Nam Việt:
- Nên bỏ hết những tình dục, nhứt là tham ghét oán thù.
- Tin quả quyết có Trời là Đấng Tạo Hóa sanh nhơn sanh vật.
- Nên sớm nhập Đạo Trời đã mở với đại ân xá kỳ ba.
Ấy là đường vĩnh sanh có một, của Đạo Trời đã mở để cứu vớt sanh linh mà đem qua thượng ngươn tái tạo. Tận thế hầu gần, nếu ai còn dụ dự nữa, thì sẽ mất dịp thoát vòng tiêu diệt của đời cùng.” ([55])
THỨ BẢY 11-10-1947 (27-8 Đinh Hợi):
Nhân danh là Lý Giáo Tông cầm giềng mối đạo Cao Đài, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương gởi thư cho Emile Bollaert (vừa được bổ nhiệm làm Cao Ủy Pháp ở Sài Gòn ngày 05-3-1947 để giải quyết chiến tranh Đông Dương). Bản dịch:
“Kính Thượng Quan,
Sự tiêu diệt lớn lao nhơn vật sẽ hiện tượng gần đây. Ấy là đại quả kiếp lâu đời của các dân tộc sắp đền bồi với nhau một lần chót nữa.
Khi những nợ tiền khiên chồng chập ấy trả xong, thì Thiên Đình sẽ ban xuống một đạo luật hình đặc biệt, để tảo trược trừ hung, khử tà, đem quả địa cầu trở lại thanh khiết. Ấy là những điềm ra trước của tận thế đó vậy.
Đạo Cao Đài chính thật của Đấng Chúa Trời đã mở từ năm 1926, hiệp Ngũ Chi Đại Đạo là Phật, Tiên, Thánh, Thần, và Nhơn Đạo, khi ấy sẽ thật hành ráo riết vai tuồng chánh thức của mình. Nhờ sự hành động sốt sắng của đạo binh vô số Thần Thánh, Đạo sẽ lan truyền một lượt ra khắp Ngũ Châu. Và nhờ đại ân xá kỳ ba của Trời ban, mà cứu vớt sanh linh khỏi vòng tiêu diệt của đời cùng.
Nhơn sanh chỉ có thành thật nhập môn vào Đạo Trời mới mở, thì sẽ được hưởng ân xá tội tình, có thể đem mình ra khỏi nơi tiêu diệt.
Sau khi những việc trên đây lần lượt trải qua, có thể làm cho mặt thế đổi dời, thì sẽ tới sự phán xét đại đồng. Các đẳng linh hồn bỏ xác từ năm 1914 trong vạn quốc sẽ đến hầu trước Toà Phán Xét, mà nghe Thiên Đình định sự thưởng phạt cho mình.
Sẽ phân biệt được đại khái ba bực linh hồn:
a. Những linh hồn trong sạch hoàn toàn sẽ được lên Thiên Đường.
b. Những linh hồn có ít âm chất thì sẽ được đầu thai trở lại quả địa cầu nầy (đã được nhắc lên một bực), mà tiếp tục trau giồi hạnh đức.
c. Còn những linh hồn cứ làm quấy mãi, không nghe những lời kêu gọi về thiệt, về phải, về lành, thì sẽ bị đưa xuống quả địa cầu số 68 để đền tội và ở lại lớp cũ mà lo tấn hóa.
Nơi đời thượng nguơn đương tái tạo, sẽ thấy những sự tin tưởng kính thờ Đạo Trời mới mở, sự hiền lương đạo đức và sự thuận thảo hòa bình, đại đồng miên viễn. Các sắc dân sẽ nhận tình anh em bình đẳng với nhau, và các nước sẽ đồng ý hiệp nhau thành một đại gia đình, để trọn đức tin nơi một Chúa tối cao, một Cha duy nhứt.
Sẽ dứt hết những sự can qua. Nếu có xích mích nhau thì để cho trong nhà lo sự hòa giải êm thuận.
Còn những dân tộc nhược tiểu ở dưới quyền bảo hộ, thì Thiên ý định phải được giải phóng, nếu chúng mong muốn, đặng cho chúng được tự do hành động theo nguyện vọng của mình, qua những nạn tai của mấy năm sau cùng của tận thế. Nếu chúng bị tiêu diệt vì bởi sự ràng buộc còn trở ngại, thì trước Tòa Thiêng Liêng, tự nhiên chúng sẽ đổ tội cho thủ hộ của chúng.
Kính Thượng Quan,
Trong đời hạ nguơn tiêu diệt, chúng ta không nên lãng phí ngày giờ mà tính toán những việc thế thần, quyền lợi phù du; mà chúng ta có lợi lo hiệp cùng nhau trên căn bản đức tin Đạo Trời mới mở, bỏ hết những tánh ích kỷ tổn nhơn, mà đồng ý thật tình thương yêu hòa thuận. Nhờ sự sửa đổi tánh tình mau lẹ nầy, mà chúng ta sẽ được trở lại trong huệ ân thiêng liêng và hưởng được đại ân xá kỳ ba, có sức giải được những sự xung đột giữa các nước, và đem lại cho chúng ta sự hòa bình hạnh phúc.” ([56])
THỨ NĂM 27-11-1947 (15-10 Đinh Hợi):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương ra Tuyên Ngôn:
“Chừng nào trong thế gian, các dân tộc đều biết nhìn nhận có Trời, có Đạo, có quả báo luân hồi, biết tôn trọng nhơn nghĩa đạo đức hơn quyền lợi bạc vàng, thì sự đấu tranh sẽ dứt, sự hòa bình đại đồng thế giới mới trở lại lâu dài.” ([57])
THỨ NĂM 02-6-1949 (06-5 Kỷ Sửu):
Con trai tiền khai Nguyễn Ngọc Tương là kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt bị giặc Pháp bắt.([58]) Để giữ trọn vẹn tinh thần thuần chân vô ngã của Đạo, tiền khai không chịu dùng uy tín của Người để bảo lãnh con (y như trường hợp đầu năm 1947, khi con tiền khai là kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích bị giặc Pháp bắt).
1950-1951 (từ nửa sau năm Canh Dần tới đầu năm Tân Mão):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương vời hầu hết chức sắc nam nữ nơi Hội Thánh lên Thiên Lý Mật Truyền để dạy việc. Ngài tiếp các chức sắc làm nhiều kỳ, ân cần dạy khuyên mỗi chức sắc phải ráng lo làm tròn phận sự của mình, và tu sửa thêm hơn cho được đầy đủ đạo đức.
Cuối năm Canh Dần, Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương truyền lịnh cho Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo phải: Lập hồ sơ chức sắc cho đầy đủ; in kinh sách cho đủ dùng; xây mộ tất cả các chức sắc quá vãng; xây hồ nước; mua vải trắng để dành; dự bị một số tiền chừng bốn, năm chục ngàn.
Ngài dặn gia đình sửa sang tất cả mồ mả gia tộc.([59])
THỨ NĂM 19-01-1950 (02-12 Kỷ Sửu):
Từ Bến Tre, Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương gởi thư ra thánh thất Hà Nội (số 48 Hòa Mã), dặn dò Giáo Hữu Thượng Pho Thanh (Tô Văn Pho):
“Em Sáu,
“Ông gần ra tịnh. Những người thiệt tu hành, thiệt trung thành với Hội Thánh Bến Tre, siêng năng sốt sắng lo làm phải làm lành, lập đức bồi công hằng bữa, hết lòng hết dạ lo giúp Đạo, thiệt tình khắng khít bên cạnh ông, thì sẽ bị khảo nội khảo ngoại càng ngày càng thêm nhiều cho đến chừng ông ra tịnh mới hết. Hễ khảo nhiều chừng nào thì công quả nhiều chừng nấy, nếu không thở than thối chí.
“Vậy em cố giữ đức tin cho thiệt mạnh mẽ luôn luôn, cho bền chặt vững vàng; ai có kiếm điều làm nhục nhã, ai có mắng nhiếc hăm dọa, ai có muốn làm thiệt hại cho em thế nào thì cũng đừng giận đừng buồn, đừng nao núng sợ sệt. Dầu có bị đau ốm gầy mòn thương thân thương thể cho mấy đi nữa cũng đừng sầu thảm ngả lòng mà lảng lơ việc đạo, mà hao mòn âm chất.
“Em nên tin chắc hẳn rằng người thiệt quên mình lo giúp Đạo tức là làm việc cho Thầy thì có Thần Thánh ủng hộ luôn luôn, dầu việc hung cho thế mấy đi nữa cũng hóa ra kiết được.” ([60])
THỨ BẢY 09-6-1951 (05-5 Tân Mão):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương dạy hai thanh đồng:
“Anh sẽ về chầu Đại Từ Phụ bảy ngày. Hai em ráng giữ gìn cho thanh tịnh. Khi thấy dứt thở quá bảy ngày mà anh chưa về, thì hai em sẽ cho Hội Thánh hay.” ([61])
THỨ BA 12-6-1951 (08-5 Tân Mão):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương ngồi tịnh suốt ngày đêm.
CHỦ NHẬT 17-6-1951 (13-5 Tân Mão):
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương dứt uống nước.
THỨ HAI 18 rạng THỨ BA 19-6-1951
(14 rạng 15-5 Tân Mão):
Vào giờ Tý, Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương dứt thở. Tính từ ngày tiền khai nhập đại tịnh, vào giờ Tý đêm 21 rạng 22-02 Nhâm Ngọ (06 rạng 07-4-1942) đến khi xuất thần và dứt hơi thở, thời gian đúng chín năm tám mươi mốt ngày.
THỨ TƯ 20-6-1951 (16-5 Tân Mão):
Hai thanh đồng thấy Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương dứt thở đã lâu, nên đỡ Người nằm xuống.
THỨ SÁU 22-6-1951 (18-5 Tân Mão):
Thấy tay chân Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương đều lạnh, hai thanh đồng sợ, nên tuy mới qua bốn ngày vẫn đi xuống lầu Thiên Lý Mật Truyền để báo tin Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo.
THỨ BẢY 23-6-1951 (19-5 Tân Mão):
Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo mời hai bác sĩ công và một bác sĩ tư đến. Sau khi khám nghiệm, các bác sĩ xác nhận rằng Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương đã tạ thế từ hai ngày trước; nhưng vì tinh thần mạnh mẽ nên di thể còn mềm dịu, chưa hư hoại. Hội Thánh vẫn để yên di thể, chờ thêm hai mươi bốn tiếng đồng hồ.
CHỦ NHẬT 24 rạng THỨ HAI 25-6-1951
(20 rạng 21-5 Tân Mão):
Vào giờ Tý, Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo đưa di thể Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương vào liên đài.
THỨ HAI 25-6-1951 (21-5 Tân Mão):
Lúc 15 giờ, lễ tang bắt đầu. Tại Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo, các thánh thất và tư gia đạo hữu đều treo cờ tang. Mỗi thánh thất đều lập một bàn thờ cho đạo hữu đến vọng bái.
Lúc 16 giờ, hơn một ngàn người đưa liên đài từ Tịnh Xá về Hội Thánh, nhập bửu điện rồi an vị nơi ngôi Giáo Tông.
Hội Thánh ra Tuyên Cáo số 1 về lễ tang.([62])
THỨ NĂM 28-6-1951 (24-5 Tân Mão):
Liên đài của Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương đặt tại Cửu Trùng Thiên trong sân Đại Đồng Xã. Các lễ tế kéo dài đến Thứ Bảy 07-7-1951 (04-6 Tân Mão). Tổng cộng có một trăm ba mươi sáu lễ tế của đại diện chánh quyền, quan khách, tôn giáo bạn, các chi phái, và họ đạo. Có hơn một vạn người về viếng, từ ba miền đất nước. Mỗi ngày có hơn ba ngàn người viếng tang. Hơn hai ngàn vị cùng phụ trách lễ tang.([63])
THỨ NĂM 05-7-1951 (02-6 Tân Mão):
Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo ra Tuyên Cáo số 2, với ba nội dung chánh: (a) Vạch rõ con đường hướng đạo của Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương; (b) Thuật rõ giai đoạn nhập diệt của Ngài; (c) Định rõ đường lối hành đạo của Hội Thánh ở hiện tại và tương lai.
Ngày an táng, liên đài Giáo Tông đặt trên linh xa, trang hoàng bằng hoa huệ trắng kết thành hình Long Mã cõng Hà Đồ. Hơn một vạn bổn đạo dự lễ. Linh xa đi khắp châu thành Bến Tre, rồi đưa về đặt trên nền bửu tháp trước Hiệp Thiên Đài thánh thất An Hội.




([1]) Làng An Hội xưa có ngôi thánh thất đầu tiên đặt tại nhà tiền bối huyện hàm Nguyễn Dư Hoài (1868-1930). Bấy giờ đạo Cao Đài chưa chia chi phái. Sau khi tiền bối Nguyễn Dư Hoài quy thiên, thánh thất ấy không còn. Khu đất đó hiện nay đối diện nhà thờ Tin Lành, góc Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Huệ, phường 1, thành phố Bến Tre.
Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương cho cất trên đất nhà một thánh thất nhỏ (cột bằng cây dừa lão, lợp ngói, nền lót gạch tàu), là thánh thất An Hội. Khi cho tu tạo thánh thất An Hội (1935), đồ từ khí và các thứ được gởi tạm tại nhà riêng ông Võ Văn Lý (1878-1953) là nhà sàn đối diện nhà tu trung thừa nữ (nhà tu nay ở số 189 Trương Định, phường 6, thành phố Bến Tre). Thánh thất An Hội lạc thành ngày Chủ Nhật 16-5-1937 (07-4 Đinh Sửu).
Xem: Huệ Nhẫn, Lịch Sử Đạo Cao Đài. Quyển II, tr. 400.
([2]) Ngoài cách gọi phẩm vị và thánh danh như trên, ở trang 31 và nhiều trang khác trong Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936 (in tại nhà in Hòa Chánh, Sài Gòn 1954), còn thấy tiền khai ký tên là Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang. Cách này gọn hơn.
([3]) Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu.
([4]) Hay: Cai quản, coi sóc.
([5]) Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 43-46.
Trong Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936, tr. 27-31, có in lại bài diễn văn khai hội dẫn trên của Thượng Chưởng Pháp, nhưng gọn hơn; thí dụ, không nhắc tới hai thánh giáo của Đức Cao Đài và của Đức Lý.
([6]) Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936, tr. 32.
([7]) Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936, tr. 32-33.
Giữa tháng 02-1938 (tháng 01 Mậu Dần), Tòa Thánh Tây Ninh ban hành Đạo Luật Năm Mậu Dần (gồm mười bảy điều), trong đó Điều Thứ Năm (Quan sát gia nghiệp của Đạo) quy định: Cả sản nghiệp của Đạo do bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh và ông Nguyễn Ngọc Tương đứng bộ từ thử phải cải bộ lại cho Đức Hộ Pháp đứng tên thay mặt làm chủ cho Đạo.”
([8]) Phân loại 5.353 phiếu có được: chức sắc nam nữ 296 phiếu; chức việc nam nữ 3.522 phiếu; phái viên 1.535 phiếu. Mỗi phái viên đại diện cho 100 đạo hữu, nên số phiếu của phái viên tương đương 153.500 phiếu. Vậy, số 5.353 phiếu trong thùng tương đương 157.318 phiếu.
([9]) Vùa giúp: (Tiếng Việt cổ) trợ giúp, giúp đỡ.
([10]) Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936, tr. 33-34.
([11]) Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936, tr. 37-38.
([12]) Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936, tr. 39.
([13]) Huệ Nhẫn, Lịch Sử Đạo Cao Đài. Quyển II, tr. 459-462.
([14]) Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936, tr. 44.
([15]) Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936, tr. 50.
([16]) Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936, tr. 59-74.
([17]) Huệ Nhẫn, Lịch Sử Đạo Cao Đài. Quyển II, tr. 474.
([18]) Bốn hạng là: Chức sắc hành đạo, chức sắc cựu (già yếu, lo dìu dắt đàn em), chức sắc hàm phong, chức sắc tạm nghỉ (còn bận việc nhà).
([19]) Quy định chức sắc đi trấn nhậm các nơi phải tích cực giải khổ cho nhơn sanh.
([20]) Định mức mỗi năm: Tín đồ góp một ngày công quả, chức việc hai ngày, Lễ Sanh bốn ngày, Giáo Hữu tám ngày, Giáo Sư mười hai ngày. Một ngày công quả tương đương hai cắc.
Tháng 11-1936 giá gạo ở Nam Kỳ tăng từ 1,3 đồng lên 2,2 đồng một giạ (20 lít). [In November 1936, the price of rice in Cochinchina rose from 1.3 piasters to 2.2 piasters per giạ (20 litres). Source: Dr. Manh Hung Le, The Impact of World War II on the Economy of Vietnam, 1939-45. Eastern Universities Press by Marshall Cavendish, 2004.] https://books.google.com.vn
([21]) Phước điền gồm ruộng, vườn do đạo hữu hiến đất hay hiến huê lợi. Ban cai quản điều động người công quả (giúp công hay giúp vốn). Cuối năm tổng kết số thu, trích hai phần ba cho thánh thất, một phần ba chuyển cho Cửu Viện và nhà tu.
([22]) Tại thánh thất An Hội sẽ lập hai cơ sở mẫu: nhà tu thượng thừa nam và nhà tu nữ. Dự kiến cất từ Chủ Nhật 08-3-1936 (15-02 Bính Tý), mở cửa Thứ Năm 04-6-1936 (15-4 Bính Tý).
([23]) Mở tại thánh thất An Hội một lớp hạnh đường dạy chức sắc hiến thân cho Đạo. Dự kiến mỗi tháng mở hai đợt, mỗi đợt học bảy ngày.
([24]) Hội Thánh sẽ lập một trường tiểu học dạy cho trẻ biết chữ, kinh lễ và phận sự đồng nhi. Mỗi thánh thất phải mở lớp đồng nhi.
([25]) Để giữ sức khỏe, hộ trợ việc tu hành, người ăn chay phải biết tận dụng sự bổ dưỡng của gạo lức và đậu nành...
([26]) Để tiết kiệm, ba năm họp đại hội một lần. Mỗi năm chỉ nhóm ban thường xuyên [thường trực] ngày 14-10 âm lịch. Mỗi họ đạo cử một đại biểu vào ban thường xuyên.
([27]) Gồm chín vị: Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu (vắng mặt), Bảo Sanh Quân Lê Văn Hoạch (vắng mặt), Bảo Đạo Phạm Văn Ngọ, Giáo Sư Thượng Học Thanh, Giáo Sư Thượng Trà Thanh (vắng mặt), Giáo Sư Thượng Chí Thanh, Giáo Sư Ngọc Diêu Thanh, Giáo Hữu Thượng Núi Thanh, và Giáo Hữu Thái Vui Thanh.
([28]) Năm 1954 sách tái bản (vẫn giữ 74 trang, 16x24cm) in tại nhà in Hòa Chánh, số 16 đường Cống Quỳnh, Sài Gòn.
([29]) Vi Bằng Cuộc Tống Chung Đức Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang, Ban tổ chức lễ tang Hội Thánh lập ngày Thứ Sáu 24-7-1936 (07-6 Bính Tý).
([30]) Vi Bằng Cuộc Tống Chung Đức Thượng Chưởng Pháp…
([31]) Tòa Thánh Tây Ninh hàm ý không công nhận phẩm vị các chức sắc thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo.
([32]) Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 50.
([33]) Nhật ký hành pháp: 01-6 Đinh Sửu (ĐS): Thượng sớ.\ 02-6 ĐS: Ăn ít trái cây, một bữa cháo.\ 03-6 ĐS: Như trên.\ 04-6 ĐS: Ăn hai trái xoài.\ 05 đến 08-6 ĐS: Như trên.\ 09 và 10-6 ĐS: Ăn năm trái táo khô.\ 11-6 ĐS: Như trên.\ 12 đến 14-6 ĐS: Ăn mười trái táo.\ 15-6 ĐS: Uống nước dừa.\ 16-6 ĐS: Uống hai ly sữa đậu nành.\ 17 đến 23-6 ĐS: Tu khá lên, uống hai ly sữa.\ 24 đến 30-6 ĐS: Tu khá lên, thôi uống sữa, uống hai ly nước dừa trong sáu ngày thiệt nhẹ, học nhiều hay lạ.\ 01 và 02-7 ĐS: Như trên.\ 03-7 ĐS: Bà bạn mất [Bùi Thị Giàu].\ 04-7 ĐS: Vì đám tang phóng tâm, phải uống sữa đậu nành lại mới chịu nổi.\ 09-7 ĐS: Hết phóng tâm, ngồi được mười giờ.\ 10-7 ĐS: Tẩu, khử trược.\ 11 và 12-7 ĐS: Tu khá luôn.\ 16 và 17-7 ĐS: Không uống sữa, có ân điển mát mẻ khởi sự lên hai bắp vế.\ 18-7 ĐS: Uống sữa lại, khởi sự lên thượng tiêu [miệng trên dạ dày].\ 19-7 ĐS: 3 giờ khuya có cho biết phải tu thêm nữa.\ 20-7 ĐS: Khởi sự nhớ lại các việc từ nhỏ tới lớn.\ 29 và 30-7 ĐS: Không ăn uống.\ 01-8 ĐS: Không ăn, không uống, không nằm, không ngủ, cho tới xuất hồn.\ 02-8 ĐS: Có Đức Lý đến khai khiếu định ngày xuất thần về chầu Thầy.\ 04-8 ĐS: Bị động, hai con sợ chết, dộng cửa, phải viết giấy cho biết.\ 05-8 ĐS: Vì phóng tâm, tiếp điển bị đứt đoạn.\ 06-8 ĐS: Phải uống sữa đậu nành, vì quá yếu sức gần liệt.\ 07-8 ĐS: Ăn cháo, trái cây cho khỏe lại.\ 08-8 ĐS: Ăn cháo.\ 09-8 ĐS: Tẩu, ăn cháo, điển thường.\ 11 tới 13-8 ĐS: Không ăn, uống, giờ chót có điển xả cho nghỉ.\ 14-8 ĐS: Ra thiền định. (Xem: Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 57-58.)
([34]) Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 54.
([35]) Tóm tắt chương trình Lễ Thành Đạo (còn gọi “lễ ăn mừng Cơ Chỉnh Đạo đã được lập thành”:
Thứ Hai 07-02-1938 (08-01 Mậu Dần): 08-10 giờ: Ban Tổ Chức đến Tòa Thánh nhận nhiệm vụ.\ 15-20 giờ: Cúng khai hội.\ 21-22 giờ: Thuyết đạo, đề tài “Cơ Khai Đạo, Chỉnh Đạo, Và Thành Đạo”.
Thứ Ba 08-02-1938 (09-01 MD): Giờ Tý: Cúng đại lễ.\ 05-10 giờ 30: Thuyết đạo, đề tài “Luân Chuyển Đại Hội Long Hoa”.\ Buổi chiều: Tiếp thánh lịnh đại xá.\ Buổi tối: Mở Văn Minh Điện.
Thứ Tư 09-02-1938 (10-01 MD): Buổi sáng: Hội Thánh tiếp các chi phái.\ Buổi chiều: Đức Giáo Tông ban đại xá.\ 20-23 giờ: Thuyết đạo, đề tài “Tái Tạo, Tỏ Dấu Thương Đời”.
Thứ Năm 10-02-1938 (11-01 MD): Giờ Tý: Cúng đại lễ.\ Buổi sáng: Thuyết đạo, đề tài “Thọ Khổ, Nhắc Lại Công Đức Ngài Cao Thượng Phẩm”.\ 15-17 giờ 30: Thuyết đạo, đề tài “Giải Khổ, Nhắc Lại Công Đức Ngài Lê Bá Trang”.
Thứ Sáu 11-02-1938 (12-01 MD): Giờ Tý: Cúng đại lễ.\ Buổi sáng: Thuyết đạo.\ Buổi chiều: Ban phép đại xá.
Thứ Bảy 12-02-1938 và Chủ Nhật 13-02-1938 (13-01 MD và 14-01 MD): Như ngày 11-02-1938.
Thứ Hai 14-02-1938 (15-01 MD): Giờ Tý: Cúng đại lễ thượng nguơn.\ 07-09 giờ: Thuyết đạo tại bửu điện, đề tài “Tân Pháp Chí Tôn”.\ 09-11 giờ: Giáo Tông định công chấm quả các vị hiện diện (số vắng mặt sẽ chấm công sau).\ Giờ Ngọ: Cúng đại lễ.\ 14-17 giờ: Nổi trống nơi Tây Thiên Đài, trổi nhạc chúc mừng, Ban Trị Sự xướng danh từng vị được chấm công. Hội Thánh cảm tạ, phát giấy khen lưu niệm. Bế mạc. (Xem: Huệ Nhẫn, Lịch Sử Đạo Cao Đài. Quyển II, tr. 483-486.)
([36]) Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 53.
([37]) Nhật ký hành pháp: 01 đến 03-01 Kỷ Mùi (KM): Nhịn ăn ba ngày đại tịnh, thêm sáng, trực tiếp thêm dễ.\ 16-01 KM: Tu chạy khá lắm.\ 22-01 KM: Khởi sự ăn lại một bữa cơm. (Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 58.)
([38]) Nhật ký hành pháp: 15-5 Kỷ Mão (KM): Nhập tịnh không ăn.\ 19-5 KM: Ngồi luôn suốt ngày đêm.\ 21-5 KM: Ra tịnh, rõ biết thêm việc đạo. (Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 58.)
([39]) Tại cửa ngõ Trước Hoa Kỳ Thọ, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương để đôi liễn: Trước Hoa truyền Đại Đạo chơn thành đắc quả nhơn sanh độ.\ K Thọ xuất huyền vi Thánh Đức tận thông thái cực thâu.
Thiên Lý Mật Truyền là nơi tiền khai nhập đại tịnh (năm 1935 được cất tạm trên nóc Thiên Phong Đường). Phòng tịnh vuông vức (3x3m) trên lầu ba. Trong phòng vỏn vẹn một bàn thờ Đức Chí Tôn, một ghế ngồi tịnh, và một cái “đơn” để nằm nghỉ. Khi vệ sinh cá nhân, tiền khai đi xuống từng lầu giữa. Thiên Lý Mật Truyền để đôi liễn: Bảo mạng tùy nguơn hành chánh pháp.\ Thiên khai Đại Đạo thủ chơn truyền.
Phía sau Thiên Lý Mật Truyền là Tịnh Xá cho người tu bậc thượng thừa đến thọ pháp và thiền định.
Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 62.
([40]) Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 54.
([41]) Nay ở ấp Bình Thắng, phường 6, thành phố Bến Tre.
([42]) Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 55.
([43]) Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 56.
([44]) Nhật ký hành pháp: 15-11 Tân Tỵ (TT): Nhập thiền định, ăn uống như thường trong tuần đầu.\ 22-11 TT: Ăn một bữa cơm trưa, hai bữa ăn trái cây.\ 27-11 TT: Tu thêm lên một bực nữa, thượng sớ nhập đại tịnh.\ 12-12 TT: Đại tịnh, ngồi được khá mà còn phóng tâm.\ 15-12 TT: Đại tịnh, không ăn uống.\ 16-12 TT: Đại tịnh.\ 17-12 TT: Đại tịnh.\ 19-12 TT: Ăn một bữa cơm, một bữa cháo.\ 22-12 TT: Ra tịnh. (Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 59.)
([45]) Nhật ký hành pháp: 22-02 Nhâm Ngọ (NN): Nhập tịnh.\ 23 và 24-02 NN: Hành pháp.\ 25-02 NN: Đắc đạo, có gió mưa, sấm nổ.\ 26 đến 28-02 NN: Có mùi thơm đưa đến.\ 29-02 NN: Hành pháp.\ 01 đến 03-3 NN: Hành pháp.\ 04-3 NN: Đắc phong vị Lý Giáo Tông, có dông mưa.\ 17-03 NN: Hành pháp.\ 25-3 NN: Được chấm đậu hoàn toàn, đi chầu Thầy và các Đấng thiêng liêng.\ 27 đến 29-3 NN: Hành pháp.\ 16-5 NN: Hành pháp xuất thần.\ 18-5 NN: Xuất chơn thần về Bạch Ngọc Kinh.\ 09-6 NN: Khởi sự khử trược.\ 17-6 NN: Khử trược phục khí.\ 22-6 NN: Phục khí tiên thiên.\ 01-7 NN: Còn khử trược, phục khí tiên thiên.\ 17-7 NN: Cũng còn khử trược, phục khí tiên thiên.\ 01-8 NN: Cũng còn đem tiên thiên đổi lấy hậu thiên. (Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 63-64.)
([46]) Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 75.
([47]) Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 78.
([48]) Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 77.
([49]) Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 77.
([50]) Ngày 08-01-1938, Tòa Thánh Vatican thành lập giáo phận Vĩnh Long, gồm ba tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, và hai quận thuộc tỉnh Cần Thơ. Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục (1897-1984) làm giám mục giáo phận Vĩnh Long, lễ tấn phong tại nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam (Huế) ngày 04-5-1938. Ngày 12-4-1961 Ngô Đình Thục bắt đầu làm tổng giám mục phụ trách tổng giáo phận Huế.
([51]) Tiểu sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 71-72.
([52]) Ông Nguyễn Ngọc Bích sinh năm 1911 tại làng An Hội, tổng Bảo Hựu (nay là phường 5, thành phố Bến Tre), qua Pháp học trường Bách Khoa (Polytechnique) tại Paris. Tốt nghiệp kỹ sư cầu cống, ông về nước làm việc ở Sở Thủy Lợi của tỉnh Sóc Trăng cho đến ngày Nhật đảo chánh Pháp. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) ông tham gia kháng chiến, làm Khu Bộ Phó của Khu 9 (Tây Nam Bộ). Đầu năm 1947, giặc Pháp càn quét ở Sóc Trăng, ông bị bắt làm tù binh. Năm 1948, ông bị cưỡng bách đưa về Pháp (vì có quốc tịch Pháp). Tại Paris, ông mở nhà xuất bản Minh Tân, in được nhiều tác phẩm giá trị. Ông lấy thêm bằng bác sĩ, chuyên khoa ung thư. Ông mất năm 1966 tại Thủ Đức vì ung thư, an táng tại Bến Tre, gần bào đệ Nguyễn Ngọc Nhựt.
([53]) Tiểu sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 75-76.
([54]) Tiểu sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 77.
([55]) Tiểu sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 76.
([56]) Tiểu sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 72-73.
([57]) Tiểu sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 76.
([58]) Ông Nguyễn Ngọc Nhựt sinh ngày 15-9-1918 tại làng An Hội (nay là phường 5, thành phố Bến Tre), du học ở Pháp, đậu bằng kỹ sư tạo tác, làm chuyên viên kỹ thuật cho các hãng buôn của Pháp trong nhiều năm. Vợ là con một kỹ sư người Pháp.
Năm 1946, ông tìm cách về nước để tham gia kháng chiến. Nhờ người anh là kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích (nguyên Khu Bộ Phó của Khu 9, bị Pháp bắt đưa sang quản thúc tại Pháp năm 1948) giúp đỡ, ông Nhựt làm căn cước giả, trà trộn trong số lính thợ Việt Nam (ONS: Ouvrier Non Spécialisé), đáp tàu thủy về Sài Gòn.
Đầu năm 1947, ông Nhựt ra vùng kháng chiến tại chiến khu Đồng Tháp Mười.
Năm 1948, ông được cử làm ủy viên Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ, phụ trách công tác thương binh và xã hội.
Ngày 02-6-1949, trong một trận càn của quân Pháp ở Đồng Tháp Mười, ông bị bắt tại Cái Bèo (tỉnh Sa Đéc, nay là tỉnh Đồng Tháp). Ông khai là Nguyễn Văn Huyện, giáo viên bình dân học vụ, nhưng quân Pháp đã điều tra được thân thế của ông.
Sau nhiều cố gắng mua chuộc, dụ hàng bị thất bại, quân Pháp tra tấn ông dã man, tiêm thuốc cho ông rối loạn thần kinh. Sau hai lần chuyển nhà tù, ông bị giặc Pháp đưa về giam ở nhà thương điên Biên Hòa, không được chữa trị. Tại đó, ông hy sinh ngày 16-5-1952.
Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa truy tặng ông bằng liệt sĩ và Huân Chương Kháng Chiến hạng nhất.
([59]) Tiểu sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 81.
([60]) Huệ Khải, Lược Sử Thánh Thất Hà Nội. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2015, tr. 65-66.
([61]) Tiểu sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 82.
([62]) Tiểu sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 85-86.
([63]) Tiểu sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 87.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.