Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

9 BẠT (MỎNG MẢNH TƠ TRỜI)


BẠT
1. Anh bạn tôi ở Việt Nam vừa gửi cho tôi một tập hợp sáu mươi bài viết ngắn của anh – mỗi bài chỉ độ một trang viết về những chuyện rất đời thường anh gặp. Đối với đại chúng, những gặp gỡ đó có lẽ không có gì to tát, người vô tâm chắc hẳn thờ ơ vì ai ai cũng từng trải qua những tình huống tương tự. Đây không phải là giây phút sinh tử của người lính ngoài chiến trường, cũng không phải là một hành vi hào hiệp đòi hỏi một lòng dũng cảm vượt bực, lại cũng không phải là một câu chuyện tình trái ngang đầy xúc động… Anh bạn tôi viết về một lần gặp lại người bạn cũ, một nhà văn thanh thản đón nhận những giây phút cuối đời, một người mẹ âm thầm lo cho hậu sự của mình để khỏi làm phiền đến con cháu… Những câu chuyện anh viết chỉ phản ảnh một giây phút trung gian xảy ra mỗi ngày vì nếu kéo dài ở hai đầu chúng ta sẽ tìm thấy nhiều nhân và quả khác.
2. Hôm nay Thứ Sáu – 14 tháng 4 năm 2017 – là ngày lễ của người theo đạo Thiên Chúa gọi là Good Friday đánh dấu ngày chúa Jesus bị đóng đinh trước khi phục sinh. Gia đình tôi đi chơi một khu giải trí dành cho trẻ em tại Los Angeles, cách nơi tôi ở khoảng 45 miles, tính ra chừng 70km. Gọi là khu giải trí cũng không đúng hẳn vì đây là một quần thể nhiều viện bảo tàng, một Natural History Museum (viện bảo tàng lịch sử tự nhiên), một Science Museum (viện bảo tàng khoa học) và nhiều trung tâm nhỏ hơn trưng bày lịch sử không gian với những thành tựu của con người ra khỏi ảnh hưởng của trái đất. Cạnh đó cũng có những khu triển lãm về đóng góp của người di dân, da đen, da trắng, da vàng mà nếu đi hết mọi nơi thì một ngày không thể đủ.
Viện bảo tàng khoa học hàng năm đều có những mùa triển lãm – mỗi kỳ độ ba tháng, xoay tua và di chuyển – từ tiểu bang này sang tiểu bang khác, từ nước này sang nước khác để cung cấp kiến thức cho những người ham học, đặc biệt là trẻ em để chúng hiểu và trân trọng những gì ở chung quanh, cấy vào đầu óc còn trong trắng những ý niệm tốt lành. Hôm nay, vào tuần nghỉ Mùa Xuân (Spring Breaks) nên có khá đông học sinh được nhà trường dẫn đi thăm các khu khoa học tự nhiên và khoa học ứng dụng. Nơi nào cũng thấy trẻ con mặc đồng phục xếp hàng đi từng đoàn.
3. Lần này, chúng tôi đi xem một khu triển lãm công nghệ có tên là Pixar – công nghệ thông tin về phương pháp và trình tự để các nghệ sĩ và nhà sản xuất hiện đại thực hiện các bộ phim hoạt hình bằng vi tính. Không nói đến những công đoạn chính yếu như làm hình mẫu, phân tích và cắt lát, quay phim để chuyển biến những động tác thành hình ảnh liên tục như khi làm một phim ảnh theo lối cũ, một phân tích khiến tôi rất chú ý là nhiều việc chúng ta thấy thật đơn giản, thật bình thường lại chứa đựng những chi tiết phức tạp khó tin.
Một bãi cỏ rung động theo chiều gió, một dòng nước chảy róc rách, một mái tóc xoăn, một đàn cá bơi lội, một bộ lông thú… được tái tạo bằng hàng triệu, triệu tính toán và mỗi một giây, một phút lại chuyển biến theo đúng những định luật vật lý và khoa học không sai lầm. Một tính toán (computation) nếu tách riêng thì không có gì đáng nói. Có thể chỉ là một phần của một parabole vẽ thành cọng lá, hay một viên bi rơi theo định luật Newton… nhưng nhiều, rất nhiều và liên tục của tác động khác nhau sẽ tạo thành thế giới quanh ta, thay đổi và biến dạng liên tục. Chính những kết hợp diệu kỳ kia là thực tế cuộc đời.
4. Vậy thì có gì liên quan giữa triển lãm Pixar và những bài viết của anh bạn tôi?
Cuộc đời cũng chỉ là những sát na ngắn ngủi liên tục và tự nhiên như hàng triệu hòn bi nhỏ mà những khoa học gia tập hợp để tái tạo một dòng nước chảy, hàng triệu cái lò xo nhún nhẩy để thành mái tóc xoăn của cô gái hoang dại cưỡi ngựa chạy trên cánh đồng, cũng êm ả như vô vàn đường cong, đường thẳng tạo thành một bãi cỏ non… Tất cả đều là những đoạn phim ngắn nếu chỉ tác động thêm một chút thì cuộc đời sẽ ra sao?
Một cậu sinh viên không làm bài ngang nhiên cầm sách vở ra khỏi lớp không một tiếng chào người thầy đứng trên bục giảng. Đâu đó có cái gì uất nghẹn như một hạt sạn trong giày. Ở thế hệ của tôi, đoạn kết có thể khác đi, chẳng hạn một sinh viên khác đứng lên giải thích giùm người bạn của mình: “Thưa thầy, anh đó mồ côi cha, mấy bữa rày mẹ anh ấy bịnh nên phải thay mẹ đi bán bánh tới khuya, không có thì giờ học.” Rồi nhà giáo chắc sẽ cho người đi kiếm đứa học trò kia trở lại lớp và bằng cách nào đó kín đáo kẹp một tờ giấy bạc trong tập của kẻ đáng thương.
Cũng câu chuyện này, ở thời đại hôm nay, có thể khi thầy giáo đã già đạp xe trên phố lại vô tình bắt gặp đứa trẻ ngỗ nghịch ngày nào ngồi trên một chiếc xe hơi bóng lộn chạy nhanh qua làm dậy lên những đám bụi đường và văng những giọt nước bùn vào người bán rong đi ngang.
Sáu mươi đoản văn, tuy độc lập ghi lại sáu mươi “clips” ngắn của cuộc đời nhưng mỗi đoạn phim đó có thể có nhiều kết cục, tùy theo mỗi người tự cho thêm một đoạn kết mới. Biết đâu bạn tôi cũng đi tìm những “hậu ký” từ người đọc để xem công trình của mình còn dấu ấn gì chăng?
Nguyễn Duy Chính
14-4-2017

8 TRÀ KHUYA (MỎNG MẢNH TƠ TRỜI)

51. TRÀ KHUYA
Nhiều năm rồi anh mới ghé thăm bạn cũ, nhân chuyến đi tỉnh công tác. Bạn giữ chơi một đêm, thủng thẳng ôn chuyện cũ ngày qua, hỏi han việc bấy lâu không gặp, đủ thứ đầu Ngô mình Sở và thoắt cái mà đã khuya. Bạn đứng dậy, bảo anh cứ tự nhiên, rồi đi vào. Một lát, ngửi hương trầm phảng phất, anh mỉm cười, biết bạn đang tập thiền.
Trong đêm thị xã tĩnh mịch dưng không anh nghĩ lan man. Thời khắc này, đâu đó ở thành phố lớn quen thuộc của anh, đâu đó ở những chốn nào khác, thế gian đang trôi theo nhịp sống riêng tư. Đây đang là lúc cho người này êm đềm giấc ngủ, cho người kia nghiêng ngửa cuộc vui, cho người khác những trở trăn toan tính, những âm mưu sát phạt... Thế nhưng đây cũng đang là lúc có những người như bạn anh, không thức cũng không ngủ, ngồi yên theo một hơi thở vô rồi một hơi thở ra, lặng lẽ trên hành trình đi tìm một nhịp điệu khác.
Còn lại một mình với ấm trà nguội, âm thầm trong bóng tối trên bộ ván ngựa kê nơi hàng hiên, ngó mông ra màn đêm ở khoảnh sân nhỏ trước mặt, anh có cảm giác như vừa đang ở trong phòng mà cũng vừa ở ngoài trời. Một thứ cảm giác mường tượng như đang được nhòa lẫn, hòa quyện. Anh nhận ra não cân mình trong suốt và tỉnh táo đến lạ. Chẳng rõ bởi trà khuya hay tại vì hương dạ hợp hoa ngoài sân thoang thoảng theo gió trộn vào mùi trầm thơm ấm.
13-5-1999

 

52. TRANH MÈO

Tranh dân gian Việt Nam vẽ đám cưới chuột hình như ngụ ý đồng hóa con mèo với tên quan tham đang nhận lễ vật được nhà chuột cống nạp như một thứ tiền mãi lộ.
Người Hoa cũng có định kiến rằng mèo liên quan với những cái xui xẻo, xấu xa. Chẳng hạn, gặp đàn bà ăn mặc hơi chải chuốt quá, bộ tịch có vẻ lả lơi, như để rù quến đàn ông, người Hoa bảo đấy là hắc miêu (mèo đen).
Thế mà con mèo lại là một đề tài quen thuộc trong tranh thủy mặc truyền thống của họa sĩ người Hoa. Người ta mừng tặng nhau tranh vẽ mèo, một hay nhiều con, có khi ngoài mèo còn kèm thêm các sinh vật, hoa cỏ khác nữa. Đây là nghệ thuật dùng một hình ảnh cụ thể (con vật, hoa cỏ...) để diễn tả một ý trừu tượng (lời cầu chúc tốt lành), dựa trên cơ sở những từ có âm đọc na ná nhau. Cách diễn đạt này cũng tương tự như vào ngày tết người Việt phương Nam bày dĩa trái cây gồm mảng cầu, dừa xiêm, đu đủ xoài, là muốn cầu vừa đủ xài. Nếu thêm chùm trái sung là muốn được sung túc.
Cũng bằng cách mượn tiếng đồng âm dị nghĩa, trong tranh thủy mặc người Hoa, vẽ cành trúc vì người Hoa đọc gần như trủ [zhú] nghe na ná như chúc (đọc như trú [zhù]). Con bướm (điệp, hồ điệp) đọc là ti-ẻ [dié] cũng giống chữ điệt. Mà điệt là người già thọ bảy mươi hay tám mươi tuổi. Con mèo (miêu) đọc là [mao] tương tự như chữ mạo (đọc là máo [mào]). Mạo là người già thọ tám mươi hay chín mươi tuổi. Vậy, tặng một tranh vẽ mèo bên khóm trúc là một lời chúc thọ; nếu vẽ thêm cánh bướm tức là gấp đôi lời chúc, mong người nhận tranh được sống cho tới ngoài cái ngưỡng cổ lai hy, thậm chí là bát tuần, cửu tuần nữa.
Nếu vẽ một đàn mèo, mèo mẹ mèo con quây quần tức ngụ ý chúc trường thọ, vui cảnh con đàn cháu đống đề huề.
Con cá (ngư) đọc là dủy [yú] giống y như chữ là dư dật. Vậy tranh mèo rình bắt cá, mèo rình cá lội là ngụ ý chúc được trường thọ trong cảnh sung túc, dư dật.
Ngoài ra còn dùng ý biểu tượng. Thí dụ, hoa mẫu đơn là biểu tượng của phú quý. Do đó, tranh mèo kèm hoa mẫu đơn là lời cầu chúc luôn luôn được sống lâu trong cảnh phú quý.
30-12-1998

53. TUỔI THƠ HOÀI NIỆM
Gởi Lê Ký Thương


Anh ghé phòng tranh của ông bạn họa sĩ quê ở Nha Trang. Hai mươi bức sơn dầu. Những nhát cọ khỏe khoắn và những gam màu tươi sáng, rực rỡ đang hiện hình từng kỷ niệm của một tuổi thơ xa hun hút trong nỗi nhớ đồng quê ngày cũ.
Tuổi thơ nông thôn là ngày tháng gần gũi thiên nhiên: con mèo, con chó, tàu lá chuối, mụt măng tre, cái mo cau... Thiên nhiên là môi trường vui chơi và cũng là người cung cấp phương tiện vui chơi. Chiếc lá có thể quấn làm kèn kêu te te giữa bờ môi thơ dại, hoặc kết thành mão cho hoàng tử bé đăng quang, ngất ngưỡng trên vòng tay làm kiệu của hai bạn nhỏ, hoặc làm vương miện cho nhà vua tí hon chễm chệ trên ngai và tên lính hầu đứng kề bên chỉ có cái vỏ bưởi úp lên đầu làm nón.
Hoàn cảnh thiếu thốn, trẻ con sẵn gì chơi nấy. Tiện được con vụ liền chơi con vụ. Chẳng có món gì thì vạch ô trên đất mà nhảy lò cò. Có bạn thì rủ nhảy cừu hay chơi trốn tìm. Thui thủi một mình thì quậy nước xà bông thổi bong bóng lên trời cũng đủ vui rồi.
Xem tranh bạn, anh chợt nghĩ tới Satoshi Tajiri. Khi tuổi thơ Phù Tang bị đô thị hóa thì con dế, cào cào, châu chấu, nòng nọc, và các côn trùng nhỏ bé khác sống ngoài đồng ruộng, ao hồ... không còn là niềm hạnh phúc đơn sơ trong lòng hai bàn tay non nớt khum khum úp giữ. Tajiri bèn sáng tạo trò chơi điện tử Pokémon (1996) để bù đắp cho một thiên nhiên đánh mất.
Những trò chơi tuổi thơ dân dã Việt Nam cũng đang dần dần biến mất trước dòng chảy cuộc sống thành thị. Sẽ đến một lúc chúng chỉ còn phảng phất trong ký ức một số người già hoặc tình cờ sót lại đâu đó trên vài trang sách xa xưa cũ kỹ.
Bạn anh đang cố giữ lại phần nào hình ảnh đã qua. Vẽ cho đỡ nhớ, như bạn anh thú nhận.
09-7-2001

54. VĂN HÓA INTERNET
Câu chuyện lan man bên bàn cà phê buổi sáng trong hẻm không hiểu loanh quanh thế nào lại dẫn tới Internet. Ông bạn già ngao ngán: “Lắm lúc Internet cũng phiền lòng lắm!” Anh chưa hiểu, nhưng im lặng vì biết tính bạn. Trong khi chờ giải thích, anh có dịp nhìn kỹ hơn mái tóc hoa râm của ông giáo sắp nghỉ hưu, nhận ra vẻ mặt thiếu ngủ, mệt mỏi vì quen thức khuya đọc sách hoặc “viết lách vớ vẩn”, như cách ông tự thú.
Thì ra là việc mấy bài ông viết gần đây được ai đó “phát tâm” đưa lên mạng. Chẳng qua ông hay gởi bài đăng báo, nói rằng để có chút nhuận bút bù đắp phần nào khoản tiền khá lớn thường xuyên bỏ ra mua sách báo các loại. Kỹ tính và mô phạm, ông chịu khó viết cẩn thận, dẫu chỉ là một mẩu báo nhỏ. Từ điển lúc nào cũng sẵn vài quyển dày cộm vừa tầm tay. Chính tả, câu cú, chấm phết hầu như luôn luôn đâu ra đó. Thế mà người ta gõ lại bài của ông thường sai be bét, lắm lỗi còn khiến câu văn ngô nghê, chả ra làm sao. Cũng bởi tờ báo ông thường gởi bài chưa có online.
Anh an ủi bạn, theo kiểu AQ: Thì bài mình có hay bà con mới quăng lên mạng. Coi như mình thắng lợi tinh thần đi. Mà sao anh không thử e-mail cho admin của trang web ấy?
Ông bạn than thở: “Có lần họ tự ý sửa chữa bài tôi mấy chỗ, lại thấy cuối trang ghi tên người gõ bài, người đăng bài… bằng những nickname nghe kỳ dị lắm. Tôi thử ‘meo’ cho họ, và được trả lời rằng họ có toàn quyền biên tập không cần xin phép.”
Anh biết bạn mình không là trường hợp duy nhất. Ngày nay, lập trang web, làm blog quá dễ và, giống như một cám dỗ, đang thu hút đông đảo nhiều giới, nhất là sinh viên, học sinh. Các bạn trẻ rất giàu tri thức, sớm thành thục kỹ năng của công nghệ thông tin hiện đại, nhưng dường như không mấy ai được trang bị văn hóa Internet. Thế nên lắm khi họ luộc bài của người khác, quên ghi tên tác giả, mà chỉ nhớ ghi cẩn thận là “được post bởi…” và “được sửa bởi…”.
Trong chương trình dạy tin học, có nên bổ sung thêm một đôi điều nho nhỏ về văn hóa Internet không nhỉ?
16-9-2006

55. VẪN MÃI LÀ THỬ BÚT
Gởi Thân Trọng Minh


Tuổi mười lăm, cậu học trò xứ Huế và ba bạn đồng trang lứa cùng làm tờ báo viết tay trong một thôn làng. Qua tuổi đôi mươi, nợ nam nhi trải trang giữa mùa chinh chiến. Rồi làm thầy thuốc, những lúc tạm cởi blouse để vọc sắc giỡn màu trên khung vải vuông vắn. Sang buổi thư nhàn, hết ngẫu hứng với tượng gốm lại thả cho tâm ý phóng túng theo đường bút lông đậm nhạt nét mực nho… Kể từ ngày anh cất bước dạo chơi, đến nay đã năm mươi năm.
Năm mươi năm. Một thời gian quá đủ để kinh qua mấy lần biến thiên của mảnh đời riêng và bao phen ảo hóa của cõi đời chung. Trong nửa thế kỷ trải nghiệm ấy, con người tài hoa vẫn chẳng nhạt lòng văn chương hay phai duyên chữ nghĩa. Làm thơ, biên kịch, viết truyện, ra báo. Lúc quay rô-nê-ô, khi đem in ấn, hoặc chỉ là độc bản viết tay.
Năm mươi năm. Một thời gian quá thừa để cho bản thảo cái mất cái còn, cái trong tầm tay, cái ngoài viễn xứ khi theo chân văn hữu tha hương. Thế rồi bè bạn cũ và người thân yêu của anh bảo nhau lục tìm kết tập lại. Những con người không còn trẻ nữa với tuế nguyệt mà lòng vẫn tươi trẻ với tình văn rủ nhau gõ phím dàn trang, sắp xếp con chữ, chèn đặt mẩu tranh. Nguyên vẹn đam mê như một thời đam mê đã xa lăng lắc. Cuối cùng, nhờ các phương tiện sao in của công nghệ kỹ thuật số, những cuốn sách xuýt xoát cỡ A5 dày dặn, xinh xắn hình thành. Và anh gởi tôi một quyển.
Trên tay tôi món quà của anh không chỉ là một hòa điệu giữa thủ công và hiện đại. Đó còn là một hòa điệu của tình bạn bè các anh chứa chan từ thuở. Các bạn anh không khó đem in offset với danh tiếng một nhà xuất bản thân quen. Nhưng anh và các bạn chọn nẻo đi khác, bởi lẽ tâm ý trước sau nào phải đâu mang trao đại chúng. Dò theo hàng hàng con chữ trên từng trang văn, tôi bước vào cùng anh, bắt gặp những kỷ niệm ăm ắp, những day dứt nỗi niềm, những băn khoăn trăn trở… hoặc nối tiếp nhau hoặc xen kẽ nhau lần lượt tái hiện. Thỉnh thoảng đâu đó rải rác vài cái tên đã sớm trở thành thiên cổ.
Gấp sách lại, tôi ngắm cái bìa đẹp in tranh tĩnh vật do anh vẽ. Một cánh chuồn lãng tử ngẫu nhĩ đáp xuống bình hoa xanh bên cốc rượu đỏ. Đáng lưu ý hơn có lẽ là hai chữ Thử Bút anh chọn làm nhan đề… Năm mươi năm đánh bạn cùng văn chương nhưng sau rốt vẫn mãi là thử bút. Cuộc chơi của cánh chuồn mỏng manh phải chăng đáng yêu bởi thế?
28-9-2007

 

56. VỀ QUÊ

Anh du học bên Tây rồi ở lại lập nghiệp, ba mươi năm dư không tìm dịp nào về quê. Lúc sau này, nhờ có Internet với đường truyền ADSL, cài đặt skype, gắn thêm camera, thỉnh thoảng cuối tuần anh hẹn với bên nhà cùng mở computer để hàn huyên. Có tiếng nói, có hình ảnh, nên cũng tạm gọi được là gần gụi. Cậu em một hôm nhắc: Ba má bây giờ như chuối chín, ai biết rụng đầu hôm hay sớm mai. Anh cho các cháu về thăm ông bà nội một lần. Đừng để sau này hối thì đã trễ.
Giọng cậu em chẳng phải trách móc, nhưng anh chợt nghe lòng xốn xang, ray rứt. Điều đơn giản ấy lâu nay anh không nghĩ tới, có lẽ vì quá bận mưu sinh và vì một ngàn lẻ một lý do rất có lý. Ừ, thì về. Anh nghe tiếng mình hứa nhưng mơ hồ cảm thấy cậu em không có biểu lộ gì vui, như thể không tin lời anh. Chắc tại cái giọng của mình thiếu nhiệt tình. Thôi kệ, trước sau thì mình cũng về mà. Anh tự nhủ thế.
Lần lữa mãi, rốt cuộc anh cũng phải về một mình. Lũ trẻ còn đang giữa học kỳ, vợ anh phải ở lại lo cho sắp nhỏ. Anh về quá lật đật không kịp chuẩn bị gì hết, sau cú điện thoại từ bên nhà gọi sang vào giữa đêm.
Gặp lại anh, ông cụ ít hẳn lời, có vẻ hờn. Cậu em thì bận rộn với đại sự, tất bật lo toan trong ngoài. Xa nhà quá lâu, ông trưởng nam bỗng trở thành lóng cóng, chân tay dư thừa, cái gì cũng lạ lẫm, lúng túng. Nhân một lúc thuận tiện, anh nói khẽ với em dâu: “Thôi thì tốn phí cho má hết bao nhiêu chú thím cứ để cho anh.” Cô em dâu kéo mảnh khăn trắng chậm nước mắt, sụt sịt: “Chắc không cần anh à. Bao nhiêu tiền anh gởi về lâu nay ba má có đụng tới xu nào đâu. Má nói ba má thiếu anh chứ không thiếu tiền.”
25-4-2006

57. VUI NHỎ ĐẦU XUÂN
Con gái đi học ngày tất niên, hẹn giờ để bố đến đón về. Buổi chiều, anh ghé trường, chỉ có anh và hai chú bảo vệ kiêm luôn việc giữ xe. Đã quen mặt nhau, anh mỉm cười gật đầu chào, và nhận lại nụ cười kèm câu nói cụt lủn đáp lễ: “Sớm thế!”
Chờ con tan học, trong lúc bước loanh quanh phía ngoài sân trường, anh nhác thấy nơi bồn kiểng gần lối ra vào trồng một khóm lá, nom hao hao như thứ rau dền đỏ tía ở nhà hay nấu canh hoặc luộc ăn. Có một nhánh ai làm gãy lặc lìa từ bao giờ, gục đầu chúi hẳn xuống nền tráng xi măng. Dốt thực vật, chẳng biết giống kiểng tên gì, nhưng thấy hay hay, anh bèn bước tới ngắt ngay chỗ đã gãy sẵn, rồi bỏ vào cái giỏ gắn ở đầu xe Honda.
Về tới nhà, anh lựa một chậu đất nhỏ, trồng lại độc một nhánh chơ vơ. Ngày qua, cái nhánh cứ héo dần, teo tóp lại, cho dù phân nước khá tốt. Gần sang năm mới, ra dọn dẹp góc vườn nhỏ, anh nản lòng nhìn cọng kiểng héo đã ngả màu thâm thâm, nằm oặt mình vắt qua miệng chậu, rũ rượi.
Mang máng trong đầu cái tín niệm dân gian truyền lưu bấy lâu, rằng đón năm mới phải dẹp đi cái gì xấu xí, anh ngao ngán, đã toan nhón tay nhổ bỏ, nhưng rồi lại thôi. Chẳng hiểu tại sao. Mấy ngày cận tết, bận rộn sắp xếp lại nhà cửa, anh quên bẵng cọng kiểng héo tàn.
Sáng sớm mùng một, ra sân để xem chậu mai có còn đủ đầy hoa vàng tưng bừng hay là trong đêm đã linh lạc tiêu điều, tình cờ anh nhìn thấy cái nhánh úa rũ hôm kia đã âm thầm phục sinh từ lúc nào. Như tràn sức sống, cọng kiểng ngỏng cao lên, làn da đỏ tía căng bóng, như mọng nước. Mấy cánh lá con con xòe bung ra tươi tắn, chỉ trừ vài chỏm héo khô ở đầu lá thì không sao hồi xuân được nữa.
Anh ngạc nhiên, sung sướng. Một chậu nhỏ, một nhánh kiểng lẻ loi, nhưng ẩn tàng nơi đó sự kỳ diệu của thiên nhiên. Tự sâu kín trong lòng, anh chợt nhận ra mình đang ngấm ngầm hạnh phúc vì đã cải tử hoàn sinh cho một mạng sống cỏ cây bé mọn. Phải chăng vì thế mà, đối với anh, nhánh kiểng tầm thường kia dưng không lại mang mặc một giá trị hơn hẳn những chậu hoa kiểng đắt tiền được chăm chút công phu để bày bán ở các nhà vườn?
19-02-2007

58. XIN NHẸ TAY
KHÉP GIÙM CÁNH CỬA
Ghé nhà xuất bản nhận nhuận bút và mười cuốn sách biếu, anh thấy tiếc khi nhìn góc dưới trên bìa sau hơi lem luốc. Ông bạn họa sĩ đã bỏ công chăm chút dung mạo đứa con tinh thần của anh chắc cũng không vui. Có lẽ hiểu ý, cô nhân viên nhà xuất bản nói như phân trần: “Luật xuất bản buộc phải in giá bán lên bìa bốn. Sau khi cán màng rồi mới phát hiện còn sót giá bìa, bọn em đành phải in lụa chồng lên…”
Sách ra được hơn nửa năm, có người nơi xa viết thư nhờ anh gởi về cho một cuốn, vì ở chỗ họ không thấy bán. Trong nhà đã hết sách, anh bèn ra cửa hàng tìm, và chưng hửng khi thấy sách được in nối bản từ thuở nào, nhưng ngày nộp lưu chiểu trên trang thủ tục cuối sách vẫn y chang như lần in trước. Anh phát hiện được chẳng qua nhờ thấy trên bìa bốn giá tiền được in offset đỏ chót, sắc sảo chứ không phải màu đen nhòe nhoẹt của lần in lụa.
Khi tiếp anh như đã hẹn, ông giám đốc nhà xuất bản rất nhã nhặn mà vẫn quả quyết cam đoan rằng ở chỗ của ông không bao giờ cho phép bất kỳ ai làm ăn gian dối, và hơn thế nữa còn phải biết đối xử với người cầm bút cho đúng mực văn hóa. Anh đành phải trưng hai bản in để ông thấy anh không nói ngoa. Mặt liền đỏ gay, ông mau mắn xin lỗi là lính tráng của ông làm ăn tắc trách, không kịp báo tin cho anh đến nhận nhuận bút và sách biếu của lần tái bản. Ông hứa sẽ bảo họ lập tức sửa sai và mời anh trở lại vào đầu tuần sau. Rồi ông tiễn anh ra cửa.
Anh chưa kịp bước đi thì bỗng giật nảy mình. Sau lưng anh, cánh cửa nhôm của phòng ông giám đốc vừa bị rập mạnh lại, âm thanh vang lên khô khốc, nhói tai. Anh đứng lặng bên ngoài mà buồn, buồn còn hơn cả khi tình cờ biết được sách mình bị âm thầm in lại.
Lủi thủi ra về, anh ngao ngán thầm hỏi: Sao không nhẹ tay khép giùm cánh cửa?
29-9-2006

 

59. Ý HOA NGÀY TẾT

Từ lâu đời, hoa là một phần hầu như không thiếu được trong ngày Tết. Cũng từ xa xưa đã hình thành các làng hoa, để mỗi độ cuối năm lại hẹn nhau phiên chợ hoa xuân. Từ miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long, mượn con nước nhờ đưa về thị tứ, những chuyến thuyền chở chuyên vẻ tươi màu thắm cho đời lúc neo tạm bến bờ, khi nối nhau xuôi chảy, và trường giang đơn điệu tháng ngày bỗng hóa thân làm dòng hương sắc khoe hồng phô lục.
Đem tiền đổi lấy hoa về, phải đâu xa xỉ, mà là một phong cách sinh hoạt, muốn làm đẹp tinh thần. Cảnh nhà dù thanh bạch đến mấy, ít lắm cũng phải có vài cành hoa trên bàn thờ ông bà, tỏ lòng hiếu kính. Dư dật thì sắm sửa ít nhiều chậu hoa tươi bày biện quanh phòng khách, cạnh lối đi... Có hoa, cửa nhà khoác lên dáng vẻ khác hơn ngày thường, không khí mang hơi hướm tết hơn, và nội thất thêm thanh lịch, tao nhã. Không những thế, hoa thắm sắc tươi, tỏa thơm dìu dịu, như trả con người về với một góc thiên nhiên thu nhỏ trong buổi tạm thư nhàn. Rõ ràng hoa là một nhu cầu thẩm mỹ, góp thêm hương vị cuộc sống.
Có người yêu hoa, chưng loại hoa này vì muốn tìm ở tên hoa một liên tưởng, gắn với nguyện vọng hay ước mơ hoài bão của mình. Chơi lan là ưa nếp vương giả, đài các. Nâng cánh phù dung là mộng cảnh vinh hoa, cầu hưởng phúc lộc; chẳng khác chi khóm mẫu đơn hàm nghĩa phú quý, danh giá. Cúc và sen mang ý lâu dài, trường cữu. Vạn thọ hay đào là khát vọng sống lâu cùng tuế nguyệt. Năm cánh mai vàng hay giò thủy tiên trắng nuột là biểu tượng cho may mắn, phúc lành. Còn hoa bách hợp là mong mỏi chút con trai cho vui ngày tháng...
Yêu hoa, có người tìm loại này mà hờ hững lảng lơ với bao loài khác. Có thể chỉ vì cốt tìm một sắc thái riêng nơi thảo mộc lá cành, vì trót quyến luyến một làn hương đặc thù gợi nhớ, mà cũng có khi hoa ấy ẩn náu chút kỷ niệm riêng tư, thấy hoa như thấy người xưa thuở trước.
Hoa muôn sắc vạn hương, mà trong tình người hoa cũng trăm nghĩa ngàn ý kín đáo vậy.
Tháng 12-2000

 

60. ZICUDO

Anh có tật gặp sách báo nào cũng muốn liếc qua, hễ thích thì đọc miết. Thuở mới quen, thấy anh cứ mải đọc mảnh giấy gói mà quên nhai bánh mì, chị cười gọi trêu là chàng Zicudo – gì cũng đọc.
Chung sống bên nhau đủ cả nếp tẻ rồi, chị phát hiện thêm Zicudo còn tạo ra tác dụng phụ. Số là anh mua thường xuyên ba tờ tuần báo: hai tờ báo đời phát hành Thứ Bảy, Chủ Nhật; thêm tờ báo đạo ra ngày Thứ Sáu. Báo đọc xong người ta thường bỏ đi, nếu gom góp cũng chỉ để cân ve chai. Riêng anh cứ tỉ mẩn xếp đủ số theo thứ tự, hết ba tháng lại cột thành từng chồng riêng biệt rồi mang đi đóng bộ. Quý nào mấy bố con đọc báo xong lỡ làm thất lạc, anh lại ghé mấy sạp báo cũ gần nhà nhờ tìm giúp số bị thiếu. Để bổ sung cho đủ, đôi khi anh phải tới tận tòa soạn mới giải quyết được.
Nghĩ mà coi, các tuần báo xuýt xoát khổ A4, mỗi quý ba bộ, mỗi bộ dày chừng ba phân. Mỗi năm lưu trữ cả ba tuần báo được mười hai bộ, dày khoảng ba tấc rưỡi. Và hơn hai mươi năm qua cứ đều đặn như thế. Các tập báo đóng bộ nằm oằn trĩu kệ, san sát nhau dài đến sáu, bảy mét. Hiếm khi thấy anh lục báo cũ đọc lại, nhưng cứ cần mẫn giữ đủ bộ như thế. Chị bèn bổ sung một nghĩa mới cho Zicudo – gì cũng đóng (bộ).


Cháu gái chị học ngành báo chí, đang chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp. Chẳng biết cô sinh viên ấy viết đề tài gì nhưng khi anh cho phép tùy nghi khai thác mấy mét báo đóng bộ thì mặt cô hớn hở y như vừa rút thăm trúng được quà khuyến mãi.
Một hôm cô cháu bày tỏ lòng chân thành cảm ơn hai bác giúp đỡ tài liệu nghiên cứu. Chị suýt phì cười khi thấy anh nghiêm nghị bảo: “Lẽ ra bác mới là người cảm ơn cháu. Nhờ cháu mà bác gái thấy Zicudo cũng có ích cho người khác.”

10-5-2006

7 QUÀ PHÚ LỄ (MỎNG MẢNH TƠ TRỜI)

41. QUÀ PHÚ LỄ
Mở cửa mời cậu học trò lạ hoắc vào phòng khách, anh cố vận dụng ký ức nhưng không nhớ nổi gương mặt sáng sủa này. Nó phảng phất nét chất phác của nông dân miền Tây mà thỉnh thoảng anh bắt gặp trong lớp luyện thi đại học mở tại nhà. Một lớp nhỏ, dạy cho khỏi nhớ nghề kể từ nghỉ hưu. Anh đoán, chắc ai giới thiệu, cậu tìm tới xin thọ giáo cho mùa thi sau, vì kỳ thi năm nay kết thúc lâu rồi.
Nhưng anh biết ngay mình lầm. Cậu không phải học trò cũ đã đành mà gặp anh chẳng vì cần luyện thi gì cả. Anh ngạc nhiên khi cậu tự giới thiệu đã đậu đại học, làm sinh viên ở thành phố này hết học kỳ đầu tiên; từ Bến Tre trở lên học lại sau tết, cậu tìm đến tạ ơn thầy.
Ơn gì nhỉ? Anh lặng lẽ mỉm cười chờ giải đáp. Thì ra cậu học trò “nhà quê” năm rồi lên thành phố dự thi. Tá túc gia đình ông chú có con học thêm với anh, cậu chịu khó mượn “cua” của đứa em họ để xem thêm cho biết trong mấy ngày chờ nhập trường ứng thí. Nào ngờ đề ra thi ngẫu nhiên khớp với một bài ôn luyện của anh.
Tiễn cậu về rồi, anh nâng niu bình rượu Phú Lễ trên tay, chưa nhấp thử chút men đặc sản danh tiếng huyện Ba Tri mà đã thấy lòng lâng lâng khoan khoái. Văng vẳng bên tai anh vẫn còn nghe lời lẽ đôn hậu: “Con không học trực tiếp với thầy, nhưng cũng đã thọ ơn thầy. Món quà nhỏ mọn, xin thầy vui lòng nhận giùm con.”
16-01-2006

42. SÁCH CỦA TÌNH XƯA


Anh được bác Lê Ngộ Châu tặng Thư Ngỏ Gởi Tuổi Đôi Mươi, in lại theo bản dịch của Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) hơn ba mươi năm về trước. Lần giở từng trang in offset sắc sảo trên giấy trắng mỹ miều, bỗng anh gặp một chú nhỏ thân quen, cũng đang nhẹ nhàng giở ra quyển sách ấy, bìa chỉ kẽ chữ đơn sơ, ruột giấy thô ngả vàng. Vậy mà những hàng chữ in typo cứ dẫn dắt chú say mê, mải miết.
Maurois (1885-1967) viết Thư Ngỏ... tuổi chẵn tám mươi, người dịch đang giữa ngũ tuần, còn chú nhỏ hồi ấy chưa tròn hai mươi, cớ sao cứ chứa chan hòa điệu. Hơn ba mươi năm xa anh, chú thoắt quay về, vẫn hồn nhiên, tươi trẻ và vụng về, non dại.
Mở một trang, chú chỉ anh đọc: “Từ hồi thiếu niên tôi đã nghĩ rằng đàn bà tặng cho đàn ông được những thú vui mãnh liệt nhất. Tuổi đó tôi thích những phút đầu lưu luyến, những cuộc gặp gỡ, những lần tiếp xúc nhau, những âu yếm đầu tiên tặng cho nhau, thích những cái vuốt ve e lệ mà tự nhiên. Bạn đừng nên vì nhút nhát hoặc thận trọng mà tự cấm mình được hưởng những kỷ niệm đó. Nó đẹp nhất đời đấy. Tới tuổi già, nhớ lại mà còn thấy bâng khuâng trong lòng. Ai không được biết những khúc xuân tình thì sẽ thiệt thòi và tiếc hoài suốt đời.”
Hình như chú nói khẽ: Ông Maurois sành điệu quá đỗi. Bọn thiếu niên tụi mình có được ai chỉ dạy thú vị như thế đâu. Anh đáp: Ừ, ừ... bọn mình chim non chực rời tổ, lòng phân vân, dạ ngập ngừng...
Ôi, chú nhỏ! Sao gợi chi những xôn xao một thời thanh thiếu? Anh nhớ chú nhỏ đáng yêu những buổi sáng ở Bà Chiểu cắp sách đến trường, bụng trống mà vẫn vui lòng dành tiền để cuối tuần đeo xe buýt ra Sài Gòn, la cà ở nhà sách Khai Trí suốt buổi, dù chỉ đủ tiền mua một cuốn mỏng. Anh nhớ tủ sách nhỏ do chú tạo lập lần lần bằng cách ấy suốt mấy năm trung học, nhớ niềm hạnh phúc giản đơn khi chú đọc được trang sách tốt chỉ lối vào đời, bù đắp cho sách vở nhà trường thiếu sót, gia đình bất cập.
06-11-2000

43. TẤM BƯU THIẾP
Tìm kiếm sử liệu Nam Kỳ thời thuộc Pháp, anh tình cờ truy ra được tấm bưu thiếp xưa in hình một quan võ. COCHINCHINE / SAIGON – Amiral Rigault de Genouilly. Hai dòng chữ Pháp màu đỏ in trên đầu tấm thiếp ảnh đen trắng giúp anh dễ dàng nhận ra ngay là tượng ai, để rồi không khỏi vẩn vơ nghĩ ngợi.


Đầu tháng 2 năm 1859 Thủy Sư Đề Đốc Charles Rigault de Genouilly (1807-1873) chỉ huy hải quân Pháp đánh thành Sài Gòn, do vua Minh Mạng cho xây hai mươi ba năm trước. Tàu chiến giặc thả neo tại đoạn sông mà nay thuộc về phạm vi công trường Mê Linh, quận 1. Ngày 17 Pháp tấn công và hôm sau đoạt thành. Có lẽ sợ quân Nam chiếm lại, ngày 08-3-1859 Genouilly cho đặt ba mươi lăm ổ cốt mìn phá thành tan nát và còn sai đốt bỏ kho lúa dự trữ của triều đình đủ nuôi từ sáu đến tám ngàn miệng ăn trong vòng một năm. Đầu năm 1862 lửa tro ở kho lúa cũ vẫn còn âm ỉ.
Chỗ quân Genouilly đổ bộ, về sau người Pháp làm công trường, đặt tên là Place Rigault de Genouilly, còn dựng tượng đồng to lớn để ghi thành tích tay Đề Đốc ấy. Phản kháng kẻ xâm lược, người Sài Gòn xưa quen gọi xách mé nơi đó là “Một Hình”, lại đồn đãi rằng trong những đêm mưa bão, hồn y trở về đứng trên bờ gọi đò sang sông. Ngụ ý đền tội chưa xong, nên chưa siêu rỗi. Mãi đến mùa Thu năm 1945, người Sài Gòn mới có thể hè nhau giật đổ tượng đồng, rồi đem nấu chảy để đúc vỏ đạn góp công giết giặc.
Á Đông xưa dường như chỉ biết tô đắp tượng để phụng thờ trong chốn đền chùa, sùng bái nơi miếu mạo. Du nhập văn minh phương Tây rồi mới bắt đầu có tục tạc tượng điểm tô nơi công cộng. Nhưng lịch sử vốn là dòng chảy với biết bao thể chế thay nhau, và trên cõi thế gian lắm nỗi cồn dâu xanh biển cũng vì thế mà từng có không ít pho tượng ngạo nghễ được dựng lên trong giai đoạn này để rồi lại đành chịu mất đi trong giai đoạn khác. Pho tượng Genouilly mọc ra chỉ do sự đắc chí của những kẻ thống trị được thời được thế chứ phải đâu hình thành từ trong lòng kính ngưỡng nhớ ơn của dân Nam thuở trước. Chẳng hề đặt trên tấm bệ kiên cố là nhân tâm thì làm sao “Một Hình” có thể trường tồn, làm sao tránh khỏi tiêu vong chỉ sau một cơn gió bụi.
23-3-2007

44. TẤM VÉ SỐ
Hồi ấy anh mới học lớp Ba, chuẩn bị mừng sinh nhật của chú. Người lớn hỏi đứa trẻ đã có món quà gì biếu chú chưa. Nó hỏi lại: “Biếu gì cũng được, phải không? Vậy con sẽ biếu rất nhiều tiền.” Mọi người cười ồ, ngạc nhiên. Nhưng chẳng ai gặng hỏi món tiền sẽ là bao nhiêu, lấy đâu ra mà có rất nhiều tiền.
Đó là những năm 60 của thế kỷ trước. Mỗi chiều Thứ Ba hàng tuần hầu như nhà nào có radio cũng mở nghe đài Sài Gòn trực tiếp truyền thanh buổi xổ số kiến thiết. Không mua vé số cũng mở vì thích nghe bài hát dùng làm nhạc hiệu cho chương trình do Trần Văn Trạch (1924-1994) soạn và đích thân biểu diễn. Mấy mươi năm sau này, dẫu màu thời gian đã phôi pha mái tóc, anh vẫn không thể quên được giọng ca của quái kiệt họ Trần vừa khỏe khoắn, vừa vui tươi rộn ràng như thôi thúc người ta hăng hái đi mua vé số: Kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta, xây đắp muôn người được nên cửa nhà. Tô điểm giang san qua bao lầm than, ta thề kiến thiết trong giấc mộng vàng. Triệu phú đến nơi, chỉ mười đồng thôi, mua lấy xe nhà, giàu sang mấy hồi. Mua số quốc gia, giúp đồng bào ta, ấy là thiên chức của người Việt Nam. Mua số mau lên. Xổ số gần đến. Mua số mau lên. Xổ số gần đến.”
Vâng, chỉ mười đồng thôi nhưng với đứa trẻ bấy giờ là rất lớn. Đi học, má cho năm cắc dằn túi, giờ ra chơi ăn vặt với chúng bạn, thế là sang cả lắm rồi. Ngày tết được hai, ba đồng lì xì trong bụng chẳng khỏi mừng rơn. Triệu phú là bao nhiêu đứa trẻ không hình dung nổi, chỉ cảm nhận phải là to tát dữ lắm. Thế nên, moi heo đất, nó lấy đủ mười đồng…
Giờ đây anh đang ngồi bên giường chú, xót xa nhìn gương mặt khắc khổ của nhà thơ tài hoa thanh bạch. Những sợi tóc trên đầu chú đã trôi đi hết sau vài đợt hóa trị rồi xạ trị. Nhưng cả anh và chú đều ngầm biết rằng từ lúc này trị liệu pháp đó sẽ không còn cần thiết nữa. Cái ý nghĩ ấy khiến lòng anh quặn thắt, mím chặt môi cố nén cơn xúc động chực vỡ òa.
Chú nhìn anh, thoáng nụ cười héo hắt rồi nhờ anh lấy giúp cái bóp. Chú lẳng lặng trao cho anh cái phong bì cũ kỹ moi ra từ một ngăn nào đó. “Con chúc chú làm triệu phú.” Nét chữ mực tím vụng dại rõ là của đứa trẻ ngày xưa. Anh mở phong bì, tờ vé số vẫn còn lành lặn sau mấy mươi năm nhờ lớp plastic ép bên ngoài bảo vệ.
Khi anh giơ tấm vé số lên, cả hai chú cháu cùng cười, ràn rụa nước mắt.
31-7-2007

45. THĂM MÁ
Hai ba ngày liền, mấy trận mưa lớn xen kẽ vài cơn mưa nhỏ lắt nhắt đã tạm đẩy lùi cái nóng ngột ngạt đầu hè, nhưng lại khoác cho bầu trời vẻ ủ ê, và tẩm cho không khí trong nhà chút ẩm ướt. Thời tiết này, người lớn tuổi hay khó ở. Cầm điện thoại, ngần ngừ một lúc rồi anh gác máy. Không phải ngày cuối tuần, về thăm mà chẳng báo trước, chắc má mừng. Và anh dắt xe ra cổng.
Lệ thường, nghe còi xe thế nào má cũng ra bên cửa. Nhưng lần này chỉ có chú em. “Má đâu?” Anh hỏi, không giấu vẻ lo lắng.
“Sáng giờ má cứ bận rộn trong phòng. Anh lên lầu thì biết.” Giọng nói tự nhiên của chú em làm anh nhẹ nhõm.
Quả là má bận rộn. Trên chiếc giường rộng, má ngồi gọn một góc, chung quanh la liệt những quần những áo mới tinh, trắng muốt. Có cái đã xếp ngay ngắn và chồng thành từng xấp, có cái đang trải rộng trên mặt chiếu hoa, và những nếp gấp hằn khá rõ trên nền vải nõn nà. Ắt là đã xếp chồng chất lên nhau lâu ngày trong ngăn tủ. Anh tự hỏi má sắm và để dành lúc nào mà nhiều thế.
Anh ngồi ghé vào cạnh giường, nghe má chậm rãi giải thích: “Mấy hôm mưa suốt, e chỗ quần áo này không khỏi ẩm mốc, nhân lúc trong người cũng khỏe, nên má soạn ra hết để kiểm tra từng cái.”
Chỉ vào một chồng, má nói khẽ: “Cái này phần ba con.” Lại chỉ vào chồng khác: “Cái này phần má. Má sẽ cho vào hai bọc ny-lông riêng rẽ. Mỗi bọc có viết sẵn miếng giấy. Chừng nào ba má trăm tuổi, các con khỏi lóng cóng.”
Anh nhích tới gần má, nắm hai bàn tay nhăn nheo giữ chặt trong tay mình, như muốn chặn nỗi nghẹn ngào bất chợt. Nhìn kỹ nét mặt phúc hậu của má, nghĩ tới một đời má ăn hiền ở lành, thà thiệt thòi cho mình chứ không tranh hơn cùng người khác, anh nhận ra vẻ thanh thản bình an trong ánh mắt và giọng nói của má khi nhắc tới cái lúc bước qua cánh cửa mở vào vĩnh cửu.
Nhìn má cẩn thận gói ghém lại phần hành trang dự bị cho ngày định mệnh, một luồng hơi lạnh bỗng chạy dọc theo sống lưng, và anh thấy cay cay ở mắt.
30-5-2003

46. THƯ PHÁP VÀ NHÂN CÁCH
Thư pháp là cách viết chữ đẹp, mọi dân tộc đã có chữ viết đều có thể tạo ra thư pháp cho mình. Mỗi nhà thư pháp đều có bút pháp riêng: gân cốt, khí lực, uyển chuyển, cân xứng (quân chỉnh), v.v... Có cần phải biết khá nhiều lý thuyết và kỹ thuật của các nhà rồi mới đủ sức cảm nhận cái đẹp của thư pháp không? Cái đẹp tự nó là đẹp, được cảm thụ trực tiếp và tự nhiên, há phải đợi những biện giải chi li với rườm rà phân tích.
Người viết từ chỗ xuất kỳ bất ý mà để lại đời nét mực thần, đường bút thánh. Người thưởng ngoạn nên vô tâm hầu lĩnh hội tài hoa. Trước bức thư pháp, hãy buông xả định kiến và dư luận; tự lòng ta thấy nó đẹp và thực sự thích thú, thế là đủ lắm rồi, ai kia khác ý thì cũng mặc tình.
Nét chữ thể hiện nết người. Rèn thư pháp là rèn nhân cách. Luyện thư pháp có thể tu thân, dưỡng tánh, trui luyện tâm tình. Người Hoa tôn thư pháp lên thành Đạo: Thư pháp giả, Đạo dã. Dân Phù Tang cũng gọi thư pháp là Thư Đạo (Shodo).
Người khổ luyện thư pháp dùng cái đẹp của chữ và mực để rèn giũa tâm hồn đã đành, mà người chơi thư pháp cũng có thể mượn nét bút tài hoa của người khác để trau tria tinh thần. Chữ Hán, chữ Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh chi chi chăng nữa đâu hề ngăn ngại, miễn thực tâm thích cái đẹp của tấm chữ để rồi treo nơi nào mình hay chạm mắt tới. Ngày ngày ra vào thấy chữ, ngắm nghía trầm ngâm, ngẫm nghĩ răn lòng…
Giữa buổi lừa lọc, xa hoa, có người treo chữ Tín, chữ Kiệm. Đang chức quyền mà biết giữ cái tâm thì treo Quan nhất thời, dân vạn đại. Hai chữ Tích thời treo chỗ học hành hay nơi làm việc, là tự răn mình quý tiếc ngày giờ, chớ lãng phí thời gian. Một chữ Nhẫn tung hoành trên giấy hàm súc biết bao nỗi niềm hối ngộ của kẻ tánh nóng đang gắng tập kềm thúc lửa sân lòng giận.
Lấy chữ làm tranh, mượn cái đẹp ngoại vật làm phương tiện trau giồi cho thành cái đẹp nội tâm, ấy là một cách học làm Người. Thư pháp và nhân cách, hai cái đẹp này hóa ra nhiều lẽ tương quan lắm vậy.
28-6-2001

47. TIỆC CƯỚI
Cưới vợ cho con, sau khi gởi thiệp, bạn còn chu đáo gọi điện: “Ráng đi nghe! Không mời nhiều đâu, toàn chỗ chí thiết. Sẽ khai mạc đúng giờ, không bắt bà con dài cổ chờ lâu cả tiếng như mấy đám khác.”
Bạn thật tâm lý. Quả tình anh rất ngại đi đám cưới. Thiệp mời ghi sáu giờ mà thường hơn bảy giờ mới thấy lễ cưới có vẻ rục rịch chuyển động. Cho nên mỗi lần nghe nhà trai hay nhà gái xướng lớn ở micro, rằng xin chân thành cảm tạ thân bằng quyến thuộc hai họ đã “nhín chút thời giờ vàng ngọc” đến chung vui, thì anh không khỏi nhăn mặt và nói với mấy người ngồi cùng bàn: “Sai bét! Phải nói tốn quá nhiều thời giờ chứ!”
Đó là một đám cưới ấn tượng, đúng như lời bạn dặn dò qua điện thoại. Anh thích nhất việc bạn cương quyết dẹp luôn vụ đàn ca chát chúa, inh tai nhức óc, thay thế bằng nhạc nhẹ, du dương dìu dặt, nghe văng vẳng như đưa về từ chốn xa xăm. Giãi bày sự kiện quá khác thiên hạ này, trong phần nghi thức khai mạc, bạn nói rằng thân hữu vốn ít khi gặp nhau, chi bằng mượn tiệc cưới làm cơ hội hàn huyên, mà để nhạc ồn ào thì chả ai còn hứng thú chuyện trò nữa, vì cứ phải lớn tiếng để át giọng mấy cái loa khuếch đại ầm ĩ.
Thế là rào rào tiếng vỗ tay tán thưởng. Hôm ấy, cơ hồ ai cũng vui sướng với nỗi khoan khoái nhẹ nhàng khi được ngồi cạnh nhau rủ rỉ chuyện trò trong khung cảnh sang trọng, không khí ấm cúng, thức ăn đẹp và ngon, rượu bia tùy hỷ, và không phải chốc chốc lại nghe ở một bàn nào đó có tiếng gào lên “dzô dzô” rất chướng.
Khi vợ chồng bạn đưa con và dâu đến chào các bác các chú cho đúng thủ tục, một người bèn nói vui: “Ông nhà thơ này quả tình có bản sắc văn hóa hơn ai hết. Chưa bao giờ tụi này dự một đám cưới thú vị như vầy.”
Cả bàn cười xòa, vỗ tay lốp bốp. Bạn cũng cười, đôi mắt dường như hấp háy sau hai tròng kính dày cộp: “Thiệt hả? Vậy thì mấy ông hãy phát huy sáng kiến của tôi. Không giữ bản quyền.”
Giơ ngón tay chỉ vào con trai, bạn nói tiếp: “Ban đầu nó đâu chịu kiểu này. Nhưng tôi thương lượng với nó, rằng mày cưới vợ thì thân mày sướng lắm rồi, còn đám cưới thì phải cho mấy bác mấy chú mày sướng với tao chớ!”
30-01-2007

48. TIẾNG MẸ BUỒN ƠI
Nhiều năm nay, càng ngày báo, đài càng lạm dụng tiếng Anh ở mức phổ biến đến ngán ngẩm. Chẳng hạn, một tuần san đăng bài “Phim cho tuổi teen vẫn là vùng đất trống”. Đưa tin về dịch vụ ngân hàng, phóng viên viết: “Hai sản phẩm ngân hàng đang hot. Đả động đời tư các cầu thủ danh tiếng, báo điện tử nhấn mạnh: “Bên cạnh họ luôn là những cô nàng hot nhất.” Nhắc tới thời trang hàng hiệu, có ký giả viết: “Louis Vuiton sắp mở shop tại Việt Nam”.
Đâu phải chỉ riêng báo chí, bây giờ đi đâu cũng thấy cũng nghe dân Nam sính xài chữ shop trên quá nhiều bảng hiệu và đầu môi chót lưỡi. Dường như tiệm, tiệm buôn, cửa tiệm, cửa hàng… trong tiếng Việt của ông cha để lại là lời lẽ quê mùa, không xứng tầm cỡ con người thời đại. Chả thế, đời nay các cô các cậu tự cho mình là kẻ sành điệu đều không thèm nói đi mua sắm nữa mà nhất quyết phải nói đi shopping cho nó sang. Bởi thói sính ngoại, vọng ngoại nên vô tư lạm dụng tiếng Anh đến nỗi chả hề nghĩ rằng mình đang đánh mất cả lòng tự trọng của một dân tộc vẫn hay tự hào, tự tôn là nghìn năm văn hiến.
Chính báo, đài có trách nhiệm trước tiên về tệ trạng này, vì các biên tập viên thường không sàng lọc, cứ dễ dàng cho qua các bài báo chèn bừa bãi tiếng Anh như nói trên. Thật vậy, thay vì định hướng để xã hội biết trân trọng tiếng Việt, dường như các cơ quan truyền thông đại chúng lại chạy theo thị hiếu pha lẫn tiếng Anh trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của bá tánh.
Báo, đài chệch choạng đã đành, mà nhà trường cũng chả kém. Thay vì giáo dục cho học sinh, sinh viên ý thức rằng lối ăn nói chêm tiếng Anh là kém văn hóa thì chính nhà trường lại làm gương xấu. Từ năm 1996 tới nay, một trường đại học lớn ở thành phố đã nhiều lần tổ chức một cuộc thi mang tên Dynamic - Sinh viên, nhà doanh nghiệp tương lai”. Ôi, phải có chữ Dynamic ấy chèn vô thì nó mới oai chứ!
Và chuyện nhãn tiền là giữa tháng Tư vừa qua, chuẩn bị cho mùa thi đại học gần đến, trong một lần tư vấn trực tuyến do một tờ báo ngày ở thành phố tổ chức, có học sinh hỏi rằng (nguyên văn): Thưa thầy cô, ngành tài chính ngân hàng hiện nay đang rất hot nhưng sau bốn hay năm năm nữa thì ngành này có còn hot nữa hay không, sinh viên ra trường sẽ làm việc ở đâu? Mong thầy cô tư vấn giùm em.”
Nói năng như thế, nghĩ có buồn cho tiếng mẹ hay không?
23-4-2007

49. TÌNH NGƯỜI TÌNH ĐẤT HÀ TIÊN


Là hậu duệ một họ sáu đời định cư tại chốn xa xôi ở tít Tây Nam Tổ Quốc, hầu như phần lớn cuộc đời ông giáo ấy gắn liền với đất nhau rún mà tự tên gọi đã là huyền thoại thơ mộng, gợi tâm trí bay bổng cùng những nàng tiên diễm kiều từ cung trời giáng hạ, múa hát trên một cõi giang hà mơ màng thấm đẫm ánh trăng vàng giữa những đêm thanh tĩnh mịch.
Là người may duyên ngày ngày được say sưa ngắm cảnh mặt trời chiều thủng thỉnh lặn xuống biển tây, được đắm đuối trong những khoảnh khắc giao hòa tuyệt mỹ của thời gian và không gian lung linh kỳ ảo, ông đã mãi tẩm nhuận tâm hồn mình một tình cảm sâu lắng với quê cha đất tổ suốt từ buổi thiếu thời cho tới khi tuổi hạc, khiến cho bao cảnh trí thiên nhiên nơi góc biển không đơn thuần chỉ là sắc màu xinh tươi quyến rũ mà hơn thế, đó chính là những hình tượng cụ thể của hồn thiêng sông núi.
Thế nên hầu như phần lớn đời mình, ông đã chăm chỉ đặt chân đến từng di tích văn hóa, dừng bước ở từng địa danh lịch sử, không phải với cõi lòng nhẹ hẫng của khách nhàn du vui gót phiêu bồng. Trái lại, ông âm thầm nhẫn nại tìm đến từng cái tên gọi của quê nhà với tâm thái của người khắc khoải truy tầm hình bóng, hành vi, lời lẽ, tư tưởng của bao lớp tiền nhân đã mịt mờ cùng thiên cổ.
Một hành trình truy tầm nghiêm cẩn và ý thức. Thật thế, ông miệt mài cùng thư tịch xưa và mới, học hỏi với người trước người nay và phản biện với người nay người trước. Những phản biện được củng cố chứng lý bằng những phen điền dã để ông tiếp cận thực địa, trò chuyện cùng tất cả những ai có thể là chứng nhân, là tư liệu sống. Khác chi nhà khảo cổ, ông nhiệt thành xới lên từng phiến đá rêu phong, vẹt ra từng bụi bờ hoang phế để tìm lại ý nghĩa chân xác, trả lại tên gọi căn cội của đất của nước, của điển của tích, mà quê hương Hà Tiên của ông đã lưu vào văn chương và cuộc sống.
Một trí thức trách nhiệm với ngòi bút, không quản chi những bất tiện tất nhiên của chốn hải giác thiên nhai, trong vòng mười tám năm qua, non bốn mươi nghiên cứu của ông đã đều đặn chuyển tải đến học giới những kết quả suy tư và làm việc thấu đáo, khoa học qua các tạp chí uy tín tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Mặc nhiên ông đã đứng vào hàng ngũ các cây bút địa phương chí vốn không nhiều của đất nước. Yêu mến tâm ông, quý hóa sự nghiệp thầm lặng suốt đời ông cống hiến, từ khá lâu rồi một số tác giả tên tuổi đã trân trọng gọi ông là “nhà Hà Tiên học”.
Vâng, ông đấy. Trương Minh Đạt đấy. Kỷ niệm ba trăm năm trấn Hà Tiên ông kết tập tâm huyết và hoài bão cả đời tận tụy biên khảo thành quyển sách dày trên năm trăm trang với nhan đề Nghiên Cứu Hà Tiên (tạp chí Xưa & Nay và nhà xuất bản Trẻ). Từ Phương Thành, ông gọi điện về Phú Nhuận cho tôi biết tin vui. Giọng nhẹ nhàng, chậm rãi cố hữu.
Sách vừa in xong, dặm trường thiên lý không tiện cho đôi cánh hạc già, ông nhờ bạn đời là nữ sĩ Nguyễn Phước Thị Liên sớm mang đến tôi một bản, và nhắn nhủ sẽ có thêm bản thật đặc biệt nữa. Tôi thầm xấu hổ, chưa biết đáp tạ sao cho cho xứng thâm tình nồng hậu của ông thì vừa qua, người nhà ông lại vâng theo mỹ ý phương xa, mang đến tôi thêm một bản thật đặc biệt đúng như lời nói trước. Sách bìa các-tông, đính dây băng lụa đánh dấu chỗ đọc dở, đặt trong túi giấy trang nhã có quai. Lịch sự quá. Ân cần quá. Ôi, cũng là biết bao tình người tình đất Hà Tiên nặng mang trong đó, Trương lão huynh ơi!
10-9-2008

50. TÌNH ĐẤT TÌNH NGƯỜI TÌNH SÁCH


Cận tết Đinh Dậu tôi nhận được cánh thiếp xuân từ đất Phương Thành. Thiếp viết ngày 12-01-2017, con dấu bưu điện Hà Tiên áp trên bì thư bốn ngày sau đó. Đã lâu tôi quá sơ sót không năng liên lạc mà ông vẫn nhớ. “Năm mới Đinh Dậu 2017 gia đình chúng tôi Trương Minh Đạt và Nguyễn Phước Thị Liên trân trọng kính mừng sức khỏe thầy Huệ Khải. Kính chúc Thầy và quý bửu quyến phúc lộc sung mãn, thân tâm an lạc, viên thành Đạo Hạnh. / Hà Tiên 12-1-2017 / Trương Minh Đạt”
Tôi không khỏi bồi hồi khi nhìn nét chữ khỏe khoắn nhưng hơi gãy khúc trên bì thư và trong lòng cánh thiếp. Có lẽ đó là dấu tích sót lại sau cơn đột quỵ do tai biến mạch máu não hồi cuối tháng 4 năm 2000.
Ngày đầu năm mới, tôi điện thoại về nhà ông để chúc thọ và kỉnh tạ tình cảm nồng hậu của bậc trưởng lão. Chuông đổ hồi lâu mà không người bắt máy. Gọi lại lần nữa cũng thế. Không có số di động của ông nên không nhắn tin gì được, và tôi băn khoăn.
Vài hôm sau, thử gọi lần nữa thì hay quá, có người nhà trả lời. Tôi giữ máy, chờ khá lâu mới nghe giọng ông. Rất chậm rãi, ông xin lỗi đã bắt tôi phải đợi, và giải thích vì ông ở xa điện thoại, tuổi cao, chân yếu nhiều, nên bước đi phải dè dặt.
Sau những lời thăm hỏi nhau, ông nhắc lại bài Tình Người Tình Đất Hà Tiên khi tôi giới thiệu quyển Nghiên Cứu Hà Tiên dày trên năm trăm trang ông xuất bản nhân kỷ niệm ba trăm năm trấn Hà Tiên. Ấy là bài tôi viết cho mục Góc Nhà, đăng trên tuần báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1674 ngày 12-9-2008. Việc tôi làm nhỏ nhoi là thế mà cách ông bày tỏ tình cảm về bài viết cũ khiến tôi lúng túng quá đỗi.
Ông cho biết đã in lại phần lớn nội dung bài giới thiệu ấy trong tập sách mới xuất bản: Nghiên Cứu Hà Tiên: Họ Mạc Với Hà Tiên. Năm nay ông tám mươi mốt tuổi tây. Tôi chạnh lòng khi nghe ông nói rằng coi như đây là quyển sách cuối đời, thế nên vào ngày rằm thượng nguơn (ngày Thiên Quan Tứ Phước, tức 15 tháng Giêng Đinh Dậu) gia đình ông sẽ tổ chức một sự kiện nho nhỏ để ghi dấu tác phẩm này, tức là tập hai nối theo quyển Nghiên Cứu Hà Tiên đã in năm 2008.
Ông giải thích vì sao chưa gởi sách tặng tôi. Nhà in chỉ có thể giao trước một ít quyển bìa mềm cho kịp ngày rằm thượng nguơn. Ông lại có mỹ ý dành tặng tôi bản bìa các-tông, giống như hồi năm 2008 với tập một cũng bìa các-tông, thế nên phải đợi. Rồi trung tuần tháng 3 vừa qua, sách từ Phương Thành đã tới Bà Chiểu. Dày gần bốn trăm trang suýt soát khổ B5.
Thuở sinh tiền, thầy Nguyễn Hiến Lê có lần bảo tôi, hễ được văn hữu tặng sách hay, thầy luôn viết một bài điểm sách gởi đăng tạp san, tạp chí để đáp lại tấm lòng tác giả. Ngưỡng mộ thầy Lộc Đình, tập noi theo đức tính ấy nên trước đây, trong khoảng mười năm, tôi hay viết một số bài ngăn ngắn giới thiệu sách mỗi khi được tặng. Nhưng khoảng mười năm nay, vì lý do này lý do khác, tôi ngưng không viết như thế nữa. Lần này, tấm lòng của Trương lão huynh phương xa khiến tôi…
Ông cẩn thận, chu đáo, minh bạch trong từng kẽ tóc chân tơ khi khảo cứu về cõi đất thân yêu ở miền Tây Nam Tổ Quốc. Giọng văn nhã đạm, ôn nhu y như cách ông trò chuyện. Ba chương sách, hai mươi đề mục trong Nghiên Cứu Hà Tiên: Họ Mạc Với Hà Tiên một lần nữa chứng minh những đức tính ấy. Vậy mà khi cần thiết, ông cũng đủ cứng rắn để phủ định một vụ “lộng giả thành chân” lồng ghép những ngụy tạo lịch sử gắn với niềm tin mang màu sắc một tín ngưỡng ở địa phương (tr. 216-234). Điều đó cho thấy ông yêu quê hương của ông lắm, không thể chấp nhận những thêu dệt vẽ vời cho vùng đất vốn đã sẵn phong phú tích hay sự lạ còn chép ghi đầy trong sử sách.
Qua hai mươi đề mục của tập Họ Mạc Với Hà Tiên, ông dẫn dắt chúng ta về gặp lại người xưa, những tên tuổi gắn liền với lịch sử Hà Tiên (Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Mạc Mi Cô, Mạc Công Du…), thăm lại những địa danh tao nhã khiến Hà Tiên như lung linh huyền ảo (Bình San, Châu Nham, Đông Hồ, Kim Dự, Lư Khê, Phù Dung, Tao Đàn Chiêu Anh Các, Tô Châu, v.v…).
Thú vị nhất có lẽ là đề mục mở đầu, bàn về tên gọi Hà Tiên (tr. 13-30). Một cách đơn giản, phần đông chúng ta từ lâu vốn quen với giải thích rằng Hà Tiên nghĩa là tiên hiện trên sông. Nhưng ngày nay Trương quân mở ra một hướng giải thích khác, thi vị hơn. Theo ông, hai chữ Hà Tiên mà khi xưa họ Mạc chọn lựa để đặt tên cho vùng đất họ dày công khai phá bắt nguồn sâu xa từ tấm lòng tha hương nhớ thương cố quán của họ Mạc. Tình hoài hương ấy đã hòa điệu với bài thơ Trường Hận Ca nổi tiếng của Bạch Cư Dị (772-846) đời Đường, cụ thể là đoạn tả “cảnh tiên ngoài biển”:
Hốt văn hải thượng hữu tiên sơn
Sơn tại hư vô phiếu diểu gian
Lâu các linh lung ngũ vân khởi
Kỳ trung xước ước đa tiên tử
Bản dịch của nhà thơ NGYM trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy (tháng 5-1949):
Chợt nghe ngoài biển xa xa
Lửng lơ có ngọn núi là non tiên
Lầu các ngọc mây liền năm vẻ
Lũ tiên nga thỏ thẻ dịu dàng ...
Dĩ nhiên không chỉ là bốn câu vần điệu mỹ miều danh tiếng dẫn trên, ông Trương còn nhiều lý lẽ khác thuyết phục chúng ta. Tuy nhiên, tạm đơn cử như thế để chia sẻ ý tưởng rằng tập sách của ông dẫu có thể xếp vào loại địa phương chí, nhưng nó không khô khan chút nào như phần nhiều sách cùng thể loại. Nói cách khác, qua Nghiên Cứu Hà Tiên: Họ Mạc Với Hà Tiên, chúng ta không đến với quê hương ông như ghé chân vào một miếng đất vô hồn; trái lại, ta bước vào một cõi sơn hà mà một ngọn cỏ, một nhánh lá, một dòng khe, một hòn đá cũng bàng bạc thi vị, cũng u ảo lung linh...
Viết được như thế, không thể chỉ đơn thuần là nhà khảo cứu, mà còn phải có tâm hồn nghệ sĩ, với một tình yêu quê hương đằm thắm. Vâng, tình yêu đó, tâm hồn đó chúng ta có thể cảm nhận qua từng trang sách, qua những câu chữ của một cây bút vừa ngoại bát tuần: Trương Minh Đạt.

03-4-2017