Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

27/1. GIAO CẢM / HÀNH TRẠNG TIỀN BỐI CAO TRIỀU PHÁT

 
CAO BẠCH LIÊN & HUỆ KHẢI
HÀNH TRẠNG TIỀN BỐI CAO TRIỀU PHÁT (1889-1956)
IN LẦN THỨ HAI
Nhà xuất bản TÔN GIÁO (Hà Nội 2012)
Quyển 27.2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống
Kinh Sách Đại Đạo
Ấn phẩm kỷ niệm đại lễ Khai Minh Đại Đạo
năm Nhâm Thìn (2012).
MỤC LỤC
Giao cảm
Huệ Khải – Niên biểu tiền bối Cao Triều Phát
Cao Bạch Liên – Tiền bối Cao Triều Phát xưa và nay
* Tiền bối Cao Triều Phát người con của Tổ Quốc
* Tiền bối Cao Triều Phát bậc hướng đạo chơn tu
* Tiền bối Cao Triều Phát thân xác gởi dặm trường quan ải
* Tiền bối Cao Triều Phát trong lòng người hôm nay
*
GIAO CẢM
Uống nước nhớ nguồn. Trải qua hơn tám mươi năm nhà Đạo, may duyên được uống dòng nước ma ha của Tam Kỳ Phổ Độ, không chỉ là nhớ nguồn mà những người con áo trắng của Đức Cao Đài Tiên Ông còn phải luôn luôn ý thức gìn giữ sao cho dòng nước thiêng liêng này mãi mãi được trong trẻo, mát ngọt, và trường lưu bất tận. Điều này cũng ẩn chứa trong lời tiền bối Cao Triều Phát ([1]) thiết tha khuyến nhủ lớp đàn em khi Ngài trở về trên ngọn linh cơ (1970):
Một dân tộc tinh thần tự chủ,
Mấy ngàn năm uy vũ kiêu hùng,
Nam phương góc đất vẫy vùng,
Non sông một dải muôn chung hải hồ.
Công tiền nhân cơ đồ tạo lập,
Cho cháu con bồi đắp giang san,
Giang san trên mảnh đất vàng,
Hai mươi mấy triệu Hồng Bàng còn đây.
Dù thế cuộc sắp bày dâu bể,
Dù nước nhà trong thế loạn ly,
Nghiêng vai sứ mạng Tam Kỳ,
Trải thân hướng đạo bù chì vạn sinh.
Người đi trước quên mình vì Đạo,
Mong ai sau hoài bão tương lai,
Xương minh giáo lý Cao Đài,
Mở cơ tận độ trong ngoài vạn bang.
Giọng thánh thi kiêu hùng như cuộc đời kiêu hùng của tiền bối tại quê hương được chọn làm cái nôi của đạo Cao Đài. Lời thơ tiên thấm đẫm tình dân nghĩa nước như tấm lòng ái quốc thương nòi của bậc trượng phu miền Hậu Giang một thuở sơn hà gió bụi can qua. Và xuyên suốt trong vần điệu của tiên gia là mang mang nỗi niềm khắc khoải của trang hướng đạo đàn anh ngày xưa, tuy đã rũ bỏ bụi trần mà sứ mạng hoằng hóa Đạo Trời hôm nay vẫn chưa nguôi với bầu nhiệt huyết.
Năm 1977 tôi chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, và được làm thanh thiếu niên, được học tập nhiều thánh giáo của Đức tiền bối Cao Triều, Đấng phụng lịnh Đức Chí Tôn lãnh đạo vô vi tập thể Thanh Thiếu Niên Phổ Thông Giáo Lý. Đó là những dòng thánh giáo mang mễ tinh thần Cao Triều Phát, nuôi dưỡng tâm hồn hàng hàng lớp lớp thanh thiếu niên Cơ Quan chúng tôi hôm xưa, hôm nay, và ngày sau trên đường tu học, phụng sự.
Nhưng thú thật, cho đến đầu thập niên 1990, tôi cũng chưa hiểu biết gì lắm về cuộc đời hào hùng của tiền bối Cao Triều trong non bảy mươi năm Người trải thân giữa cõi sa bà. Rồi cơ duyên đưa đẩy, đầu tháng 3-1993, nhân một chuyến công tác tại Hà Nội, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi tình cờ lạc bước đến thánh thất Hà Nội (48 Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng).
Bấy giờ nắng chiều đã tắt từ lâu, trời bắt đầu nhập nhoạng tối và se se lạnh. Tôi đẩy cánh cửa cổng thánh thất khép hờ, tự nhiên bước qua vuông sân hẹp tráng xi măng, rồi xông thẳng vào gian phòng trống trải có hai cụ đang ngồi bên chiếc bàn gỗ dài đơn sơ, cũ kỹ. Đó là cơ duyên tôi hạnh phùng cụ Sáu Tô Văn Pho (1919-1998) và cô Hai Ngô Thị Bình (1931-2010).
Nghe tôi tự giới thiệu là nhân viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, hai cụ rất niềm nở, liền xem tôi như người nhà. Sáng hôm sau, tôi rời khách sạn nhỏ trên đường Phạm Đình Hổ, cách thánh thất không xa lắm, để dọn về tá túc bên cạnh hai bậc hướng đạo đáng kính, tuy sơ ngộ mà lại sớm dành cho tôi tràn trề tình cảm nồng hậu, dẫu người cố cựu ắt cũng chẳng thể đậm đà hơn.
Suốt một tuần liền (từ ngày 3 đến 10-3-1993) tôi đã hỏi chuyện hai cụ về lịch sử thánh thất Hà Nội. Sau đó, tôi được cụ Sáu đích thân dắt đưa đi khắp các ngõ, tìm đến tận các phố để tìm các dấu tích xưa của thánh thất. Tôi được xem, được giải thích tỉ mỉ, và được sao chụp lại nhiều ảnh tài liệu và văn bản lịch sử quý báu liên quan thánh thất mà hai cụ vẫn bảo tồn kỹ lưỡng sau bao năm Hà thành điêu linh khói lửa.
Những ngày vui ấy tôi được kề cận bên hai cụ, lịch sử thánh thất Hà Nội mỗi lúc một hiện rõ dần dần trong tâm trí... Và sừng sững trong toàn cảnh ấy, tôi thấy bóng dáng người xưa – tiền bối Cao Triều Phát.
Trước khi trở ra thánh thất Hà Nội vào ngày 3-11-1993 để củng cố lại bản thảo về lịch sử thánh thất, một sáng tháng 6-1993, tôi ghé số 4 Đặng Tất (Tân Định) gặp cụ bà Cao Triều Phát – hiền tỷ Giáo Sư Châu Thị Tùng (1910-2005) – xin người góp ý cho những chi tiết trong bản thảo có liên quan tới tiền bối Cao Triều. Đó cũng là cơ duyên để tôi gặp ái nữ tiền bối – hiền tỷ Cao Bạch Liên (bút danh Sen Trắng). Năm 2003 hiền tỷ tặng tôi bản thảo Cha Và Con (hai tập), một hồi ức cảm động của người con gái hiếu thảo dốc hết tâm tình viết về cha mình, về một nhân vật lịch sử của cả đời lẫn đạo.
Một giáo sư người Đức sau nhiều năm nghiên cứu Kinh Dịch có lần cảm khái nói rằng trên đời này không có sự ngẫu nhiên nào là ngẫu nhiên cả! Tôi tin ông lắm, nên cũng tin rằng từ buổi chiều lạc bước ở Hà Nội cho đến khi gặp hiền tỷ Sen Trắng và thân quý cho tới hôm nay, nào đâu chỉ là ngẫu nhĩ mà thôi. Vì thế thâm tâm tôi luôn mong ước hoàn thành một tập sách nhỏ viết về tiền bối Cao Triều, thay vì một số trang ít ỏi trong bản thảo Lược Sử Thánh Thất Hà Nội.([2])
Năm 2001, một bạn văn là nhà giáo Phan Văn Hoàng xuất bản Cao Triều Phát – Nghĩa Khí Nam Bộ (nhà xuất bản Trẻ). Sáng Chủ Nhật 09-9, câu lạc bộ Văn Học thuộc Cung Văn Hóa Lao Động Thành Phố (55B Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) mời tôi thuyết trình giới thiệu tác giả, tác phẩm nhân dịp kỷ niệm lần thứ bốn mươi lăm ngày tiền bối Cao Triều Phát quy thiên. Nhờ thế, tôi có cơ hội đọc kỹ tác phẩm và hiểu biết nhiều thêm về cuộc đời tiền bối Cao Triều.
Chiều Chủ Nhật 04-9-2005, tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, với đề tài Hùng Khí Một Trời Nam, tôi đã dùng power points trình bày tiểu sử và chiếu hình ảnh về cuộc đời tiền bối. Những hình ảnh quý này một số ít do cụ Sáu và cô Hai cung cấp năm 1993, kỳ dư tôi đều thừa hưởng trọn vẹn công trình nhiều năm lao tâm khổ trí, lặn lội sưu tầm và sắp xếp thành sưu tập của hiền tỷ Cao Bạch Liên.
Những sự kiện hồi tưởng trên đây dường như là những mắt xích cố kết với nhau, tạo điều kiện cho tôi xây dựng Niên Biểu Cao Triều Phát. Nhớ ơn hiền tỷ Cao Bạch Liên nhiều năm trợ giúp tài liệu, tôi xin phép hiền tỷ trích tuyển ảnh từ các quyển sưu tập của gia đình, rồi sắp xếp lại theo một trình tự tương đối hợp lý, để xuất bản.
HÀNH TRẠNG TIỀN BỐI CAO TRIỀU PHÁT đã hình thành như thế. Cũng như các đầu sách đã ấn tống,([3]) tập niên biểu kèm hình ảnh này chỉ dám mong là một hạt cát nhỏ nhoi đóng góp vào việc xây dựng tòa nhà lịch sử đạo Cao Đài. Tôi cũng ao ước rằng trong tương lai sẽ có thể ấn tống thêm nhiều tập hành trạng 行狀 khác nữa, để chúng ta có cơ hội nhìn lại bóng dáng người xưa, và vững vàng bước theo những dấu chân phía trước.
Hiền tỷ Cao Bạch Liên và Huệ Khải hân hạnh kính gởi đến đông đảo bạn đọc gần xa của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Cao Đài tập sách này, như một món quà tương tri trân trọng trao nhau nhân dịp kỷ niệm ngày tiền bối Cao Triều quy thiên.
Xin cầu nguyện Đức Chí Tôn ban ơn lành đến toàn thể quý vị và cửu huyền thất tổ của quý vị.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
HUỆ KHẢI
Phú Nhuận, tháng 7-2010



([1]) Thánh thất Nam Thành, Tý thời, 23-8 Canh Tuất (22-9-1970). Bộ phận thông công Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý. Đồng tử Kim Quang và Thanh Căn xuất khẩu.
([2]) Bản thảo (photocopy) đã phổ biến năm 1994. Nhân dịp thánh thất Hà Nội kỷ niệm sáu mươi năm ngày Hồ Chủ Tịch quang lâm thánh thất (1946-2006), tôi lại photocopy thêm vài trăm bản để gởi ra cô Hai Hương Bình làm quà biếu quan khách, bổn đạo. Lược sử thánh thất Hà Nội đã đăng trên tạp chí Nghiên Cứu và Phát Triển (Sở Khoa Học Và Công Nghệ Thừa Thiên - Huế, số 5-6 năm 2006), đăng trên nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc, số 147, tháng 3-2007, chuyên đề về đạo Cao Đài.
([3]) Có Một Tình Thương (của Bạch Liên Hoa), Cơ Duyên Và Tuổi Trẻ, Hương Quế Cho Đời, Ơn Gọi Miền Trung (đều của Phạm Văn Liêm), Ngô Văn Chiêu – Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên (của Huệ Khải) ...


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.

Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.