Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

126/0a. NỘI DUNG NHƯ HOA NỞ MUỘN



NHƯ HOA NỞ MUỘN
Nhà xuất bản HỒNG ĐỨC, Hà Nội 2019

Ấn tống lần thứ nhất 2.000 quyển
do quý môn sanh Chiếu Minh (Long Vân Đàn, Mỹ Tho):
* Hiền tỷ HỒNG LIÊN HƯƠNG
công quả mười triệu đồng (gởi đợt 91)
* Hiền tỷ NGỌC TUYẾT HƯƠNG
công quả mười triệu đồng (gởi đợt 80)

Đồng kỉnh thành hồi hướng cửu huyền thất tổ siêu thăng,
hiệp tâm cầu nguyện gia đạo vững bền, dân an quốc thái,
đạo pháp trường lưu, chánh giáo hoằng dương,
Đại Đạo Cao Đài quy nguyên thống nhất,
vạn linh thức tỉnh hồi đầu, đồng đăng bỉ ngạn.

ĐÔI LỜI THA THIẾT
Quý vị vui lòng KHÔNG photocopy, KHÔNG mua bán bất kỳ kinh sách nào do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện. Trân trọng kính mời quý vị liên hệ với chúng tôi qua điện thư daidaovanuyen@gmail.com để thỉnh kinh sách.
Kinh sách được ấn tống để kính biếu rộng rãi là nhờ có biết bao tấm lòng vàng của hàng hàng lớp lớp đạo tâm gần xa gởi gắm. Để không phụ lòng các vị ân nhân ấy, xin quý vị trân trọng giữ gìn kinh sách để truyền trao cho đúng người thật tâm tìm tu, học đạo. Chúng tôi chân thành biết ơn sự thấu hiểu, đồng cảm, và hợp tác chặt chẽ của quý vị.
BAN ẤN TỐNG

NỘI DUNG

GIAO CẢM
MỘT.
1. BÓNG DÁNG SAU LƯNG
2. ĐỪNG HỦY HOẠI BỮA ĂN GIA ĐÌNH CHÚNG TA
3. HAI MÓN QUÀ BẤT NGỜ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG
4. HUYỀN THOẠI “MỤC TỬ MỘT”
5. MÁNG CỎ GIỮA LÒNG THUYỀN
6. SỐ BA CỦA ĐỨC PHAN-XI-CÔ
7. TOÁT YẾU TÔNG THƯ LAUDATO SI’
8. THÁNH NHÂN VỐN THÍCH HÀI HƯỚC
9. VĂN HÓA GẶP GỠ CHO MUÔN THUỞ
HAI.
10. ĐIỆU MÚA LIÊN TÔN
11. ĐỒNG CẢM VỀ “PHÉP NHÂN” CỦA CHÚA
12. MỘT CÁCH GÂY QUỸ ĐỂ HÀNH ĐẠO
13. MỘT LẦN LÀM LINH MỤC
14. MỘT NGÀY LÀM LINH MỤC
15. NGHĨ VỤNG VỀ MỐI PHÚC THẬT THỨ NHẤT
16. NHƯ HOA NỞ MUỘN
17. THÁNH LỄ GIỮA BÌNH MINH SA MẠC
18. TIN YÊU MẠNH HƠN CÁI CHẾT
19. TRONG CÁNH RỪNG ẤY
20. TRƯNG BÀY VỀ TỰ DO TÔN GIÁO
21. TỪ KHỈ ĐẾN NGƯỜI
22. TƯỞNG NHỚ NHỮNG EM BÉ KHÔNG ĐƯỢC CHÀO ĐỜI

Trình bày sách & vẽ bìa 1: NGÔ BÁI THIÊN
Tranh nền bìa 1 mượn của: https://all-free-download.com/free-vector/ download/abstract-lines-background-04-vector_181778.html
Bìa 4: Huệ Khải Văn Tập 啟文集
Thư pháp: TRƯƠNG LỘ


126/0b. GIAO CẢM: NHƯ HOA NỞ MUỘN



GIAO CẢM
1. Tập sách nhỏ quý bạn đang cầm trên tay gồm có hai mươi hai bài viết ngắn đã lần lượt đăng trên tuần san và nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc (CGvDT) từ tháng 8-2015 tới tháng 7-2019. Nội dung sách chia làm hai phần:
- Chín bài đầu (1-9) gồm những mẩu chuyện liên quan tới Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô. Qua đó, chúng ta có dịp suy gẫm những đức tánh của ngài như giản dị, hài hước, hòa đồng, khiêm nhượng, nhân ái, tiết kiệm, v.v… Chúng ta còn chia sẻ quan điểm của ngài về hai vấn nạn lớn của thời đại là bảo vệ môi sinh, làn sóng người tỵ nạn đang tăng lên.
- Mười ba bài còn lại (10-22) kể về một số người thật, việc thật xứng đáng được xem là các tấm gương tu đức, sống đạo của người phương Tây đang cùng thời đại chúng ta.
2. Tất cả các đoạn Phúc Âm dẫn trong Như Hoa Nở Muộn đều trích từ bản dịch Kinh Thánh (ấn bản 2011) của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.([1]) Tôi giữ cách phiên âm nhân danh, địa danh có dấu gạch nối của Nhóm này, và áp dụng luôn trong nội dung cả tập sách, dù không phải là những câu trích từ bản dịch Kinh Thánh (ấn bản 2011). Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có không ít tên người, tên đất vẫn giữ nguyên dạng theo tiếng nước ngoài, không phiên âm. Rõ ràng, tự tôi mắc phải cái lỗi thiếu nhất quán, và rất mong được quý bạn đọc lượng thứ cho chỗ bất tiện này.
3. Ấn tống hiệp tuyển Như Hoa Nở Muộn, tôi muốn bắc thêm một nhịp cầu tương tri để tín hữu Cao Đài chúng ta có thể bước tiếp vào đời sống tu học và hành đạo của các bậc hướng đạo và tín hữu đạo Chúa. Nói “bắc thêm” và “bước tiếp” vì đây không phải là tập sách đầu tiên bắc cầu tương tri giữa đạo Chúa và đạo Cao Đài trong định hướng của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Vì sao thế?
Xin thưa, qua một số tập sách ấn tống, đã không ít lần tôi hay nhắc tới đặc điểm Tứ Giáo của đạo Cao Đài, và để làm sáng tỏ yếu tố Tứ Giáo trong đạo nhà, chúng ta thật sự còn cần thêm nhiều gắng sức tìm hiểu đạo Chúa.
3.1. Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, ngày 15-4 Bính Ngọ (Thứ Sáu 03-6-1966), Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt ban trao cho Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam một bản đồ tu học và hành đạo với tên gọi Lịch Trình Hành Đạo.
Trong các cấp chức vụ của Cơ Quan,([2]) về phần Phó Ban, Đức Lê Đại Tiên minh định: Phó Ban có cùng phương vị ([3]) hành đạo với giáo sĩ; Phó Ban sẽ cầm pháp Thầy mà gieo rải đến nhơn sanh. Để trang bị cho Phó Ban một “vốn liếng” khả dụng ngõ hầu thực thi chức năng đã được minh định như thế, Đức Lê Đại Tiên dạy Phó Ban phải nghiên cứu, tìm hiểu Thánh Đo (gồm chung Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Hồi Hồi Giáo [Islam]) cho thông suốt.
3.2. Tại thánh tịnh Ngọc Điện Huỳnh Hà, ngày 24-6 Giáp Thìn (Thứ Bảy 01-8-1964), Đức Quan Thánh Đế Quân dạy:
Nhìn giáo bn Đại Đạo
Xem chúng nhân mà tạo tín đồ.
là so sánh để biết bạn biết mình, để học hỏi những ưu điểm của tôn giáo bạn mà phát triển đạo nhà. Khi nhìn giáo bn, chúng ta cần lưu tâm tới đạo Chúa. Theo số liệu của Encyclopaedia Britannica Online (bản cập nhật ngày 21-6-2019), hiện nay thế giới có khoảng 2,3 tỷ người là Ki-tô hữu (Christians), trong đó ước chừng 1,3 tỷ người theo Công Giáo (Roman Catholics).([4]) Để thực hành chặt chẽ và đúng đắn lời dạy của Đức Quan Thánh Đế Quân như dẫn trên, chỉ riêng đạo Chúa với hơn hai ngàn năm lịch sử đủ buộc chúng ta một hành trình học hỏi dài lâu và nghiêm túc.
3.3. Trong khả năng hạn hẹp của mình, nương cậy Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, không dừng lại với Như Hoa Nở Muộn, tôi mong sẽ còn cơ hội ấn tống thêm một số đầu sách tham khảo khác (nhẹ nhàng, dễ đọc) để anh chị em áo trắng chúng ta tùy duyên bổ sung vào hành trang mỗi người, noi theo định hướng 3.1. và 3.2. của Ơn Trên.
Nhiêu Lộc, 26-7-2019
Huệ Khải



([1]) https://ktcgkpv.org/bible?version=1
([2]) Từ năm 1985 gọi là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.
([3]) phương vị 方位 (position): Vị trí, vị thế, tư cách để làm việc gì.
([4]) Of the estimated 2.3 billion Christians in the world, about 1.3 billion of them are Roman Catholics.
(https://www.britannica.com/topic/Roman-Catholicism)

126/1. BÓNG DÁNG SAU LƯNG / NHƯ HOA NỞ MUỘN



1. BÓNG DÁNG SAU LƯNG
HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)

Tạp chí danh tiếng thế giới National Geographic (Địa Lý Quốc Gia) - tên gọi ban đầu là The National Geographic Magazine (Tạp Chí Địa Lý Quốc Gia) - là cơ quan ngôn luận chánh thức của Hội Địa Lý Quốc Gia Hoa Kỳ (NGS: the National Geographic Society), đặt trụ sở chánh tại thủ đô Washington (Mỹ).
Thành lập vào tháng 01-1888, Hội này là một trong những cơ quan giáo dục và khoa học phi lợi nhuận lớn nhất thế giới. Sau khi ra đời được chín tháng, Hội cho xuất bản nguyệt san Địa Lý Quốc Gia, liên tục từ đó đến nay. Bìa một tạp chí này bao giờ cũng được viền bằng một khung chữ nhật dày dặn màu vàng tươi, phải chăng vì biểu tượng (logo) của Hội chính là cái khung chữ nhật vàng tươi y hệt như vậy?
Theo số liệu năm 2015, tạp chí Địa Lý Quốc Gia được phổ biến trên thế giới với gần bốn mươi ngôn ngữ, mỗi tháng phát hành toàn cầu trên sáu triệu bản in, trong đó riêng ở Mỹ là ba triệu rưỡi bản mỗi tháng.
Tháng 8-2015, tạp chí Địa Lý Quốc Gia có một ảnh bìa rất đặc biệt: Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đang đứng trong nhà nguyện Sistine, và chúng ta chỉ nhìn thấy được phía sau lưng ngài. Nói theo nhà giáo, nhà văn Chu Tự Thanh 朱自清 (1898-1948, Trung Quốc), chúng ta chỉ thấy bóng dáng sau lưng (bối ảnh 背影) của ngài.([1]) Và tác giả “bối ảnh” này là Dave Yoder, nhiếp ảnh gia danh tiếng xuất thân từ bang Indiana (miền trung tây Hoa Kỳ) nhưng thường trú tại Milan và Rome (nước Ý) để công tác cho tạp chí.
Nổi bật trên ảnh bìa là ba dòng chữ:
POPE
FRANCIS
REMAKES THE VATICAN
(Đức Giáo Hoàng
Phan-xi-cô
tái tạo Vatican)
Động từ remakes (tái tạo) trên bìa ắt hẳn không phải cốt ý “câu” khách, và có lẽ tạp chí Địa Lý Quốc Gia đã chọn dùng nó như là hệ quả từ những gì Đức Phan-xi-cô đã làm kể từ khi ngài được bầu chọn làm giáo hoàng, và có lẽ cũng chính từ tấm gương sống động hàng ngày của ngài đã gây ấn tượng sâu sắc cho hằng tỷ người trên thế giới, Công Giáo lẫn không Công Giáo.
Bởi vậy, chúng ta chẳng ngạc nhiên khi thấy bà tổng biên tập Susan Goldberg thay vì nhắc tới những thành tựu chinh phục lòng người của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô trong hai năm rưỡi trị vì ở Vatican, thì lại mở đầu “lá thư tòa soạn” cho tạp chí tháng 8-2015 bằng cách nhắc tới đức khiêm nhượng, tính giản dị, óc hài hước tự nhiên của vị lãnh đạo tinh thần một tỷ hai con dân Thiên Chúa. Vâng, bà tổng biên tập Goldberg mở đầu bài viết như sau: “Xe của ngài không phải là một chiếc limo đường bệ, mà chỉ là một chiếc Ford Focus [loại xe nhỏ gọn dành cho gia đình ít người]. Ngài không trú ngụ trong cung điện dành riêng cho giáo hoàng mà ở trong một căn hộ (apartment) khiêm tốn. Đôi giày chỉnh hình (orthopedic), vòng bụng đẫy đà, tính hay khôi hài, những nhận định bất chợt của ngài khiến người nghe phải sửng sốt.”
Để minh họa cho những nhận dịnh bất chợt của Đức Phan-xi-cô làm người nghe sửng sốt, bà Goldberg dẫn lại câu nói nổi tiếng của ngài hồi tháng 7-2013, đã khiến giới yêu đương đồng phái trên thế giới quá đỗi sung sướng, và hoan nghênh ngài nhiệt liệt: Nếu một anh chàng yêu đương đồng phái mà tìm kiếm Chúa và có lòng lành ý thiện, thì tôi là ai mà dám phán xét? ([2])
Trở lại với tác giả ảnh bìa tạp chí tháng 8-2015, bà tổng biên tập cho biết: Ngoài số nhiếp ảnh gia riêng của Vatican, những phóng viên trong giới truyền thông hầu như luôn luôn phải giữ một khoảng cách thích hợp khi muốn chụp ảnh Đức Giáo Hoàng. Vậy mà có một ngoại lệ. Anh chàng Dave Yoder trong nửa năm 2014 đã có nhiều dịp được đến gần bên Đức Giáo Hoàng, một sự kiện chưa từng có tiền lệ ở Vatican. Anh thổ lộ: “Tôi cận kề ngài đến nỗi có lúc tôi lo ngại là tôi vấp phải ngài hoặc là ngài vấp phải tôi.”
Hôm ấy Yoder nép mình sát một vách tường trong đền thờ Thánh Phê-rô, trước mặt anh là các vị hồng y, và Đức Giáo Hoàng. Chàng nhiếp ảnh gia tài hoa nhớ lại một trong ba lần được nói chuyện với Giáo Hoàng: “Đức Phan-xi-cô tiến thẳng tới chỗ tôi và chìa bàn tay ra chờ đợi. Ngài nhìn vào mắt tôi có vẻ như muốn bảo: Con không định chào Cha sao?
Lòng nhiệt thành của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô mỗi khi tiếp xúc với những dân thường đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho Yoder. Anh nói: “Mỗi khi ở giữa các phụ tá, ngài thường hay nhìn đồng hồ tay. Nhưng khi ở giữa những dân thường, ngài không ngó ngàng tới chiếc đồng hồ trên tay và cứ dành cho dân chúng trọn cả thời gian họ cần có.”
Nhắc lại cơ hội hy hữu được cận kề để chụp ảnh Đức Giáo Hoàng, Dave Yoder nói: “Điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra lần nữa.”
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 03-8-2015
Tuần san CGvDT, số 2018, từ 07 đến 13-8-2015



([1]) Xem Chu Tự Thanh, Bóng Dáng Sau Lưng, in trong Lê Anh Minh, Ái Hoa Không Còn Nữa. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2017, tr. 12-16. Quyển 109-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống.
([2]) If a person is gay and seeks God and has goodwill, who am I to judge?


126/2a. ĐỪNG HỦY HOẠI BỮA ĂN GIA ĐÌNH CHÚNG TA / NHƯ HOA NỞ MUỘN



2. ĐỪNG HỦY HOẠI
BỮA ĂN GIA ĐÌNH CHÚNG TA
HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)

1. Trong buổi tiếp kiến chung hôm Thứ Tư 11-11-2015 tại quảng trường Thánh Phê-rô, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô giảng về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình quanh bàn ăn. Ngài bảo:
Hôm nay, chúng ta sẽ suy tư về một phẩm chất tiêu biểu của đời sống gia đình và chúng ta học phẩm chất đó ngay từ những giai đoạn đầu đời. Nói cách khác, ăn uống vui vẻ với nhau là thái độ chia sẻ những gì chúng ta có trong cuộc sống, và chúng ta hạnh phúc khi làm như thế.
Chia sẻ, biết cách chia sẻ, là một đức tính quý báu. Biểu tượng, hình tượng của nó là bàn ăn gia đình. Vì vậy, không phải chỉ là thức ăn, mà còn là cảm xúc, các mẩu chuyện, và tin tức. Cử chỉ chia sẻ bữa ăn là một trải nghiệm chủ yếu. Khi có một buổi lễ, sinh nhật, kỷ niệm hằng năm, thì gia đình quây quần quanh bàn ăn. Trong một số nền văn hóa, người ta có tập tục như vậy những lúc gặp đau thương, để gần gũi với ai đó vừa mất đi một người thân yêu.
Ăn uống vui vẻ với nhau là một nhiệt kế chính xác đo lường mức độ lành mạnh của các mối quan hệ. Nếu gặp vấn đề gì khó khăn, nếu đang giấu kín một vết thương lòng, thì chúng ta có thể thổ lộ tất tần tật trong bữa ăn gia đình.
Một gia đình mà mọi người hiếm khi ngồi ăn chung với nhau, hoặc giả có cùng ngồi quanh bàn ăn thì chẳng ai mở miệng trò chuyện với ai, bởi lẽ họ còn đang bận dán mắt vào màn ảnh truyền hình, hoặc đang mê mải với điện thoại thông minh, thế thì gia đình đó không còn đúng nghĩa là một gia đình nữa. Khi ngồi tại bàn ăn mà con cái cứ dán mắt vào máy tính hay điện thoại thông minh và không lắng nghe người khác, thì đó không phải là gia đình nữa, mà là một nhà hưu dưỡng.
2. Đối với Ki-tô hữu, bữa ăn gia đình không chỉ là dịp cùng ngồi ăn chung với nhau; do đó, Đức Phan-xi-cô nhấn mạnh tới bí tích thánh thể:
Ki-tô Giáo có một ơn gọi đặc biệt cho bữa ăn uống vui vẻ, và mọi người đều biết điều này. Chúa Giê-su luôn luôn để lời dạy dỗ các tông đồ trong lúc thầy trò đang cùng ăn với nhau. Lắm khi Chúa mô tả Nước Trời như một đại yến hoan hỷ.([1]) Chúa Giê-su cũng chọn thời gian đang dùng bữa để truyền trao cho các tông đồ những chứng từ tâm linh. Chúa đã làm như thế trong bữa ăn tối sau cùng, và bữa tiệc ly ấy nhắc nhở chúng ta nhớ mãi đức hy sinh của Chúa: Thịt và máu của Chúa là quà tặng cho chúng ta để làm thức ăn thức uống cứu độ chúng ta, dưỡng nuôi tình yêu thương chân thật và bất diệt.
Chúng ta quả thật có thể nói rằng mọi người trong gia đình có mặt ở nhà khi nào họ có mặt bên bàn ăn. Trong thời đại mà con người quá chú ý đến bản thân mình và có quá nhiều bức tường ngăn cách, thì bữa ăn vui vẻ với nhau hãy bắt đầu từ trong gia đình và phát triển trong bí tích thánh thể, đó là điều cốt yếu.
Bí tích thánh thể và các gia đình được dưỡng nuôi bằng bí tích thánh thể có thể chiến thắng thái độ khép kín và bắc những nhịp cầu thân thiện, bác ái. Bí tích thánh thể của Giáo Hội của các gia đình [Ki-tô hữu] là một trường học dung chứa con người và nó không sợ đối thoại. Không một ai nhỏ bé, yếu đuối, thiếu chở che, bị thương tích, đang thất vọng, tuyệt vọng, và bị từ bỏ mà lại không được dưỡng nuôi, che chở và tiếp đón trong các bữa ăn vui vẻ mang ý nghĩa bí tích thánh thể của các gia đình [Ki-tô hữu].
3. Làm sao bảo vệ bữa ăn gia đình, không đánh mất ý nghĩa thiêng liêng của nó? Đức Phan-xi-cô giảng giải:
Nhiều bối cảnh xã hội ngày nay đặt để những chướng ngại không cho những người cùng gia đình được ngồi ăn vui vẻ bên nhau. Quả thật, mọi chuyện thời nay chẳng dễ dàng gì. Chúng ta phải tìm ra phương cách để phục hồi bữa ăn gia đình. Khi ngồi tại bàn ăn, chúng ta trò chuyện, lắng nghe, và đừng im lời lặng tiếng, bởi nó không phải là sự thinh lặng của người tu, mà là sự thinh lặng ích kỷ, gây ra do điện thoại thông minh và truyền hình. Bữa ăn vui vẻ bên nhau cần được phục hồi, dẫu vẫn phải thích nghi với thời đại.
Đức Phan-xi-cô không quên “điểm danh” một nền kinh tế thương mại thúc đẩy con người tiêu dùng bất hợp lý:
Bữa ăn vui vẻ dường như đã trở thành một thứ có thể mua và bán, nhưng không phải thế. Thức ăn không phải lúc nào cũng là biểu tượng cho sự phân phối hàng hóa công bằng, có thể cung cấp cho những người không có miếng ăn và không có cả tình yêu thương. Các nước giàu có xu hướng tiêu dùng thực phẩm quá mức lại còn tô son trát phấn cho sự thái quá đó. Chuyện vô lý này khiến cho chúng ta không chú ý tới cơn đói khát thật sự của thân xác và linh hồn. Khi thiếu vắng bữa ăn vui vẻ với nhau, thì sự ích kỷ ngẩng cao đầu, mỗi cá nhân chỉ nghĩ về chính mình.
4. Trớ trêu là người có điều kiện vật chất không thể ngồi ăn chung với nhau trong lúc rất nhiều người phải chịu đói khát. Đức Phan-xi-cô nói:
Các quảng cáo thương mại đã thu gọn bữa ăn lại chỉ còn là những thức ăn nhanh vô bổ và những món ngọt ham thích. Trong khi đó, quá nhiều anh chị em chúng ta không được ngồi vào bàn ăn. Thật đáng xấu hổ!
Kết thúc bài giảng, Đức Phan-xi-cô nói:
Trong bối cảnh đó, sự liên kết sâu sắc và tích cực của các gia đình Ki-tô hữu nâng đỡ và bao dung những nỗi khó khăn cũng như những niềm hoan hỷ trong đời sống hằng ngày thông qua tính năng động của lòng hiếu khách,([2]) đồng hành với ơn sủng của bí tích thánh thể vốn có thể tạo nên một sự hiệp thông luôn luôn mới mẻ, bao gồm sức mạnh và đem lại ơn cứu độ.
Đây là cách mà gia đình Ki-tô hữu có thể cho thấy các triển vọng thực sự của gia đình mình, những triển vọng của Mẹ Giáo Hội, của tất cả nhân loại, của tất cả những người bị bỏ rơi, bị loại trừ và tất cả mọi dân tộc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho bữa ăn gia đình vui vẻ này được tăng trưởng trong thời gian đầy ơn phước của Năm Thánh Lòng Thương Xót đang đến gần.([3])
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 02-12-2015
Tuần san CGvDT, số 2035, từ 04 đến 10-12-2015



([1]) Nước Trời như một đại yến: Xem Phụ Đính sau bài này.
([2]) Hiếu khách tức là vui vẻ mời người khác ăn uống. Mới vừa trước đó, Đức Phan-xi-cô nhắc tới quá nhiều anh chị em chúng ta không được ngồi vào bàn ăn”. Có lẽ ngài ngụ ý nhắn nhủ lời Chúa (Mát-thêu 25:35): Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước. Như vậy, từ bữa ăn gia đình san sẻ tình thương với người thân thích, phải chăng còn cần biết mở rộng thành bữa ăn bác ái với những số phận hẩm hiu?
([3]) Bài giảng được dịch từ bản tiếng Anh do Vatican Insider công bố tại: http://vaticaninsider.lastampa.it/en/the-vatican/detail/articolo/ francesco-francisco-francis-famiglia-family-familia-44599/


126/ 2b. NƯỚC TRỜI NHƯ MỘT ĐẠI YẾN / NHƯ HOA NỞ MUỘN



PHỤ ĐÍNH
 NƯỚC TRỜI NHƯ MỘT ĐẠI YẾN
Đại yến (banquet; 宴席: yến tịch) là bữa tiệc lớn, trọng thể.
1. Nước Trời (Nước Thiên Chúa) thường được ví như một bữa tiệc, và Chúa Giê-su mời mọi người đến dự tiệc với Chúa, nhưng phần lớn người đời chối từ, vì không biết điều này:
Phúc thay ai được d tic trong Nước Thiên Chúa! (Lu-ca 14:15)
Theo Phúc Âm, Nước Trời còn được ví với bữa tic cưới (wedding banquet; 婚宴: hôn yến). Chẳng hạn:
Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tic cưới cho con mình. (Mát-thêu 22:1-2)
Mặc dù được chủ tiệc thỉnh mời trân trọng, rất nhiều người từ chối đến dự tiệc cưới, tức là họ từ khước để chân bước vào Nước Trời:
Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến d tic, nhưng họ không chu đến. (Mát-thêu 22:3)
2. Trong thánh giáo Cao Đài, bữa tiệc vừa mang ý nghĩa con người được hiệp một với Thượng Đế (Thiên nhân hiệp nhất 天人合一: the oneness of Heaven and humanity), vừa có nghĩa là phần thưởng Trời ban cho người đã chu toàn sứ mạng Trời giao phó trong công cuộc cứu độ Kỳ Ba.
Phần thưởng này Trời dành cho người biết gánh vác việc của Trời, xem việc của Trời là việc của mình, nên đã thay Trời giáo hóa chúng dân tu hành (thế Thiên hành hóa 替天行化: on behalf of Heaven teaching people the way of self-cultivation). Ai được nhận phần thưởng này, được dành cho một cái ghế (một chỗ ngồi) ở bàn tiệc ấy, tức là có một vinh dự (danh dự) không gì sánh được.
Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 16-01 Kỷ Hợi (Thứ Hai 23-02-1959), Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:
Nên loài người muốn được dưới sự che chở của bàn tay quyền năng là phải lập giao ước cùng Trời, làm cho Trời người trở nên đồng nhất.([1]) Đã đồng nhất thì việc của Trời làm hôm nay là việc của người. Người phải thấy cái trọng trách sứ mạng ở nơi mình. Mình với Trời cùng một chương trình cải tạo thế gian. Nhận thức được điều ấy, thấy rõ một tương lai sứ mạng mà gắng lòng lo tu, để lòng thờ kỉnh. Đã được danh dự đứng trong hàng ngũ về phía của Thầy [Đức Thượng Đế, Cha Trời], cùng trong một bữa tic, được dự vào những ghế mà Đức Cha Trời dành cho, thì không phải ân phước sao được trở nên danh dự đó?
Trong Phúc Âm, Đức Giê-su dùng hình ảnh tiệc cưới làm dụ ngôn nói về Nước Trời (Mát-thêu 22:1-2). Trong thánh giáo Cao Đài, Đức Chí Tôn mượn hình ảnh tic xuân (spring banquet; 春宴: xuân yến) để nói tới phần thưởng ban ơn cho những người biết thay Trời làm việc của Trời.
Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 01-01 Bính Thân (Chủ Nhật 12-02-1956), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế (Thầy) dạy:
Tic xuân dọn mời con ngồi lại
Rót chung trà Thầy đãi các con
Hôm nay kẻ mất người còn
Đều là phận sự vẹn tròn Thầy khen.
Suy rộng thêm, phải chăng Hội Yến Bàn Đào (the Peach Banquet; 蟠桃宴會: Bàn Đào Yến Hội) ở Diêu Trì Cung cũng là một bữa tiệc ở Nước Trời mà Đức Mẹ ban thưởng cho các nguyên nhân tu hành đắc đạo được trở về cố quận?

HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)



([1]) đồng nhất 同一 (identical, the same): Giống nhau, không khác, là một.


126/3. HAI MÓN QUÀ BẤT NGỜ / NHƯ HOA NỞ MUỘN



3. HAI MÓN QUÀ BẤT NGỜ
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAN-XI-CÔ
HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)

Tổ chức ủng hộ bệnh nhi ung thư Puttinu Cares (the Puttinu Cares Cancer Support Group, địa chỉ mạng quốc tế: http://www.puttinucares.org) được thành lập năm 2002, xuất phát từ ý tưởng nhân đạo và lòng khao khát muốn giúp đỡ các gia đình ở Malta ([1]) có con trẻ mắc bệnh ung thư. Sáng lập tổ chức này là bác sĩ Victor Calvagna và ông Rennie Zerafa. Danh xưng Puttinu là tên của một nhân vật do ông Philip Farrugia Randon hư cấu - một thiên thần từ trên trời xuống thế gian để chăm sóc chú bé Toninu. Biểu tượng của Puttinu Cares cho thấy một em bé và thiên thần nhỏ Puttinu đang nắm tay nhau, sau lưng cả hai là mặt biển và bầu trời xanh ngắt, vì nước Malta là một quần đảo.
Dự án đầu tiên của tổ chức bác ái Puttinu Cares là mang lại sinh khí cho khoa nhi trong bệnh viện Thánh Lu-ca (nguyên là bệnh viện đa khoa ở Malta cho tới năm 2007). Với sự giúp đỡ của các người tình nguyện sốt sắng và các nhà hảo tâm hào phóng, khoa nhi một thuở u buồn, ảm đạm ấy đã bừng sáng lên nhờ những hình ảnh vui nhộn nhiều màu sắc. Sự thay đổi này có lợi cho việc chữa trị các bệnh nhi.
Hằng năm vào mùa hè, Puttinu Cares tổ chức tiệc nướng ngoài trời cho các trẻ và gia đình các cháu. Mùa đông thì tổ chức tiệc Giáng Sinh. Các trẻ tham dự được tặng quà. Hai hoạt động thường niên này là sinh hoạt chánh thức của Puttinu Cares. Trong năm còn có các sinh hoạt nhỏ hơn. Một số hoạt động khác nhằm gây quỹ để tài trợ cho chương trình bác ái của Puttinu Cares.
Tuy nhiên, vì đảo quốc Malta nhỏ bé, tài nguyên hạn chế, việc chữa trị bệnh nhi trong nước lắm khi không đủ phương tiện, buộc phải chuyển bệnh nhi kèm theo thân nhân săn sóc ra bệnh viện ở nước ngoài. Chẳng hạn, khi đưa bệnh nhi sang Anh để được điều trị tại các bệnh viện ở thủ đô London, thân nhân các cháu được bố trí tạm trú tại chúng cư Sutton Apartments cũng tọa lạc ở London. Bởi lẽ đó, Puttinu Cares luôn luôn cần có nhiều nguồn tài trợ.
Về việc gây quỹ để tài trợ cho Puttinu Cares, hôm Chủ Nhật 17-01-2016 báo The Malta Independent Online đưa một bản tin lý thú của Mathias Mallia với nhan đề: Thầy Giáo Kiêm Người Bán Đấu Giá Giúp Puttinu Cares Đã Nhận Được Bưu Kiện Của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô.
Kenneth Formosa là giáo viên trung học phục vụ toàn thời gian; ngoài ra, thầy còn làm thêm việc bán đấu giá bán thời gian để gây quỹ trợ giúp Puttinu Cares. Thầy giáo Formosa nhận được một bưu kiện rất bất ngờ mà lại đến vô cùng đúng lúc. Bưu kiện gởi đi từ Vatican, chính là món quà Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô tặng thầy.
Món quà trong bưu kiện là hai tấm huy hiệu giáo hoàng đã được làm phép (blessed papal medals). Lẽ thường, những món quà rất quý này chỉ đặc biệt dành riêng cho những ai được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến riêng. Nhưng thầy Formosa khi nhân danh nhóm từ thiện Puttinu Cares để viết một lá thư thỉnh cầu Đức Phan-xi-cô, đã khiến Đức Giáo Hoàng chú ý, và kết quả tốt đẹp chính là hai tấm huy hiệu ấy.
Rất khiêm tốn, thầy Formosa kể tỉ mỉ cho phóng viên báo Malta Independent biết rõ các duyên cớ khiến thầy nhận được cú điện thoại bất ngờ gọi đến từ giáo triều ở Rô-ma.
Vai trò của thầy Formosa trong Puttinu Cares là giúp đấu giá gây quỹ hằng năm cho tổ chức này. Ngoài ra, thầy còn trợ giúp trang Facebook đấu giá của Puttinu Cares, qua đó mọi người có thể đặt giá mua đủ mọi thứ, từ các món kỷ vật thể thao cho đến các tác phẩm nghệ thuật. Một hôm, thầy bỗng nảy ra ý tưởng là hãy cố kiếm một tấm ảnh Đức Giáo Hoàng kèm theo chữ ký của ngài để bán đấu giá gây quỹ.
Thầy Formosa kể: “Cách nay chừng năm tháng, tôi nảy ra ý tưởng là viết thư gởi Đức Giáo Hoàng, xin ngài tặng cho chúng tôi một món gì đó để bán đấu giá gây quỹ.” Sau khi trao đổi với tổng giám đốc (CEO) của Puttinu Cares là ông Rennie Zerafa và nữ phó chủ tịch là Angele Cuschieri, thầy đã viết thư và gởi đến Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô theo địa chỉ Vatican. Mấy tháng trời trôi nhanh qua mà chẳng hề có một lời hồi âm, nhưng thầy giáo ấy cứ vui vẻ nghĩ rằng dù sao cũng vẫn bõ công.
Tuần trước, ngay khi thầy sắp sửa mổ mắt bằng laser, thì điện thoại di động rung chuông. Thầy nói: “Đó là cú điện thoại từ giáo triều Rô-ma báo tin rằng tôi sẽ nhận một bưu kiện do Đức Giáo Hoàng gởi cho.” Lúc đó, thầy Formosa sửng sốt đến nỗi mọi âu lo phập phồng về vụ mổ mắt chợt hoàn toàn tan biến. Thầy tâm sự: “Tôi đã trải qua cuộc mổ mắt, và cảm thấy trong lòng vô cùng an ổn, như thể có ai đang cầu nguyện cho tôi. Đây không phải là phép lạ duy nhất. Còn có phép lạ khác nữa là những người làm việc trong bệnh viện đã thi hành phận sự với lòng say mê tột độ.” Thầy kết luận: “Chẳng có gì dưng không mà đến. Tôi không tin vào những chuyện ngẫu nhiên.”
Bưu kiện từ Văn Phòng Giáo Hoàng chứa hai huy hiệu đã được làm phép, và một lá thư nói rằng Đức Giáo Hoàng đã nhận được thư của thầy Formosa. Thoạt đầu thầy chỉ mong xin được một tấm ảnh có chữ ký của Đức Phan-xi-cô, nhưng rốt cuộc lại nhận được còn nhiều hơn thế.
Câu chuyện về gói bưu kiện của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô gởi tặng thầy giáo Formosa nhắc chúng ta nhớ lại lời nói thâm thúy của nhà văn Pháp là Hầu Tước Luc de Clapiers (1715-1747): Các vĩ nhân đôi khi vĩ đại ngay cả trong những việc nhỏ nhặt.([2])
Ngoài ra, việc thầy giáo Kenneth Formosa không ngại ngần, mạnh dạn viết thư xin quà của Đức Giáo Hoàng để làm công quả phước thiện còn nhắc chúng ta nhớ tới lời Đức Giê-su dạy: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. (Mát-thêu 7:7-8)
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 20-01-2016
Sửa chữa 13-7-2019
Tuần san CGvDT, số 2042, từ 22 đến 28-01-2016



([1]) Với tổng diện tích 316km2, có số dân chưa tới nửa triệu người, và thủ đô Valletta chỉ rộng 0,8km2, đảo quốc Malta nằm ở phía nam châu Âu, gồm một quần đảo ở Địa Trung Hải, cách phía nam nước Ý 80km, cách phía đông nước Tunisia 284km, và cách phía bắc nước Libya 333km. Hai ngôn ngữ chánh thức ở đảo quốc là tiếng Malta và tiếng Anh.
Công Giáo La Mã (Roman Catholicism) là tôn giáo chánh thức và có truyền thống lâu đời ở đảo quốc này. Theo Tông Đồ Công Vụ (27:39-42 và 28:1-11), xưa kia Thánh tông đồ Phao-lô đã đắm tàu ở Malta vì tàu đụng phải bãi cát ngầm, bị mắc cạn ở đó. Mũi tàu đâm vào cát, không nhúc nhích được, còn đằng lái thì bị sóng mạnh đánh vỡ tan. Những ai biết bơi thì nhảy xuống nước bơi vào bờ, còn những người khác thì bám vào ván hoặc mảnh tàu vỡ mà vào. Nhờ thế mọi người tấp được vào bờ và được cứu sống. Dân đảo đối xử với các nạn nhân rất nhân đạo. Vì trời bắt đầu mưa và lạnh, dân đảo đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả mọi người. Ba tháng sau, Thánh tông đồ Phao-lô cùng những người khác lại lên tàu rời đảo Malta trực chỉ Rô-ma.
([2]) Great men are sometimes so even in small things.