Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

53/1. CẤM ĐẠO CAO ĐÀI Ở TRUNG KỲ (1928-1950)


HUỆ KHẢI (Dũ Lan LÊ ANH DŨNG)
Nhà xuất bản TÔN GIÁO (Hà Nội 2012)
GIAO CẢM
Trên báo Mai, số 20 ngày 25-4-1961, Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) viết:
“... phần ai biết được một tài liệu gì về sử cũng có bổn phận phải chép lại bằng cách nào cũng được, miễn thận trọng và thành tâm là quý rồi. Nếu không vậy thì thực khổ tâm cho những người sau muốn tìm hiểu những người trước ...”
Lời khuyên chí lý này khiến tôi không ngại rằng tài liệu thu thập bước đầu hãy còn mỏng, nên vẫn thử đóng góp chút ít sử liệu này vào công cuộc nghiên cứu lịch sử đạo Cao Đài.
Trước khi được ấn tống, bài viết này đã lần lượt được đăng trên: tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển (Sở Khoa Học Và Công Nghệ Thừa Thiên Huế, số 1, tháng 4-2006; nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc, số 138, tháng 6-2006; kỷ yếu Trung Hưng Kỷ Niệm Năm Mươi Năm Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Nxb Tôn Giáo (Hà Nội: tháng 6-2006).
Lần in này, ngoài các phụ bản, tôi chuyển ngữ mười hai sự kiện cấm đạo Cao Đài, như một tóm tắt bằng tiếng Anh.
Tôi chân thành biết ơn Quý vị Mạnh Thường Quân đáng kính đã giúp phương tiện ấn tống rộng rãi tập sách này.
Bà Chiểu, tháng 6-2012
Huệ Khải

CẤM ĐẠO CAO ĐÀI Ở TRUNG KỲ (1928-1950)
I. KHÁI QUÁT HỆ THỐNG HÀNH CHÁNH TRUNG KỲ SAU NGÀY THIẾT LẬP CHẾ ĐỘ TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG (17-10-1887)
Thời kỳ Pháp thuộc (1887-1945), Việt Nam bị chia thành ba miền là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau.[1]
Theo hòa ước Harmand ký ngày 25-8-1883 thì địa giới Trung Kỳ trải dài từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến đèo Ngang.[2]
Hòa ước Patenôtre ký ngày 06-6-1884 quy định lại địa giới Trung Kỳ kể từ phía nam tỉnh Bình Thuận trở ra đến phía nam tỉnh Ninh Bình.[3]
Chính quyền Nam Triều chỉ còn quyền lực hạn chế trong phạm vi Trung Kỳ, trải dọc theo ba cấp: trung ương, tỉnh và xã. Ngoài ra, Đà Nẵng (cùng với Hà Nội và Hải Phòng) trở thành nhượng địa [4] hoàn toàn của Pháp do Dụ ngày 01-10-1888 của Đồng Khánh.[5]
1. Trung ương
Trên cùng là Vua, sau đó là tứ trụ triều đình và Hội Đồng Phụ Chánh.
Tứ trụ triều đình gồm bốn viên quan hàm chánh nhất phẩm, tước Đại Học Sĩ, chức năng tham mưu cho Vua (quân sư).
Khi Vua còn nhỏ tuổi, tứ trụ triều đình sẽ đảm trách cương vị Phụ Chánh Đại Thần và lập nên Hội Đồng Phụ Chánh [6] để thay Vua điều hành việc triều.
Đầu năm 1897, Paul Doumer (1857-1932) được bổ làm Toàn Quyền Đông Dương,[7] nhiệm kỳ cho tới năm 1902. Doumer ép Vua Thành Thái [8] ra Dụ ngày 27-9-1897 gồm mười một điều khoản để tổ chức lại Nam Triều. Theo đó, Hội Đồng Phụ Chánh bị bãi bỏ.
Khi Khải Định qua đời (06-11-1925), Bảo Đại [9] đang học bên Pháp, Hội Đồng Phụ Chánh được lập lại, chủ tịch là Tôn Thất Hân (1854-1943). Ông Hân giữ chức vụ này tới khi về hưu (1932).
Triều đình có sáu Bộ: Lại, Hộ, Binh, Hình, Lễ, Công.[10] Đứng đầu mỗi Bộ là một quan Thượng Thư làm thành viên của Cơ Mật Viện.[11]
Năm 1908 lập thêm Bộ Học,[12] sau đổi tên thành Bộ Quốc Gia Giáo Dục,[13] do một Dụ ngày 10-9-1932 của Bảo Đại.
Dụ số 29 ngày 02-5-1933 bỏ Bộ Binh.
Năm 1939, Nam Triều có bảy Bộ: Lại; Quốc Gia Giáo Dục; Tài Chánh; Tư Pháp; Lễ; Kinh Tế Nông Thôn, Thủ Công Nghiệp Và Cứu Tế Xã Hội; Công Chánh.[14]
Khâm Sứ Trung Kỳ [15] là người Pháp, có quyền chủ tọa Hội Đồng Tôn Nhân Phủ [16] và Cơ Mật Viện. Mọi việc quan trọng của các bộ phải chuyển qua Cơ Mật Viện giải quyết. Sau khi hội bàn, Cơ Mật Viện làm tờ trình, đến khi Khâm Sứ phê chuẩn xong mới trình lên Vua đóng ấn và ban bố. Tòa Khâm Sứ Trung Kỳ [17] là cơ quan trợ giúp cho khâm sứ.
2. Tỉnh
Đứng đầu tỉnh lớn (như Bình Định, Nghệ An, Quảng Nam, Thanh Hóa) là Tổng Đốc. Phụ trách thuế là Bố Chánh. Phụ trách tư pháp là Án Sát.
Đứng đầu tỉnh bậc trung (như Hà Tĩnh) là Tuần Vũ (Tuần Phủ), có Bố Chánh và Án Sát phụ giúp.
Đứng đầu tỉnh nhỏ là Tuần Vũ, có Án Sát phụ giúp (như Khánh Hòa, Quảng Trị), hoặc chỉ có Bố Chánh phụ trách chung và thêm Án Sát phụ giúp (như Bình Thuận, Quảng Bình).
Đứng đầu phủ Thừa Thiên (nơi đặt kinh đô triều Nguyễn) là Phủ Doãn.
Mỗi tỉnh Trung Kỳ chia ra nhiều phủ. Mỗi phủ miền xuôi chia ra nhiều huyện. Mỗi phủ miền rừng núi chia ra nhiều đạo và châu. Mỗi phủ, huyện, đạo, châu do Tri Phủ, Tri Huyện, Quản Đạo, Tri Châu nắm giữ.[18]
Các quan Nam Triều làm đầu tỉnh Trung Kỳ chịu sự chi phối của Công Sứ.[19] Công Sứ (người Pháp) thay mặt Khâm Sứ tại Huế để nắm và chỉ đạo mọi hoạt động từ cấp tỉnh trở xuống. Phó Sứ [20] phụ tá cho Công Sứ ở các tỉnh lớn. Tòa Công Sứ [21] là cơ quan trợ giúp cho Công Sứ.
3. Xã, Tổng
Đứng đầu mỗi xã là Lý Trưởng, có Phó Lý trợ giúp. Nhiều xã hợp thành tổng do Chánh Tổng và Phó Tổng phụ trách.
4. Thành phố Đà Nẵng
Do Nghị Định ngày 24-5-1889 của Toàn Quyền Đông Dương Étienne Antoine Guillaume Richaud,([22]) Đà Nẵng là thành phố cấp hai [23] cũng như Chợ Lớn (do Nghị Định ngày 20-10-1879 của Thống Đốc Nam Kỳ Le Myre de Villiers). Ngoài ra, ba thành phố cấp một [24] là Hà Nội, Hải Phòng (đều do Sắc Lệnh ngày 19-7-1888 của Tổng Thống Marie François Sadi Carnot) và Sài Gòn (do Sắc Lệnh ngày 08-01-1877 của Tổng Thống Patrice Mac-Mahon).
Đứng đầu thành phố Đà Nẵng là Đốc Lý [25] – người Pháp – do Khâm Sứ đề nghị và Toàn Quyền Đông Dương bổ nhiệm. Ủy Ban Thành Phố [26] giúp việc cho Đốc Lý. Mọi quyết định của Ủy Ban này trước khi thi hành phải thông qua Khâm Sứ.[27]
II. TRƯỚC KHI CAO ĐÀI TRUYỀN RA, TRUNG KỲ RẤT RỐI REN
Những năm đầu thế kỷ 20, Trung Kỳ rất rối ren vì liên tiếp nổi lên nhiều phong trào yêu nước chống thực dân Pháp. Chẳng hạn, năm 1904 chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940) đã cùng hai mươi đồng chí họp tại tỉnh Quảng Nam để thành lập Duy Tân Hội.
Chưa thể liệt kê đầy đủ các sự kiện nơi đây, nhưng hãy tạm nêu khái quát hai trường hợp rất nổi tiếng mà thực dân Pháp và Nam Triều từng nhắc tới trong lệnh cấm đạo Cao Đài ở Trung Kỳ.
1. Võ Trứ (?-1898) và Trần Cao Vân (1866-1916)
Võ Trứ sinh khoảng năm 1855 hay 1860, người làng Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tham gia phong trào Cần Vương của Mai Xuân Thưởng (1885). Việc lớn thất bại, ông lên núi trốn, rồi ẩn tu trong một chùa nhỏ ở huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên). Sau này ông kết hợp cùng Trần Cao Vân mưu việc chống Pháp. Năm 1898, cuộc khởi nghĩa ở Phú Yên thất bại, ông bị thực dân Pháp xử tử.[28]
Trần Cao Vân tên thật là Trần Công Thọ, còn có tên khác là Trần Cao Đệ, biệt hiệu Hồng Việt, bí danh Chánh Minh, biệt danh là Bạch Sĩ. Ông người làng Tư Phú, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1916 ông cùng Thái Phiên và Vua Duy Tân [29] âm mưu khởi nghĩa kháng Pháp. Việc lớn thất bại, Vua bị đày ra đảo Réunion ở Ấn Độ Dương, còn Trần Cao Vân bị chém.[30]
Đặc điểm của hai nhà ái quốc họ Võ, họ Trần là mọi hoạt động tuyên truyền, đi lại các nơi để chiêu tập nghĩa binh, thu phục nhân tâm… đều che giấu dưới hình thức tín ngưỡng dân gian:
- Võ Trứ thường khoác áo nhà sư đi cho thuốc cứu bệnh dịch.
- Trần Cao Vân làm đạo sĩ kiêm thầy phong thủy.
2. Trung Kỳ dân biến (1908)
Trung Kỳ dân biến là phong trào tự phát của nông dân miền Trung đứng lên đòi hỏi thực dân Pháp và Nam Triều phải giảm xâu,[31] giảm thuế. Diễn biến có những mốc chính như sau:
Ngày 11-3-1908, tại tỉnh Quảng Nam, khoảng ba trăm nông dân bao vây Tòa Công Sứ ở Hội An.
Ngày 13-3, số người biểu tình càng tăng nhiều và đông hơn, tất cả dinh thự của quan lại cấp tỉnh đều bị bao vây.
Ngày 31-3, tại tỉnh Quảng Ngãi, đông đảo nông dân bao vây các công sở.
Ngày 09-4, tại phủ Thừa Thiên, nông dân biểu tình ở Huế.
Ngày 16-4, tại tỉnh Bình Định, có khoảng bốn trăm người bao vây các công sở trong lúc mấy ngàn nông dân tuần hành khắp tỉnh.
Quyền Toàn Quyền Đông Dương Louis Alphonse Bonhoure [32] cho điều quân chính quy Pháp từ Bắc Kỳ vào dẹp phong trào. Lính Pháp xả súng bắn thẳng vào đám đông. Mặt khác, lính Pháp chốt chặn ở Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh để phong trào không tiếp tục lan rộng.
Mãi đến ngày 05-8-1908 tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương là Piel mới cho triệt thoái hết binh lính trở về Bắc Kỳ.[33]
Chí sĩ Phan Châu Trinh (1872-1926) viết Trung Kỳ Dân Biến Tụng Oan Thỉ Mạt Ký kể rõ sự kiện này.
Trung Kỳ dân biến được xem là kết quả trực tiếp của công cuộc vận động duy tân và dân quyền của Phan Châu Trinh và các sĩ phu cùng chí hướng. Vì thế, mặc dù Phan Châu Trinh không trực tiếp tổ chức và lãnh đạo Trung Kỳ dân biến, Khâm Sứ Trung Kỳ Fernand Lévecque [34] đã gởi công điện ngày 29-3-1908 yêu cầu Thống Sứ Bắc Kỳ [35] Louis Jules Morel [36] bắt Phan chí sĩ ngày 10-4-1908 rồi áp giải về Huế kết án.
III. NAM TRIỀU VÀ THỰC DÂN PHÁP Ở TRUNG KỲ KHÔNG NGỪNG CẤM ĐẠO CAO ĐÀI
Những biến động, rối ren liên tiếp ở Trung Kỳ đầu thế kỷ 20 khiến cho ngay từ khi đạo Cao Đài vừa mới ra đời ở Nam Kỳ được hai năm (1926-1928) thì thực dân Pháp và Nam Triều đã sớm tìm nhiều cách ngăn chặn không cho đạo Cao Đài phát triển ra Trung Kỳ.
Liệt kê theo trình tự thời gian, mười hai sự kiện sau đây bao gồm các lệnh cấm đạo ban hành từ trung ương (Huế) cùng với những vụ đàn áp ở địa phương là hậu quả của chính sách cấm đạo.
1. Thứ Năm 26-01-1928 (04-01 Mậu Thìn)
Thông Tư ngày 04-01 năm Bảo Đại thứ Ba cấm truyền đạo Cao Đài ở Trung Kỳ. Nội dung như sau:
“Cơ Mật Viện thông tư các nha tại kinh đô và các phủ, tỉnh, đạo tại ngoại:
Chiếu theo khoản thứ 13 trong hòa ước năm 1884, thời được truyền giáo giảng giáo trong bản quốc duy giáo Thiên Chúa mà thôi, ấy là thuộc về đồng tôn và các ông giám mục, linh mục, giáo sĩ về giáo La Mã [37] mới được truyền thọ giáo pháp.
Gần đây nghe được có tân giáo tức là hội Tin Lành và đạo Cao Đài truyền giáo tại xứ Nam Kỳ đã nhiều, mới đây đã tràn ra vài tỉnh phía Nam Trung Kỳ, nếu hai giáo ấy truyền bá càng ngày càng nhiều, người tin theo càng ngày càng đông, thời những kẻ hiếu sự không khỏi mượn đó mà làm rối loạn cuộc trị an trong bản hạt, mà nhơn dân phải mắc lầm, tức như tụi Võ Trứ và Trần Cao Vân năm trước đều nhơn sự truyền giáo mà phiến loạn, cho đến họa cập bình dân thiệt là gương trước mắt.
Vậy nên thương đồng với với các quan công sứ, cấm chỉ tân giáo ấy và đạo Cao Đài, chớ cho truyền bá lưu hành trong hạt Trung Kỳ; hễ không tuân thời chiếu luật nghĩ trị. Khoản nầy đã thương quý Khâm Sứ đại thần ý hiệp. Vậy nên thông tư cho các quan biết mà làm.” [38]
Thông Tư trên ban hành lúc Bảo Đại còn đang học ở Pháp (từ năm 1922). Cuối năm 1925 Vĩnh Thụy về Huế chịu tang Khải Định, rồi lên ngôi lấy hiệu Bảo Đại (08-01-1926), xong lại trở qua Pháp học tiếp cho đến tháng 9-1932 mới trở về Việt Nam.
2. Chủ Nhật 20-5-1928 (02-4 Mậu Thìn)
Khâm Sứ Trung Kỳ Jules Friès [39] ra Nghị Định số 1321 cấm quyển Thánh Ngôn Thần Tiên Đại Pháp (Messages des Grands Esprits de France) do Thái Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950) xuất bản tại Sài Gòn, tiếng Pháp và dịch quốc ngữ. Khoản thứ Nhất của Nghị Định này nói rõ rằng: “không cho đem sách ấy thâu nhập, truyền bá, phát mại và tàng trữ trong hạt xứ Trung Kỳ.”
Nghị Định số 1321 cũng đã được Cơ Mật Viện thông tư cho các bộ, nha tại Kinh và các tỉnh xứ Trung Kỳ ngày 13-4 năm Bảo Đại thứ Ba.[40]
3. Thứ Tư 06-3-1929 (25-01 Kỷ Tỵ)
Thông Tri số 40 ngày 25-01 năm Bảo Đại thứ Tư cấm theo đạo Cao Đài và truyền đạo Cao Đài hay “Phật Giáo chấn hưng” ở Trung Kỳ.[41]
Một số sử liệu Cao Đài cho biết trong năm 1929 Thái Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950) ra Huế, sau đó Thượng Giáo Sư Vương Quan Kỳ (1880-1939) ra tỉnh Bình Định truyền đạo. Cả hai tiền bối đều thất bại vì lịnh cấm đạo liên tiếp trong hai năm 1928-1929 của Bảo Đại (vẫn đang ở Pháp).
4. Năm 1932 (Nhâm Thân)
Giáo Sư Thái Gấm Thanh (Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh) ra tỉnh Quảng Nam truyền đạo, bị bắt và trục xuất về Nam.
Hai thanh niên làng Bất Nhị (phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là Lê Văn Liêm (1908-1934, con ông Lê Văn Hội và bà Trần Thị Cải, tức Mục Cưu) và Trần Công Ban (1906-1977, con ông Xã Xước, tức Trần Công Trác) vào làm ăn ở Sài Gòn, rồi cùng nhập môn ở thánh tịnh Bồng Lai (Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương) của Cao Đài Tiên Thiên. Năm 1932, hai vị Liêm và Ban về quê truyền đạo, bị bắt... Bà Mục Cưu phải bán gia sản, chuyển gia đình vào Nam.[42]
5. Thứ Tư 19-6-1935 (19-5 Ất Hợi)
Từ Huế, Thượng Thư Bộ Lễ Tôn Thất Quảng gởi các quan tỉnh Trung Kỳ Thông Tri (tiếng Pháp) số 1104, ngày 19-6-1935, nội dung như sau:
“Nhiều tỉnh vừa mới báo cáo cho tôi biết về hoạt động của các người truyền đạo Cao Đài trong dân An Nam ở Trung Kỳ. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc nhở các ông rằng việc theo đạo Cao Đài và truyền đạo Cao Đài hay ‘Phật Giáo chấn hưng’ vẫn còn bị cấm ở Trung Kỳ, chiếu theo các quy định vẫn còn hiệu lực của Thông Tri số 40 ngày 25 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ Tư (ngày 06-3-1929), và những người vi phạm các quy định đó sẽ bị truy tố. Tôi yêu cầu các ông xem xét kỹ việc các Tri Phủ, Tri Huyện dưới quyền thông báo cho dân chúng biết về lệnh cấm này và các quy định của Thông Tri này phải được chấp hành nghiêm nhặt.
“Qua các quan Công Sứ ở các tỉnh, xin các ông vui lòng báo cáo ngay cho tôi biết về bất kỳ một biểu hiện nào có tính cách Cao Đài.”
Trước khi ban hành, Thông Tri này được Đổng Lý Văn Phòng Patau (được ủy quyền thay mặt Khâm Sứ Trung Kỳ Maurice Fernand Graffeuil) duyệt ở Huế ngày 22-6-1935.[43]
6. Tháng 7-1935 (tháng 6 Ất Hợi)
Sau khi khánh thành thánh tịnh Thanh Quang (phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), hai tiền bối Trần Công Ban (1906-1977) và Nguyễn Quang Châu (1912-1955) bị nhà cầm quyền địa phương hỏi cung và phạt mỗi người hai tháng tù treo.[44]
7. Tháng 8-1936 (tháng 7 Bính Tý)
Sau khi an vị thánh sở tại làng Trung Lộc, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), hai tiền bối Trần Công Ban và Nguyễn Quang Châu bị bắt, bị kết án ba tháng tù giam.
8. Thứ Bảy 27-3-1937 (15-02 Đinh Sửu)
Bảo Đạo Cao Triều Phát (1889-1956), chưởng quản Hiệp Thiên Đài Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo, ra tỉnh Quảng Nam. Là cựu nghị viên Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ (Conseil Colonial de Cochinchine), với tên tuổi của một nhân sĩ miền Nam, tiền bối có nhiệm vụ ngoại giao với nhà cầm quyền địa phương để giúp tín đồ Cao Đài ở Trung Kỳ bớt phần bị đàn áp.[45]
9. Thứ Tư 05-3-1939 (15-01 Kỷ Mão)
Nhân kỷ niệm năm năm hành đạo (1934-1939) của đoàn truyền giáo Trung Bắc, Đại Hội Vạn Linh được tổ chức tại thánh thất Trung Thành (Đà Nẵng). Nhưng nhà cầm quyền cản trở: Một số chức sắc bị bắt, kết án treo từ vài tháng tới hai năm. Thánh thất các nơi bị đóng cửa (như thánh thất Trung An, Trung Quang, Linh Bửu...).
10. Những năm 1940 (Canh Thìn) – 1943 (Quý Mùi)
Mức độ đàn áp đạo Cao Đài càng gia tăng khốc liệt trên cả nước. Nghị Định số 72 ngày 03-5-1940 của Toàn Quyền Đông Dương Joseph Jules Brévié [46] cấm treo cờ phướn có dấu hiệu chữ Vạn. Các thánh sở Cao Đài thường gắn chữ Vạn trên mái, nóc vì thế đều bị liên lụy. Lý do có lịnh cấm này vì trong Thế Chiến thứ Hai (1939-1945), lá cờ Đức Quốc Xã có dấu hiệu chữ Vạn nghiêng
Tại Trung Kỳ, các nhà lao Dakto (huyện Dakto, tỉnh Kon Tum), Trà Khê (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi), Phú Bài (huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên), v.v... giam giữ nhiều tín đồ Cao Đài Trung Kỳ.
11. Tháng 4-1946 (tháng 3 Bính Tuất)
Các tiền bối Thanh Long Lương Vĩnh Thuật (1918-1982), Trần Quốc Luyện (1920-1994), và Huỳnh Thanh (1921-1985) rời Trung Kỳ ra thủ đô Hà Nội tiếp xúc Bộ Trưởng Nội Vụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947, đồng hương Quảng Nam) và Bộ Trưởng Tuyên Truyền Trần Huy Liệu (1901-1969) để tìm cách giải quyết các biện pháp mà chính quyền địa phương đang thi hành khiến cho tín đồ Cao Đài nhiều tỉnh miền Trung phải chịu nhiều ách nạn.[47]
12. Chủ Nhật 06-8-1950 (23-6 Canh Dần)
Dụ số 10 gồm năm chương, bốn mươi lăm điều, do Quốc Trưởng Bảo Đại ký tại Vichy (Pháp). Mở đầu Chương thứ Nhất (Nguyên tắc), Điều thứ Nhất định nghĩa:
“Hội là hiệp ước của hai hay nhiều người thỏa thuận góp kiến thức hay hành lực một cách liên tiếp để theo đuổi mục đích không phải là phân chia lợi tức, như là mục đích thuộc về tế tự, tôn giáo, chính trị, từ thiện, khoa học, văn học, mỹ nghệ, tiêu khiển, thanh niên, thể thao và đồng nghiệp ái hữu.”
Kết thúc ở Chương thứ Năm (Tổng tắc), Điều thứ Bốn Mươi Bốn quy định: “Chế độ đặc biệt cho các hi truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô và các Hoa kiều lý sự hội sẽ ấn định sau.”
Như vậy, Dụ số 10 đã xem các tôn giáo không phải Thiên Chúa Giáo đều là “hội” (associations, societies). Nói cách khác, vì Dụ này mà đạo Cao Đài bị nhà cầm quyền kỳ thị tín ngưỡng.
Dụ số 10 sau đó được hướng dẫn ở Thông Tư số 34-PTT/CP ngày 20-9-1950 của Phủ Thủ Tướng, lại được hướng dẫn thêm ở Thông Tư số 1036PC ngày 07-11-1950 của Thủ Hiến Trung Việt gởi các Tỉnh Trưởng và Thị Trưởng ở Trung Việt.[48]
IV. NHÌN LẠI VÀ SUY GẪM
Mười hai sự kiện chọn lọc liệt kê ở phần III trên đây là những mốc quan trọng trong lịch sử truyền đạo Cao Đài ra miền Trung. Ôn lại như thế để có thể suy gẫm về con đường phát triển của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài (giáo quyền trung ương đặt tại Đà Nẵng). Con đường ấy đã được hàng hàng lớp lớp những người con áo trắng miền Trung chung sức xây đắp nên với những viên đá rất đẹp, rất bền bỉ mà mọi thử thách của nhân tâm cùng thế sự chỉ làm tăng thêm vẻ sáng đẹp và tính bền chắc của phẩm chất.
Chủ Nhật 08-7-1956 (01-6 Bính Thân) tại Đà Nẵng đã long trọng thiết đại lễ lạc thành Trung Hưng Bửu Tòa (nay ở số 63 đường Hải Phòng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) và chính thức thành lập Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, thay cho danh xưng trước đây là Cơ Quan Truyền Giáo Trung Việt. Bấy giờ Hội Thánh này có khoảng một trăm ngàn tín đồ và năm mươi thánh thất.
Theo Ngô Bái Thiên,[49] trước tháng 4-1975 Hội Thánh Truyền Giáo đã thiết lập được khoảng từ tám mươi đến một trăm thánh sở (thánh thất, nhà tu…) dưới sự cai quản của khoảng bốn ngàn chức sắc, chức việc. Về mặt tổ chức, sau tháng 4-1975, Hội Thánh Truyền Giáo không bị giải thể, chỉ bị thu hẹp hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành. Nhờ vậy thực lực Hội Thánh hầu như vẫn được bảo toàn.
Tính đến ngày 31-12-1999, ngoài cơ sở trung ương là Trung Hưng Bửu Tòa, Hội Thánh Truyền Giáo có năm mươi mốt cơ sở ở hai thành phố và mười một tỉnh, với gần ba trăm chức sắc, một ngàn năm trăm bốn mươi chức việc và khoảng năm mươi ngàn tín đồ. Hội Thánh cũng có bốn văn phòng đại diện tại các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Theo Báo Cáo Tổng Kết Đạo Sự 1996-2000, Hội Thánh Truyền Giáo đã thiết lập được một hệ thống chặt chẽ từ trung ương đến các xã, trải rộng khắp mười sáu tỉnh, thành phố (từ ven biển miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn), với năm mươi ba họ đạo và bốn cơ sở đạo.[50]
Hiện nay, theo số liệu thu thập vào tháng 6-2012, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài có được:
- Sáu mươi mốt họ đạo (với họ đạo Trung Hải mới thành lập vào tháng 4-2012 tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).
- Mười cơ sở đạo.
- Lập được năm văn phòng đại diện Hội Thánh tại bốn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Hồ Chí Minh.
- Hội Thánh thiết lập được một hệ thống từ trung ương đến các xã trải rộng khắp mười bảy tỉnh, thành phố.
Các con số thống kê lược kể trên đây phản ánh phần nào những thành quả ngày càng tăng lên một cách đều, chắc và mang nhiều tín hiệu lạc quan. Niềm lạc quan này có những cơ sở nhất định mang tính di sản truyền thống của đất nước và con người miền Trung, mà Ngô Bái Thiên có lần cảm nhận về những ưu thế của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài như sau:
“Cái tố chất ‘khai phá, gan góc, kiên nhẫn, chịu thương chịu khó…’ vốn là cá tính lưu truyền của người dân miền Trung từ hàng mấy ngàn năm vẫn đang tiềm tàng hay tràn chảy trong cộng đồng Truyền Giáo Cao Đài. Có lẽ đây cũng là một yếu tố mang tính bản sắc để giải thích vì sao trong hoàn cảnh khó khăn, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài vẫn vượt lên được và tăng trưởng vững chắc.
Đa số tín đồ là nông dân, dân nghèo thành thị, phần lớn phải tha hương lập nghiệp. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ chức sắc, tín đồ là trí thức, viên chức, giáo viên, tiểu thương, tiểu chủ, do đó họ rất nhạy bén, năng động.” [51]
Quả thật, tất cả những gì hôm nay có được đều là bông trái do công dày của biết bao tiền bối khai sơn phá thạch. Các vị đã liên tục ươm trồng, vun tưới bằng tâm chí can trường, với máu thịt sắt son của bản thân, dòng tộc, xóm làng. Sau hơn nửa thế kỷ, dẫu chưa hết những khó khăn chướng ngại, nhưng bước đường tương lai của Hội Thánh Truyền Giáo đang có thêm nhiều thuận lợi hơn trong nỗ lực hoàn thành sứ mạng hoằng đạo và đồng thời tiếp tục định hướng góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng một Hội Thánh Cao Đài duy nhất như hoài bão của các tiền bối miền Trung.[52]
Phú Nhuận, 17-3-2006
Bổ sung tháng 6-2012




[1] Thực dân dùng lại tên gọi ba kỳ vốn đã có từ năm 1834, khi Vua Minh Mạng (sinh năm 1791, trị vì 1820-1841) chia nước làm ba miền: Bắc Kỳ từ Ninh Bình trở ra phía bắc; Trung Kỳ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; Nam Kỳ từ Biên Hòa trở vào nam. Pháp gọi Bắc Kỳ là Tonkin, Trung Kỳ là Annam, và Nam Kỳ là Cochinchine.
[2] Hòa ước Harmand, cũng gọi hòa ước Quý Mùi (1883), được ký kết tại Huế giữa đại diện của Pháp là François Jules Harmand và đại diện của triều Nguyễn là Trần Đình Túc (Hiệp Biện Đại Học Sĩ, Chánh Sứ) và Nguyễn Trọng Hợp (Thượng Thư Bộ Lại, Phó Sứ). Hòa ước có hai mươi bảy điều khoản, xác lập quyền bảo hộ lâu dài của thực dân Pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
[3] Hòa ước Patenôtre, cũng gọi hòa ước Giáp Thân (1884), là hòa ước cuối cùng triều đình nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp tại Huế, gồm mười chín điều khoản. Đại diện phía Pháp là Jules Patenôtre (sứ thần Pháp); phía Việt Nam là Phạm Thận Duật (Toàn Quyền Đại Thần), Tôn Thất Phan (Phó Toàn Quyền Đại Thần), Nguyễn Văn Tường (Phụ Chánh Đại Thần).
[4] Les terres concédées.
[5] Dương Kinh Quốc, Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử (1858-1915). Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 1999, tr. 197.
[6] Conseil de Régence.
[7] Gouverneur Général de l’Indochine.
[8] Nguyễn Phước Bửu Lân (1879-1954), tại vị 1889-1907.
[9] Nguyễn Phước Vĩnh Thụy (1913-1997), tại vị 1925-1945.
[10] Les Ministères de l’Intérieur, des Finances, de la Guerre, de la Justice, des Rites, des Travaux Publics.
[11] Conseil du Cơ Mật, Conseil Secret.
[12] Ministère de l’Instruction Publique.
[13] Ministère de l’Education Nationale.
[14] Les Ministères de l’Intérieur; de l’Instruction Publique; des Finances; de la Justice; des Rites; de l’Economie Rurale, de l’Artisanat et de l’Assistance Sociale; des Travaux Publics.
Dương Kinh Quốc, Chính Quyền Thuộc Địa Ở Việt Nam Trước Cách Mạng Tháng Tám 1945. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1988, tr. 155-158.
[15] Résident Supérieur de l’Annam.
[16] Conseil de Tôn Nhân.
[17] Résidence Supérieure en Annam.
[18] Dương Kinh Quốc, Chính Quyền Thuộc Địa Ở Việt Nam Trước Cách Mạng Tháng Tám 1945, tr. 161-162.
[19] Résident.
[20] Résident adjoint.
[21] Résidence Provinciale.
[22] Nhiệm kỳ từ tháng 4-1888 đến 31-5-1889.
[23] Municipalité de 2è classe.
[24] Municipalité de 1ère classe.
[25] Maire.
[26] Commission Municipale.
[27] Dương Kinh Quốc, Chính Quyền Thuộc Địa Ở Việt Nam Trước Cách Mạng Tháng Tám 1945, tr. 177.
[28] http://thuvienbinhdinh.com/tvbd/diachi
[29] Là con Vua Thành Thái, Nguyễn Phước Vĩnh San (sinh năm 1900) tại vị chín năm (1907-1916). Cựu hoàng mất vì tai nạn máy bay ở Cộng Hòa Trung Phi (1945).
[30] http://www.xuquang.com/dialinhnk/danhnhan/trancaovan
[31] Xâu (sưu hay ): Lao dịch công ích không được trả tiền công. Có thể nộp tiền cho địa phương thay cho việc đi làm xâu.
[32]Louis Alphonse Bonhoure (1865-1909) làm Quyền Toàn Quyền từ tháng 02-1907 đến tháng 9-1908.
[33] Dương Kinh Quốc, Chính Quyền Thuộc Địa Ở Việt Nam Trước Cách Mạng Tháng Tám 1945, tr. 310-311.
[34] Nhiệm kỳ của Lévecque: 1906-1908.
[35] Résident Supérieur du Tonkin.
[36] Nhiệm kỳ 1907-1909.
[37] Tức là Roman Catholic Church.
[38] Bulletin Officiel en Langue Indigène (Trung Kỳ Bảo Hộ Quốc Ngữ Công Báo) số I, năm 1928, tr. 6; hoặc hồ sơ J.939, Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia 2.
[39] Nhiệm kỳ 1927-1928. Kế nhiệm là Aristide Eugène Le Fol.
[40] Bulletin Officiel en Langue Indigène (Trung Kỳ Bảo Hộ Quốc Ngữ Công Báo) số VII, năm 1928, tr. 100; hoặc hồ sơ J.939, Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia 2.
[41] Bulletin Administratif de l’Annam (Tạp San Hành Chánh Trung Kỳ), số 12, Huế: 10-7-1935, tr. 801-802.
[42] Các sự kiện về các đoàn truyền giáo từ Nam Kỳ ra Trung Kỳ chủ yếu căn cứ theo Hồi Ký (bản thảo 1982) của tiền bối Thanh Long Lương Vĩnh Thuật, Bảo Pháp Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.
[43] Bulletin Administratif de l’Annam (Tạp San Hành Chánh Trung Kỳ), số 12, Huế: 10-7-1935, tr. 801-802. (Diệu Nguyên dịch)
[44] Cuối năm 1933 (Quý Dậu), thánh tịnh Đại Thanh được thành lập tại quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Đây là thánh tịnh số 5 trong bảy mươi hai thánh tịnh của Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên (theo Tam Hoàng Thiên Kinh). Tại đây, bốn đồng nam là Thanh Long (Lương Vĩnh Thuật, 1918-1982), Bạch Phụng (Lê Văn Phụng, 1915-1935, em của Lê Văn Liêm), Kim Quy (Lê Văn Qui, 1917-1935, em của Lê Văn Liêm) và Xích Lân (Trần Công Sĩ, 1920-1947, em của Trần Công Ban) được Ơn Trên tuyển chọn lập thành nhóm đồng tử Tứ Linh, chuẩn bị ra Trung truyền đạo.
Mùa thu năm 1934 (Giáp Tuất), đoàn truyền giáo Trung Kỳ được thành lập, tiền bối Trần Công Ban làm trưởng đoàn. Ngoài nhóm đồng tử Tứ Linh còn có hai vị Trần Quang Châu (1915-2000) và Thân Đức Giang (sinh 1910, em rể của Lê Văn Liêm). Đoàn ra Trung ngày thứ Hai 22-10-1934 (15-9 Giáp Tuất). Tại quê nhà, do cha tiền bối Trần Công Ban là Trần Công Trác (tức Xã Xước) làm lý trưởng làng Bất Nhị (phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), và cũng nhờ cha tiền bối Trần Quang Châu là Trần Hoán làm chánh tổng Đa Hòa Thượng (phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), nên đoàn truyền giáo được che chở, yểm trợ, thoát khỏi bắt bớ. Đoàn đã độ được các tiền bối Nguyễn Quang Châu (thầy tu đạo Minh Sư), Nguyễn Đán (1905-1958), và Lê Trí Hiển (1879-1943, Quan Lộc Tự Khanh của Nam Triều về hưu)...
[45] Cùng đi với tiền bối Cao Triều Phát có Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang (1870-1946, nguyên là Thái Lão Sư của đạo Minh Sư), chưởng quản Cửu Trùng Đài Hội Thánh Cao Đài Hậu Giang. Tiền bối Ngọc Chưởng Pháp có nhiệm vụ khác: thu nhận môn đồ và các phật đường đạo Minh Sư Trung Kỳ quy hiệp Cao Đài. Hai vị đi Trung theo lệnh dạy của Đức Cao Đài tại Tòa Thánh Cao Đài Hậu Giang vào Chủ Nhật 14-02-1937 (04-01 Đinh Sửu): “Hai con trọng trách tâm thành, / Nhị ngoạt Thập Ngũ [rằm tháng Hai] thượng trình hưng Trung.”
[46] Nhiệm kỳ từ 14-01-1937 đến 19-5-1940.
[47] Xem thêm: Phạm Văn Liêm, Cơ Duyên Và Tuổi Trẻ. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 61. Quyển 10 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
[48] Công Báo Việt Nam xuất bản ngày thứ Bảy, năm thứ 3, số 33, ngày 19-8-1950, tr. 434-437; hoặc hồ sơ J.337 và J.678, Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia 2.
Khi viết về việc cấm đạo, một vài sử liệu Cao Đài có nhắc tới Dụ số 10 của Bảo Đại và cho rằng Dụ số 10 (?) ra lệnh “Nhất thiết Cao Đài thư tịch bất đắc truyền bá Trung Kỳ”. Không rõ đây là “Dụ số 10” do Bảo Đại ban hành năm nào.
[49] Đạo Cao Đài Trong Khoảng Ba Mươi Năm Qua (1975-2003). Bản thảo, 58 trang A4, tháng 12-2003, tr. 26.
[50] Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Đại Hội Nhân Sinh Lần Thứ Hai. Đà Nẵng: 21-7-2001, tr. 1-12.
[51] Đạo Cao Đài Trong Khoảng Ba Mươi Năm Qua (1975-2003), tr. 27.
[52] “Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài là một cộng đồng Cao Đài có tinh thần phá bỏ óc phân chia chi phái để thống nhất chi phái Cao Đài, do đó trong các phong trào vận động thống nhất chi phái như Liên Hòa Tổng Hội (1936-1937), Cao Đài Thống Nhứt (1951- 1963), họ đều có mặt.” Ngô Bái Thiên, Đạo Cao Đài Trong Khoảng Ba Mươi Năm Qua (1975-2003), tr. 27.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.