Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

02 BÀI TẬP LÀM VĂN CỦA CON TÔI (CAO CAO DÁNG NÚI)

BÀI TẬP LÀM VĂN CỦA CON TÔI
Hình ảnh của cha hàng ngày khắc họa vào tâm hồn thơ dại của con trẻ thế nào, chắc không dễ biết đâu. Thường phải có cơ hội nào đấy, khi mà con trẻ vô tư và bất chợt bộc lộ ra bằng cách này hay cách khác, bấy giờ người cha mới biết được. Bài tập làm văn của con tôi chính là câu chuyện giữa đời thường mà người trong cuộc đã tự mình ghi chép lại.
*
Cháu học lớp Năm, mười tuổi. Con trai đầu lòng, hiếu động. Ngồi vào bàn học chưa nóng chỗ đã có lý do này, nhu cầu nọ để xô ghế chạy đi. Mẹ cháu luôn phàn nàn: “Như cóc bỏ dĩa.” Tôi được mẹ cháu phân công kèm cháu tập làm văn, món mà cháu không thích.
Lười suy nghĩ, mới đầu cháu đã xin tôi gà bài mẫu. Tôi giải thích: “Bố không muốn làm hỏng con. Bố không muốn con dối cô.” Cháu buồn, có vẻ dỗi. Tôi an ủi: “Con xem, nếu bố làm bài giúp, lỡ cô chấm điểm thấp thì ê mặt bố quá. Bố hướng dẫn dàn bài chi tiết, con ráng làm theo, sau đó bố đọc lại, góp ý, rồi con tự sửa chữa, nhé?”
Có ba cuốn tuyển tập các bài văn mẫu lớp Năm đã mua; tôi tìm các bài tương tự như đề cháu phải làm, rồi hai bố con đọc chung. Tôi vạch cho cháu thấy trong sách những ý tưởng già cỗi hơn đầu óc non nớt của một đứa trẻ, khuyên cháu vất đi. Dùng bút đỏ, gạch dưới những câu văn hay, hoặc ý tưởng khéo, tôi bảo cháu dựa theo đó sắp xếp lại, rồi tùy nghi thêm bớt theo ý riêng, tùy thích, miễn sao phù hợp với dàn bài của cháu.
Lần nào tập làm văn cháu cũng miễn cưỡng, uể oải. Cô yêu cầu học trò viết dài hơn trang rưỡi giấy tập; mà giỏi lắm cháu cũng chỉ bịa được non một trang, sau khi đã hì hục cả một, hai giờ đồng hồ. Bài văn thường đầy những bôi xóa lem nhem, tuồng chữ chỉ khá hơn toa bác sĩ, đọc chẳng thành câu cú gì.
Ngoài bài văn cháu còn cả một gánh nặng bài vở khác phải giải quyết. Ngày thì ngắn. Nhìn cháu khổ sở, lo âu, nhiều khi tôi chạnh lòng, muốn ra tay nghĩa hiệp, nhưng đành phải bấm bụng, cưỡng lại cái khoảnh khắc mềm yếu đó.
Có lần, mắt cháu đỏ hoe, giọng tức tưởi: “Con thù ghét môn văn, con không biết viết, cô phạt con cũng được.” Tôi ôm lấy cháu, an ủi: “Bố đã mua cho con nhiều truyện hay, con ráng đọc. Lâu ngày sẽ vỡ ra. Văn chương không ai dạy nhau được. Khi con đã nhập tâm, cái gì trong lòng con có sẵn, tự nhiên con sẽ viết được.”
Hôm nay, tan học về, cháu khoe: “Bố, bữa nay cô cho bài văn tả bố em. Con làm luôn một mạch, dễ ợt.” Tôi hoài nghi: “Cô chấm bài chưa? Có phê gì không?” Cháu hớn hở: “Cô khen bài con có tiến bộ hơn mọi lần. Cô đánh dấu vô chỗ dở, nhưng không sửa, không cho điểm. Bố sửa giúp con đi, bố?” Rồi cháu mau mắn lục cặp, trao cho tôi tác phẩm. Tôi xin chép lại, tôn trọng đúng nguyên văn của cháu:
“Bố là người đã nuôi nấng em. Công ơn đó em không bao giờ quên.
Nhìn bố tưởng rất già nhưng chỉ ở tuổi tứ tuần. Dáng người bố cân đối. Khuôn mặt chữ điền của bố rất thích hợp với mái tóc bạc màu muối tiêu của bố. Trên khuôn mặt ấy nổi bật nhất là cặp mắt kính cận của bố thỉnh thoảng lại được nâng lên bởi bàn tay hơi xương và thô. Khi cười, miệng bố để lộ hàm răng trắng ngà đều đặn. Giọng bố sang sảng vì do dạy học khá nhiều. Vầng trán bố cao và rộng rất thông minh nhưng xen vào đó là những nếp nhăn vì lo âu và suy nghĩ nhiều. Khi bố làm việc mệt, trên trán lấm tấm mồ hôi. Tính bố thật nghiêm nghị, nhưng cũng rất vui. Bố thường hay đọc sách, khi về là ngồi vào bàn làm việc với cái máy vi tính, bố hầu như làm việc rất nhiều không bao giờ có một giấc ngủ đầy đủ, sáng nào cũng than mất ngủ. Em thương bố lắm.”
Chưa kịp đọc đến câu kết luận, tôi chợt thấy mắt mình cay cay, những hàng chữ nghiêng ngả của cháu đã nhòe đi. Tôi hiểu vì sao cháu làm bài văn này mau và dễ dàng hơn mọi khi. Cháu đâu phải mất công suy tư tìm ý; bài văn hàng ngày đã có sẵn trong tâm hồn thơ dại của cháu rồi. Tôi biết ơn cô cháu đã không cho điểm, không sửa gì hết. Cũng vậy, trái với lệ thường, hôm nay tôi đã không góp ý, chẳng sửa chữa một chữ nào của cháu.
Nếu tôi cả gan thú nhận đây là tác phẩm hay nhất trong đời tôi được đọc, tôi tin rằng quý bạn sẽ sẵn sàng rộng lượng tha thứ cho tôi.
Huệ Khải

Phú Nhuận, 26-10-1998