Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2024

GIAO CẢM / HÀNH TRẠNG ĐỨC GIÁO TÔNG NGUYỄN NGỌC TƯƠNG / 2024




GIAO CẢM

Để xiển dương và phát triển bền vững đạo Cao Đài một cách hiệu quả, người tín hữu Cao Đài cần hiểu biết lịch sử tôn giáo Cao Đài. Để hiểu biết lịch sử tôn giáo Cao Đài thì ắt không thể không tìm biết hành trạng các bậc tiền khai tôn kính của đạo Cao Đài.([1]) Nhận thức như vậy, tôi sớm quan tâm tìm hiểu lịch sử đạo nhà và những năm qua, trong khả năng hạn hẹp, tùy cơ duyên sẻ chia với đồng đạo đôi điều bản thân học hỏi được.

Không kể các hồi ký (memoirs) hay tự truyện (autobiographies), phép chép sử xưa nay thường phổ biến ba thể loại: thông sử (general history); kỷ truyện (biographies), và biên niên sử (chronicles).

1. Thông sử và kỷ truyện là hai thể loại dễ đọc, nếu người viết có thể cố kết mạch lạc các sự kiện kèm thêm chút bình luận đúng đắn, chừng mực. Trước đây tôi đã xuất bản ba tập sách nhỏ, tạm xem là viết theo lối thông sử:

Lịch Sử Đạo Cao Đài Thời Kỳ Tiềm Ẩn 1920-1926. Huế: Nxb Thuận Hóa, 1996.

Lược Sử Đạo Cao Đài Thời Tiềm Ẩn 1920-1926 / A Concise Caodai History: The Earliest Beginnings 1920-1926. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2017, 2023.

Lược Sử Đạo Cao Đài: Khai Minh Đại Đạo 1926. / A Concise Caodai History: The 1926 Inauguration. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2015.

Ngoài ra, viết theo lối kỷ truyện, có quyển Ngô Văn Chiêu – Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên / Ngô Văn Chiêu – the First Caodai Disciple. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2008, 2009, 2012.

Trong quá trình làm việc, tôi gặp một trở ngại lớn: Xác định ngày tháng năm các sự kiện lịch sử. Do đó, tôi sớm nghĩ tới việc tích lũy tài liệu cho dự định viết biên niên sử Cao Đài.

2. Sử biên niên có nhược điểm là khô khan, các sự kiện cùng một nhân vật hay một vấn đề không được nối kết mà lại phân tán rải theo dòng thời gian. Nhưng nó có ưu điểm là cho phép người viết trình bày vấn đề không cần bình luận, có thể tạm thời gác lại một số sự kiện chưa được khảo chứng, hoặc chưa nên công bố vì thời gian chưa chín muồi, chưa thích hợp. Hơn thế nữa, khi thiết lập được sử biên niên, sẽ có căn cứ rất hữu ích, góp phần trợ giúp khảo chứng các sử liệu.

Theo thể loại biên niên, tôi đã ấn tống:

Hành Trạng Tiền Bối Cao Triều Phát. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2010, 2012.([2])

Hành Trạng Tiền Khai Nguyễn Ngọc Tương 1881-1951. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2016.

Hành Trạng Tiền Khai Lê Văn Trung 1876-1934. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2017.

Đầu năm 2024, trong lúc chuẩn bị bản thảo song ngữ Hành Trạng Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương / A Chronological Biography of Pope Nguyễn Ngọc Tương, tôi vô cùng cảm kích khi tiếp nhận được bốn bản góp ý rất công phu và rất tỉ mỉ (ngày 06, 13, 14 và 20-02-2024) để giúp tôi sửa chữa, bổ khuyết bản in năm 2016. Nơi đây, tôi trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc hai nhà nghiên cứu đạo Cao Đài thuộc Hội Thánh Bến Tre là hiền huynh THÁI HOÀNG TÚ (bút hiệu Thanh Minh, nguyên quán Long An), và hiền huynh PHẠM KHOA (ở Bến Tre).

Tôi cũng hết lòng biết ơn quý đạo hữu gần xa hơn mười lăm năm nay vẫn luôn thương mến, tin cậy, và trợ duyên bằng vật chất lẫn tinh thần để Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo bền bỉ với dặm dài gánh đạo Kỳ Ba.

*

Con cúi xin Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ ban ơn lành đến toàn thể các vị ân nhân và cửu huyền thất tổ của những vị con mãi mang ơn.

Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nhiêu Lộc, mạnh xuân Giáp Thìn (2024)

Huệ Khải



([1]) Các vị tiền khai là những tông đồ Cao Đài đầu tiên, có công giúp Đức Cao Đài Thượng Đế khai đạo tại Nam Kỳ vào năm 1926.

([2]) Cùng với hiền tỷ Cao Bạch Liên (1936-2023), thánh danh Diệu Liên, ái nữ tiền bối Cao Triều Phát (1889-1956).


Thứ Tư, 7 tháng 2, 2024

CHÚ GIẢI KINH SÁM HỐI 2024 / GIAO CẢM

 

GIAO CẢM

Minh Lý Ðạo (Minh Lý Thánh Hội, có thánh sở Tam Tông Miếu ở số 82 Cao Thắng, quận 3) được các Ðấng thiêng liêng lần lượt giáng cơ ban Kinh Sám Hối trong hơn bảy tháng, bắt đầu từ Chủ Nhật 19-4-1925 (27-3 Ất Sửu) đến Thứ Bảy 21-11-1925 (06-10 Ất Sửu) thì hoàn kinh, gồm có 420 câu thơ song thất lục bát, với trình tự như sau (đánh số nhảy các câu 125-148, nơi *Ðức Quan Âm Bồ Tát, ngày 24-6-1925):

Ðức Thái Thượng Đạo Tổ (19-4-1925), câu 1-24;

Ðức Thái Thượng Lão Quân (22-4-1925), câu 25-52;

Ðức Quan Âm Bồ Tát (26-4-1925), câu 53-64;

Ðức Nam Cực Chưởng Giáo (05-5-1925), câu 65-72;

Ðức Quan Thánh Ðế Quân (22-5-1925) câu 73-88;

Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật (ngày ?), câu 89-100;

Ðức Quan Âm Bồ Tát (14-6-1925), câu 101-104;

*Ðức Quan Âm Bồ Tát (24-6-1925), câu 105-124; 149-160;

Ðức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát (04-7-1925), câu 161-212;

Ðức Khổng Phu Tử (20-7-1925), câu 213-284;

Ðức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát (08-8-1925), câu 285-308;

Đức Tề Thiên Đại Thánh (25-8-1925), câu 309-356;

Đức Thập Ðiện Minh Vương (27-8-1925), câu 357-376;

Ðức Lữ Tổ (09-9-1925) và Đức Thái Ất Thiên Tôn (25-9-1925), câu 377-392;

Đức Alfred Aya (21-10-1925), câu 393-424;

Ðức Quan Âm Bồ Tát (21-10-1925), câu 425-440;

Ðức Vân Trung Tử (21-11-1925), câu 441-444.

Sau khi các Đấng ban xong Kinh Sám Hối, Ðức Ðông Phương Lão Tổ giáng cơ ban thêm Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối, gồm 14 câu lục bát.

Đến Thứ Sáu 27-11-1925 (12-10 Ất Sửu) Đức Đông Huê Đế Quân giáng cơ dạy: “Nhơn ta đi tuần, thấy chư nhu thiết đàn, ta giáng tại thử đặng chứng từ đầu. Nghe đọc Kinh Sám Hối tới chữ nhơn,([1]) chẳng đủ nghĩa. Để ta cho thêm ít câu.”

Kế đó Đức Đông Huê Đế Quân ban thêm sáu khổ thơ (câu 125-148) chen vào giữa hai đoạn *Đức Quan Âm Bồ Tát đã tả ngày 24-6-1925. Như thế Kinh Sám Hối tổng cộng 444 câu.([2])

Thứ Sáu 08-7-1927 (10-6 Ðinh Mão), viết bài Lược Thuật Về Việc Tiếp Kinh, vị trụ trì đầu tiên của Tam Tông Miếu là ngài Minh Chánh ([3]) cho biết:

“Một khi kia, đến cầu kinh giùm một người bằng hữu thọ bịnh tại Thủ Thiêm, có Ðức Thái Thượng Lão Quân giáng xuống mà cho một khoản đầu Kinh Sám Hối.

“Sau lần lần, mỗi khi cúng, có Tam Giáo Ðạo Chủ, hoặc là chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần, hoặc là Thập Ðiện Minh Vương giáng đàn cho tiếp Kinh Sám Hối.

“Cũng tưởng rằng Thần Tiên cho kinh đó đặng làm phước giúp người mà thôi, không dè Ðức Văn Tuyên Vương giáng dạy chúng tôi phải kiếm một cảnh chùa, đặng ngày sóc, ngày vọng, đến đó dưng hương và sám hối.

“Rất may cho chúng tôi mới gặp ông chủ chùa và ông Giáo Thọ ([4]) tại Linh Sơn Tự,([5]) rất hảo tâm, vừa nghe qua những lời của chúng tôi nói, thì cho là việc phải, nên vui lòng cho phép cúng tại chùa. Nhờ nơi đó, nên mỗi tháng, đến ngày 14 và 30 (tháng thiếu 29) âm lịch, có chỗ thiết lễ mà cúng và tụng Kinh Sám Hối cho người biết điều phải mà làm theo.” ([6])

Khi mới thành lập nền tảng phổ độ của đạo Cao Ðài vào năm 1926 (Bính Dần), Ðức Chí Tôn dạy các tiền khai Đại Đạo đến Minh Lý Đạo thỉnh kinh. Trong lúc ấy các tiền khai ở Minh Lý Đạo cũng được Ơn Trên giáng cơ dạy chuẩn bị truyền kinh. Cùng với một số kinh khác, Kinh Sám Hối từ Minh Lý Đạo đã được truyền sang đạo Cao Đài như thế.([7])

*

Kinh Sám Hối (bài ngắn thứ hai, in trong Kinh Tận Độ của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) mở đầu với câu: “Quỷ lục dục thất tình cám dỗ”; mỗi người sống ở thế gian đều có đủ mười ba con ma nội tại, nên cứ hễ sẩy ra một chút là lập tức tạo lấy cho mình ba nghiệp thân, khẩu, ý. Ba nghiệp này mãi xoay vần, ràng buộc con người vào vòng đau khổ triền miên vì luân hồi nghiệp quả báo ứng. Do đó, Ơn Trên sớm ban Kinh Sám Hối để truyền giảng lời lành khuyến thiện, dạy rõ luật nhân quả công bình để con người tỉnh ngộ, rèn tâm sửa nết.

Sám hối 懺悔 là ăn năn thú tội để xin sửa đổi (repentance). Sám hối hiển nhiên lúc nào cũng rất cần thiết cho mọi người, nhất là đối với người tu. Đức Chí Tôn dạy: “Mỗi khi đứa nào lầm lỡ một việc gì, rán mà sám hối ăn năn.” ([8])

Giúp môn sanh đối trị lỗi lầm hiện tại, Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy: “Tội lỗi hiện kiếp có thể dùng hình thức sám hối để xóa mờ…” ([9])

Giúp bổn đạo đối trị nghiệp chướng gây ra trong quá khứ, Đức Hiển Thế Đạo Nhơn dạy: “Các em cũng còn duyên phúc được nương ngụ nơi đây, gần bạn đạo, hãy cố gắng đường ngay lối thẳng, đừng nghe lời gièm siểm tiếng thị phi, hoặc những cạm bẫy bên ngoài xui giục mà gây tội lỗi. Mỗi ngày ráng dành chút thì giờ sám hối cho nhẹ tội tiền khiên.” ([10])

Trong một trường hợp đặc biệt tại thánh tịnh Chiếu Minh Ẩn Giáo, Đức Hồng Đức Chơn Tiên dạy: “Hằng đêm tụ hội lại thánh tịnh tụng Kinh Sám Hối và cầu an.” ([11])

Đối với người tu bước vào hàng Thiên đạo đại thừa (làm hành giả, công phu tịnh luyện), sám hối lại càng quan trọng biết bao, và là nghi thức không thể thiếu mỗi khi mở đầu một khóa tu tịnh (thiền). Thật vậy, Đức Đông Phương Lão Tổ tha thiết để lời khuyến dạy môn sanh đã thọ tâm pháp Cao Đài như sau: “Lễ sám hối là một thang thuốc khử độc diệt trùng, chữa bịnh trầm kha cho các đệ tử. Nếu không rán mà uống, không nhận là hay, thì Phật Tiên cũng ôm trán mà than. Ôi! Nước mắt vì thương trò chảy xuống cũng cam lấy lòng buồn, chớ biết sao mà cứu được? Các trò rán, rán đi!” ([12])

Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy các tịnh sĩ: “Nếu sơ tâm lầm lỗi, sớm sám hối cải chừa. Nhứt cử nhứt động đều có thần minh hộ trì chứng giám.” ([13])

Người La Mã thời xa xưa có câu cách ngôn này: Errare humanum est; rồi người Anh dùng nó làm một thành ngữ là To err is human(Con người thì lầm lỗi). Khi nói như vậy, người La Mã và người Anh xác định rằng bản chất con người là yếu đuối, có xu thế dễ sa vào tội lỗi. Nói khác đi, trong mỗi con người có tính vấp ngã tiềm tàng (the inherent fallibility).

Chính vì vậy, sanh ra đời, mang thân phận con người là đã ở trong “tư thế” sẵn sàng phạm lỗi, tạo nghiệp. Vì lòng từ bi, Đức Đông Phương Lão Tổ cảnh báo điều nguy hiểm ấy như sau: “Ở đời mạt kiếp này, đã là người thì không ai khỏi lỗi. Nhích chơn, hả miệng đã gây nên tội lỗi rồi, cần gì phải hành động. Liếc trừng một cái, xủ mặt một khi, đã gieo vào lòng mình một hay nhiều hạt giống nhân quả, đã phóng vòng dây đến người, rồi sẽ báo trả với nhau.” ([14])

Đây là lý do mọi tôn giáo đều có pháp môn sám hối, đều có kinh sám hối, đều khuyến khích con người hằng ngày hãy biết sám hối.

Đã là người thế gian, ai mà không lỗi lầm, và trong Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Chúa Giê-su Ki-tô dạy mọi người hãy biết ăn năn, sám hối để được thứ tha. Chúa dạy rằng các Đấng trên cõi trời đều vui mừng nếu người thế gian đã lầm lỗi mà biết sám hối, ăn năn (Lu-ca 15:7): “Trên trời cũng thế, các Đấng sẽ vui mừng hơn vì một người tội lỗi biết ăn năn, sám hối ... (There will be more rejoicing in heaven over one sinner who repents ...)

Rồi Chúa nhắc lại (Lu-ca 15:10): “Trước mặt các thiên thần, Thiên Chúa vui mừng vì một người tội lỗi biết sám hối, ăn năn.” (There is rejoicing in the presence of the angels of God over one sinner who repents.)

*

Các Hội Thánh Cao Đài có vài bản Kinh Sám Hối dài ngắn khác nhau. Riêng bản kinh truyền từ của Minh Lý Đạo (444 câu song thất lục bát) lại phổ biến hơn cả.([15]) Nhằm cung cấp một bản chú giải khả dĩ giúp tín đồ dễ hiểu nghĩa lý sâu kín của Kinh Sám Hối, tôi hiệu đính và ấn tống Chú Giải Kinh Sám Hối vào đầu xuân Giáp Thìn (2024). Bản chú giải này trước đây được in kèm với bài Tìm Hiểu Kinh Sám Hối của hiền huynh Thanh Căn Phan Ngọc Lợi (1951-2019), và lấy nhan đề chung là Tìm Hiểu Kinh Sám Hối, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo liên kết nhà xuất bản Tôn Giáo (Hà Nội) thực hiện ba bản in (80 trang) vào các năm 2009, 2010, 2011; nay tôi tách ra, sửa chữa và bổ khuyết nội dung.

Với trọn tấc lòng thành kính biết ơn tất cả quý ân nhân gần xa luôn luôn thương mến, tin cậy, và ủng hộ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo suốt hơn mười lăm năm nay, tôi trân trọng đặt vào tay quý đạo hữu tập sách Chú Giải Kinh Sám Hối này và xin chúng ta cùng nhau hướng tâm về một trăm năm khai đạo Cao Đài (1926-2026) để cùng nhau tinh tấn tu học, hành đạo, phụng sự nhơn sanh.

Cầu nguyện Thầy Mẹ ban ơn lành đến tất cả chúng con và cứu độ cửu huyền thất tổ hết thảy chúng con.

Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại B Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cc Đại T Tôn.

Nhiêu Lộc, Mạnh Xuân Giáp Thìn

tháng 2-2024

HUỆ KHẢI



([1]) Câu 124: Ra tay tế độ, ấy thì lòng nhơn.

([2]) Kính thành nhớ ơn hai vị đạo trưởng Minh Lý Đạo là: a/ Quyền Siêu Tịnh Sư, Tổng Lý Tường Định, thế danh Lê Chơn Huệ (1929-2021); b/ Vĩnh Tịnh Sư, Hiệp Lý Đại Bác, thế danh Lâm Lý Hùng (1939-2021). Hai vị đã chỉ dẫn rõ trình tự ban Kinh Sám Hối. Nhờ thế, khi chú giải Kinh Sám Hối, Huệ Khải có thể ghi rõ ngày tháng ban trao từng đoạn kinh căn cứ theo bản gốc của Minh Lý, và ghi rõ hồng danh của Đấng đã giáng tả đoạn đó. Việc này cũng để lưu ý nhơn sanh đừng tùy tiện sửa lời kinh của các Đấng.

([3]) Khi xưa, Đức Chúa Giê-su chọn mười hai Thánh tông đồ thay Chúa đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Sau này, để khai sáng Minh Lý Đạo, Ơn Trên chọn mười hai vị có tên thánh (thánh danh 聖名) liệt kê trong hai câu đối này: MINH Chánh Giáo Đạo Truyền Thiện Hạnh / LÝ Trực Đàm Đức Hóa Cường Ngôn. Qua đó, kể tên các vị theo thứ tự như sau: 1/ Ngài Âu Kích (1896-1941), tự Âu Kiệt Lâm, thánh danh MINH CHÁNH, đắc quả Minh Chánh Hộ Pháp. 2/ Ngài Nguyễn Văn Xưng (1891-1957), thánh danh MINH GIÁO, đắc quả Minh Chiếu Chơn Quân. 3/ Ngài Nguyễn Văn Đề (1893-1925), thánh danh MINH ĐẠO, đắc quả Khai Thiền Chơn Nhơn. 4/ Ngài Lê Văn Ngọc (1887-1965), thánh danh MINH TRUYỀN, đắc quả Bảo Đức Chơn Nhơn. 5/ Ngài Nguyễn Văn Miết (1897-1972), thánh danh MINH THIỆN, đắc quả Bác Nhã Thiền Sư Tam Tông Pháp Chủ Nguyên Quân Bồ Tát. 6. Ngài Trương Văn Ký (1907-1984), thánh danh MINH HNH, đắc quả Đăng Minh Chơn Nhơn. 7/ Ngài Võ Văn Thạnh (1895-1976), thánh danh MINH TRC. Năm 1948, Ngài tách ra và lập Thiền Tịnh Đạo Tràng Phật Bửu Tự (số 80/2 đường Cao Thắng, quận 3, Sài Gòn). Sau khi thoát xác, Ngài về chầu Tam Giáo Tổ Sư. 8/ Ngài Nguyễn Hữu Hay (1899-1961), thánh danh MINH ĐÀM, đắc quả Quảng Tế Chơn Nhơn. 9. Ngài Nguyễn Văn Hoài (1904-1945), thánh danh MINH ĐC, đắc quả Ly Cấu Chơn Nhơn. 10/ Ngài Nguyễn Minh Đức (1884-1964), thánh danh MINH HÓA, đắc quả Minh Quang Chơn Thánh. 11. Ngài Lâm Thiên Hứa (1907-1994), thánh danh MINH CƯNG, đắc quả Hạnh Nguyên Chơn Thiền. 12/ Ngài Lê Kim Bằng (1885-1967), thánh danh MINH NGÔN, đắc quả Phổ Thiện Chơn Nhơn.

([4]) giáo thọ, cũng gọi giáo thọ sư 教授師 là ông thầy giảng giới luật (a teacher of rules, discipline, morals) cho người thọ giới (giới tử 戒子; thụ giới chi đệ tử 受戒之弟子). Dùng như danh từ, giáo thọ là thầy dạy (teacher); dùng như động từ, giáo thọ là truyền thụ kiến thức, dạy học (to teach). Tiếng Sanskrit gọi vị giáo thọ là ācārya (người Hoa dịch âm là a xà lê). Ghép cách dịch nghĩa với dịch âm, gọi là giáo thọ a xà lê 教授阿遮利.

([5]) Nay ở số 149 Cô Giang, quận 1. (HK chú)

([6]) Minh Lý Đạo, Kinh Bố Cáo. Sài Gòn 1973, tr. II.

([7]) Theo tiền bối Huệ Lương Trần Văn Quế (1902-1980), bốn vị đến Minh Lý Đạo thỉnh kinh là các tiền khai Lê Văn Trung (1876-1934), Phạm Công Tắc (1890-1959), Vương Quan Kỳ (1880-1940), và Cao Quỳnh Cư (1888-1929). (Tạp chí Cao Đài Giáo Lý, số 77. Sài Gòn: Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam xuất bản, 1972, tr. 10.)

([8]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Thứ Tư 27-8-1969 (15-7 Kỷ Dậu).

([9]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, Chủ Nhật 03-4-1977 (15-02 Đinh Tỵ).

([10]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Thứ Năm 16-11-1967 (15-10 Đinh Mùi). Đức Hiển Thế Đạo Nhơn thế danh là Phan Văn Thanh (1890-1950). Sinh thời, ngài hành đạo tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài (đường Nguyễn Khoái, quận 4, Sài Gòn).

([11]) Thánh tịnh Chiếu Minh Ẩn Giáo, Chủ Nhật 10-11-1974 (27-9 Giáp Dần). Ngài Võ Hồng Sa (1880-1946) sinh thời tu theo pháp môn Chiếu Minh, đắc quả Thái Thanh Đồng (1953), sau thăng quả vị Hồng Đức Chơn Tiên (1954). Nhà riêng của ngài nay là thánh tịnh Chiếu Minh Ẩn Giáo (xã Tân Thới, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ).

([12]) Tam Tông Miếu, Thứ Tư 08-12-1965 (16-11 Ất Tỵ).

([13]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, Thứ Sáu 28 rạng Thứ Bảy 29-12-1979 (10 rạng 11-11 Kỷ Mùi). Ngài Lê Văn Tiểng (1843-1913) tu Minh Sư tới phẩm Thái Lão Sư, đạo hiệu là Lê Đạo Long. Ngài có công khai sáng chi Minh Đường, lập Vĩnh Nguyên Tự vào năm 1908. Ngài đắc quả Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn. Từ năm 1926, Vĩnh Nguyên Tự (nay ở xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) trở thành thánh sở Cao Đài.

([14]) Tam Tông Miếu, Thứ Tư 08-12-1965 (16-11 Ất Tỵ).

([15]) Xem thêm: Giải Nghĩa & Minh Họa Kinh Sám Hối. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2023, tranh 4 màu (120 trang). Quyển số 148 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.