BA NGƯỜI CÙNG ĐI / GIAO CẢM
1.
Năm 2019, liên kết nhà xuất bản Hồng Đức (Hà Nội), Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo ấn tống hai ngàn bản Phúc Âm Kể Lại Theo R.F. Wilson (120 trang), gồm mười hai câu chuyện được tiến
sĩ thần học Ralph F. Wilson (mục sư người Mỹ) dùng văn tài của mình kể lại, căn
cứ theo Phúc Âm.
Năm
nay, 2024, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống tiếp tục in thêm năm câu chuyện nữa
của Wilson,([1]) cũng được Huệ Khải chuyển
ngữ từ nguyên tác tiếng Anh với đầy đủ cảm hứng của một môn đệ Cao Đài trọn tin
vào hồng ân Tái Lâm Cứu Độ của Đức Chúa Giê-su, và hoan hỷ chung lòng hiệp hành cùng
sứ vụ Đối Thoại Liên Tôn mở ra dưới ánh
sáng soi dẫn của Công Đồng Vatican II.
Vì
sao mà phát tâm hiệp hành như thế?
Xin
thưa, ngay từ khi mở đạo Cao Đài tại nước Nam trong hoàn cảnh xã tắc điêu linh,
sông núi cát phân, Đức Chí Tôn Cao Đài Thượng Đế không chỉ mạc khải cho con
Hồng cháu Lạc thấy trước một tương lai giang san quang phục mà còn khai thị cho
môn sanh Kỳ Ba ngộ nhập lẽ thật Vạn Giáo
Nhất Lý để tháo gỡ bức màn vô minh chia rẽ tôn giáo, bứng bỏ đám cỏ lùng và
gai gốc kỳ thị tín ngưỡng ngõ hầu bông trái chánh pháp được trĩu ngọn sai cành.
Bởi thế, kinh qua suốt chiều dài lịch sử Đạo Nhà, tâm hồn người tín hữu Cao Đài
luôn luôn nuôi dưỡng lý tưởng hòa đồng vạn giáo đông tây kim cổ, trong đó có TỨ
GIÁO.
2. Thật vậy, theo thời gian, khi tâm thức của đàn con áo
trắng dần dần được khai phóng thêm rộng sâu nhiều hơn thì Đức Chí Tôn cùng các
Đấng thiêng liêng lại phát triển khái niệm TAM GIÁO (Nho, Lão, Thích) cổ truyền
thành TỨ GIÁO (tức là Tam Giáo và có thêm Đạo Chúa).
Không ngừng lại ở đó, tiếng chuông Kỳ Ba còn gióng lên
những hồi trong trẻo, loan báo cho nhân gian biết
rằng TỨ GIÁO vốn dĩ ĐỒNG NGUYÊN nên sẽ QUY NGUYÊN theo định luật Nhất tán vạn, rồi vạn lại quy Nhất.
“Vạn” tức là vạn giáo. “Nguyên” hay
“Nhất” chính là ĐẠO, cũng gọi ĐẠI ĐẠO 大 道, vốn là một khái niệm được Đức Lão Tử khai sáng vào thế kỷ 6 trước Công Nguyên.
3. Nói về TỨ GIÁO, một cách vắn tắt,
thử hỏi thế nào là “Đồng Nguyên” và thế nào là “Quy Nguyên”?
3.1. Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài
(quận Tư, Sài Gòn), ngày 01-3 Bính Ngọ (Thứ Ba 22-3-1966), Đức Ngô Minh Chiêu dạy
về lý TỨ GIÁO ĐỒNG NGUYÊN 四 教 同 源 như sau:
Kìa Tứ Giáo (Phật, Tiên, Gia, Khổng)
Khai
sanh môn truyền thống khắp nơi
Đều do nguyên lý của Trời
Giáng
sanh cõi thế cứu đời độ dân.
3.2. Tại Huờn Cung Đàn (Tam Giáo Điện
Minh Tân, quận Tư, Sài Gòn), đêm Thứ Sáu 24-12-1965, Đức Gia Tô Giáo Chủ giáng
cơ, xưng danh qua bài thơ quán tâm, đồng thời dạy về lý TỨ GIÁO QUY NGUYÊN 四 教 歸 源 như
sau:
Thích, Nho, GIA, Lão một đường về
Chánh
tín TÔ bồi thoát muội mê
Độ
thế GIÁO dân tùy mỗi xứ
Một Trời
CHỦ tể khắp tư bề.
4. Là phàm nhân, chúng ta không thể biết Đức Chí Tôn
Thượng Đế sẽ vận hành công cuộc QUY NGUYÊN trên hoàn vũ này như thế nào, nhưng chắc
chắn Ngài chẳng bao giờ hý ngôn; vì thế, chúng ta hãy nên bằng lòng với sự bất
tri của mình, và tâm tâm niệm niệm sấm ngôn của Đức Chúa Trời (Giê-rê-mi-a 29:11):
“Vì chính Ta mới biết các
kế hoạch Ta định làm cho các ngươi – kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và
một niềm hy vọng.”
5. Với những tình cảm như thế, nhân sự kiện Hội Ngộ Liên Tôn Lần XIV, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo trân trọng gởi đến quý tín hữu, quý đạo tâm hợp tuyển Ba Người Cùng Đi mỏng manh này – một món quà bé mọn – để chúng ta cùng có dịp ôn lại Phúc Âm, suy niệm, và lắng lòng thanh tịnh hồi hướng về Đức Chúa Giê-su Ki-tô.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam
mô Gia Tô Giáo Chủ Cứu Thế Thiên Tôn.
Nhiêu
Lộc, trọng thu Giáp Thìn (2024)