Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

34 ƯỚC MƠ CỦA MÁ CON TÔI (AI ĐO LÒNG BIỂN)


ƯỚC MƠ CỦA MÁ CON TÔI
Nhà báo Mỹ JIM BISHOP, bút danh của James Alonzo Bishop (1907–1987), còn là tác giả rất ăn khách đã xuất bản hai mươi mốt đầu sách. Trong hồi ức này, ông kể lại một kỷ niệm về mẹ (bà Jenny Tier Bishop, vợ của cảnh sát John Bishop). Cuộc sống vất vả trong cảnh thiếu thốn vào thời kỳ kinh tế suy thoái đã buộc người mẹ cam lòng chịu mất đi ước vọng mà phải khó khăn lắm mới thực hiện được. Đến khi đứa con trai có thể hoàn lại mẹ cái ước mơ mà bà từng cam đành để cho vuột mất thì tất cả đều đã muộn, muộn đến xót xa. Nhưng như thế vẫn tốt hơn là không bao giờ còn có cơ hội sau cùng...
*
Má con tôi đều là người mơ mộng. Khi ngày đã dịu bớt gay gắt, hai má con ngồi trên bãi biển, thọc ngón chân vùi vào cát nóng. Những cơn sóng cả chầm chậm xô vào bờ, lưng ngọn sóng nhô cao màu xanh lục. Chúng bổ ầm vào, bọt nước vỡ tung trắng xóa, và má con tôi ngồi yên, lặng lẽ hưởng làn gió hây hẩy xua đi ánh mặt trời hừng hực trên mặt.
Má ba mươi bốn, tôi lên mười. Má thấp người, tròn trĩnh, là một phụ nữ nuớc da sáng, tóc nâu nhạt lấp loáng ánh đồng thau. Má nhiều nữ tính và đoan trang, đứng đắn.
Tôi hỏi má ước mơ gì. Má cười vò rối mớ tóc ướt nhẻm của tôi và bảo: “Con là chú nhỏ tò mò đấy.” Tôi đáp: “Đúng vậy, má à.”
Má nói cho tôi nghe ước mơ của má. Một ngày nào đó, khi ba có nhiều tiền, ba sẽ mua cho má đôi bông tai gắn hột xoàn. Dĩ nhiên chẳng phải cặp hột to lớn gì. Má kéo tai ra, bảo: “Con nhìn nè, hồi mười lăm tuổi má đã xỏ lỗ tai. Liệu má có xinh hơn khi đeo những hột xoàn nho nhỏ?”
Tôi đáp: “Đẹp chứ má. Chắc chắn là đẹp mà.”
Má hỏi mộng ước của tôi là gì. Tôi đáp khi lớn lên tôi sẽ mua một căn nhà ngay chỗ này, trên bãi biển này. Ngày ngày, tôi sẽ có thể nhìn ra biển, mọi lúc biển lặng hay động. Nhà tôi sẽ có các gia nhân không phải làm gì cả ngoại trừ việc mang đến cho tôi những khay bằng bạc chất đầy kẹo dẻo và những thỏi sô cô la.
Má cúi xuống nhìn tôi, búi tóc đu đưa sau gáy. Má cười trước điều tôi mơ ước, và bảo: “Thật con nít!” Tôi rút chân lên khỏi lớp cát, rồi chạy cật lực để đón đầu một đợt sóng lớn cuộn vào.
Ước mơ của má đã thành sự thật. Ba sắm cho má cặp bông tai hột xoàn. Là những hạt như mảnh băng nhỏ xíu đính vào cuống lớn bằng vàng. Má ngồi trước gương, hết xoay đầu bên này lại xoay qua bên kia. Mỗi tháng ba trả dần một ít tiền mua món đó, suốt cả thời gian dài.
Tôi mừng thấy má được trọn ước mơ. Khi ba má diện đồ ra ngoài, tôi bảo trông má đẹp lắm. Má thật sự không xinh đẹp, nhưng má ngẩng đầu như một bà hoàng khi đeo đôi bông tai ấy.
Rồi đến thời buổi mà ba gọi là “khó khăn”. Đôi bông tai biến đi đã lâu tôi mới nhận ra. Khi tôi hỏi, má mỉm cười trong nước mắt, và bảo: “Ba đem cầm rồi. Ba sẽ chuộc lại.”
Những ngày ấy cảnh sát được trả lương thấp, và rồi thành phố còn cắt giảm thêm mức lương bèo bọt của họ. Má tự may lấy quần áo cho cả nhà. Đêm đêm, má khâu những chiếc nơ nhỏ hình bông hồng đính lên các băng lụa nịt vớ, kiếm mỗi chiếc một xu. Mỗi năm, má đều trả lãi cho món đồ đem cầm.
Thế rồi, mùa hè kia, má thúc thủ. Đến ngày nộp lãi, nhưng má lờ đi. Má bảo: “Bông tai là một hình thức phù phiếm mà mình không đủ sức cáng đáng.”
Những vận may lớn đôi khi cũng đến với một người ít ra là một lần. Nó đã đến với tôi. Một quyển sách tôi viết trở thành tác phẩm ăn khách nhất ở mười sáu nước. Tôi mua một căn nhà trên bãi biển. Ước mơ của tôi đã hiện thực.
Khi nhà cửa xong xuôi, tôi mời ba má đến. Không có những gia nhân mang các khay đựng kẹo đâu, nhưng căn nhà ở đúng bãi biển năm xưa. Tóc tôi nay bạc màu, nhưng những ngọn sóng vẫn ầm ầm sức trẻ trung thuở ấy.
Tôi trao má cái hộp bọc nhung và nói: “Giờ là lúc để má ước mơ.” Hai bàn tay má bắt đầu run rẩy. Má bảo ba: “Anh John, giúp em với. Em lóng cóng quá!”
Ba mở hộp ra và lắp bắp: “Jenny, đẹp quá!” Má vò tóc tôi. Đôi bông tai được xỏ vào đúng vị trí. Má hỏi: “Trông má thế nào?”
Ba và tôi trả lời: “Đẹp lắm!”
Má không thể nói gì.
Nhiều năm rồi đôi mắt má đâu còn nhìn được nữa...
Huệ Khải
05-7-1999
Theo Jim Bishop, Dreams Do Come True, 1974.


33 TIỆC TRÀ CÓ MẸ (AI ĐO LÒNG BIỂN)

Image result for tea party clipart black and white
TIỆC TRÀ CÓ MẸ
MARGIE M. COBURN kể chuyện thời còn là nữ sinh:
Tôi không nghĩ là mẹ sẽ đến. Lâu nay tôi cứ lặp đi lặp lại mãi lời xin lỗi về sự vắng mặt của mẹ trong những dịp sinh hoạt ở trường.
Khi cô giáo dạy môn nữ công gia chánh thông báo rằng đám nữ sinh trung học lớp tôi sẽ tổ chức một buổi tiệc trà trang trọng để mời mẹ mình tới dự thì tôi đã chắc mẩm rằng tôi sẽ không có cơ hội nào để khoản đãi mẹ trong buổi tiệc đặc biệt này.
Thế nên tôi sẽ không bao giờ quên được cái lúc bước vào căn phòng trang hoàng rực rỡ thì thấy mẹ đã có mặt. Nhìn mẹ ngồi đó bình thản, miệng tươi cười, tôi hình dung ra tất cả những công việc mà mẹ đã phải thu xếp, sắp đặt ở nhà để giờ đây mẹ có thể ngồi bên cạnh tôi suốt cả tiếng đồng hồ.
Ai đang trông chừng bà ngoại? Sau một cơn tai biến não, ngoại nằm liệt giường, và mẹ phải chăm lo cho ngoại hết mọi việc.
Ba đứa em gái tôi tan trường sẽ có mặt ở nhà trước khi mẹ về tới. Ai sẽ đón các em và xem bài vở của chúng?
Mẹ tới đây cách nào nhỉ? Nhà tôi không có xe riêng mà mẹ vốn chẳng dư tiền để đi tắc xi. Cuốc bộ tới trạm xe buýt thì xa, lại còn phải đi thêm ít nữa là năm dãy phố mới tới được trường tôi.
Và kìa mẹ mặc bộ đầm xinh xắn màu đỏ điểm những cánh hoa trắng, đúng là thứ dành đi dự tiệc trà. Nhà tôi làm gì sẵn tiền sắm sửa áo quần thế này, và tôi biết mẹ lại vay mượn tiền mới có được bộ cánh này.
Tôi hãnh diện quá! Tôi mang trà mời mẹ với lòng hoan hỷ biết ơn và khi tới lượt mình, tôi mạnh dạn giới thiệu mẹ với tất cả mọi người. Hôm ấy tôi ngồi với mẹ, y hệt như bao bạn bè khác trong lớp, và điều đó đối với tôi có ý nghĩa rất quan trọng. Ánh mắt thương yêu của mẹ bảo cho tôi biết rằng mẹ cũng hiểu được điều đó.
Tôi sẽ chẳng bao giờ quên đâu. Một trong những điều tôi tự hứa với lòng mình, hứa với các con tôi sau này là tôi sẽ luôn luôn đến dự tiệc trà của bọn trẻ. Lời hứa này khó mà giữ trọn trong cuộc sống bận bịu hôm nay. Nhưng trước mắt tôi là một tấm gương sáng đã khiến mọi lý do thối thác, bào chữa cho sự vắng mặt đều không hề thỏa đáng. Mai sau nếu như lòng chẳng muốn đi, thì tôi chỉ việc nhớ lại cái lần mẹ đã đến dự tiệc trà cùng tôi.
Huệ Khải
11-5-2002
Theo Margie M. Coburn, When Mother Came to Tea, 1997.

32 THÊM MỘT VĨ THANH (AI ĐO LÒNG BIỂN)



THÊM MỘT VĨ THANH
Trong bài trước, Jeanette Lisefski trân trọng đứa con, xem là món quà Thượng Đế trao ban, và chị không phải là người mẹ duy nhất nhận thức như vậy. RENEE R. VROMAN cũng xem con mình là quà tặng nhận được từ ơn Đấng Tạo Hóa. Hai người mẹ này (Jeanette và Renee) chẳng hẹn mà đồng điệu đến lạ lùng! Một dị biệt rất vặt vãnh là Renee không xưng “tôi” khi bày tỏ tâm tình; dẫu thế cũng chẳng ngăn trở bài viết của Renee được đặt tiếp nối sau Jeanette, như một vĩ thanh.
*
Đó là một ngày hè ấm áp lúc Thượng Đế đặt nó vào hai bàn tay chị. Chị run lên với niềm cảm xúc khi nhìn thấy nó có vẻ mỏng manh biết bao. Đây là món quà rất đặc biệt mà Thượng Đế giao phó cho chị. Một món quà mà mai này sẽ thuộc về cuộc đời. Từ nay tới đó, Thượng Đế sẽ dẫn dắt cho chị, và chị sẽ là người trông nom, giữ gìn nó. Chị nói rằng chị đã hiểu và trân trọng mang nó về nhà, quyết tâm sẽ không phụ lòng tin tưởng mà Thượng Đế đã đặt vào chị.
Lúc đầu chị khó lòng để nó ra ngoài tầm mắt, nhằm che chở nó trước bất kỳ điều gì mà chị nhận thấy là có hại cho sự an lành của nó. Chị trông chừng nó với lòng thắc thỏm âu lo lúc nó phải lộ ra ngoài cái vỏ kén mà chị đã bao lấy để che chắn cho nó. Nhưng chị bắt đầu nhận thức rằng chị không thể che chắn nó hoài được. Nó cần biết cách tồn sinh trước các yếu tố nghiệt ngã để trở thành vững chắc. Thế là bằng sự chăm sóc dịu dàng chị cho nó thêm không gian để tăng trưởng, đủ để cho phép nó phát triển tự nhiên, không bó buộc.
Nhiều đêm ngả lưng xuống giường, cõi lòng chị tràn ngập những nỗi lo thiếu sót bổn phận. Chị phân vân không biết mình có đủ năng lực để gánh vác cái trách nhiệm quá lớn lao đã được trao cho chăng. Khi ấy chị thường nghe trong âm thầm lặng lẽ có tiếng Thượng Đế trấn an chị rằng Ngài biết chị đang cố gắng hết sức. Và rồi chị thường ngủ thiếp đi một cách thư thái.
Càng lúc chị càng nhẹ lo hơn khi năm tháng trôi qua. Món quà ấy có mặt đã làm cuộc sống chị phong phú đến mức chị không còn nhớ trước khi có nó đời chị ra sao, và cũng chẳng tưởng tượng được nếu không có nó đời chị sẽ thế nào. Chị hầu như quên khuấy thỏa thuận của chị với Thượng Đế.
Một ngày kia chị nhận ra món quà ấy đã biến đổi quá nhiều. Nó không còn cái vẻ mỏng manh dễ bị thương tổn, hư hỏng nữa. Bây giờ dường như nó tỏa ra sức mạnh và vững vàng, cơ hồ nó đang phát huy một nội lực. Tháng tháng tiếp nối, chị nhìn thấy nó càng lúc càng khỏe mạnh cứng cáp hơn, và chị nhớ lại lời hứa của mình. Từ thâm tâm chị biết quãng thời gian chị được lưu giữ món quà sắp hết hạn rồi.
Cái ngày không tránh khỏi ấy đã tới khi Thượng Đế đến lấy lại món quà và mang nó tặng cho cuộc đời. Chị thấy buồn vô hạn, vì chị sẽ nhớ những khi nó thường xuyên có mặt trong đời chị. Với lòng biết ơn chân thành, chị cảm tạ Thượng Đế đã cho chị đặc quyền trông nom món quà quý báu này trong ngần ấy năm qua. Chị đứng thẳng người lên, hãnh diện, biết rằng quả thực nó là món quà rất đặc biệt. Là cái điểm tô bồi bổ thêm vẻ đẹp và tinh hoa của thế giới quanh nó.
Và người mẹ ấy đã để con mình bước vào cuộc đời.
Huệ Khải
17-8-2007
Theo Renee R. Vroman, The Gift, 1995.

31 TÂM TÌNH NGƯỜI MẸ (AI ĐO LÒNG BIỂN)


TÂM TÌNH NGƯỜI MẸ
Không chỉ là người mẹ có ba đứa con, JEANETTE LISEFSKI còn sáng lập hai tổ chức ([1]) tại thành phố Fairfield, bang Iowa (Mỹ), để trợ giúp các bà mẹ không đi làm, ở nhà làm bổn phận nội trợ. Trong bài viết sau đây chị bày tỏ hạnh phúc vô bờ khi được làm mẹ, vì theo chị, đó là hồng ân Thượng Đế ban trao.
*
Cháu len lén bước vào cõi này, lọt vào vòng tay tôi, là do Thượng Đế đặt để. Từ trời cao cháu đến thẳng đây. Một tặng vật không ngôn từ nào đủ sức diễn tả. Khi ngắm con gái mình, tôi cảm nhận quanh cháu ngập tràn an bình và thánh khiết. Nước mắt dâng trào vì chứa chan hạnh phúc, tôi thủ thỉ bên tai cháu: “Bố mẹ vui sướng vì có con ở đây. Bấy lâu nay bố mẹ mãi chờ mong con.” Hai mắt cháu mở ra, và tôi không còn là tôi nữa − khoảnh khắc thiên thu được lấp đầy bằng vô cùng của ý nghĩa cuộc sống. Trong đôi mắt trẻ thơ, tôi thấy được tròn vẹn một sự thừa nhận, một tình thương không điều kiện, một lòng tin cậy hoàn toàn. Tôi là mẹ. Trong khoảnh khắc ấy tôi cảm thấy, và thâm tâm tôi biết, mọi thứ tôi cần có để dìu dắt trẻ.
Nằm trên giường, cháu yên ngủ giữa bố giữa mẹ. Vợ chồng tôi săm soi đếm từng ngón tay ngón chân và ngạc nhiên thán thưởng sự hoàn hảo chứa đựng trong một hình hài bé bỏng. Chúng tôi tìm kiếm những nét nào cháu giống bố giống mẹ, và những nét nào là riêng của cháu. Chúng tôi lặng thinh mà tâm trí cứ xôn xao biết bao ý nghĩ − những kỳ vọng của chúng tôi và những ước mơ cho cháu, con người của cháu sau này, những gì cháu sẽ mang tặng cuộc đời và cung cách cháu tiếp xúc cõi người ta. Chỉ cần nhìn cháu và cảm nhận tình thương yêu ngọt ngào do cháu mang đến, cơ hồ mọi nhọc nhằn gian nan cuộc sống được nhấc ra khỏi đời chúng tôi, và những giá trị chân thật trọng yếu thế gian trở thành hiển hiện − y như thể chúng tôi đang giáp mặt một bậc hiền minh thánh triết. Thật khó mà khép mắt lại dỗ cho mình giấc ngủ.
Ngày tháng trôi qua, vợ chồng tôi kinh ngạc nhìn cháu lớn lên. Nụ cười đầu tiên, tiếng nói đầu tiên, bước chân đầu tiên − tất cả tuần tự đến trong đời cháu theo một cách đặc biệt. Cháu dạy cho vợ chồng tôi biết cách đùa chơi trở lại; biết sống chậm lại, biết nhìn lại cõi đời này. Để khám phá lại những gì chúng tôi xưa kia đã từng quen biết. Không có cháu thì có biết bao điều chúng tôi chẳng bao giờ có thể cảm nhận lại, nhìn thấy lại.
Thời gian thấm thoát; bỗng chốc mà cháu trưởng thành, ra dáng thiếu nữ trẻ trung, sẵn sàng bay vút vào trời xanh để trao tặng cuộc đời những gì là bổn phận của cháu khi bước xuống nhân gian. Thả tay ra để cháu tung cánh, chao ôi là đau lòng, nhưng chúng tôi biết cháu không phải là tài sản riêng cho chúng tôi níu giữ. Cháu đến với chúng tôi để dạy bài học làm cha làm mẹ, giúp chúng tôi hân hoan vui sướng, khiến chúng tôi được vẹn tròn và kết nối chúng tôi cùng Thượng Đế.
Huệ Khải
22-7-2008
Theo Jeanette Lisefski, An Indescribable Gift, 1997.




([1]) Hai tổ chức này tên là “the At-Home Mothers' Resource Center”, và “the National Association of At-Home Mothers”.

30 TẶNG VẬT QUÝ GIÁ (AI ĐO LÒNG BIỂN)


TẶNG VẬT QUÝ GIÁ
Tuổi thơ nào không thích nghe kể chuyện? Cha mẹ nào chưa từng một lần chia sẻ cùng trẻ nỗi hân hoan, lòng háo hức khi trẻ được người lớn ngồi bên kể chuyện? Kể chuyện hay đọc truyện như thế nào lại là một nghệ thuật. Biết cái nghệ thuật đó và biết trân trọng duy trì nó trong những năm thơ dại của trẻ là biết mang đến cho trẻ một tặng vật quý giá. Những câu chuyện thuở ấu thơ sẽ in dấu suốt đời con trẻ cả cho đến lúc chúng đã trưởng thành.
Câu chuyện của nhà báo RALPH KINNEY BENNETT gợi ý cho những ai làm cha làm mẹ nhận thức được ảnh hưởng quan trọng của những giờ phút kể chuyện bên con. Đó là những khoảng thời gian quý giá vô vàn, vậy mà có khi người lớn vì những bận bịu lo toan đời thường đã dễ dàng tìm được ít nhiều lý do để có thể an tâm lẫn tránh.
*
“Thôi nào các con, tới giờ đi ngủ rồi.” Thế là Roger và tôi, anh em sanh đôi, lại chạy ùa lên lầu để tròng vô bộ đồ ngủ. Má thường lên tới nơi với mấy cuốn sách cặp nách. Sau khi đọc kinh, chúng tôi nghiêng người chỏi lên khuỷu tay, trong lúc má ngồi ở cạnh giường. Giờ đây tôi vẫn nhìn thấy má nhẹ nhàng, lặng lẽ lần giở trang sách, má hít vô một hơi dài rồi bắt đầu đọc truyện.
Trong những đêm thần tiên ấy chúng tôi không đoán biết được mình sẽ gặp những nhân vật nào. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã ngồi bên cạnh má, dõi theo những nét chữ màu đen nhỏ xíu trên những trang sách trong khi giọng kể của má biến chữ nghĩa trở thành những hình ảnh rõ ràng sáng sủa…
Đến khi hai anh em tôi bắt đầu cắp sách đến trường, chúng tôi biết đọc. Chúng tôi theo hai nếp sinh hoạt văn chương. Ban ngày chúng tôi đọc những cuốn sách giáo khoa nhạt nhẽo trong đó có những đứa con trai con gái mặt mũi rám nắng nhồi banh trong những khoảnh sân chơi sạch sẽ gọn gàng, đi thăm những trại nuôi bò sữa và tán chuyện cùng các ông cảnh sát tươi cười. Ban đêm, giống như các ông hoàng xa xưa ôm cằm mê say nghe người kể chuyện của cung đình phục vụ, chúng tôi vui sướng ngập tràn trong lúc má đọc truyện… Và với từng chỗ ngắt quãng, lúc lên bổng xuống trầm, khi đọc diễn cảm, má đã dạy chúng tôi biết cách làm cho chữ nghĩa lên tiếng khóc cười hay khiến mình phải nhăn trán nghĩ suy.
Đến khi chúng tôi lên tám lên chín, những truyện đọc trước giờ đi ngủ đã trôi qua. Chúng tôi có những chồng sách của riêng mình. Vào buổi tối chúng tôi thường làm bài ở cái bàn ăn phủ lớp vải dầu trong nhà bếp cho đến lúc má với sách trong tay đi đến, bảo chúng tôi dừng lại. Má thường nói: “Các con hãy nghe này!” Công việc ở trường sẽ được bỏ qua một bên, và chẳng mấy chốc chúng tôi lại cười vui khi nhoài cả người trên ghế lắng nghe má đọc…
Năm tháng trôi qua, hai anh em tôi lớn lên, xa nhà vào đại học, rồi đi làm. Tôi thành phóng viên cho một nhật báo, Roger làm giảng viên Anh ngữ. Trước kia má chỉ mới học hết bậc trung học, nhưng sự giáo dục ở nhà trường chỉ là một phần nhỏ nhoi so với vốn liếng học thức má có được qua việc đọc sách. Má đã từng làm thơ ký, thợ giặt, đi đến từng nhà để chào bán mỹ phẩm, nấu ăn cho trường học, và giữ sổ sách kế toán cho một cửa hàng bán phụ tùng xe hơi. Cuối cùng má cũng theo chân tôi bước vào nghề báo. Má nhận một chân đọc và sửa bản in thử cho một loạt các tuần báo và rồi thăng tiến lên làm biên tập viên cho một tuần báo trong thị trấn chúng tôi.
Sau này má bị bệnh tiểu đường. Cuối cùng xảy ra nhiều tai biến. Giờ đây má là một phế nhân, mái tóc bạc phơ, không thể rời xa cái giường hay chiếc ghế. Giọng má nói bây giờ chậm và thiếu quả quyết, má gần như lòa rồi. Tuy nhiên tâm trí má vẫn sáng suốt như xưa. Lòng tín thành và nhẫn nại của má trải qua tất cả cảnh ngộ này vẫn oanh liệt hào hùng như bất kỳ những gì má đã từng đọc cho tôi.
Giờ đây niềm vui của tôi là đọc truyện cho má. Tôi thường gọi điện thoại hẹn: “Má ơi, mai con về nhé.” Tôi nghe thấy má cố ráng một chút trong cuộc nói chuyện đường dài: “Ồ, con ơi! Vậy thì hay quá!”
Tôi lái xe ba tiếng đồng hồ với một chồng sách ở băng sau, trong đó có mấy cuốn cũ mèm mà hồi xưa má đã đọc cho tôi. Khi tôi về tới nhà, má đang ngồi cạnh giường, hai bàn tay chắp lại. Hai má con trò chuyện. Rồi lặng đi một thoáng, má hỏi, giọng đứt quãng: “Con mang ... gì về?”
Đôi khi tôi đọc vài bài thơ chính má sáng tác, đăng trong các tập in hàng năm của một hội thơ ở địa phương chúng tôi. Đôi lúc là một chương trong Kinh Thánh hoặc mấy bài báo tôi viết.
Không có gì vui sướng bằng nghe má cười với những truyện mà hơn bốn mươi năm trước đã làm chúng tôi cười. Má ngồi, mắt nhắm lại, nắm hai bàn tay, gục gặc đầu khi chữ nghĩa lên tiếng khóc cười và bắt chúng tôi suy nghĩ. Giống như kẻ xa quê mới vừa qua khúc quanh đã mường tượng nhìn thấy cảnh nhà, hai má con tôi rón rén dò theo lối cũ thân quen của nét chữ màu đen để tìm lại những khoảnh khắc mãi mãi vẫn còn tinh nguyên và kỳ thú.
Đôi lúc, dọc đường về, tôi hồi tưởng những đêm chiếc xe cũ kỹ của má lăn bánh trên lối rẽ vào nhà. Má thường mệt nhoài sau đoạn đường dài năm mươi cây số ở sở làm về, nhưng không bao giờ má mệt nhọc đến độ không mở nổi một cuốn sách để san sẻ cùng chúng tôi. Và trong lúc lái xe, tôi tạ ơn Trời Phật đã ban cho tôi chữ nghĩa, sách vở cùng cái nỗi vui sướng tuyệt vời được gởi lại món tặng vật quý giá của một người mẹ đã từng đọc truyện cho tôi.
Huệ Khải
26-02-1994
Theo Ralph Kinney Bennett, The Greatest Gift I Ever Received, 1990.


29 QUÀ CỦA MẸ (AI ĐO LÒNG BIỂN)


QUÀ CỦA MẸ
Đan xen trong câu chuyện của NAN PINKSTON là tình mẹ con, tình vợ chồng, và tình người. Một gia đình chia ly, cánh cửa mở ra cho một người vĩnh viễn rời khỏi mái nhà yêu thương, nhưng cửa không khép lại, vì còn có một người nữa sẽ bước vào…
*
Tôi làm điều dưỡng và bệnh nhân mới của tôi ba mươi hai tuổi, ung thư vú, vừa nhập viện để hóa trị. Khi tôi vào phòng bệnh, tự giới thiệu thì chị ấy vui vẻ giới thiệu lại chồng và con gái sáu tuổi đang ở cạnh giường. Tôi liền có cảm tình với gia đình này, nhất là người mẹ. Rõ ràng chị ấy đang rất kềm chế bản thân để chồng con bớt lo lắng.
Khi tôi cúi thấp xuống để tìm đường ven trên tay người bệnh, sợi dây chuyền lọt ra ngoài ngực áo, cây thánh giá nhỏ đong đưa qua lại. Như thể quen nhau lâu rồi, người bệnh hỏi rất tự nhiên: “Chị thích câu Kinh Thánh nào nhất?”
“Gioan, 11:35. Chúa Giêsu khóc.” Buột miệng xong, tôi nhận ra cả hai bắt chuyện mau quá. Ánh mắt người bệnh có vẻ thắc mắc, tôi nói thêm: “Chúa thương khóc vì chúng ta đau khổ. Chúa gần gũi con người biết bao. Làm nghề này, luôn chứng kiến những cảnh xé lòng, câu kinh ấy an ủi, nâng đỡ tôi nhiều.”
Mười tám tháng sau, người bệnh nhập viện dài ngày hơn, vừa hóa trị vừa xạ trị. Ung thư đã lan rộng. Không nói nhưng ai cũng hiểu thời gian chẳng còn xa nữa. Chồng con người bệnh vào thăm thật đều đặn và tôi cố gắng tạo thuận lợi để giúp gia đình nhỏ ấy tận dụng những giờ phút quý báu sau cùng. Họ và tôi, dần dần như cùng một mái nhà. Cách bốn người chúng tôi xưng hô nghe càng thân mật hơn.
Lúc nào không có mặt chồng con, chị ấy lại gắng sức ghi ghi chép chép vào một cuốn sổ bìa cứng khá đẹp. Tôi nén khóc khi người bệnh tâm sự: “Cháu sẽ làm thiếu nữ mà vắng mặt chị. Em biết đấy, có những điều cha không thể dạy con gái. Chị ráng tiên liệu, dặn dò những gì thật sự quan trọng để sau này cháu đọc.”
Đến lúc quá yếu, việc giấy bút trở thành cực hình, chị ấy nhờ tôi ngồi cạnh giường để giúp ghi âm vào băng cát-xét. Thế là tôi đành phải bất lịch sự nghe lỏm tâm tình riêng tư của người mẹ sắp vĩnh viễn xa con:
Con yêu của mẹ, đây là lời sau cùng mẹ gởi lại con. Sẽ đến ngày nhà mình có thêm một phụ nữ khác. Mẹ tha thiết mong con cũng rất ngoan với dì ấy y như con vẫn ngoan với mẹ. Chúa Giêsu khóc vì thương xót chúng ta nhiều đau khổ. Con hãy ghi nhớ để cố gắng và kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh, con nhé!
Ngày chồng chị ấy quyết định tục huyền, tôi lúng túng trao con gái anh cuốn băng sau mấy năm cất giùm, thể theo di ý người khuất bóng.
Một hôm, con gái anh bất chợt ôm chặt lấy tôi: “Dì ơi! Từ lâu dì đã là mẹ của con rồi. Cuốn băng có lẽ không cần lắm đâu.”
Huệ Khải
15-6-2007
Theo Nan Pinkston, The Gift of a Mommy, 1997.

28 PHÉP LẠ ĐÊM SANG HÈ (AI ĐO LÒNG BIỂN)


PHÉP LẠ ĐÊM SANG HÈ
Thế giới trẻ thơ thường không thiếu thần thoại, không thiếu lòng tin vào sự hiện hữu của tiên thánh. Qua đó, trẻ có chút mơ mộng, phát triển trí tưởng tượng, được sống với một rung cảm, nhận thức mang sắc thái siêu nhiên kỳ bí. Tâm hồn trẻ thơ vì thế được phong phú thêm hơn... Nhưng lẽ tự nhiên, đến một tuổi nào đó, có thể sớm hơn ở trẻ này, muộn hơn với trẻ kia, chuyện tiên thánh trong thần thoại không còn được trẻ dễ dàng chấp nhận nữa. Trẻ sẽ bắt đầu đặt một dấu hỏi về tính hư ảo hay chân thực của vấn đề.
Cha mẹ thường là người đầu tiên đưa trẻ vào cõi thần thoại, và cũng chính cha mẹ sẽ là người dắt trẻ bước ra thế giới mộng tưởng đó. Đưa vào và dắt ra như thế nào, đó là cái khéo khôn tế nhị của mỗi người. Qua câu chuyện sau đây của MARY KAY ROTH, người đọc có thể chia sẻ kinh nghiệm của chị.
*
Tháng Sáu hàng năm, vào cái đêm trước khi mùa hè chính thức bước sang, gia đình chúng tôi lại tái diễn một tập tục. Đưa chén cho bọn trẻ, chúng tôi bảo các cháu nhặt lấy những thứ gì trong thiên nhiên có thể nhắc chúng nhớ mùa hè đang tới. Trẻ đặt các chén trên hàng hiên trước nhà và mọi người sẽ cùng đi dạo. Lúc quay về chúng tôi sẽ nhận ra các vị tiên đã hóa phép cho mấy chén ấy đầy kem trái cây.
Tôi không biết chắc do đâu nảy sinh tập tục này. Tôi cho rằng nhiều năm trước kia tôi hay nói lan man về các vị tiên, và thế là có tập tục này. Nhưng kể từ đấy, nó là một trong những nghi thức chúng tôi ưa thích.
“Khi nào các vị tiên sẽ đến?” Đầu tháng Sáu năm ngoái, con gái sáu tuổi của chúng tôi hỏi thế, háo hức mong ngóng.
Trong lúc đó con trai tôi chín tuổi đã khôn ra, không còn tin có tiên, có ông già Nô-en và các thứ đại loại như vậy. Khi màn đêm buông xuống, tỏ ra khá tự phụ, cháu nháy mắt, cười khúc khích và có bộ dạng kiêu ngạo của thằng con trai chín tuổi.
Cháu nói cháu sẽ hiểu hết nếu như giữa cuộc dạo chơi, ba hay má bỏ quên món gì đó và quay về nhà. Nháy nháy mắt, cháu tuyên bố hoặc giữa lúc dạo chơi ba hay má lấy xe chạy đi lo chút việc vặt. Hí hí, cháu cười. Cháu đã hình dung ra mọi sự, hoặc giả cháu nghĩ là cháu đã hiểu.
Đêm xuống, kỳ ảo và ngọt ngào êm dịu. Bọn trẻ đã nhặt nhạnh lá cây cùng ngọn cỏ, đá sỏi với mấy quả be-ri, nhánh khô và xác côn trùng. Chúng tôi đặt chén của hai cháu trên hàng hiên trước nhà và mọi người cất bước dạo chơi. Nhưng dọc đường, ở một khu phố, tôi kêu lên rằng đã quên chìa khóa và cần phải quay về.
Cháu trai nhe răng cười ra vẻ đã biết cả mà.
Tôi nói thêm: “Ồ khoan đã, má đã thấy chìa khóa rồi. Má không cần trở về nữa.” Khi chúng tôi tiếp tục cất bước, con trai tôi bắt đầu hơi bối rối.
Về gần đến nhà, tôi nói hờ cho bọn trẻ biết rằng có thể các vị tiên chưa tới, và có lẽ cả nhà nên đi loanh quanh thêm vài khu phố nữa. Cháu trai dường như an tâm. Cháu nói: “Phải, có thể các vị tiên đã không tới.”
Tuy nhiên khi chúng tôi đến hàng hiên, các chén vẫn ở nguyên chỗ chúng tôi đã đặt để, miệng chén đầy vun kem trái cây.
Con gái tôi chấp nhận tất cả điều này với lòng thơ ngây vui sướng trọn vẹn và háo hức muốn ăn. Còn cháu trai thì ngỡ ngàng, nín lặng, sượng sùng. Cháu nhìn tôi, nhìn ba cháu, rồi ngạc nhiên đảo mắt nhìn quanh hàng xóm.
Khi mọi người ngồi vào bàn tiệc, con trai tôi lắp bắp: “Các vị tiên hẳn là đã tới. Có lẽ... có tiên thật... Đây là phép lạ à?”
Suốt buổi tối con trai tôi im thin thít, mải nghĩ ngợi trong đầu về sự việc này. Tôi hôn hai con, chúc ngủ ngon rồi kéo chúng vào giường. Nhưng lúc hai giờ sáng, cháu trai bò vào giường nằm cạnh tôi.
Cháu thì thào: “Má à, con không ngủ được. Má phải nói cho con biết. Má làm cách nào vậy?”
Khi đứa trẻ lên chín, bạn cần trả lời thẳng thắn câu hỏi thẳng thắn của trẻ. Thế nên tôi nói cho cháu biết tôi đã nhờ bà hàng xóm giúp. Sau khi mọi người bước ra ngoài dạo chơi, bà ta lẻn sang nhà chúng tôi và cầm lấy các chén...
Con trai tôi nhoẻn miệng cười khúc khích trong nỗi nhẹ nhõm và cảm ơn tôi đã cho cháu biết đầu đuôi. Rồi thằng bé cuộn mình trong chăn và ngủ thiếp đi.
Và cũng ngay vào lúc đó, đúng ở khoảnh khắc ấy, tôi cũng tin phép lạ có thực.
Huệ Khải
22-7-1999
Theo Mary Kay Roth, A NIne-Year-Old’s Brush with Magic, 1994.

27 NHỮNG TẤM ẢNH GIA BẢO (AI ĐO LÒNG BIỂN)


NHỮNG TẤM ẢNH GIA BẢO
Thông thường, người ta chụp ảnh, rất nhiều ảnh, với mong muốn giữ lại cho ngày sau càng nhiều càng tốt những dấu tích hôm nay. Nhưng có khi cái hình ảnh được lưu giữ bền bĩ, rõ nét nhất lại không là những sắc màu hiện bày trên mặt giấy. Đó là điều nữ sĩ SUSAN J. GORDON muốn chia sẻ với mọi người.
*
Ngôi nhà của tôi đầy ắp hình ảnh. Chúng che kín các bức tường trong bếp, phòng ăn và phòng riêng. Tôi nhìn thấy toàn thể lịch sử gia đình, khởi đầu từ đám cưới của tôi, tiếp tục với lần sinh hai đứa con trai, mua nhà, những dịp gia đình sum họp và các kỳ nghỉ hè.
Khi con trai tôi còn bé, các cháu thích được chụp ảnh. Các cháu vẫy tay, nhảy múa, leo cây, đánh banh, trò gì cũng chụp ảnh. Nhưng đến tuổi dậy thì, việc chụp ảnh trở thành một thứ mà các cháu phải làm thinh chịu đựng. Các cháu lớn nhanh như thổi, vỡ tiếng, trên gò má phẳng phiu mọc những sợi tóc sợi râu lởm chởm. Những dịp sinh nhật các cháu miễn cưỡng đứng bên bố mẹ hay ông bà, và gượng gạo mỉm cười trước ống kính, mong chụp cho xong càng nhanh càng tốt.
Tôi là kẻ làm biên niên hình ảnh của gia đình. Tôi lựa ra một số tấm đem lộng khuôn và sắp xếp những tấm còn lại trong các quyển an-bom. Tôi đâm ra nghiện công việc này, và khi mọi ngăn kệ càng ngày càng đầy ắp các an-bom, tôi hỏi thầm: Những thứ này rồi sẽ ra sao? Những năm sau này liệu sẽ có người để mắt đến các tấm ảnh ấy? Nếu các con trai tôi xem lại chúng, các cháu sẽ nghĩ gì về bố mẹ và về bản thân các cháu?
Một chiều tháng Tám quang đãng, tôi chụp nhanh vài tấm ảnh của bố dượng và chồng tôi lúc hai người câu cá trên một cái hồ gần căn nhà nghỉ mát của gia đình.
Khi tôi và các con trai ngồi trên bờ hồ dõi mắt nhìn theo bóng hai người chèo thuyền đi, tôi cầm lấy máy ảnh và chụp cảnh hồ xinh đẹp nằm giữa vùng cây cối mùa hè xanh rì, rậm rạp. Hai người đàn ông tôi yêu thương dần dần trở nên nhỏ bé hơn cho tới lúc tất cả những gì tôi còn có thể thấy được là cái sơ mi đỏ của bố dượng, cái sơ mi xanh lục của chồng tôi, và những cái nón kết nâu vàng và xanh lơ trên đầu hai người.
Một tuần sau bố dượng tôi qua đời, và đột ngột những tấm ảnh hôm ấy đối với tôi trở nên vô giá. Tôi đã khóc khi dán chúng vào quyển an-bom của gia đình.
Sau đó tôi lại khóc khi bắt gặp con trai thứ của tôi xem chúng. Còn mấy hôm nữa thì cháu xa nhà vào đại học. Cháu đã khuân xuống hết tất cả an-bom trên các kệ sách ở phòng riêng và bày la liệt khắp tấm thảm lót sàn. Đã lâu lắm rồi tôi mới thấy lại cháu làm việc này. Từ khi cháu thôi không còn muốn được chụp ảnh, cháu dường như mất luôn cái thú xem ảnh. Nhưng giờ đây cháu sắp sửa xa nhà, lúc này là thời gian đặc biệt để cháu ngó tới tương lai phía trước và ngoái nhìn dĩ vãng.
Tôi đứng một lúc ở bên ngoài phòng, rồi nhón gót rón rén bước đi. Chiều hôm đó tôi đã không chụp ảnh cháu, nhưng chừng nào còn sống thì tôi còn nhớ mãi dáng vẻ cháu lúc ấy. Tôi biết rằng có những tấm hình mà ta không sao chụp được bằng máy ảnh.
Huệ Khải
20-4-1999
Theo Susan J. Gordon, Precious Pictures, 1993.

26 NHỮNG CÁNH HOA MÀU LỬA (AI ĐO LÒNG BIỂN)


NHỮNG CÁNH HOA MÀU LỬA
Khi hai người lớn kịp trụ vững lại ở mỏm đá chênh vênh của lòng mình, để giữ trọn niềm tin, thương yêu, tôn kính nơi con trẻ, họ đã chọn cho mình một chia ly hạnh phúc trong vong kỷ hy sinh. Hồi ức của JEANNE HILL về một ấu thời nơi nông trang heo hút cũng là câu chuyện sâu lắng và rất đẹp của tình người, tình mẹ.
*
Đó là một ngày để trở về. Những đám mây giăng giăng ngang bầu trời. Con chim cút có bộ lông lốm đốm khua xào xạc trong lùm cây thấp. Và khúc nhạc của lũ châu chấu ngân lên xuyên qua những ngọn đồi và các thung lũng cây sồi. Ai cũng biết một ngày như thế là một ngày để trở về cùng thơ ấu, xem lại quãng đời đã qua có đúng là cái điều mình những nghĩ đến.
Xa cách ngôi trường đại học nơi chồng tôi đang dạy và rời khỏi miền ngoại ô nơi chúng tôi sinh sống, tôi tìm đến một chốn mà mùa hè hoàn toàn ngự trị. Vượt khỏi con đường bụi bặm tôi tìm thấy chỗ ngoặt dẫn về thung lũng ấu thơ của tôi. Tôi dõi mắt tìm kiếm một bóng hình đang hái những trái be-ri nho nhỏ, mọng nước, nhiều hạt; tìm đôi chân mảnh dẻ màu đồng xoãi những bước dài với chiếc váy trắng hồ bột dày cứng. Nhưng bao năm qua má đâu còn đi trên lối này. Và cái dáng mảnh mai, bước chân bươn bả cũng từ lâu khuất chìm dĩ vãng.
Giây phút ấy tôi thậm chí chẳng tưởng gì đến những đóa hồng, cũng nào nghĩ đến cái cảm giác lạ lùng tôn kính mà loài hoa nọ luôn luôn khơi động trong tôi. Nhưng khi bước qua trang trại trên sườn đồi đã một thời từng là sở hữu của ông Riley, tôi lại nhớ đến ông, người đã trồng giống hồng đặc biệt đó. Và tôi vội vã dấn bước, vì thung lũng này lên tiếng gọi ai đó sâu thẳm trong tôi, đứa con gái tóc nâu mười tuổi đầu, đôi mắt quá to so với gương mặt.
Chính là con bé ấy, chẳng phải tôi, cô bé đang trên đỉnh đồi nhìn cái ống khói nhú lên khỏi các tàn cây tán lá, rồi lại sửng sốt nhìn mảnh nền nhà trần trụi. Đám sồi hoang dại chiếm ngự cả mảnh đất, dày đặc như thuở nào khi gia đình tôi lần đầu tiên dọn đến một chái nhỏ trong lúc ba dựng nhà.
Ba là người của thôn dã, không thích hợp với phố thị. Nhưng muộn màng ba mới nhận ra điều ấy và cơ hội quay về sống với trang trại còn đến trễ hơn nữa. Đâu chừng tháng Tư gia đình tôi dọn ra khỏi khu lụp xụp thị thành, người ba hốc hác và tóc đã bạc. Bị chứng đau phổi mạn tính đeo đẳng, ba quay về với thiên nhiên và ôm giấc mơ lập một trang trại nơi thung lũng.
Nhưng trước đó má đã thấy những ước mơ của ba tan vỡ. Trẻ hơn ba khoảng hai mươi năm, tuổi xuân và sức sống của má luôn luôn tương phản tuổi tác và vẻ ốm yếu của ba. Ánh mắt xót xa, má dõi nhìn ba làm việc đồng áng và thấy thời gian còn lại càng mù mịt. Má nhìn thấy ba trở nên xanh xao, tựa lưng vào những thân sồi non trẻ.
Cuối cùng, khi ba xa nhà vào viện an dưỡng, má bắt đầu tìm hiểu về đất. Mảnh khăn tay hồ bột trắng cột chặt mái tóc đen dài, má cày vỡ cánh đồng cỏ lập nên vườn và dựng nhà ấp trứng, cất kho lẫm. Tôi giúp má vắt sữa bò, cho gà qué ăn, cuốc đất trồng cây trong lúc chị Jo tôi mười bốn tuổi trông nom nhà cửa và lo toan bếp núc.
Một buổi hoàng hôn mùa hạ, hai dáng hình hiện ra trên đỉnh đồi. Chị Jo kêu lên sôi nổi: “Hẳn là ông Riley và con gái rồi!” Tất cả chúng tôi đều mong ngóng gặp gỡ người láng giềng cận kề duy nhất của mình: ông Riley, người đã xa nhà suốt một mùa đông để mưu sinh ở Fort Smith. Ánh đèn dầu dìu dịu hắt soi mái tóc đỏ, đôi mắt màu tro và nước da thắm hồng. Tôi ngạc nhiên khi thấy cũng là tính cách gầy gò mà ở người cha là vẻ đẹp đàn ông còn ở cô con gái tên Bell mười sáu tuổi là vẻ chất phác dung dị.
Nhưng chính bó hoa ông Riley trao tặng má mới khiến lòng tôi tò mò muốn biết. “Hoa gì thế ạ?” Tôi hỏi, trân trối nhìn những cánh hoa mỹ miều, khác lạ.
“Một loại hồng do bác lai tạo.” Giọng ông Riley trầm và nghe dễ chịu. “Bác đặt tên giống này là hoa lửa.”
Cái tên miêu tả chính xác những cánh mỏng manh và mịn màng như miếng nhung rực lửa ôm ấp nhụy vàng. Khi má cẩn thận chưng bó hoa, ông Riley trông vẻ mặt tươi cười của má, ngó ánh mắt đen huyền, nhìn đôi hoa tai nho nhỏ bằng vàng, và thấy ở má có nét tương đồng với những cánh hồng ông mang tặng.
Đến lúc chúng tôi ăn ổ bánh ngọt vừa đem từ lò nướng ra và uống món nước sữa lạnh đã gạn hết bơ, thì má đã học được cách làm một năm hai vụ mùa trên đồng cỏ. Má cũng biết được đôi điều khiến lòng má xao động nỗi cảm thông. Vợ ông Riley qua đời khi chị Bell lên ba, và bây giờ ông biết rằng chị cần có mẹ, cần hơn bao giờ hết. Dường như chị Bell có thể ngồi trên máy cày và xới vỡ đất như một anh đàn ông, nhưng lại là một phụ nữ vụng về, lóng cóng việc vá may, bếp núc. Nhiều hơn cả lòng thông cảm, má đã đề nghị giúp chị trở nên nhiều nữ tính hơn. Má đề nghị chị Bell tham gia những buổi học Chủ Nhật mà má dạy mấy chị em chúng tôi ngay trong nhà bếp.
Các buổi học chính thức khó lòng che đậy cho những bài dạy nghề nội trợ mà má nghĩ ra. Mỗi Chủ Nhật chị Bell lại đến, tung tăng trên đồi trong một bộ y phục cổ lổ nào đó được moi ra từ rương áo quần của má chị. Và chị sẽ trở về nhà mình với dáng đi duyên dáng hơn, áo váy chị mặc đã được sửa sang tinh tế bằng cách khâu lược chỗ này, bóp gọn chỗ kia.
Sau buổi học Chủ Nhật, má thường đem một con gà ra rán và chỉ cho chị Bell cách làm bếp. Khi ông Riley đến nhà, tất cả chúng tôi đều rạng rỡ nghe má tuyên bố: “Cháu Bell đã rán con gà đấy.” Nếu ông Riley vui mừng trước sự tiến bộ của con gái, ông lại bị cô giáo con mình thu hút, cuốn lôi.
Tôi cũng vậy, tôi bị cuốn hút vì những khả năng của má, đặc biệt là lòng quả cảm, chẳng biết sợ hãi điều gì. Má đẩy lui bọn chồn cáo, diều hâu chỉ với cây cuốc làm vườn chứ không có chi khác hơn; má băm vằm con rắn hổ mang ở gần bể nước cho tới khi nó chết hẳn. Tôi vẫn nghĩ rằng má hoàn toàn không biết sợ gì hết, cho tới một ngày cuối tháng Tám nọ.
Hôm ấy, bầu trời vàng quạch như bụi đất đe dọa sẽ mưa cả ngày và một nỗi im ắng trống trải treo lửng lơ bên trên thung lũng. Má ra đồng nhặt nhạnh hết những trái dưa chuột và quả cà chua cuối cùng. Khi về đến nhà, má nghe một tiếng động đáng sợ vang lên trong đống củi cành xếp cạnh các bậc thềm. Nhìn đống củi chằm chặp, má mơ hồ thấy một con vật kinh khủng: một quái thú to sù, đen đủi vác chiếc đầu xanh lục với hai chiếc răng nanh lớn cũng màu xanh lục.
Khi lên tới các bậc thềm, hai bàn tay run rẩy, má quẳng đại tấm tạp dề và vói lấy cây cuốc của má. Ráng giữ giọng nói không đổi, Má bảo: “Jo, con đi tìm bác Riley. Jeanne, con ở yên trong nhà. Má sẽ ra ngoài đứng canh ở đống củi đợi tới lúc bác Riley sang.”
Thời gian ngóng ông Riley dường như vô tận. Ông tới, gạt nhanh má sang một bên, và chỉa họng súng ngắn vào đống củi. Thế rồi, hoàn toàn bất chợt, ông hạ mũi súng xuống và khom thấp người nhìn cho rõ hơn.
“Có phải là con quái vật của chị đấy không?” Ông hỏi má dịu dàng, mỉm cười và chỉ vào mớ củi cành. Ông nói: “Đến đây nào, và nhìn cho kỹ một con rắn đen bình thường quá háu ăn. Đó là một con nhái to lớn màu xanh lục, nằm nửa trong nửa ngoài miệng rắn. Hai chiếc răng nanh là hai chân nhái.”
Cuối cùng đó là lúc má quỵ ngã. Trên đôi má tuôn dài nước mắt, má khuỵu xuống chúi về phía trước. Nhưng ông Riley xoay người đủ nhanh để đỡ lấy thân hình nhỏ nhắn của má đang đổ ập xuống. Và đúng ngay lúc ấy tôi biết rằng sự việc có thể chẳng bao giờ lại giống y hệt như thế nữa.
Khi cơn sấm xé toang nỗi im ắng trống trải bên trên thung lũng, tôi nhìn má và bất giác biết ra điều bí mật của má. Má đã sợ hãi ghê gớm, và bấy lâu nay má vẫn luôn khiếp hãi như thế, luôn sợ những chồn cáo, diều hâu, rắn rít. Nhưng má đành phải giáp mặt chúng. Tôi chẳng còn kinh ngạc vì lòng vô úy không biết sợ sệt của má, nhưng tôi vẫn mãi mãi thán phục tấm can trường lớn lao của má.
Tôi cũng bắt đầu biết được đôi điều khác hơn... Biết cái cách ông Riley dịu dàng đỡ má trong cánh tay, cái cách đôi mắt ông cháy bỏng khi nhìn má. Trong cánh tay khỏe mạnh của ông, má ngăn nhanh dòng lệ và nhẹ nhàng lách người ra. Má lấy lại sự bình tĩnh bằng cách pha chút nước chanh, nhưng vĩnh viễn từ đó ông Riley không còn là ông nữa.
Ông không còn có thể ngồi yên trong cùng một gian phòng với má. Không sao có thể dõi mắt nhìn má bên ánh đèn mà lòng chẳng khỏi đòi hỏi má là của riêng ông. Nhưng ông thấy má là một phụ nữ biết thận trọng cân nhắc giữa nỗi muốn ham và lòng đoan chính, và ông hiểu má sẽ chọn gì trong hai điều ấy. Thế nên ông giữ khoảng cách.
Thế rồi một buổi chiều, ông Riley đến nói là “để đưa cháu Bell đi chơi ngoài trời” với chị Jo và tôi, trong lúc ông vào nhà chuyện trò với má. Ba đứa con gái chúng tôi ngồi quanh bể nước, bàn chân trần mát lạnh, nhưng tâm trí tôi thì ở cùng hai người lớn bên trong nhà. Họ đang chênh vênh trên miệng bờ một cái gì đó, y hệt như những viên sỏi tôi xếp đống trên thành bể nước. Tôi đẩy một hòn và cả đống sỏi sẽ theo nhau rớt vào đáy nước. Tôi nhìn về phía ngôi nhà, khiếp sợ. Tôi yêu má và yêu cả ông Riley. Nhưng nếu hai người ngã vào nhau, có một điều gì đó sẽ vuột ra khỏi lòng yêu kính của tôi. Một điều gì đó, mà điều gì mới được chứ?
Tôi còn ngồi mải phân vân về chuyện ấy thì ông Riley ra tới cửa cùng với má. Trông ông não nề, cơ hồ đang tranh luận một quan điểm mà ông đã thua mất rồi. Ông nói: “Nhưng ở Fort Smith ai mà biết?”
“Lũ trẻ biết.” Má gật đầu hướng về phía bọn con gái chúng tôi. “Và chúng mình biết. Ôi, anh Riley! Nếu tôi là hạng đàn bà phụ rãy người đàn ông sa cơ thất thế đang cần nương níu mình, thì tôi nào phải là mẫu người anh muốn cưới. Há đâu anh chẳng biết thế?”
Ông nhìn má một lúc lâu và nhìn ra sự thật, vì lòng chính trực của má là một phần mà ông yêu mến. “Chị nói đúng.” Giọng ông khản đi, cơ hồ lời lẽ đốt cháy trong cổ. Rồi ông gọi chị Bell, chào tạm biệt và bước ngược lên con đồi về nhà.
Lần sau đó và cũng là lần cuối cùng tôi gặp hai cha con nhà Riley thì ông đã bán trang trại và sắp dọn về Fort Smith. Ông Riley ôm sang một bó lớn gói trong giấy báo. Ông nói đơn giản: “Tôi đem cho chị khóm hoa lửa. Tôi nên trồng chỗ nào đây?”
Má đáp: “Ngay bên cạnh các bậc thềm.” Tôi lấy xẻng và nhìn ông trồng khóm hoa lớn ấy.
Giờ đây chẳng còn gì sót lại nơi thung lũng ngày xưa ngoài cảnh hoang vu. Tôi trân trân dõi mắt băng qua đồng cỏ nhìn mảnh nền nhà. Và kìa, những đóa hồng đặc biệt ấy! Không chỉ mọc quanh các bậc thềm, hoa đã bao phủ nguyên cả một khoảnh sân. Tôi hiểu cái cảm giác tôn kính mà loài hoa này luôn gợi lên trong tôi. Tôn kính là cái điều mà tôi đã sợ sẽ vuột ra khỏi lòng tôi yêu má, yêu ông Riley. Tôn kính, một di sản mỹ miều giờ đây đang nảy nở trong tim tôi cũng như những cánh hoa màu lửa đã nảy nở sinh sôi nơi thung lũng ấy.
Huệ Khải
29-7-1999
Theo Jeanne Hill, The Lesson of the Fire Flowers, 1971.

25 NHÁNH ĐỖ QUYÊN (AI ĐO LÒNG BIỂN)

Related image
NHÁNH ĐỖ QUYÊN
NANETTE THORSEN-SNIPES bắt đầu viết văn năm 1981, khi mẹ chị mắc bệnh ung thư trầm trọng. Nhưng chuyện sau đây kể về cậu con trai bé bỏng của chị:
Buổi sáng đầu ngày của tôi bỗng hóa ra phiền muộn. Khi đi qua phòng khách, con trai tôi đã ngắt lìa một nhánh đỗ quyên mà tôi không kịp ngăn lại. Thằng bé sáu tuổi giơ nhánh hoa đỏ thắm lên ngang mặt, tươi cười hỏi: “Con xin mẹ nhé.”
Ôi, còn gì nữa chậu đỗ quyên yêu thích! Giá như hôm qua cứ để yên ngoài sân, chẳng mang vào nhà thì đâu đến nỗi. Nhìn gương mặt sáng sủa hồn nhiên của trẻ, dẫu giận tím ruột mà tôi không nỡ. Phẩy mạnh tay như đuổi thằng bé ra xe với bố, tôi quay mặt đi để nó khỏi thấy tôi đang mím môi nén chặt trong lòng những lời trách mắng chực bung ra xối xả.
Chồng tôi chở con đi học rồi, tôi quay vào với chậu đỗ quyên, thử nắn lại cành lá để che đậy chỗ thương tật. Sau cùng, tôi xoay cái góc khiếm khuyết hướng vào trong vách để khuất tầm mắt. Thở dài, tôi lắc lắc cái đầu như thể trút bỏ cái gì đó đang đè nặng.
Cuốn hút vào việc nội trợ thường ngày, tôi quên đi chậu hoa và cũng quên bẵng thời gian. Khi chợt nhớ phải đón con tan trường thì đã trễ mười phút.
Cô giáo đứng chờ ngoài cửa lớp, không cau có như tôi lo ngại. Tới sát bên tôi, cô nói khẽ: “Sáng nay thằng bé đem hoa vào lớp.” À, lại là nhánh đỗ quyên! Gì nữa đây? Tôi phân vân nhưng an tâm khi thấy cô giáo mỉm cười.
Đứng nép bên cửa sổ lớp học, nhìn theo tay cô chỉ, tôi thấy con mình và hai đứa trẻ khác chưa có người đón về đang chụm đầu hý hoáy vẽ vẽ xóa xóa gì đó.
Kéo tôi ra xa cửa sổ, cô giáo hạ thấp giọng: “Chị thấy bé gái thắt bím chứ? Tội lắm! Cha mẹ bỏ nhau rồi. Hôm qua vào lớp nó chẳng học gì, khóc lóc rồi gào như lên cơn. Tôi an ủi mấy cũng vô ích. Sáng nay cũng thế. Thằng bé nhà chị đột ngột bước ra khỏi chỗ ngồi, tới trước mặt bạn tặng nhánh hoa. Nó nói lí nhí gì đó, nghe không rõ…”
Trên đường về, tôi thả xe chạy chậm chậm. Thằng bé áp má vào lưng tôi, quàng hai cánh tay ôm chặt bụng mẹ. Nắm bàn tay nhỏ nhắn mềm mại của con, tôi xiết lại trìu mến. Và tôi bỗng nhớ: “Nên bây giờ còn có ba điều này: đức tin, hy vọng, yêu thương. Nhưng cao trọng hơn cả trong ba điều đó là yêu thương.” (1 Côrintô 13:13) Chao ôi, thế mà sáng nay tôi đã giận nó ghê lắm!
Huệ Khải
04-6-2007
Theo Nanette Thorsen-Snipes, The Greatest of These, 1999.

24 NGUYỆN CẦU CHO MẸ (AI ĐO LÒNG BIỂN)


Một hôm chị ANN LANDERS cầu nguyện cho mẹ như sau:
Lạy Thượng Đế, nay con không còn trẻ nữa. Bạn bè con lắm người đã mất mẹ. Họ thổ lộ với con rằng họ chưa từng hết lòng biết ơn mẹ và giờ đây họ không còn cơ hội nào để chuộc lại lỗi lầm đó nữa.
Con có phước khi mẹ thương yêu đang còn sống. Mỗi ngày con biết ơn mẹ. Mẹ chẳng thay đổi nhưng con thì có đổi thay. Khi con chất chồng thêm tuổi và hiểu biết nhiều hơn thì con nhận ra mẹ là một người phi thường. Buồn là con khó bộc lộ những lời này trước mặt mẹ, tuy con viết ra lại rất dễ dàng.
Đứa con gái có thể bắt đầu tạ ơn mẹ như thế nào? Vì mẹ đã cho cô ta cuộc đời này? Vì mẹ đã yêu thương, nhẫn nại và nhọc nhằn dưỡng nuôi cô? Vì mẹ đã lăng xăng bám theo chân đứa trẻ lẫm chẫm tập đi? Vì mẹ đã cảm thông một đứa con gái mới lớn có lắm nỗi niềm tâm sự? Vì mẹ đã bao dung một cô sinh viên luôn tỏ ra thông thái hơn mẹ? Vì mẹ đã biết chờ đến ngày đứa con gái ấy thấm thía rằng mẹ mình mới thật sự là bậc hiền minh?
Biết tạ ơn thế nào đây khi mẹ vẫn tiếp tục là mẹ dù đứa con đã là một phụ nữ trưởng thành? Vì mẹ vẫn sẵn sàng ban bảo, nhủ khuyên khi con cần tới? Vì mẹ vẫn lặng lẽ sẻ chia với lòng cảm thông và thấu hiểu? Vì đã hàng trăm lần mẹ không hề nói “Thì đã bảo con mà!”? Vì mẹ là cốt tủy của yêu thương, ân cần, nhẫn nại và khoan dung?
Lạy Thượng Đế, con không biết tạ ơn mẹ như thế nào hết. Con chỉ biết cầu xin Thượng Đế ban ơn cho mẹ thật xứng đáng và xin Thượng Đế giúp con sống đúng theo tấm gương sáng của mẹ. Con cầu xin rằng sau này con cái của con sẽ nhìn thấy con là mẹ hiền, y hệt như con nhìn thấy mẹ con là mẹ hiền vậy.
Huệ Khải
24-3-2008
Theo Ann Landers, Prayer for My Mother, 1997.