Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

1 KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926 (GIAO CẢM-I)

LƯỢC SỬ ĐẠO CAO ĐÀI: KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926



GIAO CẢM
Từ thời kỳ tiềm ẩn của đạo Cao Đài cho đến nay, dòng lịch sử đã chảy qua biết bao khúc quanh thăng trầm và bi tráng. Để chép lại một cách tốt nhất những sự kiện ấy, còn đang trông chờ tâm huyết và tài năng của nhiều thế hệ sử gia nối tiếp nhau đóng góp.
Tôi vốn dĩ không phải là một người chép sử. Chỉ vì nhu cầu bản thân muốn hiểu biết lịch sử Đạo nhà nên quan tâm tìm đọc các sách sử Cao Đài. Rồi nghĩ rằng phần đông đạo hữu của mình ắt cũng có nhu cầu tương tự, tôi bắt đầu biên soạn một vài tập sách nhỏ trình bày sử Đạo tương đối gòn gọn, mang tính khái quát. Mỗi tập sách chỉ tập trung vào một giai đoạn hay sự kiện lịch sử Cao Đài. Chẳng hạn, tập sách này tập trung vào đại lễ Khai Minh Đại Đạo trong tháng 11 năm 1926 tại thánh thất Thiền Lâm (Gò Kén, làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh).
Hình ảnh hai mươi tám vị tiền khai tôn kính của đạo Cao Đài được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau và in lại trong tập sách này. Vì khuôn khổ trang giấy hạn hẹp, tôi chỉ có thể ghi vắn tắt thế danh, năm sinh và năm quy thiên của mỗi vị. Đây quả là chỗ bất như ý của tôi, rất mong quý bạn đọc cảm thông mà lượng thứ.
Trong lúc chuẩn bị phần tiếng Anh cho tập sách này, tôi nhận được nhiều gợi ý và sửa chữa hữu ích của thầy Tú Đoàn. Tôi trân trọng bày tỏ nơi đây lòng chân thành biết ơn của tôi đối với một đồng nghiệp đáng kính.
Giờ đây, hàng ngàn bản in này được trao vào tay quý bạn đọc thân mến là nhờ vào tấm lòng cao cả và quảng đại của biết bao vị Mạnh Thường Quân bấy lâu vẫn không ngừng nhiệt tâm ủng hộ mạnh mẽ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Xin chúng ta cùng để tâm kính thành cầu nguyện Đức Chí Tôn ban ơn lành đến toàn thể các ân nhân ấy cũng như cửu huyền thất tổ những vị mà chúng ta mãi mang ơn.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Mùa Hè năm Ất Mùi
Tháng 7-2015
HUỆ KHẢI

*
Thứ Tư 29-9-1926 (23-8 Bính Dần), lúc 8 giờ tối, tại nhà tiền khai Nguyễn Văn Tường,([1]) cũng gọi Võ Văn Tường, ở số 237 bis, trong một hẻm trên đường Gallieni, Sài Gòn (nay là số 208 Cô Bắc, quận 1), có cuộc họp đông đảo để chuẩn bị đăng ký tư cách pháp nhân của đạo Cao Đài.
Dưới sự đồng chủ trì của ba vị tiền khai Lê Văn Trung (Đầu Sư Thượng Trung Nhựt), Lê Văn Lịch (Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt) và Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, cuộc họp lịch sử này quy tụ hàng trăm chức sắc và tín đồ đầu tiên của đạo Cao Đài.
Kết quả có hai trăm bốn mươi lăm vị ký tên vào danh sách đính kèm theo hồ sơ. Còn văn bản tiếng Pháp ghi ngày 07-10-1926 có hai mươi tám môn đệ đứng tên, được Đầu Sư Thượng Trung Nhựt đích thân mang đến Phủ Thống Đốc Nam Kỳ (nay là Bảo Tàng TpHCM, số 65 Lý Tự Trọng, quận 1) gởi cho Quyền Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol vào Thứ Năm 07-10-1926.([2])
Văn bản tiếng Pháp ghi ngày 07-10-1926 nói trên chính là Tuyên Ngôn Khai Đạo Cao Đài. Thật vậy, có thể nhận định như sau:
“Tuyên Ngôn Khai Đạo là bước ngoặt lịch sử, kết thúc thời kỳ tiềm ẩn của đạo Cao Đài, mở màn cho công cuộc phổ độ rầm rộ khắp Lục Tỉnh, tiến tới lễ Khai Minh Đại Đạo rằm tháng 10 Bính Dần. Nói cách khác, ở thời điểm mốc của Tuyên Ngôn Khai Đạo, lịch sử Cao Đài đã mở sang một trang mới, bước vào thời kỳ Khai Minh Đại Đạo.” ([3])
Bước chuyển tiếp giữa thời kỳ tiềm ẩn (từ 1920 đến cuối tháng 9-1926) và thời Khai Minh Đại Đạo là cuộc Phổ Độ Lục Tỉnh được tiến hành trong một tháng tại Nam Kỳ.
I. PHỔ ĐỘ LỤC TỈNH
Năm 1832, vua Minh Mạng chia miền Nam thành sáu tỉnh An Giang, Biên Hòa, Định Tường, Hà Tiên, Phiên An, và Vĩnh Long. Như vậy tên gọi Lục Tỉnh đã có từ năm 1832. Năm 1834, Lục Tỉnh được gọi chung là Nam Kỳ 南圻 (cõi đất phương nam). Năm 1835, tỉnh Phiên An đổi tên thành tỉnh Gia Định.
Sau khi sáu tỉnh Nam Kỳ trở thành thuộc địa của thực dân Pháp (1867), vào năm 1899, Lục Tỉnh của triều Nguyễn bị chia ra hai mươi mốt tỉnh như sau:
- An Giang chia làm năm tỉnh: Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, và Sóc Trăng.
- Biên Hòa chia làm bốn tỉnh: Bà Rịa, Biên Hòa, Cap Saint-Jacques (tức Vũng Tàu), và Thủ Dầu Một.
- Định Tường đổi thành Mỹ Tho.
- Gia Định chia làm năm tỉnh: Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Tân An, và Tây Ninh.
- Hà Tiên chia làm ba tỉnh: Bạc Liêu, Hà Tiên, và Rạch Giá.
- Vĩnh Long chia làm ba tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, và Vĩnh Long.
Người Pháp gọi Nam Kỳ là Cochinchine, Trung Kỳ là Annam, và Bắc Kỳ là Tonkin.
Chia đất Nam Kỳ thành hai mươi mốt tỉnh, có lẽ thực dân Pháp muốn xóa nhòa hai chữ Lục Tỉnh trong tình cảm người Việt, cũng là cách cắt đứt lòng lưu luyến với truyền thống, một thủ đoạn tâm lý bên cạnh các cuộc đàn áp những phong trào yêu nước kháng chiến. Nhưng dân Nam Kỳ vẫn hoài vọng Lục Tỉnh (cũng gọi là Lục Châu); vì thế, vào mùa Thu năm Bính Dần (1926), khi khởi đầu công cuộc phổ độ ở miền Nam, các vị tiền khai đạo Cao Đài đã gọi đó là cuộc Phổ Độ Lục Tỉnh.([4])
Nhiêu Lộc, 28-7-2015
HUỆ KHẢI



([1]) Về năm sinh và năm quy thiên của các vị tiền khai, xin xem Phụ Lục” (cuối phần VIII bản điện tử này).
([2]) [Huệ Khải 2010: 32-34].
Cước chú này cho biết thông tin nói trên có trong một cuốn sách của Huệ Khải in năm 2010, trang 32-34. Về chi tiết của tập sách, xin xem Sách Tham Khảo” (trang 101).
([3]) [Lê Anh Dũng 1996: 182].
([4]) [Huệ Khải 2010: 7-10].


[Huệ Khải 2010], Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài. / Cochinchina as a Legal Precondition for the Foundation of Caodaism. Hà Nội: Tôn Giáo, 2010.
[Hương Hiếu 2], Đạo Sử. Quyển II. (mimeographed). Tòa Thánh Tây Ninh, không năm xuất bản.
[Lê Anh Dũng 1996], Lịch Sử Đạo Cao Đài Thời Kỳ Tiềm Ẩn 1920-1926 / History of Cao Dai - the Beginnings of Early Cao Dai 1920-1926. Huế: Thuận Hóa, 1996.
[Nguyễn Văn Hồng 1], Đạo Sử Nhựt Ký. Quyển 1 (1925-1934). Bản thảo (1.213 trang).
[Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 2]. Quyển 2. Sài Gòn: Tòa Thánh Tây Ninh, 1966.

2 KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926 (II-III)

LƯỢC SỬ ĐẠO CAO ĐÀI: KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926


II. ẤN PHẨM CAO ĐÀI: PHỔ CÁO CHÚNG SANH
Trong Tuyên Ngôn Khai Đạo ngày 07-10-1926, các tiền khai Cao Đài tuyên bố:
“Au nom de très nombreux Annamites qui ont entièrement approuvé ces études et dont la liste est ci-jointe, les soussignés ont l’honneur de venir respectueuse-ment vous déclarer qu’ils vont propager à l’humanité entière cette Sainte Doctrine.” ([1])
Dịch:
“Nhân danh đông đảo những người Việt Nam đã hoàn toàn tán thành những điều nghiên cứu này và có danh sách kèm theo, những người ký tên dưới đây hân hạnh tuyên bố cho ông biết là chúng tôi sẽ truyền bá cho toàn thể nhân loại giáo lý thiêng liêng này.” ([2])
Trong mấy ngày tiếp theo sự kiện đăng ký tư cách pháp nhân nói trên, các tiền khai ráo riết chuẩn bị phổ độ Lục Tỉnh, trong đó có việc biên soạn tập sách nhỏ nhan đề Phổ Cáo Chúng Sanh.
Trước khi đưa in tập sách này, các tiền khai trình dâng bản thảo để Đức Chí Tôn chỉnh sửa. Trong đàn cơ Thứ Tư 13-10-1926 (07-9 Bính Dần), Đức Chí Tôn gọi tiền khai Lê Thế Vĩnh và dạy:
“Vĩnh, đọc Phổ Cáo Chúng Sanh. Đợi Thầy sửa nghe! Hễ Thầy hạ cơ thì ngừng đọc.” ([3])
Sau đó, Phổ Cáo Chúng Sanh (14 trang, 15x24cm) được in tại l’Imprimerie de l’Union (Sài Gòn). Bìa in trên giấy màu đỏ, mỏng, loại giấy dùng làm bìa hồ sơ. Trên bìa một có in ngày 15 tháng 10 năm 1926. Đây là ấn phẩm của nền tôn giáo mới, được chánh thức truyền bá trong cuộc phổ độ Lục Tỉnh khởi sự từ Thứ Bảy 16-10-1926 (10-9 Bính Dần) và kéo dài một tháng.
[Phụ bản 1: Bìa Phổ Cáo Chúng Sanh (1926)]
1. Tóm tắt Phổ Cáo Chúng Sanh
Phổ Cáo Chúng Sanh gồm hơn bốn ngàn từ; mở đầu liền cho biết rằng vạn loại đều sinh ra từ một Đấng Tạo Hóa, nhưng tên gọi Ngài mỗi nơi một khác. Lại nói rằng các Đấng Phật, Tiên, Thánh, hay Chúa Kitô (tức các tôn giáo đang có trên thế gian) đều từ Đạo mà ra.
Trong hai kỳ trước, Đức Thượng Đế xuống trần xưng danh là Nhiên Đăng Cổ Phật, Thích Ca Mâu Ni, Thái Thượng Nguơn Thỉ [Nguyên Thủy], và Gia Tô [Da Tô] Giáo Chủ, v.v… Ngày nay, Ngài xuống phàm cứu độ nhân loại Kỳ Ba, xưng danh là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Hồng danh này hàm ngụ tôn chỉ Tam Giáo quy Nguyên, vì Cao Đài liên hệ tới Nho Giáo, Tiên Ông liên hệ tới Lão Giáo, Đại Bồ Tát Ma Ha Tát liên hệ tới Phật Giáo.
Phổ Cáo Chúng Sanh lại cho biết, theo thánh giáo Cao Đài, trong Kỳ Nhứt và Kỳ Nhì không gian địa lý còn ngăn cách và tri thức con người còn giới hạn, nên Đức Thượng Đế dạy Đạo cho thế gian phải chia thành năm con đường tu học gọi là Ngũ Chi, gồm có Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, và Phật Đạo, để phù hợp phong hóa mỗi nơi.
Sang Kỳ Ba, thế giới không còn ngăn cách, con người đã phát triển tri thức rất cao, nên Đức Thượng Đế lập đạo Cao Đài đưa Ngũ Chi trở về Một (Đạo), và chính Ngài làm Giáo Chủ, thay vì giao chánh pháp cho người mang xác phàm như hai kỳ trước. Giáo lý Kỳ Ba được các Đấng siêu hình truyền dạy cho cõi hữu hình bằng phương cách thông công cổ truyền là cầu cơ.
Phổ Cáo Chúng Sanh còn cho biết đạo Cao Đài thờ Thượng Đế qua biểu tượng Thiên Nhãn (con mắt trái). Trên bàn thờ tại thánh thất Cao Đài có cả Tam Giáo Đạo Tổ (Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử), Tam Trấn Oai Nghiêm (Lý Thái Bạch, Quan Âm, Quan Thánh), Chúa Giêsu (đại diện Thánh Đạo), và Khương Thái Công (đại diện Thần Đạo).
Cuối cùng, Phổ Cáo Chúng Sanh cho biết ngày 07-10-1926 “cựu Hội Đồng Thượng Nghị Viện Lê Văn Trung” đã đến “khai Đạo nơi Chánh Phủ”, được nhà cầm quyền “hoan nghinh và khen…” (tr. 14).
2. Nhận định về Phổ Cáo Chúng Sanh
Tuy không dày dặn, Phổ Cáo Chúng Sanh thật sự đã nói được một số điểm trọng yếu của nền tôn giáo mới, chẳng hạn: tôn chỉ Tam Giáo quy Nguyên, Ngũ Chi phục Nhứt; tiêu ngữ Vạn giáo nhứt lý; cách thờ phượng; phương pháp truyền dạy…
Dưới ách thực dân Pháp, người dân Việt luôn luôn bị nhà cầm quyền đàn áp nếu tụ tập đông người, hoặc đi theo “hội kín”… Do đó, trước khi kết thúc, Phổ Cáo Chúng Sanh chủ ý nhắc tới sự kiện một nhân vật danh tiếng ở Nam Kỳ bấy giờ là “cựu Hội Đồng Thượng Nghị Viện Lê Văn Trung” đã đăng ký tư cách pháp nhân cho nền đạo mới - quả là khéo léo về tâm lý. Thật vậy, những lời lẽ đó hàm ngụ rằng đạo Cao Đài không phải là “hội kín”, đồng thời khẳng định việc phổ độ Lục Tỉnh là hợp pháp.
Tại sao cần nhờ tới địa vị xã hội cao trọng của tiền khai Lê Văn Trung (Đầu Sư Thượng Trung Nhựt) để gián tiếp trấn an dân chúng? Có thể giải thích như sau:
“… tuần báo Lục Tỉnh Tân Văn số 46, ngày 01-10-1908 viết: ‘Tánh người An Nam mình hay sợ sệt lắm...’ Do đó, khi chủ xướng những công cuộc lớn lao, muốn vận động, thu hút quần chúng, trong thành phần nhân sự nòng cốt bao giờ cũng cần có các công chức. Sơn Nam [1926-2008, một chuyên gia về văn hóa Nam Kỳ] nêu ra lý do là dân chúng ‘tin rằng công chức luôn luôn đàng hoàng, không làm quốc sự.’ Ngay cả trong chuyện kinh doanh, điều này vẫn đúng, cho nên số báo nói trên viết rằng trong thương mại ‘hễ có các ông nha môn [công chức] ra làm đầu thì đâu đâu ai cũng xin vô hùn.’” ([4])
III. BA NHÓM PHỔ ĐỘ LỤC TỈNH
Thứ Tư 13-10-1926 (07-9 Bính Dần), trong đàn cơ duyệt bản thảo Phổ Cáo Chúng Sanh, Đức Chí Tôn dạy:
“Các con tức cấp lo phổ độ. Kể từ mồng 10 tháng này mấy đứa phò loan phải xin phép nghỉ hai mươi chín ngày hết nghe. Thầy dặn các con phải phân nhau mà đi cho khắp.” ([5])
Tuân hành thánh lịnh nói trên, các tiền khai chia làm ba nhóm:
Nhóm một: Lê Văn Trung (Thượng Trung Nhựt), Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh), và Trần Đạo Quang, v.v... Đồng tử phò loan: Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc. Nhóm một phụ trách chín tỉnh: Bạc Liêu, Cần Thơ, Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Trà Vinh, và Vĩnh Long.
Nhóm hai: Lê Văn Lịch (Ngọc Lịch Nguyệt), Nguyễn Ngọc Tương (Thượng Tương Thanh), và Nguyễn Văn Luật (Thái Luật Thanh, nguyên là Yết Ma ở một chùa Phật), v.v... Đồng tử phò loan: Nguyễn Trung Hậu và Trương Hữu Đức. Nhóm hai phụ trách năm tỉnh: Bến Tre, Chợ Lớn, Gò Công, Mỹ Tho, và Tân An.
Nhóm ba: Lê Bá Trang (Ngọc Trang Thanh), Vương Quan Kỳ (Thượng Kỳ Thanh), và Lê Văn Nhung (Thái Nhung Thanh, nguyên là Yết Ma ở một chùa Phật), v.v... Đồng tử phò loan: Cao Hoài Sang và Cao Quỳnh Diêu. Nhóm ba phụ trách sáu tỉnh: Bà Rịa, Biên Hòa, Gia Định, Sa Đéc, Tây Ninh, và Thủ Dầu Một.

[Phụ bản 2: Bản đồ phổ độ Lục Tỉnh]

[Phụ bản 3: Nhóm một ở Vũng Liêm (Vĩnh Long)]
Yểm trợ cho cả ba nhóm có hai vị tiền khai Nguyễn Văn Tương (Thượng Tương Thanh) và Nguyễn Văn Kinh (Ngọc Kinh Thanh) phụ trách việc thuyết đạo.([6]) Cả hai nguyên là thầy tu Minh Sư.([7])
Sau một tháng nhiệt thành truyền bá nền đạo mới, mỗi nhóm đã độ được vài vạn người nhập môn Cao Đài. Trong số đó nhiều vị là những người danh giá trong xã hội, và các vị ấy mau chóng trở thành những bậc hướng đạo nòng cốt trong giai đoạn xây dựng Hội Thánh Cao Đài đầu tiên cũng như phát triển đạo Cao Đài suốt mấy thập niên sau đó.
Chủ Nhật 14-11-1926 (10-10 Bính Dần), các tiền khai kết thúc cuộc phổ độ Lục Tỉnh để tập trung về chùa Thiền Lâm (Gò Kén, làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh) ráo riết chuẩn bị tiếp tục cho đại lễ Khai Minh Đại Đạo, sau khi đã tạm ngưng một tháng để tiến hành Phổ Độ Lục Tỉnh.
Nhiêu Lộc, 28-7-2015
HUỆ KHẢI



([1]) [Huệ Khải 2010: 69].
([2]) [Huệ Khải 2010: 36].
([3]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 207].
([4]) [Huệ Khải 2010: 20].
([5]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 207].
([6]) [Hương Hiếu 2: 6].
([7]) Trước khi quy hiệp Cao Đài, tiền khai Nguyễn Văn Kinh là học trò Đại Lão Sư Nguyễn Văn Tương (Nguyễn Đạo Tương).


[Huệ Khải 2010], Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài. / Cochinchina as a Legal Precondition for the Foundation of Caodaism. Hà Nội: Tôn Giáo, 2010.
[Hương Hiếu 2], Đạo Sử. Quyển II. (mimeographed). Tòa Thánh Tây Ninh, không năm xuất bản.
[Lê Anh Dũng 1996], Lịch Sử Đạo Cao Đài Thời Kỳ Tiềm Ẩn 1920-1926 / History of Cao Dai - the Beginnings of Early Cao Dai 1920-1926. Huế: Thuận Hóa, 1996.
[Nguyễn Văn Hồng 1], Đạo Sử Nhựt Ký. Quyển 1 (1925-1934). Bản thảo (1.213 trang).

[Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 2]. Quyển 2. Sài Gòn: Tòa Thánh Tây Ninh, 1966.

3 KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926 (IV)

LƯỢC SỬ ĐẠO CAO ĐÀI: KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926


IV. CHUẨN BỊ KHAI MINH ĐẠI ĐẠO
1. Một số việc chuẩn bị trước khi Phổ Độ Lục Tỉnh
Trước khi tiến hành Phổ Độ Lục Tỉnh, để chuẩn bị cho đại lễ Khai Minh Đại Đạo (trung tuần tháng 11-1926), Đức Cao Đài lần lượt qua nhiều đàn cơ khác nhau đã hóa độ và ban phong phẩm vị cho một số vị tiền khai sẽ giữ các vị trí cao trọng trong Cửu Trùng Đài (gồm ba phái Nho, Đạo, Thích) và Hiệp Thiên Đài của Hội Thánh ban sơ tại Tây Ninh. Do đó, hai vị nữ tiền khai Nguyễn Thị Hiếu (Hương Hiếu) và Lâm Ngọc Thanh (Hương Thanh) được Đức Cao Đài ban ơn giao phó việc may Thiên phục và làm mão cho các vị chức sắc ấy.
* Hóa độ ông bà Nguyễn Ngọc Thơ và Lâm Ngọc Thanh
Vào giữa tháng 7-1926, Đức Cao Đài đã hóa độ hai Phật tử là ông bà Nguyễn Ngọc Thơ và Lâm Ngọc Thanh.
Trước đó, tại quận Cần Giuộc (tỉnh Chợ Lớn) vào Thứ Bảy 27-02-1926 (15-01 Bính Dần), Đức Cao Đài hóa độ tiền khai Phạm Tấn Đãi. Qua tháng 7-1926, Đức Cao Đài dạy tiền khai Phạm Tấn Đãi lên Sài Gòn gặp tiền khai Lê Văn Trung (Thượng Trung Nhựt) để cùng tới Tân Định (quận 1) gặp ông Nguyễn Ngọc Thơ.
Hai vị Lê Văn Trung (Thượng Trung Nhựt) và Phạm Tấn Đãi giải thích lý do cuộc sơ ngộ là vì tuân theo lịnh dạy của Đức Cao Đài. Nghe vậy, ông Thơ ra điều kiện phải để chính ông trực tiếp thông công thì ông mới tin. Lúc này bà Thanh đang ở quận Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long).
Sau ba ngày ăn chay và cầu nguyện, ông Thơ chấp bút tại nhà riêng và đặt nhiều câu hỏi về việc riêng tư thì đều được Đức Cao Đài trả lời chính xác. Hoàn toàn tin tưởng, sau đó hai ông bà nhập môn Cao Đài vào Thứ Năm 15-7-1926 (06-6 Bính Dần).([1])
* Hóa độ Hòa Thượng Như Nhãn
Hòa Thượng Như Nhãn tức Thích Từ Phong, thế danh Nguyễn Văn Tường, trụ trì chùa Giác Hải cất năm 1887, ở Phú Lâm, quận 6, Sài Gòn.
Được giấy phép của chủ tỉnh Tây Ninh ngày 15-7-1925, Hòa Thượng cho cất Thiền Lâm Tự tại Gò Kén (nay tại số 5/11, ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh).
Trong quá trình cất chùa Thiền Lâm, Hòa Thượng được ông bà Nguyễn Ngọc Thơ và Lâm Ngọc Thanh là hai đại thí chủ, tài trợ rất nhiều. Do đó, có thể nói hai vị Thơ và Thanh ắt đã có ảnh hưởng đáng kể đối với Hòa Thượng.
Sau khi nhập môn Cao Đài, hai vị Thơ và Thanh giới thiệu nền đạo mới với Hòa Thượng, và mời Hòa Thượng đến hầu đàn.
Thứ Hai 23-8-1926 (16-7 Bính Dần), trong một đàn cơ có lẽ lập tại Thiền Lâm Tự, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát dạy Hòa Thượng Như Nhãn: “Nơi đây là thánh địa, Ta lập thánh thất. Hiền đồ có lòng giúp Ta chăng?” ([2])
Mười ba ngày sau đó, tại Thiền Lâm Tự vào Chủ Nhựt 05-9-1926 (29-7 Bính Dần), Đức Chí Tôn phong Hòa Thượng Như Nhãn là Quản Pháp Thiền Sư Thích Đạo Chuyển Luật Lịnh Diêu Đạo Sĩ. ([3])
Như thế, vào cuối tháng 8-1926, Hòa Thượng Như Nhãn đã bằng lòng cho các tiền khai mượn chùa Thiền Lâm để làm thánh thất Thiền Lâm, cũng gọi thánh thất Gò Kén.
* Sửa sang thánh thất Thiền Lâm
Có được sự ưng thuận của Hòa Thượng, kể từ đầu tháng 9-1926 các tiền khai dốc tiền và tâm sức vào sửa sang thánh thất cả trong lẫn ngoài.
Bấy giờ chung quanh chùa cũ còn um tùm cây cối, bụi rậm. Chùa chưa được sơn phết, nền đất còn nguyên. Từ chùa ra đường cái chưa có lối đi. Hai tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh) và Lâm Ngọc Thanh (Hương Thanh) dùng tiền riêng thuê thợ đốn cây cho quang đãng, đào giếng, làm vườn, và trồng hoa kiểng, v.v… Ngoài việc cất hai dãy nhà phụ dành cho những người tạm trú trong suốt thời gian sửa sang thánh thất, hai vị còn cho đắp con lộ đá dài hơn hai trăm mét từ thánh thất ra tới đường 22B để xe ô tô dễ dàng chạy thẳng vào cổng trong.
Tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh) chẳng ngại tốn kém, chỉ mong sớm hoàn thiện thánh thất. Do đó, vào Thứ Tư 22-9-1926 (16-8 Bính Dần), trong đàn cơ tại nhà tiền khai Thơ ở Tân Định, Đức Chí Tôn dạy: “Thầy dặn con phải tiết kiệm nghe. Sang năm sẽ liệu. Để tư bổn lo làm điều hữu ích khác.” ([4]) Phải chăng Đức Chí Tôn ngụ ý khuyên tiền khai Thơ giảm bớt chi phí bởi vì đầu xuân năm 1927 các tiền khai Cao Đài sẽ phải dọn ra khỏi chùa Thiền Lâm?
Chùa Thiền Lâm (30x15m) ngày nay vẫn còn, cách thị xã Tây Ninh khoảng năm, sáu cây số, nằm bên phải đường 22B chạy về Sài Gòn. Con lộ đá đắp xong gần cuối năm 1926 đã biến mất hoàn toàn; một ảnh chụp khoảng năm 2012 cho thấy nó đã trở thành con đường đất đỏ.
[Phụ bản 4: Cổng ngoài Thiền Lâm Tự bên đường 22B]
[Phụ bản 5: Thiền Lâm Tự ngày nay]
* Chuẩn bị cho chánh điện thánh thất Thiền Lâm
Thứ Sáu 17-9-1926 (11-8 Bính Dần): Đức Chí Tôn dạy tiền khai Nguyễn Văn Kiệt làm bảy chiếc ngai (của Giáo Tông, ba Chưởng Pháp, và ba Đầu Sư). Tay ngai Giáo Tông chạm hai con rồng, của Chưởng Pháp chạm hai con phụng, của Đầu Sư chạm hai con lân. Lưng dựa mỗi ngai đều chạm ba con vật trong tứ linh (loại trừ con vật đã chạm ở hai tay ngai).
Đức Chí Tôn dạy tiền khai Lâm Quang Bính (Thái Bính Thanh, người Rạch Giá) làm Quả Càn Khôn, đường kính 3,3 mét, sơn xanh da trời. Căn cứ theo sách thiên văn của Pháp, tiền khai Bính vẽ đủ ba ngàn bảy mươi hai ngôi sao, rồi vẽ Thiên Nhãn ở sao Bắc Đẩu.
Đức Chí Tôn dạy tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh) sắp xếp Thiên Bàn có đủ tượng Tam Giáo Tổ Sư (Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử), Tam Trấn Oai Nghiêm (Lý Thái Bạch, Quan Âm, Quan Thánh), Chúa Giêsu, và Đức Khương Thái Công.
[Phụ bản 6: Bửu điện thánh thất Thiền Lâm (1926)]
* Thêm nhân sự chuẩn bị cho Khai Minh Đại Đạo
Trước cuộc Phổ Độ Lục Tỉnh, các tiền khai Cao Đài đã lập một số đàn cơ ở nhiều nơi để phổ độ dân chúng địa phương. Đó là:
- Đàn Cầu Kho: Tại nhà tiền khai Đoàn Văn Bản (Thượng Bản Thanh), ở quận 1, Sài Gòn.
- Đàn Chợ Lớn: Tại nhà tiền khai Lê Văn Trung (Thượng Trung Nhựt), ở quai Testard, thành phố Chợ Lớn.
- Đàn Giồng Ông Tố: Tại nhà tiền khai Đỗ Văn Vàng, ở Giồng Ông Tố, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định.
- Đàn Hội Phước Tự: Tại chùa của tiền khai Nguyễn Văn Luật (Thái Luật Thanh, nguyên là Yết Ma), ở xã Long Trạch, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn.
- Đàn Lộc Giang: Tại thánh thất Phước Long, nguyên là chùa, của tiền khai Trần Văn Giống (Thái Giống Thanh, nguyên là Yết Ma), ở Chợ Đệm, Chợ Lớn.
- Đàn Tân Định: Tại nhà tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh), ở Tân Định, quận 1, Sài Gòn.
- Đàn Tân Kim: Tại nhà tiền khai Nguyễn Văn Lai (Thượng Lai Thanh), ở xã Tân Kim, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn.
- Đàn Thủ Đức: Tại nhà tiền khai Ngô Văn Điều, ở gần chợ Thủ Đức, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định, v.v…
Chủ Nhật 19-9-1926 (13-8 Bính Dần), Đức Chí Tôn dạy một số vị tiền khai phải tạm ngưng phổ độ tại các đàn nói trên, để về thánh thất Thiền Lâm chuẩn bị Khai Minh Đại Đạo.
Thứ Bảy 30-10-1926 (24-9 Bính Dần), tại Sài Gòn, Đức Chí Tôn dạy hai vị Nguyễn Thị Hiếu (Hương Hiếu, bà Cao Quỳnh Cư) và Nguyễn Thị Nhiều (Hương Nhiều, bà Phạm Công Tắc) lo dọn về thánh thất Thiền Lâm, để theo hai vị tiền khai Cư và Tắc cùng lo hành đạo ở Gò Kén. Tiền khai Hương Hiếu đã góp công rất nhiều để lo liệu việc ăn ở chu đáo cho hết lượt người này đến lượt người khác đổ về thánh thất Thiền Lâm, bất kể ngày đêm. Bà đích thân đi chợ Tây Ninh mua rau quả chở về thánh thất bằng xe thổ mộ.
[Xem phụ bản 7.]
* Đức Lý Thái Bạch làm Giáo Tông Vô Vi
Thứ Bảy 24-4-1926 (13-3 Bính Dần) tiền khai Ngô Văn Chiêu từ tạ ngôi vị Giáo Tông, do đó phẩm Giáo Tông bị trống. Thứ Sáu 29-10-1926 (23-9 Bính Dần), Đức Chí Tôn ban cho Đức Lý Thái Bạch phẩm Giáo Tông Vô Vi.
* Xin phép tổ chức Khai Minh Đại Đạo
Tiền khai Lê Văn Trung (Đầu Sư Thượng Trung Nhựt) xin phép tổ chức Khai Minh Đại Đạo, và Chủ Nhật 07-11-1926 (03-10 Bính Dần) được chánh quyền thuộc địa cấp phép. Sau đó, thiệp mời do Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Hòa Thượng Như Nhãn đồng ký tên được gởi tới đông đảo giới chức chánh quyền, chức sắc tôn giáo bạn, thân hào nhân sĩ, và những người tai mắt, v.v...
2. Một số việc chuẩn bị sau khi Phổ Độ Lục Tỉnh
* Lập bốn nhóm Lễ, Khách, Thâu, Xuất
Thứ Ba 16-11-1926 (12-10 Bính Dần), Đức Chí Tôn dạy lập bốn nhóm như sau:
- Về Lễ: Chánh sự là Lê Bá Trang (Ngọc Trang Thanh); phó sự là Lê Văn Nhung (Thái Nhung Thanh); phụ sự có hai vị. Thêm mười hai vị tình nguyện trợ giúp.
- Về Khách: Chánh sự là Nguyễn Ngọc Tương (Thượng Tương Thanh); phó sự là Nguyễn Văn Luật (Thái Luật Thanh) và Thượng Hoài Thanh; phụ sự có bốn vị. Thêm mười hai vị tình nguyện trợ giúp.
- Về Thâu (không nhận tiền hiến cúng): Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh), Như Nhãn, Trần Đạo Quang, và hai vị ký lục (ghi chép).
- Về Xuất: Lê Văn Lịch (Ngọc Lịch Nguyệt), Lê Văn Hóa (Thượng Hóa Thanh), Xài, và hai vị ký lục (ghi chép).([5])
* Sắp đặt vị trí các chức sắc
Trong cùng đàn cơ Thứ Ba 16-11-1926 (12-10 Bính Dần), Đức Chí Tôn dạy về vị trí các chức sắc nam nữ khi hành lễ trong chánh điện thánh thất Thiền Lâm.
Chia làm ba ban nhìn vào Thiên Bàn: Tất cả chức sắc phái nam đứng ở giữa và bên phải (cùng phía đặt tượng Đức Quan Thánh); nữ chức sắc mặc đạo phục trắng đứng bên trái (cùng phía đặt tượng Đức Quan Âm).
Các nam chức sắc gồm ba phái (Thái áo vàng, Thượng áo xanh, Ngọc áo đỏ) đứng ở giữa, theo thứ tự: ba vị Chưởng Pháp, ba vị Đầu Sư, và ba vị Chánh Phối Sư.
Kế tiếp là các vị Phối Sư, Giáo Sư, và Giáo Hữu. Tất cả chức sắc cùng phẩm đều đứng lần lượt theo ba phái Thái, Thượng, và Ngọc.
Cuối chánh điện đặt bàn Hộ Pháp. Nơi đây có mười hai vị phò loan (đồng tử) chia làm ba nhóm đứng đối diện Thiên Bàn:
Nhóm một ở giữa gồm bốn vị: Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Đức, Trần Duy Nghĩa, và Trương Văn Tràng. Sau này, vào Chủ Nhật 13-02-1927 (12-01 Đinh Mão), bốn vị theo thứ tự được Đức Chí Tôn phong làm Bảo Pháp, Hiến Pháp, Khai Pháp, và Tiếp Pháp.
Bên phải nhóm một là nhóm hai gồm bốn vị: Ca Minh Chương, Phạm Văn Tươi, Phạm Tấn Đãi, và Nguyễn Thiên(g) Kim. Sau này, vào Chủ Nhật 13-02-1927 (12-01 Đinh Mão), ba vị Chương, Tươi, và Đãi theo thứ tự được Đức Chí Tôn phong làm Bảo Đạo, Hiến Đạo, và Khai Đạo.
Bên trái nhóm một là nhóm ba gồm bốn vị: Lê Thiện Phước, Nguyễn Văn Mạnh, Huỳnh Văn Mai, và Võ Văn Nguyên. Sau này, vào Chủ Nhật 13-02-1927 (12-01 Đinh Mão), hai vị Phước và Mạnh theo thứ tự được Đức Chí Tôn phong làm Bảo Thế và Hiến Thế.
Tiếp theo là Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư (bên phải Hộ Pháp, cùng bên nhóm hai), và Thượng Sanh Cao Hoài Sang (bên trái Hộ Pháp, cùng bên nhóm ba).
Bên cạnh tiền khai Cao Quỳnh Cư có tiền khai Nguyễn Văn Mùi (Hữu Phan Quân) +++ cầm phướn Thượng Phẩm. Bên cạnh tiền khai Cao Hoài Sang có tiền khai Lê Thế Vĩnh cầm phướn Thượng Sanh.

+++ Bổ di:

Thứ Hai, ngày 21-10-1935 (24-9 Ất Hợi), Đức Phạm Hộ Pháp ban hành nghị định thứ 2 và 3. Theo đó, Điều Thứ Nhứt buộc: “[Tất] cả chức sắc kể tên sau đây đều phải mất quyền hành chánh trị của nền Đạo vì chưa phế đời. . .Vị chót hết (thứ mười bốn) là Hữu Phan Quân Nguyễn Văn Mùi.

* Đức Chí Tôn dạy thêm vào ngày chót trước cuộc lễ
Thứ Tư 17-11-1926 (13-10 Bính Dần), Đức Chí Tôn phong Hòa Thượng Thích Thiện Minh làm Đầu Sư Thái Minh Tinh. Sau đó, Đức Chí Tôn tiếp tục chỉ dạy thêm cho việc chuẩn bị lễ Khai Minh Đại Đạo. Một lần nữa, Ngài khuyên tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh) giảm bớt chi phí cho việc sửa sang thánh thất Thiền Lâm.
Về việc tiếp khách, ba trong bốn vị phụ sự và mười hai vị tình nguyện phụ giúp chia làm ba nhóm: nhóm một tiếp đãi khách thượng lưu và người Pháp; nhóm hai, khách trung lưu; và nhóm ba, khách bình dân. Riêng các quan chức Pháp thì tiền khai Nguyễn Ngọc Tương (Thượng Tương Thanh) đích thân tiếp đãi.
Về việc xuất, cũng theo chỉ dạy của Đức Chí Tôn, mỗi khoản chi tiêu phải có đủ chữ ký của ba vị Lê Văn Lịch (Ngọc Lịch Nguyệt), Lê Văn Hóa (Thượng Hóa Thanh), và Xài.
Những việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng Đức Chí Tôn vẫn nhắc nhở các tiền khai không được sơ sót. Chẳng hạn, Ngài dạy tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh) hãy đặt máy phát điện đủ xa để giảm bớt tiếng ồn; hoặc dạy tiền khai Trần Đạo Quang hãy dùng một băng lụa đỏ để cột bộ Kinh Xuân Thu, bình bát vu phải bằng đồng đỏ thay vì bằng sứ. (Trong đạo Cao Đài, ba món Kinh Xuân Thu, phất chủ, và bát vu theo thứ tự tượng trưng cho Tam Giáo: Nho, Lão, Phật.)
Nhiêu Lộc, 28-7-2015
HUỆ KHẢI



([1]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 157].
([2]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 171].
([3]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 181].
([4]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 187].
([5]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 216-217].


[Nguyễn Văn Hồng 1], Đạo Sử Nhựt Ký. Quyển 1 (1925-1934). Bản thảo (1.213 trang).