Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Nẻo Về Tâm Linh 31/31


VÔ THẦN ĐÍCH THỰC LÀ AI?
Từ điển Webster danh tiếng của Mỹ giải thích vô thần như sau:
Vô thần: (a) không tin có thần thánh hiện hữu; (b) thuyết cho rằng không có thần thánh.([1])
Người vô thần: người tin rằng Thượng Đế không hiện hữu.([2])
Các từ điển khác cũng giải thích na ná như thế, mặc dù lời lẽ có thể dông dài hơn. Vậy thì có lạ lùng không nếu ai đó hàng ngày vẫn cúng bái, nguyện cầu theo niềm tin tôn giáo của mình mà vẫn bị xem là kẻ vô thần nhất hạng trên đời? Nghịch lý chăng?
Sẽ không thấy là nghịch lý khi chúng ta được nghe Đại Sư Vivekananda (1863-1902, người Ấn) nói chuyện.
Chia sẻ với người phương Tây những hiểu biết căn bản về giáo lý Bà La Môn, Đại Sư Vivekananda hay dùng các chuyện kể, hoặc dẫn Kinh Thánh để người nghe gần gũi, dễ lãnh hội.
Chẳng hạn, có lần Đại Sư hỏi thính giả như sau:
- Quý vị có nhớ Kinh Thánh dạy gì không?
Rồi Đại Sư trả lời luôn:
- Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.
Đó là câu 4:20 trong Thư 1 Của Thánh Gioan.
Tuy nhiên, Đại sư không mất công nêu xuất xứ câu Kinh Thánh. Ngài chỉ nhắc lại lời Thánh Gioan rồi nói luôn vào chủ điểm buổi nói chuyện:
- Nếu quý vị không thể nhìn thấy Trời trên gương mặt con người, thì làm sao quý vị nhìn thấy Trời giữa những đám mây, hay qua những hình tượng bằng vật chất vô tri vô hồn, hay trong những câu chuyện chỉ do trí óc chúng ta tưởng tượng ra? Tôi có thể gọi quý vị là người có tín ngưỡng kể từ ngày quý vị bắt đầu nhìn thấy Trời trong những người nam người nữ, và khi ấy quý vị sẽ hiểu việc đưa luôn má bên trái cho kẻ đã tát mình má bên phải nghĩa là gì.([3])
Đại Sư nhắc lời Chúa (Matthêu 5:39) nhưng cũng không mất công nêu xuất xứ. Đại Sư chỉ nói một chiều như thế, không nói ngược lại; nhưng ắt hẳn thính giả đều hiểu hàm ý của Ngài rằng nếu không nhìn thấy Trời ngự trị trong những người khác thì ta vẫn chỉ là kẻ vô thần.
Theo Đại Sư Vivekananda, đâu phải cứ theo một tôn giáo, cứ siêng cúng bái, v.v... mà ta không phải vô thần; thật ra, ta vẫn cứ vô thần trong mọi hình thức tôn giáo, tín ngưỡng nếu ta chưa thật sự thấy được Trời ở trong ta, và ở trong những người quanh ta.
Trong một buổi thuyết giảng khác, Đại Sư kể câu chuyện thú vị như sau:
- Nhiều năm trước, tôi thăm một vị đại hiền giả nước tôi, một bậc chí thánh. Chúng tôi trò chuyện về các quyển kinh như Vệ Đà [của Bà La Môn], Kinh Thánh, Coran [đạo Islam], và nói chung là nhiều kinh khác.
Cuối buổi đàm đạo, vị ấy bảo tôi tới bàn lấy một quyển sách; một quyển sách nằm lẫn trong nhiều đồ vật khác, nó cho biết một dự báo lượng mưa trong năm.
Bậc hiền giả bảo: “Đọc đi.”
Và tôi đọc to lượng mưa sẽ có.
Ngài bảo: “Bây giờ cầm cuốn sách và xoắn lại.”
Tôi làm theo và ngài nói: “Con à, chẳng vắt được giọt nước nào. Chừng nào chưa có nước, nó hoàn toàn là lý thuyết. Thế nên, chừng nào tôn giáo của con chưa giúp con nhận thức được Trời, tôn giáo của con vô dụng.” ([4])
Đại Sư mượn chuyện ấy để dẫn dắt tới ý nghĩa đích thực của hai chữ vô thần, khác hẳn cách định nghĩa thường thấy trong từ điển.
Đại Sư nói tiếp:
- Một người có thể tin tưởng vào tất cả các giáo đường trên thế gian, y có thể mang trong đầu tất cả kinh điển đã được viết ra, y có thể làm phép rửa cho mình ở tất cả các dòng sông trên trái đất, tuy nhiên nếu y chưa nhận thức được Trời thì tôi xếp y vào hạng vô thần số một. Còn một người có thể chưa hề bước vào một giáo đường nào, chưa từng cúng bái bao giờ, nhưng nếu người cảm thấy có Trời ở trong chính mình, và nhờ vậy mà được nâng lên khỏi những phù hoa hư ảo của trần gian, người ấy là một vị thánh.([5])
Câu chuyện của Đại Sư khiến chúng ta sợ.
Sợ rằng chúng ta đang hồn nhiên sống vô thần trong chính tôn giáo của mình.
04-6-2014
HUỆ KHẢI





([1]) Atheism: (a) a disbelief in the existence of deity; (b) the doctrine that there is no deity.
([2]) Atheist: a person who believes that God does not exist.
([3]) If you cannot see God in the human face, how can you see him in the clouds, or in images made of dull, dead matter, or in mere fictitious stories of our brain? I shall call you religious from the day you begin to see God in men and women, and then you will understand what is meant by turning the left cheek to the man who strikes you on the right.
([4]) Many years ago, I visited a great sage of our own country, a very holy man. We talked of our revealed books, the Vedas, of Bible, of Koran and of revealed books in general. At the close of the talk, this good man asked me to go to the table and take up a book; it was a book which among other things, contained a forecast of the rainfall during the year. The sage said “Read That”. And I read out the quantity of rain that was to fall. He said, “Now take the book and squeeze it”. I did so and he said “Why, my boy, not a drop of water comes out. Until the water comes out, it’s all book. So until your religion makes you realise God, it is useless.”
([5]) A man may believe in all the churches in the world, he may carry in his head all the sacred books ever written, he may baptise himself in all the rivers of the earth, still if he has no perception of God, I would class him with the rankest atheist. And a man may have never entered a church or a mosque, nor he performed any ceremony, but if he feels God within himself and is thereby lifted above the vanities of the world, that man is holy man, a saint.

Nẻo Về Tâm Linh 30/31


TRÒ BÊNH THẦY
Đức Phật Thích Ca có mười đại đệ tử, mỗi vị sở trường một lãnh vực. Nói như kiểu bây giờ thì mười vị ấy là Top Ten.
Đức Khổng Tử cũng có mười đại đệ tử, gồm các ông: Mẫn Tử Khiên, Bá Ngưu, Trọng Cung, Tể Dư, Tử Cống, Tử Hữu, Tử Lộ, Tử Du, Tử Hạ, Tử Trương. Cả nhóm “Top Ten” này được gọi chung là Thập Triết, được thờ trong Khổng Miếu.
Chuyện sau đây liên quan tới Tử Cống.
Tử Cống (họ Đoan Mộc, tên Tứ) sinh ở nước Vệ khoảng năm 520 trước Công Nguyên, kém hơn Đức Khổng chừng ba mươi mốt tuổi. Ông từng làm quan ở nước Vệ, nước Lỗ. Cuối đời ông ở nước Tề.
Tử Cống thường qua lại buôn bán giữa hai nước Tào và Lỗ, rất giàu. Vì thế, có thuyết cho rằng trong mấy năm Đức Khổng Tử và nhóm đệ tử ruột có được chi phí để chu du từ nước này sang nước khác đều nhờ vào đại gia Tử Cống tài trợ. Đức Khổng qua đời, Tử Cống dựng nhà ở luôn bên mộ thầy để chăm sóc và lo nhang khói suốt sáu năm dài.
Sách xưa chép rằng Tử Cống thông minh mẫn tiệp, có tài ăn nói; vì vậy khi làm quan ông hay du thuyết, tức là đi qua các nước Tề, Ngô, Việt, Tấn để đàm phán về các vấn đề chánh trị (na ná như Henry Kissinger ngày trước hay bà Hillary Clinton bây giờ).
Về tài biện luận của Tử Cống, Luận Ngữ (19:23-24) chép hai chuyện xảy ra ở nước Lỗ (quê hương Đức Khổng).
Lần nọ, quan đại phu nước Lỗ là Thúc Tôn Vũ Thúc nói với các quan đại phu trong triều:
- Tử Cống tài đức hơn Trọng Ni (Khổng Tử).
Quan đại phu Tử Phục Cảnh Bá (họ Tử Phục, tên Hà, tự Bá) bèn đem lời ấy thuật lại với Tử Cống. Tử Cống nói ngay:
- Bức tường rào nhà tôi chỉ cao tới ngang vai, nên người bên ngoài có thể nhìn thấy cái đẹp trong nhà tôi. Trái lại, bức tường rào nhà thầy tôi cao tới vài chục thước, nếu không bước qua cửa đi vào thì không sao thấy được vẻ đẹp và sự phong phú bên trong nhà thầy tôi. Tuy nhiên, hiếm người biết được cửa để bước vào. Vậy Thúc Tôn Vũ Thúc nói không đúng rồi!
Lần khác nữa, Thúc Tôn Vũ Thúc mở miệng chê bai Đức Khổng. Nghe vậy, Tử Cống bèn cãi:
- Chớ chê bai! Thầy tôi không ai chê được. Tài đức kẻ khác cao như gò như núi thì người ta có thể vượt qua được; còn tài đức thầy tôi cao như mặt trời mặt trăng, ai mà vượt qua nổi. Nếu chê bai thì chẳng tổn hại chi cho mặt trời, mặt trăng nhưng rốt lại chỉ cho thấy kẻ chê bai không biết cao thấp mà thôi.
Kể chuyện trò bênh thầy bên đạo Nho cũng nên nhắc tới bên đạo Phật.
Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (tạ thế khoảng năm 866, không rõ năm sinh) là tổ sáng lập phái Lâm Tế ở Trung Quốc. Phái này truyền sang Nhật Bản, Việt Nam…
Một thiền sinh thuộc phái khác “nổ” với học trò sư Lâm Tế:
- Thầy tôi giỏi làm phép lạ, vì vậy toàn thể môn sinh đều rất tôn kính. Tôi từng thấy thầy tôi làm nhiều việc phi thường vượt xa khả năng chúng ta. Còn thầy ông thì sao? Thầy ông biết làm những phép lạ kỳ diệu nào?
Học trò sư Lâm Tế đáp:
- Phép lạ huyền diệu nhất của thầy tôi là người chả thèm biểu diễn bất kỳ một xảo thuật thần kỳ nào để lòe học trò rằng người là bậc siêu phàm xuất chúng.
Bà Chiểu, 14-11-2012

HUỆ KHẢI

Nẻo Về Tâm Linh 29/31


TRIẾT LÝ ĐỒNG BẠC
Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác
là lòng ham muốn tiền bạc,
vì buông theo lòng ham muốn đó,
nhiều người đã lạc xa đức tin
và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.
1 Timôthê 6:10
Khi cuộc Nội Chiến (1861-1865) nổ ra, vì nhu cầu tài chánh, Quốc Hội Mỹ biểu quyết cho phát hành các tờ giấy bạc có mệnh giá năm, mười, và hai mươi đô la vào năm 1861. Tờ một đô la đầu tiên ra đời năm 1862. Tờ một trăm đô cỡ lớn (189×79mm) cũng ra đời năm ấy, đến năm 1928 nó được thu gọn lại (157×66mm) như tất cả các mệnh giá khác.
Dòng chữ IN GOD WE TRUST (Ta tin có Trời) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1957, và được in trên mặt lưng tờ một đô la. Ở mặt lưng các tờ đô la hiện hành đều có bốn chữ này in phía trên; riêng tờ hai đô in phía dưới.
Đây là chuyện tôi nghe:
Một chú nhỏ được ông nội tặng cho tờ một đô mới tinh.
Ôm cháu vào lòng, ông cụ hỏi:
- Con sẽ mua món gì?
Phe phẩy tờ giấy bạc phẳng phiu trước mũi, như muốn ngửi cái mùi khen khét của nó, chú nhỏ ngẫm nghĩ một thoáng rồi đáp:
- Con để dành.
Ông cụ mỉm cười, xoa đầu cháu. Chỉ cho cháu thấy một hình tam giác nhỏ in bên trái mặt lưng tờ giấy bạc, ông hỏi:
- Cái gì đây?
­- Dạ, con mắt.
­- Con mắt tỏa hào quang, sáng lắm! Con hiểu gì không?
Chú nhỏ lắc đầu. Ông cụ thủng thỉnh giải thích:
- Từ xa xưa nhiều dân tộc trên thế giới đã tin có Trời, có Thượng Đế. Chúng ta không nhìn thấy Ngài, nhưng lúc nào Ngài cũng nhìn thấy hết mọi việc làm của chúng ta. Con mắt thần thông của Ngài xuyên suốt thế gian, chẳng có việc thầm lén, khuất lấp nào mà Ngài không nhìn thấy rõ. Bởi vậy, người Việt từ xưa đã nói: Trời cao có mắt.
Kinh Thánh chép rằng ông Adam và bà Eva có hai con trai đầu lòng là Cain và Abel. Vì ghen tỵ với em ruột, Cain giết chết Abel.
Một nhà văn, nhà thơ người Pháp lỗi lạc là Victor Hugo sáng tác bài thơ Lương Tâm kể rằng sau khi phạm tội, Cain chạy trốn khắp nơi, dù đồng sâu hay rừng rậm, dù núi non hay thung lũng, v.v… đâu đâu kẻ sát nhân cũng không tránh khỏi con mắt của Thượng Đế từ trời cao nhìn xuống. Thậm chí, các con trai của Cain làm nấm mộ giả để cha họ chui xuống trốn nhưng kẻ tội lỗi rốt cuộc vẫn không thoát khỏi ánh mắt phán xét của Trời.
Con nhìn dòng chữ này đi. Bốn chữ này nghĩa là Ta tin có Trời. Tại sao lại in như vậy trên các tờ giấy bạc?
Con biết không, trên thế giới này trong biết bao năm qua đã có vô số người tiêu xài những tờ giấy bạc như thế này, họ đổ mồ hôi sôi nước mắt, thậm chí đổi cả mạng sống để giành giật những tờ giấy bạc lớn hơn thế này, nhưng có lẽ chẳng mấy ai bận tâm suy nghĩ xem bốn chữ Ta tin có Trời này muốn nhắn nhủ họ điều gì.
Vậy thì hôm nay ông tặng cháu một đồng làm kỷ niệm. Cháu hãy luôn nhớ rằng ta tin có Trời. Tin rằng Trời nhìn thấy rõ tất cả mọi việc ta làm. Cháu cũng như mọi người đều cần tiền, đều phải làm việc để kiếm tiền, nhưng cháu hãy nhớ đừng vì cần tiền mà phạm tội. Cũng vậy, khi có nhiều tiền cháu chớ lạm dụng đồng tiền để làm điều tội lỗi. Cháu hãy biết dùng tiền sao cho kẻ khác đừng đau khổ, hoặc giúp họ được vơi bớt khổ đau.
22-8-2012
HUỆ KHẢI


Nẻo Về Tâm Linh 28/31


THẦY VÀ TRÒ
Đây là chuyện tôi nghe:
Sri (Đức) Ramakrishna (1836-1886) là sư phụ của Swami (Đại Sư) Vivekananda (1863-1902). Cả hai đều là danh gia lừng lẫy trong giới Huyền Học (Mysticism). Nhưng về hoàn cảnh xuất thân thì hai thầy trò rất tương phản nhau.
Thầy thuở nhỏ sinh ra ở nông thôn, cha mẹ bần hàn, học hành ở trường quê không nhiều. Trò sinh trưởng giữa chốn thị thành hoa lệ, được học hành tới nơi tới chốn, cha mẹ trí thức và giàu có. Thầy mộc mạc bao nhiêu, thì trò tài hoa, nghệ sĩ bấy nhiêu.
Thuở thiếu niên kẻ học trò ấy có tên là Narendra, giỏi nhạc, hát hay, thể dục thể thao chẳng kém… Khi tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân ở Ấn Độ, chàng trai ấy có được vốn tri thức phong phú thuộc nhiều lãnh vực, nhất là sử học và triết học phương Tây.
Nhưng chàng tuổi trẻ không hài lòng với tri thức thế gian vì bẩm sinh sẵn có xu hướng về tâm linh. Thế nên trước khi tốt nghiệp đại học khoảng hai hay ba năm, kẻ thiếu niên ấy luôn băn khoăn, luôn thao thức với một câu hỏi về Thượng Đế.
Người ta kể rằng vì muốn tìm được giải đáp nên có lần kẻ thiếu niên ấy đi tới sông Hằng, xin yết kiến một đạo sư (guru), là cha của thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941), người đoạt giải Nobel Văn Chương 1913.
Thân phụ của thi hào là Debendranath Tagore (1817-1905) bấy giờ đang neo thuyền bên bờ dòng sông thiêng nước Thiên Trúc.
Bậc đạo sư có tiếng uyên bác, quảng kiến đa văn không khỏi sửng sốt khi nghe kẻ thiếu niên hỏi:
- Thưa Ngài, Ngài đã gặp Thượng Đế chưa?
Người kể lại chuyện không cho biết vị đạo sư trả lời câu hỏi ấy ra sao, mà chỉ bảo rằng thân phụ của Tagore cố an ủi chàng trai, khen chàng có đôi mắt của người chuyên luyện yoga, và khuyên chàng hãy ngồi thiền để trưởng dưỡng tâm linh.
Không nói thì cũng rất dễ đoán được rằng chàng trai quá thất vọng, nên sau đó lại tiếp tục tìm kiếm câu trả lời khác.
Vào tháng 11 năm 1881, chàng trai mười tám xuân xanh tìm tới gặp Đức Ramakrishna lần đầu tiên. Trong ngôi đền thiêng của đạo Bà La Môn, không thèm rào đón dông dài, chàng mở miệng hỏi ngay:
- Thưa Ngài, Ngài đã gặp Thượng Đế chưa?
Chẳng hề do dự, Đức Ramakrishna đáp liền:
- Có chứ! Ta thấy Thượng Đế còn rõ ràng hơn ta thấy cậu đứng đây bằng xương bằng thịt. Ta chuyện trò với Ngài còn thân mật hơn ta nói với cậu. Nhưng mà con trai ơi, hỡi kẻ muốn gặp Thượng Đế! Thiên hạ đã tuôn đổ biết bao nước mắt thương tiếc cho tiền bạc, vợ chồng, con cái của họ. Phải chi họ cũng khóc lóc như vậy vì Thượng Đế chỉ một ngày thôi, thì chắc chắn họ sẽ gặp được Ngài.
Nghe giọng nói mang đầy âm sắc “nhà quê” trả lời chắc nịch như đinh đóng cột, chàng trai rúng động. Bằng trực giác siêu nhiên, bằng mối nhân duyên thầy trò tiền định, ngay lúc ấy chàng trai lập tức nhận thức rằng câu trả lời của vị Thánh sống hoàn toàn không đến từ sách vở, lý thuyết.
Bởi thế, chàng đã tìm gặp sư phụ của mình, và Ramakrishna đã tìm được đại đệ tử để truyền trao y bát kế thừa đạo nghiệp. Đại Sư Vivekananda đã ra đời từ chính buổi sơ ngộ ấy. Đạo Bà La Môn sau này được giới thiệu ở một số nước Âu Mỹ một phần lớn nhờ Đại Sư Vivekananda trực tiếp trình bày.
Có dịp nói về thầy mình, Đại Sư Vivekananda bảo:
- Thầy tôi không phải là người được ăn học, nhưng thầy là cái học được hiển bày qua hình dáng con người.([1])
13-5-2014
HUỆ KHẢI




([1]) My master was not learned but learning personified.

Nẻo Về Tâm Linh 27/31


SAO KHÔNG LÀ BÂY GIỜ?
Trong tiếng Anh, thành ngữ Pyrrhic victory (chiến thắng của Pyrrhus) có nghĩa là một thắng lợi đánh đổi bằng một tổn thất rất lớn. Nói khác đi, nếu đem cả thắng lợi và tổn thất đặt lên bàn cân thì thắng lợi đó hầu như bị triệt tiêu, trở thành vô nghĩa.
Chẳng hạn, ai đó muốn đeo đuổi một vụ kiện lớn, và họ được người am hiểu luật pháp can gián: “Vụ này sẽ dây dưa rất mất thời gian và rất tốn kém tiền bạc. Vì vậy, nếu may ra thắng kiện, chẳng qua cũng chỉ là chiến thắng của Pyrrhus!”
Pyrrhus (hay Pyrrhos) sinh khoảng năm 318 và mất năm 272 trước Công Nguyên, là một trong những địch thủ dữ dằn nhất của quân La Mã. Năm 279 trước Công Nguyên, lúc đang làm vua xứ Epirus (nằm ở Đông Nam châu Âu, giữa Hy Lạp và Albania), Pyrrhus đánh một trận long trời lở đất với quân La Mã do Publius Decius Mus chỉ huy. Đó là trận đánh thành Asculum ở miền Apulia (phần đất phía Nam nước Ý). Cuối cùng Pyrrhus thắng trận, nhưng bản thân vua bị thương nặng, nhiều tướng giỏi của ông tử trận, quân đội tinh nhuệ của Epirus bị tổn thất quá nặng nề!
Vua Pyrrhus có một bạn thân là Cyneas, và đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm Cyneas vào triều gặp vua Pyrrhus và hỏi:
- Tâu Đức Vua, nếu đánh bại La Mã, kế tiếp ngài sẽ làm gì?
Pyrrhus đáp:
- Sicily ở bên cạnh và ta sẽ lượm nó dễ ợt như lấy đồ trong túi.
- Và sau Sicily ngài sẽ làm gì nữa?
- Qua Bắc Phi chiếm thêm xứ Carthage.
- Tâu Đức Vua, thế rồi sau Carthage?
- Ta sẽ định đoạt số phận Hy Lạp.
- Và sau tất cả những chiến thắng vẻ vang ấy, tâu Đức Vua, cuối cùng ngài sẽ làm gì?
Pyrrhus cười lớn:
- Bấy giờ ta sẽ xả hơi và tận hưởng thanh nhàn.
Cyneas kính cẩn nói:
- Tâu Đức Vua, vậy sao ngài không hưởng nhàn ngay lúc này? Sao không là bây giờ?
Chuyện kể trên phần nào có hơi hướm giống như chuyện thứ hai dưới đây:
Một giáo sư lừng lẫy của Viện Đại Học Harvard danh giá, rất giỏi dạy nghề kinh doanh, đang nghỉ mát ở một bờ biển nổi tiếng. Chiều chiều dạo chơi trên bãi cát đẹp, ông đều thấy một người đàn ông nằm phè ra hưởng thụ thiên nhiên hữu tình. Một hôm lân la đến làm quen, giáo sư hỏi:
- Có lẽ ông cũng là du khách?
- Không, tôi sống ở đây lâu năm rồi.
- Ồ!... Chiều nào tôi cũng gặp ông nằm thư giãn ở đây, trông rất thoải mái và điệu nghệ. Xin lỗi, nếu tôi đoán không lầm thì ông thuộc hàng đại gia ở địa phương này.
Người kia cười ngất:
- Đại gia tiểu gia gì đâu! Tôi chỉ là thợ câu. Mỗi ngày kiếm đủ ăn ba bữa, xong xuôi ra đây nằm chơi cho sướng.
- Thế à! Tôi có thể bày cho ông cách làm giàu. Ông sẽ lập nhà máy thủy hải sản…
- Rồi sao nữa?
- Công ty ông sẽ phát triển thành công ty đa quốc gia. Ông là đại tỷ phú, thường xuyên đáp máy bay thượng hạng đi khắp thế giới để coi sóc việc kinh doanh...
- Rồi sao nữa?
- Ông sẽ giàu tới mức không còn muốn kiếm tiền nữa. Khi ấy, ông sẽ nghỉ ngơi và mặc tình hưởng thụ thỏa thích những bãi biển đẹp mê hồn như thế này.
- Ủa! Chớ ông không thấy tôi đang tận hưởng nó à? Cần gì phải mệt trí nhọc xác thêm mấy chục năm như ông bày vẽ!
04-3-2013

HUỆ KHẢI

Nẻo Về Tâm Linh 26/31



PHÉP LẠ CUỐI ĐƯỜNG HẦM
Xin tha nợ cho chúng con
cũng như chúng con tha nợ người khác.
Matthêu 6:12
Đây là chuyện tôi nghe:
Là con trai một võ sĩ (samurai), Toàn Khai (Zenkai) rời quê nhà tới Giang Hộ (Edo) hầu cận một ông quan. Dan díu với vợ quan, chuyện vở lỡ, anh giết ông chồng rồi dắt người tình trốn đi, trở thành hai kẻ trộm cắp. Người tình ấy quá tham lam, Toàn Khai khinh ghét, bỏ trốn tới một nơi xa xôi là Phong Tiền (Buzen) xin ăn qua ngày.
Trong vùng có một dốc núi hiểm trở làm nhiều người mất mạng. Để sám hối tội lỗi, Toàn Khai bắt tay đào một đường hầm xuyên núi. Ban ngày xin ăn, ban đêm đào hầm, chỉ dùng đục và búa.
Toàn Khai đào được hai mươi tám năm thì con trai ông quan lần dò ra tung tích kẻ thù và tìm tới đường hầm dang dở ở Phong Tiền. Bằng lòng chịu chém để trả món nợ oan khiên, nhưng Toàn Khai khẩn khoản xin gia hạn cho tới khi đào xong đường hầm. Kẻ báo thù ngẫm nghĩ rồi ưng chịu.
Thời gian chờ đợi quá lâu, để quên đi buồn chán vì nhàn rỗi, kẻ đòi nợ máu bèn cầm búa và đục chỉ để tiêu khiển nhất thời. Rốt cuộc, anh hóa ra siêng năng, lẳng lặng phụ giúp Toàn Khai suốt hai năm. Trong hai năm đục núi sát cánh bên nhau, nhân cách của kẻ tội đồ nhất tâm ăn năn sám hối dần dần chinh phục anh trọn vẹn.
Sau ba mươi năm, Toàn Khai đào được đường hầm dài khoảng một trăm tám mươi lăm mét. Đường hầm hoàn tất, Toàn Khai ném búa đục xuống, thản nhiên ngửa cổ đón chờ lưỡi gươm báo oán bổ xuống. Kẻ kia nước mắt ràn rụa thốt: “Làm sao con giết sư phụ của con được!”
Đường hầm ấy ngày nay là một điểm du lịch nổi tiếng của Nhật, ở thị trấn xưa gọi là Da Mã Khê Đinh (Yabakei), nay là một phần của thành phố Trung Tân (Nakatsu), thuộc huyện Đại Phân (Ōita). Người Nhật gọi nó là Thanh Nô Động Môn (Aonodōmon), nghĩa là đường hầm xanh; có sách gọi là đường hầm Toàn Khai (Zenkai tunnel).


Đường hầm Toàn Khai ngày nay.

Trong Phúc Âm, Thánh Gioan (9:1-41) chép rõ việc Chúa cứu chữa kẻ mù bẩm sinh được sáng mắt. Người ấy được mở mắt để nhìn thấy và trọn lòng tin vào Con Thiên Chúa đang đứng trước mặt mình. Đó là phép lạ.
Toàn Khai cũng nhận được phép lạ khi chân thành thiết tha sám hối tội lỗi. Đó là lúc kẻ tội đồ được mở mắt để nhìn thấy công lý được thực thi: Không phải mắt đền mắt, răng đền răng (Cựu Ước, Xuất Hành 21:24) mà là lòng khoan dung tha thứ.
30-7-2012

HUỆ KHẢI

Nẻo Về Tâm Linh 25/31



Mẹ Teresa (1910-1997)

NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT
Chớ khinh điều lành nhỏ,
nói rằng chẳng đưa lại quả báo cho ta.
Phải biết giọt nước nhểu lâu ngày cũng đầy bình.
Kinh Pháp Cú, 122
Mẹ Teresa (1910-1997), người Albania, giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979, được tôn phong Chân Phước ngày 19-10-2003.
Đây là chuyện tôi nghe:
Ngày 07-10-1950 Mẹ được phép Vatican thành lập Dòng Tu Thừa Sai Bác Ái tại thành phố Calcutta (Ấn Độ), bấy giờ chỉ vỏn vẹn mười ba tập sinh. Đầu năm 2012, Dòng Tu của Mẹ đã có trên bốn ngàn năm trăm nữ tu, hành đạo ở một trăm ba mươi ba quốc gia, trong đó có Úc.
Mẹ đến Úc lần đầu vào năm 1969, để mở một nhà tu tại thị trấn Bourke, nằm phía tây bắc bang New South Wales. Năm 1970, Mẹ quay lại Úc mở thêm một nhà tu tại thủ phủ Melbourne của bang Victoria. Sau đó mấy năm, Mẹ đến Úc thêm một lần nữa. Năm 1985 Mẹ qua Úc lần cuối cùng.
Mẹ Teresa có mẩu hồi ức nhỏ, nhan đề Hãy Nhớ Những Điều Nhỏ Nhặt (Remember the Small Things), kể chuyện một thổ dân Úc. Theo văn bản tôi có, Mẹ không nói rõ chuyện ấy xảy ra ở địa phương nào, năm nào. Trong một hồ sơ của các nghị viên Úc ở bang New South Wales, ông Bill Beckroge thuật lại rằng vào năm 1985, Mẹ đã làm cho các ông “sốc” khi đả động tới vấn đề các ông luôn né tránh, đó là cách các ông đối xử với thổ dân Úc.([1])
Ở Úc có những khu vực dành riêng cho thổ dân, gọi là reservations. Tại một khu như thế, Mẹ gặp một thổ dân cao tuổi. Mẹ kể:
Tôi dám chắc các bạn chưa bao giờ nhìn thấy một hoàn cảnh khó khăn như ông lão nghèo khổ ấy. Mọi người hoàn toàn làm ngơ ông. Nhà ông luộm thuộm, nhếch nhác. Tôi nói:
- Làm ơn để tôi dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ áo quần, dọn giường giúp ông nhé?
- Tôi thấy có sao đâu! Cứ để yên như vậy.
- Tuy nhiên, ông sẽ thấy tốt hơn nếu để tôi dọn dẹp giúp ông.
Cuối cùng, ông lão bằng lòng. Thế là tôi dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ cho ông. Tôi tìm thấy một cây đèn đẹp, bám đầy bụi. Chỉ có Trời mới biết bao nhiêu năm rồi ông không thắp đèn. Tôi hỏi:
- Ông không thắp đèn ư? Chả bao giờ dùng đèn sao?
- Phải. Có ai ghé thăm đâu. Cần gì thắp đèn. Thắp cho ai đây?
- Nếu mỗi tối các nữ tu tới, ông thắp đèn chứ?
- Dĩ nhiên rồi.
Từ hôm đó các nữ tu tối nào cũng tới. Chúng tôi lau chùi cây đèn, và đêm đêm các nữ tu lại chong đèn sáng.
Hai năm trôi qua, tôi quên hẳn ông ấy. Ông gởi lời nhắn này: “Xin bảo bạn tôi biết rằng ngọn đèn bà thắp lên trong đời tôi vẫn tiếp tục tỏa sáng.”
Kết thúc câu chuyện, Mẹ Teresa viết: Tôi đã nghĩ đó là điều rất nhỏ. Chúng ta thường hay lơ là những điều nhỏ nhặt.([2])
*
Trong quyển 4 bộ sách Những Chứng Từ Cho Giáo Hội, viết thư cho một cậu bé mồ côi (bài 47), Ellen G. White khuyên:
“Khi bận bịu với những điều nhỏ nhặt cần thiết này, cậu thật sự đang phục vụ nhiều hơn những lúc lu bu với chuyện to tát, nhọc nhằn.” ([3])
Phục vụ cho người khác vô vụ lợi, như việc Mẹ Teresa và các nữ tu giúp ông lão thổ dân Úc, thánh giáo Cao Đài gọi là công quả.
Đức Chí Tôn (Cao Đài Tiên Ông) dạy:
“Các con đã từng nghe Thầy dạy rằng công quả dầu nhỏ nhoi đến độ nào cũng là công quả, không mất đâu. Các con cố gắng mót bòn dành dụm trong khoảng đời tu học như con kiến tha mồi lâu ngày ắt đầy ổ đó các con.” ([4])
11-9-2012
HUỆ KHẢI





([1]) “Mother Teresa came to Australia in 1985 and shocked us by saying something that we all knew but did not want to talk about – the way that we had treated our indigenous persons.” http://www.parliament.nsw.gov.au/prod/parlment/hansart.nsf/V3Key/LA19970917007
([2]) “I thought it was a very small thing. We often neglect small things.”
([3]) “When engaged in these necessary small things, you are doing more real service than when engaged in large business and in laborious work.” Ellen G. White: Testimonies for the Church, Vol. 2, article 47: Letter to an Orphan Boy.
([4]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 29-3-1972.

Nẻo Về Tâm Linh 24/31




NHÃN TỰ
Ghé thăm tôi, anh nói:
- Cháu gái bác đi học về có nhờ tôi giải thích hai chữ nhãn tự trong thơ. Tôi hiểu lờ mờ, đang còn khất nợ cháu.
- Tôi cũng chả rành rẽ chi đâu, bác liều liệu mà trả lời cho cháu. Rủi ro cách hiểu của tôi không khớp với kiến giải quý thầy cô trong trường cháu thì sẽ phiền cho cháu.
Tự là chữ thì rõ rồi, nhưng nhãn là gì? Xưa nay tôi thấy sách vở hay giải thích nhãn là con mắt. Thế nên không ít người đã bàn luận dài hơi về cái gọi là “con mắt thơ”.
Tôi tìm hiểu, thấy rằng ngoài nghĩa là con mắt thì nhãn còn có nghĩa là phần trọng yếu, then chốt, tương tự như chữ crux trong tiếng Anh. Vậy nhãn tự là chữ then chốt, chữ mấu chốt; mình dịch là crucial word cũng được, mà dịch là key word cũng xong.
- Bác cho tôi một thí dụ về nhãn tự.
- Ngoài Quảng Nam có anh đạo hữu Cao Đài làm thơ là Nguyễn Văn Sanh. Anh ấy qua đời mấy năm nay rồi. Có hai câu thơ của anh mà tôi rất thích:
Qua ghềnh thác vịn câu kinh
Qua năm tháng vịn công trình, công phu.
Người chân tu chỉ biết nương tựa vào câu kinh, nương tựa vào quá trình rèn luyện đức hạnh (công trình), nương tựa vào tham thiền (công phu) để vượt qua cuộc đời trầm luân, bất trắc. Giống như khi về miền Tây, bọn mình không quen đi cầu khỉ chênh vênh, lắt lẻo, phải vịn chắc thanh tre cho khỏi lọt té. Chữ vịn trong câu thơ của anh Sanh theo tôi là nhãn tự. Anh còn lặp lại chữ vịn khiến tôi nghĩ tới một động tác múa. Lặp lại một động tác múa để người xem lưu ý, nhận thức rõ hơn. Cũng như nhấn mạnh.
29-8-2012

HUỆ KHẢI

Nẻo Về Tâm Linh 23/31


Người thu thuế, tranh của Henry Holiday (1876)

NGƯỜI THU THUẾ
Có sông mới đóng ra thuyền
Có người tội lỗi mới truyền pháp tu.([1])
Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch
Nhân viên thu thuế được nhắc tới nhiều lần trong Phúc Âm. Chẳng hạn, Thánh Luca (7:34) chép lời Chúa: “Ðây là tay ăn nhậu, bn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.”
Người phương Tây nói: “Hãy cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào.” Suy ra, ai chịu làm bạn bè với quân thu thuế như Chúa nói, thì họ đích thị là kẻ xấu xa; cũng như ông bà mình bảo ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.
Hình ảnh người thu thuế trong Phúc Âm có lẽ luôn luôn giống như nhân vật phản diện trong kịch, tuồng hát, phim truyện... Giải thích điều này, có người bảo vào thời ấy giới thu thuế rất bại hoại. Là người Do Thái mà họ hăng hái vơ vét tiền thuế cống nạp cho quân La Mã xâm lược thì đúng là phường phản bội dân tộc. Tệ hơn nữa, quân La Mã còn dung túng cho họ thu thuế cao hơn quy định để họ mặc sức “ngắt nhéo” chỗ lạm thu bỏ vào túi riêng cho vừa lòng tham không đáy.
Tính cách xấu xa của giới thu thuế từng được phản ánh qua một dụ ngôn của Chúa. Chúa bảo rằng một hôm có người Pharisêu và người thu thuế tình cờ vào đền thờ cầu nguyện cùng một lượt. Người Pharisêu bèn đứng tách xa ra (vì khinh bỉ và sợ gần mực thì đen). Khi cầu nguyện, y vừa tự khen mình vừa xỏ xiên người thu thuế như sau: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoc như tên thu thuế kia.” (Luca 18:10-11)
Dịp khác, khi dạy môn đồ biết sửa lỗi cho bạn đạo, Chúa bảo: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. (…) Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa (…). Nếu nó vẫn không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay mt người thu thuế.” (Matthêu 18:15-17)
Như vậy, phải chăng lời Chúa hàm ngụ rằng giới thu thuế là hạng đáng bỏ đi?
Thật ra, Chúa vẫn dang tay cứu vớt những người thu thuế tội lỗi. Lần nọ, khi vào thành Giêrikhô, Chúa đã ban ơn cứu độ một người thu thuế rất tai tiếng là ông Dakêu (Luca 19:1-10).
Trước khi trở thành một trong mười hai sứ đồ của Chúa, Thánh Matthêu (tên thật là Lêvi) từng làm nghề thu thuế cho đế quốc La Mã. Một hôm Ðức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thấy Matthêu đang ngồi đó, Chúa bảo: “Anh hãy theo tôi!” (Matthêu 9:9; Maccô 2:14). Thế là Matthêu đứng dậy đi theo Chúa.
Khi đến nhà Matthêu ăn cơm, Chúa bị những kẻ đạo đức giả trách cứ tại sao lại ngồi chung bàn ăn uống với bọn thu thuế tội lỗi (Maccô 2:15,16).
Chúa đáp: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” (Matthêu 9:12; Maccô 2:17)
Lời Chúa dạy như thế khiến chúng ta nhớ lời Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế (Cao Đài Tiên Ông) khuyến nhủ:
“Các con ơi! Nếu thế gian này là cõi toàn thiện thì Thầy không đến đây mở Đạo làm gì. Các con thử nghĩ: Nếu nhơn sanh không bị thiên tai hạn hán, bão lụt chiến tranh tàn phá, hỏa hoạn thiêu đốt, thì họ đâu cần chi tới đoàn người cứu trợ ủy lạo. Nếu nhơn sanh không đau ốm bịnh tật thì họ đâu cần gì đến đoàn bác sĩ, lương y. Nếu nhơn sanh học giỏi, văn hay chữ tốt thì họ đâu cần gì đến đoàn người giáo dục mở lớp khai trường. Nếu nhơn sanh thuần chơn đạo đức, không đi trong hố sâu tội lỗi, khổ sở tinh thần thì họ đâu cần gì đến đoàn người hướng đạo đem giáo lý đến cho họ.” ([2])
04-9-2012
HUỆ KHẢI




([1]) Thánh thất Từ Quang (Quảng Nam), ngày 18-02-1948.
([2]) Thiên Nguyệt Lâm Huyền Châu (Hội Thánh Minh Chơn Đạo), ngày 26-8-1969.