Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

55/13. TA LÀ TA / Hòa Điệu Liên Tôn


Ông Môsê che mặt đi, không dám nhìn Thiên Chúa.
(Xuất Hành 3:6)
TA LÀ TA

Đọc Cựu Ước, Xuất Hành, Chương 3, đoạn Thiên Chúa trả lời câu hỏi của ông Môsê rất thú vị.
Chương 3 mở đầu với sự kiện ông Môsê trong lúc chăn chiên cho bố vợ, dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi Khôrếp. Khi thấy một bụi cây cháy bừng lên, nhưng bụi cây không bị lửa thiêu rụi như lẽ thường, ông ngạc nhiên quá, tự nhủ:
“Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được; vì sao bụi cây lại không cháy rụi?” (Xuất Hành 3:3)
Đấy là cơ duyên để ông gặp Thiên Chúa.
Đức Chúa bảo ông bỏ dép ra vì ông đang ở trên đất thánh. Rồi gọi ông bước lại gần, Ngài dạy như sau:
“Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp.” (Xuất Hành 3:6)
Sau đó, trao sứ mạng cho ông Môsê, Đức Chúa dạy:
“Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. (…) Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ítraen đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai Cập. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharaô để đưa dân Ta là con cái Ítraen ra khỏi Ai Cập.” (Xuất Hành 3:7,9,10)
Khi nhận lãnh sứ mạng Đức Chúa ban trao, ông Môsê có một thắc mắc thuộc về thủ tục giao tế. Ông giãi bày:
“Bây giờ, con đến gặp con cái Ítraen và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Ðấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” (Xuất Hành 3:13)
Tức là ông Môsê muốn hỏi: Ngài tên gì? Cho con biết để con nói lại với họ.
Chỗ rất thú vị trong Chương 3 này là cách Thượng Đế trả lời ông Môsê.
Theo bản tiếng Anh NIV (New International Version), Thượng Đế trả lời như sau: “I am who I am.” (a)
Một số bản thông dụng khác cũng in như vậy, và ghi chú rằng câu (a) tương đương với câu: “I am what I am.” (b)
Hai câu tiếng Anh (a) và (b) dẫn trên được xem là tương đương với câu sau đây trong bản King James: “I am that I am.” (c)
Nói who như (a) thì liên quan tới họ tên.
Nói what như (b) thì liên quan tới việc làm hay nghề nghiệp.
Dùng that như (c) để thay thế cho cả who what thì bao hàm cả hai ngụ ý ấy và như thế gọn hơn rất nhiều so với câu được dịch trong bản The Amplified Bible vừa gồm luôn hiện tại lẫn tương lai:
“I am who I am and I am what I am and I will be what I will be.” ([1])
Trong một bản Cựu Ước tiếng Việt, câu Thiên Chúa trả lời ông Môsê được dịch như sau: “Ta là Ðấng Hiện Hữu.”
Trong một bản chữ Hán, câu trả lời của Thiên Chúa được dịch là:
Ngã thị tự hữu vĩnh hữu đích.([2])
(Ta là Đấng tự có muôn đời. / Ta là Đấng tự hữu và hằng hữu.)
Với ba câu (a), (b) và (c), riêng tôi thích “diễn Nôm” như sau: Ta là Ta. Câu này tuy trả lời mà lại không trả lời gì hết! Bởi lẽ mọi cái tên mà thế gian vẫn dùng để gọi Thượng Đế hay Thiên Chúa đều tương đối.
Vì sao mọi cái tên mà thế gian vẫn dùng để gọi Thượng Đế hay Thiên Chúa đều tương đối?
Tùy tín ngưỡng, tùy dân tộc, Thượng Đế có nhiều tên gọi khác nhau bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tùy góc độ con người quan niệm Thượng Đế như thế nào mà Ngài có một tên gọi tương ứng.
Trước những nghịch cảnh éo le trên đời mà con người không thể giải thích nổi, người ta trút hết trách nhiệm cho Đấng Tạo Hóa (Hóa Công, Creator: Thợ Trời).
Nhưng “ông Thợ” này tính tình có lẽ không khác hơn đứa trẻ tinh nghịch, nên thế gian gọi Ngài là Hóa Nhi (Divine Child). Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) gọi là Trẻ Tạo Hóa, và còn để đời hai câu bất hủ:
Trẻ Tạo Hóa đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi.
(Cung Oán Ngâm Khúc)
Thậm chí, ngay trong phạm vi một tôn giáo như đạo Lão chẳng hạn, Thượng Đế cũng có nhiều tên gọi khác nhau.
Khi nhìn Ngài là Đấng hữu ngã (Personal God), là vua (chúa tể) của càn khôn thế giới thì đạo Lão gọi Ngài là Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nguyên Thủy Thiên Tôn…
Khi nhìn Ngài là Đấng vô ngã (Impersonal God), thì gọi Ngài là Đạo, hay Đại Đạo...
Khi nhìn Ngài là Đấng vừa hữu ngã vừa vô ngã, thì gọi Ngài là Hồng Quân Lão Tổ. Hồng Quân là cái khuôn lớn để “đúc” ra vạn vật, vạn loại trong vũ trụ. Hồng Quân mang tính vô ngã; Lão Tổ (vị tổ già) mang tính hữu ngã.
Trong đạo Cao Đài (cũng như đạo Lão), vì nhìn Thượng Đế là Đấng vừa hữu ngã vừa vô ngã nên gọi Ngài là Đại La Thiên Đế, Thái Cực Thánh Hoàng. Thật vậy:
- Thiên ĐếThánh Hoàng mang tính hữu ngã, xem Ngài là vua cõi trời.
- Đại La (tấm lưới lớn, ám chỉ luật công bình của vũ trụ, bao trùm tất cả và không bỏ sót một điều chi, dẫu nhỏ nhặt nhất), và Thái Cực (âm dương phối hợp sinh hóa muôn loài) mang tính vô ngã.
*
Trên đây, khi nói rằng mọi cái tên mà thế gian vẫn dùng để gọi Thượng Đế đều tương đối, tôi nhớ tới câu mở đầu Đạo Đức Kinh của Đức Lão Tử:
“Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh.” ([3])
(Đạo mà có thể nói được thì không phải là cái Đạo bất biến. Tên mà có thể gọi được thì không phải là cái tên bất biến.)
Qua Chương 25, chúng ta hiểu thêm vì sao Đức Lão Tử phủ định quyết liệt như thế:
Ngô bất tri kỳ danh; tự chi viết Đạo, cưỡng vi chi danh viết Đại.” ([4])
(Ta không biết tên; đặt tên là Đạo, miễn cưỡng gọi tên là Lớn.)
Vậy Đạo hay Đại Đạo, Đạo Lớn (Thượng Đế vô ngã) theo Đức Lão Tử chỉ là cái tên gọi bất đắc dĩ phải dùng tạm.
Trong đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn xưng danh với nhiều tên gọi khác nhau. Ngài cũng xác minh mọi cái tên của Ngài đều giả, không phải là thường danh (như Đức Lão Tử từng dạy). Do đó, Ngài đã xưng Ngọc Hoàng Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông. Tá danh là mượn cái tên gọi.
Có lần Đức Cao Đài dạy một môn đệ (là vị hiệu trưởng một trường trung học danh tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975) như sau:
...
Tên là cái giả triền miên muôn đời
Xuống lên, lên xuống luân hồi
Đến tên Ngọc Đế mấy hồi đổi thay
Khi xưng Giáo Chủ Cao Đài
Khi xưng Thiên Chúa, khi khai Di Đà
Lắm hồi Bồ Tát Ma Ha
Bao lần Khổng, Mạnh cũng Già này đây.
Và để khẳng định tính chất tương đối của mọi tên gọi, danh xưng trên thế gian, trong thánh giáo Cao Đài còn có câu thánh ngôn này:
Cao Đài không phải là Cao Đài mới thật là Cao Đài.
Đây là cách phủ định cái tương đối trong thế giới nhị nguyên để xác định cái tuyệt đối.
Câu thánh ngôn Cao Đài dẫn trên còn nhắc ta nhớ tới lời Đức Phật Thích Ca dạy một đại đệ tử là ông Tu Bồ Đề (Subhuti), được chép trong Kinh Kim Cang như sau:
Tu Bồ Đề! Sở vị Phật, pháp giả, tức phi Phật, pháp.([5])
(Này Tu Bồ Ðề ơi! Chỗ gọi là Phật là pháp, tức chẳng phải là Phật, chẳng phải là pháp.)
*
Con người thế gian sống trong cõi tương đối (nhị nguyên đối đãi: dualistic). Lấy ngôn ngữ tương đối của thế gian để gọi, diễn tả Tuyệt Đối Thể (Thượng Đế) chung quy chỉ là sự gắng gượng chẳng đặng đừng, là phương tiện tạm dùng. Xưa nay kinh điển của những nền chánh pháp khi dùng ngôn ngữ tương đối diễn giảng, giãi bày, dẫn dắt cho người tu tìm đến Đạo (Tuyệt Đối Thể) vì thế đều giống nhau ở chỗ lấy phương pháp phủ định.
Khi không muốn phủ định nữa thì làm thinh, nín lặng. Đó là bài thuyết pháp vô ngôn của Đức Phật khi Ngài lẳng lặng nhón lấy một nhành hoa (niêm hoa 拈花) giơ cao lên giữa đông đảo đệ tử vây quanh.
Bài pháp vắng bặt ngôn ngữ ấy chỉ duy nhất một đại đệ tử là ông Ma Ha Ca Diếp (Mahākāśyapa) lãnh hội được, nên ông sung sướng nhoẻn miệng nở một nụ cười chúm chím (vi tiếu 微笑) giữa đại chúng còn đang ngơ ngác, bàng hoàng trước nhánh hoa trên đầu mấy ngón tay của Phật Tổ.
HUỆ KHẢI
24-11-2011
CGvDT số 203, tháng 11-2011





([1]) The Zondervan Corporation & The Lockman Foundation, bản in đầu tiên 1965.
([2]) 我是自有永有的.
([3]) 道可道非常道.名可名非常名.
([4]) 吾不知其名; 字之曰道,強為之名曰大.
([5]) 須菩提! 所謂佛, 法者, 即非佛, .




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.

Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.