LƯỢC SỬ ĐẠO CAO
ĐÀI: KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926
IV. CHUẨN BỊ KHAI MINH
ĐẠI ĐẠO
1.
Một số việc chuẩn bị trước khi Phổ Độ Lục Tỉnh
Trước khi tiến hành Phổ
Độ Lục Tỉnh, để chuẩn bị cho đại lễ Khai Minh Đại Đạo (trung tuần tháng
11-1926), Đức Cao Đài lần lượt qua nhiều đàn cơ khác nhau đã hóa độ và ban
phong phẩm vị cho một số vị tiền khai sẽ giữ các vị trí cao trọng trong Cửu
Trùng Đài (gồm ba phái Nho, Đạo, Thích) và Hiệp Thiên Đài của Hội Thánh ban sơ
tại Tây Ninh. Do đó, hai vị nữ tiền khai Nguyễn Thị Hiếu (Hương Hiếu) và Lâm
Ngọc Thanh (Hương Thanh) được Đức Cao Đài ban ơn giao phó việc may Thiên phục
và làm mão cho các vị chức sắc ấy.
* Hóa độ ông bà Nguyễn Ngọc Thơ và Lâm Ngọc Thanh
Vào giữa tháng 7-1926,
Đức Cao Đài đã hóa độ hai Phật tử là ông bà Nguyễn Ngọc Thơ và Lâm Ngọc Thanh.
Trước đó, tại quận Cần
Giuộc (tỉnh Chợ Lớn) vào Thứ Bảy 27-02-1926 (15-01 Bính Dần), Đức Cao Đài hóa
độ tiền khai Phạm Tấn Đãi. Qua tháng 7-1926, Đức Cao Đài dạy tiền khai Phạm Tấn
Đãi lên Sài Gòn gặp tiền khai Lê Văn Trung (Thượng Trung Nhựt) để cùng tới Tân
Định (quận 1) gặp ông Nguyễn Ngọc Thơ.
Hai vị Lê Văn Trung (Thượng Trung Nhựt) và Phạm Tấn Đãi giải
thích lý do cuộc sơ ngộ là vì tuân theo lịnh dạy của Đức Cao Đài. Nghe vậy, ông
Thơ ra điều kiện phải để chính ông trực tiếp thông công thì ông mới tin. Lúc
này bà Thanh đang ở quận Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long).
Sau ba ngày ăn chay và cầu nguyện, ông Thơ chấp bút tại nhà
riêng và đặt nhiều câu hỏi về việc riêng tư thì đều được Đức Cao Đài trả lời
chính xác. Hoàn toàn tin tưởng, sau đó hai ông bà nhập môn Cao Đài vào Thứ Năm
15-7-1926 (06-6 Bính Dần).()
* Hóa độ Hòa Thượng Như Nhãn
Hòa Thượng Như Nhãn tức Thích Từ Phong, thế danh Nguyễn Văn
Tường, trụ trì chùa Giác Hải cất năm 1887, ở Phú Lâm, quận 6, Sài Gòn.
Được giấy phép của chủ tỉnh Tây Ninh ngày 15-7-1925, Hòa
Thượng cho cất Thiền Lâm Tự tại Gò Kén (nay tại số 5/11, ấp Long Trung, xã Long
Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh).
Trong quá trình cất chùa Thiền Lâm, Hòa Thượng được ông bà
Nguyễn Ngọc Thơ và Lâm Ngọc Thanh là hai đại thí chủ, tài trợ rất nhiều. Do đó,
có thể nói hai vị Thơ và Thanh ắt đã có ảnh hưởng đáng kể đối với Hòa Thượng.
Sau khi nhập môn Cao Đài, hai vị Thơ và Thanh giới thiệu nền
đạo mới với Hòa Thượng, và mời Hòa Thượng đến hầu đàn.
Thứ Hai 23-8-1926 (16-7 Bính Dần), trong một đàn cơ có lẽ lập
tại Thiền Lâm Tự, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát
Ma Ha Tát dạy Hòa Thượng Như Nhãn: “Nơi
đây là thánh địa, Ta lập thánh thất. Hiền đồ có lòng giúp Ta chăng?” ()
Mười ba ngày sau đó, tại Thiền Lâm Tự vào Chủ Nhựt 05-9-1926
(29-7 Bính Dần), Đức Chí Tôn phong Hòa Thượng Như Nhãn là Quản Pháp Thiền Sư Thích Đạo Chuyển Luật Lịnh Diêu Đạo Sĩ. ()
Như thế, vào cuối tháng 8-1926, Hòa Thượng Như Nhãn đã bằng
lòng cho các tiền khai mượn chùa Thiền Lâm để làm thánh thất Thiền Lâm, cũng
gọi thánh thất Gò Kén.
* Sửa sang thánh thất Thiền Lâm
Có được sự ưng thuận của Hòa Thượng, kể từ đầu tháng 9-1926
các tiền khai dốc tiền và tâm sức vào sửa sang thánh thất cả trong lẫn ngoài.
Bấy giờ chung quanh chùa cũ còn um tùm cây cối, bụi rậm. Chùa
chưa được sơn phết, nền đất còn nguyên. Từ chùa ra đường cái chưa có lối đi.
Hai tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh) và Lâm Ngọc Thanh (Hương Thanh)
dùng tiền riêng thuê thợ đốn cây cho quang đãng, đào giếng, làm vườn, và trồng
hoa kiểng, v.v… Ngoài việc cất hai dãy nhà phụ dành cho những người tạm trú
trong suốt thời gian sửa sang thánh thất, hai vị còn cho đắp con lộ đá dài hơn hai
trăm mét từ thánh thất ra tới đường 22B để xe ô tô dễ dàng chạy thẳng vào cổng
trong.
Tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh) chẳng ngại tốn
kém, chỉ mong sớm hoàn thiện thánh thất. Do đó, vào Thứ Tư 22-9-1926 (16-8 Bính
Dần), trong đàn cơ tại nhà tiền khai Thơ ở Tân Định, Đức Chí Tôn dạy: “Thầy dặn con phải tiết kiệm nghe. Sang năm
sẽ liệu. Để tư bổn lo làm điều hữu ích khác.” () Phải chăng Đức Chí Tôn
ngụ ý khuyên tiền khai Thơ giảm bớt chi phí bởi vì đầu xuân năm 1927 các tiền
khai Cao Đài sẽ phải dọn ra khỏi chùa Thiền Lâm?
Chùa Thiền Lâm (30x15m) ngày nay vẫn còn, cách thị xã Tây
Ninh khoảng năm, sáu cây số, nằm bên phải đường 22B chạy về Sài Gòn. Con lộ đá
đắp xong gần cuối năm 1926 đã biến mất hoàn toàn; một ảnh chụp khoảng năm 2012
cho thấy nó đã trở thành con đường đất đỏ.
[Phụ bản 4: Cổng ngoài
Thiền Lâm Tự bên đường 22B]
[Phụ bản 5: Thiền Lâm Tự
ngày nay]
* Chuẩn bị cho chánh điện thánh thất Thiền Lâm
Thứ Sáu 17-9-1926 (11-8
Bính Dần): Đức Chí Tôn dạy tiền khai Nguyễn Văn Kiệt làm bảy chiếc ngai (của
Giáo Tông, ba Chưởng Pháp, và ba Đầu Sư). Tay ngai Giáo Tông chạm hai con rồng,
của Chưởng Pháp chạm hai con phụng, của Đầu Sư chạm hai con lân. Lưng dựa mỗi
ngai đều chạm ba con vật trong tứ linh (loại trừ con vật đã chạm ở hai tay
ngai).
Đức Chí Tôn dạy tiền khai
Lâm Quang Bính (Thái Bính Thanh, người Rạch Giá) làm Quả Càn Khôn, đường kính
3,3 mét, sơn xanh da trời. Căn cứ theo sách thiên văn của Pháp, tiền khai Bính vẽ
đủ ba ngàn bảy mươi hai ngôi sao, rồi vẽ Thiên Nhãn ở sao Bắc Đẩu.
Đức Chí Tôn dạy tiền khai
Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh) sắp xếp Thiên Bàn có đủ tượng Tam Giáo Tổ Sư
(Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử), Tam Trấn Oai Nghiêm (Lý Thái Bạch, Quan Âm, Quan
Thánh), Chúa Giêsu, và Đức Khương Thái Công.
[Phụ bản 6: Bửu điện
thánh thất Thiền Lâm (1926)]
* Thêm nhân sự chuẩn bị cho Khai Minh Đại Đạo
Trước cuộc Phổ Độ Lục
Tỉnh, các tiền khai Cao Đài đã lập một số đàn cơ ở nhiều nơi để phổ độ dân
chúng địa phương. Đó là:
- Đàn Cầu Kho: Tại
nhà tiền khai Đoàn Văn Bản (Thượng Bản Thanh), ở quận 1, Sài Gòn.
- Đàn Chợ Lớn: Tại
nhà tiền khai Lê Văn Trung (Thượng Trung Nhựt), ở quai Testard, thành phố Chợ
Lớn.
- Đàn Giồng Ông Tố:
Tại nhà tiền khai Đỗ Văn Vàng, ở Giồng Ông Tố, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định.
- Đàn Hội Phước Tự:
Tại chùa của tiền khai Nguyễn Văn Luật (Thái Luật Thanh, nguyên là Yết Ma), ở
xã Long Trạch, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn.
- Đàn Lộc Giang:
Tại thánh thất Phước Long, nguyên là chùa, của tiền khai Trần Văn Giống (Thái
Giống Thanh, nguyên là Yết Ma), ở Chợ Đệm, Chợ Lớn.
- Đàn Tân Định: Tại
nhà tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh), ở Tân Định, quận 1, Sài Gòn.
- Đàn Tân Kim: Tại
nhà tiền khai Nguyễn Văn Lai (Thượng Lai Thanh), ở xã Tân Kim, quận Cần Giuộc,
tỉnh Chợ Lớn.
- Đàn Thủ Đức: Tại
nhà tiền khai Ngô Văn Điều, ở gần chợ Thủ Đức, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định,
v.v…
Chủ Nhật 19-9-1926 (13-8 Bính Dần), Đức Chí Tôn dạy một số vị
tiền khai phải tạm ngưng phổ độ tại các đàn nói trên, để về thánh thất Thiền
Lâm chuẩn bị Khai Minh Đại Đạo.
Thứ Bảy 30-10-1926 (24-9 Bính Dần), tại Sài Gòn, Đức Chí Tôn
dạy hai vị Nguyễn Thị Hiếu (Hương Hiếu, bà Cao Quỳnh Cư) và Nguyễn Thị Nhiều (Hương
Nhiều, bà Phạm Công Tắc) lo dọn về thánh thất Thiền Lâm, để theo hai vị tiền khai
Cư và Tắc cùng lo hành đạo ở Gò Kén. Tiền khai Hương Hiếu đã góp công rất nhiều
để lo liệu việc ăn ở chu đáo cho hết lượt người này đến lượt người khác đổ về
thánh thất Thiền Lâm, bất kể ngày đêm. Bà đích thân đi chợ Tây Ninh mua rau quả
chở về thánh thất bằng xe thổ mộ.
[Xem phụ bản 7.]
* Đức Lý Thái Bạch làm
Giáo Tông Vô Vi
Thứ Bảy 24-4-1926 (13-3
Bính Dần) tiền khai Ngô Văn Chiêu từ tạ ngôi vị Giáo Tông, do đó phẩm Giáo Tông
bị trống. Thứ Sáu 29-10-1926 (23-9 Bính Dần), Đức Chí Tôn ban cho Đức Lý Thái
Bạch phẩm Giáo Tông Vô Vi.
* Xin phép tổ chức Khai Minh Đại Đạo
Tiền khai Lê Văn Trung
(Đầu Sư Thượng Trung Nhựt) xin phép tổ chức Khai Minh Đại Đạo, và Chủ Nhật
07-11-1926 (03-10 Bính Dần) được chánh quyền thuộc địa cấp phép. Sau đó, thiệp
mời do Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Hòa Thượng Như Nhãn đồng ký tên được gởi tới
đông đảo giới chức chánh quyền, chức sắc tôn giáo bạn, thân hào nhân sĩ, và
những người tai mắt, v.v...
2.
Một số việc chuẩn bị sau khi Phổ Độ Lục Tỉnh
* Lập bốn nhóm Lễ, Khách, Thâu, Xuất
Thứ Ba 16-11-1926 (12-10
Bính Dần), Đức Chí Tôn dạy lập bốn nhóm như sau:
- Về Lễ: Chánh sự là Lê Bá Trang (Ngọc Trang Thanh); phó sự là Lê Văn
Nhung (Thái Nhung Thanh); phụ sự có hai vị. Thêm mười hai vị tình nguyện trợ
giúp.
- Về Khách: Chánh sự là Nguyễn Ngọc Tương (Thượng Tương Thanh); phó sự
là Nguyễn Văn Luật (Thái Luật Thanh) và Thượng Hoài Thanh; phụ sự có bốn vị.
Thêm mười hai vị tình nguyện trợ giúp.
- Về Thâu (không nhận tiền hiến cúng): Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh),
Như Nhãn, Trần Đạo Quang, và hai vị ký lục (ghi chép).
- Về Xuất: Lê Văn Lịch (Ngọc Lịch Nguyệt), Lê Văn Hóa (Thượng Hóa
Thanh), Xài, và hai vị ký lục (ghi chép).()
* Sắp đặt vị trí các chức sắc
Trong cùng đàn cơ Thứ Ba
16-11-1926 (12-10 Bính Dần), Đức Chí Tôn dạy về vị trí các chức sắc nam nữ khi
hành lễ trong chánh điện thánh thất Thiền Lâm.
Chia làm ba ban nhìn vào
Thiên Bàn: Tất cả chức sắc phái nam đứng ở giữa và bên phải (cùng phía đặt
tượng Đức Quan Thánh); nữ chức sắc mặc đạo phục trắng đứng bên trái (cùng phía
đặt tượng Đức Quan Âm).
Các nam chức sắc gồm ba
phái (Thái áo vàng, Thượng áo xanh, Ngọc áo đỏ) đứng ở giữa, theo thứ tự: ba vị Chưởng Pháp, ba vị Đầu
Sư, và ba vị Chánh Phối Sư.
Kế tiếp là các vị Phối
Sư, Giáo Sư, và Giáo Hữu. Tất cả chức sắc cùng phẩm đều đứng lần lượt theo ba
phái Thái, Thượng, và Ngọc.
Cuối chánh điện đặt bàn
Hộ Pháp. Nơi đây có mười hai vị phò loan (đồng tử) chia làm ba nhóm đứng đối
diện Thiên Bàn:
Nhóm một ở giữa gồm bốn
vị: Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Đức, Trần Duy Nghĩa, và Trương Văn Tràng. Sau
này, vào Chủ Nhật 13-02-1927 (12-01 Đinh Mão), bốn vị theo thứ tự được Đức Chí
Tôn phong làm Bảo Pháp, Hiến Pháp, Khai Pháp, và Tiếp Pháp.
Bên phải nhóm một là nhóm
hai gồm bốn vị: Ca Minh Chương, Phạm Văn Tươi, Phạm Tấn Đãi, và Nguyễn Thiên(g)
Kim. Sau này, vào Chủ Nhật 13-02-1927 (12-01 Đinh Mão), ba vị Chương, Tươi, và
Đãi theo thứ tự được Đức Chí Tôn phong làm Bảo Đạo, Hiến Đạo, và Khai Đạo.
Bên trái nhóm một là nhóm
ba gồm bốn vị: Lê Thiện Phước, Nguyễn Văn Mạnh, Huỳnh Văn Mai, và Võ Văn Nguyên.
Sau này, vào Chủ Nhật 13-02-1927 (12-01 Đinh Mão), hai vị Phước và Mạnh theo
thứ tự được Đức Chí Tôn phong làm Bảo Thế và Hiến Thế.
Tiếp theo là Hộ Pháp Phạm
Công Tắc, Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư (bên phải Hộ Pháp, cùng bên nhóm hai), và
Thượng Sanh Cao Hoài Sang (bên trái Hộ Pháp, cùng bên nhóm ba).
Bên cạnh tiền khai Cao
Quỳnh Cư có tiền khai Nguyễn
Văn Mùi (Hữu Phan Quân) +++ cầm phướn Thượng Phẩm. Bên cạnh tiền khai Cao
Hoài Sang có tiền khai Lê Thế Vĩnh cầm phướn Thượng Sanh.
+++ Bổ di:
Thứ Hai, ngày 21-10-1935 (24-9 Ất Hợi), Đức Phạm
Hộ Pháp ban hành nghị định thứ 2 và 3. Theo đó, Điều Thứ Nhứt buộc: “[Tất] cả chức sắc kể tên sau đây đều phải
mất quyền hành chánh trị của nền Đạo vì chưa phế đời. . .” Vị chót hết (thứ mười bốn) là Hữu Phan Quân Nguyễn Văn Mùi.
* Đức Chí Tôn dạy thêm vào ngày chót trước cuộc lễ
Thứ Tư 17-11-1926 (13-10
Bính Dần), Đức Chí Tôn phong Hòa Thượng Thích Thiện Minh làm Đầu Sư Thái Minh
Tinh. Sau đó, Đức Chí Tôn tiếp tục chỉ dạy thêm cho việc chuẩn bị lễ Khai Minh
Đại Đạo. Một lần nữa, Ngài khuyên tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh)
giảm bớt chi phí cho việc sửa sang thánh thất Thiền Lâm.
Về việc tiếp khách, ba trong bốn vị phụ sự và
mười hai vị tình nguyện phụ giúp chia làm ba nhóm: nhóm một tiếp đãi khách
thượng lưu và người Pháp; nhóm hai, khách trung lưu; và nhóm ba, khách bình
dân. Riêng các quan chức Pháp thì tiền khai Nguyễn Ngọc Tương (Thượng Tương
Thanh) đích thân tiếp đãi.
Về việc xuất, cũng theo chỉ dạy của Đức Chí Tôn,
mỗi khoản chi tiêu phải có đủ chữ ký của ba vị Lê Văn Lịch (Ngọc Lịch Nguyệt),
Lê Văn Hóa (Thượng Hóa Thanh), và Xài.
Những việc tưởng chừng
nhỏ nhặt nhưng Đức Chí Tôn vẫn nhắc nhở các tiền khai không được sơ sót. Chẳng
hạn, Ngài dạy tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh) hãy đặt máy phát điện
đủ xa để giảm bớt tiếng ồn; hoặc dạy tiền khai Trần Đạo Quang hãy dùng một băng
lụa đỏ để cột bộ Kinh Xuân Thu, bình
bát vu phải bằng đồng đỏ thay vì bằng sứ. (Trong đạo Cao Đài, ba món Kinh Xuân
Thu, phất chủ, và bát vu theo thứ tự tượng trưng cho Tam Giáo: Nho, Lão, Phật.)
Nhiêu Lộc, 28-7-2015
HUỆ KHẢI
[Nguyễn Văn Hồng 1], Đạo Sử Nhựt Ký. Quyển 1 (1925-1934). Bản
thảo (1.213 trang).