Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

9. PHƯƠNG DANH ẤN TỐNG / CAO ĐÀI TỨ THỜI NHẬT TỤNG

 


CAO ĐÀI TỨ THỜI NHẬT TỤNG

Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo

ấn tống lần thứ nhất hai ngàn quyển

trong Tủ Sách NGHIÊN CỨU ĐẠI ĐẠO

 do công quả mười chín triệu đồng của

quý ân nhân phương danh như sau:

1. ĐT BÙI THỊ KIM ANH (TTi Ngọc Điện Huỳnh Hà, HTCĐ Tiên Thiên). Hồi hướng cửu huyền thất tổ. Gởi đợt 192, 193.

3.000.000

2. Tu sĩ HỒ THỊ MỘNG TUYỀN (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo), và ĐT NGUYỄN THỊ ÁNH LINH (quận 4). Gởi đợt 191, 192, 193, 194.

2.000.000

3. ĐT LÂM THỊ KIM TUYẾN (chung cư Hà Đô, quận 10). Hồi hướng cửu huyền thất tổ. Gởi đợt 192.

4.000.000

4. ĐH LÊ TRỌNG BẰNG (xã đạo Phước Minh, HT Truyền Giáo CĐ). Hồi hướng giác linh song thân (ĐH Lê Xuân Mạnh và ĐT Hồ Thị Thư). Gởi đợt 193.

2.000.000

5. ĐH LÊ TRỌNG BẰNG (xã đạo Phước Minh, HT Truyền Giáo CĐ). Hồi hướng giác linh nhạc phụ và nhạc mẫu (ĐH Lê Văn Hai và ĐT Lâm Thị Hiệm). Gởi đợt 193.

2.000.000

6. ĐH LÊ TRỌNG TÍN (TT Trung Nam, HT Truyền Giáo CĐ). Gởi đợt 189, 191, 192.

2.000.000

7. ĐT TRƯƠNG KIM HỒNG (Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc). Hồi hướng giác linh thân mẫu (ĐT Trương Thị Sen). Gởi đợt 193.

4.000.000

 

Cùng kính thành hồi hướng cửu huyền thất tổ siêu thăng.

Hiệp tâm cầu nguyện quốc thái dân an,

đạo pháp trường lưu, chánh pháp trung hưng,

Đại Đạo Cao Đài quy nguyên thống nhứt,

vạn linh thức tỉnh hồi đầu, đồng đăng bỉ ngạn.

*

ĐÔI LỜI THA THIẾT

Kinh sách được ấn tống để kính biếu rộng rãi là nhờ biết bao tấm lòng vàng của hàng hàng lớp lớp đạo tâm gần xa gởi gắm. Để không phụ lòng các vị ân nhân ấy, xin quý vị trân trọng giữ gìn kinh sách để truyền trao cho đúng người thật tâm tìm tu, học đạo. Chúng tôi chân thành biết ơn sự thấu hiểu, đồng cảm, và hợp tác chặt chẽ của quý vị.

Ban Tu Thư & Ấn Tống

 

Thỉnh kinh sách ấn tống, gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com

 

 


3 BIS. ĐỨC CHÍ TÔN GIẢI NGHĨA NGỌC HOÀNG THIÊN TÔN BỬU CÁO

 


3 BIS. ĐỨC CHÍ TÔN GIẢI NGHĨA

NGỌC HOÀNG THIÊN TÔN BỬU CÁO

Giảng giải ý nghĩa sâu kín của bài kinh Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo, Thầy giáng cơ tại Phước Huệ Đàn (Tam Kỳ, Quảng Nam)([1]) và dạy như sau:

THƯỢNG ĐẾ TRONG TẤT CẢ

THI

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ giáng đàn trung

Phước huệ ban cho các trẻ cùng

Pháp Đạo Bửu Chương ([2]) ngày giáng lập

Mừng chung nhân loại gội ân hồng.

Thầy là Thượng Đế vô sinh.([3]) Thầy vô sinh nên không hình không danh. Thượng Đế là danh tạm gọi cho Thầy là đấng chủ tể càn khôn. Cho đến danh Đại La Thiên Đế Thái Cực Thánh Hoàng ([4]) cũng là danh tạm gọi mà thôi.

Thầy kỳ ba đại xá lập Tam Kỳ Phổ Độ gọi là danh không nhất định. Danh không nhất định là “phi thường danh”. Kể ra thường danh của Thầy là “Thường Đạo”.([5])

Thường Đạo là Thầy thì Thầy cũng có danh. Đã có danh Thường Đạo thì còn có chỗ kêu tên nầy nọ. Cho nên Thường Đạo cũng chẳng phải danh thường danh.

Thầy đến cùng các con hôm nay đây viết ra chữ. Chữ ấy đọc nên lời đều là cái gì không phải Thầy. Thầy chẳng nói không làm.([6]) Chỉ có người Thánh mới nghe được tiếng Thầy trong vạn hữu, mới thấy Thầy khắp vạn phương. Các con có lòng thành kỉnh thì sẽ biết Thầy là chi.

Trông trời đất bao la lồng lộng, mông mênh không bến chẳng bờ nhưng như chiếc lưới vĩ đại ([7]) có đường chỉ dọc ngang dàn thành mặt sưa ([8]) có mắt. Mắt lưới nầy vô hình không ai thấy được. Trời là chủ trời đất cầm lưới ấy tung ra; các con ở trong đó, không một con nào lọt ra ngoài được. Cho nên Thầy có danh là Đại La Thiên Đế. Đế là vua trọn lành. Thầy làm chủ tể như một vị vua trị quốc an dân. Thầy làm vua lớn hơn vua dưới thế nầy nên gọi là Thiên Đế. Thiên chỉ bầu trời (Đại La). Đế chỉ ngôi chủ tể ngự trị. Đế còn có nghĩa bản thể vô sinh bất nhị,([9]) diệu huyền vô đối,([10]) thường tại([11]) bất biến. Tuy không phải như vua ngồi trên bệ ngọc ngai vàng cầm quyền sinh sát muôn dân, nhưng Thầy thống ngự vạn vật,([12]) không vật nào chẳng ở trong Thầy, không vật nào Thầy chẳng ở trong. Chi chi cũng có Thầy. Mỗi con sinh ra hay về Thầy đều do con đường âm dương biến hóa. Thầy là vậy nên gọi Đế. Gọi Đế hay gọi Thái Cực Thánh Hoàng cũng là danh bày tỏ Thầy là chi. Có điều danh chi cũng không đủ tượng trưng được ngôi Thầy.

Thái Cực là danh lớn vô cùng lớn, hay nói sự hòa hợp âm dương trong Thầy. Thầy không bao giờ chẳng lấy hòa làm Đạo.([13]) Thái hòa ([14]) là Thầy. Đạo còn biến hóa khiến cho muôn loài trở về đường chính nhằm bảo hợp thái hòa ([15]) tức là trở lại cùng Thầy. Thầy là tất cả. Tất cả là Thầy. Chỗ Thầy và tất cả giao hòa không lấy chi lường được, nên gọi Thầy là Thái Cực. Chúng sanh đều có Thái Cực. Thầy là Thánh Hoàng của chúng sinh. Thái Cực Thầy và Thái Cực chúng sinh đồng ở trong quyền phép Thánh Hoàng. Đã là Thánh Hoàng, Thầy không như phàm tục.

Các con ôi! Hôm nay các con được ơn Thầy chỉ dạy mấy lời đạo pháp thật là dịp vô cùng quý báu.

Thầy cũng muốn nói ngôi Thầy ngự chẳng khác cung khuyết vàng ròng kinh thành ngọc trắng,([16]) nghĩa là chỗ cao sang tột bậc. Các con có biết chỗ ấy ở đâu chăng? Hay là nghe vậy biết vậy? Thầy nói chỗ ấy không như các con tưởng tượng. Thầy vô hình thì ngôi Thầy làm gì hữu tướng. Vàng ngọc là thứ ở dưới đất các con coi quý, chứ Thầy không lấy chi làm quý. Chính nơi Thầy ngự không ngoài vạn vật. Ở đâu cũng có Thầy. Thầy cỡi sáu rồng bay khắp muôn phương,([17]) không ai lường được. Rồng bay lên trời cao vòi vọi,([18]) Thầy ngự ở đó nguy nga. Đó là ngôi cửu ngũ.([19]) Thầy có quyền năng tạo hóa. Rồng nằm dưới vực sâu ([20]) cũng có Thầy ngự đến. Rồng hiện trên mặt đất ([21]) hay bất cứ ở đâu, thời nào cũng có Thầy cả. Thời thừa lục long, du hành bất tức ([22]) thì Thầy đâu ngồi một chỗ như ông vua phàm tục.

Lục long là sáu hào dương quẻ Càn, Thánh Nhân mượn chỉ sự biến hóa ẩn hiện phi thường của Đạo Trời; người đời phải theo đó mà tu học cho nên Thánh, hay cho nên con Thầy.

Các con ôi! Thầy khuyên các con nên biết Thầy không phải thực phải hư. Thực thì có thể cầm nắm, rờ mó được; còn hư thì trái lại. Thầy có khi hiện ra thực tướng Như Lai, lại có khi như hư không, không có gì cả. Hễ lấy mắt mà xem thì Thầy hư; hễ lấy tay sờ thấy Thầy không thực. Tuy không hiện hình nhưng Thầy dịch sử quần linh.([23]) Mặt trời, mặt trăng và vô lượng tinh cầu vận hành trong hư không, không bao giờ sái luật trái đường. Con kiến bò, con người sống, không con nào ra ngoài luật âm dương tạo hóa. Ai vót gai nhọn? Ai vo quả tròn? Ai dựng nên trời đất? Thầy là chi không ai thấy, dường như hư nhưng không hư; còn nói thực thì Thầy là chi không phải thực mà nói dường như thực.([24]) Thật là mầu nhiệm.

Thầy có nói gì đâu.([25]) Thánh Nhân cảm thấu Thầy thế nào đó rồi đặt kinh xưng tụng Thầy. Kinh sách nói đến Thầy rất nhiều, nhưng chỉ bày tỏ Thầy phần nào theo sở đắc ([26]) mà thôi. Khoa học ngày nay tiến bộ, nhưng cũng chưa tìm gặp Thầy được.

Xưa nay Thầy đã hóa độ vô số chúng sinh mà nào có ai nghe Thầy nói gì đâu. Phật hay Chúa nói ra lời Thầy cũng chưa đủ gọi là Thầy nói hết. Thế mà chúng sinh đã ngộ. Phải chăng Thầy không nói mà nói thầm kín lặng lẽ trong lòng chúng sinh? Các nhà khoa học bây giờ lên tận cung trăng đều phải nhận Thầy mầu nhiệm. Đó cũng là Thầy bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa.([27])

Thầy là các con; các con là Thầy. Sở dĩ Thầy và các con như thế là vì Đạo, một cái gì ở Thầy, ở các con làm như nhịp cầu giao thông đây đó lại qua. Đạo ấy vô hình, có khi hiện hình người nam hay nữ. Nam nữ là âm dương. Âm dương hiệp lại thành trời đất. Trời đất cũng là âm dương. Trời là dương. Đất là âm. Trời có nước thuộc âm. Đất có lửa thuộc dương.([28]) Người nào cũng có âm dương giao hòa. Âm dương là hai khí phân làm bốn tượng. Tượng là khí thành ra; Thái Dương, Thiếu Âm, Thái Âm, Thiếu Dương là bốn tượng. Nói ra đã thấy âm không tuyệt đối âm, dương không tuyệt đối dương. Thầy đây có khi gọi Mẹ. Mẹ cũng có khi xưng Thầy. Càn và Khôn tuy hai quẻ khác nhau, nhưng dương cực âm sinh, cơ tiêu trưởng cho thấy âm thịnh dương suy, hay trái lại, chứ thật ra không ngoài Thái Cực nhất nguyên. Thầy là Nhất Nguyên.([29]) Thầy biến hóa thành vạn hữu,([30]) tướng dụng ([31]) bất đồng. Tuy chia ra vạn hữu sai biệt ([32]) nhưng gốc một. Thầy vần xây ([33]) không giới hạn biên cương. Cỏ cây cũng có Thầy, có âm dương. Trên Thầy có đủ Phật Tiên Thánh Thần cả nam lẫn nữ. Các đấng ấy cũng là âm dương biến hóa. Hoặc nữ hay nam cũng trong Thầy mà ra. Khi là Phật hay Tiên tức là khi Thầy ứng hóa. Cơ mầu nhiệm nầy chỉ có Thầy mới biết Thầy. Các con chưa đắc đạo, Thầy cũng khó nói ra. Hằng ngày các con đọc tụng khí phân Tứ Tượng, oát triền vô biên mà làm sao biết được thế nào. Đây Thầy cũng cho biết chút ít. Phật và Chúa mỗi vị một phương. Đạo Phật, đạo Chúa truyền lại môn đồ nam nữ, rồi từ đó truyền ra khắp. Bây giờ Thầy đến viết qua tay đồng tử rồi từ đó Hội Thánh nam và nữ truyền ra cho các con nam nữ. Đạo pháp trường lưu,([34]) không biết ngày nào ngưng đọng.

Các con ơi! Thầy nhìn thấy các con mà lòng Thầy cảm động. Các con phải theo Thầy như người quân tử tự cường bất tức”. ([35])

Thầy là mặt trời ngày ngày chói rọi mười phương. Người thấy mọc ở phương đông lặn về phương tây, bảo là Thầy vận hành mãi mãi không bao giờ mỏi mệt. Thiên hành kiện là nghĩa ấy. Càn kiện cao minh ([36]) cũng là nghĩa ấy.

Thầy làm con mắt đoái xem vạn loại thiện ác. Thầy cao minh không có vật nào ngoài tầm mắt Thầy.([37]) Thầy thấy thiện thấy ác các con. Song Thầy không vì thiện ác mà bỏ các con. Mặt trời soi cho kẻ ác người thiện như thế nào, thì Thầy cũng vậy.([38]) Mắt Thầy cao minh, sự nhìn thấy của Thầy không như thiên hạ. Lòng các con thế nào Thầy đều thấy cả. Thầy có chánh kiến. Các con học Thầy để thấy Thầy ở mỗi con. Cái thiện kia ác nọ không phải của Thầy, không phải của các con, mà của tà kiến.([39]) Khi nào các con có Thầy hợp một sự thấy thì không còn phân nhơn ngã, thị phi,([40]) thiện ác. Bây giờ là huyền phạm quảng đại,([41]) cõi mầu nhiệm rộng lớn. Bấy giờ Thầy và các con không lầm lẫn mảy may họa phước.

Phước là gì, họa thế nào, đều lập phân.([42]) Phước ở Trời hay phước thế gian, họa xác thịt hay họa linh hồn, chi chi Thầy và các con rõ cả.

Phước họa đôi đường tương đối. Các con có khi lầm cho phước là họa, họa là phước. Một nhà tu chơn chính nhìn đời thấy khác người tục.([43]) Cái chết của Chúa Giê-su là phước hay họa? Phật Thích Ca bỏ nhà vàng ra đi tìm đạo giải thoát là họa hay phước? Huỳnh Ngọc Trác tuẫn đạo,([44]) phước họa thế nào? Bây giờ Thầy nói cho các con rõ: Dưới mắt Thầy, họa hay phước là điều các con chưa thấy rõ.

Hôm nay các con ngồi tu theo đạo pháp tâm truyền như Ngô Đại Tiên ngày trước, các con có cho là phước không? Nếu là phước thì bao nhiêu người khác thế nào? Thầy nói thật, mọi sự làm theo ý Thầy là phước. Dù cho các con tu mà ích kỷ, không nhận rõ Đạo là chi, thì suốt đời cũng vô ích. Còn như không tu mà hành thì Thầy không muốn. Hành đạo bằng tâm và thân tu mới có phước. Phật nói dù cho lấy thất bảo ([45]) cả tam thiên đại thiên thế giới bố thí cũng không bằng công đức thọ trì tứ cú kệ.([46]) Tứ cú kệ thế nào, các con có biết không? Dù nói ra kệ bốn câu bằng lời hay viết thành vần không đủ nghĩa lý. Công phu từ sơ thiền đến tứ thiền, một niệm vô sanh thì công đức vô lượng. Các con gắng tu cho được vậy thì có thể cùng Thầy nhứt toán họa phước lập phân.([47])

Thầy nói cho các con biết: Thầy không phải là trời ([48]) mà là đấng cầm quyền cả ba mươi sáu cõi trời và ba ngàn thế giới.([49]) Không những bảy mươi hai địa cầu mà cho đến tứ đại bộ châu cũng do Thầy nắm giữ.([50]) Mỗi nơi thế nào các con đâu rõ. Thầy ở khắp mọi nơi. Cả càn khôn không ngoài bàn tay mầu nhiệm của Thầy cầm nắm. Hễ đã có quyền năng như thế thì không một vật nào, một người nào còn mất, sống chết không do Thầy. Khoa học càng tiến bộ càng khám phá cơ tạo hóa của Thầy. Các con đừng tưởng thành bại do người. “Hành hoặc sử chi, chỉ hoặc nặc [ni] chi. Hành chỉ, phi nhơn sở năng dã.” ([51]) Mạnh Tử đã biết được Thầy rồi.

Thầy là Đại Từ Phụ, thì dù tiên thiên hay hậu thiên Thầy đều dưỡng dục.([52]) Các đấng Thần Linh, Thiên Sứ hay ngạ quỷ, súc sanh, hoặc Thầy chưa nói đã biết, hoặc Thầy dạy rồi mới hay, trí tuệ hay ngu mê, chi chi cũng có Thầy thương yêu ban cho sự sống. Thầy là thế nên các con xưa nay ngưỡng vọng.([53]) Thầy từ đó tế độ các con không phân thiện ác. Tất cả dòng đạo pháp xưa nay các con và cả nhân loại tôn kính tín ngưỡng đều bởi Thầy mà ra. Thầy là lẽ thật, là dòng đạo pháp tổng hợp cổ kim.([54]) Các con tin Thầy được cứu. Không phải nội các con là bề tôi trung tín của Thầy. Thầy làm chủ cả mười phương Thánh Thần Tiên Phật,([55]) làm vua cả nhật, nguyệt, tinh thần thượng hạ.([56]) Các con coi đó biết Thầy là chi. Nói vua, nói chủ là nói quyền năng mầu nhiệm dịch sử hóa độ đó con.([57]) Phật không hơn Thầy; Thầy là Phật.([58]) Hai mà một, hiển vi vô gián,([59]) thể dụng nhứt nguyên.([60]) Nói chủ là nói cơ mầu nhiệm, dù cho Phật cũng không qua.

Nói là vậy cũng chưa chí Đạo.([61]) Đạo mà nói ra lời, Thầy mà còn kêu chủ thì sao gọi là trạm tịch chơn đạo.([62]) Đại Đạo trạm nhiên thường tịch, cũng như nói “Thượng Thiên chi tái, vô thanh vô xú.” ([63]) Đạo ấy vô vi bất ngôn, khôi mịch tôn nghiêm,([64]) các con xem không thấy, lóng không nghe,([65]) lặng lẽ im lìm như tro lạnh không hơi chẳng khói. Sở dĩ tôn nghiêm vì Đạo ấy biến hóa vô cùng, linh oai mạc trắc.([66]) Tất cả kinh báu có công năng giác thế, hay bao nhiêu giáo pháp thần diệu thường lợi ích chúng sinh ([67]) đều bởi Đạo. Các con không lấy khoa học trắc nghiệm ([68]) được đâu. Khi là Phật Ấn Độ, khi là Chúa Do Thái, khi là rồng thiêng Lão Tử,([69]) khi là Khổng Tử người bốn phương.([70]) Đến bây giờ lại là Thầy vô hình giáo đạo Nam Phương.([71]) Chính các con cũng không biết Thầy biến hóa làm sao. Các con chấp rằng nhánh đạo này, nhánh đạo kia hay người này, người kia mới có Thầy ngự đến. Không ngờ Thầy trong tất cả; tất cả là Thầy. Các chi thể trong người con chỗ nào mà chẳng phải con. Dù cho trùng độc ngoại nhập, khi đã ở trong con rồi thì sự sống của con là của nó. Thầy nói thật, dù cho hổ lang cấu xé các con cũng không ngoài ý Thầy cho phép.([72]) Đó cũng là phép dĩ độc trị độc.([73]) Sự biến hóa vô cùng ấy, các con muốn rõ không chi hơn công phu học Dịch tu tâm.([74]) Các con muốn cùng Thầy “Đại minh chung thỉ, lục vị thời thành, thời thừa lục long dĩ ngự thiên”,([75]) phải tu phải học. Không tu không học làm sao biết “Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh, bảo hợp thái hòa, nãi lợi trinh”.([76]) Dịch Kinh là bửu kinh,([77])thần giáo.([78]) Thầy ngày nay lập pháp giáo đạo trên nền tảng Dịch lý đó con. Thế là các con đừng tưởng Đạo Thầy theo con thấy nhiêu đó.

Thầy thương yêu các con, song Thầy cũng có khi răn cấm các con điều trái đạo. Các con đọc Kinh Thánh Cựu Ước để biết Thầy khi lập Mười Điều Răn với sự thị hiện oai nghiêm dường nào. Các con đọc Kinh Thánh Tân Ước để thấy Thầy từ bi vô lượng. Thầy đem mình chuộc tội các con mà còn xin cho các con nghịch Thầy được tha.([79]) Như thế oai lớn mà từ cũng lớn.([80]) Thầy đúng là ngôi vô cực, không ngôi nào trên Thầy.([81]) Thầy là đại thánh đã từng đại nguyện ([82]) cứu độ các con. Các con đọc lời Thầy đã dạy về lời đoan thệ cũng đủ biết Thầy thương các con dường nào.([83]) Thầy dựng nên vạn hữu, không con nào chẳng thương. Bao nhiêu đau khổ của con Thầy đều cứu độ. Các con thử làm nên một con kiến Thầy xem. Có ai tự ý sinh con theo ý mình muốn không? Thầy đây dựng nên A-đam, E-và, và tất cả. Thầy ban cho sự sống. Thế rồi thủy tổ các con phạm tội cùng Thầy, lại bảo tại Thầy dựng nên nầy nọ. Thầy từ bi đuổi ra khỏi địa đàng làm ăn.([84])

Thầy như thế nên có kẻ tôn Thầy là Huyền Khung Cao Thượng Đế, Ngọc Hoàng tích phước hựu tội Đại Thiên Tôn.

*



HUỆ KHẢI chú thích:

([1]) Phạm Văn Liêm, Sự Nghiệp Trung Hưng. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2018, tr. 197-205. (Không biết ngày Thầy giáng đàn.)

([2]) Tức là Bửu Chương Pháp Đạo, gồm mười hai chương, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài chưa hoàn thành. Đàn 27-11 Mậu Tuất (Thứ Ba 06-01-1959), Đức Lý Thái Bạch dạy: Sắp loại theo Bửu Chương. Làm được thì nên soạn theo lối kinh văn Lăng Nghiêm, còn không thì như Hiệp Tuyển cũng được. Đàn 04-10 Mậu Thìn (Thứ Bảy 12-11-1988), Đức Chí Tôn dạy: Thầy bảo các con kết tập Bửu Chương Pháp Đạo là làm thành bộ Đại Tạng Cao Đài đó.

([3]) vô sinh: Không do ai sinh ra.

([4]) Từ đây về sau, những chữ in đậm đều trích ra từ bài Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo (sau đây gọi tắt là Bửu Cáo). Các chú thích trong bài do Huệ Khải soạn.

([5]) Đạo Đức Kinh, chương 1: Đạo khả đạo phi Thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh. (Đạo mà nói ra được thì không phải là Đạo hằng thường bất biến. Tên mà gọi tên được thì không phải là tên hằng thường bất biến.)

([6]) chẳng nói không làm: Bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa / vô vi nhi dịch sử quần linh. (Bửu Cáo)

([7]) chiếc lưới vĩ đại: Đại la.

([8]) sưa: (Từ Việt cổ) Thưa, không dày.

([9]) bất nhị: Không hai. Không âm không dương, không thiện không ác là bất nhị.

([10]) vô đối: Không có gì sánh được.

([11]) thường tại: Luôn luôn hiện hữu, không bao giờ hư mất.

([12]) thống ngự vạn vật: Cai quản muôn loài vạn vật.

([13]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 2, đàn 12-01 Đinh Mão (Chủ Nhật 13-02-1927) chép lời Thầy dạy: “Thầy đến lập Tam Kỳ Phổ Độ, chỉ vụ một chữ hòa.”

([14]) thái hòa: Sự hòa hiệp, hòa thuận rất lớn, tột cùng.

([15]) bảo hợp thái hòa: Giữ gìn và kết hợp các điều kiện để có được sự hòa hợp cùng khắp. Đây là từ ngữ trong Thoán Truyện quẻ Càn: “Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh, bảo hợp thái hòa, nãi lợi trinh.” (Đạo Trời biến hóa, khiến cho mọi vật giữ đúng được tính mệnh [Trời phú] mà lại gìn giữ và kết hợp các điều kiện để có được thái hòa, ấy mới là lợi và trinh.

([16]) cung khuyết vàng ròng: Huỳnh Kim Khuyết. kinh thành ngọc trắng: Bạch Ngọc Kinh.

([17]) cỡi sáu rồng bay khắp muôn phương: Thừa lục long dĩ ngự thiên. (Thoán Truyện quẻ Càn)

([18]) rồng bay lên trời cao vòi vọi: Phi long tại thiên. (quẻ Càn, hào cửu ngũ)

([19]) ngôi cửu ngũ: Ngôi vua; ngôi Trời.

([20]) dưới vực sâu: Tại uyên. (quẻ Càn, hào cửu tứ)

([21]) rồng hiện trên mặt đất: Hiện long tại điền. (quẻ Càn, hào cửu nhị)

([22]) Thời thừa lục long, du hành bất tức: Nghĩa đen là Trời có lúc cỡi sáu con rồng đi tuần du các nơi không ngừng nghỉ. Nghĩa bóng là Đạo Trời mạnh mẽ và vận hành khắp cả vũ trụ không một phút giây ngừng nghỉ, tức là Đạo Trời luôn luôn biến dịch đúng theo luật tắc, phù hợp hoàn cảnh.

([23]) dịch sử quần linh: Sai khiến vạn linh.

([24]) Bửu Cáo: Nhược thiệt nhược hư.

([25]) Thầy có nói gì đâu: Thiên hà ngôn tai. (Luận Ngữ 17:19)

([26]) sở đắc: Những gì họ lãnh hội được.

([27]) bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa: Im lặng nhưng lại phô bày mọi cuộc sinh sôi nảy nở của vũ trụ.

([28]) Như vậy là trong dương có âm, trong âm có dương.

([29]) nhất nguyên: Không âm không dương (không hữu không vô), không đối đãi. Trái lại, nhị nguyên thì phân biệt có âm có dương (hữu vô), có đối đãi. Thế giới con người là cõi nhị nguyên.

([30]) vạn hữu: Vạn vật, muôn vật trong vũ trụ.

([31]) tướng dụng: Hình thức và công dụng. Thí dụ: Nước ở hình thức lỏng có công dụng là để uống, luộc thực phẩm, v.v…; nước ở hình thức khí (hơi nước) có công dụng là để xông hơi, hấp thực phẩm, v.v…

([32]) sai biệt: Khác nhau.

([33]) vần xây: Xoay vần; vận hành.

([34]) Đạo pháp trường lưu: Bất kỳ thời đại nào, hoàn cảnh nào, nơi chốn nào, luôn luôn có đạo pháp khi ẩn khi hiện để dạy dỗ, dẫn dắt con người tu hành. (Câu này có trong bài kinh Nhiên Đăng Cổ Phật Bửu Cáo.)

([35]) tự cường bất tức: Đại Tượng Truyện quẻ Càn có câu: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức. (Trời vận hành không ngừng, người quân tử noi theo lẽ đó mà bản thân luôn luôn mạnh mẽ không ngừng.)

([36]) Bửu Cáo: Càn kiện cao minh.

([37]) Bửu Cáo: Vạn loại thiện ác tất kiến. (Nhìn thấy tất cả mọi điều lành dữ, tốt xấu của muôn loài.)

([38]) Kinh Thánh nói về tâm thiên địa (lòng trời đất) của Đức Thượng Đế (Trời Cha) như sau: Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. (Mát-thêu 5:45).

([39]) tà kiến: Cái thấy sai trái, không phải chánh kiến.

([40]) thị phi: Đúng và sai; lời khen chê của dư luận.

([41]) Bửu Cáo: Huyền phạm quảng đại (luật Trời rộng lớn).

([42]) lập phân: Phân định minh bạch.

([43]) Đức Lão Tử dạy (Đạo Đức Kinh, Chương 58): Họa hề phúc chi sở ỷ; phúc hề họa chi sở phục. (Họa là chỗ dựa của phước; phước là chỗ nấp của họa.)

([44]) Huỳnh Ngọc Trác: Tiền bối sinh năm 1898. Sau thời gian bị cầm tù tại Quảng Nam (1941-1945), ngày 01-5-1945 Ngài đi Quảng Ngãi hành đạo cùng một số chức sắc. Ngày 07-7-1945 Ngài và các vị đồng đạo bị bắt. Ngày 10-7-1945 tất cả bị bắn chết tại huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Đức Chí Tôn ban đạo quả cho Ngài là Liễu Ngộ Không Tâm Chế Tai Giải Ách Bồ Tát. Giáng cơ từ năm 1955, Ngài xưng là Liễu Tâm Chơn Nhơn hay Huỳnh Chơn Nhơn. – tuẫn đạo: Chết vì hy sinh cho tôn giáo của mình.

([45]) thất bảo: Bảy món quý báu (theo nhà Phật) là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, ngọc đỏ, và mã não.

([46]) tứ cú kệ: Bài kệ gồm bốn câu thơ, số chữ trong mỗi câu không nhất định (mỗi câu có thể gồm bốn, năm, hay bảy chữ).

([47]) Bửu Cáo: Nhứt toán họa phước lập phân. (Điều tai họa và phước lành được phân định minh bạch và mau chóng.)

([48]) trời: chư thiên (tiếng Pali là devas), nghĩa là các vị ở cõi trời. Chữ thiên này không viết hoa. Khi viết hoa (Thiên) thì có nghĩa là ông Trời, Thượng Đế.

([49]) Bửu Cáo: Thượng chưởng tam thập lục thiên, tam thiên thế giới.

([50]) Bửu Cáo: Hạ ốc thất thập nhị địa, tứ đại bộ châu.

([51]) Làm hoặc sai người khác làm, thôi hoặc bảo người khác thôi. Làm hay thôi không phải là khả năng con người vậy. (Mạnh Tử, Lương Huệ Vương, Hạ, 23)

([52]) Bửu Cáo: Tiên thiên, hậu thiên, tịnh dục Đại Từ Phụ.

([53]) Bửu Cáo: Cổ ngưỡng, kim ngưỡng.

([54]) Bửu Cáo: Tổng pháp tông.

([55]) Bửu Cáo: Vi Thánh Thần Tiên Phật chi chủ.

([56]) Bửu Cáo: Nãi nhựt nguyệt tinh thần chi quân.

([57]) Bửu Cáo: Vô vi nhi dịch sử quần linh.

([58]) Cho nên, nếu bảo Phật lớn hơn Trời; hay bảo Trời cao hơn Phật, thì cả hai đều không phải là chánh kiến. Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 1, đàn Chủ Nhựt 24-10-1926, Đức Chí Tôn dạy: “Thầy là chư Phật. Chư Phật là Thầy.”

([59]) hiển vi vô gián: Hiện hay ẩn đều không ngăn cách.

([60]) thể dụng nhứt nguyên: Bản thể và công dụng của bản thể là một, không đối lập nhau (vì đối lập thuộc về nhị nguyên).

([61]) chí Đạo: Rốt ráo được lẽ Đạo.

([62]) Bửu Cáo: Trạm tịch chơn đạo.

([63]) Thượng Thiên chi tái, vô thanh vô xú: Những việc Trời làm thì không tiếng không mùi. (Trung Dung, 33)

([64]) Bửu Cáo: Khôi mịch tôn nghiêm.

([65]) xem không thấy, lóng không nghe: Thị chi bất kiến, thính chi bất văn. (Kim Quang Thần Chú)

([66]) Bửu Cáo: Linh oai mạc trắc. / Biến hóa vô cùng.

([67]) Bửu Cáo: Thường thi thần giáo dĩ lợi sanh.

([68]) trắc nghiệm: Đo lường và khảo sát.

([69]) rồng thiêng Lão Tử: Nam Hoa Kinh (Thiên Vận, 6) chép rằng sau khi đi thăm Đức Lão Tử, lúc trở về Đức Khổng Tử chẳng nói gì suốt ba ngày. Đệ tử hỏi han thì Đức Khổng ví Đức Lão như con rồng thiêng: “Ngô nãi kim ư thị hồ kiến long. Long hợp nhi thành thể, tán nhi thành chương, thừa hồ vân khí nhi dưỡng hồ âm dương.” (Ta nay đã thấy rồng. Rồng cuộn mình thành một khối, duỗi ra thành rồng trọn vẹn. Rồng cỡi khí mây và sống bằng khí âm dương.)

([70]) Khổng Tử người bốn phương: Trong thời đại Trung Hoa phân chia thành nhiều nước, vì hoài bão đem tư tưởng của mình ra giúp đời, Đức Khổng Tử từng dẫn một nhóm học trò đi khắp các nước trong suốt mười ba năm để mong tìm được minh chúa biết dùng tài đức của Ngài.

([71]) Thầy thường xưng danh là: “Ngọc Hoàng Thượng Đế kim viết Cao Đài giáo đạo Nam Phương”. Xem Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

([72]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn Thứ Bảy 13-3-1926: “Chung quanh các con, dầu xa dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con (...).”

([73]) dĩ độc trị độc: Lấy cái độc mà chữa trị cái độc.

([74]) học Dịch tu tâm: Chẳng hạn, đàn 10-10 Ất Tỵ (Thứ Năm 02-11-1965) tại Tam Tông Miếu, Đức Thánh Trần Hưng Đạo chọn chín quẻ trong sáu mươi bốn quẻ Dịch để dạy các bậc hướng đạo Kỳ Ba tu đức (tu tâm). Chín quẻ này là: 1/ Thiên Trạch Lý (quẻ 10); 2/ Địa Sơn Khiêm (quẻ 15); 3/ Địa Lôi Phục (quẻ 24); 4/ Lôi Phong Hằng (quẻ 32); 5/ Sơn Trạch Tổn (quẻ 41); 6/ Phong Lôi Ích (quẻ 42); 7/ Trạch Thủy Khổn (quẻ 47); 8/ Thủy Phong Tỉnh (quẻ 48); 9/ Bát Thuần Tốn (quẻ 57).

([75]) Đại minh chung thỉ, lục vị thời thành, thời thừa lục long dĩ ngự thiên: Thánh nhân [đại minh] thấu suốt đầu đuôi [chung thủy] / Biết sáu giai đoạn [lục vị] cơ Trời biến thiên / Thế là cưỡi sáu rồng thiêng / Vượt muôn biến hóa, băng miền trời mây. (Thoán Truyện quẻ Càn, Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ dịch)

([76]) Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh, bảo hợp thái hòa, nãi lợi trinh: Đạo Trời biến hóa, khiến cho mọi vật giữ đúng được tính mệnh [Trời phú] mà lại gìn giữ và kết hợp các điều kiện để có được thái hòa, ấy mới là lợi và trinh. (Thoán Truyện quẻ Càn)

([77]) bửu kinh: Kinh báu. Bửu Cáo: Lũ truyền bửu kinh dĩ giác thế.

([78]) thần giáo: Lời dạy rất huyền diệu. Bửu Cáo: Thường thi thần giáo dĩ lợi sanh.

([79]) Bửu Cáo: Hựu tội. (Xá tội) Quân dữ đóng đinh Chúa Giê-su vào thập giá trên Đồi Sọ, giữa hai tên gian phi. Đức Giê-su cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lu-ca 23:34)

([80]) Bửu Cáo: Hồng oai, hồng từ.

([81]) Bửu Cáo: Vô cực, vô thượng.

([82]) Bửu Cáo: Đại thánh, đại nguyện.

([83]) Đại Thừa Chơn Giáo:

(a) Nên hội Tam Giáo Công Đồng, Thầy lập tờ đoan thệ, đem Đạo mầu phổ hóa độ tất cả đám quần sanh. / Nếu các con chẳng chịu tu hành, không bỏ dữ làm lành, Đạo không thành Thầy nguyện không trở về ngôi vị cũ.

(b) “Muôn kiếp các con chịu lạc đường / Thấy vầy Thầy luống động lòng thương / Nên đoan thệ với hàng Tiên Phật / Lập Đạo không thành chịu tội ương.

([84]) Kinh Thánh Cựu Ước: Sáng Thế Ký 3:23.