Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

33. TẠM KẾT / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN



TẠM KẾT
Một đạo viện không địa chỉ, chẳng tên gọi. Một đạo sư không danh tính, những huynh đệ môn sinh cũng chẳng có tính có danh.
Họ là ai? Họ ở đâu? Hà nhân? Hà xứ?
Cớ sao họ lại vừa cổ vừa kim? Vừa cũ vừa mới? Nhưng có lẽ nhờ thế mà họ mới sẻ chia, san sớt với chúng ta những điều cũ kỹ qua những góc nhìn tưởng đâu là mới, chứ xét cho cùng chả hề mới mẻ chi đâu.
Họ có gương mặt nào không? Có đấy. Họ mang chung một chân dung, khoác cùng một diện mạo. Là chân dung không chân dung, là diện mạo vô diện mạo. Bởi lẽ rằng cư trú nơi đạo viện đó vốn là những tâm hồn Đại Đạo, mà Đại Đạo thì bàng bạc bao la, chỗ nào cũng có. Đại Đạo phiếm hề, kỳ khả tả hữu! Đức Lão Tử há chẳng từng nói thế là gì.
Khi đã thử một lần bước vào đạo viện vô trụ xứ ấy và gặp những gương mặt không chân dung ấy, khi đã lắng nghe thầy trò họ, huynh đệ họ tâm tình dạy bảo lẫn nhau, ắt ta không khỏi tự hỏi: Họ có thật chăng? Có hiện hữu giữa phù hoa cát bụi này chăng? Hay họ chỉ là niềm mơ ước mong manh của người kể chuyện mỗi khi gã ấy ngừng tay thôi giở tiếp trang kinh và thả hồn vào cuộc ngẫu hứng phiêu bồng viễn mộng.
Đây là chuyện tôi nghe…
Như thị ngã văn ư?
Vậy té ra họ có thật sao?!
Dường như thế, bởi tà áo họ vừa thấp thoáng mập mờ đâu đây, và vô tình gởi lại trong gió chút hương trầm xa xôi thoang thoảng.
Thôi đừng tìm họ, chớ khá cưỡng cầu. Nhưng xin nguyện ước cho bạn, cho tôi, cho chúng ta, một lần ngẫu nhĩ duyên may họ và ta sẽ tao ngộ tương phùng giữa cuộc chơi trần gian ngắn ngủi, để chúng ta hạnh phúc một lần với đất trích chiêm bao.
Xin chào bạn.
17-4-2013
HUỆ KHẢI

32. XIN CẦU NGUYỆN CHO TÔI / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN


Đức Giê-su rửa chân cho môn đệ.

XIN CẦU NGUYỆN CHO TÔI
Hạ mình xuống thấp mà cao
Trèo cao sẽ té lộn nhào chẳng không.
Đại Thừa Chơn Giáo
Đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm đạo sư không hẹn mà có khách phương xa đến viếng, cũng là bậc cao niên tôn túc trong chốn tòng lâm. Bấy lâu vẫn nghe thanh danh nhưng chưa có duyên lành hội ngộ, nay bỗng dưng được quý nhân đại đức quang lâm, đương nhiên đạo sư rất hoan hỷ.
Trong phòng khách thanh tĩnh của đạo viện chỉ có một chủ một khách, thêm chú trà đồng hầu nước. Tuy sơ ngộ mà hai bên đều tỏ ra khoan khoái, dường như đã tương tri tương đắc tự thuở nào. Bởi thế, buổi đàm đạo dẫu kéo dài nhưng không dễ dứt.
Tiễn khách về rồi, trở vào phòng thấy chú trà đồng dọn dẹp vừa xong, đạo sư ôn tồn bảo:
- Từ sáng đến giờ con cũng khá nhọc. Thôi, nghỉ ngơi đi con.
Chú trà đồng nhoẻn miệng cười tươi, khoe chút lúm đồng tiền trên gò má phính:
- Nghe lóm câu chuyện giữa thầy và vị đạo trưởng ấy, con chưa hề biết chán. Con thật diễm phúc được thầy ban ơn cho phép hầu nước. Một buổi sáng như hôm nay con học được bao nhiêu điều quý báu. Đọc vài pho sách cũng khó sánh nổi!
Đạo sư mỉm cười tỏ vẻ yêu mến chú học trò mẫn tiệp. Khi chú chân ướt chân ráo bước vào đạo viện xin tu, đạo sư đã nhìn thấy căn cơ sâu dày ẩn tàng trong thân thể còm nhom của đứa trẻ mồ côi phiêu dạt. Biết chú có nhân duyên với mình, đạo sư sớm chọn chú làm trà đồng để tiện gần gũi dạy dỗ, uốn nắn từ thuở măng non. Bởi vì:
Lập một nước dễ hơn truyền giáo
Truyền dạy người đắc đạo khó thay
Biết bao kềm sửa đêm ngày
Làm nên Tiên Phật rất dày công phu.([1])
Thấy thầy đang vui, chú không ngại ngần, liền tỏ bày:
- Nhưng nãy giờ con cứ phân vân một việc. Vị đạo trưởng ấy đâu phải tầm thường, vậy mà khi giã biệt lại nói: “Xin đạo sư cầu nguyện cho tệ hữu.” Lạ thay! Nghe thế thì thầy liền chắp tay xá vị khách và đáp: “Vâng, xin đạo trưởng cũng cầu nguyện cho bần đạo. Ta hãy cầu nguyện cho nhau nhé!”
- Con à, đó nào phải là lời khách sáo của chúng ta. Vị đạo trưởng ấy đức độ hơn người nên ngài khiêm tốn tự nhiên và thành thực, chẳng chút lịch sự giả tạo. Đối với người khác, đó là cách ngài tạo duyên cho họ học theo đức khiêm tốn của thánh hiền. Thầy đã dạy quẻ Địa Sơn Khiêm, con vẫn nhớ chứ?


y-nghia-cua-64-que-dich-que-15-dia-son-khiem.png
- Thưa thầy, đó là quẻ Dịch thứ mười lăm. Quẻ Địa Sơn Khiêm gồm quẻ Khôn là Địa (đất thấp) đặt đè lên trên quẻ Cấn là Sơn (núi cao) bên dưới. Tượng quẻ Khiêm nhắc mọi người hãy nhớ lời Đức Chúa dạy: “Ai tôn mình lên cao sẽ bị hạ xuống thấp; ai hạ mình xuống thấp sẽ được tôn lên cao.” ([2])
Đạo sư gật đầu hài lòng:
- Phải đó con. Là người tu hành, mỗi khi nghe ai xin con cầu nguyện giùm cho họ thì con phải biết sợ hãi mà tự kiểm điểm lại bản thân. Con phải thành thật xét xem con có đầy đủ đức hạnh, có trọn vẹn giới luật để xứng đáng thay mặt người ấy mà đứng ra cầu nguyện Trời Phật giùm họ hay không. Sợ nhất là khi người tu được mang chức sắc lớn, phẩm vị cao và đứng trên muôn người. Lúc ấy, nếu để lòng tự cao tự đại lấn át chơn tâm thánh thiện, và thấy tự đắc tự mãn với áo mão, uy quyền của một bậc giáo phẩm thì đâu còn xứng đáng để thay mặt chúng sanh mà ra trước bàn thờ cầu nguyện Trời Phật giùm cho chúng sanh. Người tu càng cao, càng được bá tánh trọng vọng thì càng phải dè dặt giữ gìn. Bởi thế, Kinh Thi khuyên “như lâm thâm uyên, như lý bạc băng”,([3]) nghĩa là lòng phải nơm nớp như kẻ đang men bước tới chỗ vực sâu, như đang dò dẫm đi trên lớp băng mỏng phủ che đáy nước, chả biết sẽ hụt chân mất mạng lúc nào! Chúa Giêsu rửa chân cho môn đồ là dạy bài học ấy.
19-02-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1895, ngày 22-02-2013




([1]) Đại Thừa Chơn Giáo.
([2]) Luca 14:11.
([3]) 如臨深淵,如履薄冰.

31. VÔ QUY / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN

Giả Đảo 賈島 (779-843) 
VÔ QUY
Đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm đạo sư bất ngờ đến dự buổi giảng chữ Nho của trưởng tràng. Cuối buổi học, trưởng tràng mời thầy để lời phủ dụ các môn đệ. Đạo sư nói:
- Thầy cảm ơn trưởng tràng thay thầy kèm các em học chữ Nho rất tận tụy. Các con đừng phụ lòng sư huynh, phải cố gắng không ngừng. Lúc nãy, thầy nghe trưởng tràng giảng câu thơ Quy ngọa cố sơn thu của nhà sư Giả Đảo ([1]) rất hay, thú vị lắm! Quy là về, trở về; các con ai cũng biết rõ. Nhân dịp này thầy muốn giảng thêm hai chữ vô quy 無歸 là không về.
Đưa mắt nhìn qua cả lớp một lượt, đạo sư nói tiếp:
- Chuyện như vầy: Xưa có thiền sư Ngu Đạo 愚道 là thầy của Nhật Hoàng. Tính ngài xuề xòa giản dị, hay đi vào thôn xóm bình dân mà chẳng ai biết đấy là quốc sư cao trọng đương triều. Một hôm, dọc đường mắc mưa ướt nhem làm đôi dép rơm rã nát, ngài ghé một nhà trong làng hỏi mua đôi khác. Chị chủ nhà tử tế biếu dép, rồi cầm ngài nán lại đợi khô ráo hẵng đi.
Đêm ấy tụng kinh trước bàn thờ gia tiên của họ, thấy mấy mẹ con ủ rũ, ngài hỏi nguồn cơn thì biết anh chồng là kẻ nát rượu, bê tha. Ngài bèn đưa chị chủ nhà ít tiền, bảo mua rượu ngon và thức nhắm mang về để ngài cải hóa ông chồng. Thế rồi mấy mẹ con họ đi ngủ, ngài ngồi thiền trước bàn thờ gia tiên, bên cạnh mâm rượu.
Khuya lơ anh chồng chân nam đá chân chiêu trở về. Ngài nói vắn tắt lý do mắc mưa xin tá túc, và mời y thưởng thức món quà của ngài. Con sâu rượu chả thèm chất vấn cho phí hơi, y sà ngay vào mâm rượu rồi say mèm, lăn quay ra ngủ khò.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy sư vẫn trang nghiêm tọa thiền bên cạnh, y hỏi ngài là ai. Khi biết là quốc sư Ngu Đạo, y xấu hổ, rối rít xin lỗi. Ngài khuyên y bỏ rượu, lo gầy dựng gia đình. Y hối hận, xin quảy giúp túi hành trang tiễn ngài lên đường, gọi là tạ ơn dạy dỗ.
Đi được ba dặm, sư bảo y quay về. Y xin đi thêm năm dặm. Hết năm dặm, ngài nhắc quay về, y xin đi thêm mười dặm. Hết mười dặm, ngài lại nhắc thì y dõng dạc nói: “Con theo thầy tới hết đời con!” Về sau người ấy trở thành thiền sư, pháp hiệu Vô Quy, nghĩa là không trở lại.
Đạo sư dừng lại, như muốn cả lớp kịp suy gẫm câu chuyện. Rồi ngài tiếp tục:
- Chúng ta hàng ngày có nghi thức quy y Tam Bảo. Thầy trò chúng ta niệm: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Mấy người bạn của thầy bên đạo Cao Đài niệm: Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng. Nam mô tức là quy y đấy thôi; bên ấy nói theo tiếng Phạn, còn ta theo chữ Nho.
Quy là trở về. Y là nương theo, dựa theo. Chúng ta xin trở về nương theo Phật, theo Pháp, theo Tăng. Phật vô hình, ai thấy được? Pháp trừu tượng, ai sờ được? Vậy thì biết chỗ nào cụ thể để nương theo mà trở về? Chỉ có Tăng là con người bằng xương bằng thịt thì thấy được, sờ được. Vậy nương theo Tăng để tới Pháp, tới Phật.
Ngày xưa Đức Lão Tử viết Đạo Đức Kinh năm ngàn chữ chia làm hai quyển: quyển thượng mở đầu với chữ Đạo, quyển hạ chữ Đức. Đạo vô hình đâu ai thấy. Nhưng Thánh Nhân có Đức, cảm hóa chúng sanh. Qua Đức của Thánh Nhân người ta thấy được Đạo. Đạo là Pháp, là Phật. Thánh Nhân là Tăng.
Sư Ngu Đạo là Tăng. Đạo đức của ngài có thần lực cảm hóa kẻ nát rượu dễ dàng. Qua ngài mà kẻ hối lỗi nọ tới được Pháp, tới được Phật rồi trở thành thiền sư Vô Quy. Nếu Ngu Đạo tu hành giả dối thì muôn kiếp cũng không xuất hiện thiền sư Vô Quy, và gã làm chồng bê tha kia lập tức quay trở về với hũ rượu rồi trầm luân đọa lạc muôn đời.
Cũng thế, nếu thầy trò ta tu hành giả dối, chúng sanh đâu thể nào nương theo ta mà tới Pháp, tới Phật. Cho nên mỗi khi niệm Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng thầy trò ta đều phải nhớ khép mình vào giới luật cho xứng đáng là những vị Tăng đạo đức mới mong đủ sức giúp chúng sanh trở về với Pháp, với Phật.
Các Thánh tông đồ của Chúa cũng là Tăng. Giảng đạo trên núi, Chúa dạy các ngài: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” ([2]) Nhưng nếu các tông đồ không sáng lòa cái đức của mình thì đâu có thể soi đường dẫn lối được cho ai trở về với Chúa, về với Đạo, phải không các con?
16-4-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1893, ngày 19-4-2013




([1]) Giả Đảo 賈島 (779-843): Nhà sư, nhà thơ đời Đường, nổi tiếng vì tánh gọt giũa chữ nghĩa chi li (thôi xao 推敲). Bài thơ trưởng tràng dạy các sư đệ như sau:
Nhị cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu
Tri âm như bất thưởng
Quy ngọa cố sơn thu.
二句三年得
一吟雙 淚流
知音如不賞
歸卧故山秋.
Huệ Khải dịch:
Ba năm làm được hai câu
Một lần ngâm để rơi châu đôi hàng
Tri âm như chẳng hiểu chàng
Quay về núi cũ nằm tràn với thu.
([2]) Matthêu 5:14.

30. VÔ NGÃ / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN


VÔ NGÃ
Đây là chuyện tôi nghe:
Đạo sư mở một khóa ngắn hạn để truyền dạy giáo lý đại cương và đạo pháp khai tâm dành riêng cho các đạo tâm đang tu tại gia, tức là những cư sĩ.
Phần lớn họ là thân quyến, bè bạn các đồ đệ của ngài. Không đủ nhân duyên xuất gia vào tu trong đạo viện, nhưng lâu nay họ vẫn hay lui tới làm công quả, tham dự các thời cúng, lễ lạt... Vì lòng từ bi, và thể theo lời thỉnh cầu của các đại đệ tử, đạo sư muốn tạo duyên lành cho họ trưởng dưỡng hạt giống bồ đề sẵn có nơi mảnh tâm điền, ngõ hầu họ có thể giữ mình trong khi còn phải lăn lóc với cuộc mưu sinh trên đường trần đa đoan bất trắc, hiểm ác rập rình.
Hôm ấy, sau khi giảng xong một bài giáo pháp, đạo sư ôn tồn hỏi mọi người:
- Tính ra quý vị về đây vừa tròn một con trăng, nghĩa là đã đi được một phần ba con đường trù định cho khóa học này. Nay có điều chi muốn nói không? Tôi xin lắng nghe.
Giảng đường im phăng phắc.
Hiểu ý, đạo sư khuyến khích:
- Quý vị tầm đạo là mong giải thoát cho chính mình trước đã. Một trong những điều cần giải thoát là sợ hãi. Ở ngoài đời, vì miếng cơm manh áo, vì quyền chức danh vọng, vì thế lực bề trên, hay vì lẽ này lẽ khác mà lắm khi quý vị phải ép lòng không dám nói thật bụng dạ của mình. Nhưng nơi thanh bần này đây không phải là chỗ đổi chác áo cơm hay chức quyền bổng lộc, vậy còn ngại gì mà không mạnh dạn bày tỏ ý nghĩ, thổ lộ mong muốn của mình?
Sau cùng, một học viên rụt rè đứng dậy:
- Thưa thầy, con nghe nói pháp môn niệm Phật A Di Đà để cầu cho mình khi tắt thở được rước hồn về cõi tịnh độ rất dễ tu và rất linh diệu. Cho nên con xin phép thầy ngày mai được rút lui…
Thấy ông ta lúng túng khó nói hết câu, đạo sư mỉm cười, dịu dàng đỡ lời:
- Hay lắm! Hay lắm! Trong tám mươi bốn ngàn pháp môn nhà Phật, pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh tịnh độ xưa nay rất mầu nhiệm. Tôi cầu chúc ông sẽ được thành tựu như ý và ngày mai đi đường bình an.
Vạn sự khởi đầu nan. Đã có người mở lối rồi thì liền có thêm hai người nữa lần lượt đứng lên, cũng xin rút tên để tìm tới một pháp môn khác ở nơi khác. Cả hai người đều được đạo sư hoan hỷ tán thành và để lời chúc lành.
Khi trở về thư phòng trà đồng bực mình, nói với đạo sư:
- Thưa thầy, ba người đó bất lịch sự quá đáng!
- Không, họ rất lịch sự mà con! Họ lẳng lặng bỏ đi cũng được nữa kìa; đằng này có trình có thưa, có giã từ minh bạch. Không hổ thẹn là người đang tìm đạo, biết giữ lễ.
- Nhưng…
Đạo sư cười xòa, bẹo má chú:
- Con phiền vì họ chê thầy, bỏ đi tìm chỗ khác, đúng vậy không nào? Nhưng có hề chi, con ơi! Giả sử mai kia con thành tài, con đứng lớp giảng một môn học, rồi trong số học viên có người mang theo sách của tác giả khác vào lớp, lại đúng cái môn con đang dạy, thì con sẽ tự ái mà ghét bỏ kẻ đó, trù dập họ ư? Hay là con nên hoan hỷ khuyến khích học viên hãy tìm thêm sách cùng đề tài của nhiều tác giả khác để mở rộng thêm những gì con giảng dạy? Thậm chí, nếu con đã từng đọc sách đó, con sẽ cầm nó giơ cao trước lớp và lớn tiếng vạch ra những chỗ mà con cho là tác giả viết sai, kém cỏi? Hay là con chỉ nên nhấn mạnh những chỗ đặc sắc của cuốn sách và khuyên mọi người lưu ý?
Trà đồng rót mời thầy chén trà thơm và chuyển đề tài:
- Thầy luôn xưng “tôi” và gọi học viên trong khóa này là “quý vị”, chớ không xưng là “thầy”, không gọi họ là “con” như đối với anh em chúng con trong đạo viện.
Đạo sư gật đầu:
- Bèo nước gặp nhau, tan hiệp mấy hồi! Nếu đã chịu nhận nhau là thầy trò thì sư phụ sẽ phải chịu trách nhiệm trước sự thành bại của đệ tử. Trò tu không xong, lỡ phạm tội mà bị luân hồi kiếp nữa, thì ông thầy đâu có được thanh thản, cũng phải tìm cách này cách khác mà cứu học trò xưa cho tròn nghĩa vụ. Đừng ham làm thầy thiên hạ, con ơi! Nặng gánh lắm!
01-7-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1914-1915, ngày 05-7-2013


29. VĂN ĐIẾU TANG / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN


VĂN ĐIẾU TANG
Tiếc nhau chi, mai mốt đã xa rồi
Xa là chết, hãy tặng tình lúc sống.
Xuân Diệu (1916-1985)
Đây là chuyện tôi nghe:
Được tin tu viện bạn có vị đạo trưởng vừa tạ thế, đạo sư đang bận việc hoằng pháp phương xa, bèn gọi điện nhờ trưởng tràng ở nhà sắp đặt một phái đoàn gồm các môn sanh lớn tuổi có thâm niên tu học để đến viếng tang cho phải lễ.
Khi đạo sư trở về, trưởng tràng vào vấn an thầy và tường trình chuyến đi. Đạo sư hỏi:
- Dự lễ tang của ngài, con có suy nghĩ hay ý kiến gì để chia sẻ với thầy không?
Trưởng tràng tỏ vẻ ngần ngừ rồi đáp:
- Con chỉ lấy làm lạ về việc ban tổ chức lễ tang đặt một tấm bảng nhỏ trước linh cữu xin mọi người miễn lạy và miễn đọc điếu văn. Miễn lạy thì con hiểu, nhưng miễn đọc điếu văn thì con thấy dường như trái với thông lệ các nơi. Một vài đoàn do đã chuẩn bị điếu văn nên cứ nài nỉ xin được đọc thì ban tổ chức tuy rất nhã nhặn nhưng vẫn nhất quyết từ tạ, bảo rằng phải tuân theo di ý thiêng liêng của người quá cố. May mà hôm nọ thầy không bảo chúng con làm sẵn điếu văn mang đi. Xong việc ra về, chúng con nói riêng với nhau có lẽ thầy đã tiên tri…
Đạo sư cười xòa:
- Nào có tiên tri hay hậu tri gì đâu, con! Chẳng qua vị đạo trưởng ấy với thầy là chỗ tri kỷ, có nhiều điều ngài chỉ thổ lộ riêng với thầy mỗi khi được dịp gặp nhau. Thầy không kịp viếng tang bạn hiền thì đợi đến tuần cửu thứ nhất thầy sẽ đưa các con sang dự lễ cầu siêu. Con nhớ nhé, tuần cửu thứ nhất là ngày thứ chín kể từ ngày mất; con liệu chừng mà chuẩn bị hoa quả giúp thầy.
Trưởng tràng kính cẩn cúi đầu tỏ ý vâng lời, rồi ngập ngừng hỏi:
- Thưa thầy… như vậy phải chăng vị đạo trưởng ấy đã nói trước với thầy về việc không muốn có điếu văn?
- Con à, vị đạo trưởng ấy là bậc tài trí, đức độ. Nếu kể về công nghiệp hoằng pháp thì ngài ví như một công cụ đắc dụng của Trời Phật, Tiên Thánh để giáo hóa chúng sanh. Nhưng con lạ gì thói đời! Lắm người nương cửa đạo, thân khoác áo đạo mà tâm địa vẫn y nguyên như phàm phu giữa chốn phù hoa mê mải hơn thua giành giựt. Họ đem tâm địa ấy núp bóng tôn giáo để kèn cựa, ganh tỵ, hay ngầm cản trở con đường hành đạo của ngài. Chẳng qua uy tín và thanh danh của ngài khiến lòng họ điên đảo, đảo điên. Nhưng nếu ngài qua đời, những người đó sẽ mau mắn đến trước linh cữu để ai điếu bằng mọi mỹ từ hào nhoáng. Họ sẽ ca tụng ngài nhưng thâm ý là để diễn trò trước mắt bá tánh, ra điều họ kính mộ ngài vì họ cũng là hạng người đạo đức.
Nhìn nét mặt trưởng tràng có vẻ như chưa mấy cảm thông với chuyện miễn điếu văn, đạo sư nói thêm:
- Con biết chứ? Sáu mươi bảy tuổi Đức Khổng buồn bã trở về quê nhà ở nước Lỗ, kết thúc những năm dài bôn ba các nước mà không vua chúa nào trọng dụng tài trí, đức độ của bậc Thánh. Bấy giờ Lỗ Ai Công đâu thiết tha gì tới Đức Khổng, nhưng vì sĩ diện, gượng mời Đức Khổng vào triều hỏi qua quít về kế sách trị nước. Hỏi cho có lệ mà thôi, rồi chả đi tới đâu. Sáu năm sau, Đức Khổng tạ thế thì Lỗ Ai Công liền tới điếu tang, truy tặng ngài là Ni Phụ. Đức Khổng tên tự là Trọng Ni; Phụ là cha. Vua Lỗ ra điều trọng kính, tôn Đức Khổng làm cha – cha Ni. Sách Tả Truyện chép rằng khi ấy đại đệ tử của Đức Khổng là Tử Cống đang đứng hầu bên linh cữu bực quá, buột mồm nói luôn: “Thầy tôi còn sống thì vua không dùng; thầy tôi mất thì truy phong danh hiệu. Vậy đâu có đúng lễ!”
Đạo sư thở dài:
- Xưa đã vậy, nay cũng vậy, mà sau này rồi vẫn vậy! Điếu văn điếu từ mà chi! Sao chẳng trao tặng nhau tình người chân thật khi còn đang sống với nhau?!
28-5-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1909, ngày 31-5-2013

28. TIẾNG RAO KHUYA / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN


TIẾNG RAO KHUYA
Người bán bánh dầy, bánh giò luôn cất tiếng rao khuya lúc đi ngang đạo viện. Cần cù mưu sinh từ buổi còn trẻ, tiếng ông rao lanh lãnh trong đêm vắng lặng: “Ai ăn bánh dầy, bánh giò…”
Năm tháng trôi qua, ông già đi, hơi sức mòn mỏi, tiếng rao cụt lủn: “Dầy giò… dầy giò…” Tiếng rao khuya quen thuộc len qua bức tường đạo viện, lọt vào chốn thanh u tịch tĩnh, nghe buồn buồn như lời than thở: “Giày vò… giày vò…”
Đây là chuyện tôi nghe:
Một khuya nọ, sau cữ thiền giờ Tý, đạo sư chưa trở về phòng ngơi nghỉ. Ngài nán lại ngoài thềm chánh điện, nét mặt thoảng nét trầm tư. Thấy vậy, trưởng tràng nhẹ gót bước tới bên thầy, khẽ nhắc:
- Thưa thầy, muộn lắm rồi. Con xin thầy giữ gìn sức khỏe.
Trìu mến đặt bàn tay lên vai đệ tử, đạo sư nói:
- Cảm ơn con. Con có nghe tiếng rao hàng vừa rồi không?
- Dạ có ạ. Khuya nào cũng đều đặn như đồng hồ, hễ thầy trò mình vừa đánh chuông xả thiền là nghe tiếng rao hàng bên ngoài đạo viện. Thấy ông lão cực khổ, chúng con cũng chạnh lòng. Nhưng mình ăn chay, có muốn mua giúp ông cũng không được.
Đạo sư gật đầu:
- Kiếp người mưu sinh cùng cực quá. Vừa rồi nghe ông lão rao hàng, thầy bỗng nhớ lời Đức Khổng Tử và không dằn được nỗi xót xa; thế nên mới thẩn thơ ngoài thềm sương như vầy!
Trưởng tràng cung kính cúi đầu, chắp tay trước ngực:
- Cầu thầy từ bi dạy rõ, con xin lắng nghe.
- Một hôm Đức Khổng bảo Tử Lộ và Nhan Hồi: “Tại sao mỗi anh không nói chí hướng cho thầy biết?” Tử Lộ đáp: “Con mong có xe, ngựa và áo lông cừu nhẹ để cùng chung hưởng với bạn bè. Dẫu dùng chúng cũ nát vẫn không tiếc.” Nhan Hồi nói gọn: “Con không muốn khoe điều tốt và kể công của con.” Thế rồi Tử Lộ hỏi: “Chúng con xin nghe chí hướng của thầy.” Đức Khổng nói: “Thầy mong cho người già được phụng dưỡng mà an vui...” ([1])
Như để trưởng tràng kịp suy nghĩ, đạo sư dừng lại một chốc rồi nói tiếp:
- Đức Khổng ước mơ như thế cách nay mấy ngàn năm rồi. Người già đau khổ suốt từ thời Đức Khổng đến thời chúng ta, đâu đâu cũng có và lúc nào cũng nhiều. Cái ăn cái mặc muôn đời cứ mãi trói buộc kiếp người tần tảo, nhọc nhằn! Con thử nghĩ xem, trong lúc ngoài kia có biết bao người khổ nhọc, lăn lóc đầu hôm sớm mai cốt mong kiếm từng miếng ăn bèo bọt, thì thầy trò chúng ta được hồng ân Thượng Đế dành cho một khoảng trống an lành mà thanh thản tu hành. Nói theo lời Chúa, thì chúng ta đâu khác chi bông huệ ngoài đồng, không làm lụng, không kéo sợi nhưng vẫn được Đức Chúa Trời chăm lo đầy đủ.([2]) Đây là duyên phước vô biên từ nhiều kiếp trước dồn lại, nhưng chính đây cũng là món nợ lớn hơn núi, sâu hơn biển mà ngày lại ngày thầy trò chúng ta cứ tiếp tục đeo mang chồng chất!
Đạo sư xoay người lại, đưa mắt nhìn quanh. Nãy giờ có thêm một nhóm nhỏ học trò hiếu kỳ đứng xúm xít sau lưng thầy và trưởng tràng, dỏng tai nghe lóm.
Đạo sư mỉm cười từ ái, nhẹ nhàng giơ bàn tay lên, ra dấu cho môn đệ yên lòng, khỏi sợ thầy phiền trách. Rồi ngài ôn tồn nhắc lại:
- Đúng vậy đó các con! Hàng ngày thầy trò chúng ta thọ ơn bá tánh cúng dường nên không làm lụng mà vẫn có cái ăn cái mặc. Chúng ta càng được rảnh rang tu hành nhiều chừng nào thì món nợ của bá tánh càng thêm sâu nặng như biển cả non cao. Thế nên mỗi khi ngồi thiền xong chúng ta phải đem hết lòng thành hồi hướng, cầu nguyện cho bá tánh an bình, quốc dân đồng bào hạnh phúc. Hơn thế nữa, nếu chúng ta không ráng tu cho trọn vẹn để thành chánh quả, thì làm sao chúng ta có đủ quyền năng mầu nhiệm mà mong ra tay cứu khổ cứu nạn cho bá tánh. Chúng ta tu hành lôi thôi thì món nợ sâu dày của bá tánh, ơn huệ bao la của Trời Phật ban bố, còn biết kiếp nào mới trả xong, hở các con!?
08-4-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1892, ngày 12-4-2013




([1]) Luận Ngữ 5:26.
([2]) Matthêu 6:28.

27. TIẾNG NƯỚC / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN

 Image result for "Quản Trọng"
Quản Trọng (Quản Di Ngô)

TIẾNG NƯỚC
Các con hiền mà dữ.
Các con yếu mà mạnh.
Các con nhỏ nhoi mà là quyền thế.
Các con nhịn nhục mà các con hành phạt.([1])
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm trưởng tràng vào thư phòng gặp đạo sư, trình ngài xem tấm hoành phi vừa đặt làm xong để đến ngày rằm tháng ấy thầy trò đem mừng lễ lạc thành một thánh sở Cao Đài. Ngắm bốn chữ Nho Đạo Pháp Trường Lưu 道法長 viết thảo bay bướm, đạo sư gật đầu tỏ ý hài lòng:
- Con tìm thợ khéo đấy. Nào, ngồi đây uống với thầy chén trà đi con.
Nhân lúc thong thả, trưởng tràng gợi chuyện:
- Bốn chữ thầy chọn hay quá! Hàm ngụ tính chất của đạo pháp vừa nhu thuận như nước, vừa luân động bất tận. Quả là lời chúc lành cho thánh sở bạn.
- Chẳng phải ý thầy đâu, con. Thật ra là trích lời kinh tụng của tín hữu Cao Đài đấy thôi. Nhưng con nói đúng; người xưa luôn ví Đạo với nước. Nước nhu thuận, luôn tìm thế cân bằng khi từ chỗ cao đổ vào chỗ trũng, đem chỗ đầy lấp vào chỗ vơi. Bởi vậy, Đức Lão Tử ví thánh nhân giống như nước, khéo làm lợi cho muôn loài mà không tranh giành với ai…
- Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh…([2])
Trưởng tràng đọc luôn câu chữ Nho trong Đạo Đức Kinh, như để “trả bài” thầy, rồi nói tiếp:
- Thưa thầy, nhưng nước không chỉ là nhu thuận, mềm yếu. Nước còn mạnh mẽ, công phá dữ dội. Nên Đức Lão Tử dạy: “Trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước; thế mà nó lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng chi hơn nó, chẳng chi thay thế được nó.” ([3])
- Phải đó con. Cho nên trong lịch sử nhân loại, nhiều bậc trị nước sáng suốt, khôn khéo không bao giờ dám coi thường tính nhu thuận, mềm dẻo như nước của đạo giáo. Một số chính thể Đông Tây kim cổ đã từng phải cáo chung chỉ vì nhà cai trị nơi ấy trót biến dòng nước đạo pháp ôn nhu trở nên cuồng lưu!
Nhấp ngụm trà thơm, đạo sư đặt nhẹ chén xuống lòng dĩa, rồi thong thả nói tiếp:
- Nói chung thì trong thuật trị nước, người xưa vẫn ví dân chúng là nước. Dân đen vốn dĩ hiền lành, nhưng nếu cứ dồn dân lành tới chỗ cùng cực thì sức dân phản kháng ngược lại sẽ rất khó lường hậu quả.
- Thưa vâng, lời thầy dạy khiến con sực nhớ tới bài thơ Quan Hải của danh Nho Nguyễn Trãi có câu: “Phúc chu thủy tín dân do thủy…” ([4]) Lật thuyền rồi thì mới tin là sức dân mạnh như nước.
Đạo sư nở nụ cười, tỏ vẻ hài lòng:
- Con chịu để tâm học hỏi tinh hoa của dân tộc như thế, thầy mừng. Nhưng con có biết thầy Ức Trai khi xưa ví sức dân mạnh như nước là nhắc lại tư tưởng của ai không?
- Thưa thầy, con kém cỏi. Xin thầy giúp mở trí ngu.
- Chương Vương Chế trong sách Tuân Tử có chép câu này: “Quân giả, chu dã; thứ nhân giả, thủy dã; thủy tắc tải chu, thủy tắc phúc chu.” ([5]) Vua là thuyền; dân là nước; nước chở được thuyền, nước lại lật úp được thuyền. Tư tưởng của Tuân Tử chẳng những đi vào thơ thầy Ức Trai mà khoảng ba trăm năm sau hãy còn phảng phất trong thơ Ngô Thì Nhậm.
Giọng đạo sư chợt nghe xa xôi như mơ màng:
- Khi làm sứ thần cho nhà Tây Sơn sang Trung thổ, thầy Ngô đi qua vùng đồi núi tỉnh Quảng Đông có nhiều khe lạch, suối sông. Bị ghềnh đá hiểm trở cản lại, dòng nước lũ cứ mãi cuộn trào, tiếng sóng vỗ liên tục vào đá cứ vang vang những hồi ầm ĩ giữa chốn sơn khê thanh vắng.
Đạo sư khẽ hắng giọng, rồi ngâm:
Nước không tiếng lại thành có tiếng
Vì đâu ầm ĩ réo liên thanh?
Xuôi chiều sông chảy thường im ắng
Vấp đá dòng ngăn nổi bất bình
Cứng chửa đẩy lùi còn ứ giận
Lượng mà dung nổi chẳng cần tranh
Ai người hòa khí nên ngầm hiểu
Thấu suốt lòng trong sắc trắng tinh.([6])
Đợi giọng thơ của thầy lắng xuống một lúc, trưởng tràng hỏi sang chuyện khác:
- Thầy Ngô Thì Nhậm làm quan đời Hậu Lê. Nhà Lê suy, vua Tây Sơn vào Thăng Long trọng dụng thầy Ngô. Xét về công trạng vẻ vang với dân tộc và đất nước, không thể nào không khâm phục tài trí Hải Lượng Thiền Sư Ngô Thì Nhậm. Nhưng… phải chăng hành xử như thế ắt khó tránh khỏi miệng đời chê trách ngài vì phù thịnh mà thiếu lòng trung với vua cũ suy vong?
Đạo sư lắc đầu:
- Thì vốn đã có thị phi như thế. Trung thần bất sự nhị quân. Bề tôi trung không thờ hai vua. Cho nên nhà Tây Sơn vào Thăng Long, hoàng đế Quang Trung hạ chiếu cầu hiền giúp nước, thì không ít nhân tài Bắc Hà ngoảnh mặt làm ngơ bất hợp tác, hoặc ngầm chống đối, hoặc bỏ chạy theo vua Lê sang bên Trung thổ cho trọn nghĩa vua tôi. Những hành vi ấy nào có đúng với chân truyền đạo Nho đâu, con! Đạo Nho truyền từ Đức Khổng xuống mấy ngàn năm, bị các triều đình lợi dụng canh cải mà sai lệch nhiều. Cho nên ngày nay các bạn của thầy bên đạo Cao Đài chủ trương Nho Tông Chuyển Thế, tức là hàm nghĩa phục hồi chân truyền đạo Nho từ Đức Khổng Thánh để cải sửa xã hội. Nho Tông chứ không phải học thuyết Nho Giáo đã bị canh cải mấy ngàn năm sau, con nhé!
Trưởng tràng ngẫm nghĩ một chốc rồi nói:
- Con vẫn chưa lãnh hội hết ý của thầy.
- Con biết danh Quản Trọng ([7]) chứ? Ông là tác giả câu nói “Kế hoạch trọn đời chẳng gì bằng trồng người. Chung thân chi kế mạc như thụ nhân.” Một hôm thầy Tử Cống nói với Đức Khổng Tử rằng Quản Trọng không đáng gọi là người có đức nhân bởi vì khi ông chủ của Quản bị Tề Hoàn Công giết thì Quản Trọng chẳng những không chết theo chủ mà lại còn cúc cung tận tụy trợ giúp Tề Hoàn Công làm nên đại nghiệp nữa chứ! Nghe vậy, Đức Khổng liền “sửa lưng” Tử Cống: “Quản Trọng giúp Tề Hoàn Công làm nên nghiệp bá, nhờ vậy mà thiên hạ từ loạn đổi sang trị. Há vì tấm lòng trung quân nhỏ hẹp tầm thường mà Quản Trọng lại treo cổ bên bờ lạch hay sao?!” ([8]) Cho nên, nếu đem trường hợp thầy Ngô tận tụy phò tá tân trào Tây Sơn mà hỏi Đức Khổng, chắc chắn Đức Vạn Thế Sư Biểu sẽ chỉ ca ngợi mà thôi. Xét cho cùng, Quản Trọng sống với nước chứ chẳng sống vì thuyền. Thuyền luôn dời đổi chứ nước mãi chẳng đổi dời. Đức Khổng khen Quản Trọng tức là ngài đứng về phía nước (là dân) chứ chẳng ủng hộ thuyền (là vua). Bởi vậy, suốt cuộc đời Đức Khổng bôn ba khắp nơi, đâu có ông vua nào dám dùng Ngài!
27-5-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 221, tháng 5-2013




([1]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Quyển I, đàn ngày 29-9-1926.
([2]) 上善若水. 水善利萬物而不爭 … (Chương 8)
([3]) Thiên hạ mạc nhu nhược ư thủy, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng, kỳ vô dĩ dịch chi. 天下莫柔弱於水, 而攻 堅強者莫之能勝, 其無以易之. (Chương 78)
([4]) 覆舟始信民猶水 (關海). Thơ Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu Ức Trai.
([5]) 君者, 舟也; 庶人者, 水也; 水則 載舟, 水則覆舟. (荀子: 製篇). Tuân Tử (313-238 trước Công Nguyên).
([6]) Tiếng Nước (Khương Hữu Dụng dịch). Nguyên văn: Thủy Thanh // Thủy bản vô thanh, khước hữu thanh / Tăng oanh giang thượng vị thùy minh? / Trường lưu thuận chú, nguyên thường tĩnh / Đoạn thạch hoành lan, nãi bất bình / Ngạnh vị khứ thời, ưng hữu nộ / Lượng năng dung xứ, tiện vô tranh / Thái hòa quân tử tu tiềm hội / Thấu triệt ngân quang đáo để minh. 水聲 // 水本無聲卻有聲 / 噌轟江上為誰鳴 / 流順注原常靜 / 斷石橫欄乃不平/ 哽未去時應有怒 / 量能容處便 無爭 / 太和君子須潛會 / 透徹銀光到底明. Thơ Ngô Thì Nhậm (1746–1803).
([7]) Quản Trọng (725-645 trước Công Nguyên). Được Bảo Thúc Nha tiến cử, ông làm Tể Tướng giúp Tề Hoàn Công làm bá chủ thiên hạ.
([8]) Luận Ngữ 14:17.