Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

BA NGƯỜI CÙNG ĐI

 

 

BA NGƯỜI CÙNG ĐI

Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên.

三 人 行, 必 有 我 師 焉.

Ba người cùng đi, ắt có một người là thầy ta.

(Luận Ngữ 7:22)

Phúc Âm theo Thánh Lu-ca (24:13-35) chép lại sự kiện huyền diệu xảy ra trên đường về làng Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Căn cứ theo tường thuật này, tiến sĩ thần học Ralph F. Wilson (người Mỹ) hư cấu thành câu chuyện với nhiều chi tiết lý thú.

Ralph F. Wilson kể chuyện như sau

Chiều Chúa Nhật hôm ấy, những tầng mây đẹp trên cao và không khí mùa xuân thơm ngan ngát lẽ ra đã khiến cho hầu hết bộ hành thêm hăng hái rảo bước rời khỏi thành Giê-ru-sa-lem. Nhưng trên lộ trình đi Em-mau hai lữ khách này bắt đầu chau mày nhìn con đường mòn, cố gắng sai khiến những bàn chân nặng như chì leo dốc lên đồi, rồi từ đó họ sẽ thả dốc xuôi xuống miền Giu-đê.

Cơ-lê-ô-pát và bạn đồng hành đang ôn lại những biến cố hồi cuối tuần mà đỉnh điểm là Thầy họ đã bị đóng đinh trên cây thập giá lem luốc, thân hình bất động, xanh xao. Thế rồi một cuộc an táng vội vàng, và não nề tuyệt vọng.

Nghe tiếng chân đi lạo xạo phía sau lưng, Cơ-lê-ô-pát bèn ngoái đầu nhìn. Một lữ khách đang nhanh chân leo dốc, cơ hồ muốn nhập bọn với hai ông. Đã nghe loáng thoáng hai ông trao đổi, nên khi bắt kịp cả hai, lữ khách hỏi:

“Các ông đang nói chuyện gì thế?”

Cơ-lê-ô-pát dừng chân. Ông hỏi:

“Hổm rày ông ở đâu nhỉ? Mọi người trong thành Giê-ru-sa-lem đang xôn xao về ông Giê-su xứ Na-da-rét.”

Ông kể lại sự kích động của dân chúng, kể về vụ bắt Thầy và đóng đinh, về mấy chị phụ nữ phát hiện xác Thầy bị lấy trộm và về các Thiên Thần hiện ra nơi hầm mộ. Cơ-lê-ô-pát thổ lộ:

“Chúng tôi đã hy vọng Thầy là Đấng Mê-si-a, nhưng giờ đây...

Lời lẽ ông trôi tuột đi theo nỗi đau sầu trong khi ông tiếp tục cất bước.

Họ đang ở trên đỉnh đồi, và khi con đường bắt đầu chuồi xuống thấp, khách lữ hành đột ngột cất tiếng hỏi cách lạ lùng:

“Hai ông há chẳng biết trong Sách Thánh nói gì ư?”

Cơ-lê-ô-pát chỉ nhún vai, hai bàn tay ra dấu như muốn nói: “Chúng tôi không biết.”

Thế là suốt mấy dặm đường kế tiếp lữ khách bắt đầu nói, nhẫn nại giải thích từng đoạn Sách Thánh dạy về những khổ hình mà Đức Ki-tô, Đấng Mê-si-a, sẽ phải gánh chịu. Thế rồi người ấy giải thích về sự vinh quang của Đấng Mê-si-a sắp xảy đến.

Cơ-lê-ô-pát và bạn ông bước đi trong nỗi kinh ngạc. Đúng là họ từng nghe Sách Thánh, nhưng bấy lâu nay chẳng hiểu chi, thì bây giờ bỗng nhiên sáng tỏ, dễ hiểu. Họ rảo bước. Con tim đập dồn, nhưng họ chẳng để tâm chú ý.

Những dặm đường xa dường như thâu ngắn lại. Thế rồi đột ngột, vừa vòng theo một khúc quanh thì hiện ra ngôi làng Em-mau của họ. Tới nhà rồi. Lữ khách cảm ơn họ vì đã cùng đồng hành, và quay lại lối cũ, nhưng họ không muốn để ông rời đi. Đâu có ai mang cho họ nhiều hy vọng như thế, giúp họ thông suốt Sách Thánh được như vậy.

Cơ-lê-ô-pát lên tiếng:

“Ông không nán lại qua đêm ư? Sẽ chóng sụp tối thôi. Ông hãy nán lại. Xin mời ông.”

Lữ khách bằng lòng nán lại. Khi họ ngả người thoải mái trên những chiếc ghế quanh bàn ăn, Cơ-lê-ô-pát trao cho lữ khách một ổ bánh mì tròn mới nướng:

“Xin ông ban cho chúng tôi vinh dự được ông chúc phúc tối nay.”

Lữ khách nâng ổ bánh mì lên và lặp lại lời cầu nguyện quen thuộc trong bữa ăn của người Do Thái:

 “Lạy Đức Chúa Trời, Vua của cõi hoàn vũ, Đấng làm ra bánh mì từ đất.”

Và sau đó ông bắt đầu bẻ bánh mì, lần lượt trao mỗi người một miếng. Cơ-lê-ô-pát nín thở. Đôi mắt ông bắt gặp ánh mắt lữ khách. Bỗng dưng, trong tíc tắc, ông bừng ngộ. Ai mà biết vì sao, nhưng ông thì biết. Chúa đấy mà! Ông thoáng thấy phảng phất nụ cười trên gương mặt lữ khách, và rồi Đức Giê-su biến mất.

Tất cả những gì họ có thể làm được là nhìn nhau trân trối một lúc, kinh ngạc sững sờ.

Rồi Cơ-lê-ô-pát nhảy dựng lên:

“Đúng rồi! Mấy chị phụ nữ nói đúng. Thầy Giê-su còn sống! Thầy đã phục sinh!”

Thức ăn thức uống của họ nằm yên trên bàn, không ai động tới. Cả hai người đàn ông tông cửa phóng ra ngoài, chạy vụt đi. Lát sau, khi họ dừng chân, bạn đồng hành của Cơ-lê-ô-pát nói:

“Thảo nào con tim chúng ta bừng cháy trong lòng ta suốt thời gian người ấy trò chuyện với chúng ta dọc đường.”

Họ thôi không chạy nữa, bước đi, rồi lại chạy tiếp gần hết con đường còn lại dẫn ngược về thành phố.

Cơ-lê-ô-pát dộng cửa căn phòng bên trên:

“Chúng tôi đã gặp Thầy! Chúng tôi đã gặp Đức Giê-su!”

Phê-rô mạnh tay mở toang cửa ra. Nhưng Cơ-lê-ô-pát không thể kiềm chế bản thân, cứ xông vào. Thế rồi câu chuyện của họ tuôn ra dồn dập. Cơ-lê-ô-pát kết luận:

“Thầy còn sống! Lúc người ấy bẻ bánh mì chia cho chúng tôi, hoàn toàn bất ngờ, chúng tôi bừng ngộ rằng đó là Thầy.”

RALPH F. WILSON & HUỆ KHẢI

Nhiêu Lộc, 07-5-2020

Tuần san CGvDT, số 2255

từ 22 đến 28-5-2020

HÃY CHO CHIÊN CỦA THẦY ĂN

 


HÃY CHO CHIÊN CỦA THẦY ĂN

Phúc Âm theo Thánh Gio-an (21:1-17) chép tỉ mỉ buổi sớm tinh mơ trên bờ biển hồ Ga-li-lê, nơi Đức Giê-su cho các tông đồ gặp lại Thầy. Căn cứ theo đó, tiến sĩ thần học Ralph F. Wilson (người Mỹ) hư cấu thành câu chuyện với nhiều chi tiết rất lý thú.

Ralph F. Wilson kể chuyện như sau

Cách xa bờ chừng trăm thước, chiếc thuyền chài bập bềnh nhè nhẹ trên mặt hồ. Chốc chốc một ngọn sóng lại vỗ vào mạn thuyền mặc dù sáng nay hồ nước tĩnh lặng lạ lùng.

Dẫu rằng trời hãy còn sớm lắm, sáu ngư dân trên thuyền đã xoay trần ra làm việc, mồ hôi trên những tấm lưng lóng lánh dưới ánh nắng rực rỡ buổi bình minh. Suốt đêm họ đã quăng lưới, rồi kéo lên, hết lần này lần khác. Lần khác lại thêm lần khác nữa. Họ nhọc nhằn thâu đêm hầu kiếm lấy miếng ăn. Nhưng đêm qua họ trắng tay, chẳng hề chài được một con cá nhỏ nhít nào.

Giờ đây bình minh ngự trị trên đầu họ. Vầng dương đang tung tỏa trên những ngọn đồi phía đông biển hồ Ga-li-lê. Đêm đã hết, mang đi luôn những mong mỏi đánh được cá đem bán. Có lẽ họ nên thử thời vận một hai lần nữa trước khi bỏ về. Có thể họ sẽ may mắn.

Trên bờ, ngôi làng Ca-phác-na-um ngái ngủ bắt đầu trở mình. Trên bờ biển hồ lởm chởm đá các ngư phủ bắt gặp ánh lửa le lói. Thỉnh thoảng làn gió nhẹ phất qua mũi họ mùi cá nướng. Dạ dày Phê-rô bèn nhớ tới cơn đói, và mồm miệng ông cơ hồ nếm được vị cá thơm ngon.

Ai đang ngồi cạnh bếp lửa thế nhỉ? Phê-rô nhìn thấy một ông trông quen quen, nhưng không nhận diện được đó là ai.

Giờ đây người ấy giơ hai bàn tay lên miệng, khum lại làm loa. Thoáng chốc giọng ông vọng tới bên thuyền. Ông ta nói lớn:

“Các anh ơi, hãy quăng lưới bên phải mạn thuyền rồi sẽ thấy...

Phê-rô nổi dóa: “Mấy kẻ quen sống trên cạn mà cứ tưởng mình là ngư dân lão luyện!” Nhưng các bạn chài đã sẵn sàng quăng lưới lần nữa; vậy sao không là bên phải? Có mất mát chi mô?

Thình lình sự tĩnh lặng ban mai bỗng vỡ ra vì đàn cá mắc lưới giãy giụa dữ dội, kéo tấm lưới trì xuống, có nguy cơ lật úp cả thuyền. Các bạn chài lập tức đề phòng, cùng trụ vững đôi chân, nắm chặt tay rán kéo vào lòng thuyền tấm lưới nặng trĩu lũ cá bất kham. Họ ắt hẳn đã hốt trọn cả đàn cá, ở bên phải mạn thuyền.

Phê-rô cố gắng nhận diện người đàn ông trên bờ. Cũng vậy, Gio-an căng mắt ra nhìn rồi hét to:

“Là Chúa đấy! Là Giê-su!”

Mấy bạn chài khác còn đang đánh vật với tấm lưới, nhưng Phê-rô mặc kệ. Quơ lấy manh áo, ông phóng xuống nước, và sãi đôi tay bơi cật lực cho tới khi nước đủ cạn cho ông đứng lên chạy nốt khoảng cách còn lại. Nước bắn tung tóe.

Cả người rỏ nước ròng ròng, ông phủ phục trước Giê-su, là Đức Chúa đã phục sinh, là Đấng mà ba năm dài ông theo gót, noi gương, hầu việc.

Giê-su bảo:

“Hãy lấy thêm ít cá.”

Thế là Phê-rô chạy về thuyền, giờ đây sắp cập bờ, và ông phụ lực chung tay kéo lưới. Họ đếm được một trăm năm mươi ba con cá. Kinh ngạc thay!

Giê-su cất tiếng gọi các ngư phủ, những môn đồ Thầy đã san sẻ nhiều bữa ăn:

“Tới đây ăn sáng nào!”

Họ ngồi xổm quanh ngọn lửa và ngấu nghiến nhai nuốt bánh mì kèm với cá mà Giê-su đã nướng sẵn. Cá nóng sốt. Bánh mì nóng giòn sau một đêm nhọc nhằn.

Cá và bánh mì. Bánh mì và cá. Tại sao điều này dường như quen thuộc đến thế nhỉ? Phê-rô tự hỏi. Và rồi ông nhớ ra cái ngày hôm đó, chỉ cách chỗ này một hay hai dặm, Giê-su đã lấy năm ổ bánh mì lúa mạch và hai con cá để đãi năm ngàn người ăn. Phê-rô và chính những người đang ngồi quanh bếp lửa này đã mang từng giỏ lại từng giỏ cá và bánh mì đi mời chúng dân. Cứ thế cho đến khi tất cả đều no nê.

Giê-su, đấng đãi ăn vĩ đại của nhân loại, sáng nay lại đãi anh em các ông lần nữa.

Giờ thì Giê-su bảo ông tới bên cạnh:

“Phê-rô, anh có yêu Thầy không?”

Đau đớn, Phê-rô nhớ rằng trước lúc Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá, ông đã quyết liệt chối Thầy ba lần. Không dám nhìn vào mắt Giê-su, ông ấp úng:

“Thưa Chúa, có ạ. Thầy biết là con yêu Thầy.”

Giê-su bảo:

“Phê-rô, hãy cho chiên của Thầy ăn.”

Ba lần Giê-su yêu cầu Phê-rô xác nhận lại lòng ông yêu Thầy. Mỗi lần hỏi ứng với mỗi lần Phê-rô chối Thầy. Ba lần Giê-su xác nhận lại ơn gọi dành cho Phê-rô. Giê-su không chỉ tha thứ cho Phê-rô, Thầy còn phục hồi cho ông trọn vẹn lòng tin.

Mấy năm trước, Giê-su đã bảo Phê-rô và bè bạn ông: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Chắn chắn vậy rồi. Các ông đã cùng nhau làm thừa tác viên cho hằng mấy ngàn người, nam phụ lão ấu trong ba năm đánh lưới người.

“Hãy cho chiên của Thầy ăn.”

Không phải là thức ăn vật chất. Giê-su đang nói về thức ăn tâm linh, là giáo hóa, nguyện cầu, dẫn dắt, thúc giục, phụng sự. Giê-su đang đòi hỏi ở Phê-rô tình yêu, nhưng cùng với tình yêu là vâng phục.

Phê-rô hiểu lời Thầy. Giê-su từng bảo chúng dân phiền não và không được cứu giúp, giống như đàn chiên chẳng có người chăn.

“Vâng ạ, con yêu Thầy, thưa thầy Giê-su.”

Phê-rô nói rõ ràng, vừa ngước lên nhìn vào mắt Thầy.

Đấng đãi ăn vĩ đại của nhân loại nói:

“Vậy, hãy cho chiên của Thầy ăn. Phê-rô, Thầy cần anh thay Thầy cho chiên của Thầy ăn.”

Phê-rô khẽ khàng:

“Vâng, thưa Chúa, dĩ nhiên con sẽ làm thế. Thầy có thể tin cậy con.”

RALPH F. WILSON & HUỆ KHẢI

Nhiêu Lộc, 28-4-2020

Tuần san CGvDT, số 2253

từ 08 đến 14-5-2020

CÁI NGÀY PHÊ-RÔ CHẠY ĐI

 


CÁI NGÀY PHÊ-RÔ CHẠY ĐI

Phúc Âm theo Thánh Gio-an (20:1-9) chép như sau:

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trổi dậy từ cõi chết.([1])

Căn cứ theo tường thuật trên đây, tiến sĩ thần học Ralph F. Wilson (người Mỹ) hư cấu thành câu chuyện có phần tỉ mỉ hơn, và mở đầu bằng cách diễn tả lòng ăn năn của Phê-rô, tông đồ ba lần chối Chúa, đúng như Chúa đã báo trước (Mát-thêu 26:34).

 

Ralph F. Wilson kể chuyện như sau

Ban ngày thì lòng dạ giày vò, ruột gan day dứt; nhưng đêm đêm thậm chí còn tệ hại hơn thế nhiều. Ông đã phản bội vị Thầy kính yêu của mình. Không giấu giếm, không che đậy, mà công khai giữa ban ngày ban mặt ở chốn đông người để cho ai nấy cũng đều thấy rõ, nghe rõ rành rành. Giờ đây muộn màng quá rồi, đâu còn nói được lời xin lỗi. Thầy ông đã không còn nữa.

Phê-rô trở mình, trằn trọc, không sao tìm được tư thế dễ chịu. Ông nghe thấy ngoài kia Giê-ru-sa-lem đang cựa mình tỉnh giấc. Thành phố này ông từng yêu thích đặt chân tới, bây giờ thì thù ghét. Nó lưu giữ quá nhiều ký ức đau thương không sao xóa nhòa được trong tâm trí ông. Hôm nay ông sẽ lên đường trở về Ga-li-lê mà đánh cá, mặc dù ngay cả việc đánh cá lúc này cũng chẳng còn sức quyến rũ ông. Chẳng còn gì làm ông hứng thú nữa.

 “Sao ta lại có thể làm cho Thầy ta xấu hổ đến thế được? Sao ta làm như thế? Phê-rô ơi, mi là kẻ hèn nhát!” Đã hằng ngàn lần ông tự nguyền rủa mình. “Người là Thầy ta! Sao ta có thể làm như thế với vị Thầy yêu kính nhất đời?”

Ông có thể hình dung lại cảnh Giê-su ngồi trên lưng lừa xuôi xuống sườn đồi, đi vào thành Giê-ru-sa-lem trong tiếng reo mừng của hằng ngàn người chào đón. Ông thấy lại cảnh Thầy phẫn nộ xô ngã những mặt bàn chồng chất ăm ắp tiền là tiền trong đền thờ. “Các ngươi đã biến nhà Cha Ta thành sào huyệt của lũ trộm cướp!” Thầy đã mắng những kẻ ấy bằng lời lẽ đích đáng và sắc bén.

Phê-rô nhớ lại cảnh những người mù bỗng dưng sáng mắt, những người què thình lình bước đi, và những người cùi da dẻ gớm ghiếc đột nhiên trở nên mịn màng, mềm mại như trẻ sơ sinh chỉ trong tíc tắc sau khi Giê-su chạm vào. Ông vẫn cảm nhận được bàn tay Thầy đặt lên vai mình sau một ngày dài vất vả lo toan, săn sóc chúng dân. Tiếp theo đó là những lời lẽ cứ tự lặp đi lặp lại trong tâm trí ông: “Cảm ơn Phê-rô hôm nay đã giúp Thầy. Anh là một người trung thành... một người trung thành... một người trung thành.” Những giọt lệ bắt đầu ứa đầy đôi mắt Phê-rô. Trung thành ư? Ta ư?

Khi lính tráng của Thượng Tế cố bắt giữ Giê-su, Phê-rô đã cầm gươm bảo vệ Thầy. Nhưng sau đó, lúc cô tớ gái kia cật vấn: “Ông là một trong các môn đồ của người ấy, đúng không?” Thì ông đã thề thốt phủ nhận. Mà chỉ là một cô tớ gái thôi đấy! Nhưng lần sau và lần sau nữa, ông đã thêm hai lần nói dối đớn hèn trước khi gà gáy; lúc đó, từ khoảnh sân bên kia, ánh mắt Giê-su đã chiếu vào mắt ông. Ánh mắt buồn buồn, thất vọng. Thế là ông suy sụp và bỏ chạy. Chạy ra khỏi ngôi nhà của Thượng Tế, lao vào những con phố tối tăm. Chạy cho đến khi không còn sức chạy thêm nữa. Chạy cho đến khi ông ném mình đổ ập xuống mặt đường rải đá cuội và thổn thức khóc.

Sáng hôm đó, lát sau, từ xa xa ông dõi mắt nhìn quân dữ chế giễu và hành hạ Thầy, cuối cùng chúng dùng cọc lớn đóng vào hai bàn tay và hai bàn chân Thầy, treo Thầy trên thập giá cho tới khi Thầy trút hơi thở. Ông chẳng thể nào chịu đựng được thêm một ngày trong thành này.

Tia sáng lờ mờ buổi bình minh len vào dưới khe cửa. Rốt cuộc đêm đã tàn; hôm nay ông sẽ lên đường. Hôm nay ông sẽ chạy khỏi chốn này, trở về với cuộc sống duy nhất mà ông biết. Hôm nay Phê-rô sẽ bỏ lại sau lưng cái thành phố đẵm máu này.

Ành! Ành! Cánh cửa cạnh đó rung chuyển khi có người không ngừng dộng lên nó. Phê-rô vớ lấy thanh gươm, và mau lẹ nấp sau cánh cửa.

 “Phê-rô, Gio-an, là Ma-ri-a đây! Cho tôi vào.”

Giọng phụ nữ, của Ma-ri-a Mác-đa-la, một trong các môn đồ thân thiết của Giê-su, là người nhiều tháng trời đã cùng các ông cất bước khắp nơi khắp chốn.

Phê-rô tháo chốt cửa và Ma-ri-a lách vào. Bà hít thở sâu mấy hơi trước khi có thể buột miệng nói thành lời:

“Xác Thầy bị đánh cắp rồi! Xác Thầy biến mất rồi, và không biết họ đem đi đâu!”

Gio-an bấy giờ đã thức giấc, đưa mắt nhìn Phê-rô, và rồi họ khoác vội áo. Phê-rô lao ra cửa, chạy băng băng xuống phố, quẹo vun vút qua những góc đường, trực chỉ hầm mộ, nơi đã đặt di hài Giê-su.

Gio-an bám sát phía sau. Trẻ hơn và khỏe hơn, chẳng mấy chốc Gio-an đã bỏ xa Phê-rô. Khi Phê-rô đến nơi thì Gio-an đang đứng bên ngoài cửa hầm mộ chăm chú nhìn vào. Tảng đá to tướng, nhằm mục đích ngăn ngừa những kẻ mạo phạm, đã bị lăn đi khỏi vị trí. Ông mất một thoáng để cho đôi mắt quen với bóng tối lờ mờ của hang đá vôi ẩm thấp.

Kia là tấm vải liệm, nằm trên bệ đá, nơi đã đặt di hài. Bên trong trống rỗng, tấm vải liệm xẹp xuống, giống như cái vỏ kén sau khi con bướm đã bay thoát ra. Tấm khăn vấn quanh đầu Giê-su được gấp lại, để riêng một chỗ.

Phê-rô nhìn Gio-an và ra dấu cho ông vào trong. Kỳ lạ thay! Nếu mộ bị kẻ trộm lẻn vào lấy xác mang đi, thì lẽ ra không còn thấy những thứ dùng khâm liệm, hoặc bởi vì vội vàng kẻ trộm ắt phải đánh rơi vương vãi trong hầm mộ chật hẹp. Thế mà chúng lại nằm kia, ngay ngắn, như thể được đặt sang một bên khi không còn cần tới nữa.

Gio-an nhìn Phê-rô. Phê-rô nhìn Gio-an. Phê-rô bắt gặp một nụ cười thoáng qua khóe miệng Gio-an.

Điều gì sẽ... điều gì sẽ... nếu Thầy phục sinh?

Phê-rô quay trở lại thành Giê-ru-sa-lem, mỗi lúc càng rảo bước nhanh hơn. Điều gì sẽ xảy ra nếu Thầy phục sinh?

Khi Phê-rô quẹo ở góc đường để trở về chỗ tạm trú thì thấy một dáng hình đang chờ ông trước cửa. Một dáng hình rất quen thuộc Giê-su!

Phê-rô chạy ùa tới gặp Thầy.

RALPH F. WILSON & HUỆ KHẢI

Nhiêu Lộc, 11-5-2020

Nguyệt san CGvDT, số 305, tháng 5-2020



([1]) Bản dịch 2011 của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

BUỔI SÁNG PHỤC SINH SAU DÔNG BÃO

 


BUỔI SÁNG PHỤC SINH

SAU DÔNG BÃO

Tiến sĩ thần học Ralph F. Wilson (người Mỹ) cho biết đã hư cấu câu chuyện này dựa trên sự tường thuật những biến cố quả thật đã xảy ra (the events recounted actually took place); tuy nhiên, không ai biết chắc chắn lớp lang các biến cố ấy đích xác thế nào (no one knows for sure the exact sequence of events).

Ralph F. Wilson kể chuyện như sau

Giống như một trận bão dữ dội qua đi, để lại phía sau hoang tàn, đổ vỡ. Nhưng sớm Chúa Nhật hôm nay tất cả đều im ắng sự lặng lẽ tạm thời sau bão tố hay là dường như thế đối với Ma-ri-a Mác-đa-la.

Trước tiên là Giê-su, đấng dẫn đạo và ngôn sứ xuất thân từ Ga-li-lê. Khi lòng sùng kính ngài ở Giê-ru-sa-lem lên tới đỉnh điểm thì chỉ mới tuần trước, nhiều người đã xem ngài là đấng Mê-si-a. Nhưng hôm Thứ Sáu, những kẻ thù nghịch đã thành công khi hành hình ngài bằng cách đóng đinh trên thập giá.

Những kẻ thù nghịch cắt cử lính canh giữ mộ ngài. Tại sao thế? Chúng nghe đồn rằng Giê-su sẽ “sống lại” vào ngày thứ ba. Đám nghịch thù ấy bảo chuyện này phi lý, nhưng chúng không thể liều lĩnh khinh suất. Nếu có lính canh, đặc biệt là quân La Mã, thì môn đồ của Giê-su chẳng dám lấy trộm thi hài và sẽ không thể tuyên bố rằng Thầy mình đã sống lại. Hãy che đậy bất kỳ những chuyện gì có thể làm nhen lại ngọn lửa trong lòng dân chúng thành Giê-ru-sa-lem. Đó là kế hoạch chúng vạch ra.

Trong đêm tối ẩm ướt, ớn thấu xương, đám lính canh tụm lại quanh đống lửa kêu tí tách, ánh lửa bập bùng hắt lên các ngôi mộ những hình ma bóng quái chập chờn. Lính tráng chẳng sợ chi đâu, chỉ là khó chịu, sốt ruột mong chờ ánh bình minh sẽ sớm tỏ rạng ở chân trời.

Các môn đệ của Thầy Giê-su cũng lưu tâm tới chuyện phục sinh, nhưng họ sợ sẽ bị bắt vì có liên hệ mật thiết với Thầy. Họ trốn tránh trong thành phố. Kẻ nghịch thù mỉm cười tự mãn:

“Bây giờ chả còn phải lo lắng gì về đám người đó cả.”

Những đoàn hành hương đông đúc lúc trước dồn tụ chật ních Giê-ru-sa-lem thì nay đã quay về làng họ, trở về với gia đình họ sau khi xong lễ Vượt Qua, mang theo câu chuyện đầy bức bối về đấng cứu độ ở Ga-li-lê bị sát hại. Dĩ nhiên họ vẫn còn căm giận, nhưng không còn mối nguy về cuộc nổi dậy để phản kháng vụ xét xử và hành hình vị Thầy người Na-da-rét.

Đó là những gì còn lại ngay trước bình minh. Buồn đau, bi thảm. Đã hy vọng nhiều, đã hứa hẹn nhiều, nhưng giờ đây lại trở thành con số không. Một phong trào tràn đầy hứng khởi, hồ hởi đã bị nghiền nát; Thầy bị giết hại, tông đồ trốn tránh, tín hữu rã rời phân tán.

Nhưng sau bão dông cuộc sống phải tiếp tục. Ma-ri-a Mác-đa-la vốn là một trong những môn đồ sùng tín nhất của vị Thầy người Na-da-rét. Bà và mấy phụ nữ khác đã dậy rất sớm để tới viếng di hài Thầy mình, và họ đang trực chỉ khu hầm mộ nằm bên ngoài tường thành. Trong hầm mộ, di hài Thầy nằm lạnh lẽo, bất động trên phiến đá. Ma-ri-a Mác-đa-la đã ở đó tối Thứ Sáu. Đôi bàn tay bà đã giúp lau rửa thi hài và liệm xác.

Các bà rời khỏi đường mà rẽ vào khu vườn mộ, lầm lũi cất bước như không hồn. Thình lình, Ma-ri-a ngước lên nhìn và hét toáng:

“Tảng đá bị dời chỗ rồi!”

Bà chạy ùa vào vườn, băng qua dấu tích ám khói của đống lửa đêm trước, đồ đạc đám lính ném vương vãi trong lúc hoảng loạn tháo chạy. Bà rán hết sức lao tới cửa hầm mộ mở toang. Dây băng và con dấu niêm phong của quân La Mã buông thõng, đong đưa trong làn gió ban mai.

“Thầy đâu rồi?”

Bà thét lên và thò đầu vào trong hầm mộ.

Bóng tối của hầm mộ và mùi đá vôi mới đục cắt choàng phủ lên bà. Khi mắt đã quen với bóng tối, bà nhận ra cái bệ đục từ vách đá, trông thấy trên đó những vải liệm được xếp lại tử tế. Nhưng Thầy Giê-su ở đâu? Ôi, quân trộm mồ cướp mả!

Nhanh như cắt, bà bắt đầu chạy trở ngược vào thành Giê-ru-sa-lem.

“Mình phải báo tin cho Phê-rô và Gio-an.”

Bà chạy nhanh hơn. Dừng lại ở đầu đường nơi các tông đồ đang ẩn náu, hai tay chống vào đầu gối, bà thở hổn hển. Rồi bà dộng mạnh lên cánh cửa.

“Phê-rô, Phê-rô!”

Một lúc khá lâu, Phê-rô mới hé cửa ra, ngó xuôi ngó ngược hai đầu phố. Cuối cùng, ông ra dấu cho Ma-ri-a bước vào và lẹ làng đóng ập cửa lại.

“Có kẻ đã trộm xác Thầy ra khỏi mộ! Chúng tôi không tìm thấy Thầy!”

Phê-rô và Gio-an lúc này đều hoảng hốt. Họ tròng vội áo dài, xỏ dép, và lao mình về hướng vườn mộ. Ma-ri-a theo sau. Bà đi chậm, đầu gục xuống, vừa lầm lũi bước vừa thổn thức. Lúc bà tới bên mộ thì Phê-rô và Gio-an đã tới trước và rời khỏi rồi. Cũng không thấy các bà khác đâu cả.

Bà dừng cạnh cửa mộ một chốc, khóc thảm thiết. Rồi bà trấn tĩnh và bước vào gian hầm lạnh lẽo. Lúc này mặt trời đã lên, hắt những bóng râm ngã dài trong vườn. Lúc này trong mộ dường như cũng sáng tỏ. Hai ông y phục trắng sáng ngời, áo dài chấm bàn chân, cùng đứng lên khi bà đi vào.

“Tại sao chị khóc?”

Bà vừa khóc vừa kể lể:

“Họ đã mang Chúa đi mất rồi, và tôi không biết họ để ngài ở đâu.”

Lúc bà ngẩng lên, hai người ấy không còn đứng đó nữa. Bà xoay người. Kìa, mặt trời hắt bóng một ông khác nơi lối vào. Bà cho là người coi vườn mộ. Có lẽ ông ta biết đấy.

Người ấy hỏi khẽ:

“Tại sao chị khóc? Chị đang tìm ai?”

Bà bắt đầu kể lại câu chuyện đau sầu lần thứ ba, kể về quân trộm mả cướp mồ đã xâm phạm hầm mộ, kể về vị Thầy đã cứu vớt bà và đã trả lại cho bà trọn vẹn cuộc sống. Bà van nài:

“Nếu ông có mang Thầy đi, hãy cho biết xác Thầy ở đâu để tôi còn tìm lại. Sẽ không có rắc rối gì đâu.”

“Ma-ri-a!”

Cái giọng sao mà quen thuộc.

Bà ngước lên, ngỡ ngàng nhận ra. “Thầy ơi!” Bà bật khóc và phủ phục xuống chân Thầy.

Là Giê-su. Là Chúa. Thầy không chết. Thầy trổi dậy khỏi mộ. Thầy còn sống. Thầy đã phục sinh như Thầy đã báo trước.

Cơn bão qua rồi và vầng dương đang xé toang mây mù để bắt đầu một ngày mới.

RALPH F. WILSON & HUỆ KHẢI

Nhiêu Lộc, 18-5-2020

Tuần san CGvDT, số 2256

từ 29-5 đến 04-6-2020

KẺ BỊ GHÉT NHẤT LÀNG CA-PHÁC-NA-UM

 


KẺ BỊ GHÉT NHẤT

LÀNG CA-PHÁC-NA-UM

Trong Phúc Âm, Thánh tông đồ Mát-thêu thuật rõ nhân duyên ngài được Chúa hóa độ như sau (9:8-13):

Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu ([1]) đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Hai vị Thánh tông đồ Mác-cô (2:13-17) và Lu-ca (5:27-32) cũng chép tương tự như Thánh tông đồ Mát-thêu.

Dựa theo Phúc Âm ở hai đoạn dẫn trên, tiến sĩ thần học Ralph F. Wilson (mục sư người Mỹ) hư cấu mẩu chuyện sau đây, đã xảy ra ở làng chài Ca-phác-na-um nằm bên bờ phía bắc biển hồ Ga-li-lê. Làng này được lập vào thế kỷ 2 trước Công Nguyên, rồi bị bỏ phế trong thế kỷ 11 thuộc Công Nguyên, trước khi quân Thập Tự Chinh tràn tới.

Ralph F. Wilson kể chuyện như sau

Một ngày bình thường, trên con đường nằm ngoài thị trấn, kẻ bị ghét nhất làng Ca-phác-na-um nhìn thấy hằng trăm người đi ngang trạm thu thuế của ông. Hầu hết đi qua chẳng thốt một lời, trừ phi chửi rủa. Nhưng khi Lê-vi nhận ra một con lừa chở nặng đi về hướng đông, từ chỗ râm mát đang đứng ông nhảy bổ ra chặn lại, yêu cầu chủ con vật phải dỡ hàng xuống. Nếu đó là len hay cá khô, da thú hay ngũ cốc đang chở đi bán (hay bất kỳ thứ gì khác), ông buộc người chủ phải nộp thuế.

Thuế chẳng nhẹ chi đâu, có thể là bốn phần trăm của bất cứ trị giá hàng hóa nào mà Lê-vi áp đặt. Dĩ nhiên điều quan trọng nhất là Lê-vi có thể buộc người đi buôn phải nộp bao nhiêu. Một khi đã phán ra tiền thuế, ông chẳng chịu bớt giảm đồng nào. Về phần Lê-vi, để giữ được quyền hành nghề thu thuế, hằng tuần ông phải nộp cho cấp trên một khoản tiền quy định. Hễ thu vượt định mức bao nhiêu bất kỳ, đó là phần ông được giữ lại. Và Lê-vi tom góp được bộn.

Người đi buôn không chịu nộp thuế ư? Lê-vi gọi ngay lính tráng đứng gần đó và tịch thu hết hàng hóa tại chỗ. Ông không biết thương xót. Hiếm ai tranh cãi lắm; họ răm rắp đóng thuế rồi dông cho lẹ, bởi sợ ông đổi ý mà tăng thêm tiền thuế.

Lê-vi chỉ là một con ốc nhỏ xíu trong cỗ máy vận hành giúp quân áp bức hút khô máu dân Ít-ra-en để làm giàu cho Xê-da ở Rô-ma xa tít. Chẳng quá lời khi nói rằng Lê-vi là kẻ bị ghét nhất làng Ca-phác-na-um.

Nhưng Lê-vi đang hành xử lạ lùng, sau nhiều giờ tham dự những cuộc họp ngoài trời của Thầy Giê-su quê quán Na-da-rét. Những đám đông xô đẩy, chen lấn để có thể thấy phép lạ đích thực cứu người mù được sáng mắt, người què lại bước đi. Đó là trải nghiệm chỉ có một lần trong đời nên khắp miền Ga-li-lê không ai muốn bỏ lỡ.

Lê-vi rất thích nghe Thầy Giê-su giảng đạo. Có câu chuyện cứ in sâu tâm trí ông. Chuyện về đứa con hoang đàng bỏ nhà ra đi và dốc hết tiền bạc cha chia cho phung phí vào rượu chè, đàn bà, hát xướng. Cuối cùng trắng tay anh trở về, không phải để lấy lại vị thế làm con, mà để làm thuê cho trang trại. Dự tính là thế. Nhưng thấy anh, cha già liền chạy tới ôm chầm. Anh phản kháng: “Con không xứng đáng.” Nhưng cha khăng khăng: “Con đã chết rồi, con à. Nhưng nay con lại sống! Hãy đi vào nhà. Chúng ta sẽ ăn mừng thật lớn.”

Thầy Giê-su nói:

“Cha anh chị em trên trời cũng tha thứ như vậy.”

Một ngày oi ả, Lê-vi ngồi trong bóng râm ở trạm thu thuế thì thấy một người xuất hiện trên đường. Nhận biết là Thầy Giê-su, Lê-vi đứng lên và bước ra ngoài. Lê-vi và Thầy nhìn nhau hồi lâu, thế rồi Thầy tươi cười, chìa tay ra mà nói mấy lời gọn lỏn:

“Hãy theo Thầy!”

Lê-vi cứng đơ cả người, rồi quỳ xuống nói:

“Thưa Thầy, Thầy không biết con đâu. Thầy không biết con là hạng người nào đâu. Con không xứng đáng!”

Thầy Giê-su đỡ ông đứng lên và bảo:

“Thầy biết đích xác con là loại người nào, và con chính xác là người Thầy đang tìm kiếm.”

Lê-vi lấy mu bàn tay quệt nước mắt, chẳng biết nói năng chi. Ông đánh liều:

“Vâng ạ.”

Thầy gật đầu. Rồi ông buột miệng:

“Thưa Thầy, nếu Thầy cần con, con sẽ theo Thầy đi bất cứ nơi nào.”

Sau đó ông nói thêm:

“Thầy Giê-su, nhân tiện, Thầy có thể ban cho con vinh hạnh là đến nhà con dự tiệc tối nay không?”

Thầy cười:

“Thầy đã mong con mời. Nào, nhanh lên. Thầy trò mình còn phải đi mấy chỗ.”

Lê-vi đóng cửa trạm thu thuế và khóa lại lần sau cùng. Ông bước xa khỏi chỗ kiếm ăn béo bở nhất để đổi lấy cuộc sống tùy thuộc vào sự bố thí của bá tánh. Nhưng ông chẳng thèm quan tâm chi nữa. Mặt ông rạng rỡ khi cất bước theo Thầy Giê-su.

Đúng giờ hẹn nhà ông đầy thực khách. Chẳng phải giới thanh lịch của làng Ca-phác-na-um đâu nhé. Toàn là những kẻ bị xua đuổi, quân lừa đảo, lũ sâu rượu, bọn đàn bà ngoại tình bị chồng bỏ. Tất cả đều có mặt, cùng với vài tên trộm và mấy kẻ cướp đường khét tiếng.

Thức ăn tràn trề, rượu nho tuôn chảy, và Thầy Giê-su dường như vui thích lắm. Với sự nồng ấm thành thực và nụ cười luôn nở trên miệng, Thầy lần lượt chinh phục hết đám bè bạn của Lê-vi.

Có tiếng gõ cửa thô bạo. Đó là nhóm quan tòa tự phong, những kẻ Pha-ri-sêu giả dối trong làng. Họ cộc cằn yêu cầu:

“Chúng tôi muốn nói chuyện với ông Giê-su.”

Thầy bước ra cửa.

Họ mỉa mai:

“Thánh Nhân, tại sao ngài ăn chung với đám thu thuế và bọn tội lỗi?”

Thầy Giê-su mỉm cười:

“Ai khỏe mạnh đâu cần thầy thuốc, mà người bệnh mới cần. Ta không đến với người công chính, nhưng kẻ tội lỗi thì cần sám hối. Các ông không vào à?”

Kẻ đầu têu lắp ba lắp bắp toan trả lời, nhưng Thầy Giê-su đã quay lại bàn tiệc và các bạn mới của Thầy vây quanh Thầy hân hoan reo hò lần nữa.

Tiệc mừng vui vẻ tại nhà Lê-vi kéo dài thâu đêm. Tiếng cười tràn ra ngoài các cửa sổ, lăn tròn xuống phố xá làm người dân thò đầu ra nhìn, lòng thắc mắc. Bên trong nhà Lê-vi, vị Lương Y đang cứu chữa các con bệnh và tha tội cho họ. Đêm đó, Thầy mang lại niềm vui cho biết bao người, kể cả tay thu thuế sướng vui tên là Lê-vi mới vừa bỏ việc.

R.F. WILSON & HUỆ KHẢI

Nhiêu Lộc, 12-7-2020

Tuần san CGvDT, số 2264

từ 17 đến 23-7-2020



([1]) Mát-thêu còn gọi là Lê-vi, là con ông An-phê.

BA NGƯỜI CÙNG ĐI / GIAO CẢM

 

BA NGƯỜI CÙNG ĐI / GIAO CẢM

1. Năm 2019, liên kết nhà xuất bản Hồng Đức (Hà Nội), Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo ấn tống hai ngàn bản Phúc Âm Kể Lại Theo R.F. Wilson (120 trang), gồm mười hai câu chuyện được tiến sĩ thần học Ralph F. Wilson (mục sư người Mỹ) dùng văn tài của mình kể lại, căn cứ theo Phúc Âm.

Năm nay, 2024, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống tiếp tục in thêm năm câu chuyện nữa của Wilson,([1]) cũng được Huệ Khải chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Anh với đầy đủ cảm hứng của một môn đệ Cao Đài trọn tin vào hồng ân Tái Lâm Cứu Độ của Đức Chúa Giê-su, và hoan hỷ chung lòng hiệp hành cùng sứ vụ Đối Thoại Liên Tôn mở ra dưới ánh sáng soi dẫn của Công Đồng Vatican II.

Vì sao mà phát tâm hiệp hành như thế?

Xin thưa, ngay từ khi mở đạo Cao Đài tại nước Nam trong hoàn cảnh xã tắc điêu linh, sông núi cát phân, Đức Chí Tôn Cao Đài Thượng Đế không chỉ mạc khải cho con Hồng cháu Lạc thấy trước một tương lai giang san quang phục mà còn khai thị cho môn sanh Kỳ Ba ngộ nhập lẽ thật Vạn Giáo Nhất Lý để tháo gỡ bức màn vô minh chia rẽ tôn giáo, bứng bỏ đám cỏ lùng và gai gốc kỳ thị tín ngưỡng ngõ hầu bông trái chánh pháp được trĩu ngọn sai cành. Bởi thế, kinh qua suốt chiều dài lịch sử Đạo Nhà, tâm hồn người tín hữu Cao Đài luôn luôn nuôi dưỡng lý tưởng hòa đồng vạn giáo đông tây kim cổ, trong đó có TỨ GIÁO.

2. Thật vậy, theo thời gian, khi tâm thức của đàn con áo trắng dần dần được khai phóng thêm rộng sâu nhiều hơn thì Đức Chí Tôn cùng các Đấng thiêng liêng lại phát triển khái niệm TAM GIÁO (Nho, Lão, Thích) cổ truyền thành TỨ GIÁO (tức là Tam Giáo và có thêm Đạo Chúa).

Không ngừng lại ở đó, tiếng chuông Kỳ Ba còn gióng lên những hồi trong trẻo, loan báo cho nhân gian biết rằng TỨ GIÁO vốn dĩ ĐỒNG NGUYÊN nên sẽ QUY NGUYÊN theo định luật Nhất tán vạn, rồi vạn lại quy Nhất.

“Vạn” tức là vạn giáo. “Nguyên” hay “Nhất” chính là ĐẠO, cũng gọi ĐẠI ĐẠO 大 道, vốn là một khái niệm được Đức Lão Tử khai sáng vào thế kỷ 6 trước Công Nguyên.

3. Nói về TỨ GIÁO, một cách vắn tắt, thử hỏi thế nào là “Đồng Nguyên” và thế nào là “Quy Nguyên”?

3.1. Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài (quận Tư, Sài Gòn), ngày 01-3 Bính Ngọ (Thứ Ba 22-3-1966), Đức Ngô Minh Chiêu dạy về lý TỨ GIÁO ĐỒNG NGUYÊN 四 教 同 源 như sau:

Kìa Tứ Giáo (Phật, Tiên, Gia, Khổng)

Khai sanh môn truyền thống khắp nơi

Đều do nguyên lý của Trời

Giáng sanh cõi thế cứu đời độ dân.

3.2. Tại Huờn Cung Đàn (Tam Giáo Điện Minh Tân, quận Tư, Sài Gòn), đêm Thứ Sáu 24-12-1965, Đức Gia Tô Giáo Chủ giáng cơ, xưng danh qua bài thơ quán tâm, đồng thời dạy về lý TỨ GIÁO QUY NGUYÊN 四 教 歸 源 như sau:

Thích, Nho, GIA, Lão một đường về

Chánh tín bồi thoát muội mê

Độ thế GIÁO dân tùy mỗi xứ

Một Trời CHỦ tể khắp tư bề.

4. Là phàm nhân, chúng ta không thể biết Đức Chí Tôn Thượng Đế sẽ vận hành công cuộc QUY NGUYÊN trên hoàn vũ này như thế nào, nhưng chắc chắn Ngài chẳng bao giờ hý ngôn; vì thế, chúng ta hãy nên bằng lòng với sự bất tri của mình, và tâm tâm niệm niệm sấm ngôn của Đức Chúa Trời (Giê-rê-mi-a 29:11):

“Vì chính Ta mới biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi  kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng.”

5. Với những tình cảm như thế, nhân sự kiện Hội Ngộ Liên Tôn Lần XIV, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo trân trọng gởi đến quý tín hữu, quý đạo tâm hợp tuyển Ba Người Cùng Đi mỏng manh này một món quà bé mọn  để chúng ta cùng có dịp ôn lại Phúc Âm, suy niệm, và lắng lòng thanh tịnh hồi hướng về Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Gia Tô Giáo Chủ Cứu Thế Thiên Tôn.

Nhiêu Lộc, trọng thu Giáp Thìn (2024)

Ban Tu Thư & Ấn Tống

([1]) Trước khi ấn tống, năm chuyện này đã đăng tuần san và nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc (CGvDT).