NHỮNG
CÁNH HOA MÀU LỬA
Khi
hai người lớn kịp trụ vững lại ở mỏm đá chênh vênh của lòng mình, để giữ trọn
niềm tin, thương yêu, tôn kính nơi con trẻ, họ đã chọn cho mình một chia ly
hạnh phúc trong vong kỷ hy sinh. Hồi ức của JEANNE HILL về một ấu thời nơi nông trang heo hút cũng là câu
chuyện sâu lắng và rất đẹp của tình người, tình mẹ.
*
Đó là một ngày để trở về. Những đám mây giăng giăng
ngang bầu trời. Con chim cút có bộ lông lốm đốm khua xào xạc trong lùm cây
thấp. Và khúc nhạc của lũ châu chấu ngân lên xuyên qua những ngọn đồi và các
thung lũng cây sồi. Ai cũng biết một ngày như thế là một ngày để trở về cùng
thơ ấu, xem lại quãng đời đã qua có đúng là cái điều mình những nghĩ đến.
Xa cách ngôi trường đại học nơi chồng tôi đang dạy và
rời khỏi miền ngoại ô nơi chúng tôi sinh sống, tôi tìm đến một chốn mà mùa hè
hoàn toàn ngự trị. Vượt khỏi con đường bụi bặm tôi tìm thấy chỗ ngoặt dẫn về
thung lũng ấu thơ của tôi. Tôi dõi mắt tìm kiếm một bóng hình đang hái những
trái be-ri nho nhỏ, mọng nước, nhiều hạt; tìm đôi chân mảnh dẻ màu đồng xoãi
những bước dài với chiếc váy trắng hồ bột dày cứng. Nhưng bao năm qua má đâu
còn đi trên lối này. Và cái dáng mảnh mai, bước chân bươn bả cũng từ lâu khuất
chìm dĩ vãng.
Giây phút ấy tôi thậm chí chẳng tưởng gì đến những
đóa hồng, cũng nào nghĩ đến cái cảm giác lạ lùng tôn kính mà loài hoa nọ luôn
luôn khơi động trong tôi. Nhưng khi bước qua trang trại trên sườn đồi đã một
thời từng là sở hữu của ông Riley, tôi lại nhớ đến ông, người đã trồng giống
hồng đặc biệt đó. Và tôi vội vã dấn bước, vì thung lũng này lên tiếng gọi ai đó
sâu thẳm trong tôi, đứa con gái tóc nâu mười tuổi đầu, đôi mắt quá to so với
gương mặt.
Chính là con bé ấy, chẳng phải tôi, cô bé đang trên
đỉnh đồi nhìn cái ống khói nhú lên khỏi các tàn cây tán lá, rồi lại sửng sốt
nhìn mảnh nền nhà trần trụi. Đám sồi hoang dại chiếm ngự cả mảnh đất, dày đặc
như thuở nào khi gia đình tôi lần đầu tiên dọn đến một chái nhỏ trong lúc ba
dựng nhà.
Ba là người của thôn dã, không thích hợp với phố thị.
Nhưng muộn màng ba mới nhận ra điều ấy và cơ hội quay về sống với trang trại
còn đến trễ hơn nữa. Đâu chừng tháng Tư gia đình tôi dọn ra khỏi khu lụp xụp
thị thành, người ba hốc hác và tóc đã bạc. Bị chứng đau phổi mạn tính đeo đẳng,
ba quay về với thiên nhiên và ôm giấc mơ lập một trang trại nơi thung lũng.
Nhưng trước đó má đã thấy những ước mơ của ba tan vỡ.
Trẻ hơn ba khoảng hai mươi năm, tuổi xuân và sức sống của má luôn luôn tương
phản tuổi tác và vẻ ốm yếu của ba. Ánh mắt xót xa, má dõi nhìn ba làm việc đồng
áng và thấy thời gian còn lại càng mù mịt. Má nhìn thấy ba trở nên xanh xao,
tựa lưng vào những thân sồi non trẻ.
Cuối cùng, khi ba xa nhà vào viện an dưỡng, má bắt
đầu tìm hiểu về đất. Mảnh khăn tay hồ bột trắng cột chặt mái tóc đen dài, má
cày vỡ cánh đồng cỏ lập nên vườn và dựng nhà ấp trứng, cất kho lẫm. Tôi giúp má
vắt sữa bò, cho gà qué ăn, cuốc đất trồng cây trong lúc chị Jo tôi mười bốn
tuổi trông nom nhà cửa và lo toan bếp núc.
Một buổi hoàng hôn mùa hạ, hai dáng hình hiện ra trên
đỉnh đồi. Chị Jo kêu lên sôi nổi: “Hẳn là ông Riley và con gái rồi!” Tất cả
chúng tôi đều mong ngóng gặp gỡ người láng giềng cận kề duy nhất của mình: ông
Riley, người đã xa nhà suốt một mùa đông để mưu sinh ở Fort Smith. Ánh đèn dầu dìu dịu hắt soi mái
tóc đỏ, đôi mắt màu tro và nước da thắm hồng. Tôi ngạc nhiên khi thấy cũng là
tính cách gầy gò mà ở người cha là vẻ đẹp đàn ông còn ở cô con gái tên Bell mười sáu tuổi là vẻ
chất phác dung dị.
Nhưng chính bó hoa ông Riley trao tặng má mới khiến
lòng tôi tò mò muốn biết. “Hoa gì thế ạ?” Tôi hỏi, trân trối nhìn những cánh
hoa mỹ miều, khác lạ.
“Một loại hồng do bác lai tạo.” Giọng ông Riley trầm
và nghe dễ chịu. “Bác đặt tên giống này là hoa lửa.”
Cái tên miêu tả chính xác những cánh mỏng manh và mịn
màng như miếng nhung rực lửa ôm ấp nhụy vàng. Khi má cẩn thận chưng bó hoa, ông
Riley trông vẻ mặt tươi cười của má, ngó ánh mắt đen huyền, nhìn đôi hoa tai
nho nhỏ bằng vàng, và thấy ở má có nét tương đồng với những cánh hồng ông mang
tặng.
Đến lúc chúng tôi ăn ổ bánh ngọt vừa đem từ lò nướng
ra và uống món nước sữa lạnh đã gạn hết bơ, thì má đã học được cách làm một năm
hai vụ mùa trên đồng cỏ. Má cũng biết được đôi điều khiến lòng má xao động nỗi
cảm thông. Vợ ông Riley qua đời khi chị Bell
lên ba, và bây giờ ông biết rằng chị cần có mẹ, cần hơn bao giờ hết. Dường như
chị Bell có thể
ngồi trên máy cày và xới vỡ đất như một anh đàn ông, nhưng lại là một phụ nữ
vụng về, lóng cóng việc vá may, bếp núc. Nhiều hơn cả lòng thông cảm, má đã đề
nghị giúp chị trở nên nhiều nữ tính hơn. Má đề nghị chị Bell tham gia những buổi học Chủ Nhật mà má
dạy mấy chị em chúng tôi ngay trong nhà bếp.
Các buổi học chính thức khó lòng che đậy cho những
bài dạy nghề nội trợ mà má nghĩ ra. Mỗi Chủ Nhật chị Bell lại đến, tung tăng trên đồi trong một bộ
y phục cổ lổ nào đó được moi ra từ rương áo quần của má chị. Và chị sẽ trở về
nhà mình với dáng đi duyên dáng hơn, áo váy chị mặc đã được sửa sang tinh tế
bằng cách khâu lược chỗ này, bóp gọn chỗ kia.
Sau buổi học Chủ Nhật, má thường đem một con gà ra
rán và chỉ cho chị Bell
cách làm bếp. Khi ông Riley đến nhà, tất cả chúng tôi đều rạng rỡ nghe má tuyên
bố: “Cháu Bell đã rán con gà đấy.” Nếu ông Riley vui mừng trước sự tiến bộ của
con gái, ông lại bị cô giáo con mình thu hút, cuốn lôi.
Tôi cũng vậy, tôi bị cuốn hút vì những khả năng của
má, đặc biệt là lòng quả cảm, chẳng biết sợ hãi điều gì. Má đẩy lui bọn chồn
cáo, diều hâu chỉ với cây cuốc làm vườn chứ không có chi khác hơn; má băm vằm
con rắn hổ mang ở gần bể nước cho tới khi nó chết hẳn. Tôi vẫn nghĩ rằng má
hoàn toàn không biết sợ gì hết, cho tới một ngày cuối tháng Tám nọ.
Hôm ấy, bầu trời vàng quạch như bụi đất đe dọa sẽ mưa
cả ngày và một nỗi im ắng trống trải treo lửng lơ bên trên thung lũng. Má ra
đồng nhặt nhạnh hết những trái dưa chuột và quả cà chua cuối cùng. Khi về đến
nhà, má nghe một tiếng động đáng sợ vang lên trong đống củi cành xếp cạnh các
bậc thềm. Nhìn đống củi chằm chặp, má mơ hồ thấy một con vật kinh khủng: một
quái thú to sù, đen đủi vác chiếc đầu xanh lục với hai chiếc răng nanh lớn cũng
màu xanh lục.
Khi lên tới các bậc thềm, hai bàn tay run rẩy, má
quẳng đại tấm tạp dề và vói lấy cây cuốc của má. Ráng giữ giọng nói không đổi,
Má bảo: “Jo, con đi tìm bác Riley. Jeanne, con ở yên trong nhà. Má sẽ ra ngoài
đứng canh ở đống củi đợi tới lúc bác Riley sang.”
Thời gian ngóng ông Riley dường như vô tận. Ông tới,
gạt nhanh má sang một bên, và chỉa họng súng ngắn vào đống củi. Thế rồi, hoàn
toàn bất chợt, ông hạ mũi súng xuống và khom thấp người nhìn cho rõ hơn.
“Có phải là con quái vật của chị đấy không?” Ông hỏi
má dịu dàng, mỉm cười và chỉ vào mớ củi cành. Ông nói: “Đến đây nào, và nhìn
cho kỹ một con rắn đen bình thường quá háu ăn. Đó là một con nhái to lớn màu
xanh lục, nằm nửa trong nửa ngoài miệng rắn. Hai chiếc răng nanh là hai chân
nhái.”
Cuối cùng đó là lúc má quỵ ngã. Trên đôi má tuôn dài
nước mắt, má khuỵu xuống chúi về phía trước. Nhưng ông Riley xoay người đủ
nhanh để đỡ lấy thân hình nhỏ nhắn của má đang đổ ập xuống. Và đúng ngay lúc ấy
tôi biết rằng sự việc có thể chẳng bao giờ lại giống y hệt như thế nữa.
Khi cơn sấm xé toang nỗi im ắng trống trải bên trên
thung lũng, tôi nhìn má và bất giác biết ra điều bí mật của má. Má đã sợ hãi
ghê gớm, và bấy lâu nay má vẫn luôn khiếp hãi như thế, luôn sợ những chồn cáo,
diều hâu, rắn rít. Nhưng má đành phải giáp mặt chúng. Tôi chẳng còn kinh ngạc
vì lòng vô úy không biết sợ sệt của má, nhưng tôi vẫn mãi mãi thán phục tấm can
trường lớn lao của má.
Tôi cũng bắt đầu biết được đôi điều khác hơn... Biết
cái cách ông Riley dịu dàng đỡ má trong cánh tay, cái cách đôi mắt ông cháy
bỏng khi nhìn má. Trong cánh tay khỏe mạnh của ông, má ngăn nhanh dòng lệ và
nhẹ nhàng lách người ra. Má lấy lại sự bình tĩnh bằng cách pha chút nước chanh,
nhưng vĩnh viễn từ đó ông Riley không còn là ông nữa.
Ông không còn có thể ngồi yên trong cùng một gian
phòng với má. Không sao có thể dõi mắt nhìn má bên ánh đèn mà lòng chẳng khỏi
đòi hỏi má là của riêng ông. Nhưng ông thấy má là một phụ nữ biết thận trọng
cân nhắc giữa nỗi muốn ham và lòng đoan chính, và ông hiểu má sẽ chọn gì trong
hai điều ấy. Thế nên ông giữ khoảng cách.
Thế rồi một buổi chiều, ông Riley đến nói là “để đưa
cháu Bell đi chơi ngoài trời” với chị Jo và tôi, trong lúc ông vào nhà chuyện
trò với má. Ba đứa con gái chúng tôi ngồi quanh bể nước, bàn chân trần mát
lạnh, nhưng tâm trí tôi thì ở cùng hai người lớn bên trong nhà. Họ đang chênh
vênh trên miệng bờ một cái gì đó, y hệt như những viên sỏi tôi xếp đống trên
thành bể nước. Tôi đẩy một hòn và cả đống sỏi sẽ theo nhau rớt vào đáy nước.
Tôi nhìn về phía ngôi nhà, khiếp sợ. Tôi yêu má và yêu cả ông Riley. Nhưng nếu
hai người ngã vào nhau, có một điều gì đó sẽ vuột ra khỏi lòng yêu kính của
tôi. Một điều gì đó, mà điều gì mới được chứ?
Tôi còn ngồi mải phân vân về chuyện ấy thì ông Riley
ra tới cửa cùng với má. Trông ông não nề, cơ hồ đang tranh luận một quan điểm
mà ông đã thua mất rồi. Ông nói: “Nhưng ở Fort
Smith ai mà biết?”
“Lũ trẻ biết.” Má gật đầu hướng về phía bọn con gái
chúng tôi. “Và chúng mình biết. Ôi, anh Riley! Nếu tôi là hạng đàn bà phụ rãy
người đàn ông sa cơ thất thế đang cần nương níu mình, thì tôi nào phải là mẫu
người anh muốn cưới. Há đâu anh chẳng biết thế?”
Ông nhìn má một lúc lâu và nhìn ra sự thật, vì lòng
chính trực của má là một phần mà ông yêu mến. “Chị nói đúng.” Giọng ông khản
đi, cơ hồ lời lẽ đốt cháy trong cổ. Rồi ông gọi chị Bell, chào tạm biệt và bước ngược lên con đồi
về nhà.
Lần sau đó và cũng là lần cuối cùng tôi gặp hai cha
con nhà Riley thì ông đã bán trang trại và sắp dọn về Fort Smith. Ông Riley ôm sang một bó lớn gói
trong giấy báo. Ông nói đơn giản: “Tôi đem cho chị khóm hoa lửa. Tôi nên trồng
chỗ nào đây?”
Má đáp: “Ngay bên cạnh các bậc thềm.” Tôi lấy xẻng và
nhìn ông trồng khóm hoa lớn ấy.
Giờ đây chẳng còn gì sót lại nơi thung lũng ngày xưa
ngoài cảnh hoang vu. Tôi trân trân dõi mắt băng qua đồng cỏ nhìn mảnh nền nhà.
Và kìa, những đóa hồng đặc biệt ấy! Không chỉ mọc quanh các bậc thềm, hoa đã
bao phủ nguyên cả một khoảnh sân. Tôi hiểu cái cảm giác tôn kính mà loài hoa
này luôn gợi lên trong tôi. Tôn kính là cái điều mà tôi đã sợ sẽ vuột ra khỏi
lòng tôi yêu má, yêu ông Riley. Tôn kính, một di sản mỹ miều giờ đây đang nảy
nở trong tim tôi cũng như những cánh hoa màu lửa đã nảy nở sinh sôi nơi thung
lũng ấy.
Huệ
Khải
29-7-1999
Theo Jeanne Hill,
The Lesson of the Fire Flowers, 1971.