KÍNH LẠY ĐỨC DIÊU TRÌ KIM MẪU
1. Lạy Mẹ đại từ đại bi
Xin thương con dại ngu si phàm trần
Cho người đem khỏi mê tân
Đặng cho con dại nguơn thần mở mang
5. Con đà sái bước lạc đàng
Muôn ngàn tội lỗi chứa chan dẫy đầy
Mẹ thương xin Mẹ làm khuây
Tha cho con dại thơ ngây lỗi lầm
9. Từ đây con nguyện chí tâm
Cải tà quy chánh lo chăm theo Thầy
Gió trong vén ngút rẽ mây
Lạy xin Đức Mẹ đoái bầy con thơ
13. Đừng cho xiêu lạc vất vơ
Xin cho biết bến biết bờ sanh sanh
Lòng con rót cạn chữ thành
Lạy nhờ Đức Mẹ xin nhìn chăm nom
17. Cho người hôm sớm thăm nom
Cho người dạy dỗ mai hôm kịp thì
Lạy Mẹ đại từ đại bi
Xin thương con dại ngu si phàm trần.
(Lạy 3 lạy)
Bài này là một trong chín bài kinh do Đức Thể Liên Tiên Nữ ban cho tại Cao Thiên Đàn 高天壇 (Thánh thất Kiên Giang), ngày 01-7 Canh Ngũ (Chủ Nhựt
24-8-1930), có ở trang 18 cuốn Kinh Nhựt
Thời (34 trang ruột), in lần thứ nhứt,
tại nhà in Xưa Nay (của Nguyễn Háo Vĩnh), số 60-64 Boulevard Bonard, Sài Gòn,
1932.([1]) Theo trang 16, đàn ban kinh này
do Đức Quan Thánh Đế Quân vâng lịnh Đức Chí Tôn chứng minh (chứng đàn).
Đức Thể Liên Tiên Nữ thế danh là Võ Thị Chỉnh, sanh năm Nhâm Thìn (1892)
tại làng An Hòa, (nay là xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Về sau, cha mẹ Võ tiền bối dọn về
Rạch Giá. Tại Rạch Giá, tiền bối kết hôn với ông Nguyễn Hữu Niệm (1890-1933). Tiền
bối phải rất khó khăn mới thuyết phục được bên chồng chấp thuận để tiền bối
nhập môn Cao Đài vào ngày 17-4 Mậu Thìn (Thứ Hai 04-6-1928), tại Thánh thất
Kiên Giang (cũng gọi là Thánh thất Rạch Giá). Thánh thất này được xây dựng
khoảng cuối năm 1927 (nay không còn), do ông Đoàn Văn Kỳ tức Ba Kỳ (1863-1960)
hiến đất; vị trí cũ hiện nay là từ số nhà 214/31 đến 214/35 đường Quang Trung,
cách chùa Phật Lớn khoảng 150 thước; trước nhà số 214/33 còn vết tích nền xưa.
Vì bên chồng không theo đạo Cao Đài, Võ tiền bối không thể lập Thiên Bàn; mỗi
khi cúng tứ thời thì lấy một hình Thiên Nhãn nhỏ đặt vào một nơi kín đáo để hành
lễ, xong rồi đem cất kỹ.
Tiền bối sanh được sáu người con (bốn gái, hai trai). Từ năm 1929, Thánh
thất Rạch Giá có lập đàn cơ, gọi là Cao Thiên Đàn, pháp sư là tiền bối Phan Văn
Nhơn (1895-1959), với hai đồng tử là hai con trai của Võ tiền bối: Nguyễn Hữu
Kiển, mười bảy tuổi (Thánh danh Tường Khánh) và Nguyễn Hữu Thận, mười lăm tuổi
(Thánh danh Chơn Tâm).
Võ tiền bối được Đức Chí Tôn phong phẩm Lễ Sanh Cung Diêu. Năm ba mươi tám
tuổi, tiền bối quy thiên ngày 13-02 Canh Ngọ (Thứ Tư 12-3-1930), được Đức Chí
Tôn ban quả vị là Nữ Phước Thần Thể Liên
Tiên Nữ 女福神體蓮 仙女. Sau đó, Đức Thể Liên Tiên Nữ giáng
đàn cho biết lẽ ra đã tạ thế vào năm ba mươi sáu tuổi (1928); nhưng nhờ mộ đạo,
quyết chí tu hành nên Võ tiền bối được Đức Chí Tôn ban ơn cho sống thêm hai năm.
Đức Thể Liên Tiên Nữ kể lại như sau:
Vì thấy thành tâm cầu Đại Đạo
Thưởng thêm hai tuổi triệu hồi Thiên.
Đức Thể Liên Tiên Nữ thường xuyên
giáng đàn tả nhiều kinh tại Cao Thiên Đàn (Kiên Giang).([2])
Cũng tại Cao Thiên Đàn, dưới sự chứng đàn (chứng minh) của Đức Quan Thánh Đế Quân,([3]) sau khi “Đức Thể Liên Tiên Nữ giáng bút dạy Kinh Nhựt Thời làm lễ Đức Chí Tôn, Đức Thánh Mẫu và chư Đại Nhơn Tam Giáo” (gồm chín bài lục bát), vào ngày 24-02 Tân Vì (Thứ Bảy 11-4-1931), Đức Lý Thái Bạch giáng cơ ban cho bài Kính Mừng Nữ Phước Thần như sau:
Kính mừng Ngôi Chị Thể Liên
Chơn như đắc quả mãn viên niết bàn
Tiền căn danh liệt Tiên bang
Giáng phàm công quả, hoàn toàn bổn
lai
Nhứt tâm tín ngưỡng Cao Đài
Ghe phen sấm sét chẳng lay chẳng
sờn
Liễu phàm Thầy lại ban ơn
Độ cho người thấy, noi gương tu
hành
Diêu Cung hôm sớm tập tành
Bái cầu Thánh Mẫu chơn kinh sám
truyền
Công đồng Thần Phật, Thánh Tiên
Cầu phong Bồ Tát Thể Liên
đạo tràng
Ngôi Chị vì mến Kiên Giang
Hạ mình cầu chịu bái ban Phước
Thần
Từ bi Ngọc sắc Thầy phân
Kiên Giang vĩnh trấn bủa nhân đức
Thầy
Trời trong gió tạnh hây hây
Xuân thu cảm ứng đêm ngày linh
thiêng
Kính mừng Ngôi Chị Thể Liên
Chơn như đắc quả mãn viên niết bàn.([4])
Bài lục bát của Đức Lý dẫn trên và chín bài lục bát của Đức Thể Liên
Tiên Nữ in trong Kinh Nhựt Thời đều
cùng một cách là lặp lại hai câu đầu để làm hai câu kết.([5])
Qua bài kinh dẫn trên, Đức Lý cho biết chư Thần Thánh, Tiên Phật đều cầu
xin Đức Chí Tôn phong Đức Thể Liên là Bồ Tát (câu 11-12), nhưng Đức Thể Liên lại
khiêm tốn, chỉ xin làm Phước Thần trấn
nhậm đất Kiên Giang (câu 14). Bởi
vậy, Đức Lý dạy rằng tụng xong bài Kính
Mừng Nữ Phước Thần, thì niệm: “Nam mô
Ngôi Chị Thể Liên, Kiên Giang Nữ Phước Thần Chơn Như Từ Bi Bồ Tát.” ([6])
GIẢI NGHĨA
Câu 1-2: Lạy Mẹ đại từ đại
bi / Xin thương con dại ngu si phàm trần.
Lạy Mẹ: Lạy Đức Diêu Trì Kim Mẫu 瑤池金母.
đại từ đại bi 大慈大悲: Tình thương yêu bao la (đại từ)
và lòng thương xót rộng lớn (đại
bi) của Trời, Phật Tiên, Bồ Tát (thế nên
các Đấng luôn tìm cách ban vui cứu khổ cho tất cả chúng sanh). Đại Trí Độ Luận 大智度論 (quyển 27) chép: “Đại từ là ban vui cho tất cả chúng sanh. Đại
bi là diệt khổ cho tất cả chúng sanh.” (Đại từ năng dữ nhứt thiết chúng sanh
chi lạc. Đại bi năng bạt nhứt thiết chúng sanh chi khổ. 大慈能 與一切眾生之樂. 大悲能拔一切眾生苦.)
con dại ngu si: Con là kẻ dại dột
(khờ dại), ngu si 愚癡 (ngu đần). Thí dụ: Vì không sáng
suốt (ngu) nên tin lầm và mắc mưu tà,
trúng kế gian (như thế là dại). Vì
say mê đắm đuối một thứ gì đó khiến tâm trí mờ tối, không còn phân biệt được
đúng sai, rồi gây ra tội lỗi (như thế là ngu
si).
Câu 3-4: Cho người đem
khỏi mê tân / Đặng cho con dại nguơn thần mở mang.
cho người: Sai người tới.
đem: Bản kinh
1932 in là “đam”. Tiếng Việt ngày xưa dùng “đam” theo nghĩa như “đem” ngày nay.
mê
tân 迷津: Bến mê (ám chỉ cõi trần). Trái
nghĩa là giác ngạn 覺岸(bờ giác ngộ). Ngăn cách giữa mê tân
và giác ngạn là sông mê, biển khổ (khổ hải
苦海).
đặng cho: Để cho.
nguơn thần (nguyên thần) 元神: Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Chí Tôn dạy: “Trời ban cho mỗi người một điểm linh quang (nguơn thần).
Điểm linh quang ấy phải đầu thai xuống thế giới hữu hình vật chất nầy, mượn xác
phàm tu luyện mới thành Tiên đắc Phật. Nhờ có cái xác phàm nầy mới thành đạo mà
tạo Phật tác Tiên, tiêu diêu cảnh lạc.” ([7])
ngươn thần mở mang: Nguơn thần được sáng sủa,
không bị thức thần 識神 che lấp làm cho mờ tối.
Thức thần là gì? Thức thần là một phần của tâm con người, liên quan tới ý thức,
suy nghĩ và cảm xúc. Thức thần khiến cho mỗi người có “cái tôi” đáng ghét, trở
nên ích kỷ, tự cao tự đại, v.v... Thức
thần khiến cho con người ham muốn, chán chường, buồn bã, ghen ghét, tức giận,
v.v... Vì thế, con người phiền não.
Khi tiếp xúc thế giới bên ngoài (ngoại giới), thức thần khiến con người biết
phân biệt giữa bản thân và ngoại giới; từ đó, thức thần sanh ra dục vọng, thúc
đẩy con người làm lợi cho bản thân, thỏa mãn ham muốn. Người đời thường để thức
thần mặc tình làm chủ lòng mình, sai khiến mình. Người tu luôn luôn kiểm soát
thức thần, không để cho thức thần lấn át (cướp quyền) nguơn thần.
Đại Thừa Chơn Giáo chép lời Đức Chí Tôn dạy:
1/ “Trong cơ thể con người, vì bị thất tình cám dỗ, lục dục khiến
sai, càng ngày càng yếu ớt. Tuy nguơn thần sáng suốt, ưa thanh tịnh
vô vi nhưng bởi có thức thần nên mới hay động tác, mà nguơn thần thì thất
chánh. Còn thức thần lại đương quyền; nó làm chủ nhơn thân, nên ưa sự nầy, muốn
việc kia lăng xăng rộn rực, không cần đạo đức, chẳng kể tinh thần, chỉ chuộng
thỏa thích lòng vui của nó; nên nhiều khi nó giục con người làm chuyện quấy điều
hư, xấu xa đê tiện. Mà hễ nó sai khiến đặng thì nó lại còn khiến mãi không
thôi. Nó chác lòng ác đức, gây chuyện bất lương mà con người chỉ vùa theo ([8])
nó mãi. Nó lại có quỷ thất tình phụ sự, ma lục dục giúp tay, nên chi ([9])
mới có tội lỗi, mà hễ có tội lỗi phải chịu đọa đày trong vòng quả báo.” ([10])
2/ “Vậy con người cần phải phân biệt cái nào là nguơn thần,
cái nào là thức thần, sự nào chơn, điều nào giả. Có khi thức thần tính
làm chuyện quấy quá, tội tình, vô đạo đức mà trong đó lại có nguơn thần không
chịu cho làm những chuyện quấy quá.
Nguơn thần muốn làm điều ích lợi chung, còn thức thần thì toan bề ích kỷ.
Sự nào không cắn rứt lương tâm là của nguơn thần muốn vậy, còn sự nào nhức nhối lương tâm là của thức thần ham muốn,
khiến sai.
Trong tâm con người có nguơn thần và thức thần, khi thì muốn động tác,
lúc lại chịu vô vi, ấy là hai điều khá chọn lựa.”([11])
Câu 5-6: Con đà sái bước
lạc đàng / Muôn ngàn tội lỗi chứa chan dẫy đầy.
đà: Đã. Chữ
thứ hai trong câu lục của thơ lục bát phải là thanh bằng (không dấu, hay dấu
huyền); vì vậy, đọc trại “đã” (thanh
trắc) thành “đà”. Thí dụ: Nước
trong khe suối chảy ra / Mình chê ta đục, mình đà trong chưa? (Ca
dao)
sái: Sai; trái; trật; không đúng. – sái bước: Bước trật; bước không
đúng chỗ; đi vào chỗ sai trái, lỗi lầm.
lạc đàng: 1/
Lạc đường; lạc lối; đi sai đường và không tới được đúng chỗ mong muốn. – 2/
(Nghĩa bóng) đi theo đường sai trái và sống lầm lỗi, phạm tội.
muôn ngàn: Vô
số; nhiều không kể xiết.
chứa chan: Rất
nhiều (đồng nghĩa với dẫy đầy).
Câu 7-8: Mẹ thương xin Mẹ
làm khuây / Tha cho con dại thơ ngây lỗi lầm.
làm khuây: Bớt lòng buồn rầu.
Câu 9-10: Từ đây con nguyện
chí tâm / Cải tà quy chánh lo chăm theo Thầy.
từ đây: Từ nay; từ bây giờ; từ giờ phút này.
nguyện 願(愿): Nguyền; hẹn với lòng phải làm
cho bằng được; thề nguyền (cam kết với các Đấng thiêng liêng).
chí tâm 至心: Dốc trọn lòng; hết lòng.
cải tà quy chánh 改邪歸正: Bỏ sai trái mà trở lại đường
ngay nẻo phải.
lo chăm theo Thầy: Chăm lo (siêng năng và chú ý) tu học theo lời Thầy
chỉ dạy.
Câu 11-12: Gió trong vén
ngút rẽ mây / Lạy xin Đức Mẹ đoái bầy con thơ.
gió trong: 1/ Thanh phong 清風; gió mát. – 2/ (Nghĩa bóng) lời dạy thanh cao
của Thầy Mẹ và các Đấng thiêng liêng khi giáng cơ ban trao Thánh giáo, Thánh
ngôn.
vén ngút: Vén ngút mây; vén đám mây cao ngút. (Ca dao có câu: Vén ngút mây quả thấy trời cao.)
vén ngút rẽ mây: (Nghĩa bóng) vẹt (khoát) bức màn vô minh dày đặc.
Ghi chú: Theo Kinh Nhựt
Thời (1932, bản
in đầu), Đức Thể Liên
Tiên Nữ ban cho hai bài kinh khác có các câu này:
1/ Tam Kỳ vừa gặp hội này / Tan sương vén ngút rẽ mây trong trời. (tr. 17, Kinh Kính Lạy Đức Chí Tôn);
2/ Chúng con quyết dạ thờ Thầy / Xin ơn vén
ngút rẽ mây đem đường. (tr. 24, Kinh
Kính Lạy Đức Lý Giáo Tông)
đoái: 1/ Ngoảnh
lại nhìn. – 2. Nghĩ tới; nhớ tới.
bầy con thơ: Chúng sanh dù có sống cho tới bạc đầu thì vẫn cứ là đám trẻ con thơ
dại đối với Đức Mẹ Diêu Trì.
Câu 13-14: Đừng cho xiêu lạc
vất vơ / Xin cho biết bến biết bờ sanh sanh.
xiêu lạc vất vơ: 1/ Lạc loài, bơ vơ nơi xa lạ,
bị tách ra khỏi gia đình, người thân và không có chỗ nương tựa. – 2/ (Nghĩa bóng) lạc loài ở đất khách (là trần gian),
xa Thầy lìa Mẹ, và không thể trở về quê nhà (là cõi thượng giới).
biết bến biết bờ: Thấu rõ; hiểu biết trọn vẹn, đầy đủ.
sanh sanh: Sinh sinh 生生.
Có câu: “Sanh sanh chi vị Dịch.” 生生之謂易. Nghĩa là
âm và dương tác động qua lại, sanh sanh hóa hóa 生生化化 không ngừng, gọi là Dịch 易. Dịch cũng
là Đạo 道 (nguồn cội sinh hóa ra vạn vật vạn
loại).
biết bến biết bờ sanh sanh: Thấu rõ lý Đạo; hiểu biết trọn vẹn, đầy đủ
lý lẽ sanh hóa của Đạo.
Câu 15-16: Lòng con rót cạn
chữ thành / Lạy nhờ Đức Mẹ xin nhìn chăm nom.
rót cạn chữ thành: Trút cạn lòng thành thật; dốc hết tâm thành.
xin nhìn chăm nom: Cầu xin Đức Mẹ thường xuyên ngó ngàng (đoái hoài), chăm sóc và trông
nom chúng con.
Câu 17-18: Cho người hôm sớm
thăm nom / Cho người dạy dỗ mai hôm kịp thì.
cho người: Sai người tới.
hôm sớm: 1/ Buổi chiều hôm (mặt trời sắp lặn) và buổi sáng sớm. – 2/ (Nghĩa rộng) suốt ngày; cả đêm lẫn ngày; nhiều
ngày kế tiếp nhau; thường xuyên; luôn luôn.
thăm nom: Bản kinh 1932 in là “thăm lom”, có
nghĩa như “thăm nom” (là thăm viếng,
thăm hỏi); như thế là khéo. Khi sửa “lom”
thành “nom” thì bị trùng với chữ “nom” cuối câu 16 (điệp ngữ).
mai hôm: Bản kinh
1932 in nhầm là “hôm mai”. Sửa lại “mai hôm” thì khéo, vì ăn vần với chữ “nom” ở cuối câu 16 theo luật thơ lục
bát. Mai hôm là sớm mai và chiều hôm;
đêm ngày; hằng ngày; luôn luôn.
kịp thì: Kịp thời; cập thời 及時; đúng lúc; không trễ.
Câu 19-20: Lạy Mẹ đại từ đại
bi / Xin thương con dại ngu si phàm trần.
Hai câu cuối lặp lại hai câu đầu để kết thúc bài kinh. Trong Kinh Nhựt Thời, tám bài kinh khác do Đức
Thể Liên Tiên Nữ ban cho đều theo cách này.([12]) Cụ thể như sau:
– Tr. 17: “Lạy Thầy Chúa Tể kiền khôn / Mở lòng bác ái
thương con với cùng.” (Kinh Kính Lạy
Đức Chí Tôn)
– Tr. 19: “Lạy cầu Đạo Tổ Lão Quân / Thanh hư đạo đức
cạn phân Đạo mầu.” (Kinh Kính Lạy Đức
Đạo Tổ Lão Quân)
– Tr. 20: “Nhứt tâm đảnh lễ Như Lai / Khẩn cầu Phật
Tổ thương loài chúng sanh.” (Kinh Kính
Lạy Đức Phật Tổ Như Lai)
– Tr. 21: “Cung duy Chí Thánh Văn Tuyên / Hy Hiền, hy
Thánh, hy Thiên, miếu đàng.” (Kinh Kính
Lạy Đức Văn Tuyên Khổng Thánh)
– Tr. 22: “Kiền
thiềng vọng bái Lạc Già / Quan Âm Phật Mẫu Phổ Đà từ bi.” (Kinh Kính Lạy Đức Quan Âm)
– Tr. 23: “Cúi cầu Quan Thánh Đế Quân / Thần oai văn
võ điển ân dồi dào.” (Kinh Kính Lạy
Đức Quan Thánh Đế Quân)
– Tr. 24: “Kiền thiềng vọng bái Trường Canh / Tây
phương Thái Bạch Kim Tinh Tiên Tòa.” (Kinh
Kính Lạy Đức Lý Giáo Tông)
– Tr. 25: “Lạy cầu Con Một Chúa Cha / Gia Tô cứu thế xót xa tôi cùng.” (Kinh Kính Lạy Đức Gia Tô Giáo Chủ)
TỔNG LUẬN
Câu 1-2: Lạy Mẹ đại từ đại bi / Xin thương con dại ngu si phàm trần.
Trong hàng môn đệ chúng ta, không ít người là bực trí thức, học nhiều hiểu
rộng, nắm giữ chức cao quyền trọng, lịch lãm giữa trường đời. Vậy, tại sao lại
có thể tự nhận mình là “con dại ngu si”?
Thật ra, xét về mặt đạo học, chúng ta hầu hết có thể nói là khờ dại, ngu
si vì cứ để lục dục, thất tình (mười ba con ma) điều khiển ý nghĩ, lời nói,
việc làm của mình sa vào nẻo quấy. Do đó, dù nghèo hay giàu, dân thường hay
quan chức, ai ai cũng khổ, tự chuốc nghiệp xấu cho bản thân.
Câu 3-4: Cho người đem khỏi mê tân / Đặng cho con dại nguơn thần mở mang.
Tuy đã nhập môn vào Đạo, đã biết kính Thầy lạy Mẹ, nhưng chúng ta thật
ra vẫn còn đứng ở “mê tân”, chưa
thoát ra khỏi biển khổ để đặt chân lên bờ giác (giác ngạn); tức là chúng ta vẫn chưa sang tới bờ bên kia (đáo bỉ ngạn 到彼岸). Do đó,
bản thân chúng ta vừa phải rán tu học (tự lực), vừa còn cần các Đấng thiêng
liêng trợ giúp (tha lực).
“Cho người đem khỏi mê tân” chính là cầu xin tha lực (sự giúp
sức từ bên ngoài). Ở đây, “người” có
thể là người phàm hữu hình (có đạo đức) do Đức Mẹ dùng quyền năng mầu nhiệm sai
tới, hoặc là Đấng thiêng liêng vô hình đang góp phần với Thầy cứu độ chúng sanh
giữa thời Tam Kỳ Phổ Độ.
Câu 5-6: Con đà sái bước
lạc đàng / Muôn ngàn tội lỗi chứa chan dẫy đầy.
Đây là lời sám hối. Bởi vì “sái
bước lạc đàng” mà con cái của Đức Mẹ phạm phải “muôn ngàn tội lỗi”. Tại sao tội lỗi chúng ta lại quá nhiều, đến nỗi “chứa
chan dẫy đầy”? Thánh giáo Đức Đông Phương Lão Tổ giúp chúng ta có
câu trả lời: “Ở đời mạt kiếp
này, là người thì không ai khỏi lỗi. Nhích chơn, hả miệng đã gây nên tội lỗi
rồi, cần gì phải hành động. Liếc trừng một cái, xủ mặt một khi, đã gieo vào
lòng mình một hay nhiều hạt giống nhân quả, đã phóng vòng dây đến người, rồi sẽ
báo trả với nhau.” ([13])
Câu 7-8-9-10: Mẹ thương xin Mẹ làm khuây / Tha cho con dại thơ ngây lỗi lầm. / Từ đây con nguyện chí tâm / Cải tà quy chánh
lo chăm theo Thầy.
Đây là lời tha thiết cầu xin Đức Mẹ nguôi lòng phiền muộn vì con cái khờ
dại, lỗi lầm, và là lời hứa không tái phạm, sẽ một lòng một dạ siêng năng tu
học theo Thầy.
Ở thế gian, người mẹ thương con luôn luôn sẵn lòng bao dung, bỏ qua hết
mọi lầm lỗi của con và rộng lòng đón nhận đứa con biết hối hận quay về với mẹ.
Mẹ thế gian đã như thế thì Đức Mẹ thiêng liêng ắt còn bao dung bội phần (nên
Đức Mẹ là Vô Cực Từ Tôn 無極慈尊). Thật
vậy, Đức Mẹ dạy: “Mẹ không nắm quyền sanh
phạt các con. Ngược lại, Mẹ nắm phần cứu rỗi. Cho nên, thương là Mẹ, yêu là Mẹ.
Tha thứ, sinh dưỡng, bảo tồn, tất cả đều là Mẹ.” ([14])
Bởi thế, vấn đề chẳng phải là Đức Mẹ có tha thứ hay không mà vấn đề chính
là đám con cái trần gian cứ hứa nguyện rồi lại mau chóng quên đi lời nguyện
hứa. Trên đời này, đâu phải ai ai cũng có thể dễ dàng sửa mình được như thầy
Nhan Hồi ngày xưa, vì thầy đã biết lỗi rồi thì không bao giờ tái phạm, nên Đức
Khổng Tử khen thầy là “bất nhị quá” 不貳過 (không phạm một lỗi hai lần).([15])
Câu 11-12-13-14: Gió trong vén ngút rẽ mây / Lạy xin Đức Mẹ đoái bầy con thơ / Đừng cho xiêu lạc vất vơ / Xin cho biết bến
biết bờ sanh sanh.
Cầu xin “biết bến biết bờ sanh
sanh” tức là mong muốn hiểu biết được trọn vẹn (rốt ráo) cội nguồn sanh hóa
của muôn loài vạn vật, của vũ trụ càn khôn (tức là Đạo, mà nhân cách hóa thì gọi là Thầy, là Thượng Đế). Muốn
biết được như vậy, chúng ta hãy rán học đạo, hiểu rõ Thánh giáo, Thánh ngôn và
thực hành đúng theo những hướng dẫn cặn kẽ, tỉ mỉ trong Thánh ngôn, Thánh giáo.
Lời dạy của Thầy Mẹ và các Đấng thiêng liêng (Thánh ngôn, Thánh giáo) ví
như làn gió mát thổi tan đám mây mù (màn vô minh) che khuất tâm linh sáng suốt,
giúp chúng ta thức tỉnh, và dẫn dắt chúng ta tìm tới chánh pháp Kỳ Ba, biết tu
hành để trở về với Thầy Mẹ, không còn lưu lạc muôn kiếp ở trần gian (xiêu lạc vất vơ), quên mất quê xưa của
chúng ta vốn là cõi thượng giới.
Câu 15-16: Lòng con rót cạn chữ thành / Lạy nhờ Đức Mẹ xin nhìn chăm nom.
Như thế có nghĩa là cầu xin Đức Mẹ thường xuyên ngó ngàng (đoái hoài), chăm sóc và trông nom
chúng ta. Thật ra con cái không cần cầu xin Đức Mẹ như vậy. Vấn đề là bản thân
đám con cái trần gian này có luôn luôn hướng lòng mình về Đức Mẹ hay không? Có
biết tu hành nghiêm chỉnh đúng theo lời Mẹ khuyên dạy không? Có xứng đáng là
đàn con ngoan của Đức Mẹ không?
Câu 17-18: Cho người hôm sớm thăm lom / Cho người dạy dỗ mai hôm kịp thì.
Thử hỏi, ai là người được Đức Mẹ sai tới để “hôm sớm thăm lom” và “dạy dỗ”
chúng ta “mai hôm kịp thì”?
Một cách giản dị, chúng ta hiểu rằng người tu hành chơn thật vào đúng
những lúc cần được giúp đỡ vật chất hay tinh thần, thường có một người nào đó
(hoặc quen biết hoặc xa lạ) có vẻ như tình cờ tới gặp mình, nói một câu hữu ích
khiến mình tỉnh ngộ, hoặc đưa tay giúp đỡ, nhờ vậy mà mình vượt qua khó khăn,
trở ngại hay sự cám dỗ thử thách…
Ngoài ra, cầu nguyện như thế còn có nghĩa là trên đường tu thân học đạo,
chúng ta cần có sự trợ lực (giúp đỡ) của các đàn anh hay đàn chị, chẳng hạn như
Giáo Sư. Thực vậy, Tân Luật quy định:
“Bổn phận Giáo Sư buộc phải lo lắng cho chư
tín đồ như anh ruột lo cho em.” ([16])
Về phần các vị đàn anh hay đàn chị, cũng không thể phó mặc cho Đức Mẹ lo
toan hết thảy mọi việc “hôm sớm thăm lom”
và “dạy dỗ mai hôm” các đạo hữu
đàn em. Nói cách khác, mỗi khi tụng tới hai câu kinh này, các vị nào thật lòng
thương Đức Mẹ sẽ ý thức tự nhắc nhở bản thân hãy sốt sắng làm tròn bổn phận của
mình để chia sớt với Đức Mẹ công việc “thăm
lom” và “dạy dỗ” đạo hữu.
Hai câu 17-18 dường như không mấy khác hai câu 3-4: Cho người đem khỏi mê tân / Đặng cho con dại nguơn thần mở mang.
Muốn ra khỏi mê tân phải có nguơn thần sáng suốt, chế ngự được lục dục,
thất tình. Điều này không dễ thực hành; do đó, rất cần có huyền vi mầu nhiệm
của Đức Mẹ giúp chúng ta, bằng cách: Cho
người hôm sớm thăm lom / Cho người dạy dỗ mai hôm kịp thì.
Câu 19-20: Lạy Mẹ đại từ đại bi / Xin thương con dại ngu si phàm trần.
Hai câu này lặp lại y hệt hai câu 1-2 (theo thể thơ “lục bát thủ vĩ”). Lặp lại như để nhắc nhở thêm lần nữa rằng chúng
ta chẳng hề khôn ngoan, lanh lợi chi đâu. Chúng ta chung quy vẫn chỉ là lũ con
dại khờ, ngu si của Đức Mẹ.
Nếu biết vậy thì hãy cẩn thận trước mọi ý nghĩ vừa nảy ra trong đầu, mọi
lời sắp thốt ra cửa miệng, mọi việc toan làm. Rất có thể ý nghĩ, lời nói, việc
làm đó là quỷ kế mưu gian của tà thần đang tìm cách phá hoại đường tu học của
chúng ta, cản đường chúng ta trở về với Thầy Mẹ.
Ngoài ra, khi tự nhắc nhở (hay xác định) mình vốn khờ dại, ngu si thì chúng
ta nên rán kiềm chế lòng kiêu ngạo, để khỏi lên mặt với người khác, nhứt là
đồng đạo. Người tu giữ hạnh khiêm nhường đã đành, mà bậc hướng đạo có phận sự
dẫn dắt đạo hữu, có sứ mạng phổ độ chúng sanh lại càng nên hết sức khiêm
nhường, thực hành theo lời Thầy khuyên dạy khi vừa mới mở Đạo:
“Các con coi bậc Chí Tôn như Thầy
mà hạ mình đặng độ rỗi nhơn sanh là thế nào. Phải xưng là một vị Tiên Ông và Bồ
Tát là hai phẩm chót của Tiên, Phật. Ðáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm
tối cao tối trọng, còn Thầy thì khiêm nhường là thế nào. Vì vậy mà nhiều kẻ môn
đệ cho Thầy là nhỏ. Cười ...
“Hạnh khiêm nhường là hạnh của mỗi
đứa con. Phải noi theo gương Thầy mới độ rỗi thiên hạ đặng. Các con phải khiêm
nhường sao cho bằng Thầy.” ([17])
Nhiêu Lộc, 01-12-2024
([1]) Sau đây gọi tắt là Kinh
Nhựt Thời (1932, bản in đầu) để phân biệt với bản in lần thứ hai, cùng năm
1932 (36 trang ruột).
([2]) Xuất xứ Thánh tượng Đức Thể Liên Tiên Nữ trên đây: Trong lúc đi điền dã
tìm sử liệu (khoảng năm 2004), hiền huynh Huệ Nhẫn (Võ Thành Châu, Cơ Quan Phổ
Thông Giáo Lý Đại Đạo) chụp lại ảnh cũ (bị bong tróc) lưu trữ tại nhà cụ Nam
Thiên Sư Lê Văn Bộ (chức sắc phái Tam Kỳ Nguyên Nguyên Bản Bản). Nhà cụ Bộ bán
đồ gỗ, ở gần cầu Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá). Sau khi được hiền huynh Huệ Nhẫn
tặng ảnh, Huệ Khải cậy đạo hữu Cúc Lưu ở Thánh tịnh Thanh Quang (thôn Phong
Thử, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, thuộc Hội Thánh Truyền Giáo
Cao Đài) phục chế ngày 31-12-2023. (Về hành trạng tiền bối Võ Thị Chỉnh, tham
khảo: Huệ Nhẫn, Lịch Sử Đạo Cao Đài.
Quyển II: Truyền Đạo. Hà Nội: Nxb Tôn
Giáo, 2008, tr. 400, 401, 615, 617.)
([5]) Với thơ thất ngôn bát
cú, khi lặp lại trọn câu 1 để làm câu 8, thì thể thơ này gọi là “thủ vĩ ngâm” 首尾吟. Do đó, với các bài
lục bát lặp lại hai câu đầu (thủ) để
làm hai câu kết (vĩ), Huệ Khải mạo
muội đề nghị gọi tên là “lục bát thủ vĩ”.
([14]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài
Giáo Việt Nam (Sài Gòn), Thánh Giáo Sưu
Tập 1966-1967. Đàn cơ tại Thánh thất Bình Hòa, 15-8 Đinh Mùi (Thứ Hai 18-9-1967).