Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

11 VÌ SAO TÔI VÀO ĐẠO CAO ĐÀI (CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI CAO ĐÀI)



VÌ SAO TÔI VÀO ĐẠO CAO ĐÀI
NGUYỄN VĂN NGHĨA
Tôi xuất thân trong một gia đình nghèo, cha mẹ đều là tín hữu Cao Đài. Khi tôi mới lên ba tuổi thì mẹ mất sớm, cha vẫn ở vậy chăm sóc con cái. Thời buổi chiến tranh loạn lạc nên Đạo luôn di dời đến nơi an toàn; cha tôi vẫn luôn trung kiên và nương sống gần Đạo, nhờ vậy từ thuở nhỏ tôi được theo học Đạo Đức Học Đường ở Tòa Thánh Tây Ninh.([1]) Mỗi khi vào lớp, tất cả học trò đều đứng nghiêm trang đọc bài Kinh Vào Học:
Đại Từ Phụ xin thương khai khiếu
Giúp trẻ thơ học hiểu văn từ
Gần điều nên, lánh lẽ hư
Nương gươm thần huệ đặng trừ nghiệt căn
Chúng tôi luôn luôn được thầy cô dạy bảo cặn kẽ trong việc ứng xử, ráng tập cho thành thói quen hằng ngày: Phải biết kính trọng người lớn, vâng lời thầy cô, yêu thương cha mẹ, hòa thuận với anh chị em và bạn học...
Có buổi dọc đường đến trường, tôi rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên gặp một ông cụ có lẽ đã trên bảy mươi tuổi đang đi ngược chiều với ông mặc đạo phục trắng khoảng chừng năm mươi tuổi. Khi đến gần nhau, ông cụ dừng chân đứng nghiêm trang chắp tay cúi đầu chào; ông mặc đạo phục trắng cũng chắp tay xá đáp lễ. Sau đó hai người tiếp tục đường ai nấy đi. Nhưng hình ảnh này tạo cho tôi một ấn tượng rất tốt đẹp cùng với lòng thắc mắc.
Về nhà tôi kể lại chuyện ấy cho cha tôi nghe và hỏi vì sao ông cụ làm như thế. Cha tôi cho biết ông trẻ tuổi hơn là một vị chức sắc nên tín đồ dù lớn tuổi hơn cũng phải kính cẩn thủ lễ.
Trong những ngày cúng đàn dịp sóc vọng hay lễ vía các Đấng, tôi thường theo cha đến thánh thất, điện thờ Phật Mẫu. Tôi cũng thích nghe hàng giáo phẩm giảng đạo vào cuối buổi cúng đàn.
Năm tôi mười tám tuổi, cha tôi bảo hãy nhập môn vào Đạo nhưng tôi vẫn chần chừ, do dự. Tôi nghĩ mình đã sống trong vùng Đạo, lâu nay cũng được nghe giáo lý, cũng ăn chay với cha mười ngày một tháng, chỉ cần sống tốt với mọi người là được rồi, cần chi phải nhập môn.
Tuy vậy, khi lớn lên sống ở nhiều địa phương, gặp nơi nào có thánh thất Cao Đài, kể cả chùa Phật hay nhà thờ Thiên Chúa, thì tôi đều tìm đến để nghe giảng đạo, không có ý tưởng phân biệt tôn giáo vì nghĩ rằng tôn giáo nào cũng đều dạy con người hướng thiện.
Khi lập gia đình, bước vào trường đời bon chen trong cuộc sống đủ trò danh lợi tài sắc vây quanh, tôi mới cảm nhận rõ những tình cảm thường trỗi dậy như giận hờn, thương ghét, buồn vui, ham muốn, v.v… Trong đó vui ít mà buồn nhiều. Có những lúc khổ cực, thiếu thốn, càng lo lắng càng thêm chán nản, tôi chợt nhớ đến lời chức sắc giảng câu “Tri túc thường túc, chung thân bất nhục” (Biết đủ thì thường đủ và cả đời không phải chịu nhục), nhờ vậy mà vơi bớt lo toan.
Có lúc được thuận lợi cuộc sống đầy đủ hơn, ai cũng nghĩ rằng có vật chất đầy đủ thì tinh thần thoải mái. Nhưng qua thực tế, tôi lại cảm nhận rằng giữa vật chất và tinh thần luôn tác động lẫn nhau: Muốn đạt được vật chất thì lao tâm khổ trí; tính toán càng nhiều thì phải lao lực, khổ thân. Suốt thời gian dài phấn đấu để tạo nên sự nghiệp, tham vọng đó không phải chỉ lo cho bản thân mà còn lo cho tương lai con cháu… Thế rồi, một hôm tất cả những gì nhọc nhằn bòn mót, tích lũy phút chốc tiêu tan. Nhờ vậy, tôi nhận rõ thế nào là giấc mộng phù du. Cuộc đời này luôn biến đổi, vô thường, không bền chắc, không tồn tại, ngay cả thân xác mình cũng không giữ được. Từ đó tôi mới nhận thức rõ Đạo không chỉ chú trọng giúp con người hướng thiện, cách đối nhân xử thế, mà còn giúp con người biết kềm chế lục dục thất tình trước bao nghịch cảnh của dòng đời. Tôi càng thấm thía lời các Đấng dạy bảo (in trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, phần Thi Văn Dạy Đạo):
* Mê luyến hồng trần mang ách khổ
Cơn vui qua khỏi lệ sầu tuôn.
* Giựt giành rốt cuộc cũng tay không
Nhân quả đeo mang tội chất chồng
Ví biết phép công cơ thưởng phạt
Đường tu sớm bước, chí thong dong.
* Cần lo học đạo chí đừng lơi
Phú quý sương tan lộ bóng Trời
Lợi lộc xôn xao rồi một kiếp
Nghĩa nhơn tích trữ để muôn đời.
Có lần đến nhà người bạn chơi, tôi thấy bé gái khoảng sáu tuổi, tròn trịa dễ thương, đang chạy chơi trước sân nhà; thỉnh thoảng cháu chạy ù đến bên cái bàn có để sẵn chén cơm, lấy miếng dưa leo chấm vào muối, nhai rồi đưa muỗng cơm vào miệng. Tôi hỏi thì bạn tôi nói là cháu thích ăn vậy, không thích ăn thịt cá.
Có lần khác, tôi thấy một cháu trai khoảng năm tuổi ở gần nhà đưa cục đường vào miệng chép rồi nhả ra chén, xong đưa muỗng cơm vào miệng ăn một cách ngon lành. Tôi tự thấy hổ thẹn vì không bằng chúng nó, muốn ăn chay mười ngày như trước đây cũng không giữ được! Tôi nghĩ chắc kiếp trước các cháu biết tu rồi; còn mình nặng nghiệp, cứ mải mê đời!
Mỗi khi chứng kiến điều gì cũng làm cho tôi luôn suy nghĩ: Tại sao có kẻ giàu người nghèo? Tại sao có người rất xinh đẹp và người tật nguyền? Sau mới hiểu rằng là do nhân quả tạo gây, gieo nhân gì thì hưởng quả đó. Đến ba mươi tuổi tôi mới bắt đầu tỉnh thức.
Từ đó tôi cố tìm đọc thánh ngôn, thánh giáo kể cả kinh sách nhà Phật. Tuy lời giáo hóa của các Đấng khác nhau nhưng cùng một chân lý, mục đích cuối cùng đều dẫn dắt con người tìm con đường giải thoát.
Tôi bắt đầu thực nghiệm dần lời dạy của các Đấng, áp dụng trong cuộc sống, thấy lòng mình ngày càng thanh thản hơn, trút bớt những ưu tư phiền muộn. Tôi mới ngộ được rằng con đường giải thoát không chỉ ở phần linh hồn sau khi thoát xác mà có thể giải thoát ngay trong kiếp sống hiện tại.
Tôi thấy cần nương tựa vào tôn giáo để lập công lập vị cho chính mình, nhưng lại không khỏi suy tư chọn lựa. Tôi rất kính trọng Đức Phật Thích Ca là bậc đại giác ngộ, từ bỏ cung vàng điện ngọc tìm chân lý; Đức Chúa hy sinh thân mạng chuộc tội cho loài người. Tôi lại càng thích thú khi thấy trong thánh ngôn, thánh giáo đạo Cao Đài đều có lời dạy của Đức Phật, Đức Chúa và các Đấng thiêng liêng khác dạy rất đầy đủ từ Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo, để mỗi người tùy theo căn cơ mà lập vị. Bởi vậy tôi quyết định nhập môn vào đạo Cao Đài, là do bản thân suy tư chọn lựa, chứ hoàn toàn không do sự ràng buộc truyền thống của gia đình.
Sau khi nhập môn vào Đạo, được thượng Thánh tượng, lập Thiên Bàn tại gia, lúc rảnh rỗi tôi vẫn xem kinh sách để tìm hiểu giáo lý Cao Đài. Khi nhìn thấy chân dung các Đấng qua hình tượng Ngũ Chi, tôi nghĩ điều quan trọng là cần học đức hạnh của mỗi Đấng và ứng dụng hàng ngày. Đại khái, khi nhìn thấy Đức Khổng Phu Tử là nhớ đến đạo làm người (nhân nghĩa lễ trí tín, tam cang ngũ thường, công dung ngôn hạnh); nhìn thấy Đức Quan Thánh thì học lấy đức trung can nghĩa khí, không thay dạ đổi lòng; nhìn thấy Đức Lý Thái Bạch là phải luôn trau dồi trí tuệ sáng suốt, khai tâm mở trí; nhìn thấy Đức Phật Thích Ca và Đức Quan Âm là học được tâm từ bi, bác ái, v.v...
Khi tò mò tìm hiểu, tôi tự hỏi: Đức Chí Tôn giao trách nhiệm Tam Trấn Oai Nghiêm cho ba Đấng là có ý nghĩa sâu xa gì? Tôi suy nghĩ rất hồn nhiên như sau: Đức Quan Âm vốn có lời nguyện tận độ chúng sanh nên Thầy giao Đức Bồ Tát nhiệm vụ tiếp dẫn nhơn sanh trở về đường đạo; Đức Lý Thái Bạch có nhiệm vụ tiếp nhận và dạy đạo; Đức Quan Thánh tiếp sức trợ duyên cho người tu học.
Tôi vẫn chưa bằng lòng, cố tìm hiểu thêm: Có lẽ Đức Chí Tôn chọn Tam Trấn để tượng trưng ba đức Bi Trí Dũng.
- Đức Quan Âm tiêu biểu cho lòng từ bi. Do đó người theo đạo phải mở rộng lòng từ, thương người mến vật. Không có tình thương thì không phải là người biết tu.
- Đức Lý Thái Bạch tiêu biểu cho sự sáng suốt. Nên người tu cần có trí để phân biện được thiện ác, tội phước, đúng sai, tốt xấu, siêu đọa... Người tu nhờ có trí mới vượt bến mê tầm đường giác.
- Đức Quan Thánh tiêu biểu dũng mãnh oai lực, trung can nghĩa khí. Người tu cần có lập trường vững vàng, kiên tâm để có nghị lực, khỏi bị lệch lạc, thối chí, sa ngã và nản lòng.
Trên bước đường học đạo và hành đạo, người tu luôn bị lợi danh tài sắc cám dỗ, thử thách; bởi vậy mới gọi là trường thi. Nếu không hội đủ ba yếu tố Bi Trí Dũng, người tu khó mà thành chánh quả.
Tôi nghĩ, mình nhập môn vào Đạo nhằm học tập các đức tính, đức hạnh nêu trên. Để giữ trọn lời minh thệ khi nhập môn và xứng đáng là người tín hữu chân chánh, điều quan trọng là phải giữ giới và luật mới thể hiện được tác phong đạo hạnh người tu. Giới là Ngũ Giới Cấm trong Đạo, tương quan với năm đức tính Đức Khổng Tử dạy (Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín). Luật là Tứ Đại Điều Quy gồm bốn nguyên tắc ứng xử với nhau theo lẽ Đạo. Luật là cũng luật công bình bác ái, lấy thương yêu làm nền tảng. Tôi cũng luôn nghĩ nhớ câu “Làm việc gì trước phải xét hậu quả của nó”, bởi vì luật nhân quả là luật công bằng và không ai thoát khỏi sự chi phối của nó.
Hiểu như vậy, nên từ đó tôi ăn chay trường luôn, bởi trước hết phải có lòng nhân đối với loài động vật. Khi vào Đạo còn phải năng học hỏi giáo lý để trau dồi đạo hạnh. Muốn lập vị phải thực hành Tam Lập (lập công, lập đức, lập ngôn). Trong lập công có công phu, công quả, công trình. Tam Lập và Tam Công đều tác động lẫn nhau: Tự độ cho mình, trau tâm sửa tánh dần đến được minh tâm kiến tánh; còn phải biết độ tha để tạo phước đức (thương giúp người nghèo khổ, bệnh tật, neo đơn, thiên tai dịch họa). Đó là phước huệ song tu.
NGUYỄN VĂN NGHĨA
Ninh Thuận (Bàu Năng) ngày 29-12-2015
NÓI THÊM
Hồi ức trên đây trích trong Đại Đạo Văn Uyển, Tập Hanh (số 18), tr. 59-67, do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện, liên kết Nxb Tôn Giáo (Hà Nội: 2016).
Qua câu chuyện rất sâu sắc này, chúng ta biết hiền huynh Nguyễn Văn Nghĩa là con nhà đạo dòng, sớm gần gũi môi trường nhà đạo từ tấm bé nhưng lại nhập môn khá muộn.
Rõ ràng hiền huynh không vào đạo Cao Đài chỉ vì đơn giản noi theo truyền thống sẵn có của gia đình. Hiền huynh nhập môn bằng ý chí tự do chọn lựa của mình, chỉ sau khi bản thân tỉnh thức trước những trải nghiệm (hay những va chạm) trên đường đời.
Có người đến với Đạo bằng tâm, bằng cơ bút, bằng chiêm bao mạc khải... Còn huynh Nghĩa thì sao? Huynh đến với Đạo phải chăng bằng trí?
Chúng ta thấy huynh hay quan sát, suy tư, rồi tự tìm cách lý giải. Cũng do cái tánh hay truy vấn đó nên nhập môn rồi thì huynh vẫn siêng tìm tòi, suy tư để áp dụng đạo lý vào đời sống. Chẳng hạn, hiền huynh chỉ ăn chay trường sau khi đã tỏ ngộ cái lý lẽ sâu xa là tập thực hành đức nhân ái qua việc trường trai giới sát.
Chúng ta hẳn rất thích thú khi thấy huynh Nghĩa tự mình tìm kiếm lý đạo trong việc thờ Tam Trấn Oai Nghiêm: Đức Quan Âm tiêu biểu cho lòng từ bi. Đức Lý Thái Bạch tiêu biểu cho sự sáng suốt. Đức Quan Thánh tiêu biểu dũng mãnh oai lực, trung can nghĩa khí.
Và hiền huynh lý luận: Trên bước đường học đạo và hành đạo, người tu luôn bị lợi danh tài sắc cám dỗ, thử thách; bởi vậy mới gọi là trường thi. Nếu không hội đủ ba yếu tố Bi Trí Dũng, người tu khó mà thành chánh quả.
Tóm lại, huynh Nguyễn Văn Nghĩa tu theo Cao Đài bằng chánh tín chứ không phải mê tín, hoặc a dua theo một ai. Để củng cố chánh tín của mình, huynh còn siêng năng tìm hiểu giáo lý qua kinh sách nhà đạo chứ không an phận giữ lệ cúng đủ tứ thời, ăn chay kỳ (hay chay trường) mà cho là đầy đủ bổn phận của một tín đồ.
Thấy một người tu theo Cao Đài với trọn vẹn chánh tín như thế, với lý và trí đề huề như thế, thì chúng ta tin chắc rằng dẫu gặp hoàn cảnh trở ngại đến mức nào chăng nữa, người tín hữu ấy nhất quyết vẫn không nhạt đạo, không cải đạo, không bỏ đạo...
Xin nguyện cầu anh chị em chúng ta đều được nên như vậy, được thuần thành như hiền huynh vậy.



Huệ Khải chú thích:
([1]) Tháng 9-1928 Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh thành lập Đạo Đức Học Đường (bậc tiểu học) và khai giảng năm học đầu tiên, có tất cả hai trăm mười học sinh. Năm 1931, Đạo Đức Học Đường mở được tám lớp. Năm 1932 mở được mười một lớp, với bốn trăm mười bảy trẻ (gồm ba trăm mười hai nam và một trăm lẻ năm nữ). Năm 1941 quân đội Pháp chiếm giữ Tòa Thánh Tây Ninh, đóng cửa Đạo Đức Học Đường. Khoảng tháng 9-1946, Hội Thánh tái lập Đạo Đức Học Đường trên khu đất mới vì trường cũ đã hư hoại. Các lớp mái tranh vách đất được gấp rút xây dựng cho kịp khai giảng niên khóa 1946-1947. Năm 1952 Đạo Đức Học Đường có sáu mươi lớp với mái lợp tranh, tường xây gạch đất không nung; chỉ có một dãy lớp mái ngói dành cho các lớp năm thứ nhất, thứ nhì (1ère année, 2ème année). Trường có mười lớp cao đẳng (cours supérieur). Khi lên bậc trung học thì các trẻ được chuyển ra trường Lê Văn Trung (về sau trở thành trường trung tiểu học Lê Văn Trung). Để biết thêm chi tiết, có thể đọc: Huệ Khải, Gia Đình Trong Tân Luật Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2014, tr. 37-40.

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

10 TRỞ VỀ CHÁNH ĐẠO (CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI CAO ĐÀI)



TRỞ VỀ CHÁNH ĐẠO
 TRẦN DÃ SƠN
Năm 1976 vợ chồng tôi đi kinh tế mới ở Tây Nguyên. Đoàn xe dừng bánh vào một buổi chiều dọc theo đường mới ủi giữa rừng. Chúng tôi vội vã xuống xe nhìn ra.
Chung quanh đồi núi điệp trùng, bạt ngàn cổ thụ và cỏ gai chen chúc. Xa xa cánh đồng sậy cúi rạp mình trong gió chiều lồng lộng. Có tiếng thú rừng gầm thét phá tan cái tĩnh mịch ngàn năm. Chúng tôi nhìn nhau, vừa sợ vừa lo lắng.
Ngày hôm sau gấp rút ổn định tổ chức rồi cất lều tạm. Sẵn gỗ sẵn tranh nên công việc cũng chóng hoàn thành.
Từ đó chúng tôi lo phát đốt rừng để làm nương rẫy, rồi tấn công những cánh đồng sậy xanh rì có tự thuở nào. Trên rừng và triền đồi thì dùng sức người để cuốc, dưới “nà” xe cơ giới cày bừa.
Sau những cơn mưa đầu mùa ở Tây Nguyên, từ trên cao nhìn xuống chỗ thấp bao phủ một màu xanh mơn mởn của sắn bắp, lúa đậu làm nức lòng người. Chúng tôi tràn trề hy vọng một ngày mai tươi sáng hơn khi ở quê nhà. Nhưng không được bao lâu những cơn mưa đầu mùa xối xả, cả bao nhiêu niềm hy vọng của chúng tôi sau một đêm đã ngập chìm trong bể nước mênh mông.
Ba năm liền cơ cực nhà nước phải lo cứu trợ. Số người bỏ trốn về quê cũ hoặc chạy đi nơi khác mỗi ngày một nhiều. Gia đình tôi cũng chung số phận, xin ra ở thôn 4 hợp tác xã Hòa An 2 cuối năm 1979 nhưng mãi tới đầu năm 1980 mới đến định cư tại nơi này.
Lúc chưa chuyển hết gia đình ra, một mình tôi đi trước mượn người cắt tranh, đẵn gỗ dựng lên một ngôi nhà nhỏ. Trong khi chờ cho lồ ô khô để đan vách, tôi làm chuyện lặt vặt trong nhà. Trưa cột võng nằm đu đưa, hát nghêu ngao cho đỡ buồn đỡ nhớ quê xưa.
Tôi thèm đọc sách quá nhưng biết đào đâu ra, nên đành sang nhà người bạn đồng hương cũng vừa mới tới lục lạo tìm, may được cuốn Tu Chơn Thiệp Quyết của đạo Cao Đài vội mang về xem, tự nhiên thấy hay hay nên càng thích thú. Sao ông Thượng Đế khéo dạy người đến thế. Từ cách ăn ở, đối xử của vua quan cho đến cha con, anh em, chồng vợ, thậm chí cả rể dâu, chủ tớ, láng giềng Ngài chẳng bỏ sót một ai mà không dạy. Đọc xong càng nghĩ tôi càng muốn theo Đạo quá chừng. Tôi lại sang ông bạn láng giềng mượn thêm sách, chỉ còn cuốn Kinh Tận Độ mà thôi. Đem về tôi vội mở ra đọc, đến chỗ “nhập môn” tôi thấy buồn biết mấy. Hai đạo hữu tiến dẫn thì tìm được, nhưng ở đây chỉ có đôi ba nhà đạo, làm gì có thánh thất, có Đầu Họ Đạo để làm pháp giải oan. Tôi thầm nghĩ: “Không có đường này ta tìm đường khác mà tu.”
Ở được một thời gian thì mẹ tôi ngoài Quảng vô thăm và ở chơi với con cháu mấy tháng. Anh tôi nhiều lần nhắn tin giục tôi sớm đưa mẹ về vì cụ tuổi cao, sợ ở lâu lỡ ốm đau làm khổ vợ chồng tôi.
May lúc đó có người về thăm quê, tôi liền đến nhà hỏi thăm để gởi mẹ. Anh hẹn sáng mai sẽ tới đón rồi lên Buôn Ma Thuột mua vé xe. Tối đó nhà người đồng hương bên cạnh sang mời mẹ tôi qua ăn cơm tối, gọi là “Chúc bác lên đường bình an.” Nhưng rủi thay, cụ mới ăn được mấy miếng cơm thì bị hóc cổ lát thịt heo. Tôi liền chạy qua thì thấy mắt mẹ trợn trừng. Hoảng quá, tôi nhờ người đưa xuống nhà anh Bảy để chữa vì xưa nay anh thường giúp người bằng thuốc nam và phù phép nhưng không lấy tiền.
Mẹ tôi nằm ở đấy hai ngày, không ăn được gì, chỉ uống toàn nước. Tối hôm đó có người nhập vào xác anh Bảy, xưng là Phật Quan Âm, bảo tôi về, ngày mai đặt bàn ra trước sân cầu xin ông Trung Giới Thái Huyền. Tôi băn khoăn cả đêm và nghĩ: “Phật Quan Âm lớn hơn Trung Giới, sao Ngài không cứu mẹ được mà bảo mình phải cầu xin?” Nhưng vì lo cho mẹ, tôi vẫn làm theo. Khi vừa xong thì con anh Bảy chạy lên nói to:
- Chú Mười (vì tôi thứ mười), bà đã khỏi rồi!
Tôi mừng quá, vội vã chạy xuống thì thấy mẹ đương cười nói vui vẻ với mọi người. Tôi cảm ơn anh Bảy và gia đình rồi đưa mẹ về.
Mẹ tôi ở thêm một thời gian ngắn nữa để tôi lo thu xếp công việc rồi định ngày cùng mẹ về quê. Tối hôm đó - lại là buổi tối - tôi đau răng dữ dội nhưng không dám nói, sợ cả nhà lo lắng, âm thầm xuống nhà anh Bảy nhờ chữa. Mới vừa bước vào, chưa kịp nói gì thì anh Bảy bước ra nhìn tôi rồi cười bảo:
- Ngày mai chú đưa thân mẫu về quê nhưng bị đau răng lắm phải không? Để Bé Tư chữa cho.
Nguyên anh Bảy có một vong vô danh, con thứ tư, thường nhập xác anh, xưng là Bé Tư và nói là Bạch Y Thánh Nữ đương theo hầu Đức Mẹ Quan Âm. Vong này hay về cho thuốc và chữa bệnh mọi người. Có điều lạ là khi tôi vừa há miệng ra, nghe anh Bảy đọc gì lầm thầm trong miệng rồi thổi nhẹ vào răng tôi, tức thì răng tôi êm hẳn như chưa hề bị đau.
Chuyến đó tôi cùng mẹ ra đi yên ổn. Khi trở vào tự dưng tôi muốn xuống đó xin tu, tức là làm đệ tử hội V.T.G.L. - một môn phái chuyên trị bệnh bằng phù phép và cây lá không lấy thù lao, được thành lập ở thành phố H. trước năm 1974, theo lời anh Bảy kể.
Một hôm tôi đem ý nguyện nầy trình bày, anh Bảy vui vẻ nhận lời và hẹn ngày tôi xuống để anh “điểm đạo”. Y hẹn, hôm sau tôi tới; anh đốt nhang đèn trên bàn thờ rồi bảo tôi lại quỳ.
Ngước mắt nhìn lên, tôi thấy tầng trên thờ hình Đức Phật A Di Đà, tầng giữa thờ hình Đức Quan Âm Bồ Tát, cuối cùng thờ hình Đức Quan Thánh Đế Quân. Anh Bảy quỳ trước tôi, lâm dâm khấn vái rồi bảo tôi đọc lời thề theo anh. Bây giờ tôi quên gần nửa, chỉ còn nhớ những câu tâm đắc như: “Nguyện hy sinh thể xác, đức độ, tâm linh để phụng sự Ơn Trên, phụng sự nhân loại, không vì tiền, tài, tình, danh lợi… Nhường trước là anh, ân công ghi nhớ tạc lòng…” Đọc xong, anh Bảy đứng lên đốt ba cây nhang vẽ vẽ trên đầu tôi rồi đốt bùa cho tôi uống. Lá bùa màu vàng viết bằng chữ Nho màu đỏ, ngang độ 3cm, dài gần 10cm. Xong anh bày cho tôi niệm thần chú. Vừa niệm xong tức thì người tôi chuyển động. Tôi ngồi bật dậy và bắt đầu múa máy chân tay giống như người luyện võ.
Từ đó về sau, dù trời mưa hay nắng, dù lao động cực nhọc bao nhiêu, hễ ăn tối xong, có khi đến 8, 9 giờ đêm tôi vẫn tìm tới làm lễ, không thể ở nhà được, như có một cái gì thôi thúc vậy.
Có một vị vô hình nhập vào xác tôi, xưng là sư phụ độ mạng. Nếu hôm nào nóng bức thì một luồng khí mát mẻ chạy từ đỉnh đầu xuống khắp châu thân. Ngược lại trời lạnh rét thì đổi một luồng khí ấm. Cho nên mấy người làm lễ xong thì khát nước, còn tôi thấy khỏe khoắn như chẳng có chuyện gì. Lấy làm lạ họ hỏi, tôi trả lời nửa đùa nửa thật:
- Sư phụ tôi là một chiếc máy điều hòa.
Từ thời ông nội tôi tới nay, họ hàng tôi không theo một tôn giáo nào, cho nên tôi không biết tí gì về lời thề nguyện. Bây giờ quỳ trước khói nhang hằng bữa tối và đọc lời nguyện trên, lòng tôi phấn khởi vô cùng, nghĩ mình đã đi đúng đường.
Tính tôi hồi đó rất tò mò, tuy là chuyện vô hình nhưng nếu nghi hoặc tôi chẳng tin. Thắc mắc về sư phụ, có lần tôi hỏi:
- Bạch sư phụ, xin cho con biết trước kia sư phụ là ai? Ở đâu?
Ngài cười, bắt tôi ngồi bán già, bàn tay phải duỗi thẳng, đưa lên ngang ngực như các Phật tử thường làm, tay trái nắm lại chỉ giơ ngón trỏ, để xuống ngang rốn nhịp lên nhịp xuống. Tự dưng tôi biết sư phụ đi tu, thường tụng kinh gõ mõ. Ngài xưng tên là Lê Hồng Sơn, lúc chết mộ chôn ở khu nghĩa địa gần chỗ gia đình tôi. Hồi đó nơi nầy chưa là khu dân cư nên mồ mả còn nguyên. Tôi đi tìm gần một tiếng đồng hồ không thấy mộ, bực dọc ra về. Tối đó khi lễ Phật xong, sư phụ lại nhập xác, tôi cằn nhằn:
- Sư phụ lừa con, khiến con tìm mãi mà không ra mộ người đâu.
Sư phụ buồn lắm, ngài dạy:
Rồi đây cuộc thế đổi thay
Các con còn phải chịu ngày gian nan
Những lời Phật Tổ bảo ban
Là lời tâm huyết chỉ đàng cho con
Thế gian trong cuộc mất còn
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nầy con quỳ trước khói nhang
Đã không tin chớ nói càn nói vơ
Phật Tiên Thần Thánh tri cơ
Chỉ cho con bước đến bờ chân như
Nói năng nết hạnh thìn từ
Giữ tâm thanh tịnh thiên thư con tường
Rồi đây cuộc thế nhiễu nhương
Nguyện cầu chư Phật mười phương hộ trì
Giữ tròn ngũ giới tam quy
Cửa thiền con tới, thuyền từ ta đưa.
Theo môn phái nầy lúc đó có ba người. Trước tôi là một chị lớn hơn khoảng ba, bốn tuổi. Sau tôi là Mai Thanh H., nhỏ tuổi hơn tôi khá nhiều, vốn là Cao Đài gốc, hiện nay ở Chư Xê (Gia Lai), sinh hoạt thì về thánh thất Trung Hội (số 93 Nguyễn Viết Xuân, Hội Phú, Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Có điều lạ là sư phụ của hai người này khi về nhập xác chỉ cho thuốc mà thôi; ngược lại, tôi được sư phụ mình cho tập ngồi bán già để quán tưởng chư Phật. Lúc cho thuốc, anh Bảy (tức sư huynh) và hai người kia nói tiếng gì nghe ngộ lắm. Âm thanh nửa như tiếng nước ngoài, nửa như tiếng người dân tộc. Có khi thấy họ lắc đầu, có khi lại gật đầu, và cuối cùng người cho thuốc vẫn là anh Bảy.
Một hôm rảnh rỗi tôi đem chuyện nầy ra hỏi thì anh Bảy bảo đó là tiếng nguyên thủy, các sư phụ hội ý về căn bệnh và nên cho thuốc gì. Tôi thích lắm, cầu xin sư phụ cho khai khẩu và dạy tôi cách chữa bệnh. Sư phụ lặng thinh không nói gì. Một hôm tôi làm lễ vừa xong thì sư phụ về, cho tôi ngồi bán già, nhìn chăm chăm vào hình Phật, rồi đưa tay lên vẽ phù, xong hạ tay xuống từ từ rút nhẹ ra sau. Tôi cảm tưởng như tay mình có nam châm đương hút sắt vậy. Tôi mỉm cười, xoay người xuống nhà dưới chỗ anh Bảy ngồi, rồi cũng rút tay nhẹ ra sau, tức thì anh Bảy la lớn:
- Chất lửa! Chất lửa hơ! Đau bụng quá!
Tôi mỉm cười nói:
- Mời sư huynh về làm lễ Ơn Trên, xin khai khẩu cho sư đệ, bụng sẽ hết thôi.
Anh Bảy bước lên quỳ trước bàn thờ Phật, lâm dâm khấn vái, mọi việc trở lại bình thường. Nhưng có điều lạ lùng là từ đó về sau dù tôi có khẩn khoản cầu xin, vẫn không nói được tiếng “nguyên thủy” ấy.
Không hiểu tại sao, tuy tôi đã chứng kiến nhiều việc khá hiển linh, nhưng lòng vẫn ngờ ngợ như có cái gì đó khó hiểu. Cho nên một lần làm lễ tôi đã phát nguyện:
- Xin Ơn Trên cho con gặp chánh đạo, nếu không con thà hy sinh gia đình, vợ con và thể xác, miễn sau khi chết con được thấy chánh đạo cũng ưng.
Hồi còn trẻ tôi rất nóng tính và xấu chứng đói. Đi làm về phải có cơm nước sẵn, nếu không tôi đói run cả tay chân. Một buổi chiều đi làm rẫy về thấy vợ đương lom khom nhen lửa nên tôi nổi nóng cằn nhằn, quên rằng cô ấy phải đi dạy học. Nghe tiếng vợ lầm bầm, tôi hét to:
- Im miệng! Còn nói nữa tôi đá luôn vô bếp.
Thế là tối xuống làm lễ, sư phụ về rầy tôi:
- Từ nay con phải tập nhẫn nhục. Nhẫn với vợ con, gia đình, hàng xóm.
Miệng tôi cứ đọc mãi “Nhẫn! Nhẫn! Nhẫn!” gần hai mươi phút mới dứt.
*
Trước khi tôi đến ở đây, ông chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Hòa An kêu tôi tới dặn rằng sẵn sàng cho tôi “nhập tịch” (tức là nhập hộ khẩu), nhưng tôi phải hứa là làm kế toán công điểm cho đội 4 Hợp Tác Xã 2. Tất nhiên tôi rất mừng và nhận lời ngay.
Năm đó vụ mùa Hợp Tác Xã thu chẳng bao nhiêu, lúa chia theo công điểm rất thấp, về sau cân đối lại phải chia thêm. Nhưng đội tôi có mấy chục lao động chỉ nhận được 1,5 tạ mà thôi. Tôi băn khoăn không biết tính thế nào để lúa chia ra khỏi hao hụt, nếu lỡ thế lấy gì đền vào, nên đành nghĩ bụng: “Thôi, tạm mượn để dùng. Vụ tới cộng thêm lúa công điểm xã viên rồi chia.” Không ngờ tối đó xuống làm lễ, sư phụ về quở tôi:
- Ngươi đừng tưởng của tập thể dễ ăn. Đó là mồ hôi nước mắt của chúng sanh cộng lại.
Lúc đó tôi ngơ ngẩn không hiểu gì nên thưa:
- Bạch sư phụ, con có làm gì đâu, sao sư phụ lại trách con.
 - Trăm mấy ký lúa công điểm ngươi tính sao?
Hoảng vía, hôm sau tôi tức tốc thông báo cho xã viên họp tại nhà đội để chia.
Vô hình uốn nắn như thế đó nên tôi càng tin mình đang đi đúng đường, càng năng lễ bái hơn. Một hôm sư phụ dạy tôi viết chữ, nét rất giống chữ Nho, nhưng ngài không giải nghĩa. Về nhà sợ quên tôi liền viết vào vở rồi đem tới hỏi một cụ đồ Nho. Cụ bảo:
- Đây đúng là chữ Nho, nhưng là cổ tự nên tôi không hiểu.
Cụ bảo thế tôi đành làm thinh. Về sau nhân giảng đến việc tu hành, sư phụ dạy cho tôi viết lên tấm ván ép lót để quỳ (vì hồi đó nhà còn nền đất) một khung chữ nhật đứng rồi viết chữ vào trong. Ngài bảo:
- Người tu phải như người ở tù, phải giam mình vào khuôn khổ mới tu được.
Sau này theo đạo Cao Đài rồi, đọc thánh giáo tôi mới biết đó là chữ , gồm ngoài là chữ vi , tức bốn vách (tửu, khí, sắc, tài), còn trong là chữ nhân , tức người.
Ông nội anh Bảy chết nghiệp dây (treo cổ), nghe người ta bảo không thờ trong nhà được nên tôi thấy anh dùng một miếng ván vuông, cạnh chừng năm tấc, đóng trên một cọc gỗ dài chừng một mét, trồng ngoài sân trước cửa chánh bước vào nhà rồi đặt lên đó một lư nhang và thắp hằng đêm. Nghe anh nói rằng ông nội anh về bảo may một chiếc áo rộng như áo nhà sư nhưng màu xanh da trời, có đính các ấn (anh không nói ấn thế nào) để anh mặc mỗi khi làm lễ. Còn khi chữa bệnh cho người ta thì lấy năm hào; nếu không, người ta sợ mang ơn mình, không dám đến xin thuốc. Dù biết sai với lời nguyện “không vì tiền, tài, tình, danh, lợi”, nhưng sợ anh phật lòng, ba đệ tử chúng tôi nghe chỉ làm thinh. Lúc sư phụ tôi về, ngài dạy:
- Sự việc ở đây nửa tà nửa chánh. Để sư phụ dẫn con về chánh giáo con tu. Nếu không, con đi bên tả, bên tả lôi, sang bên trái, bên trái kéo, rồi con không tới đích, lại trách Trời trách Phật.
Tôi nghe vậy đành im lặng đợi chờ. (Sư phụ bảo bên tả, bên trái là ngụ ý tả đạo, sai trái.) Thấy sư huynh hay xem bói cho mọi người, tôi cũng thích, nhưng sư phụ về bảo tôi:
- Cấm con coi giò gà, bói bài, xem gia sự vì những việc đó nhiễu nhương dân chúng.
Từ đó có sự bất đồng giữa tôi và anh Bảy, do vô hình sắp xếp, chúng tôi không hề hay biết. Nhất là trong một lúc nóng giận không đâu, anh mang giày đi làm, bỗng đá vào con mình đến nỗi cháu hộc máu. Lúc đó tôi không có mặt, chỉ nghe chị Bảy kể lại, tôi bất mãn vô cùng. Chẳng lẽ một người gọi là phụng sự Ơn Trên, phụng sự nhân loại lại tàn bạo đến thế sao?
Về sau sư phụ chỉ cho tôi cách mật khấn khác, không phải danh Phật Tổ như trước mà bắt đầu là Đức Chí Tôn, rồi mười phương chư Phật Tiên, Thánh Thần, và cuối cùng là sư phụ. Mãi sau này khi vào đạo Cao Đài tôi mới biết Đức Chí Tôn là Thầy. Khi tôi mật khấn xong, ngài điều khiển tôi day về hướng Tây để lạy. Tôi lấy làm lạ, hỏi anh Bảy thì bị anh la:
- Chú ưa tò mò sự việc Ơn Trên. Sư phụ muốn lạy đâu tùy ngài, chú thắc mắc làm chi!
Tôi không biết anh Bảy có hiểu chăng, nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ hướng Tây là nhà đạo huynh Mai Đăng Thiện (sau này là Đầu Họ Đạo thánh thất Trung Phước An) lúc đó trong nhà đạo huynh có thờ Thiên Nhãn.
Giữa tôi và anh Bảy tuy bề ngoài vẫn bình thường nhưng trong lòng sự bất đồng càng sâu hơn. Cho tới một hôm, tôi làm lễ xong thì theo sự điều khiển của sư phụ tôi bước ra sân, tới chỗ nồi hương thờ ngoại cảnh của anh Bảy, sư phụ ra lệnh cho tôi phải đập đi. Tôi vội thưa:
- Bạch sư phụ, đây là lư hương thờ ông nội của sư huynh; nếu con đập, anh em sẽ bất hòa nhau.
Sư phụ không nói gì, nhưng ngài khiến tôi nâng hai bàn tay lên, chặt mạnh xuống, cách lư nhang chừng mấy phân, rồi dẫn tôi vào lạy Phật và thăng.
Tôi vừa ngồi xuống ghế thì nghe tiếng anh Bảy hỏi to:
- Chú ở nhà làm lễ có chuyện gì không? Tôi chơi bên nhà anh Đ., nghe đầu như có ai lấy đinh đóng vào, tôi phải chạy về đây.
Ban đầu tôi giấu giếm, đáp tỉnh bơ :
- Chẳng có chi, em làm lễ bình thường mà.
Anh Bảy cứ tra hỏi mãi, giấu không được, tôi đành kể thật. Tức thì anh nổi nóng hét to:
- Tôi nói thật, dù sư phụ chú là ai, là ông Quan Thánh hay ông Phật mà đập nồi hương ngoại cảnh của tôi, nếu hiện hình tôi cũng cầm dao đâm chết.
Nghe xong tôi lạnh điếng người, bước ra về lòng buồn khôn xiết.
Đêm sau tôi vẫn đến làm lễ. Khi sư phụ về, ngài dạy:
Tâm thanh tịnh, Đạo Trời thanh tịnh,
Thế giới bình, tu chính là tâm.
Rồi ngài nghiêm cấm không cho tôi tới nhà anh Bảy nữa, để ngài đem tôi về chánh giáo tu hành. Tôi thưa:
- Bạch sư phụ, ở đó người ta cúng kính nghiêm trang. Con về, tay chân múa may động đậy, coi sao được.
- Sư phụ sẽ ở bên con. Còn thể xác tâm linh con do Đức Chí Tôn dẫn dắt, con đừng lo.
Nghe lời sư phụ, mấy hôm liền tôi không tới. Một buổi tối tôi la cà qua mấy gia đình tán dóc khoảng 9 giờ thì ra về. Không hiểu tại sao tôi không giữ nổi chân mình nên băng bộ xuống nhà anh Bảy. Tôi vào quỳ sau, phía trước là chị Ba đương làm lễ. Khi sư phụ nhập vào, ngài khiến tôi nắm chặt hai tay lại, cứ đầu mình đập liên hồi, tôi cam đành chịu trận cho đến khi sư phụ thăng.
Tất nhiên, tôi không dám tới anh Bảy nữa mà tìm đến nhà đạo huynh Mai Đăng Thiện kể qua sự tình và ngỏ ý xin vào Đạo. Đạo huynh vui vẻ và bảo tôi ráng chờ mấy ngày nữa bác Tùng Sử Quân trong Krong Bông ra sẽ làm lễ nhập môn cho tôi. Thời gian này tôi có thể xuống đây tập đọc kinh và đạo huynh cho mượn đạo phục để quỳ cúng.
Vì ban ngày đi lao động nên tối tôi mới xuống nói chuyện với đạo huynh, rồi cúng thời Tý, xong mới về.
Những đêm đầu, cứ quỳ cúng chừng được năm phút thì tay chân tôi bắt đầu ngọ nguậy. Tôi sợ quá phải tập trung nhìn vào Thiên Nhãn. Những lúc đó tôi thấy hào quang tỏa sáng và lòng tôi trở lại tịnh an. Tôi càng tin tưởng vào huyền diệu của Thầy, dù lúc đó tôi chưa là tín đồ chính thức.
Đợi mãi không thấy bác Tùng Sử Quân ra, tôi đương buồn thì dịp may Giáo Hữu Ngọc Dinh Thanh ở Hội Thánh Truyền Giáo vào thăm bổn đạo Buôn Trấp. Khi ngài ghé nhà người chị ở đây và thăm đạo huynh Mai Đăng Thiện, tôi và một số ít đạo hữu tìm đến vấn an. Tới hôm sau tôi được ngài làm lễ nhập môn. Tôi chỉ nhớ khoảng năm 1982.
Dù sư phụ đưa tôi về chánh đạo như ngài đã hứa nhưng bên đó “họ” chưa chịu buông tha. Tôi thường tranh thủ lao động cả buổi trưa để chiều về sớm đi dạo xóm. Rất mừng là lúc này bịnh háu đói không còn nữa.
Tôi thường đi chơi về trễ nên vợ con đều ngủ sớm. Lặng lẽ bưng đèn đến trước bếp, tôi lấy chén đũa ăn cơm. Bỗng nghe tiếng kêu văng vẳng, tôi nghĩ bụng: “Không lẽ Hai T. rủ ăn gì, sao không kêu sớm một tí.” Rồi tiếng kêu rõ hơn, tôi nghe được giọng của cháu V., đứa cháu ngoại của cô ruột tôi:
- Cậu Mười! Có ông gì nhập vào xác Ba H., cho gọi đệ tử Sang xuống.
Sang là tên tôi. Tôi đáp:
- Ừ, để cậu rửa tay thắp nhang đã.
Tôi nói vừa dứt lời thì tay chân bắt đầu rung. Vội vã thắp nhang, tôi bước ra sân chắp tay bắt ấn Tý, day về hướng Bắc xá ba xá, niệm hồng danh Thầy và khấn:
- Lạy Thầy, cho con xuống đó xem “họ” làm gì. Từ đây tới chết, con nguyện giữ trọn Đạo Thầy mà thôi.
Nhà cháu T. ở cách sau vườn nhà tôi độ năm mươi thước. Tôi vừa đi vừa niệm câu chú của Thầy không ngớt. Tới nơi, thấy Ba H. đương quỳ trước bàn thờ ông bà, tay múa may, đương nói gì tôi không dám nghe. Sợ bị phân tâm, tôi leo lên giường ngồi xếp bằng, tay bắt ấn Tý, miệng niệm hồng danh Thầy liên tục. Khoảng chừng mươi, mười lăm phút thì cảnh tượng lên đồng ấy mới dứt, Ba H. trở lại bình thường. Mấy đứa cháu xúm lại bên tôi hỏi:
- Sao “ổng” bảo đệ tử Sang quỳ mà chú không nghe?
- Chú có nghe nhưng sợ, không dám làm theo.
Từ đấy về sau chuyện nầy không còn xảy ra nữa.
Trong chuyến về quê thăm mẹ và các anh chị, tôi ghé nhà chị Hai T. ở Quán Gò. Trước năm 1975 chị tu giải thoát, nay về nhà may vá độ nhật và tiếp tục đường tu tịnh. Chị em vui vẻ chuyện trò, tôi hỏi chị có kinh điển hay thánh giáo cho tôi xin. Chị lục tìm hồi lâu rồi cho quyển Đại Thừa Chơn Giáo. Khi vào trong nầy tôi giở ra xem, tới bài Sắc Không Luận, hai câu đầu của thi bài khiến tôi vô cùng ngạc nhiên:
Đường chơn đạo tuy không mà có,
Pháp chánh truyền có đó hóa không.
Hồi trước, lúc giảng về tà chánh, sư phụ đã dạy cho tôi đọc thuộc lòng hai câu:
Đường tâm đạo tuy không mà có,
Pháp chánh truyền tuy có mà không.
Hai câu kinh và hai câu sư phụ dạy tuy khác nhau một số chữ, nhưng càng làm tôi tin tưởng Đạo Thầy nhiều hơn.
Có không ít huyền diệu mà Thiêng Liêng đã dành cho tôi. Tôi được bầu làm Thông Sự xã đạo Phước An; lúc đó đất nước mới hòa bình được mấy năm, Đăk Lăk chưa có thánh thất của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Ban Trị Sự chúng tôi hay đi cúng chẩn tế hoặc bạt độ âm nhân. Tôi rất tin tưởng vào pháp môn độ tử của Đạo Thầy, vì ngày xưa sư phụ dẫn tôi ra luyện pháp ngoài sân, tuy phía trước nhà anh Bảy, bên kia đường là nhà dân nhưng tôi chẳng thấy gì ngoài khoảng trống mênh mông; mờ mờ trong màn sương đục tôi thấy không biết bao nhiêu là người xin ăn: già có, trẻ có, lớp ốm đau, lớp tàn tật mà người lành lặn cũng nhiều. Có điều, tuy đông đúc nhưng thật yên lặng, kẻ trước người sau vẫn trật tự đến lạ lùng, như có ai sắp xếp sẵn. Tôi không còn nhớ sư phụ đã làm gì, chỉ nhớ vỏn vẹn câu nói của Ngài:
- Các ngươi cố gắng phò trợ cho đệ tử ta tu hành. Sau này nó sẽ độ trì lại các ngươi.
Bây giờ viết lại những dòng này lòng tôi thấy hối hận và hổ thẹn vô cùng. Mấy chục năm trời theo Đạo, tôi chẳng làm nên công cán gì. Dù họ đạo và nhân sanh tin tưởng, giúp đỡ, nhưng tôi không dám bước lên. Vì ngại khó khăn, vì tham công tiếc việc, tôi chẳng chịu hy sinh. Phần công truyền chỉ ngần ấy, còn về tâm pháp cũng chẳng khá hơn. Năm năm mươi tuổi tôi thọ Tâm Châu, sau mấy lần xin lên không được, tôi lại làm ngơ luôn. Bây giờ bệnh tật giày vò, đến nỗi muốn công phu cũng thấy khó khăn, lòng tôi hối tiếc khôn cùng vì đã phụ công dìu dẫn của Ơn Trên, phụ lòng từ bi che chở của Thầy, làm sao trọn được lời nguyền khi về với chánh đạo: “Con xin tu kỷ độ tha và nguyện trả xong nghiệp chướng.”
Đây là những việc có thật trong đời tu của tôi. Mong rằng khi xem xong, chư huynh tỷ gắng nung chí tu hành, hy sinh phụng sự Đạo Thầy, dựng xây Giáo Hội để nương vị lập vị, chớ đừng mượn cớ nọ kia mà tranh đua. Gắng lo tu tâm sửa tánh, thong dong chờ đón ngày về. Đừng chần chờ như tôi, uổng phí một đời mà không được tích sự gì. Vì như lời Ơn Trên dạy, chép trong Thánh Truyền Trung Hưng:
* Thiệt tu tai nạn chẳng gần,
Thiệt lòng vì Đạo, Thánh Thần hộ cho.
* Có gan góc mới tầm được Đạo,
Có từ bi mới tạo nên Tiên...
Cũng đừng nói mình không có căn duyên nên chẳng tu được, vì ngày xưa sư phụ vô hình từng dạy tôi: “Dù con có thiện có căn, mà không tu cũng kể bằng như không. Con đừng nằm dưới gốc sung mà chờ sung rụng.”
TRẦN DÃ SƠN
NÓI THÊM
Câu chuyện trên đây trích trong Đạo Uyển Xuân 2018 (Hà Nội: Nxb Hồng Đức 2018, tr. 43-60).
Hiền huynh Trần Dã Sơn (bút danh của Trần Văn Sang) là một bạn thơ rất quen thuộc với bạn đọc Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Câu chuyện này huynh viết tại thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắc Lắc) ngày 26-3-2017. Qua hồi ức của huynh, chúng ta có thể rút ra được ít nhiều lý đạo huyền nhiệm:
Vị sư phụ vô hình của huynh Dã Sơn lúc còn tại thế là một nhà sư. Do có duyên với huynh nên chơn linh vị sư này gắng công độ dẫn huynh tìm tới chánh pháp. Thuở còn sống, vị sư ấy có lẽ đã biết sự hiện hữu của đạo Cao Đài; nhưng phải đợi đến khi trút bỏ xác phàm, chơn linh vị sư mới ngộ ra sứ mạng của tôn giáo mới này trong Tam Kỳ Phổ Độ, bởi thế nhà sư vô hình đã dẫn dắt huynh Dã Sơn vào đạo Cao Đài thay vì quy y cửa Phật.
Chúng ta lại hiểu thêm rằng chơn linh vị sư ấy vẫn đang tiếp tục tu hành trong cõi vô hình. Việc dắt dẫn huynh Dã Sơn vào đạo Cao Đài còn là cách vị ấy làm công quả cho mình, bởi lẽ trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, dù hữu hình hay vô hình, ai ai cũng phải tùy duyên mà ráo riết lo làm công quả. Riêng công quả giúp người tìm tới chánh đạo là to tát hơn cả. Thánh giáo từng dạy chúng ta như thế.

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

9 TÔI VÀO ĐẠO CAO ĐÀI (CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI CAO ĐÀI)




TÔI VÀO ĐẠO CAO ĐÀI
KHA CHƠN TÂM
I. CĂN TU
Tôi được sinh ra ở ngoài Bắc Việt (Hà Nội) trong gia đình không có đạo gì ngoài đạo thờ cúng ông bà, cha mẹ đã từ trần.
Thế mà khi còn nhỏ, lúc ấy lối mười một hay mười hai tuổi, một hôm tôi ngồi nghe có chị vú ru em hát hai câu này:
Chữ rằng nhất nhật tu thân
Mấy kiếp phong trần rũ sạch như không.
thì lòng tôi bỗng xúc cảm vô cùng và hai câu ấy đã ngân nga mãi trong tâm hồn non trẻ của tôi lúc bấy giờ, chẳng khác nào tiếng chuông chùa trong lúc bình minh làm giựt mình kẻ mê danh mến lợi triền miên như trong câu thơ:
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giựt mình trong giấc mộng.
của ông Nghè Chu Mạnh Trinh trong bài hát nói đi viếng Chùa Hương Tích.(1)
Lớn lên, vào lúc tuổi thanh niên, lâu lâu tôi lại thích ăn chay một bữa cho tinh thần sảng khoái và có lần đã lên núi Tản tầm Tiên, nhưng đi vài bữa lại trở về ngay với đời sống phàm tục.([1])
Do đó nhiều người quen biết với gia đình tôi đã bảo “thằng Kha này có căn tu” tức là có gốc tu hành đem lại từ kiếp trước.
Tôi được vào đạo Cao Đài nhờ nhạc mẫu tôi. Từ khi bà nhập môn Cao Đài Giáo hồi đầu năm 1938 thì lâu lâu bà lại từ Cà Mau lên Sài Gòn thăm vợ chồng tôi và cố gắng độ chúng tôi.
Bà thường đem theo những bài thánh giáo do Đấng thiêng liêng giáng cơ dạy đạo để chúng tôi nhờ đó mà thức tỉnh lòng trần còn lắm mê muội. Nhưng hỡi ôi! Nghiệp chướng của chúng tôi khi ấy còn quá nặng nề nên lời Tiên tiếng Phật quý báu chưa làm sao cải hóa được chúng tôi mà lôi kéo về chốn thiền môn, thánh thất.
Thật ra cũng tại thánh giáo đầu tiên mà nhạc mẫu tôi đem đến là thánh giáo của ông Tề Thiên Đại Thánh giáng cơ thành thử tôi không coi, cho rằng Tề Thiên Đại Thánh chẳng qua là một ông Thánh tưởng tượng mà người ta bịa đặt ra trong truyện Tây Du chớ làm gì có thật.([2]) Cho nên tôi không tin nổi và cũng chưa có ý nhập môn vào Đạo của nhạc mẫu tôi. Nhưng sự tu hành thật ra đều do tiền định của trời đất, tùy theo nhân duyên từ kiếp trước của mỗi người. Chừng nào đến thời kỳ tu hành mới có thể được tiếp dẫn vào đường chính đạo của Ơn Trên.
II. GẶP ĐẠO CAO ĐÀI
Thời kỳ ấy đến với tôi vào lúc chạy giặc từ Sài Gòn về Cà Mau hồi tháng 11 dương lịch năm 1945, khi (…) quân đội thực dân Pháp trở lại Việt Nam gây nên một biến cố hãi hùng. Tại tỉnh lỵ Cà Mau,([3]) nhạc gia tôi có một cái nhà kiểu tây khá lớn cất bên nhà máy xay lúa Nam Hiệp Thanh cũng của ông nhạc tôi và nơi ấp Cây Giá cách xa tỉnh lỵ mười cây số, lại có một cái nhà mát cất ở trong điền gần chùa gọi là thánh tịnh Hắc Long Môn.([4]) Chùa này là chùa Cao Đài thờ Đức Thượng Đế Chí Tôn do ông nội vợ tôi cất lên và hiến dâng cho Đạo để làm chỗ chiêm ngưỡng Trời Phật Thánh Thần cho dân chúng địa phương.
Khi tôi chạy giặc về nhà vợ thì trước hết tá túc ở tại tỉnh lỵ Cà Mau, sau lại phải tản cư về trong ruộng tại căn nhà mát ấp Cây Giá vào lúc đầu trung tuần tháng Mười âm lịch năm Ất Dậu (1945).
Rất may thay, chiều hôm đến ấp Cây Giá thì bà nhạc mẫu tôi bảo tối nay trên chùa có lập đàn cơ vì bộ phận thông công mới được Ơn Trên sai xuống từ quận Tam Bình (Vĩnh Long) đến thánh tịnh Hắc Long Môn lập đàn dạy đạo cho nhơn sanh vào giờ Tuất tức là tám giờ tối.
Chúng tôi được bà dắt xuống chùa chào hỏi các vị chức sắc cùng chư đạo hữu và sau đó để hầu đàn.
Đến giờ lập đàn cơ, đồng tử Huệ Vân là một thanh niên trạc hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi, khăn trắng, áo choàng trắng có cột sợi dây sắc lịnh chững chạc, vào chánh điện ngồi đồng tiếp điển Thiêng Liêng.
Bộ phận thông công gồm có một ông pháp đàn, quỳ sau đồng tử với một vị độc giả cũng khăn áo chỉnh tề đứng gần đồng tử và hai vị điển ký, tất cả đều được Đấng thiêng liêng chuyển từ Tam Bình (Vĩnh Long) xuống đây để hành sự và mới tới hồi xế chiều.
Khi đến giờ lập đàn, đồng tử ngồi nâng cần cơ chí trán và ngồi xoay mặt vào Thiên Bàn là nơi thờ Trời, trong khi đó các vị trong bộ phận Hiệp Thiên Đài đến đọc bài cầu Tiên với một giọng rất êm đềm, du dương.
Đọc gần hết bài cầu thì đồng tử nhắm mắt mê man tiếp điển Thiêng Liêng và múa cần cơ gõ xuống mặt bàn để trước mặt và viết rất mau. Một lát sau vị đứng trước bàn đồng tử làm phận sự độc giả mới đọc ra chữ thì mọi người đều chăm chú lắng nghe mới biết có Đấng thiêng liêng là Đức Lý Đại Tiên Trưởng Thái Bạch Kim Tinh Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ giáng cơ dạy đạo cho các môn đồ. Tức thì tiếng chuông boong boong nổi lên chào mừng Đức Đại Tiên Trưởng và tất cả mọi người có mặt ở trước chánh điện đều phủ phục xuống lạy chào.
Đó là lần đầu tiên tôi được mục kích cuộc cầu cơ trong đạo Cao Đài cho nên tôi rất chú ý xem xét cử chỉ của mọi người hầu đàn, thấy ai ai cũng có vẻ rất thành kính và đồng tử cầm ngọn cơ viết rất mau trên mặt bàn, đồng thời độc giả cũng cất tiếng đọc lia lịa rất mau.
Dạy các môn đồ một lát, Đức Đại Tiên Trưởng ngừng lại, ra lịnh cho nhóm điển ký chép đàn cơ đọc lại từ đầu cho tất cả đều nghe, thì tôi mới nhận ra đầu tiên là một bài thi bát cú quán thủ xưng danh hiệu như sau:
THÁI quá e cho phải lụy mình
BẠCH tâm chiêm nghiệm mấy lời minh
KIM thành ắt phải dày công gắng
TIN(H) chắc khổ đây ráng giữ mình
GIÁN(G) đoạn tại trò gây gián đoạn
HẮC lưu cô quạnh thất hồi kinh
LONG đong vắng vẻ người xa bóng
MÔN đệ vì ai lắm tệ tình.
Rồi tiếp đến lời dạy bằng văn xuôi, đại ý Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy đến một ngày kia Ơn Trên chuyển cơ thử thách trong đạo Cao Đài để khử trược lưu thanh thì chừng đó mới rõ chơn giả, biết bao nhiêu kẻ sẽ bỏ Đạo theo đời, tưởng Đạo Thầy sẽ không đi đến đâu... ai dè Đạo ấy mới thật là cái cầu độ chúng cứu người hiền lương sau này.
Sau khi đàn cơ tiếp tục trong mấy tiếng đồng hồ với những điểm danh cá nhân hàng mấy chục người, Đức Thái Bạch Kim Tinh bỗng gọi tên tôi và ban cho một vé bốn câu như sau:
KHA hiền đệ giúp cho cơ Đạo
Lời kêu ca của Lão đây cùng
Hắc Long phận sự hành chung
Lo bề đạo đức, thẳng dùn mặc ai.
Đó là Ngài có ý dạy tôi phải vào đạo Cao Đài để lập công bồi đức.
Thấy tôi được điểm danh, nhạc mẫu tôi mừng lắm bảo: “Vậy thì sáng mai là ngày rằm tháng Mười âm lịch tức là một ngày rằm lớn, má sẽ nói với ông Phối Sư Giác làm lễ nhập môn vào đạo Cao Đài cho con để giúp Đạo theo lịnh của Đức Giáo Tông.”
III. NHẬP MÔN ĐẠO CAO ĐÀI
Sáng hôm rằm làm lễ nhập môn, khi ông Phối Sư Giác hỏi tôi xin ăn chay tháng mấy ngày thì tôi trả lời: “Dạ thưa ông, con không biết ăn chay vì chính sáng hôm nay con cũng đã qua bên chợ điểm tâm bằng bánh tằm xíu mại rồi.” Nhưng ông Phối Sư cho biết vào đạo Cao Đài ít nhứt là phải ăn chay một tháng sáu ngày và nếu hôm nay nhập môn đã lỡ ăn mặn rồi thì đến ngày chay kế tiếp là ngày 23 phải bắt đầu ăn chay đúng đắn, giữ đúng thể lệ trai giới mới đặng, không thì mang tội và Thần Thánh không chứng cho mình là người thật tâm tu hành.
Vì thế, bất đắc dĩ tôi phải xin lập thệ ăn chay sáu ngày mỗi tháng là mồng một, mồng tám, mười bốn, rằm, với ngày hai mươi ba và ba mươi tức là ngày cuối tháng. Sau đó vì sợ “ăn chay kỳ” như thế thì khó giữ cho đều đặn vì ưa quên ngày âm lịch, sợ mang tội thất tín với Ơn Trên, nên tôi quyết chí đại hùng ăn phứt trường chay và tự lý luận rằng từ nhỏ tới lớn mình ăn đồ thịt cá cũng nhiều rồi không còn thèm thuồng gì nữa, vả lại dù ăn chay chưa quen thì chỉ cần nhắm mắt cố nuốt vào bao tử cho xong thì ngon hay không ngon cũng vậy thôi. Nhờ cương quyết mới ăn chay nổi một tuần lễ thì đã ngán ngược. Nhưng chừng ấy nếu mình bỏ chay ăn mặn lại thì rất uổng, huống hồ đã có được một thành tích bảy ngày chay liên tiếp thì quý lắm, vậy cố gắng thêm lên ít ngày nữa may ra nó cũng quen.
Thế rồi chẳng bao lâu sau, sự cương quyết càng ngày càng cứng rắn, rồi ăn được một tháng chay, lần lần ba tháng, bốn tháng. Khi ăn được sáu, bảy tháng thì thân thể tôi bị ghẻ lở ghê gớm và tôi biết đó là Tạo Hóa giúp cho tôi tẩy trược cái thân phàm tục cho nó bớt nặng nề, u mê để tiếp được điển lành cho tinh thần trở nên thanh tịnh sáng suốt.
Lối trên một tháng mới hết ghẻ lở, dơ dáy thì tôi thấy trong mình nhẹ nhàng khỏe khoắn hơn khi trước và nhờ vậy sự học hành thánh giáo kinh kệ càng thấy mở mang sự hiểu biết sáng suốt.
Qua đầu năm 1946, tôi được đi theo anh lớn Đầu Sư Nguyễn Phú Thứ sang Tòa Thánh Hậu Giang Minh Chơn Đạo ở Giồng Bốm để thăm ông Bảo Đạo Cao Triều Phát, lúc ấy đang tập trung các thanh niên đạo đức Hậu Giang làm lực lượng Cao Đài cứu quốc chống giặc Pháp thường đem binh đốt phá các chùa Cao Đài (…). Khi ông Đầu Sư cùng tôi đến làm lễ trên chánh điện thì bỗng nhiên có một em đồng tử đang quỳ cúng với tôi được điển Thiêng Liêng nhập vào làm cho khai khẩu nói lên những lời của Ơn Trên cho biết là có Đức Quan Thánh Đế Quân giáng dạy cho ông Đầu Sư một vé bốn câu và cả cho Kha tức là tôi, một bài như sau:
Khả dĩ tiền đồ học đạo gương
Tùng Thiên huờn mạng hiệp chung đường
Đạo Thầy tô điểm lần soi tỏ
Ghi tạc nguyền xưa hẳn thạnh bường.
Rồi tiếp theo đó Đức Quan Thánh lại ban cho tôi bài thi bát cú dạy đạo như sau:
Ánh trăng rạng tỏ giữa dòng khơi
Giác ngộ trần ai sớm tỉnh đời
Bể khổ đeo chi mà lặn hụp
Sông mê mến tiếc phải chơi vơi
Kỳ cùng toan liệu còn hai, một
Buổi chót lần sang, ít kẻ rời
Bỏ quách nợ trần ràng buộc trói
Được lần cảnh tạm thấy chiều mơi.
Sau đó một thời gian ngắn, giặc Pháp đem đại đội thủy lục không quân đánh vào nơi Tòa Thánh Giồng Bốm ở đây. Quân đội Cao Đài dùng kế phục binh chống trả kịch liệt từ sáng sớm tới gần xế chiều mới rút đi. Giặc tràn vô phá tan chùa chiền và căn cứ bộ đội.
Hắc Long Môn là chùa của chúng tôi hành đạo chỉ cách xa Tòa Thánh Giồng Bốm chừng sáu bảy cây số theo đường thẳng chim bay, nên nghe rõ mồn một tiếng súng đại bác và bom nổ không ngớt từ sáng cho đến quá trưa. Tuy nhiên khi quân Pháp tràn được vô chùa thì ông Cao Triều Phát và quân đội của ông đã chạy thoát; chúng không hề tóm bắt được ai cả.
KHA CHƠN TÂM
NÓI THÊM
Hồi ức trên đây trích trong Đại Đạo Văn Uyển, Tập Hanh (số 14), tr. 99-108, do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện, liên kết Nxb Tôn Giáo (Hà Nội: 2015).
Tiền bối Nguyễn Triệu Kha (thánh danh Chơn Tâm) sinh ngày Thứ Ba 03-3-1908 (01-02 Mậu Thân) tại Hà Nội. Sinh thời, tiền bối viết nhiều, và lắm lúc ký tên Kha Chơn Tâm. Đây cũng là một tên thánh, được Đức Đông Phương Lão Tổ (Chưởng Quản Vô Vi Hiệp Thiên Đài) dạy rõ trong bài thánh thi ban cho tiền bối như sau:
KHA CHƠN TÂM danh tòa Thiên sắc
Của Thầy ban ghi chặt bên trong
Đạo tâm hiền đệ ghi lòng
Đáng khen tấc dạ gương trong soi cùng.
Bậc trượng phu anh hùng đúng phận
Khổ chẳng nài lận đận nào than
Hiền ôi! Đối với tim vàng
Của hiền quý hóa xứng trang con Thầy.
Cố gắng thêm đoạt ngày vui sướng
Tâm hồn hiền khỏi luống sầu than
Gắn ghi chắc quả tim vàng
Nghe hiền! Đáng mặt Nam bang anh tài.
Cuối đời, tiền bối thọ Thiên phong Bảo Pháp Chơn Quân (Bộ Phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam).
Tiền bối quy thiên tại Cơ Quan ngày Thứ Hai 22-5-1995 (23-4 Ất Hợi), đắc quả Viên Thông Chơn Tiên ngày Thứ Sáu 13-3-2009 (17-02 Kỷ Sửu).
Tiền bối Chơn Tâm là ông ngoại của hiền huynh Thiện Quang (Võ Thành Văn, 1965-2016), một tác giả quen thuộc với bạn đọc Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.




Huệ Khải chú thích:
([1]) Đây là hai câu trích trong bài hát nói (ca trù, hát ả đào) của nhà Nho Chu Mạnh Trinh (1862-1905), nhan đề là Phong Cảnh Hương Sơn. Ông Chu thi đậu tiến sĩ (năm 1892) nên thường được gọi là “ông Nghè”.
([2]) Về tính hư cấu của nhân vật Tề Thiên Đại Thánh, và lý do Tề Thiên Đại Thánh giáng cơ trong đạo Cao Đài, quý bạn đọc có thể tham khảo quyển 31-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo: Huệ Khải, Giải Mã Truyện Tây Du. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, nhất là hai bài “Hầu Vương Được Hư Cấu Như Thế Nào?” (tr. 164), và “Bài Phú Tây Du Trong Đạo Cao Đài” (tr. 170).
([3]) Cà Mau: Thời Pháp thuộc, vào thập niên 1940, Cà Mau là một quận thuộc tỉnh Bạc Liêu. Ngày 09-3-1956, theo Sắc Lệnh 32/VN, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lấy quận Cà Mau và bốn xã Định Thành, Hòa Thành, Tân Thành, Phong Thạnh Tây của quận Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) lập thành tỉnh Cà Mau, tỉnh lỵ là Cà Mau. Có lẽ nhầm lẫn thời gian nên tiền bối Chơn Tâm viết “tỉnh lỵ Cà Mau” khi nhắc tới những năm 1940.
([4]) Nhiều người quen gọi thánh thất, thánh tịnh Cao Đài là chùa.

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.