Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

KẺ TỘI LỖI HỐI NGỘ



KẺ TỘI LỖI HỐI NGỘ

Lev Tolstoy (Mạc Tư Khoa, 1886)
Huệ Khải (Nhiêu Lộc, 24-12-2019) ([1])
Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi.” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”
(Lu-ca 23:42-43)
*
Từng có một ông sống bảy mươi năm trên đời,([2]) và sống ngần ấy thời gian trong tội lỗi. Ông ngã bệnh, nhưng ngay cả lúc đó vẫn chẳng sám hối. Chỉ đến giây phút sau cùng, khi hấp hối, ông mới khóc và nói:
“Lạy Chúa, xin tha thứ cho con, như Ngài đã thứ tha kẻ cướp trên thập giá.” ([3])
Khi ông thốt ra những lời này, hồn ông lìa khỏi thân xác. Cảm nhận được tình yêu kính Thượng Đế cùng với đức tin vào lòng từ bi của Đấng Chí Tôn, hồn kẻ tội lỗi đi tới Cổng Trời, gõ cửa, nguyện cầu xin phép được vào Nước Trời.
Bấy giờ bên trong cổng vang lên giọng nói:
 “Ông nào gõ cửa Thiên Đàng thế? Trong đời ông này đã làm những việc gì vậy?”
Thần Công Tố lên tiếng trả lời, kể lại tất cả những tội lỗi ông ta gây tạo, và chẳng có một việc lành nào cả.
Giọng nói bên trong cổng vang lên:
 “Những kẻ tội lỗi không thể vào Nước Trời. Ngươi hãy đi đi!”
Khi ấy ông ta nói:
 “Thưa ngài, con nghe giọng ngài nhưng chẳng thấy mặt mà cũng không biết danh ngài.”
Giọng nói trả lời:
 “Ta là Phê-rô, Tông Đồ.”
Và kẻ tội lỗi đáp lại:
“Hãy thương xót con, hỡi Tông Đồ Phê-rô! Xin ngài hãy nhớ tới sự yếu đuối của con người và lòng từ bi của Thượng Đế. Ngài há chẳng phải là một môn đệ của Đức Ki-tô sao? Chẳng phải ngài được nghe thánh huấn truyền ra từ chính miệng Chúa? Chẳng phải Chúa đã là tấm gương sáng trước mắt ngài ư? Thì ngài hãy nhớ, khi Chúa u sầu, lòng dạ đau khổ, và ba lần Chúa bảo ngài tỉnh thức mà cầu nguyện, thì ngài cứ ngủ, vì đôi mắt ngài nặng chịch, và ba lần Chúa thấy ngài say ngủ.([4]) Thì con cũng thế thôi mà. Xin ngài cũng nhớ cho, chính ngài đã hứa trung thành với Chúa tới chết, thế nhưng ba lần ngài chối Chúa, khi Chúa bị đưa tới trước mặt thượng tế Cai-pha. Thì con cũng thế thôi mà. Và xin cũng nhớ rằng khi gà gáy ngài đã bỏ ra ngoài mà khóc lóc đắng cay.([5]) Thì con cũng thế thôi mà. Ngài chẳng thể từ chối, không cho con vào Nước Trời.”
Giọng nói phía sau cổng lặng thinh.
Kẻ tội lỗi đứng đó một lúc, và lại bắt đầu gõ nữa, cầu xin được vào Nước Trời.
Và ông nghe phía sau cánh cổng vang lên một giọng nói khác:
“Ông này là ai? Ông ta sống dưới trần thế nào?”
Giọng Thần Công Tố trả lời, lặp lại lần nữa tất cả những tội lỗi của ông ta, và chẳng có một việc lành nào cả.
Rồi giọng nói phía sau cánh cổng trả lời:
 “Vậy thì ngươi hãy đi đi. Những kẻ tội lỗi như thế chẳng được sống với chúng ta nơi Thiên Đàng.”
Khi ấy kẻ tội lỗi nói:
“Thưa ngài, con nghe giọng ngài mà không thấy ngài, cũng không biết danh ngài.”
Thì giọng nói đáp:
“Ta là Đa-vít; là vua cũng là ngôn sứ.”
Kẻ tội lỗi không thất vọng, cũng không rời khỏi cổng Thiên Đàng. Ông nói:
“Hãy thương xót con, hỡi vua Đa-vít! Xin ngài hãy nhớ tới sự yếu đuối của con người và lòng từ bi của Thượng Đế. Thượng Đế yêu ngài và tán dương ngài hơn mọi người. Ngài có tất cả: một vương quốc, vinh quang, của cải, các thê thiếp, và con cái; nhưng đứng trên sân thượng đền vua, khi nhìn thấy bà Bát Se-va, vợ ông U-ri-gia đang tắm thì tội lỗi ngự trị tâm hồn ngài, nên ngài bèn chiếm đoạt bà vợ, rồi mượn gươm con cái Am-mon mà giết ông chồng.([6]) Ngài, một người giàu có, lại cướp đi người vợ yêu quý của ông chồng đáng thương, lại còn giết chết ông ta nữa. Con cũng làm giống như ngài mà thôi. Thế thì, xin ngài hãy nhớ, ngài đã sám hối thế nào, đã nói: ‘Ta thú nhận sự phạm pháp của ta; tội lỗi của ta cứ hiển hiện trước mắt ta.’ Con cũng phạm tội giống y ngài đấy thôi. Ngài chẳng thể từ chối, không cho con vào Nước Trời.”
Giọng nói phía trong cổng lặng thinh.
Kẻ tội lỗi cứ đứng đó một lúc, lại bắt đầu gõ cửa nữa, cầu xin được vào Nước Trời. Ông nghe giọng nói thứ ba bên trong cổng vang ra:
“Ông này là ai, đã sống thế nào trên cõi trần?”
Thần Công Tố lên tiếng trả lời lần thứ ba, kể lại những tội lỗi của ông ta, và chẳng nêu được một việc lành nào cả.
Và giọng nói phía trong cánh cổng vang ra:
“Vậy thì ngươi hãy đi đi. Những kẻ tội lỗi không thể vào Nước Trời.”
Kẻ tội lỗi nói:
“Con nghe giọng ngài mà không thấy mặt ngài, cũng không biết danh ngài.”
Khi ấy giọng nói trả lời:
“Ta là Gio-an Thánh Thiêng, môn đồ yêu dấu của Chúa Ki-tô.” ([7])
Kẻ tội lỗi hân hoan thốt lên:
“Giờ đây chắc chắn con được phép đi vào Nước Trời rồi. Thánh Phê-rô và vua Đa-vít phải để cho con vào, vì các ngài biết sự yếu đuối của con người và đức từ bi của Thượng Đế. Mà ngài sẽ để con vào vì ngài thương yêu rất nhiều. Chẳng phải là ngài ư, hỡi Thánh Gio-an môn đồ Chúa Ki-tô yêu dấu? Có phải ngài từng viết rằng Thượng Đế là tình thương, kẻ nào không có tình thương thì không biết Thượng Đế? Và ngày xưa ngài đã bảo dân chúng rằng hỡi anh em, hãy thương yêu nhau. Thế thì, sao ngài lại có thể nhìn con với lòng thù nghịch và xua đuổi con đi khuất mắt? Hoặc là ngài phải chối bỏ những gì ngài đã nói, hoặc là vì yêu thương con mà phải để cho con vào Nước Trời.”
Tức thì đôi cánh cổng Thiên Đàng mở ra, Thánh Gio-an ôm chầm lấy kẻ tội lỗi hối ngộ và đưa ông vào Nước Trời.
Lev Tolstoy (Mạc Tư Khoa, 1886)
Huệ Khải (Nhiêu Lộc, 24-12-2019)


([1]) Căn cứ theo bản dịch tiếng Anh nhan đề The Repentant Sinner, của ông Aylmer Maude (1858-1938) và bà Louise Maude (1855-1939), in trong hiệp tuyển Twenty-Three Tales (London: Nxb Oxford University Press, 1906), tr. 228-230. Đây là truyện thứ sáu trong Phần V: Folk-Tales Retold (Những Chuyện Dân Gian Kể lại), và là truyện thứ mười bảy trong hiệp tuyển. Về hai vợ chồng Maude, xem Huệ Khải, Nơi Nào thương Yêu Thì Có Thầy (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019, tr. 5).
([2]) Tại sao Tolstoy cho ông này sống bảy mươi năm? Tại sao là bảy mươi mà không là một con số khác? Có lẽ Tolstoy ngầm nhắc chúng ta nhớ tới lòng khoan dung, tha thứ của Chúa Giê-su. Phúc Âm chép:
Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mát-thêu 18:21-22)
([3]) Xem thêm Huệ Khải, Kẻ Cướp Được Vào Thiên Đàng, in trong Phúc Âm Kể Lại Theo R.F. Wilson (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019, tr. 81-88).
([4]) Bấy giờ Đức Giê-su đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện.” Rồi Người đưa ông Phê-rô và hai người con ông Dê-bê-đê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.” Rồi Người lại đến, thấy các môn đệ vẫn đang ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó. Bấy giờ Người đến chỗ các môn đệ và nói với các ông: “Lúc này mà còn ngủ còn nghỉ sao?” (Mát-thêu 26:36-45)
([5]) Lúc đó ông Phê-rô đang ngồi ngoài sân. Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì?” Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì!” Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: “Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy.” Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối: “Tôi không biết người ấy.” Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói: “Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay.” Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết: “Tôi thề là không biết người ấy.” Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. (Mát-thêu 26:69-75)
([6]) Xem Cựu Ước: 2 Sa-mu-en 11:1-24.
([7]) Gio-an Thánh Thiêng (John the Divine), và môn đồ yêu dấu của Chúa Ki-tô (the beloved disciple of Christ) là hai tôn hiệu của Thánh tông đồ Gio-an.

HAI NGỤ NGÔN VỀ CHUỘT


HAI NGỤ NGÔN VỀ CHUỘT
Huệ Khải
Chuột nhắt và sư tử
Aesop (khoảng 620-564 trước Công Nguyên) là một người Hy Lạp nổi tiếng vì những câu chuyện ngụ ngôn được lưu truyền khắp thế giới. Trong số các chuyện mà hầu như ai ai cũng biết từ thuở còn làm cô cậu học trò nhỏ bé là chuyện chuột nhắt và sư tử.


Có chú chuột nhắt một hôm cứ chạy giỡn trên mình con sư tử đang nằm thiu thiu ngủ. Chợt tỉnh giấc, sư tử quơ một cái là tóm gọn oắt con tinh nghịch nắm trong bộ móng sắc to lớn. Hoảng hồn hoảng vía, chuột nhắt rối rít van lạy: “Xin đại vương tha mạng cho con lần này, con không đời nào quên ơn. Biết đâu có ngày con sẽ cứu giúp được ngài.” Sư tử không khỏi buồn cười khi nghe kẻ hèn mọn nói sẽ có ngày cứu giúp được mình; tuy nhiên chúa sơn lâm cũng rộng lòng thả cho sinh linh bé nhỏ thoát thân.
Thời gian trôi đi, ngày kia sư tử sa bẫy thợ săn, thân hình bị trói ghịt không cách chi cục cựa nổi. Trong lúc nhóm thợ săn đang kéo nhau đi tìm xe chở chúa sơn lâm đem về nộp cho quan mà lãnh thưởng thì chú chuột nhắt hôm nào tình cờ chạy ngang qua hiện trường. Mau mắn, chuột nhắt dùng bộ răng lợi hại của mình cắn nát từng sợi dây. Nhờ vậy, sư tử thoát đại nạn.
Chuột và voi rừng
Ngụ ngôn của Aesop dường như có không ít “dị bản” ở nhiều nước khác. Chuyện chuột nhắt và sư tử vì thế trở thành chuyện chuột và voi rừng, lưu truyền ở Ấn Độ như sau:


Ngày xưa có đàn chuột trong rừng rất khiếp sợ đàn voi. Mỗi khi đàn voi kéo nhau đi, những bàn chân to bè của chúng thường giẫm chết không ít con chuột xấu số. Một hôm, chuột đầu đàn đến gặp voi đầu đàn thương thuyết: “Nếu ngài tha mạng chúng tôi, khi cần tới thì chúng tôi sẽ giúp lại ngài.”
Voi đầu đàn đồng ý, ra lệnh cho cả đàn phải hết sức cẩn thận, không được giẫm chết một con chuột nào cả. Chẳng những thế, mỗi khi sắp đi vào vùng đất của đàn chuột, đàn voi còn lớn tiếng báo động: “Chúng tôi đang tới đây. Chúng tôi đang tới đây.” Thế là đàn chuột kịp thời di tản và được an toàn tánh mạng.
Nhưng rồi nhà vua phái nhiều thợ săn giỏi vào rừng giăng bẫy để bắt sống voi đem về huấn luyện làm voi chiến, gọi là tượng binh. Ngày lại ngày, đàn voi bị hao hớt dần vì lần lượt hết con này tới con khác sa bẫy, bị trói chặt mang về kinh thành.
Voi đầu đàn áo não lắm, bèn đi gặp chuột đầu đàn kể lể đầu đuôi đại nạn. Nghe xong, chuột đầu đàn bèn triệu tập cả đàn lại và ra lệnh phải chia nhau rình rập ở gần các bẫy, hễ thấy voi nào bị trói thì liền xúm vào cắn dây giải cứu ngay. Nhờ thế, đàn voi thoát nạn.
Trong hai mẩu chuyện trên, sư tử và voi tượng trưng cho cái gì to tát, đáng trọng vọng; còn chuột tượng trưng cho cái gì nhỏ nhít, đáng xem thường, như Cựu Ước (Lê-vi 11:29) từng phán: “Trong các loài vật nhỏ sống lúc nhúc trên đất, các ngươi phải xem các loài nầy là ô uế: chuột chũi, chuột nhắt . . .” Nói khác đi, giữa một bên là sư tử (hay voi) và một bên là chuột, người kể chuyện đã đưa ra sự tương phản hay chênh lệch quá mức. Đó phải chăng là dụng ý?
Có thể như thế; bởi lẽ là ngụ ngôn, hai câu chuyện cũ nhắc lại ở trên vốn cùng hàm chứa một bài học luân lý, phù hợp với giáo lý các tôn giáo khuyên dạy con người nên biết ham làm lành, đừng chê một việc thiện nhỏ nhít mà bỏ qua, vì nhân lành đã gieo thì quả lành sẽ tới. Chẳng hạn, sách Minh Tâm Bảo Giám của đạo Nho từ xưa khuyên: Nhất hào chi thiện, dữ nhân phương tiện. 一毫之善, 與人方便. (Một việc lành dù nhỏ mọn như tơ tóc, cũng hãy dành cho người khác.) Sách này còn chép thêm câu sau: Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi. 勿以善小而不為. (Đừng cho việc lành ấy là cỏn con mà chẳng làm.)
Cổ nhân từng bảo cái khổ của của chúng sinh dữ dội ví như “lửa cháy muôn xe”, nhưng đừng vì thế mà làm ngơ, nại rằng sức mình yếu hèn, ví như một gáo nước nhỏ, không thể dập tắt đám cháy ấy. Ở Huế, nhà nho Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961) là thân phụ nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương có lần diễn tả ý ấy thành hai câu thơ ngũ ngôn như sau: Chớ gọi rằng lửa xe / Không màng chi nước gáo.
Cũng vậy, trong Thư 1 Gởi Tín Hữu Cô-rin-tô (1:28), Thánh tông đồ Phao-lô nói: “(N)hững gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa lại chọn . . .” Giảng rộng ra thì lời của Thánh Phao-lô ngụ ý khuyên mọi người chớ nên khinh thường bất kỳ một việc lành dù nó nhỏ nhít mấy chăng nữa, bởi lẽ Thiên Chúa không bỏ sót tí ti việc lành nào cả, và Thiên Chúa sẽ chấm đủ công, sẽ ban thưởng cho điều lành ấy.
Mỗi khi có thiên tai, đại họa xảy ra, hoặc khi có chiến dịch cứu đói người dân châu Phi, nhiều trường học trên thế giới thường hay hướng dẫn các học trò bé bỏng đứng ra làm hội chợ từ thiện, bán hàng gây quỹ cứu trợ. Một em bé sau cả ngày mệt nhoài vì rửa chén bát, ly cốc tại gian hàng ẩm thực của lớp, trở về nhà kể chuyện với cha mẹ, thổ lộ rằng cả lớp thu được số tiền quá ít ỏi, không thấm thía chi nếu so với số tiền rất to tát cần có để cứu giúp các nạn nhân. Em buồn vì công sức các em giống như muối bỏ biển. Bấy giờ cha em mới ôm em vào lòng an ủi, giải thích rằng nhà trường muốn giáo dục cho các bé biết làm lành, hành thiện, nuôi dưỡng tâm bác ái từ thuở còn thơ dại; như vậy, sau này lớn lên, có sự nghiệp lẫy lừng hay chỉ là một công dân bình thường, các em vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ phần sẵn có của mình để chung tâm, chung tay làm vơi bớt nỗi thống khổ vô biên của những người bạc phước.


Giáo dục nhân bản là thế. Ít mà nhiều là thế, như hai đồng tiền của bà góa nghèo khó (Lu-ca 21:1-4).([1]) Ngụ ngôn chuột và sư tử (hay voi) khi đem vào trường dạy cho trẻ thơ, xét cho cùng, nào phải nhằm tạm mua vui cho những tâm hồn non nớt.
Nhiêu Lộc, 24-12-2019
Huệ Khải



([1]) Xem thêm Huệ Khải, Bắc Cầu Tâm Linh (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, 2013, tr. 48-51), bài “Ít Mà Nhiều”.