Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2019

CHỊ LỚN MAI THÀNH VỀ NHÀ RỒI! .



CHỊ LỚN MAI THÀNH VỀ NHÀ RỒI!
HUỆ KHẢI
Tôi có thói quen check e-mails vào buổi sớm đầu ngày. Sáng Thứ Bảy 12-01-2019, vừa nhấp chuột xong, tôi bàng hoàng khi mở hộp thư: Lúc 6 giờ 38 website Nhịp Cầu Tâm Giao gởi tôi một cáo phó; mười ba phút sau, người bạn đạo thân quý nhiều năm nay ở Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn Tổng Giáo Phận TpHCM là chị Maria Lý Ngọc Anh chuyển đến tôi một ai tín… Cả hai điện thư đều cho biết nữ tu Anna Mai Thành Bùi Thị Như Kha,([1]) dòng Đức Bà, sinh ngày 12-6-1928 tại Huế vừa an nghỉ trong Chúa lúc 4 giờ chiều ngày 11-01-2019…
Khoảng hơn 6 giờ rưỡi tối Thứ Bảy 12-01, tôi có mặt ở tu viện Regina Mundi. Thấy tôi mặc đạo phục Cao Đài, một chị liền đi đến chào, rồi hướng dẫn tôi bước vào nơi quàn linh cữu. Bấy giờ thánh lễ cầu nguyện cũng vừa xong. Nhân lúc ấy, tôi liền đến xin thắp hương và quỳ lạy mà không thể cầm được cơn xúc động bất thần dâng tràn khi nhìn di ảnh thật gần. Rồi tôi nán lại đến 7 giờ tối, để hiệp lòng cùng với Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn và quý cộng đoàn kính dâng thánh lễ cầu nguyện cho giác linh nữ tu Mai Thành Bùi Thị Như Kha sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.
Trở về nhà, suốt buổi tối trong tâm tôi vẫn vương mang những tình cảm kính yêu đằm thắm dành cho người vừa ra đi, mà thể theo đề nghị của linh mục PX Bảo Lộc, một số người ở lại đã lần lượt chia sẻ bằng ngôn từ, bằng vần thơ, bằng lời ca, tiếng đàn, tiếng sáo…
Tôi biết danh tiếng nữ tu Mai Thành đã lâu trước khi được gặp mặt và trò chuyện với bậc trưởng lão chân tu rất tài hoa, rất trí tuệ, và cũng rất vui tính này.
Nhiều năm trước, trong một khóa tu bảy ngày tổ chức vào tiết Đông Chí tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo (171B đường Cống Quỳnh, quận 1), giữa những đợt thực hành đạo pháp (công phu) nơi chánh điện, khi trở về phòng nghỉ, tôi thư giãn bằng cách đọc sách. Tình cờ tôi tìm được ở kệ sách trong phòng một quyển nho nhỏ, khổ A5, photocopy; dường như nhan đề là Từ Ánh Sáng Mặt Trời Tình Yêu (tập II).
Hiệp tuyển này kể lại hành trình rất đặc biệt của nhiều nhân vật tên tuổi khi các vị đến với đạo Chúa. Riêng bài của nữ tu Mai Thành khiến tôi không cầm được nước mắt trong lúc dõi theo từng dòng, từng trang hồi ức. Đọc đến dòng chót rồi thì tôi đóng sách lại, không muốn đọc thêm bài nào khác, và để mặc cho tâm hồn mình rung động với những dư chấn của câu chuyện.
Thế rồi, nhân một cuộc lễ do Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn tổ chức, lần đầu tiên tôi được gặp con người đã chinh phục con tim tôi vào mùa tu Đông Chí năm xưa. Chiều hôm ấy, khi tôi đến, linh mục PX Bảo Lộc liền vui vẻ giới thiệu và mời tôi ngồi cạnh nữ tu Mai Thành. Nhìn gương mặt hiền từ, ánh mắt hòa ái của bậc trưởng lão, tôi chắp tay thưa: “Con chào sœur ạ.” Người nở nụ cười mà bảo: “Ai lại xưng con với sœur bao giờ. Sœur là chị kia mà.” Rồi hỏi thăm tôi, người xưng là con, gọi tôi là thầy. Hoảng quá, tôi lật đật cản lại: “Xin sœur đừng xưng con với Huệ Khải và đừng gọi con là thầy. Theo cách xưng hô trong đạo Cao Đài, hãy gọi con là đạo đệ.”
Rốt cuộc, từ đó về sau, người gọi tôi là đạo huynh Huệ Khải, xưng là Mai Thành; còn tôi vẫn gọi người là sœur và xưng là tệ đệ, hay đạo đệ, hay con, hay Huệ Khải.
Ảnh: nhipcautamgiao.net
Mùa Giáng Sinh 2011, sáng ngày 24-12 tại thánh thất Bàu Sen tôi có buổi nói chuyện với đề tài Con Đường Hạnh Phúc.([2]) Hôm ấy, tôi trích dẫn Phúc Âm để trình bày về con đường tìm đến hạnh phúc học theo lời Chúa dạy. Dứt câu chuyện, tôi vừa chào cảm tạ cử tọa xong, chưa kịp rời khỏi bục, thì từ hàng ghế thính giả, nữ tu Mai Thành nhẹ nhàng bước tới gần, tươi cười trao tặng tôi một nhánh hoa trạng nguyên đỏ thắm. Tôi thật bất ngờ mà cũng rất cảm kích tấm lòng của người, lãnh hội ý tứ sâu sắc mà người kín đáo gởi gắm trong tên hoa trạng nguyên, bởi lẽ theo giáo lý Cao Đài thì mọi người tu trong thời mạt pháp này đều làm sĩ tử đang dự kỳ thi chót là Hội Long Hoa.
Nếu nói về đạo nghiệp hoằng đại và công đức sâu dày của người, và gọi theo đạo Lão, thì người quả là Đạo Trưởng Mai Thành. Nhưng tôi xin được kính gọi người là Chị Lớn, theo cách thân thương vẫn dành cho các bậc nữ chức sắc cao cấp trong Hội Thánh Cao Đài.
Chị Lớn Mai Thành ơi! Nhánh hoa trạng nguyên năm ấy mỹ miều lắm, và kết bằng nhung mịn màng nên rất bền bỉ, vẫn còn là một kỷ vật nguyên vẹn trong nhà tệ đệ; thế mà người Chị tặng hoa thì nay đang cố quận quy hồi, quay về quê cũ.
Vâng, Chị Lớn rời khỏi thế gian là để trở lại mái nhà xưa của Chị Lớn trên Thiên Đàng, cõi thiêng liêng mà từ đó Chị Lớn đã tạm chia tay để xuống chốn bụi hồng này chu toàn sứ vụ làm sáng danh Thiên Chúa.
Xin kính tiễn Chị Lớn trở về nhà, Chị Lớn Mai Thành ơi!
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 14-01-2019
(Tuần san Công Giáo Và Dân Tộc,
số 2191, từ 18-01 đến 24-01-2019, tr. 14-15.)



([1]) Mai là tên thánh, theo hồng danh Đức Mẹ Maria. Anna Thành là tên thánh, theo phương danh vị nữ thánh Việt Nam tử đạo Anna Lê Thị Thành.
Nữ tu Mai Thành tốt nghiệp: Văn Chương Việt Nam (Đại Học Đà Lạt); Triết Học (Đại Học Sorbonne, Paris, Pháp); Thần Học (Đại Học Công Giáo, Paris, Pháp); Giáo Dục Truyền Hình (London, Anh). Mục vụ: Dạy Triết (trường Couvent des Oiseaux, Đà Lạt, 1960-1964; và trường Regina Mundi, Sài Gòn, 1964-1975); Hiệu trưởng trường Cán Sự Xã hội Công Tâm (Sài Gòn, 1964-1970); cộng tác viên Truyền Hình Đắc Lộ Dòng Tên (Sài Gòn, 1970-1975); cộng tác viên Đài Truyền Hình (1975-1983); đại diện Phụ Tỉnh Dòng Đức Bà và phụ trách Liên Tu Sĩ Giáo Phận Sài Gòn (1975-1980); Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Việt Nam (1987-1990); Cố Vấn Hội Đồng Trung Ương Dòng Đức Bà (1990-1996); thành viên Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn TGP SG (2009-2018).
([2]) Đã xuất bản thành sách (80 trang), nhan đề: Con Đường Hạnh Phúc (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, tái bản 2013).

ĐẦU NĂM ĐỌC SÁCH.



ĐẦU NĂM ĐỌC SÁCH
Thân tặng Lê Anh Dũng
NGUYỄN DUY CHÍNH
Qua Tết mấy ngày, tôi nhận được quyển Tấm Lòng Một Người Thầy (TLMNT) của Huệ Khải, được một người thân của anh gửi từ Texas sang California (Mỹ). Huệ Khải là thánh danh của nhà nghiên cứu Lê Anh Dũng, một người bạn thân của tôi đang sống ở Việt Nam. Sách in theo dạng ấn tống (không bán), chỉ để tặng bất cứ ai cần đến, do nhà xuất bản Hồng Đức (Hà Nội) in xong để kỷ niệm ba mươi lăm năm ngày mất của học giả Nguyễn Hiến Lê (22-12-1984 / 22-12-2018).
Quyển TLMNT tương đối mỏng, từ đầu đến cuối chưa đến 100 trang, bao gồm sáu bài viết của Lê Anh Dũng và một trích đoạn ngắn thay lời Bạt của Trần Văn Chánh.
Nhận được sách, tôi mở ra đọc một mạch từ đầu đến cuối, ngắm mấy bức hình, bức tranh bìa và cả chân dung của bạn tôi do họa sĩ Bửu Long vẽ bằng bút chì ở trang 2. Bức vẽ đó rất giống người thật, nét linh động, có thần - tỏ lộ được con người của Lê Anh Dũng như tôi từng biết.
Ngồi viết vài hàng hôm nay tôi không đề cập đến văn chương, chữ nghĩa và những chi tiết rất hiếm có trong giao tình giữa bạn tôi và nhà văn Nguyễn Hiến Lê, một học giả mà tôi vẫn coi như một bậc thầy dù chưa học ông một giờ nào, cũng chưa từng gặp ông nữa. Ảnh hưởng của Nguyễn Hiến Lê đối với tôi, qua những điều ông nhắn nhủ trong sách, có thể gọi là người đã cầm tay cho một đứa trẻ tập viết trước khi nó có thể viết một mình. Việc đó, không phải mình tôi mà nhiều người khác chắc cũng cảm thấy như thế.
Cho nên, đây không phải là một bài điểm sách vì thực ra bạn tôi không hề ngỏ ý muốn tôi bày tỏ một vài suy nghĩ. Tuy không phải là khai bút đầu năm nhưng cũng chính là những dòng chữ riêng tư đầu tiên năm Kỷ Hợi, phụ thêm vào những công việc tôi vẫn làm hàng ngày trong công việc nghiên cứu riêng của mình.
Đọc những kinh nghiệm mà Lê Anh Dũng thu thập được từ cụ Nguyễn Hiến Lê, tôi tự đặt mình vào chính hoàn cảnh của anh để bổ túc những gì tôi chỉ biết qua sách vở.
Có lẽ chúng ta không mấy ai có dịp gần gũi và được cụ Nguyễn Hiến Lê gửi gắm nhiều như Lê Anh Dũng và quả thực, những công trình cuối đời, trong hoàn cảnh mà thể chất đã suy nhược, phương tiện thiếu thốn đủ mọi mặt. Chúng ta có thể trân trọng những tác phẩm đó hơn khi hiểu được thực tế những dòng chữ đã được nuôi nấng và khai sinh như thế nào.
Người ta bảo viết biên khảo đòi hỏi nhiều công lao mà số người hiểu được dụng công của tác giả lại không nhiều. Một bài thơ hay có thể được sáng tác và hoàn tất trong một buổi, một truyện ngắn có thể thực hiện trong một tuần nhưng một công trình nghiên cứu thì không thể viết nhanh như vậy. Theo chân Lê Anh Dũng để đi vào thế giới riêng của hai “thầy trò” – nếu chúng ta cho rằng đó là một cách gọi đúng – thì nhiều khi chỉ để biết thêm một câu một chữ hai bên phải chờ đợi và phải có duyên mới được. Vào thời kỳ cụ Nguyễn Hiến Lê còn sinh tiền, Từ Nguyên, Từ Hải, Khang Hy là các loại từ điển không phải ai cũng có thể sở hữu, và muốn tìm nghĩa một chữ cho chu đáo, chúng ta phải quen biết với chủ nhân đủ thân để được cho phép sử dụng các bộ từ điển này. Có lẽ cũng vì thiếu thốn tư liệu tham khảo, các bậc tiền bối dù làm hết sức mình nhưng như cụ Nguyễn Hiến Lê tự nhận, bộ sử Trung Quốc cụ soạn chỉ “may lắm là dùng được nó làm points de repère [các điểm mốc] thôi” (TLMNT, tr. 67). Những nhận định đó rất chính xác, không phải là khiêm tốn bề ngoài, mà cụ Nguyễn đã ý thức được những hạn chế của thời đại, không cho phép những học giả Việt Nam có thể đi xa hơn. Trong cái không gian chật hẹp theo nhiều nghĩa, dù nỗ lực cách mấy thì một cánh chim đại bàng cũng chỉ được đến thế mà thôi.
Tìm hiểu và biết thêm về cách làm việc của cụ Nguyễn Hiến Lê.
Từ một vài chi tiết trong những trao đổi của tác giả với cụ Nguyễn Hiến Lê, chúng ta thấy ngay lối làm việc nghiêm chỉnh và đạo đức, cố gắng giữ gìn và phổ biến [dù chỉ giới hạn] những tác phẩm đã và đang hình thành trong những năm tháng sau cùng.
Trong nghề cầm bút, nhất là viết những loại đề tài không-hư-cấu (non-fiction), tác giả không những phải tuân thủ những quy luật của thể loại này mà còn phải đào tạo cho chính mình những đức tính cần thiết, trong đó sự lương thiện cả tinh thần lẫn vật chất là bắt buộc. Nghiên cứu là một con đường không có đích, và không một ai có thể cho rằng sau mình không có người khác đi xa hơn. Nỗ lực ở mức cao nhất nhưng lại chấp nhận cái thành tựu tương đối và luôn luôn mong đợi sớm có người đi sau vượt qua mình là một ưu điểm mà càng ngày càng hiếm hoi trong xã hội. “Tôi sinh sau các cụ trong Nam Phong như Phan Kế Bính, Nguyễn Hữu Tiến … đọc được nhiều sách mới hơn các cụ đó, nên viết về văn học, triết học Trung Quốc kỹ hơn các cụ. Cháu lại thuộc lớp sau nữa, có thể đi sâu vào một vài vấn đề nào đó được. Cứ mỗi đời tiến hơn đời trước một chút.” (TLMNT, tr. 70). Những dòng chữ đó được viết khi cụ Nguyễn Hiến Lê đã yếu, trước khi qua đời không lâu. Tuy đơn sơ nó vẫn thể hiện cái tâm “kỳ ngôn dã thiện”.([1])
Rút kinh nghiệm cho chính mình.
Xem lại những chi tiết do Lê Anh Dũng ghi lại, thế hệ chúng tôi ngày hôm nay có những phương tiện kỹ thuật mới giúp mình tăng hiệu năng lên hàng trăm lần so với thời điểm bút bi, giấy pelure của cụ Nguyễn. Chúng ta cũng có thể giao tiếp với nhau trong nháy mắt dù ở kề bên hay cách nhau cả nửa vòng trái đất, khác hẳn với việc phải chờ đợi hàng tháng để gửi thư, nhận thư như cách đây hơn ba mươi năm. Không chỉ phương tiện kỹ thuật sơ khai, hoàn cảnh xã hội trong từng thời kỳ cũng ảnh hưởng đến thiện chí con người và sinh hoạt văn hóa... Trong mười năm sau cùng của cuộc đời, đáng lẽ học giả Nguyễn Hiến Lê có thể làm nhiều hơn nếu không bị trói buộc trong những hệ lụy cuộc đời về tinh thần cũng như vật chất. Có thể ví những tác phẩm cuối đời của Nguyễn Hiến Lê như những bông hoa trong sa mạc, dù khí hậu gay gắt nhưng vẫn đầy hương sắc thật tuyệt vời. Anh em chúng tôi nay cũng đã và đang bước vào tuổi “cổ lai hy” nên kinh nghiệm cuối đời của cụ Nguyễn cũng là những bài học mà chúng tôi đang áp dụng cho chính mình.
So sánh để biết thêm những lợi điểm của người nghiên cứu ngày hôm nay.
Chỉ mới ba mươi lăm năm từ khi cụ Nguyễn Hiến Lê qua đời nhưng trên mặt học thuật, những người như chúng tôi hôm nay thực sự đã được hưởng những thành tựu kỹ thuật mà người đi trước không sao hình dung nổi. Sách vở, tài liệu, phương tiện thật không còn thiếu thứ gì và tôi dám nói rằng, nếu hôm nay nếu mình không làm được là lỗi ở mình chưa hết sức, chưa “duy tinh duy nhất” ([2]) chứ kỹ thuật không còn có thể giúp chúng ta hơn được nữa. Ở bên Mỹ, đã có những xe hơi không người lái di chuyển an toàn hơn có một tài xế cừ khôi, nhưng có lẽ không bao giờ con người có thể chế tạo được người máy (robot) để làm công việc của một nhà nghiên cứu đúng nghĩa. Mỗi khi nhìn số tài liệu, phương tiện, từ điển có trong tay, tôi lại thấy hổ thẹn vì những gì mình làm được so với những công trình mà các bậc tiền bối đã hoàn thành thật không thấm vào đâu.
NGUYỄN DUY CHÍNH
California, 24-02-2019

Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính (sinh năm 1948 tại Sơn Tây) là nhà sử học, chuyên trị về đời Tây Sơn. Ông còn viết nhiều sách về văn hóa Trung Hoa, dịch tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, v.v…
Quý bạn đọc đã có dịp đọc các bài viết của ông in trong Đại Đạo Văn Uyển và tập Tưởng Nhớ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2014), quyển 73 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
(Đạo Uyển chú)



([1]) Luận Ngữ 8:4 chép rằng lúc đang bệnh nặng, có quan đại phu nước Lỗ đến thăm, Tăng Tử (cao đồ của Đức Khổng Tử) nói: Con chim sắp chết, cất tiếng kêu buồn thảm; con người sắp chết, nói ra lời lành. 鳥之將死, 其鳴也哀; 人之將死, 其言也善. Điểu chi tương tử, kỳ minh dã ai; nhân chi tương tử, k ngôn dã thin. James Legge (1815-1897) dịch: When a bird is about to die, its notes are mournful; when a man is about to die, his words are good. (Đạo Uyển chú)
([2]) duy tinh duy nhất 惟精惟一 : Bốn chữ này lấy trong Kinh Thư, thiên Đại Vũ Mô, câu 13. Bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ (1921-2014) dịch: Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm / Ra công ra sức (). (Đạo Uyển chú)


► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com

Và xin quý vị hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.


Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

MỘT TẬP SÁCH LIÊN TÔN CÔNG GIÁO VÀ CAO ĐÀI.




MỘT TẬP SÁCH LIÊN TÔN
CÔNG GIÁO VÀ CAO ĐÀI
CHUNG BẢO
CGvDT: Chào anh Huệ Khải. Vui mừng khi biết anh vừa xuất bản tập sách thứ 123 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Xin anh chia sẻ với bạn đọc báo Công Giáo Và Dân Tộc (CGvDT) đôi điều về tập sách này: Sơ Khảo Thuật Ngữ Đạo Chúa Trong Đạo Cao Đài (Hà Nội:, Nxb Hồng Đức, 2019). Trước hết, vì sao trong nhan đề lại chọn hai chữ “đạo Chúa” thay vì các tên gọi khác?
Huệ Khải (HK): Người Việt mình dùng chữ đạo theo nghĩa chữ giáo (tôn giáo). Đạo nghĩa là đường đi. Con đường rộng lớn được gọi là đại đạo. Đức Giêsu dạy: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. (Gioan 14:6)
Ngoài ra, người Việt chúng ta xưa nay vẫn quen gọi tên một đạo theo tên hay danh hiệu của Đấng khai sáng (giáo chủ); do đó, ta hay nói đạo Khổng (do Đức Khổng Tử khai sáng), đạo Lão (do Đức Lão Tử khai sáng), đạo Phật (do Đức Phật Thích Ca khai sáng), đạo Cao Đài (do Đức Cao Đài Tiên Ông khai sáng)… Đức Chúa Giêsu là giáo chủ khai sáng một nền đạo đưa con người đến với Chúa Cha, vậy thì tôn giáo do Chúa Giêsu khai sáng gọi là đạo Chúa.
CGvDT: Vì sao anh quan tâm nghiên cứu mối liên hệ giữa Công Giáo và Cao Đài về phương diện thuật ngữ?
HK: Như nhiều bài viết tôi từng có dịp góp mặt trên tuần san và nguyệt san CGvDT từ khoảng năm 2005 trở đi, mối liên hệ giữa hai đạo có thể được nhận thấy qua giáo lý, cách tổ chức, hình tượng thờ phụng, v.v… Tuy nhiên, về phương diện thuật ngữ thì hầu như chưa được lưu ý.
Không kể các thuật ngữ riêng (đặc thù) của đạo Cao Đài, thánh giáo Cao Đài nhắc tới rất nhiều thuật ngữ của Tam Giáo (Nho, Lão, Phật). Người đạo Cao Đài học thánh giáo, khi gặp những từ bát nhã, bất nhị, bồ đề, danh sắc, như lai, niết bàn, tâm không, trí huệ, tự tánh, v.v… thì phần đông có biết đấy là thuật ngữ nhà Phật. Hễ gặp âm dương, Đạo, đơn, đơn điền, châu thiên, hỏa hầu, huyền đồng, hữu vi, vô vi, v.v… thì đa số cũng biết là đấy thuật ngữ đạo Lão (đạo Tiên). Nếu gặp ngũ luân, ngũ thường, quân tử, tiểu nhân, tam cang, thánh hiền, trung dung, trung thứ, v.v… thì số đông cũng dễ biết đấy là thuật ngữ đạo Nho (đạo Khổng).
Tuy nhiên, khi gặp các từ hội thánh, tòa thánh, thánh thể, thánh thất, họ đạo, giáo hữu, giáo tông, đồng nhi, v.v… thì hầu như không mấy người đạo Cao Đài biết rằng đấy là các thuật ngữ nguồn gốc ở đạo Chúa.
Xác định các thuật ngữ đạo Chúa có mặt trong đạo Cao Đài cũng để bổ khuyết cho cách hiểu xưa nay, vốn quen cho rằng Cao Đài bao gồm Tam Giáo. Lẽ ra, nói cho đầy đủ thì Cao Đài bao gồm Tứ Giáo, tức là Nho, Lão, Phật, và Chúa.
CGvDT: Cụ thể, trong sách nêu ra được bao nhiêu thuật ngữ đạo Chúa có dùng trong đạo Cao Đài?
HK: Như nhan đề sách nói rõ, đây là tập sơ khảo, tức là mới bước đầu, nên tôi sẽ còn tiếp tục tìm hiểu thêm. Một cách chưa đầy đủ, tập sơ khảo này bao gồm hai mươi lăm thuật ngữ như sau: BÍ TÍCH (sacrament), CHIÊN (lamb), CHUỒNG CHIÊN (lamb shed), CÒI (whistle), CỦA LỄ (offerings), CỨU CHUỘC (redeeming, redemption), CỨU RỖI (saving, salvation), DỌN MÌNH (preparing body and mind), ĐÀN CHIÊN (flock of lambs), ĐỒNG NHI (choirboy, choirgirl), GẬY (crook, staff), GIÁ CHUỘC (ransom), GIÁO TÔNG (Pope), HỘI THÁNH (the Holy Assembly), MỤC TỬ (shepherd), NGƯỜI CHĂN CHIÊN (shepherd), NGƯỜI CHỦ CHĂN (pastor), NHÀ CHUNG (common house), NHÀ THÁNH (holy house), THÁNH LINH (the Holy Spirit), THÁNH THỂ (holy body), THÁNH TỬ (the child[ren] of God), THÔNG CÔNG (communion), TÒA THÁNH (the Holy See), TÔNG ĐỒ (apostle).
CGvDT: Qua các mục từ anh kể, phải chăng trước khi in thành sách, tất cả đều có đăng dần trên nguyệt san CGvDT?
HK: (Cười) Vâng. Có thể xem đó là cách tôi cầu thị, mong muốn được quý bạn đọc và trước hết là ban biên tập báo CGvDT góp ý xây dựng trước khi in thành tập sách mỏng.
CGvDT: Và đã có ai góp ý gì không?
HK: (Cười…)
CGvDT: Ngoài mục đích khảo cứu về thuật ngữ, tập sách này còn có điều gì muốn gởi trao bạn đọc gần xa, thưa anh?
HK: Có hai ý này đã in ở cuối sách, tôi xin được nhắc lại: Thánh giáo Cao Đài sử dụng thuật ngữ của cả Tứ Giáo thì điều này có tác dụng rất tích cực; đó là (a) nêu cao và củng cố lý tưởng hòa đồng tôn giáo hay tinh thần liên tôn giáo để phụng sự con người; đồng thời (b) xóa bỏ thói kỳ thị tôn giáo, phân biệt tín ngưỡng vốn là mầm bệnh gây chia rẽ mọi xã hội, phá hoại tình người hòa ái, và đi ngược lại chân truyền của mọi nền chánh pháp Đông Tây kim cổ.
CGvDT: Hơn mười năm qua, trên một trăm hai mươi đầu sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống chỉ để biếu các nơi, nên không được bày bán trong các hiệu sách. Như vậy, giờ đây nếu quý bạn đọc Công Giáo quan tâm, thì làm sao nhận được sách này?
HK: Không riêng quyển Sơ Khảo Thuật Ngữ Đạo Chúa Trong Đạo Cao Đài mà tất cả những sách khác đã ấn tống đều rất hân hạnh được gởi biếu quý Kitô hữu, nhất là các chủng viện, học viện, thư viện, trung tâm mục vụ Công Giáo… trong cả nước. Trân trọng kính mời quý vị vui lòng gởi thư về: daidaovanuyen@gmail.com. Bản điện tử sách này cũng có tại trang blog của người viết: huekhai.blogspot.com.
CGvDT: Xin cảm ơn anh Huệ Khải đã dành thời gian cho buổi trò chuyện này. Chúc anh sẽ có thêm nhiều đầu sách khác để giúp mọi người hiểu biết sâu rộng hơn về mối liên hệ giữa Công Giáo và Cao Đài.
CHUNG BẢO
Tuần san Công Giáo Và Dân Tộc, số 2195,
tuần lễ từ 01-3 đến 07-3-2019


► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com

Và xin quý vị hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.

Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.