Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

14 CÁNH THƯ MIỀN NAM / VÚT MỘT ĐƯỜNG MÂY


Hiền huynh kính mến,
Tệ đệ từ giã hiền huynh về Nam, thoắt đó mà sắp hết một năm, ngày tháng trôi qua cái vèo.
Các chuyện xưa tích cũ hiền huynh chia sẻ trong những ngày tệ đệ dừng chân ở Đà Nẵng quả thật rất lý thú, nhưng tệ đệ chỉ chép lại mười câu chuyện lựa trong số đó mà thôi. Ngoài ra, có thể tệ đệ vụng về nên không khỏi bỏ sót một số chi tiết nào đó ở từng câu chuyện.
Trong lúc sắp xếp các sự kiện để ráng diễn bày cho mạch lạc, tệ đệ may mắn được hiền huynh Phan Lương Minh chỉ dẫn một số chi tiết về đất và người Cần Thơ thuở trước. Phan hiền huynh là hậu duệ của tiền bối Huỳnh Thị Trình (quả vị Diệu Pháp Nương Nương) và tiền bối Võ Văn Thơm.
Tệ đệ lại được hiền huynh Huệ Nhẫn gởi tặng chân dung nhiều vị tiền bối Chiếu Minh thuở ban sơ. Đây chính là những tấm ảnh quý báu mà trong quá trình điền dã thâu thập sử liệu Đạo nhà, huynh ấy phải tốn rất nhiều tâm sức mới sưu tập được. Trong quyển sách nhan đề The Divine Eye and the Diaspora: Vietnamese Syncretism Becomes Transpacific Caodaism (Honolulu: University of Hawai’i Press, 2015, page 28), bà Giáo Sư Janet Alison Hoskins trang trọng gọi hiền huynh Huệ Nhẫn là Caodai historian (sử gia Cao Đài).
Ngoài ra, tệ đệ còn muốn nhắc tới hai vị trưởng lão khả kính là ông bà chủ đàn Long Vân ở Mỹ Tho. Đây là hai vị ân nhân rất lớn của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Giữa năm 2008, tệ đệ mới vừa khởi phát Chương Trình này thì hiền huynh Long Vân, hiền tỷ Huỳnh Yến Mai cùng các môn sanh Chiếu Minh ở đàn Long Vân đã liên tục và sốt sắng góp rất nhiều công quả nuôi dưỡng Chương Trình. Đặc biệt, hai vị ân nhân này còn gởi cho tệ đệ xem bản thảo (175 trang, in vi tính, khổ A5, photocopy, 2011) nhan đề Tiểu Sử Hành Đạo Của Giáo Chủ Ngô Minh Chiêu, do tiền bối Minh Hồng (quả vị Như ý Nương Nương), và tiền bối Châu Minh Định (quả vị Minh Định Chơn Nhơn) lúc sanh tiền nối tiếp nhau biên soạn. Nhờ bản thảo này, tệ đệ có thêm thông tin để kết hợp với những chuyện hiền huynh chia sẻ tại Đà Nẵng.
Quả thật, tệ đệ rất cảm kích tấm lòng của hai vị chủ đàn Long Vân, của hai vị Phan Lương Minh và Huệ Nhẫn, cũng như tấm lòng thương mến của chính hiền huynh đây, tuy chỗ sơ giao mà xét ra tình thâm đà rất mực.
Vâng, phải nói rằng tệ đệ may mắn, may mắn lắm thay!
Thưa hiền huynh,
Xưa nay, bất kỳ một tập sách nào dù dày hay mỏng cũng khó tránh khỏi sơ suất, khuyết điểm. Chắc chắn những chỗ chưa hoàn hảo ấy đều do lỗi của tệ đệ mà thôi. Nhưng tệ đệ tin rằng hiền huynh cũng như các bạn đọc áo trắng thân quý bấy lâu của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo đều độ lượng tha thứ. Nên tệ đệ chân thành biết ơn hiền huynh và mọi đạo hữu gần xa.
Khi xếp tập chuyện kể này vào TỦ SÁCH VĂN HỌC ĐẠI ĐẠO, tệ đệ ước mong rằng mọi người sẽ không xem những trang ghi chép này là sử ký, bởi vì tệ đệ nào phải là người chép sử (historian) mà chỉ là một người kể chuyện (story teller), hiểu đúng theo ý nghĩa của từ ngữ.
Hiền huynh cũng như tệ đệ, mỗi người tự nhận cho mình một phận sự khác nhau trong nhà Đạo. Nhưng hai ta đều giống nhau ở chỗ mỗi lần nhìn về những dấu chân phía trước của hàng hàng lớp lớp tiền nhân, lòng nào mà chẳng nao nao, xao xuyến.
Tệ đệ mong sớm có thiện duyên trở ra ngoài nớ gặp lại hiền huynh. Bên ấm trà thơm Mai Hạc, tệ đệ sẽ được thưởng thức lần nữa giọng ngâm nga trầm ấm, truyền cảm của hiền huynh, khiến cho từng chữ từng câu trong lời thánh thi ngài Quảng Đức Chơn Tiên rung động mọi ngõ ngách tâm hồn người nghe:
Thôi thì thôi chuyến đò buổi chót
Lòng dặn lòng đắng ngọt chớ nao
Người xưa để lại người sau
Gieo mầm sống đạo biết bao vuông tròn.
(08-7-1981)
Tệ đệ cầu nguyện Thầy Mẹ ban ơn lành để hiền huynh luôn an lạc và tinh tấn trên con đường thực hành pháp môn của Đức Ngô Tôn Sư.
Trọng kính,
H.Kh.
Nhiêu Lộc, 28-11-2018


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

13. ÔNG BÀ NGUYỄN VĂN HUỲNH ĐƯỢC HÓA ĐỘ / VÚT MỘT ĐƯỜNG MÂY



Đây là chuyện tôi nghe:
Vào nửa đầu thập niên 1920, hai ông bà Nguyễn Văn Huỳnh (1875-1935) và Trần Thị Hường (1881-1958) nức tiếng giàu có ở Cần Thơ. Nhà ông Huỳnh (thường gọi Tư Huỳnh) cất trên khu đất rộng, một phía hướng ra đường De Lanoue (nay là đường Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều), còn mặt tiền ngôi nhà nhìn ra đường Paul Bert (nay là đường Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều) cặp theo một con rạch, thuận lợi cho ông Tư lập xưởng Cẩm Vân chuyên sửa chữa ca nô (canot).
Theo bà Tư Huỳnh tự thuật, bà mồ côi cha, sống với mẹ, cảnh nhà khó khăn. Kết hôn với ông Tư Huỳnh, bà và chồng sống vất vả nhiều năm trước khi lập nên cơ nghiệp. Bà kể:
Nhắc tích cũ, lúc lưng vơi
Con côi, mẹ góa, thế đời linh đinh
Trao thân cùng ông Tư Huỳnh
Cùi thơm, cùi mít đồng tình tạo nên
Lập hãng, nhà lầu tấn lên
Tàu, xe, phố, ruộng, tuổi tên đàng hoàng
Thong thả, vàng cân, hột xoàn
Món ngon vật lạ bĩ bàng xuê xang.
Bà Hồ Thị Huê (tức Sáu Huê, em bà Năm Hường) một hôm ghé thăm bà Tư Huỳnh và bảo bạn thân:
- Chị Tư à, ở Cần Thơ mình bây giờ mới có đạo Cao Đài. Đầu đuôi là Quan Phủ Ngô Văn Chiêu trên Sài Gòn sai anh Hồ Vinh Quy xuống lập đàn tại nhà anh chị Năm tôi. Mỗi tối Thứ Bảy thường lập đàn cầu cơ. Có Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ dạy đạo linh lắm. Cha tôi và ba chị em tôi cũng như anh Năm Bích đều tu theo đạo Cao Đài rồi. Sao chị không tới hầu đàn một lần cho biết?
Tình cờ vừa đi ngang chỗ hai bà ngồi trò chuyện, ông Tư Huỳnh đứng lại nghe. Bà Sáu Huê liền lên tiếng chào ông và nói luôn:
- Tôi mời anh Tư nữa. Anh chị tới một lần cho biết.
Ông bà Tư Huỳnh đồng ý. Tối Thứ Bảy, trước khi tới nhà ông bà Năm Bích, ông Tư lấy tờ giấy để viết câu hỏi riêng tư về chuyện làm ăn của mình rồi đốt đi. Ý ông muốn thử xem đàn cầu cơ Cao Đài có linh ứng hay không.
Đàn hôm đó Đức Thượng Đế giáng lâm. Ngài dạy:
- Huỳnh! Nay là thời hạ nguơn mạt kiếp, sao không mau tu hành cho kịp Hội Long Hoa mà lại hỏi Trời việc trần tục?
Liền sau đó, Đức Thượng Đế ban cho vợ chồng ông Tư mỗi người một bài tứ tuyệt.
Năm ấy ông Tư Huỳnh đã bước vào tuổi ngũ tuần, không còn trẻ nữa. Đức Thượng Đế khuyên ông sớm tỉnh ngộ lo tu, kẻo sẽ phải như bông hoa tàn tạ khi mạng sống không còn. Bài thi vừa điểm danh vừa dạy đạo cho ông Tư Huỳnh như sau:
HUỲNH Đình tụng niệm được thành Tiên
Sẽ thấy Như Lai Phật tại tiền
Chẳng sớm hồi đầu e rữa nhụy
Màng chi danh lợi buổi chinh nghiêng.
Bà Tư (Trần Thị Hường) bấy giờ ngoại tứ tuần, được Đức Thượng Đế nhắn nhủ hãy cùng chung lòng chung sức với chồng góp phần chăm lo mối Đạo Trời mới vừa nhen nhúm. Bài thi điểm danh bà Hường hàm chứa lời khuyến tu như sau:
HƯỜNG hoa đua nở chốn trần gian
Tỉnh giấc chung lo mối Đạo vàng
Kịp hội Thầy Trời ban xuống thế
Ngày về Tiên cảnh được vinh quang.
Như có sẵn tiền duyên thiêng liêng huyền nhiệm từ thuở nào rồi, hôm ấy cõi lòng hai ông bà thấy thơ thới, hân hoan, và cả hai đều vững tin vào đàn cơ, tuyệt nhiên không chút gì vẩn vơ nghi hoặc.
Từ đó trở đi, hai ông bà siêng chăm đến hầu đàn. Khi số đạo tâm thiện tín dần dần tăng lên, nhà ông bà Nguyễn Như Bích không tiện lắm, đàn cơ lại thiết lập ở nhà ông bà Nguyễn Thiện Niệm.
Ông bà Tư Huỳnh cất được ngôi nhà lớn, một trệt, một lầu rộng rãi. Với đức tin ngày càng tăng trưởng, ông bà phát tâm dành tầng lầu để làm nơi lập đàn. Lần hồi, nơi ấy được gọi là Chiếu Minh Đàn Cần Thơ, và ông Tư Huỳnh làm chủ đàn.
Nhắc lại, vào trung tuần tháng 11-1926 tại Sài Gòn, ngài Ngô bảo ông Phán Quý (Hồ Vinh Quy) thay mặt ngài xuống Cần Thơ truyền đạo, còn ngài qua năm Đinh Mão (1927) mới đi. Thì quả như vậy, ngài Ngô xuống Cần Thơ ngày 16-3 Đinh Mão (Chủ Nhật 17-4-1927) và đi thẳng tới nhà ông bà Tư Huỳnh trên đường Paul Bert. Thấy khách lạ, ông Tư không khỏi ngạc nhiên. Ngài Ngô tự giới thiệu:
- Tôi là Phủ Chiêu. Ông ở trển sai tôi xuống đây chớ không phải tự ý tôi đi.
Nghe ngài Ngô nói Ông ở trển và thấy ngài giơ một ngón tay chỉ lên trên, ông Tư hiểu ngài ngụ ý là Đức Thượng Đế sai đi. Bởi vậy, ông Tư Huỳnh mừng quá, liền mời ngài ngồi, rồi gọi bà Tư ra chào và cùng hầu chuyện.
Vốn đã nghe danh ngài Ngô bấy lâu, đến chừng bất ngờ có bậc cao nhân đại đức đặt chân đến nhà, chẳng cầu ước mà được hạnh ngộ như thế, ông bà Tư vô cùng sung sướng. Nhân đó, hai vị xin ngài giảng dạy thêm về nguồn cội đạo Cao Đài, cách tu hành, v.v... Ông bà cũng trình với ngài về việc dành tầng lầu làm nơi lập đàn và thỉnh ngài lên xem.
Buổi tối lập đàn trên lầu nhà ông bà Tư, Đức Thượng Đế giáng cơ dạy ngài Ngô (trích hai câu đầu bài tứ tuyệt):
Mối Đạo gầy nên vốn bởi con
Trước sau, sau trước gắng công tròn...
Hôm sau ngài Ngô rời Cần Thơ về Sài Gòn.
Từ khi tu theo ngài Ngô, ông bà Tư Huỳnh lúc nào cũng sẵn lòng xuất tiền nhà ra ủng hộ mạnh mẽ việc đạo, nhất là các nơi tu hành cần tu bổ hay xây cất mới. Tên đạo của ông Tư là Minh Huỳnh; bà Tư (Trần Thị Hường) được gọi là Minh Hồng.
Ngài Ngô quy thiên năm 1932. Sau đó, trong một đàn cơ năm 1934, Đức Ngô giáng dạy ông Minh Huỳnh hãy xây dựng ngôi Thánh Đức Tổ Đình:
Huỳnh con lãnh mạng Thầy Trời
Lập nền Thánh Đức kịp thời đó con
Chớ nệ tiếng nước non khó dễ
Đàn Hậu Giang bốn bể oai linh
Tá danh là hiệu Chiếu Minh
Thật thành vốn thiệt Thánh Đình Ngô Chiêu.
Chưa kịp thi hành thánh lịnh, ông Minh Huỳnh ngã bệnh rồi quy thiên ngày 27-11 Giáp Tuất (Thứ Tư 02-11-1935). Việc cất Tổ Đình được phó thác cho bà Minh Hồng đảm trách.
Đàn ngày 06-3 Ất Hợi (Thứ Hai 08-4-1935), Đức Cao Đài Thượng Đế dạy môn đệ:
Đêm nay, Huỳnh, Thầy cho đắc lịnh giáng đàn. Đúng giữa Tý thời các con tái cầu.
Đàn tái cầu, ngài Minh Huỳnh giáng cơ và xưng quả vị Thiên Môn Đế Quân qua bài tứ tuyệt quán thủ:
THIÊN hạ nào ai có biết ai
MÔN không tu luyện đạo Cao Đài
ĐẾ vương hữu đức bền cơ nghiệp
QUÂN tử không phân đọa chẳng sai.
Tiếp theo đó, Đức Đế Quân dạy:
Ngã Nguyễn Văn Huỳnh hồi gia. Mừng huynh đệ. Mừng đạo Niệm. Mừng Hồng. Mừng các con. Nghe!
Từ lánh thế theo Thầy về Bạch Ngọc, lúc ấy thơ thới cảnh Tiên, nhìn lại cõi trần rồi thêm chán ngán. Về Bạch Ngọc, vào làm lễ. Đại Từ Phụ ơn ban trở lại phận sự nơi Thiên Môn. Nay đúng bá nhựt lai đàn thăm đạo hữu.
Trước khi thăng, Đức Đế Quân lưu lại một bài phú lối văn dài ba mươi sáu câu. Thánh giáo của Đức Cao Đài Thượng Đế và Đức Thiên Môn Đế Quân như trích dẫn trên đây có in đầy đủ ở cuối quyển Đại Thừa Chơn Giáo (Chương III: Ấn Chứng Thiêng Liêng).
Người bạn đời cũng là bạn đạo của ông Minh Huỳnh là bà Minh Hồng thuật lại giai đoạn cuối đời của ông Tư qua những dòng lục bát mộc mạc như sau:
Hiếu của mẹ chưa mãn tang
Ơn Thầy đến nữa ruột gan gập ghình
Phán lịnh dạy lập Tổ Đình
Kế năm Giáp Tuất ông Huỳnh ốm đau
Cho mời đạo Hồng lẹ mau
Đến nơi tỏ nỗi lời trao tận tình
Rằng: “Tôi phải bỏ thân hình
Cậy bạn thay mặt Tổ Đình giúp anh.”
Phận sự của em vưng đành
Đạo huynh an tịnh dưỡng lành chơn linh
Lời huynh dặn, muội giữ in
Ngày Hai Mươi Bảy hồn Huỳnh quy Tây
Hiếu mẹ, nghĩa bạn, ơn Thầy
Chiếu Minh Nghĩa Địa nơi nầy táng an
Hết Đông vừa qua Xuân sang,
Bá nhựt đã đến Thiên ban giác hồn
Giáng cơ ĐẾ QUÂN THIÊN MÔN
Thuở Thầy hứa trước sanh tồn thế gian
Rằng Huỳnh chí khí tánh cang
Công cao quả đậm chủ đàn Chiếu Minh
Nên cho giữ cửa Thiên Đình
Sống sao thác vậy cũng in như lời.
Nói về bà Minh Hồng, sau khi gặp đạo Cao Đài, bà quyết chí cùng chồng ăn chay trường, chăm lo tu hành, nhiệt thành lập công quả nhờ vào gia sản nứt đố đổ vách. Bà kể lại:
Trước khổ mới vừa thân an
Bính Dần Đạo mở Cần Giang nhà Huỳnh
Cao Đài Tam Thanh Chiếu Minh
Vợ chồng công quả đồng tình cùng nhau
Tập rèn thủ phận tương chao
Bồi công bố thí tốn hao vui đành.
Tuy nhiên, lúc ấy bà Tư mới ngoài tứ tuần, đang sống trong cảnh sang giàu. Bởi vậy, khi bà rời Cần Thơ lên Sài Gòn xin thọ pháp tu, thì ngài Ngô vì từ bi đã mượn phương tiện thử thách để rèn trui chí khí, tâm hạnh cho bà. Ban đầu bà không khỏi nản lòng, lại thêm tự ái, nên toan bỏ cuộc. Bà Tư kể lể nỗi niềm buổi ấy như sau:
Khẩn cầu đạo pháp nam mô
Người rằng từ chối đuổi xô cực kỳ
Muốn tu nên phải chịu lỳ
Nghĩ mình giàu có phải chi bần cùng
Nỡ đành xô đuổi lung tung
Thôi đành trở lại gia trung hưởng nhàn
Canh chầy thổn thức nào an
Tính toan, toan tính lưỡng nan đôi đàng.
Nhưng rồi bà đã vượt qua bài thi nhập môn của ngài Ngô. Cuối cùng, vào tháng 8 Đinh Mão (1927) ngài Ngô chấp thuận truyền đạo. Bà hồi tưởng:
Tháng Tám Đinh Mão lập nguyền
Minh Hồng thọ giáo khẩu truyền Ngô sư.
Thọ pháp với ngài Ngô rồi, bà vẫn còn nhiều dịp được ngài Ngô thử thách, bởi lẽ ngài muốn giúp bà rèn tánh sửa nết cho đúng mực một người chơn tu đạo đức. Chẳng hạn, vì nhà quá giàu, bà Minh Hồng không ngại lựa mua những thứ hảo hạng, đắt tiền rồi khệ nệ mang từ Cần Thơ lên nhà ngài ở Sài Gòn. Nhưng ngài vốn chủ trương nhất hào vô phạm, không chịu nhận lãnh lễ vật của bá tánh, do đó ngài luôn luôn cấm ngặt mọi sự biếu xén. Bà phải lựa lúc ngài đi làm vắng nhà thì lén mang vào; nếu như ngài đang ở nhà thì tìm chỗ quen gần đó xin gởi tạm, chờ lúc thuận tiện.
Lần nọ, bà chở lên Sài Gòn mấy bao gạo lúa thơm thật ngon. Hôm ấy ngài đi làm việc sáng Thứ Bảy, chiều được nghỉ. Thấy ngài vắng nhà, bà mừng quá liền mướn người vác hết mấy bao gạo lên lầu. Ở nhà ngài đang có mấy bà đạo hữu nữa, đến để ngài ôn tập pháp tu. Sợ ngài đi làm về nhìn thấy mấy bao gạo sẽ quở, bà Minh Hồng phải đi qua nhà một đạo hữu gần đó để lánh mặt.
Quả nhiên, khi về tới nhà, ngài Ngô cất tiếng nói lớn cho mọi người đều nghe rõ:
- Bộ tôi ưa ăn của thập phương hay sao mà mấy người cứ đem đút lót? Hễ ai đem món gì tới thì phải đem đi lập tức.
Khoảng 2 giờ chiều, ngài bảo:
- Chiều nay nấu cơm ăn cho sớm.
Các bà lật đật phân công nhau lo nấu nướng. Tới 3 giờ thì các món thức ăn đã xong hết. Ngặt nỗi nồi cơm trên bếp cứ sôi hoài, mà hột gạo vẫn còn nguyên, không chịu nở. Chính là gạo thơm bà Minh Hồng vừa mới mang ở Cần Thơ lên. Trong lúc các bà lúng ta lúng túng trong bếp thì ngài Ngô ở phòng bên ngoài ung dung ngồi trên ghế, phe phẩy chiếc quạt.
Bà Minh Trình ([1]) thấy đã trễ, phải hấp lại cơm nguội, rồi ra ngoài tiệm mua thêm bánh mì để mọi người ăn cho đủ.
Khi vào bàn ăn, ngài Ngô hỏi:
- Sao không lấy gạo chị Tư Huỳnh mới đem lên mà nấu để khỏi ăn cơm nguội với bánh mì?
Bà Minh Trình đáp:
- Thưa quan lớn, có nấu gạo của chị Tư chớ, mà nấu hoài không chín.
Ngài cười:
- Gạo chị Tư nấu không chín thì nói với chỉ bận sau đừng đem lên đây nữa.
*
Bà Minh Hồng tu hành rất chuyên cần cho tới khi quy thiên ngày 23-4 Mậu Tuất (Thứ Ba 10-6-1958), quả vị Như Ý Nương Nương.
HUỆ KHẢI



([1]) Bà Huỳnh Thị Trình (sinh năm 1890) là bạn đời ông Hội Đồng Võ Văn Thơm ở Cần Thơ), quy thiên ngày 28-11 Kỷ Dậu (Thứ Hai 05-01-1970), quả vị Diệu Pháp Nương Nương.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.


12. ÔNG ĐỐC THƯỢNG THỜ NGÀI NGÔ / VÚT MỘT ĐƯỜNG MÂY




Đây là chuyện tôi nghe:
Thời Pháp thuộc, ở Cần Thơ có trường trung học (collège) Võ Văn là một tư thục do ông Võ Văn Thơm (Hội Đồng Quản Hạt, Conseiller Colonial de Cochinchine) xây dựng trên đất nhà, mặt tiền nằm trên đường Paul Bert (nay là đường Nguyễn An Ninh). Trường khai giảng năm 1918.
Trong năm 1926, ông Hội Đồng Võ Văn Thơm lên Sài Gòn viếng tang một quan chức người Pháp. Có hai vị nữa cùng đi với ông Thơm. Vị thứ nhất là Đốc Phủ Sứ Trần Nguyên Lượng (1877-1968), tu theo Cao Đài và sau này đắc quả Chiêu Minh Chơn Thánh. Vị thứ hai là Hội Đồng Trần Trinh Trạch (1872-1942). Ông Trạch là cha ông Trần Trinh Huy (1900-1974), tức cậu Ba Huy, khét tiếng là công tử Bạc Liêu.
Viếng tang xong, ba ông bàn với nhau hãy tìm đến nhà ngài Ngô xin gặp, vì bấy lâu đã nghe danh tiếng ngài. Nhưng ngài Ngô không mở cửa, đứng trong nhà nói vọng ra:
- Các ông mới đi đám tang. Nên về tắm gội cho tinh khiết rồi nghỉ trưa cho khỏe. Buổi chiều hãy trở lại đây.
Buổi chiều chỉ có ông Thơm và ông Lượng tới nhà ngài Ngô, bởi vì ông Trạch than mệt, xin kiếu. Hôm ấy ông Thơm được ngài Ngô cho ngồi cầm cơ với đồng tử Lê Văn Ngưng (1906-1948). Ơn Trên giáng, ban cho ông Thơm bài tứ tuyệt:
TẶNG người nay gặp hội Chiêu Kỳ
VÕ lược ba giềng đủ lễ nghi
VĂN chất năm pho khuyên lũ trẻ
THƠM danh sớm vịn Đạo vô vi.
Bài thơ quán thủ là: TẶNG VÕ VĂN THƠM. Câu hai và câu ba bài thơ nhắc tới tên trường tư thục Võ Văn của ông.
Khi mở trường Võ Văn, ông Hội Đồng Thơm tuyển giáo chức Việt và Pháp dạy các môn, và tuyển ông Nguyễn Thiện Thượng (1896-1934), người tỉnh Bến Tre, làm đốc học (nay gọi là hiệu trưởng).
Vợ ông Đốc Thượng là bà Nguyễn Thị Nghiêm (1903-1933). Từ năm 1927 hai ông bà đều tu theo pháp môn do ngài Ngô truyền.
Thứ Tư 28-3-1934, ông Thượng quy thiên, rồi đắc quả Nhứt Bửu Chơn Nhơn. Trước đó một năm, Thứ Năm 13-4-1933, bà Nghiêm quy thiên rồi đắc quả Bạch Bửu Tiên Nương. Thứ Sáu 16-10-1936 (02-9 Bính Tý), Đức Tiên Nương giáng cơ, xưng danh qua bài tứ tuyệt quán thủ:
BẠCH Ngọc đổ rền tỉnh giấc mê
BỬU linh luyện đắc cảnh Tiên kề
TIÊN bang thú lạ vui khôn xiết
NƯƠNG bóng Cao Đài ngoại cõi quê.
Thánh giáo hôm ấy gồm năm bài tứ tuyệt và một bài trường thiên ba mươi sáu câu lục bát có in đầy đủ trong kinh Đại Thừa Chơn Giáo, chương III (Ấn Chứng Thiêng Liêng).
Ban đầu Thiên Bàn theo pháp môn Chiếu Minh do ngài Ngô truyền ra chỉ gồm Thiên Nhãn ở trên hết, kế tiếp bên dưới là Thập Tự Tam Thanh. Nhưng về sau lại có thêm chân dung ngài Ngô đặt ngay bên dưới Thập Tự Tam Thanh. Vậy ngài Ngô được môn sanh Chiếu Minh thờ từ lúc nào?
Hiện nay chưa xác định được thời gian, chỉ biết rằng ông Đốc Thượng là người đầu tiên thờ ngài Ngô trong lúc ngài đang còn tại thế.
Tương truyền một hôm sau khi xong buổi công phu giờ Tý, hai ông bà Đốc Thượng cùng bước ra ngoài đơn phòng (phòng tịnh) để hít thở không khí trong lành giữa canh khuya tĩnh mịch đồng thời ngắm vầng trăng rằm sáng vằng vặc. Bất chợt, ông Thượng chú ý thấy trên mặt trăng tròn như cái dĩa treo lơ lửng giữa chốn hư không vòi vọi dường như hiện ra gương mặt ai đó quen quen. Ông đưa tay giụi mắt để nhìn cho rõ, và sửng sốt nhận ra gương mặt ngài Ngô. Ông liền quay sang hỏi vợ, và bà xác nhận cũng nhìn thấy gương mặt ngài Ngô.
Đêm hôm ấy ông Thượng cứ nằm thao thức, mải suy nghĩ về cảnh tượng khác thường đã tận mắt chứng kiến. Rồi ông chợt nhớ ra vào trung tuần tháng 4-1921, khoảng 8 giờ sáng, Đức Chí Tôn đã hiện Thiên Nhãn trên bầu trời Dương Đông (Phú Quốc) để qua đó dạy ngài Ngô thờ con mắt. Vậy thì phải chăng ông hữu duyên nên được ngài Ngô chọn để mật truyền thánh ý? Sáng hôm sau, ông liền đặt làm một khung ảnh ngài Ngô, thành tâm an vị trang trọng trên Thiên Bàn.
Một bạn đạo Cao Đài của ông Đốc Thượng là Đặng Khắc Kỷ cũng gọi Đốc Kỷ vì làm đốc học một trường tiểu học công lập. Khi thấy bạn mình đặt chân dung ngài Ngô lên bàn thờ, ông Đốc Kỷ không bằng lòng, nghĩ bụng: “Quan Phủ còn sống trên Sài Gòn mà lại đưa ảnh lên bàn thờ thắp nhang. Muốn trù ẻo ngài hay sao?!” 
Thế rồi có dịp lên Sài Gòn, ông Đốc Kỷ ghé nhà ngài Ngô, ngẫu nhiên gặp một số đạo hữu khác cũng đang có mặt tại đó. Đợi lúc thuận tiện, ông Kỷ dè dặt bạch với ngài Ngô về sự thêm thắt, vẽ vời của ông Đốc Thượng ở Cần Thơ, tức là làm sái chơn truyền cách bài trí Thiên Bàn.
Nghe xong chuyện lạ đời, mọi người có mặt đều hồi hộp chờ xem ngài Ngô dạy bảo thế nào. Nhưng ai nấy không khỏi chưng hửng khi thấy ngài chỉ lặng thinh và thản nhiên.
HUỆ KHẢI


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

11. ÔNG BÀ ÔNG BÀ NGUYỄN THIỆN NIỆM ĐƯỢC HÓA ĐỘ / VÚT MỘT ĐƯỜNG MÂY




Đây là chuyện tôi nghe:
Sinh năm 1898, người quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, ông Nguyễn Thiện Niệm làm thơ toán (tức thơ ký kế toán) cho Đông Pháp Ngân Hàng (Banque de l’Indochine française), chi nhánh tại Cần Thơ. Nhà ông nằm bên số lẻ trên đường Paul Bert (sau đổi tên là đường Nguyễn An Ninh, nay là đường Châu Văn Liêm, thuộc quận Ninh Kiều).
Bấy giờ nghe đồn rằng ở nhà ông Nguyễn Như Bích tuần nào cũng có lập đàn cầu cơ thỉnh Tiên, rất linh ứng, ông Niệm hiếu kỳ, đợi một tối Thứ Bảy thì tìm đến để xem hư thiệt ra sao.
Tối Thứ Bảy đó, trong nhà ông Bích lập đàn cơ như thông lệ, có Đức Chí Tôn giáng và đang dạy đạo. Ông Niệm quỳ ngoài cửa, thầm cầu nguyện: “Nếu quả thiệt là Đức Thượng Đế giá lâm, thì xin Ngài kêu tên tôi và cho tôi phò cơ thì tôi mới tin.”
Bên trong đàn, đại ngọc cơ viết ba chữ lên mặt bàn, độc giả liền xướng:
- Nguyễn Thiện Niệm.
Những người hầu đàn đưa mắt nhìn quanh, thấy đều quen mặt, vậy nghĩa là không có ai tên Niệm. Ông Bích bèn hướng về bàn cơ sụp lạy xin phép rồi đứng dậy, bước nhẹ ra cửa. Thấy có người đàn ông đang quỳ bên ngoài, ông Bích hỏi khẽ:
- Anh tên Niệm, phải không? Xin mời vô. Đức Thượng Đế mới điểm danh tức thì.
Vừa mừng vừa hồi hộp, ông Niệm rón rén theo chân ông Bích bước vào trong, nhìn thấy ngay ngọn cơ đang quay quay phía trên đầu đồng tử như thể Ơn Trên còn đợi chờ ông. Đốm lửa ở đầu ngọn nhang cắm trên ngọn cơ vẽ thành những vòng sáng đỏ. Lật đật vén vạt áo the, ông Niệm cung kính quỳ mọp xuống và dập đầu lạy ba lạy.
Rồi đầu ngọn cơ hạ thấp xuống, gõ từng hồi xuống mặt bàn, tiếng vang nghe cộp cộp trong đêm thanh tĩnh mịch. Ông Niệm quỳ thẳng lưng, hai tay chắp trước ngực, đôi mắt chăm chú nhìn về phía đồng tử, và lắng nghe độc giả xướng rõ từng lời Đức Thượng Đế dạy ông. Tự dưng ông cảm thấy dường như có một luồng điển ấm áp chạy rần rần từ đỉnh đầu xuôi xuống sống lưng. Ông hơi rùng mình, nhưng lâng lâng khoan khoái.
Đức Chí Tôn giảng giải cho ông Niệm và những người hầu đàn về cơ Trời vận chuyển thời hạ nguơn mạt kiếp, chúng sanh khắp hoàn cầu đều phải chịu chung nghiệp quả vay trả, trả vay vô cùng khốc liệt. Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế vì lòng đại từ đại bi thậm thâm vô lượng đã rời Ngọc Hư Cung xuống cõi trần mà dang tay cứu vớt những kẻ hữu căn hữu kiếp, và dạy dỗ con cái biết tỉnh ngộ, lo tu hành ngõ hầu kịp trở về ngôi xưa vị cũ. Ngài khuyên ông Niệm vốn có duyên lành, hãy mau dốc lòng tu luyện sẽ được Thầy độ. Rồi Đức Chí Tôn dạy xả đàn, cho phép khi tái cầu thì ông Niệm vào phò cơ cùng với cô Sáu Huê thành một cặp đồng tử âm dương.
Ông Niệm sợ toát mồ hôi nhưng bởi trước đó đã trót cầu nguyện xin thử xem đàn cơ thật hư ra sao nên đành phải ngồi vào ghế đồng tử, đối diện với cô Sáu Huê. Hai bàn tay của ông và hai bàn tay cô Sáu cùng nắm lấy vành giỏ đại ngọc cơ bọc lớp vải màu vàng tươi...
Đức Chí Tôn tái lâm, tiếp tục dạy đạo. Sau khi Ngài thăng, bãi đàn, ông Niệm rời khỏi ghế đồng tử, ra quỳ trước Thiên Bàn, thành kỉnh lạy tạ, hứa nguyện từ đây một dạ theo Thầy học đạo.
Ngay sáng hôm sau, ông lập tức dọn một nơi trang trọng trong nhà để lập Thiên Bàn. Ông và vợ là bà Nguyễn Thị Luôn[g] (1900-1972) đều giữ trường trai, tu luyện theo pháp môn do ngài Ngô truyền dạy. Rồi nhà ông cũng là nơi thiết đàn cơ để cầu thỉnh Ơn Trên giáng lâm giáo hóa thiện nam tín nữ địa phương.
Ông Nguyễn Thiện Niệm quy thiên ngày 18-5 Ất Hợi (Thứ Ba 18-6-1935).
Hơn ba năm sau, tại Thảo Lư (Cần Thơ), vào đêm 30 rạng 01 tháng 11 Mậu Dần (Thứ Tư 21 rạng Thứ Năm 22-12-1938), Đức Chí Tôn giáng lâm, xưng danh:
NGỌC chiếu Nam phương lố ánh hồng
HOÀNG minh Đại Đạo điểm thâm công
THƯỢNG căn giác đắc truyền tâm pháp
ĐẾ bổn quy hồi sắc tứ đông.
Sau đó, Thầy dạy: Đàn nay, Thầy ân phong cho Niệm là Giác Minh Kim Tiên. Các con tiếp cầu. THẦY thượng ỷ.
Thầy vừa thăng, thì có Đức Giác Minh Kim Tiên giáng cơ và xưng danh qua bốn câu quán thủ:
GIÁC khai chơn lý Đạo
MINH tánh thức cơ huyền
KIM đơn tu phản chiếu
TIÊN thể phản huờn nguyên.
Mừng chư hiền hữu.
Đã cùng nhau chia cách bấy chầy
Nay trở lại vui vầy hỷ hạ
Về Tiên cảnh muôn ngàn thú lạ
Nhớ tình xưa bươn bả xin về
Đường đạo đức dễ bề điều độ.
Trước khi phản hồi Tiên cảnh, Đức Kim Tiên còn lưu lại một bài phú lối văn.
Thánh giáo của Thầy và của Đức Giác Minh Kim Tiên có in ở cuối quyển Đại Thừa Chơn Giáo, nơi Chương III (Ấn Chứng Thiêng Liêng).
Sau này, bà Minh Hồng (Trần Thị Hường là bạn đời ông Nguyễn Văn Huỳnh, tức Tư Huỳnh) có nhắc tới người bạn đạo Nguyễn Thiện Niệm qua mấy vần lục bát mộc mạc sau đây:
Nhắc người giúp việc nhà băng
Nhứt hào vô phạm ở ăn từ hòa
Hai mươi ngoài tuổi xuất gia
Họ NGUYỄN THIỆN NIỆM thiệt là tu chơn
Trường trai, tuyệt dục, luyện đơn
Hoàn toàn nhơn đạo, chánh chơn độ đời
Phò loan công quả Đạo Trời
Cẩn ngôn cẩn hạnh từ lời đạo tâm
Tu hành ngồi hoài không nằm
Qua năm Ất Hợi [1935] thậm thâm bịnh trầm
Liễu đạo Mười Tám tháng Năm [18-5]
Thiên Đình ân tứ giáng lâm đàn tiền
Quả vị GIÁC MINH KIM TIÊN
Giáng trần giáo đạo nhơn hiền nơi nơi
Thỏa chí cảnh lạc thảnh thơi.
Vợ ông Niệm, bà Nguyễn Thị Luông (có sách chép là Luôn) vì còn bận bịu việc nhà nên chưa có thể tu hành cùng lượt với chồng. Đến chừng thu xếp được mọi bề yên ả, bà quyết định sẽ rời Cần Thơ lên Sài Gòn xin thọ giáo với ngài Ngô.
Muốn cho chắc chắn, ngày 14 bà sửa soạn hoa quả sẵn trên Thiên Bàn ở nhà, đến giờ Tý thì thắp hương, dâng tam bửu (hoa tươi, rượu trắng, nước trà), thành tâm cầu nguyện. Khi xin keo được rồi thì bà đốt hồng thệ. Sau đó, bà liền ra bến xe Cần Thơ mua vé đi Sài Gòn, và tới cửa nhà ngài Ngô lúc 6 giờ sáng. Bấy giờ Ngài Ngô đứng trên lầu nhìn xuống, cất tiếng hỏi:
- Madame [bà] Niệm hồi khuya này đốt hồng thệ rồi, phải không?
Hết hồn, ngước lên thấy ngài, ngỡ bị quở, bà Niệm lật đật nói như phân trần:
- Thưa quan lớn, bởi cửa nhà quá đơn chiếc, tôi tính hễ xin lịnh Ơn Trên được rồi thì mới lên đây cho tiện.
Ngài Ngô cười, ôn tồn nói cho bà an lòng:
- Được. Đã tới ngày tới giờ tu rồi.
Thế là ngày rằm đó bà Luôn(g) được ngài Ngô truyền pháp tu. Tên trong đạo của bà là Minh Luôn[g]. Bà quy thiên ngày 26-5 Nhâm Tý (Thứ Năm 06-7-1972), đắc quả Thanh Lọc Nương Nương.
(Các sách đều chép là Thanh Lọc. Nhưng Lọc là tiếng Việt; xét theo âm Hán Việt của đạo quả thì phải chăng nên viết là Thanh Lộc? Xin nêu ra để suy gẫm.)
HUỆ KHẢI
 
 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.