Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

4. Tiểu sử Paulus Huình Tịnh Của


Phụ Lục  
TIỂU SỬ HUÌNH TỊNH CỦA
TRẦN VĂN CHÁNH

Hoạt động cùng thời với Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Trương Minh Ký (1855-1900), Huình Tịnh Của là một trong những nhà văn, nhà báo Quốc Ngữ tiền phong của nước ta vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ, văn chương, văn hóa Việt, mà công lao đáng kể, mang lại giá trị lâu bền nhất, có lẽ chính là bộ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị như trên chúng ta đã khảo sát, đánh giá tương đối đầy đủ. Ông hiệu Tịnh Trai, nên còn quen gọi Huình Tịnh Trai, cũng thường ký bút danh Paulus Của khi viết báo (Paulus là tên Thánh).([1]) Sinh năm Canh Dần (1830) tại làng Phước Tụy, tổng Phước Hưng Hạ, tỉnh Bà Rịa (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu),([2]) mất ngày 26-01-1908.
Nhờ học trường đạo nên ông rất giỏi Pháp Văn và chữ Latin, còn về chữ Hán thì phải nhờ Tôn Thọ Tường [1825-1877] chỉ vẽ thêm.([3]) Theo đạo Kitô, năm mười hai tuổi được đưa sang học một trường đạo ở Pulo Pinang, phía Tây Bắc Malaysia.
Khi học đạo lên đến chức “Thầy tư” thì hoàn tục, trở về quê cưới vợ.
Năm 1862, sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông bắt đầu giúp việc cho nhà nước thuộc địa, làm thông ngôn, rồi lãnh việc phiên dịch văn án trong cơ quan Bureau des Traductions à la Direction de l’Intérieur de Saigon (sau đổi tên là Direction du Service local: Phòng Phiên Dịch Dinh Thượng Thơ Sài Gòn). Năm 1865, Huình Tịnh Của được biệt phái về làm việc ở Bộ Tổng Tham Mưu (Etat Major général).
Ngày 01-01-1873, ông được thăng chức ([4]) Huyện đệ nhất hạng (Huyện de première classe), đến làm việc tại Phòng Phiên Dịch Dinh Thượng Thơ (Direction de l’Intérieur, sau đổi tên là Bureaux du Gouvernement de la Cochinchine). Ngày 01-01-1881, thăng chức ([5]) Phủ đệ nhị hạng (Phủ de deuxième classe). Ngày 01-8-1884, lại thăng Phủ đệ nhất hạng (Phủ de première classe) và được bổ làm ([6]) Đốc Phủ Sứ ngoại ngạch (hors cadre).
Năm 1892, Huình Tịnh Của được chọn làm hội viên của Ủy Ban Cải Tổ Trường Thông Ngôn (member de la Commission de Réorganisation du Collège des Interprètes). Ông còn có chân trong ban biên tập (comité de rédaction) bán nguyệt san Revue Indochinoise (1893-1925), một tạp chí rất có giá trị chuyên nghiên cứu về Đông Dương.
Nhiều lần ông được mời làm giám khảo trong các cuộc thi do Pháp tổ chức để chấm môn Việt Văn và Hán Văn.
Huình Tịnh Của là một trong những người Việt Nam đầu tiên khởi xướng phong trào báo chí Quốc Ngữ ở nước ta.([7]) Ông cùng với Trương Vĩnh Ký tham gia sáng lập tờ Gia Định Báo, có nhiều bài viết từ những số đầu tiên năm 1865, giữ việc biên tập liên tiếp nhiều năm cho tờ báo Quốc Ngữ đầu tiên này, và đã tỏ ra xuất sắc trong những bài khảo cứu về các cổ tích, khoa học phổ thông, sưu tập thi ca cũ, cũng như phiên dịch các bài diễn văn, nghị định, công văn bằng tiếng Pháp ra tiếng Việt.
Huình Tịnh Của cũng là người đầu tiên biên soạn bộ tự điển đơn ngữ giải thích tiếng Việt, đã “vượt xa hơn cái việc trực tiếp phục vụ chính quyền pháp mà biểu lộ cái ý thức của tác giả muốn ‘chuẩn thằng hóa tiếng Việt’ ”. (Địa Chí Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh, Tập II. Nxb TpHCM, 1988.)
Ông là người chịu ảnh hưởng Tây Phương, đã tích cực viết sách viết báo, biên soạn tự điển, đã cùng với Trương Vĩnh Ký cổ động việc dùng chữ Quốc Ngữ viết theo mẫu tự Latin, tỏ rõ là một người yêu chuộng văn hóa dân tộc, biết giữ gìn, khai thác những di sản văn hóa - tinh thần của cổ nhân để lại bằng cách nỗ lực phiên âm, phổ biến những áng văn xưa của người Việt.
Trong cuộc đời công chức, ông được ban thưởng các huy chương: Đại Nam Hàn Lâm Viện Trực Học Sĩ (Médaille d’Officier de Dragon d’Annam), Đại Pháp Hàn Lâm Kim Diệp (Médaille d’Officier d’Académie), Ngũ Đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur), và Kim Khánh Cao Miên (Officier de l’Ordre royal du Cambodge).
Mặc dầu được nhà nước Pháp trọng đãi, ông vẫn luôn tỏ ra là một người khiêm tốn, giản dị, có cuộc sống thanh bần. Theo Nguyễn Liên Phong [1821-?] trong Điếu Cổ Hạ Kim Thi Tập, ông là người “hình dung nho nhã, tánh nết cẩn thận hiền lành (...), đã quá tuổi hưu trí mà nhà nước đoái tưởng ngài tuổi lớn nhà nghèo, cho làm luôn”. (Dẫn lại theo Nguyễn Văn Y, tiểu luận đã dẫn, tr. 14.)
Ngoài Đại Nam Quấc Âm Tự Vị được coi là công trình lớn đáng kể nhất, Huình Tịnh Của còn là tác giả, dịch giả của nhiều tác phẩm khác, chia làm hai loại chính: sưu tập - biên khảo, phiên âm - chú thích. Có thể liệt kê theo thứ tự thời gian như sau:
1. Maximes et Proverbes. Sài Gòn: Imprimerie du Gouvernement, 1882, 35 trang.([8])
2. Chuyện Giải Buồn rút trong các sách hay, để giúp trong các trường học cùng những người học tiếng Annam. Sài Gòn: Bản in Quản Hạt, in lần thứ hai, 1886, 100 + 3 trang.
3. Chuyện Giải Buồn cuốn sau dịch rút trong các sách hay, lại phụ các án tấu, án đoán quan Annam làm, lập lời nói trang nhã, lịch sự, để giúp trong các trường học cùng giúp cho các người học tiếng Annam. Sài Gòn: Nhà in Rey et Curiol, 1886, 96 trang.
4. Sách Bác Học Sơ Giai (Simples lectures sur diverses sciences). Sài Gòn: Nhà in Rey et Curiol, 1887, 248 trang.([9])
5. Sách Quan Chế. Sài Gòn: Bản in nhà nước, 1888, 94 trang.
6. Tục Ngữ, Cổ Ngữ, Gia Ngôn. Sài Gòn: Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude & Cie, 1896, 94 trang.([10])
7. Quan Âm Diễn Ca. Sài Gòn: Nhà in Xưa Nay, in lần thứ ba, 1898, 32 trang.
8. Gia Lễ. Sài Gòn: Imprimerie Commerciale Ménard & Rey, in lần thứ hai, 1904, 52 trang.
9. Phép Đo (Arpentage). Sài Gòn: Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude et Cie, 1905, 78 trang.
10. Thơ Mẹ Dạy Con. Sài Gòn : Imprimerie Commerciale, 1905, 61 trang.([11])
11. Trần Sanh Diễn Ca. Sài Gòn: Imprimerie Commerciale, 1905, 61 trang.([12])
12. Lang Châu Toàn Truyện. Bổn cũ sửa lại. Sài Gòn: Imprimerie Commerciale Ménard et Rey, 1905, 38 trang.
13. Văn Doan Diễn Ca. Sài Gòn: Coudurier & Montégout. Sài Gòn: Imprimeurs-Editeurs, 1906, 100 trang.
14. Bạch Viên Tôn Các Truyện. Phụ Chinh Phụ Ngâm. Bổn cũ dọn lại. Sài Gòn: Imprimerie Commerciale, 1906, 36 trang.
15. Chiêu Quân Cống Hồ. Bổn cũ dọn lại. Sài Gòn: Imprimerie Commerciale, in lần thứ hai, 1906, 40 trang.
16. Ca Trù Thể Cách. Sài Gòn: Imprimerie Commerciale Mercellin Rey, 1907, 40 trang.
17. Tống Tử Vưu Truyện. Bổn cũ dọn lại. Sài Gòn: Imprimerie Commerciale, 1904, 32 trang; Sài Gòn: Imprimerie Commerciale, in lần thứ tư, 1907, 30 trang.
18. Thoại Khanh Châu Tuấn. Bổn cũ dọn lại. Sài Gòn: Imprimerie Commerciale, 1908, 28 trang; Sài Gòn: Nhà in Xưa Nay, in lần thứ sáu, 1929, 22 trang.
19. Câu Hát Góp (Recueil de Chansons populaires). Sài Gòn: Impr. Commerciale Ménard Legros, 1901, 32 trang; Sài Gòn: Phát Toán, in lần thứ tư, 1910, 32 trang.
Ngoài ra, Huình Tịnh Của còn một số tác phẩm khác nữa, thấy giới thiệu trên các bìa sách đã xuất bản của ông: Phép Toán (Arithmétique); Tam Soạn Tư Hạt Nhựt Xấp (Recueil des Formules annamites).([13]) Thanh Lãng, trong Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam, Quyển Hạ (Sài Gòn: Trình Bày, 1967, tr. 21), có ghi Huình Tịnh Của là tác giả của Vãn Cha Minh Và Lái Gẫm. André Baudrit, trong Guide historique des Rues de Saigon, ghi ông còn soạn quyển Catéchismes (Saigon, 1885), và dịch nhiều truyện Tàu ra Quốc Ngữ.
TRẦN VĂN CHÁNH
Trích Đạo Uyển Thu 2018, tập 27
(Hà Nội: Nxb Hồng Đức), tr. 51-75.



([1]) Ngày nay người Việt quen nói là Phaolô. [HK chú]
([2]) Làng Phước Tụy là nơi Huình Tịnh Của được sinh ra. Còn quê gốc ông lại là làng Phước Thọ, tổng Phước Hưng Hạ, huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa, tức xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Làng Phước Tụy cũng thuộc tổng Phước Hưng Hạ, nằm cạnh làng Phước Thọ (xem Đoàn Lê Giang, “Những Vấn Đề Về Tiểu Sử Huình Tịnh Của”. Tạp chí Xưa & Nay, số 472, tháng 6-2016, tr. 25.)
([3]) “Chính ông Paulus Huình Tịnh Của đã nhờ Tôn [Thọ Tường] giúp sức trong việc tập rèn khoa chữ Hán” (Khuông Việt, Tôn Thọ Tường Một Danh Sĩ Đất Đồng Nai. Hà Nội: Ngày Nay, 1941, tr. 65. Dẫn lại theo Trần Nhật Vy, “Nhà báo Huình Tịnh Của”, sách chuyên đề Suối Nguồn, Tập 18, tháng 8-2015, tr. 169.)
([4]) chức: Thật ra là ngạch. [HK chú]
([5]) chức: Thật ra là ngạch. [HK chú]
([6]) được bổ làm: Thật ra là được thăng ngạch. [HK chú]
([7]) Để hiểu thêm Huình Tịnh Của với tư cách nhà báo, có thể xem Trần Nhật Vy, tài liệu đã dẫn, tr. 168-177.
([8]) Về sách này, đây dẫn theo Nguyễn Văn Y (tiểu luận đã dẫn, tr. 16). Nhưng theo Đoàn Lê Giang thì có sự nhầm lẫn: Huình Tịnh Của không có riêng quyển Maximes et Proverbes, mà sách này chính cũng là quyển Tục Ngữ, Cổ Ngữ, Gia Ngôn. Sở dĩ có sự lầm lẫn ấy là vì trang bìa sách in cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX thường ghi hai, ba thứ chữ Việt, Pháp, Hán. Nguyên văn trang bìa sách này ghi: “俗語古語嘉言 Tục Ngữ, Cổ Ngữ, Gia Ngôn - Maximes et Proverbes – par Paulus Của Huình-Tịnh Đốc Phủ Sứ - Sài Gòn, Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude & Cie, 1896” (“Những Vấn Đề Về Tiểu Sử Huình Tịnh Của” [tiếp theo bài trước], Tạp chí Xưa & Nay, số 473, tháng 7-2016, tr. 42). Tuy thuyết của tác giả Đoàn Lê Giang nói thế, và có in cả hình bìa cuốn sách để chứng minh, nhưng chúng tôi vẫn còn nghi hoặc, vì không có sẵn đủ tài liệu trong tay để dẫn chứng (biết đâu vẫn có riêng sách Maximes et Proverbes in năm 1882, như vài nhà nghiên cứu về Huình Tịnh Của đã ghi).
([9]) Theo Đoàn Lê Giang (Xưa & Nay, tài liệu đã dẫn, tr. 43), sách này có tài liệu ghi là Bác Học Sơ Giải, nhưng phải là Bác Học Sơ Giai mới đúng. “Sơ giai” là bậc thềm đầu, giai đoạn đầu, bước đầu. “Sơ giải” là giải thích đơn giản.
([10]) Xem chú thích số 13 trong bài này.
([11]) Đoàn Lê Giang (Xưa & Nay, số 473, tài liệu đã dẫn) ghi Thơ Mẹ Dạy Con, 1907; Sài Gòn: Imp. Moderne, 1913, 12 trang.
([12]) Đoàn Lê Giang (Xưa & Nay, số 473, tài liệu đã dẫn) còn ghi thêm: Bản in 1928 của nhà in Thạch Thị Mau đổi tên là Trần Sanh Ngọc Anh, 30 trang.
([13]) Theo Nguyễn Văn Y (tiểu luận đã dẫn, tr. 17-18).



 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

3. Trích Chuyện Giải Buồn, cuốn sau (Sài Gòn, 1886)



ĐỌC LẠI CHUYỆN GIẢI BUỒN
Trích Chuyện Giải Buồn, cuốn sau (Sài Gòn, 1886)

70. Thanh dạ văn chung (Đêm thanh nghe chuông)

Đời nhà Minh có hai ông quan có thinh danh lớn; một ông giàu, một ông nghèo. Ông giàu có một người con trai bạc hạnh,([1]) phóng đãng ăn chơi, ngày theo cờ bạc, tối dựa thanh lâu.([2]) Cha làm hết cách răn con không đặng.
Một bữa ông nghèo tới viếng ông giàu, trách ông giàu rằng chẳng hay kềm thúc con nhà, để nó hoang, thì e phải đãng sản khuynh gia.([3])
Ông giàu tự nhược ([4]) đáp lại rằng: Nếu mình làm quan thanh liêm, dầu làm cho tới bậc đại thần, cũng không hậu súc;([5]) nay mình làm ra sự nghiệp nầy, thì làm sao cũng không khỏi bác tước ([6]) của dân, tích lấy của phi ngãi;([7]) bởi vậy ông Trời giả thủ ([8]) nơi con tôi, khiến cho nó phá; bằng chẳng vậy, thì là Thiên phú bất đạo chi gia,([9]) nghĩa là Trời làm giàu cho nhà vô đạo, để cho cha con tôi tọa hưởng của phi nhơn phi ngãi sao.
* Ghi chú của HK: Cứ theo lời nói của ông quan giàu trong truyện thì phải chăng xưa nay những kẻ tạo nên tài sản lớn lao bằng những cách bất chánh và họ có con ăn hại, phá của thì có nghĩa là họ đang bị quả báo nhãn tiền?
Nhan đề chuyện kể này thoạt nghe có vẻ lạ, vì chẳng dính dáng tới cuộc đối đáp giữa hai ông quan. Nhưng ngẫm nghĩ thì sâu sắc.
Giữa ban ngày náo nhiệt, một tiếng chuông ngân dễ bị át giọng, có ai thèm để lọt tai hay chú ý lắng nghe. Giữa cơn hăng say sát phạt trên trường danh lợi, mấy ai chịu nghe lời đạo đức, biết kềm tâm cho khỏi sa ngã vào bả lợi danh.
Tuy nhiên, giữa đêm thanh vắng, một tiếng chuông ngân trong trẻo dễ khiến người ta chú ý lóng tai nghe. Vậy thì đêm thanh ấy ám chỉ cái tâm không còn nổi sóng vì ham muốn thỏa mãn danh lợi. Chỉ lúc thanh tĩnh đó người ta mới có thể ưng chịu để những lời đạo đức lọt vào tai.
Ở đời, không ít người giác ngộ tìm tu chỉ sau khi hứng chịu một nghịch cảnh quá lớn. Chừng hiểu đạo rồi, nhớ lại tai ách quá khứ, họ mừng vui mà tạ ơn Trời Phật đã từ bi dội cho họ một thùng nước lạnh ngắt, để họ tỉnh ngủ và thoát khỏi cơn mê muội chạy theo danh lợi.
Cuộc đời Paulus Của là một gương thanh liêm, bởi vậy ông nghèo. Nguyễn Liên Phong (1821-?) trong Điếu Cổ Hạ Kim Thi Tập chép về ông Của như sau: “(H)ình dung nho nhã, tánh nết cẩn thận hiền lành (...), đã quá tuổi hưu trí mà nhà nước đoái tưởng ngài tuổi lớn nhà nghèo, cho làm luôn”.([10])

96. Tôn Tất Chấn

Người Tôn Tất Chấn đi đò, rủi trời nổi dông, sóng dồi đò muốn chìm, người trong đò đều sợ hãi. Xảy ([11]) thấy một ông thần bận giáp vàng đứng trên mây, tay cầm một cái bảng chữ vàng, trở bề chữ cho ai nấy coi, đề rõ ràng Tôn Tất Chấn ba chữ.
Ai nấy gọi Tôn Tất Chấn nói: Chú thấy không, Trời hành chú đó, chú phải sang đò khác kẻo lây tới với tôi. Tôn Tất Chấn chưa kịp nói, mấy người dưới đó nóng nảy, ngó bên đò có một chiếc ghe nhỏ đi gần, xúm lại bắt quách anh ta, xô đùa qua đó.

Tôn Tất Chấn qua ghe nhỏ vừa rồi,([12]) ngó lại thì chiếc đò lớn ấy chìm mất.

* Ghi chú của HK: Trong cơn hoạn nạn, thói thường con người dễ sanh lòng ích kỷ, chỉ lo riêng phận mình. Giữa cơn nguy khốn, thay vì biết nương tựa nhau, những kẻ trên đò lớn lại vì tham sống mà ác độc với khách đồng hành. Họ không dè rằng nếu một người có đức lớn, chưa tới số chết mà tình cờ ngồi chung đò với họ, có khi tánh mạng họ chưa phải chấm dứt ngay. Chuyện kể này cho thấy những người đi chung chiếc đò lớn ấy đều chịu trả chung cộng nghiệp dữ (collective evil karma). Ông Tôn Tất Chấn nhờ không phải chia sẻ khối cộng nghiệp quá dữ đó nên thoát chết.

Trưa ngày 14-8-2018, tại thành phố cảng Genoa nước Ý xảy ra tai nạn sập cầu thảm khốc, ít nhất có ba mươi tám người bỏ mạng. Một gia đình du khách may mắn thoát chết. Họ gồm bốn người (với hai trẻ nhỏ) là cư dân thị trấn Bicester, hạt Oxfordshire, đông nam nước Anh. Một người trong gia đình ấy là Lisa Henton-Mitchell kể với báo chí rằng họ đã dừng lại ở một service station (trạm xăng và sửa xe) để vào nhà vệ sinh trước khi cho xe qua cầu, nhờ vậy mà sống sót.([13])

Có thể xem gia đình Lisa tình cờ thoát chết, nhưng xét về nghiệp báo thì không có gì là tình cờ cả. Bởi vậy trong đạo Cao Đài có bài kinh cầu khi xuất hành; người tu cầu xin Ơn Trên che chở để dọc đường tránh khỏi tai bay vạ gió.

Đầu xuân năm Mậu Dần (1938), tại Ngũ Phụng Kỳ Sơn (nằm trong đất của ông Lê Văn Sở là tín đồ Cao Đài Tây Ninh; nay thuộc xã Ninh Sơn, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh), Đức Lý Thái Bạch ban cho Kinh cầu khi xuất hành gồm mười câu lục bát như sau:

Trong vòng luân chuyển trần gian,
Lại qua lui tới dinh hoàn ([14]) chuyển luân.
Nay con ____ ____ ([15]) dời chân,
Cầu xin Thượng Phụ,([16]) Thánh Thần cảm thương.
Những điều tai nạn khỏi vương,
Thần linh phò hộ bước đường bình an.
Đi về đều đặng vững vàng,
Côn trùng, thảo mộc vô can ([17]) phạm nhằm,
Bạch Thầy con thiệt vô tâm,([18])

Cầu xin Thượng Phụ ân thâm độ cùng.

Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Bài kinh này ngắn, dễ học thuộc, đọc cũng nhanh. Tôi biết nhiều đạo hữu đã trải nghiệm sự linh ứng mầu nhiệm nhờ đọc kinh này.

99. Trương Bất Lượng

Có một người đi buôn, vừa tới đầu đất Trực Lệ thình lình trời mưa đá, chun vào đám lúa mà núp, xảy ([19]) nghe trên không có tiếng rằng: Ấy là ruộng Trương Bất Lương, chớ hại lúa nó. Người buôn ấy ngẫm nghĩ họ Trương ấy là ai, đã gọi rằng Bất Lương, sao còn hồi họ.([20]) Giây lâu hết mưa, người buôn ấy vào trong xóm hỏi thăm quả có Trương Bất Lượng, không phải là Bất Lương.
Người buôn ấy học ([21]) chuyện lại, hỏi ngụ ý chi mà đặt là Bất Lượng. Người ta nói họ Trương ấy giàu lúa, dân nghèo đều tới vay mượn, đến khi trả chẳng luận nhiều ít, có bao nhiêu trả bấy nhiêu, họ Trương tin bằng lời chẳng đong đi đong lại, cho nên trong làng ai nấy đều gọi là Bất Lượng, nghĩa là chẳng đong lường.
Các chủ ruộng chạy ra đồng coi lúa, đám nào cũng ngã rạp, có một sở ruộng họ Trương lúa đứng sựng không hao một gié.([22])
* Ghi chú của HK: Chuyện này ngụ ý nói rằng người nào đức độ sâu dày thì quỷ thần đều khâm phục, luôn che chở, bảo hộ. Nói về gương đức trọng quỷ thần khâm có tích ông My Trúc 麋竺 đời Hán.
My Trúc tự là Tử Trọng (mất năm 221) làm mưu sĩ dưới trướng của Lưu Bị (nhà Hán). Em gái ông (My phu nhân) là vợ của Lưu Bị. Trước khi tham chính, My Trúc là nhà giàu, thường qua Lạc Dương buôn bán. Ngày kia, trong khi ngồi xe trở về nhà bỗng gặp một nàng tuyệt đẹp mặc áo đỏ rực đứng bên vệ đường ngoắc xin đi nhờ xe. Ông liền bước xuống đi bộ, nhường chỗ cho nàng. Mỹ nhân nằng nặc đòi ông lên ngồi chung, nếu không nàng sẽ xuống xe đi bộ. Ông đành lên xe ngồi cạnh người đẹp, rất ngay ngắn, mắt luôn nhìn thẳng về phía trước, không lợi dụng hoàn cảnh mà trêu hoa ghẹo nguyệt. Xe đi được rất xa, nàng xin dừng lại, cảm ơn và cáo từ. Lúc ấy nàng nhìn ông chăm chăm rồi bảo: “Ta là bà Hỏa (Hỏa Đức Tinh Quân), hôm nay vâng lệnh Trời tới đốt nhà ông. Thấy ông là chính nhân quân tử nên ta lộ bí mật cứu ông. Hãy mau về nhà chuyển hết gia sản ra ngoài. Đêm nay ta tới.” Dứt lời nàng liền biến mất. My Trúc kinh sợ, vội phóng xe về làm theo lời dặn. Chiều tối hôm ấy, quả nhiên có lửa từ dưới bếp dưng không bốc lên, thiêu rụi nhà cửa, nhưng của cải thì đã cứu được.

103. Chuyện họ Đỗ

Họ Đỗ ở sông Nghi, ở trong chợ bước ra, ngồi dựa vách tường đợi bạn hàng,([23]) mệt ngủ quên, thấy một người cầm trát bắt y đi tới một tòa dinh dãy,([24]) không biết là dinh ông nào, con mắt chưa tầng thấy.([25]) Vào dinh thấy một người đội mão ống ([26]) ở trong đi ra, Đỗ nhìn thì là họ Trương ở đất Thanh Châu cũng là người cố cựu.([27])
Trương thấy Đỗ, thất kinh, hỏi làm sao anh lọt xuống đây. Đỗ nói không biết làm sao mà có trát đòi. Trương nghi đòi lầm, xắm rắm ([28]) đi hỏi, biểu Đỗ phải ở một chỗ đừng đi đâu lạc thì cứu không đặng.
Trương nói rồi đi mất, hồi lâu có người đi trát tới chịu ([29]) đòi lầm, cho Đỗ về. Đỗ từ biệt ra đi, dọc đàng gặp sáu bảy đứa con gái lịch sự,([30]) phải lòng đi theo, qua đàng chẹt,([31]) trở lộn xuống, được vài mươi bước, Trương ở đàng sau kêu lớn, hỏi: Anh Đỗ toan đi đâu?
Đỗ mê sa xăm xăm đi mãi, giây lâu thấy mấy đứa con gái chun vào lều. Đỗ nhìn là quán rượu mụ Vầm, chun vào cửa, ngó quanh quất, thấy mình nằm chung một chuồng với con heo, sờ sờ đã hóa ra heo, tai còn nghe tiếng Trương kêu vẳng vẳng, sợ hoảng đụng đầu vào vách tường, xảy ([32]) nghe tiếng người ta nói: Con heo con điên, nó nhảy chết.
Đỗ ngó ngoái thấy mình lại hóa ra người, lật đật chạy ra khỏi cửa, thì thấy Trương chực ngoài đường dức ([33]) rằng: Tôi đã dặn anh đừng đi, sao anh không nghe, thiếu một chút nữa thì đã không xong.
Nói rồi Trương nắm tay Đỗ đưa ra tới cửa chợ, từ giã mà đi. Họ Đỗ thức giấc thì mình hãy còn ngồi dựa vách, tới quán mụ Vầm hỏi quả có một con heo con nhảy đụng vách tường mà chết.
* Ghi chú của HK: Chuyện này răn đàn ông ham nữ sắc, có phần nào giống câu chuyện sau đây:
Tương truyền một ông tướng của Quốc Dân Đảng là Phan Văn Hoa 潘文華 (1886-1950), hiệu Trọng Tam 仲三, người tỉnh Tứ Xuyên, từng là người rất háo sắc. Một đêm mùa hạ, sau cuộc truy hoan, tướng quân mệt mỏi nằm ngủ vùi. Bỗng ông chiêm bao thấy chín cô gái xinh đẹp đi vào phòng ngủ, la cà quanh giường ông một chốc rồi kéo nhau đi nhanh ra cửa. Ông tướng thích quá, ngồi bật dậy, lật đật bám theo. Cứ thế ông nối gót họ đi ra khỏi thành, cuối cùng tới một vùng quê mộc mạc. Chín cô gái xăm xăm bước vào một gian nhà tranh, rồi đồng loạt nằm cả xuống sàn. Phan tướng quân chẳng ngại ngùng, cũng nhào xuống nằm chen với bọn mỹ nữ. Liền lúc ấy, vị tướng chợt nghe tiếng đàn bà mừng rỡ gọi chồng: “Ông nó ơi! Mau dậy mà ra xem. Heo nhà mình vừa đẻ chín con cái, một con đực đây nè!”
Phan tướng quân hoảng hồn, tự nhủ: “Hỏng rồi! Chẳng lẽ mình biến thành heo ư?!” Thế là ông bật dậy, tìm cách tông cửa chuồng thoát ra ngoài, rủi ro lại rơi xuống hố phân gần đó. Lúc ấy ông choàng tỉnh giấc, mồ hôi vã ra như tắm.
Sáng hôm sau, ông dẫn hai người lính cận vệ, tất cả đều mặc thường phục lẳng lặng ra ngoài thành. Ông ráng nhớ lại hành trình trong giấc mơ để lần dò tìm cho được mái nhà tranh nơi thôn dã. Lạ thay! Ông càng đi thì càng thấy quang cảnh bên đường y hệt trong chiêm bao. Rốt cuộc, ông tìm được mái tranh của đôi vợ chồng nhà quê. Kiếm cớ để vào nhà hỏi thăm, ông biết đêm qua heo nái nhà họ quả thật đẻ được một lứa mười con: chín cái, một đực. Chủ nhà buồn buồn bảo: “Con heo đực chẳng hiểu vì sao mà xổng chuồng, rơi ngay xuống hố phân chết toi.” Phan tướng quân sợ hãi, cả người lạnh toát. Trở về doanh trại, ông thành tâm cải hối, quyết tâm từ bỏ thói đam mê sắc dục, trăng hoa.
Ngày nay, giấc mơ hóa thành heo của ông Phan được đăng tải khá nhiều trên Internet, tiếng Việt và chữ Hán.([34]) Người Hoa gọi tích ông Phan là Tham hoa háo sắc mộng biến trư 貪 花 好 色 夢 變 豬: Tham muốn sắc  dục nằm mơ biến thành heo.


Phan tướng quân là nhân vật có thực. Trộm nghĩ, nếu là chuyện bịa, ắt con cháu họ Phan hay chiến hữu của ông đang ở Đài Loan há dễ làm ngơ.
Như vậy, khi viết tiểu thuyết Tây Du Ký Diễn Nghĩa, Ngô Thừa Ân (1500/1506?-1581) không phải vô cớ mà cho Thiên Bồng Nguyên Soái trên Thiên Đình, vì mắc tội trêu ghẹo Hằng Nga xinh đẹp mà phải đầu thai xuống trần làm heo, tức là Trư Bát Giới.




THAY LỜI KẾT
Người xưa thường khiêm tốn, hay nói giảm. Kết thúc một tuyệt tác như Truyện Kiều mà Nguyễn Du nói nhẹ hều: “Lời quê chắp nhặt dông dài / Mua vui cũng được một vài trống canh.” Cũng vậy, Paulus Của gom nhặt chuyện xưa tích cũ, trong đó hầu hết chuyện kể rõ ràng chuyên chở đạo lý làm người. Thế nhưng, thay vì mượn một thành ngữ đã quá quen thuộc (văn dĩ tải đạo), ông chỉ nói nhẹ hều: Chuyện Giải Buồn.
Khi buồn chán, người ta có nhiều cách tiêu khiển. Cách giải buồn mà Paulus Của hiến tặng cho đời là cách mà các bậc hiền nhân xưa nay vẫn thực hiện. Được ăn học tử tế, biết chữ biết nghĩa, thay vì lạm dụng vốn học thức đó thỏa mãn tư dục tư lợi, các vị như Paulus Của dụng trí tài đem chữ nghĩa phô bày ra giấy trắng mực đen, lưu truyền đạo lý trong xã hội.
Các vị dẫu qua đời từ thuở, thời thế dẫu thạnh suy bao lần, nhưng sách vở các vị soạn ra hãy còn tồn tại nơi này nơi khác giữa chốn nhân gian. Đời sau, ai hữu duyên thì được đọc sách các vị. Nhờ vậy mà dòng đạo lý trường lưu bất tận.
Xin thắp nén tâm hương tưởng nhớ một hiền nhân, con chiên của Chúa: Phaolô Huình Tịnh Của.
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 20-8-2018



([1]) bạc hạnh: Tánh nết xấu, hạnh kiểm không tốt.
([2]) thanh lâu: Lầu xanh, chỗ ăn chơi trụy lạc, mua bán xác thịt.
([3]) đãng sản khuynh gia 傾家: Làm tiêu tán, tan hoang tài sản, cửa nhà nghiêng đổ.
([4]) tự nhược 自若: Thản nhiên, bình thản.
([5]) hậu súc 厚蓄: Tích trữ nhiều của cải; giàu lớn.
([6]) bác tước: Bức hiếp, tước đoạt mà chiếm lấy tài sản người khác.
([7]) phi ngãi: Phi nghĩa, không hợp đạo lý.
([8]) giả : Mượn. giả thủ 假手: Mượn tay. hồ giả hổ uy 狐假虎威: Cáo mượn oai hùm.
([9]) 天富不道之家
([10]) Xem Phụ Lục, bài của Trần Văn Chánh, tr. 48.
([11]) xảy: Thình lình, bỗng nhiên, bất ngờ.
([12]) vừa rồi: Vừa xong.
([13]) In another interview, Lisa told how the family had stopped to use a toilet before crossing the bridge. / She told the BBC: "We had stopped at a service station to use the toilet.”
https://www.mirror.co.uk/news/world-news/genoa-bridge-collapse-brit-couple-13088452
([14]) dinh hoàn: Doanh hoàn, cõi thế gian, cõi trần.
([15]) Tùy trường hợp cụ thể mà tìm hai chữ điền vào cho đủ. Thí dụ, bắt đầu từ quận Phú Nhuận cất bước ra đi, thì có thể đọc là: Nay con Phú Nhuận dời chân.
([16]) Thượng Phụ: Cha Trời, Đức Cao Đài Tiên Ông.
([17]) vô can: Ở đây có thể hiểu là vô tình, không cố ý.
([18]) vô tâm: Không cố ý.
([19]) xảy: Thình lình, bỗng dưng.
([20]) hồi họ: ? (Chưa rõ nghĩa. Tôi đoán là che chở, bênh vực.)
([21]) học: Thuật, kể.
([22]) gié: Bông lúa.
([23]) bạn hàng: Bạn bè cùng buôn bán chung với nhau.
([24]) dinh dãy: Nhà quan, đông người và đẹp đẽ.
([25]) chưa tầng thấy: Chưa từng thấy, chưa hề thấy.
([26]) mão ống: Cái mão hình trụ, thuôn cao lên, như cái ống.
([27]) cố cựu: Bạn bè cũ.
([28]) xắm rắm: Toan, chực, sắp sửa.
([29]) chịu: Nhìn nhận, chịu lỗi.
([30]) lịch sự: Xinh đẹp.
([31]) đàng chẹt: Đường hẹp.
([32]) xảy: Thình lình, bỗng dưng.
([33]) dức: La lối, trách móc, mắng mỏ.
([34]) Một bản chữ Hán tại: http://blog.xuite.net/imissyou7799/twblog/193049192. Ảnh Phan Văn Hoa mượn từ blog này (tại Đài Loan).



 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.