Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

29. VĂN ĐIẾU TANG / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN


VĂN ĐIẾU TANG
Tiếc nhau chi, mai mốt đã xa rồi
Xa là chết, hãy tặng tình lúc sống.
Xuân Diệu (1916-1985)
Đây là chuyện tôi nghe:
Được tin tu viện bạn có vị đạo trưởng vừa tạ thế, đạo sư đang bận việc hoằng pháp phương xa, bèn gọi điện nhờ trưởng tràng ở nhà sắp đặt một phái đoàn gồm các môn sanh lớn tuổi có thâm niên tu học để đến viếng tang cho phải lễ.
Khi đạo sư trở về, trưởng tràng vào vấn an thầy và tường trình chuyến đi. Đạo sư hỏi:
- Dự lễ tang của ngài, con có suy nghĩ hay ý kiến gì để chia sẻ với thầy không?
Trưởng tràng tỏ vẻ ngần ngừ rồi đáp:
- Con chỉ lấy làm lạ về việc ban tổ chức lễ tang đặt một tấm bảng nhỏ trước linh cữu xin mọi người miễn lạy và miễn đọc điếu văn. Miễn lạy thì con hiểu, nhưng miễn đọc điếu văn thì con thấy dường như trái với thông lệ các nơi. Một vài đoàn do đã chuẩn bị điếu văn nên cứ nài nỉ xin được đọc thì ban tổ chức tuy rất nhã nhặn nhưng vẫn nhất quyết từ tạ, bảo rằng phải tuân theo di ý thiêng liêng của người quá cố. May mà hôm nọ thầy không bảo chúng con làm sẵn điếu văn mang đi. Xong việc ra về, chúng con nói riêng với nhau có lẽ thầy đã tiên tri…
Đạo sư cười xòa:
- Nào có tiên tri hay hậu tri gì đâu, con! Chẳng qua vị đạo trưởng ấy với thầy là chỗ tri kỷ, có nhiều điều ngài chỉ thổ lộ riêng với thầy mỗi khi được dịp gặp nhau. Thầy không kịp viếng tang bạn hiền thì đợi đến tuần cửu thứ nhất thầy sẽ đưa các con sang dự lễ cầu siêu. Con nhớ nhé, tuần cửu thứ nhất là ngày thứ chín kể từ ngày mất; con liệu chừng mà chuẩn bị hoa quả giúp thầy.
Trưởng tràng kính cẩn cúi đầu tỏ ý vâng lời, rồi ngập ngừng hỏi:
- Thưa thầy… như vậy phải chăng vị đạo trưởng ấy đã nói trước với thầy về việc không muốn có điếu văn?
- Con à, vị đạo trưởng ấy là bậc tài trí, đức độ. Nếu kể về công nghiệp hoằng pháp thì ngài ví như một công cụ đắc dụng của Trời Phật, Tiên Thánh để giáo hóa chúng sanh. Nhưng con lạ gì thói đời! Lắm người nương cửa đạo, thân khoác áo đạo mà tâm địa vẫn y nguyên như phàm phu giữa chốn phù hoa mê mải hơn thua giành giựt. Họ đem tâm địa ấy núp bóng tôn giáo để kèn cựa, ganh tỵ, hay ngầm cản trở con đường hành đạo của ngài. Chẳng qua uy tín và thanh danh của ngài khiến lòng họ điên đảo, đảo điên. Nhưng nếu ngài qua đời, những người đó sẽ mau mắn đến trước linh cữu để ai điếu bằng mọi mỹ từ hào nhoáng. Họ sẽ ca tụng ngài nhưng thâm ý là để diễn trò trước mắt bá tánh, ra điều họ kính mộ ngài vì họ cũng là hạng người đạo đức.
Nhìn nét mặt trưởng tràng có vẻ như chưa mấy cảm thông với chuyện miễn điếu văn, đạo sư nói thêm:
- Con biết chứ? Sáu mươi bảy tuổi Đức Khổng buồn bã trở về quê nhà ở nước Lỗ, kết thúc những năm dài bôn ba các nước mà không vua chúa nào trọng dụng tài trí, đức độ của bậc Thánh. Bấy giờ Lỗ Ai Công đâu thiết tha gì tới Đức Khổng, nhưng vì sĩ diện, gượng mời Đức Khổng vào triều hỏi qua quít về kế sách trị nước. Hỏi cho có lệ mà thôi, rồi chả đi tới đâu. Sáu năm sau, Đức Khổng tạ thế thì Lỗ Ai Công liền tới điếu tang, truy tặng ngài là Ni Phụ. Đức Khổng tên tự là Trọng Ni; Phụ là cha. Vua Lỗ ra điều trọng kính, tôn Đức Khổng làm cha – cha Ni. Sách Tả Truyện chép rằng khi ấy đại đệ tử của Đức Khổng là Tử Cống đang đứng hầu bên linh cữu bực quá, buột mồm nói luôn: “Thầy tôi còn sống thì vua không dùng; thầy tôi mất thì truy phong danh hiệu. Vậy đâu có đúng lễ!”
Đạo sư thở dài:
- Xưa đã vậy, nay cũng vậy, mà sau này rồi vẫn vậy! Điếu văn điếu từ mà chi! Sao chẳng trao tặng nhau tình người chân thật khi còn đang sống với nhau?!
28-5-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1909, ngày 31-5-2013