Thứ Tư, 27 tháng 12, 2023

TÁT BỂ ĐÔNG

 


TÁT BỂ ĐÔNG

Huệ Khải

Sách Luận Ngữ (12:24) của đạo Nho chép lời một cao đồ của Đức Khổng là thầy Tăng Sâm, có bốn chữ tôi hay nhớ tới mỗi khi gặp gỡ hay có thêm bạn mới nhờ cái duyên văn tự dun rủi, đó là: “Dĩ văn hội hữu” 以文會友 (Lấy văn chương họp bạn).

Tôi kết giao với ông Vũ Đình Đường quả y như lời Tăng Tử. Về tuổi, ông sinh trước tôi hơn nửa giáp, và chúng tôi trở thành văn hữu thông qua nhịp cầu nối là tờ báo Công Giáo Và Dân Tộc mà tôi cộng tác đã gần một phần tư thế kỷ.

Những năm qua, ông Vũ thỉnh thoảng gởi tặng vợ chồng tôi mấy món quà lưu niệm xinh xắn, vài quản bút, dăm gói bánh kẹo thơm ngon, hay quyển sách dày dặn ông chăm chút biên soạn. Tôi cảm nhận rõ trong đó gởi gắm tình cảm đằm thắm của ông và của hiền nội ông, vì lúc nào lời đề tặng kèm theo cũng ghi đầy đủ hai phương danh Vũ-Đỗ.

Gần cuối năm 2023, ông ghé nhà tặng vợ chồng chúng tôi bộ sách hai tập, bìa cứng, nhan đề: Từ Mừng Kim Khánh Hôn Nhân Đến Nửa Thế Kỷ Cầm Bút (Nxb Đồng Nai). Nhan đề này như một tóm tắt toàn bộ dày hơn 550 trang sách in mỹ miều.

Thật vậy, ngoài lời giới thiệu (hay cảm nghĩ) ân cần của năm vị linh mục, bộ sách gồm hai phần chính: (a) Những cột mốc (milestones) suốt dặm dài năm mươi năm đời sống hôn nhân hạnh phúc, và (b) năm mươi năm viết báo (với bảy mươi tám bài viết đã đăng trong các loại báo, nay kết tập lại).

Thông thường vào những dịp kỷ niệm kim khánh như thế này, xưa nay cũng như ở nhiều nước, vẫn có tập quán (hay truyền thống) tổ chức bữa tiệc chung vui, để thân bằng cùng họp mặt chúc mừng cho nhau. Tuy nhiên, hai ông bà Vũ-Đỗ lại chọn làm sách, như “kỷ yếu kim khánh” của một đời người chắp cánh uyên ương thì âu cũng là việc khá hy hữu.

Nhà Nho đông phương từ xa xưa vốn có quan niệm là “nhập thế tục bất khả vô văn tự” 入世俗不可無文字 (Sanh ra đời không thể không có chữ nghĩa); thế nên thuở trước, bất kể giấy mực, bút viết là thứ trân bảo, sắm sửa khá tốn nhiều tiền, nhưng đã là nhà Nho thì không thể không sáng tác, hầu lưu lại con chữ cho đời (hay cho riêng gia tộc), và nhà Nho mặc nhiên xem đấy là một cách lưu danh hậu thế vậy, là để “bất hủ” 不朽 (lasting forever; eternal) vậy.

Cây bút Công Giáo Vinh Sơn Vũ Đình Đường nào có khác chi các nhà Nho xa xưa ấy. Giở từng trang bộ sách, dò theo các trang dài mục lục, tôi nghĩ rằng để viết được ngần ấy bài báo trong nửa thế kỷ, và để kết tập nên bộ “kỷ yếu kim khánh” dày dặn thế này, ông Vũ hiển nhiên đã và đang có bên cạnh ông một nửa hoàn hảo” để cùng nhau kết chặt “dải đồng”. Mà được như thế thì bể Đông tát cũng cạn, phải không nhỉ?

Nhiêu Lộc, 29-12-2023

Huệ Khải

Tuần báo CGvDT số 2425 (tuần lễ từ 29-12 đến 04-01-2024)

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2023

DỂ DUÔI

 

CHỮ VÀ NGHĨA: DỂ DUÔI

HUỆ KHẢI

1. Giáo Sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660) soạn Phép Giảng Tám Ngày, song ngữ Latin và tiếng Việt đối chiếu (chia làm hai cột), xuất bản tại Rô-ma, nước Ý năm 1651. Trong “Ngày thứ bốn” (trang 127), Giáo Sĩ Đắc Lộ viết: “Vì chưng ta thấy nhều [nhiều] người lành nên thánh, khó khan [khăn], chịu khốn, chịu khó, [bị] người ta dể duôi cho đến già cả” ... (xem ảnh đính kèm).

Vậy, đây chính là cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam đã ghi nhận hai chữ dể duôi” (dấu hỏi).


2.
Cuốn tự vị (tự điển) Việt-Pháp đầu tiên (?) ghi nhận và giải thích hai chữ “dể duôi” là của giáo sĩ J.M.J., nhan đề Tự Vị An Nam – Pha Lang Sa. Dictionnaire annamite-français (Tân Định: Imprimerie de la Mission, 1877). Thật vậy, ở trang 191 (xem ảnh đính kèm), giảng nghĩa như sau:

DỂ. Mépriser, A. duôi, ngươi, Khinh . Mépriser, faire peu de cas de . . ., mésestimer, A.

Nghĩa là:

DỂ. Khinh miệt, coi thường, động từ chủ động (verbe actif). [Thí dụ:] Dể duôi, Dể ngươi, Khinh dể. Khinh miệt, coi thường, đánh giá thấp, động từ chủ động.


3. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome I (Sài Gòn: Imprimerie Rey, Curiol & Cie., 1895), của Huình Tịnh Paulus Của (và một nhóm cộng tác viên), là cuốn tự vị tiếng Việt đầu tiên do người Việt biên soạn.

Ở trang 228, Paulus Của ghi nhận mục từ Dể và mượn chữ (dị) nghĩa là dễ dàng để làm chữ nôm. Ông giảng “Dể” là “Khi bc, không coi ai ra cái gì.” Ông cho thêm ba từ đồng nghĩa: “Dể duôi; Dể ngươi; Khinh dể”.

4. Chưa thấy từ điển nào ghi nhận riêng lẻ chữ “duôi” như một mục từ, ngoại trừ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome I.

Ở trang 251, để ghi chữ nôm cho “duôi”, Paulus Của mượn chữ (duy) nghĩa là chỉ có, và giảng như sau:

Duôi. [chữ nôm] Doi theo, dõi theo.

Duôi theo. id. [như trên]

Duôi duôi. Qua vậy, dừa theo. [Thí dụ:] Thầy nói duôi duôi, nó không sợ.

Dể duôi. Khinh dể.

Ghi chú: Ở trang 247, Paulus Của giảng “dừa theo” là “nương theo; thuận theo; coi tình ý mà theo”. Như thế, ông ghi sai chánh tả; lẽ ra là “vừa”, không phải “dừa”.

5. Paulus Của mượn hai chữ Nho để ghi chữ nôm “dể duôi” thì đúng y như Nguyễn Trãi (1380-1442). Thật vậy, Ức Trai Nguyễn Trãi sáng tác “Bảo Kính Cảnh Giới” 寶鏡警戒 (Gương Báu Răn Mình) gồm sáu mươi mốt bài thơ chữ nôm thất ngôn bát cú; trong đó, câu 5 của bài 53 viết là: “Bạn tác dể duôi đà phải chịu.” 伴索易唯它沛召 (Đã phải chịu sự coi thường của bạn cùng trang lứa.) Ở đây, Ức Trai mượn hai chữ Nho 易唯 (dị duy) để ghi chữ nôm “dể duôi”; trong đó, “dị” là dễ, dễ dãi, dễ dàng (dấu ngã); “duy” là chỉ, như “duy nhất” 唯一 (chỉ có một).

6. Tóm lại, “dể duôi” (dấu hỏi) có nghĩa là khinh thường, coi thường, coi rẻ, không xem là quan trọng; đồng nghĩa với “dể ngươi”. Thí dụ:

Chỉ vì một phút dể duôi mà trọn đời ân hận.

Phải tôn kính Trời Phật, Thánh Thần; chớ có dể duôi. (Cũng nói: Chớ có dể ngươi.)

Người tu hành không được dể duôi giới luật.

Kinh Sám Hối (444 câu thơ song thất lục bát) của Minh Lý Đạo có dùng hai chữ “dể duôi”:

Câu 105-106: Chớ lầm tưởng trong hang vắng tiếng / Mà dể duôi sanh biến lăng loàn.

Câu 115-116: Cợt người ra dạ dể duôi / Sanh điều chích mích, đâu nguôi dạ hờn.

7. Trên đây là hai chữ “dể duôi” (dấu hỏi).

Ngoài ra còn có hai chữ “dễ duôi” (dấu ngã) chưa hề được từ điển tiếng Việt nào ghi nhận. Tuy nhiên các sư tăng Nam Tông, cũng gọi Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravāda) vẫn thường nói tới “dễ duôi” trong các bài thuyết giảng giáo lý.

Tham khảo một số bài giảng của quý sư Nam Tông, có thể tạm ghi nhận ba ý nghĩa thông dụng của “dễ duôi” như sau:

7.1. Dễ duôi là giải đãi, lười biếng, biếng nhác. Trái nghĩa với dễ duôi là tinh tấn.

7.2. Dễ duôi là nuông chiều, buông thả theo bản năng; không có ý chí kháng cự những đòi hỏi bất thiện của tham sân si hay thất tình lục dục; không biết chế ngự tánh kiêu căng, ngạo mạn của phàm ngã (bản ngã).

2.3. Không dễ duôi tức là luôn luôn ý thức kiểm soát (làm chủ) bản thân trong từng ý nghĩ (tư tưởng), lời nói, việc làm của mình để không phạm lỗi lầm, không tạo ba nghiệp xấu về ý, khẩu, và thân.

8. Mặc dù “dễ duôi” (dấu ngã) chưa từng được ghi nhận trong các từ điển tiếng Việt, nhưng không nên vì thế mà phủ nhận cách dùng hai chữ “dễ duôi” (dấu ngã) của Phật Giáo Nam Tông.

Cuối tháng 6-2023, Nguyễn Quang Thọ (sinh năm 1949) xuất bản Người Việt Nói Tiếng Việt (Nxb Tổng Hợp TpHCM, 384 trang 16x24cm). Trong sách này ông dẫn ra nhiều thành ngữ, tục ngữ, lời ăn tiếng nói quen thuộc trong dân gian xưa nay, nhưng chúng đều bị các nhà làm từ điển từ Bắc chí Nam bỏ sót.

Vậy, “dễ duôi” (dấu ngã) trót bị từ điển tiếng Việt bỏ sót thì chẳng phải là trường hợp cá biệt.

Nhiêu Lộc, 26-7-2023

Huệ Khải

tuần san CGvDT số 2404

tuần lễ từ 04-8 đến 10-8-2023

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

CƠN BÃO TRONG TÁCH TRÀ

 CHỮ VÀ NGHĨA:

CƠN BÃO TRONG TÁCH TRÀ

HUỆ KHẢI

1. Năm nay bảy mươi bốn tuổi tây, ông bạn già của tôi là Nguyễn Quang Thọ vừa cho chào đời đứa con tinh thần vào cuối tháng 6 vừa qua: NGƯỜI VIỆT NÓI TIẾNG VIỆT (Nxb Tổng Hợp TpHCM, 2023, dày 384 trang 16x24cm).

Trước buổi sáng ra mắt sách (01-7) tại Đường Sách ở Sài Gòn mấy ngày, vào sáng Thứ Bảy (ngẫu nhiên trùng kỷ niệm sinh nhật tôi) lão bằng hữu ghé nhà ký tặng sách. Nâng niu món quà dày dặn của bạn trên tay, tôi nói:

Bác cứ làm sách loại này thì đất nước đời đời sẽ tri ân bác. Phải cứu lấy tiếng Việt, bác ạ.

Tôi nói tiếp:

Tiếng Việt bây giờ lạ lắm! Viết 60km/giờ mà bá tánh cứ đọc là sáu mươi ki-lô-mét TRÊN giờ’. Sao không nói sáu mươi ki-lô-mét MỖI giờ? Viết ‘làm việc 8 tiếng/ngày’ thì chẳng lẽ lại nói ‘làm việc tám tiếng TRÊN ngày’ ư? Ta vẫn nói ‘làm việc tám tiếng một ngày (mỗi ngày)’ mà.

Hoặc, thấy sách này của bác, bá tánh hít hà: Ồ, sách thật là ĐẲNG CẤP!’ Đẳng cấp là mức độ; ta có đẳng cấp cao, đẳng cấp trung bình, và đẳng cấp thấp. Nói nửa vời như thế là khen hay chê sách vậy?

Hoặc họ bảo: Sách ông này phải đủ TRÌNH mới đọc nổi.’ Chao ôi! Tại sao bá tánh lóng rày cứ đua nhau nói tắt TRÌNH ĐỘ là TRÌNH? Bà con đang xúm nhau tiêu diệt tiếng Việt à?

Thế rồi ngắm nghía cái bìa sách rất mỹ thuật do con gái rượu của bạn mình thiết kế, tôi khen nó lạ và bắt mắt.

 


Như được gãi đúng chỗ ngứa, lão hữu Quang Thọ bèn giải mã luôn ý tứ bìa sách của mình, đại để như sau:

Tôi bảo con gái hãy làm bìa như thế này ... thế này ... Lúc đầu tôi định lấy nền là vải gấm, hay lụa là, ngụ ý ngôn ngữ cha ông mình sang trọng và quý báu lắm. Nhưng rồi tôi nghĩ phần lớn thành ngữ, tục ngữ đều từ quần chúng bình dân mà ra; nên tôi bảo cháu chọn nền là mảnh vải bố thô ráp. Còn miếng vá đặt lên đó là hàm ý tôi đang VÁ LẠI lỗ thủng trong các từ điển tiếng Việt.

Anh mượn lại cuốn sách trên tay tôi, lật ngược cho xem bìa lưng (bìa bốn), và nói tiếp:

Xem mảnh bố vá ở bìa lưng nhé. Sợi chỉ khâu đen còn thừa một đoạn vắt ngược lên góc phải. Tức là tôi CHƯA VÁ XONG các lỗ thủng trong các từ điển tiếng Việt đâu. Xong cuốn này tôi còn soạn thêm cuốn nữa ...

Ôi! Lão bạn hiền của tôi nói năng hay như rứa mà lại tự xưng là TƯ CÀ LĂMtrên FB của ổng. Ổng cà lăm thì tôi ngọng mất, hay câm luôn.

Tiễn bạn ra về rồi, tôi mở computer, gõ phím ghi vội câu chuyện trên đây và đăng luôn trên FB của mình, vừa để “khoe” quà sách, vừa để “rao hàng” ủng hộ bạn mình bán được sách.

Sau khi xem lời “rao” tôi đăng FB, anh Thọ gọi điện thoại bảo rằng lẽ ra hôm ấy anh nên nói thêm cho đủ ý là Sợi chỉ khâu đen còn thừa một đoạn vắt ngược lên góc phải có nghĩa là tôi CHƯA VÁ XONG các lỗ thủng trong các từ điển tiếng Việt đâu, và cũng CHƯA VÁ XONG lỗ thủng hiểu biết tiếng Việt của chính tôi. Cho nên, xong cuốn này tôi còn soạn thêm cuốn nữa ...

Tôi cười, tán thưởng lời anh bổ túc rằng viết sách là VÁ LỖ THỦNG HIỂU BIẾT của bản thân. Tôi liền nhắc anh lời tự thuật của thầy Nguyễn Hiến Lê; thầy từng bảo rằng mỗi khi muốn tìm hiểu thấu đáo một vấn đề gì thì thầy viết sách về vấn đề đó. Cũng để phụ họa ý thầy Hiến Lê, tôi chia sẻ với anh quan niệm bấy lâu của tôi về việc viết sách: “Viết sách là một cách tự học. Mỗi cuốn sách viết xong coi như là một bản thu hoạch về vấn đề mình đã tự đề ra và hoàn tất.”

2. Khi nhắc tên thầy Hiến Lê, tôi không khỏi nhớ tới một đức tánh của thầy: Mỗi khi nhận được sách bạn văn ký tặng, thầy đều đọc kỹ và viết bài giới thiệu sách (điểm sách) rất hay để gởi đăng ở một tạp chí tên tuổi, uy tín tại Sài Gòn. Trong lòng tôi dưng không lại có ý muốn viết bài giới thiệu NGƯỜI VIỆT NÓI TIẾNG VIỆT.

Nhưng quả không dễ viết bài giới thiệu sách mới của Nguyễn Quang Thọ. Nhận sách bạn tặng ngót một tháng rồi, mấy phen giở ra xem theo kiểu “đánh du kích” rồi, thế mà vẫn lúng túng.

2.1. Tối hôm qua, giở sách “hú họa” thì gặp mục từ 169. “cơn bão trong tách trà”. Nguyên văn như sau:

“Đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ hay là cơn bão trong tách trà?” là tiêu đề bài viết của tiến sĩ Hoàng Dũng. Với những luận cứ xác đáng, tiến sĩ Hoàng Dũng đã chỉ ra những bất cập trong lời đề xuất của giáo sư Bùi Hiền. Chắc chắn đề xuất này còn gây nhiều tranh cãi, nhưng có lẽ Hoàng Dũng có lý khi ông đặt câu hỏi hoài nghi. Qua bài của Hoàng Dũng, được biết Bùi giáo sư đã “thai nghén” công trình này suốt 30 năm. Bỗng sực nhớ thành ngữ Đức có câu: “Quả núi quằn quại và đẻ ra một con chuột.” (Der Berg kreisste und gebar eine Maus.) Hình như câu này cũng có trong tiếng Anh. (tr. 95)

Tôi nghĩ: Âu là tạm mượn câu kết của mục từ 169 để gián tiếp giới thiệu sách của bạn.

2.2. Vâng, quả thật tiếng Anh có một thành ngữ (idiom) đồng nghĩa với thành ngữ Đức “Quả núi quằn quại và đẻ ra một con chuột.” Câu tiếng Anh là: Make a mountain out of a molehill.Dị bản là: Making a mountain out of a molehill.

Molehill là đất do chuột chũi (mole) đùn lên mặt đất khi đào hang. Nghĩa đen của thành ngữ Anh là: “Biến đất chuột chũi đùn thành ngọn núi.” Người Hoa nói 小題大做 (tiểu đề đại tố), chẳng khác gì người Việt nói chuyện bé xé ra to; có ít xít ra nhiều”.

Thành ngữ “Biến đất chuột chũi đùn thành ngọn núi” nói tới những người thích thổi phồng một sự việc cỏn con, tầm thường; ưa làm ầm ĩ, to tát những việc nhỏ nhặt chẳng đáng bận lòng.

3. Nhân tiện, nói thêm về mục từ “cơn bão trong tách trà”.

Tiếng Anh là “a storm in a teacup”. Ở đây, “teacup” là cái tách dùng uống trà, cái tách không. Có nước trà trong tách thì nói là “a cup of tea”.

Tiếng Mỹ khác hơn một chút: a tempest in a teapot(bão tố, cuồng phong trong ấm tích). Ở đây, “tempest” là bão tố dữ dội (violent storm). “Teapot” là bình tích, ấm để pha trà, chưa có nước trà. Khi ấm tích có nước trà thì nói là “a pot of tea”.

Cả hai cách nói của Anh và Mỹ đều có nghĩa là giận dữ (anger), âu lo (worry), phiền muộn (upset) vì một chuyện nhỏ nhặt, chẳng đáng bận lòng mệt trí. Người Hoa nói là 小題大做 (tiểu đề đại tố); 大驚小怪 (đại kinh tiểu quái: quá kinh hãi việc quái lạ nhỏ nhặt). Trong sách bạn tôi, anh không giải thích ý nghĩa “cơn bão trong tách trà”, cũng không nói rõ xuất xứ của nó là ở bên đảo quốc sương mù. Có lẽ anh nghĩ không cần.

3.1. Khoảng năm 1598 hay 1599, khi viết một hài kịch về hai cặp tình nhân ở thành phố cảng Messina (đông bắc đảo Sicily, nước Ý), William Shakespeare (1564-1616) đặt nhan đề là Much Ado about Nothing(Chuyện Không Có Gì Mà Ầm Ĩ). Ý nghĩa nhan đề này thật ra chẳng khác gì “cơn bão trong tách trà”, nhưng có lẽ Shakespeare nghĩ rằng gọi như thế dễ khiến bá tánh tò mò, háo hức mua vé vào xem kịch chăng?

3.2. Bài viết dài rồi. Nên dừng lại, kẻo bạn đọc trách: Tiểu đề đại tố; đề tài nhỏ nhít mà tán ra tràng giang đại hải!

Nhiêu Lộc, 23-7-2023

Huệ Khải

Công Giáo và Dân Tộc, số 2403

tuần lễ từ 28-7 đến 03-8-2023

dể duôi; dễ duôi

 GIÓ BỐN PHƯƠNG - TẬP HAI (đang soạn)

dể duôi; dễ duôi

Hai chữ dể duôi viết dấu hỏi hay dấu ngã, thưa anh? 

– Hiền hữu Nguyễn Minh Ngọc (Gò Công). Tin nhắn Zalo ngày 25-7-2023.

Huệ Khải phúc đáp:

1. DỂ DUÔI (dấu hỏi) nghĩa là khinh thường, coi thường, coi rẻ, không xem là quan trọng (disrespecting; disregarding); đồng nghĩa với “dể ngươi”. Thí dụ:

Chỉ vì một phút dể duôi mà trọn đời ân hận.

Phải tôn kính Trời Phật, Thánh Thần; chớ có dể duôi. (Cũng nói: Chớ có dể ngươi.)

Người tu hành không được dể duôi giới luật.

1.1. Riêng chữ dể (dấu hỏi) sẵn có nghĩa là khinh, lờn, không kiêng nể, không tôn trọng. Nói ghép là “khinh dể”. Dùng biện pháp tách từ thì nói là kẻ khinh người dể” (không có dấu phẩy ngăn cách; nếu viết “kẻ khinh, người dể” thì sai).

1.2. Chưa thấy từ điển nào ghi nhận riêng lẻ chữ “duôi” như một mục từ, ngoại trừ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome I (Sài Gòn: Imprimerie Rey, Curiol & Cie., 1895). Ở trang 251, để ghi chữ nôm cho “duôi”, Paulus Của mượn chữ (duy), nghĩa là chỉ có, và giảng như sau:

Duôi. [chữ nôm] Doi theo, dõi theo.

Duôi theo. id. [như trên]

Duôi duôi. Qua vậy, dừa theo. [Thí dụ:] Thầy nói duôi duôi, nó không sợ.

Dể duôi. Khinh dể.

Ghi chú: Ở trang 247, Paulus Của giảng “dừa theo” là “nương theo; thuận theo; coi tình ý mà theo”. Ở đây, ông ghi sai chánh tả; lẽ ra là “vừa”, không phải “dừa”. Cũng vậy, cùng trang này, ông viết sai “dừa ý; dừa lòng”, lẽ ra là vừa ý; vừa lòng”.

2. DỄ DUÔI (dấu ngã) chưa hề được từ điển tiếng Việt nào ghi nhận. Tuy nhiên các sư tăng Nam Tông, cũng gọi Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravāda) vẫn thường nói tới “dễ duôi” trong các bài thuyết giảng giáo lý.

Tham khảo một số bài giảng của quý sư Nam Tông, tôi tạm ghi nhận ba ý nghĩa thông dụng của “dễ duôi” như sau:

2.1. Dễ duôi là giải đãi, lười biếng, biếng nhác. Trái nghĩa với dễ duôi là tinh tấn.

2.2. Dễ duôi là nuông chiều, buông thả theo bản năng; không có ý chí kháng cự những đòi hỏi bất thiện của tham sân si hay thất tình lục dục; không biết chế ngự tánh kiêu căng, ngạo mạn của phàm ngã (bản ngã).

2.3. Không dễ duôi tức là luôn luôn ý thức kiểm soát (làm chủ) bản thân trong từng ý nghĩ (tư tưởng), lời nói, việc làm của mình để không phạm lỗi lầm, không tạo ba nghiệp xấu về ý, khẩu, và thân.

3. Mặc dù “dễ duôi” (dấu ngã) chưa từng được ghi nhận trong các từ điển tiếng Việt, nhưng không nên vì thế mà phủ nhận cách dùng hai chữ “dễ duôi” (dấu ngã) của Phật Giáo Nam Tông.

Cuối tháng 6-2023, Nguyễn Quang Thọ (sinh năm 1949) xuất bản Người Việt Nói Tiếng Việt (Nxb Tổng Hợp TpHCM, 384 trang 16x24cm). Trong sách này ông dẫn ra nhiều thành ngữ, tục ngữ, lời ăn tiếng nói quen thuộc trong dân gian xưa nay, nhưng chúng đều bị các nhà làm từ điển từ Bắc chí Nam bỏ sót.

Vậy, “dễ duôi” (dấu ngã) trót bị từ điển tiếng Việt bỏ sót thì chẳng phải là trường hợp cá biệt.

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2023

Quân tử căng nhi bất tranh

GIÓ BỐN PHƯƠNG - TẬP HAI (đang soạn)

Quân tử căng nhi bất tranh

Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển II, đàn cơ tại Tòa Thánh Châu Minh ngày 16-2-36 có bài “QUÂN-TỬ TRANG NHI BẤT TRANH, QUẦN NHI BẤT ÐÃNG”. Trong bài này Đức Lý Thái Bạch dạy: Có câu của đức Khổng-Thánh dạy rằng: Quân-Tử trang nhi bất tranh, Quần nhi bất đãng!

Xin hỏi, câu nói ấy của Đức Khổng Thánh được chép trong sách nào? Đạo hữu Hương Lý. Điện thư ngày 20-7-2023.

HUỆ KHẢI phúc đáp:

Tôi giở Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển II, bản in năm Tân Sửu (Sài Gòn: ấn quán Công Lý, 1961), tr. 135, xem lại bài đạo hữu nói tới, và thấy in như sau:

QUÂN-TỬ TRANG NHI BẤT TRANH, QUẦN NHI BẤT ÐÃNG

Lão cần nhắc điều cần yếu, trong toàn thể Đạo nên nhớ câu nầy vào lòng, thì mới giữ vững lập trường Đạo-Đức Thuần-túy được. Có câu của đức Khổng-Thánh dạy rằng: Quân-Tử trang nhi bất tranh, Quần nhi bất đãng! Nghĩa là: người Quân-Tử trang nghiêm, nhưng không tranh với ai, hộp quần với tất cả mọi người, nhưng không vào bè đãng, nghĩa là chí của người quân-tử tự mình trang nghiêm, theo lý công nhiên mà đối xử chớ không thiên lệch, tư vị; xử thế thì thân ái với tất cả mọi người, nhưng không vì tình riêng mà a tùng theo bè đãng cầu lợi.

Người tu học nên hiểu lý nghĩa ấy, để thực hành cho đúng con đường trung dung trong giai đoạn gay go chênh lệch nầy.

(Xem ảnh đính kèm.)




1. Thưa đạo hữu, phần lớn kinh sách nhà Đạo chúng ta thường in sai chánh tả (nhiều nhất là sai dấu hỏi và dấu ngã), viết hoa không hợp lý, bộ phận điển ký (và sao chép) chấm câu thiếu chính xác, v.v... Đó là các lỗi phổ biến. Đọc kinh sách nhà Đạo thấy thế mà thương mà xót.

Ngoài ra, dấu gạch nối hay dùng thuở trước thì nay đã bỏ rồi. Vậy, bài thánh giáo ở trang 135 như nói trên có thể hiệu đính lại như sau:

QUÂN TỬ CĂNG NHI BẤT TRANH, QUẦN NHI BẤT ÐẢNG

Lão cần nhắc điều cần yếu, trong toàn thể Đạo nên nhớ câu nầy vào lòng, thì mới giữ vững lập trường đạo đức thuần túy được.

Có câu của Đức Khổng Thánh dạy rằng: Quân tử căng nhi bất tranh, quần nhi bất đảng. Nghĩa là người quân tử trang nghiêm, nhưng không tranh với ai; hợp quần với tất cả mọi người, nhưng không vào bè đảng. Nghĩa là chí của người quân tử tự mình trang nghiêm, theo lý công nhiên mà đối xử chớ không thiên lệch, tư vị; xử thế thì thân ái với tất cả mọi người, nhưng không vì tình riêng mà a tùng theo bè đảng cầu lợi.

Người tu học nên hiểu nghĩa lý ấy để thực hành cho đúng con đường trung dung trong giai đoạn gay go, chênh lệch nầy.

Ngoài ra, bản in này ghi ngày 16-2-36, tức là 16 tháng 02 âm lịch (Tân Sửu), năm Đạo thứ 36, nhằm Thứ Bảy 01-4-1961.

2. Câu Quân tử căng nhi bất tranh, quần nhi bất đảng.có chép trong sách Luận Ngữ, thiên Vệ Linh Công 衛靈公, câu 22. Nguyên văn: 子曰: 君子矜而不爭, 而不黨.

2.1. Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) dịch:

Khổng Tử nói: “Người quân tử nghiêm trang giữ lập trường mà không tranh với ai, hòa hợp (cộng tác) với mọi người mà không bè đảng.”

2.2. James Legge (1815-1897) dịch:

The Master said, The superior man is dignified, but does not wrangle. He is sociable, but not a partisan.

2.3. A. Charles Muller (sanh năm 1953) dịch:

The Master said: “The noble man is firm in his positions, but does not wrangle. He readily makes friends, but doesn’t belong to a clique.”

2.4. Giải nghĩa từ ngữ: 1/ Căng : Trang nghiêm (dignified). 2/ Quần : Hợp quần 合群; sống hòa đồng với người khác (getting on well with others). 3/ Đảng : Kéo bè kết đảng (joining a political party, or a gang).

*