Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

123/4. THAY LỜI KẾT / SƠ KHẢO THUẬT NGỮ ĐẠO CHÚA TRONG ĐẠO CAO ĐÀI


THAY LỜI KẾT
Trước khi đạo Cao Đài ra đời, kinh sách thế gian nói tới Tam Giáo 三教 (the Three Teachings), tức là ba tôn giáo phương Đông, gồm có Nho hay Khổng Giáo (Confucianism), Đạo hay Lão hay Tiên Giáo (Daoism), và Phật hay Thích Giáo (Buddhism, Shakyamunism).
Sang thế kỷ 20, đạo Cao Đài tạo thêm một thuật ngữ mới là Tứ Giáo 四教 (the Four Teachings), tức là Tam Giáo phương Đông cộng thêm đạo Chúa tức là Gia Tô Giáo 耶穌教,([1]) cũng gọi là Kitô Giáo hay Cơ Đốc Giáo 基督教 (Christianity).([2])
Thuật ngữ Tứ Giáo (hay nói đầy đủ là Thích, Lão, Nho, Gia) được nói tới trong thánh giáo Cao Đài như sau:
1. Tại Huờn Cung Đàn (Tam Giáo Điện Minh Tân), đêm Thứ Sáu 24-12-1965, Đức Gia Tô Giáo Chủ giáng cơ, xưng danh qua bài thơ quán tâm như sau:
Thích, Nho, GIA, Lão một đường về
Chánh tín TÔ bồi thoát muội mê
Độ thế GIÁO dân tùy mỗi xứ
Một trời CHỦ tể khắp tư bề.
2. Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, ngày 01-3 Bính Ngọ (Thứ Ba 22-3-1966), Đức Ngô Minh Chiêu dạy:
Kìa Tứ Giáo (Phật, Tiên, Gia, Khổng)
Khai sanh môn ([3]) truyền thống khắp nơi
Đều do nguyên lý của Trời
Giáng sanh cõi thế cứu đời độ dân.([4])
3. Nhân lễ khai mạc Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý tại Hội Thánh Di Lạc (thành phố Vĩnh Long), ngày 30-8 Tân Hợi (Thứ Hai 18-10-1971), Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
Tục ngữ có câu: Có bột mới gột nên hồ. Những tư tưởng dung hòa Tam Giáo từ xưa đã là những nền tảng của bột để sang đến thời kỳ này, Đức Chí Tôn mới thị hiện để làm nên hồ, có đầy đủ một hệ thống giáo lý căn bản không sót từ xưa, chẳng những từ cổ tới kim mà còn từ Đông sang Tây nữa. Điểm phong phú dồi dào sinh lực tinh thần ở thời kỳ hạ nguơn này là như thế. Tam Giáo, Tứ Giáo và cả vạn giáo ([5]) nữa để góp thành một tân tôn giáo mệnh danh là Cao Đài Giáo hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.([6])
4. Vĩnh Nguyên Tự là ngôi chùa cổ của đạo Minh Đường, cất năm Mậu Thân (1908) tại làng Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (từ năm 1956 gọi là tỉnh Long An). Đến đầu tháng 3-1926 chùa trở thành một thánh thất Cao Đài, nhưng vẫn giữ kiến trúc cũ và tên cũ Vĩnh Nguyên Tự. Vào đầu thập niên 1970, ngôi chùa cổ được tái thiết. Lễ khánh thành tổ chức ngày 15-3 Quý Sửu (Thứ Ba 17-4-1973). Thay vì cắt băng khánh thành, Ơn Trên dạy rút băng khánh thành. Trong đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, ngày 04-3 Quý Sửu (Thứ Sáu 06-4-1973), Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch dạy cách rút băng như sau:
Theo ý Bần Đạo, nếu được, nên làm băng thắt thành hoa có tám cánh, nhưng phía dưới thòng ra bốn mối. Bốn mối đó dành cho đại diện Tứ Giáo (...).
Đức Giáo Tông dạy Ban Tổ Chức hãy mời bốn vị đại diện cho Tứ Giáo (là Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo, và Kitô Giáo); mỗi vị nắm một mối, rồi cùng lúc kéo cho đóa hoa tám cánh bung ra.([7])
*
Trước kia, người đời chỉ biết tới Tam Giáo đồng nguyên (Nho, Lão, Phật cùng nguồn cội phát sinh). Đến khi đạo Cao Đài ra đời, thánh giáo Cao Đài kể thêm đạo Chúa và xác định Tứ Giáo đồng nguyên. Chẳng hạn, trong một đàn cơ ở miền Trung ngày 29-6 Canh Tý (Chủ Nhật 21-8-1960), Đức Cao Đài Tiên Ông dạy: (…) Thầy sẽ ban cho thành lập một Tông Đạo, không phải thống thuộc một chi nào. Mà Tông Đạo nầy chia làm hai phần.
Riêng về phần một, Đức Cao Đài dạy: Một, xiển dương giáo pháp lập trên nền tảng Tứ Giáo đồng nguyên.([8])
Nói Tứ Giáo đồng nguyên 四教同源, tức là Cao Đài xác định rằng bốn nền đạo Phật, Lão, Nho, và Chúa vốn cùng chung một nguồn gốc phát sinh. Nguồn gốc (nguyên : origin, root, source) này là Đạo ; các giáo (religions: tôn giáo) đều từ cùng một gốc Đạo này mà lần lượt xuất hiện ở thế gian trải theo dòng lịch sử loài người. Đạo (nguồn gốc chung của các giáo) thường được hữu ngã hóa (personified) là Trời, là Thiên , là Thượng Đế 上帝, là Jehovah (tiếng Hebrew), là God (tiếng Anh), là Gott (tiếng Đức), là Dieu (tiếng Pháp), v.v…
Do nền tảng là Tứ Giáo đồng nguyên nên về nghi lễ Cao Đài thì Đức Chúa Giêsu (Giáo Chủ Thánh Đạo) được kỉnh thờ trên bàn thờ (Thiên bàn) của đạo Cao Đài cùng với ba Đức Giáo Chủ (hay Đạo Tổ 道祖) của Tam Giáo là Đức Thích Ca, Đức Lão Tử, và Đức Khổng Tử (xem hình ở trang 4).
Cũng do nền tảng là Tứ Giáo đồng nguyên nên về ngôn ngữ thì nhiều thuật ngữ đạo Chúa đã hiện hữu trong thánh giáo Cao Đài bên cạnh các thuật ngữ Tam Giáo. Tập Sơ Khảo này là bằng chứng về sự hiện hữu của thuật ngữ đạo Chúa trong thánh giáo Cao Đài, nhất là thánh giáo của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, tức là bộ Thánh Truyền Trung Hưng.
Bởi thế, sẽ không ngạc nhiên khi thấy một bạn thơ Cao Đài là Phạm Văn Liêm (còn là một chức sắc của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) từng nhắc tới ba thuật ngữ đạo Chúa (chiên, còi, gậy) trong hai bài thơ đậm nét Cao Đài như sau:
Đêm Trăng Khai Đạo
Bính Dần ơi, tháng Mười năm ấy
Chùa Thiền Lâm Gò Kén tưng bừng
Tay chắp tay, ngày hội vui mừng
Ta đã có, Việt Nam đã có…
Đã có gậy đưa đường dẫn lối
Đã có còi rúc gọi chiên lành
Có màu cờ phấp phới Tam Thanh
Giữa sông núi chập chùng giáo pháp.
(Tiếng Chim Quyên. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 43.)
Mở Lối Về Thầy
Cõi phù sinh những tim hồng phơi phới
Giữa vô thường hòa nhịp đập tin yêu
Chung ước mơ, chung chí nguyện đã nhiều
Vùng nhân thế bỗng vỡ bừng kinh mới
Bỗng rộn vang ngàn bước chân đi tới
Còi gậy trên tay, rập bước lên đường.
(Tiếng Chim Quyên, tr. 70.)
Sơ Khảo này cho thấy: Để hiểu thánh giáo Cao Đài thì không những cần hiểu thuật ngữ Tam Giáo (Nho, Lão, Phật) mà còn phải quan tâm tìm hiểu một số thuật ngữ đạo Chúa.
Tìm hiểu về sự hiện hữu các thuật ngữ đạo Chúa trong thánh giáo Cao Đài còn giúp ta nhận ra mối “gần gũi” giữa đạo Chúa (ra đời vào Nhị Kỳ Phổ Độ) và đạo Cao Đài (ra đời trong Tam Kỳ Phổ Độ). Đây là một hướng nghiên cứu nên được tiếp tục quan tâm soi chiếu vào nhiều góc cạnh, trong đó phương diện ngôn ngữ là một góc cạnh có ý nghĩa sâu sắc, bởi lẽ nó liên quan tới giáo lý của cả hai nền đạo đã và đang có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Hơn thế nữa, thánh giáo Cao Đài sử dụng thuật ngữ của cả Tứ Giáo (bao gồm Tam Giáo và đạo Chúa) thì đây chính là yếu tố có tác dụng rất tích cực: Nêu cao và củng cố lý tưởng hòa đồng tôn giáo hay tinh thần liên tôn giáo để phụng sự con người thế gian; xóa bỏ thói kỳ thị tôn giáo, phân biệt tín ngưỡng vốn là mầm bệnh gây chia rẽ mọi xã hội, phá hoại tình người hòa ái, và đi ngược lại chân truyền của mọi nền chánh pháp Đông Tây kim cổ.
Huệ Khải



([1]) Người Hoa dịch âm (音譯: transliterating) hồng danh Jesus thành 耶穌 (Gia Tô). Người Việt còn đọc (Gia) là Da. Do đó trong tiếng Việt từ xưa có thêm cách viết Da Tô Giáo, nhưng có lẽ không thông dụng như Gia Tô Giáo.
([2]) TĐCG 2016 (mục từ Cơ Đốc Giáo, tr. 184) giải thích: “Cơ Đốc” là âm Hán Việt của chữ 基督, vốn là cách mà Hội Thánh ở Trung Hoa dùng để phiên âm của chữ “Cristo” (phiên âm tiếng Việt là Kitô) trong tiếng Bồ Đào Nha. Vì thế, Cơ Đốc Giáo nghĩa là Kitô Giáo.
TĐCG 2016 (mục từ Kitô Giáo, tr. 507) giải thích: Kitô Giáo là đạo do Đức Kitô Giêsu (người làng Nazareth, xứ Palestina, nay thuộc Israel) sáng lập, đặt nền tảng trên cuộc sống, lời rao giảng, sự chết và sự sống lại của Người.
([3]) khai sanh môn 開生門: Mở cánh cửa bất tử cho con người (opening the door of immortality). Ý này không khác lời chép trong Kinh Thánh: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một [là Chúa Giêsu], để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Gioan 3:16)
([4]) Ý nói các vị Giáo Chủ kim cổ Đông Tây đều do Trời (Thượng Đế) sai xuống thế gian lập đạo cứu độ chúng dân.
([5]) vạn giáo 萬教: Tất cả các đạo, mọi tôn giáo.
([6]) Nói tắt là đạo Cao Đài (Cao Đài Giáo); nói đầy đủ là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. (Theo lời Đức Lý Giáo Tông dạy tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, ngày 15-01 Tân Hợi (Thứ Tư 10-02-1971).
([7]) Lẽ thường, người đời hay cắt băng khánh thành. Một dải lụa đỏ thắm được giăng ra, và một hay vài đại biểu danh dự được mời cầm kéo cắt. Như thế dải lụa đang liền lạc thì bị đứt đôi hay là đứt ra nhiều mảnh.
Dải lụa kết thành bông hoa tám cánh có thể ví như sự rối rắm, trói buộc. Bốn vị đại diện Tứ Giáo cùng lúc rút băng cho tám cánh hoa bung ra; điều này có lẽ hàm ý rằng các tôn giáo biết liên kết nhau (liên tôn giáo) thì có thể chung lòng chung sức tháo gỡ những rối rắm, trói buộc trong cuộc đời.
([8]) Phạm Văn Liêm, Sự Nghiệp Trung Hưng. Hà Nội: Nxb Hồng Đức 2018, tr. 251-252.





 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

123/3. VỀ CÁC THÁNH SỞ CAO ĐÀI / SƠ KHẢO THUẬT NGỮ ĐẠO CHÚA TRONG ĐẠO CAO ĐÀI



VỀ CÁC THÁNH SỞ CAO ĐÀI
CÓ NHẮC TỚI TRONG SÁCH
Khi trích dẫn các thánh giáo Cao Đài, có nêu tên các thánh sở đã lập đàn cơ. Sau đây là địa chỉ các nơi ấy:
Bình Hòa (thánh thất): Thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo, nay ở số 174/30A đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, TpHCM.
Châu Long Đài (thánh thất): Thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Nay ở thôn Tăng Long, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Châu Minh (Tòa Thánh): Thánh sở trung ương của Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên. Nay ở ấp Chánh Đông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Chiếu Minh Ẩn Giáo (thánh tịnh): Thuộc Hội Thánh Cao Đài Chiếu Minh Long Châu. Nay ở ấp Tân Long B, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam: Tên gọi hiện nay là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, ở số 171B đường Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TpHCM.
Hội An (thánh thất): Thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Nay ở số 20/13 và 20/14 Trần Cao Vân, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Huờn Cung Đàn: Đặt tại Tam Giáo Điện Minh Tân. Tháng 12-1928, tiền bối Lê Minh Khá (1868-1946), nguyên là xã trưởng xã Vĩnh Hội, cho cất một ngôi thờ tại khu đất ở số 221 Bến Vân Đồn (quận Tư, Sài Gòn). Ngôi thờ lạc thành năm 1930, được Ơn Trên đặt tên là Tam Giáo Điện Minh Tân.
Kim Quang Minh Đài (thánh thất): Thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Nay ở thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Linh Tháp: Đài tưởng niệm chư Thánh tông đồ tử đạo, thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Nay ở xã Nghĩa Trung, thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Minh An (thánh thất): Thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Nay ở thôn Định Thọ, xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.
Minh Trung (thánh thất): Thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Nay ở thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.
Nam Thành (thánh thất): Nay ở số 124-126 đường Nguyễn Cư Trinh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TpHCM.
Ngọc Minh Đài (thánh tịnh): Thuộc Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, nay ở số 22 đường Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4, TpHCM.
Phước Huệ Đàn (nhà tu): Thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Nay ở số 397 đường Hùng Vương, phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Tây Thành (thánh thất): Thuộc Hội Thánh Cao Đài Thượng Đế. Cất trên đường Van Vollenhoven (Cần Thơ), lạc thành ngày Chủ Nhật 10-9-1950. Nay ở số 55 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Thái Hòa (thánh thất): Thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Nay ở thôn Thái Đông, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Thanh Quang (thánh tịnh): Thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Lúc đầu ở làng La Kham, xã Đông Thành, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nay ở thôn Phong Thử 3, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Thiên Lý Đàn: Ở đường Hòa Hưng, quận 3, Sài Gòn. Sau năm 1975 nơi này không còn hành đạo.
Trúc Lâm Thiền Điện: Tên gọi đầy đủ là Trước Lâm Thánh Đức Thiền Điện, thuộc Hội Thánh Di Lạc. Nay ở số 61/10 đường Mậu Thân, phường 3, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.


Trung Hưng Bửu Tòa: Thánh sở trung ương của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, lạc thành năm 1956. Nay ở số 63 đường Hải Phòng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. (Gọi Bửu Tòa thay cho Tòa Thánh.)
Trung Nguyên (thánh thất): Thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Nay ở thôn Thăng Trường, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Trung Thành (thánh thất): Thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Cho tới năm 1960 còn tọa lạc trên đường Đỗ Hữu Vị (nay là đường Hoàng Diệu), quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Nay ở số 101 đường Lê Đình Dương, phường Nam Dương, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Từ Quang (thánh thất): Thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Nay ở thôn Cẩm Phú, xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Vĩnh Nguyên Tự: Nguyên là chùa của chi Minh Đường, cất năm 1908, tại làng Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn. Trở thành thánh sở Cao Đài năm 1926. Tái thiết năm 1973. Nay ở xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

HUỆ KHẢI





 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

123/2s. TÔNG ĐỒ / SƠ KHẢO THUẬT NGỮ ĐẠO CHÚA TRONG ĐẠO CAO ĐÀI



SƠ KHẢO MỘT SỐ THUẬT NGỮ ĐẠO CHÚA
TRONG ĐẠO CAO ĐÀI: TÔNG ĐỒ

25. TÔNG ĐỒ - apostle (宗徒: tông đồ)
A. J.M.J. 1877 (tr. 792, mục từ tông) giải thích tông đồ là: Disciple, apôtre.
Petrus Ký 1884 (tr. 93) dùng thuật ngữ tông đồ giải thích một số từ tiếng Pháp như sau:
- Apostolat: Chức tông đồ.
- Apostolique: Thuộc về Thánh tông đồ.
- Doctrine apostolique: Đạo các Thánh tông đồ giảng truyền.
- Zèle apostolique: Lòng sốt sắng như các Thánh tông đồ.
Paulus Của 1895 (tr. 304b, mục từ đồ) giải thích tông đồ là: môn đệ Chúa cứu thế.
Theo TĐCG 2016, tr. 918, tông đồ có gốc Hy Lạp là apostolos (người được sai đi, sứ đồ). Theo Tân Ước, Tông Đồ (Apostles) là Nhóm Mười Hai người được Chúa Giêsu chọn ngay từ đầu để đi theo Chúa. Sau khi Chúa về trời, các vị này luôn được gọi là Tông Đồ.
Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng), ngày 01-01 Bính Thân (Chủ Nhật 12-02-1956), khi giáng cơ dạy các vị hướng đạo Cao Đài miền Trung, Đức Hưng Đạo Đại Vương nhắc tới Nhóm Tông Đồ được Chúa chọn đầu tiên như sau:
Các hiền có thấy khi Đấng Cứu Thế lâm phàm, các Thánh tông đồ có phải cao quyền trọng chức đâu,([1]) mà Người cũng thâu nhận trong đám hàn vi làm thuê đánh cá,([2]) mà khi được thọ giáo thì phép lạ được truyền, khôn ngoan được mở, trí tuệ được thông, sau chịu lấy Thiên sứ của Người mà đi độ rỗi khắp mười phương, danh Thánh được nêu cao, Đạo lành ngày thêm sâu rộng. (TTTH 2017, tr. 309a)
Tông Đồ được nói tới trong Tân Ước như sau (tạm trích dẫn mười trường hợp):
A.1. Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; ông Philípphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Mátthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, là chính kẻ nộp Người. (Mátthêu 10:2-4)
A.2. Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. (Máccô 6:30)
A.3. Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng. (Máccô 16:19-20)
A.4. Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. (Luca 6:12-13)
A.5. Các Tông Đồ trở về thuật lại cho Đức Giêsu những việc các ông đã làm. (Luca 9:10)
A.6. Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng: Chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia. (Luca 11:49)
A.7. Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” (Luca 17:5)
A.8. Khi giờ đã đến, Đức Giêsu vào bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người. Người nói với các ông: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình.” (Luca 22:14-15)
A.9. Các Tông Đồ bắt đầu bàn tán với nhau xem ai trong Nhóm lại là kẻ toan làm chuyện ấy [nộp Chúa cho quân dữ]. (Luca 22:23)
A.10. Khi từ mộ [Chúa] trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Mấy bà nói đây là bà Maria Mácđala, bà Gioanna, và bà Maria, mẹ ông Giacôbê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin. (Luca 24:9-11)
B. Ngày nay, theo từ điển Merriam-Webster, từ tông đồ (apostle) còn dùng để gọi:
(a) người đề xướng một đại cuộc nhằm cải cách về luân lý (a person who initiates a great moral reform), hoặc (b) người ủng hộ, tán thành trước tiên một tín ngưỡng hay hệ thống quan trọng (who first advocates an important belief or system), hoặc (c) người ủng hộ nhiệt thành một lý tưởng, chủ thuyết (an ardent supporter: adherent).([3])
Trong thánh giáo Cao Đài, từ tông đồ được dùng với ý nghĩa có phần nào tương tự như nghĩa (b) và nghĩa (c) giảng theo Merriam-Webster. Ngoài ra, một bậc hướng đạo Cao Đài vì hết lòng trung thành với đức tin của mình, chịu hy sinh thân mạng do cuộc đời bách hại, vị ấy được gọi là tông đồ; khi được Đức Chí Tôn phong Thánh thì vị ấy được gọi là Thánh tông đồ tử đạo.
Thánh giáo Cao Đài nói đến tông đồ như sau:
B.1. Tại Linh Tháp, ngày 08-4 Bính Thân (Thứ Năm 17-5-1956), Đức Diêu Trì Tam Nương dạy:
Chào chư Thiên sắc, chư đạo tâm. Mừng chư tông đồ hồng ân tiếp thọ. (TTTH 2014, tr. 249)
B.2. Tại Linh Tháp, ngày 08-4 Bính Thân (Thứ Năm 17-5-1956), Đức Diêu Trì Tứ Nương dạy:
Chào chư Thiên sắc, chư đạo hữu, đạo tâm. Mừng chư Thánh tông đồ chứng vị. (TTTH 2014, tr. 249)
B.3. Tại Linh Tháp, ngày 08-4 Bính Thân (Thứ Năm 17-5-1956), Đức Diêu Trì Bát Nương dạy:
Chào chư Thiên ân, chư đạo hữu. Mừng chư Thánh tử đạo thành đạo, chư tông đồ chứng vị, chư đạo hữu quá cố được đại ân xá siêu sanh. (TTTH 2014, tr. 250)
B.4. Tại Linh Tháp, ngày 08-4 Bính Thân (Thứ Năm 17-5-1956), Đức Diêu Trì Cửu Nương dạy:
Chư hiền hôm nay được hồng ân của Thầy. Chư tông đồ và đạo hữu tử đạo hoặc liễu đạo được Thiên ân. (TTTH 2014, tr. 252)
B.5. Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 08-6 Bính Thân (Chủ Nhật 15-7-1956), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
Bậc Thiên ân hướng đạo là tông đồ cứu thế, gieo ánh sáng khắp nhân gian, nên chi kẻ làm tôi cho lý tưởng không còn lo riêng nghĩ hẹp mà phải quên mình hiến thân cho đại cuộc để tròn câu Thiên mạng. (TTTH 2017, tr. 406a)
B.6. Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 02-5 Đinh Dậu (Thứ năm 30-5-1957), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
Dù cơ sở giáo lý của các tông đồ còn đương hoạt động nhưng không còn đủ uy lực trong thời buổi ác nghiệt nầy. (TTTH 2017, tr. 471a)
B.7. Tại Linh Tháp, ngày 16-12 Mậu Tuất (Thứ Bảy 24-01-1959), Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy:
Đứng trước ngôi Linh Tháp các Đấng tông đồ, chư đạo tâm quá cố, Lão bùi ngùi giọt lệ, hạ cố tỏ lòng quý mến. (TTTH 2017, tr. 657b)
B.8. Tại Huờn Cung Đàn, ngày 09-02 Tân Sửu (Thứ Bảy 25-3-1961), Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:
Vĩnh Nguyên sẵn chỗ tông đồ
Quả công đầy đủ bước vô điện vàng.
B.9. Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Tý thời, 10 rạng 11-5 Giáp Thìn (Thứ Sáu 19-6-1964), Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
Gương kim cổ con thừa hiểu rõ
Thánh tông đồ chịu khó gia công
Hy sinh vì lẽ đại đồng
Nên nay mới được ở lòng chúng sanh.
B.10. Tại Trung Hưng Bửu Tòa, mùng 01 rạng 02-6 Giáp Thìn (Thứ Năm 09 rạng Thứ Sáu 10-7-1964), Đức Lý Giáo Tông dạy:
LÝ đạo cao siêu khá rõ tường
GIÁO truyền trần thế rạng muôn phương
TÔNG đồ hiệp nhứt cơ đời biến
GIÁNG điển khuyên chung vững bước đường.
B.11. Tại Trung Hưng Bửu Tòa, mùng 01 rạng 02-6 Giáp Thìn (Thứ Năm 09 rạng Thứ Sáu 10-7-1964), Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy:
GIÁO dục quần sanh trở lại nguồn
TÔNG đồ hiệp nhứt gióng hồi chuông
ĐẠI đồng tôn giáo nguyên nhân hội
ĐẠO pháp hoằng khai phải đúng khuôn.
B.12. Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, ngày 15-4 Bính Ngọ (Thứ Sáu 03-6-1966), Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy Văn Phòng Vụ (sau này là Hành Chánh Vụ) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam như sau:
Thâu thập tất cả thánh giáo (những nơi có đàn cơ), và những giáo lý cùng những thành tích các tông đồ cũng như lịch sử địa phương.
B.13. Tại Thiên Lý Đàn, mùng 01-02 Kỷ Dậu (Thứ Ba 18-3-1969), Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy tiền bối Minh Lý (Đỗ Vạn Lý) và tiền bối Chơn Tâm (Nguyễn Triệu Kha) về việc tổ chức Đại Hội Thường Niên của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (rằm tháng 02 hằng năm):
Bần Đạo mời nhị hiền đệ đồng an tọa để nghe Bần Đạo phân đây mà lo sắp xếp chương trình cho ngày Đại Hội. Phần chi tiết của chương trình, Bần Đạo phó giao nhị hiền đệ tùy nghi mà sắp xếp, định liệu sao cho dễ điều hành Đại Hội là được rồi. Bần Đạo chỉ giúp những điểm đại cương quan trọng và cần thiết mà thôi. Như vậy để nhị hiền đệ thấy giá trị của mỗi một Thánh tông đồ trong tương lai của đạo Cao Đài, vì sau này sẽ có một Hội Thánh duy nhứt chánh đáng cho Đạo. Những Thánh tông đồ, các hàng giáo phẩm đều phải có thánh tâm, thánh ý để hành thánh sự.
B.14. Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, ngày 15-10 Canh Tuất (Thứ Sáu 13-11-1970), Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy:
GIÁO lý đã phân chơn với giả
TÔNG đồ phải chọn đọa hay siêu
ĐẠI đồng thế giới, ôi cao cả
ĐẠO pháp nào tay đứng dắt dìu?
B.15. Tại Trúc Lâm Thiền Điện, mùng 07-7 Nhâm Tý (Thứ Ba 15-8-1972), Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu dạy:
Đã trải qua bao nhiêu ngày gian khổ, đã trải qua bao lúc long đong, mà chư đệ muội vẫn không sờn lòng, mãi chặt gìn lèo lái. Đó cũng đủ chứng minh rằng nếu có tâm thành thì dù bao khó khăn gian khổ cũng không ngăn cản được bước tiến đạo đức của con người, nhất là tông đồ của Đại Đạo Kỳ Ba.


B.16. Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, ngày 20-02 Quý Sửu (Thứ Bảy 24-3-1973), Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
Ngô Văn Chiêu là một Anh Cả trong thập nhị tông đồ đầu tiên.([4])




([1]) Thánh Mátthêu nguyên là nhân viên thu thuế.
([2]) Thánh Simon (Phêrô) và bào huynh là Thánh Anrê nguyên là hai người đánh cá.
([3]) https://www.merriam-webster.com/dictionary/apostle
([4]) Vào giờ Tý ngày mùng 09-01 Bính Dần (Thứ Bảy 20 rạng Chủ Nhật 21-02-1926), tại nhà tiền khai Vương Quan Kỳ ở số 80 đường La Grandière, Sài Gòn (nay là Lý Tự Trọng, quận 1), sau khi dâng thánh lễ mừng ngày vía Trời, các tiền khai Cao Đài lập đàn cầu cơ, có Đức Chí Tôn giáng lâm. Dịp này tiền khai Ngô Văn Chiêu xin Đức Thượng Đế ban cho bài thơ có ghép tên các môn đệ đang hầu đàn để lưu niệm. Đức Chí Tôn nhậm lời; bài thánh thi như sau:
CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh
BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành
HẬU ÐỨC TẮC CƯ thiên địa cảnh
HUỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh.
Câu chót ghép tên ba đạo hữu hầu đàn: Huờn, Minh, và Mân.
Ba câu trên ghép tên mười hai tông đồ đầu tiên của Đức Thượng Đế. Theo thứ tự trong bài thơ, các vị gồm có: Ngô Văn Chiêu (1878-1932), công chức; Vương Quan Kỳ (1880-1939), công chức; Lê Văn Trung (1875-1934), công chức nghỉ hưu; Nguyễn Văn Hoài (18…?-19…?), công chức; Đoàn Văn Bản (1876-1941), giáo chức; Cao Hoài Sang (1901-1971), công chức; Lý Trọng Quí (1872-1945), công chức; Lê Văn Giảng (1883-1932), tư chức; Nguyễn Trung Hậu (1892-1961), giáo chức; Trương Hữu Đức (1890-1976), công chức; Phạm Công Tắc (1890-1959), công chức; Cao Quỳnh Cư (1888-1929), công chức.
Huệ Khải, Phụ Lục 1: Mười Hai Tông Đồ Đầu Tiên, in trong Thiên Bàn Tại Nhà / The God’s Altar at Home. (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2014, tr. 29-30.)

HUỆ KHẢI





 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.