THƯỢNG PHỐI SƯ PHÙNG VĂN THỚI
RA BẮC (1942-1948)
Phùng Văn Thới (1903-1968)
Tiền bối Phùng
Văn Thới sinh tháng 4-1903 (tháng 3 Quý Mão) tại làng Thanh Sơn, quận
Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho. Tiền bối thứ bảy và là con trai duy
nhất. Song thân là ông Phùng Văn Thọ (1848-1929) và bà Nguyễn Thị Út
(1850-1905). Ông Thọ không theo nghiệp đông y của cha (Phùng Văn Trực) mà làm
hương chức trong làng hơn ba mươi năm. Khi các con đều thành gia thất, ông Thọ
nghỉ việc làng, chỉ giữ chân kế bái lo việc cúng đình.
Tiền bối Phùng Văn Thới
sớm mồ côi mẹ, cha tục huyền với bà Nguyễn Thị Long (1847-1936). Năm 1911 (Tân
Hợi), tiền bối học chữ Nho với hương hào Mên, người ấp Hòa Sơn, làng Thanh Sơn.
Học xong lớp Nhất, tiền bối làm thầy giáo làng, dạy ở Trà Tân và Phú Túc. Năm
1922 (Nhâm Tuất), tiền bối kết hôn với cô Phan Thị Phó tự là Giác (1904-1935),
con đại điền chủ Phan Văn Cậy, và sống bên vợ, dạy học. Bà Thới người xã Hữu
Đạo, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, rất có hiếu với cha chồng. Khi ông Thọ bị
bệnh yết hầu (1927), bà về bên nhà chồng tận tụy săn sóc cho đến lúc ông Thọ tạ
thế (1929). Tiền bối Phùng Văn Thới
chỉ có một gái duy nhất là Phùng Thị Mộc Trầm (1923-1999), sinh tại xã Hữu Đạo.
Khi hai tiền khai Lê Văn Trung và Nguyễn Ngọc Tương về quận
Cai Lậy lập đàn cơ phổ độ (1927), tiền bối Phùng Văn Thới nhập môn và độ được
nhạc phụ vào đạo Cao Đài, rồi hiệp cùng nhạc phụ lập thánh thất Hữu Đạo.
Thứ Tư 13-7-1927 (15-6 Đinh Mão), tại đàn Cây Mai (Chợ Lớn)
với song đồng là hai tiền khai Nguyễn Trung Hậu (1892-1961) và Trương Hữu Đức
(1890-1976), Đức Lý Thái Bạch phong tiền bối Phùng Văn Thới làm Lễ Sanh.
Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh cử tiền bối Phùng Văn Thới làm Đầu Quận Đạo hai
quận Cai Lậy và Vĩnh Kim, cai quản thánh thất Hữu Đạo. Tiền bối phụ giúp nhạc
gia là Thái Giáo Sư Đầu Tỉnh Đạo Phan Văn Cậy quản trị đạo sự ba tỉnh Châu Đốc,
Hà Tiên, Long Xuyên và đảo Phú Quốc trong khoảng bảy năm.
Tháng 02-1935 (tháng 01 Ất Hợi), sau Hội Vạn Linh,([1])
tiền bối Phùng Văn Thới về thánh thất An Hội (Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo), được cử
làm Đầu Tỉnh Đạo Châu Đốc.
Thứ Năm 28-5-1936 (08-4 Bính Tý), tiền bối thăng Giáo Hữu
phái Thượng.
Thứ Tư 17-11-1937 (15-10 Đinh Sửu), tiền bối nhận chức Nội
Viện Trưởng lần thứ nhất.
Thứ Năm 01-9-1938 (08-7 Mậu Dần), tiền bối thăng Giáo Sư phái
Thượng.
Chủ Nhật 02-10-1938 (09-8 Mậu Dần), tiền bối nhận chức Ngoại
Viện Trưởng lần thứ nhất, ra Trung Kỳ hành đạo, văn phòng ở tỉnh Quảng Ngãi.
Thứ Hai 10-4-1939 (21-02 Kỷ Mão), tiền bối ra Trung Kỳ lần
thứ hai, đi các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, Hà Tĩnh, Nghệ An...
Thứ Bảy 23-3-1940 (15-02 Canh Thìn), tiền bối nhận chức Nội
Viện Trưởng lần thứ nhì. Cuối tháng 4-1940 (trung tuần tháng 3 Canh Thìn) tiền
bối thăng Phối Sư phái Thượng.
Giai đoạn 1940-1941 tiền bối hành đạo tại Tòa Thánh An Hội
(Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo).
Thứ Ba 31-3-1942 (15-02 Nhâm Ngọ),
Thượng Phối Sư Phùng Văn Thới nhận chức Ngoại Viện Trưởng lần thứ nhì, được
Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo cử ra Bắc sau khi ba vị Nguyễn Văn Cui, Huỳnh Minh Chư và Tô Văn Pho đã
tùng lịnh Hội Thánh rời Hà Nội trở về Nam.
Thánh thất ở số 34 phố Dumoutier (1943)
Lúc mới ra Hà Nội, Thượng Phối Sư
Phùng Văn Thới ngụ tại nhà ông Hoàng Đức Hữu, số 25 phố Hàn Thuyên (nay thuộc
quận Hai Bà Trưng). Năm 1943 (Quý Mùi), được Hội Thánh cấp số tiền một ngàn
đồng Đông Dương,([2])
tiền bối mua nhà ở số 34 phố Dumoutier, tức phố Chùa Vua,([3])
và dời thánh thất từ phố Hàn Thuyên về đấy.
Thánh thất ở số 96-98 phố Duvigneau
Về phố Dumoutier khoảng tám tháng thì nơi này phải giải tỏa
để chỉnh trang đô thị. Với số tiền được bồi thường, tiền bối Phùng Văn Thới mua
hai căn nhà số 96-98 phố Duvigneau để làm thánh thất. Phố này sau đổi tên là
Nguyễn Thị Minh Khai, lại đổi là Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng.
Lúc này, bên cạnh tiền bối đã có con gái là Mộc Trầm (còn gọi
là Thanh), được đón ra Hà Nội vào năm 1943 sau khi mua xong nhà số 34 phố
Dumoutier. Là người đảm đang, cô Mộc Trầm hàng ngày ra chợ bán chuối chiên, phụ
giúp cho tiền bối chút ít trong sinh hoạt đắt đỏ hàng ngày do ảnh hưởng Chiến
Tranh Thế Giới thứ Hai (1939-1945), phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, hàng hóa
khan hiếm.
Hà Nội 1946
Hiệp định sơ bộ ký ngày 06-3-1946 tại Hà Nội làm
cơ sở chính thức cho việc đàm phán giữa hai bên Việt-Pháp, nhưng thực dân Pháp
vẫn tiếp tục khiêu khích với mức độ ngày càng tăng, nhất là từ tháng 4-1946.
Tạm ước 14-9-1946 được ký giữa hai bên Việt-Pháp, nhưng tình
hình vẫn tiếp tục nóng hơn, báo hiệu chiến sự sắp bùng nổ.
Thư Chủ Tịch Quốc Hội Tôn Đức Thắng
Thứ Năm 07-11-1946, công
văn số 30QH của Toàn Quốc Đại Biểu Đại Hội, Chủ Tịch Quốc Hội Tôn Đức Thắng gởi
Phối Sư Phùng Văn Thới nội dung như sau:
Kính gửi: Phối Sư Phùng Văn Thới
kiêm Ngoại Viện Trưởng đạo Cao Đài Bắc Bộ
thánh thất Hà Nội
Thưa Phối Sư,
Kính phúc thư số 16 ngày 04-10-1946 của Phối Sư yêu cầu Quốc
Hội nhìn nhận đạo Cao Đài là chính thức, chúng tôi xin có mấy lời trân trọng để
Phối Sư biết rằng:
1. Quốc Hội rất hoan nghênh tinh thần ái quốc của đạo Cao
Đài.
2. Quốc Hội trong phiên họp gần đây đã thông qua Điều thứ 10
trong bản dự án
Hiến Pháp Việt Nam,([4]) trong đó có quyền tự do tín ngưỡng của
công dân được công
nhận.
Như thế là đạo Cao Đài được tự do hoạt động như các đạo khác.
Nay kính,
Tôn Đức Thắng
(Chữ ký + con dấu)
Hồ Chủ Tịch đến thánh thất Hà Nội
Thứ Sáu 08-11-1946 (15-10 Bính Tuất), nhân kỷ niệm Khai Đạo,
Thượng Phối Sư Phùng Văn Thới thiết lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. Dịp
này Hồ Chủ Tịch đến thánh thất Hà Nội ở phố
Duvigneau dự lễ.([5])
Tản cư
Đầu tháng 12-1946 quân Pháp bắt đầu khiêu chiến.
Đêm Thứ Năm 19-12, cúp điện Hà Nội lúc 10 giờ để làm hiệu lệnh nổ súng tấn công
quân Pháp. Thứ Sáu 20-12 ban lệnh toàn quốc kháng chiến. Thị dân Hà Nội bắt đầu
tản cư.([6])
Đặng
Giang
Theo làn sóng tản cư rời Hà Nội, Thượng Phối Sư
Phùng Văn Thới về làng Đặng Giang (phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông), tạm trú tại nhà
thầy giáo Đặng Văn Khanh (đã nhập môn tại thánh thất Hà Nội ở phố Duvigneau).
Chiến tranh lan về tới Đặng Giang. Trong một trận càn, quân
Pháp bắt tiền bối Khanh tra tấn dã man, xác thả trôi sông. Sau này Hội Thánh
Cao Đài Ban Chỉnh Đạo truy phong tiền bối Đặng Văn Khanh phẩm Lễ Sanh.
Cách làng Đặng Giang một con sông là làng Trinh Tiết (phủ Mỹ
Đức, tỉnh Hà Đông) có nhà ông hương Mã, dùng làm nơi liên lạc của tín đồ Cao
Đài. Vợ ông hương Mã là bà Lê Thị Quy, nhập môn theo Cao Đài Tây Ninh, làm Lễ
Sanh.
Khi tản cư, tiền bối Phùng Văn Thới đem theo con gái là Mộc
Trầm và một thanh niên là Trần Luyện, còn gọi Trần Quốc Luyện.
Trần Luyện (1920-1994)
Thứ Ba 23-3-1920 (04-02 Canh Thân), tiền bối Trần Luyện sinh
giờ Ngọ, tại làng Tư Phú Đông, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.([7])
Thân phụ là Trần Hữu Lang (1885-1934), tự Trần Phú Thỏa, tục gọi Đội Lang,
nguyên là quản đội võ công đô úy tỉnh Bình Định. Thân mẫu là Trần Thị Kiệt
(1884-1946), người làng Thanh Châu, phủ Duy Xuyên.
Vì cha phải thuyên chuyển do công vụ, thuở nhỏ tiền bối Trần
Luyện được đi nhiều nơi. Tiền
bối học các trường huyện Bình Khê, Phù Cát, Bồng Sơn (1929-1932). Học trung học
ở tỉnh Quy Nhơn (1933-1935), được nửa năm đệ Nhị niên thì tiền bối bỏ học, ham
mê phù phép thần bí, theo bạn bè đi khắp chốn núi non, từ Trung Kỳ vào đến cả
Đà Lạt, Biên Hòa, Sài Gòn, Chợ Lớn.
Năm 1935 (Ất Hợi), tiền bối theo mẹ về quê, được gặp tiền bối Bạch Hổ (Trần Quang
Châu, 1915-1998) là một trong những nhân vật nòng cốt khai mở nền Đạo ở Trung
Kỳ.
Năm 1936 (Bính Tý), tiền bối Trần Luyện nhập môn tại thánh
tịnh Thanh Quang,([8])
hăng say tu học, hành đạo, theo chân các bậc đàn anh ở Quảng Nam như các tiền
bối Nguyễn Quang Châu (1912-1955), Huỳnh Ngọc Trác (1898-1945)...
Năm 1936 (Bính Tý), hai tiền bối Huỳnh Ngọc Trác và Trần
Nguyên Chất (1893-1950) gởi tiền bối Trần Nguyên Chí (1914-1957) ra Hà Nội học
với cư sĩ Thiều Chửu.([9])
Còn tiền bối Trần Luyện được gởi ra Huế học tiếp trung học. Tiền bối Trần Luyện
trọ tại Gia Hội, học trường Phú Xuân (1937-1939), dạy kèm tư gia. Mùa hè, tiền
bối về Quảng Nam hăng say hành đạo cùng các đàn anh ở thánh tịnh Thanh Quang.
Tháng 9-1940, hai tiền bối Huỳnh Ngọc Trác và Trần Nguyên
Chất gởi thêm tiền bối Trần Luyện ra Hà Nội học chữ Hán và giáo lý nhà Phật với
cư sĩ Thiều Chửu. Hai thanh niên Trần Nguyên Chí, Trần Luyện vừa học với cư sĩ
Thiều Chửu, vừa giúp việc sửa bản in cho nhà in Đuốc Tuệ đặt tại chùa Quán Sứ,([10])
cũng là trụ sở Hội Phật Học Bắc Kỳ.
Tháng 01-1946, tiền bối Trần Luyện theo hai tiền bối Thanh
Long Lương Vĩnh Thuật (1918-1982) và Huỳnh Thanh (1921-1985) ra Hà Nội để gặp
Bộ Trưởng Bộ Tuyên Truyền Trần Huy Liệu (1901-1969) và Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ
Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947). Mục đích là tìm cách giải quyết các biện pháp sai
trái mà chính quyền địa phương đang thi hành khiến cho tín đồ Cao Đài mấy tỉnh
miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên phải chịu ách nạn.
Sau cuộc tiếp xúc này, lập trường đạo Cao Đài được đăng trên
báo Cứu Quốc. Công
văn số 30QH, ngày 07-11-1946, của Chủ Tịch Quốc Hội Tôn Đức Thắng gởi Phối Sư Phùng Văn Thới cũng là hệ quả của sự kiện đoàn hướng
đạo miền Trung ra Hà Nội, tiếp xúc với Thượng Phối Sư Phùng Văn Thới, rồi cùng
với Phối Sư khiếu nại với hai Bộ Trưởng Trần Huy Liệu và Huỳnh Thúc Kháng.
Ở lại thánh thất Hà Nội số 96-98 phố Duvigneau, tiền bối Trần
Luyện cùng với thánh thất ở phố Hàng Than (rue
du Charbon) thuộc Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh lập ra Cơ Quan Truyền Giáo Cao
Đài Trung Bắc Việt Nam.
Tháng 7-1946 (tháng 6 Bính Tuất), tiền bối Trần Luyện cùng
Thượng Phối Sư Phùng Văn Thới tham gia ban liên lạc tôn giáo gồm Phật Giáo,
Thiên Chúa Giáo, Tin Lành và Cao Đài. Chủ tịch là sư Thích Đại Nguyên, trụ trì
chùa Bà Đá,([11])
nên trụ sở của ban liên lạc cũng đặt nơi chùa này. Phó chủ tịch là Linh Mục
Trần Đình Nam, Tổng thư ký là Trần Luyện. Các ủy viên có Thượng Phối Sư Phùng
Văn Thới, Linh Mục Hồ Văn Vui, cùng hai Mục Sư Tin Lành là Âu Đăng Trình và Lê
Văn Hưu…
Tiền bối Trần Luyện đã hứa hôn với cô Mộc Trầm (1946) nên đi
theo Thượng Phối Sư Phùng Văn Thới tản cư về làng Đặng Giang, phủ Ứng Hòa, tỉnh
Hà Đông.
Tại Đặng Giang, Thượng Phối Sư Thới tham gia phong trào bình
dân học vụ, mở được bốn lớp và tiền bối Trần Luyện góp phần giảng dạy.
Thánh thất Hà Nội dời về phố Hòa Mã (1948)
Thứ Hai 10-11-1947, theo làn sóng người hồi cư ngày càng
đông, các tiền bối Phùng Văn Thới, Trần Luyện và cô Mộc Trầm rời làng Đặng
Giang trở về Hà Nội. Cuộc kháng chiến chưa kết thúc nhưng lúc ấy đã có người
hồi cư. Năm 1948 dân ngoại thành trở về gần hết, nội thành có mười lăm vạn dân.([12])
Nhà số 96-98 phố Duvigneau trải qua cuộc chiến đã hư hỏng.
Bấy giờ phố Hòa Mã, tức Amiral Sénes,([13])
có một biệt thự nguyên là trụ sở Hội Ái Hữu của các cựu công chức bưu điện Hà
Nội. Hội này tan rã (1945), biệt thự bị bỏ phế trong những năm chiến tranh. Tòa
Thị Chính Hà Nội cho Thượng Phối Sư Phùng Văn Thới thuê lại với giá năm mươi
đồng một tháng.
Lúc dời thánh thất về phố Hòa Mã, biệt thự còn là ngôi nhà
gạch, không có lầu. Diện tích toàn bộ mặt bằng hơn 400m2, trong đó
khoảng 60m2 dành làm bửu điện.
Thánh thất mới ở phố Hòa Mã lạc thành năm 1948 (Mậu Tý), lúc
này báo Vì Dân có mời Thượng Phối Sư
Thới làm Hội Trưởng Ban Cứu Tế Xã Hội.
Khi dọn về phố Hòa Mã tiền bối Phùng Văn Thới còn giữ được Thiên Nhãn, Thiên Bàn, quả chuông đồng.
Thiên Nhãn này do ba vị tiền bối Nguyễn Văn Cui, Huỳnh Minh Chư và Tô Văn Pho
thỉnh từ Tòa Thánh An Hội ra (1939).([14])
Lần hồi bổn đạo quy tụ lại thánh thất mới ở phố Hòa Mã. Ngoài
Thượng Phối Sư Thới, phái nam có thể kể đến: Ngọc Giáo Hữu Hoàng Đức Hữu (thầu
khoán); Thái Giáo Hữu Lê Văn Thung (đầu bếp riêng gia đình ông Lê Cửu); Thượng
Lễ Sanh Trần Văn Hợi (thợ mộc). Phái nữ có: Giáo Sư Vương Thị Tống; Giáo Hữu
Nguyễn Nguyệt Tiếp. Tín đồ: Hoàng Đức Hài,([15]) Trần Văn Vy, v.v...
Về Nam
Thượng Phối Sư Phùng Văn
Thới rời miền Nam năm 1942. Năm sau con gái là Mộc Trầm cũng ra Hà Nội, kế thất
Lê
Thị Đáo (1909-1962) và hai con trai có với bà Đáo là Phùng Ngọc Ẩn (sinh 1934)
và Phùng Quang Lộc (sinh 1937) vẫn còn ở quê.
Bặt tin vợ con đã lâu,
nên dù chưa được Hội Thánh Cao
Đài Ban Chỉnh Đạo cho phép trở về, tiền bối vẫn đi máy bay dân sự của hãng Air
France đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất khoảng năm giờ chiều Chủ Nhật 02-5-1948
(24-3 Mậu Tý).
Vì không có tiền về quê,
trước lúc rời Hà Nội tiền bối Phùng Văn Thới phải mượn ba ngàn đồng của bà Le
Roi là người Việt có chồng Pháp, nhà số 5 phố Hàng Chuối (rue Général Beylié), và đã thế chấp hai căn nhà 96-98 phố
Duvigneau.
Khi hồi cư tiền bối Trần Luyện và cô Mộc Trầm lập hôn thú tại
Tòa Thị Chính Hà Nội (Thứ Bảy 24-4-1948). Vài tháng sau,
hai vợ chồng tìm cách trả dứt tiền bà Le Roi, thu hồi giấy chủ quyền nhà đứng
tên Phùng Văn Thới rồi gởi vào Nam.
Năm 1949 (Kỷ Sửu), bà Mộc
Trầm cũng về Nam. Tiền bối Trần Luyện còn ở lại Hà Nội đến tháng 6-1952 (Nhâm
Thìn) mới vào Sài Gòn.
Việc tiền bối Phùng Văn
Thới bỏ thánh thất Hà Nội đi tản cư (1946), thêm mấy lần đổi nhà, rồi bỏ thánh
thất hồi hương không đợi lịnh Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo, tất cả đã tạo ra
một dư luận không có lợi cho tiền bối khi về đến Bến Tre. Có lẽ tiền khai Giáo
Tông Nguyễn Ngọc Tương còn đang trong thời gian biệt cư đại tịnh nên tiền bối
Phùng Văn Thới không có điều kiện trực tiếp giải trình với vị chưởng quản cao
nhất của Hội Thánh.
Đã thế, gia sự còn rối
rắm vì kế thất sang ngang, hai con trai bơ vơ đành phiêu bạt, may mà sau cùng
cha con được đoàn tụ. Trong nỗi phiền muộn và thất vọng, bị mất lòng tin ở đồng
đạo, tiền bối Phùng Văn Thới lui về quê nhà (quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho). Từ đó,
tiền bối không trở ra Hà Nội mà cũng chẳng làm việc cho Hội Thánh Cao Đài Ban
Chỉnh Đạo nữa.([16])
HUỆ KHẢI
([1]) Hội
Vạn Linh diễn ra từ Thứ Hai 11 đến Thứ Năm 14-02-1935 (08 đến 11-01 Ất Hợi) tại
thánh thất An Hội (Bến Tre), có 88 họ đạo trong 20 tỉnh tham dự, với hai mục
đích: (a) Chọn trong hàng Chưởng Pháp
hay Đầu Sư một vị để cầm giềng mối Đạo; (b) Quyết định việc trở về Tòa Thánh
Tây Ninh hành đạo. Tiền khai Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc Tương được công
cử làm Giáo Tông. Hội Vạn Linh công cử ba vị Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang,
Thượng Sanh Cao Hoài Sang, và Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu về Tòa Thánh Tây Ninh
thương nghị việc hòa hiệp, nhưng không đạt được kết quả.
([9]) Thiều Chửu Nguyễn Hữu
Kha (1902-1954) người làng Trung Tự, phường Đông Tác, nay thuộc quận Đống Đa,
Hà Nội. Cha là cử nhân Nguyễn Hữu Cầu, một nhà Nho thanh bạch bị Pháp đày Côn
Đảo vì tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Ông
Nguyễn Hữu Kha được bà nội và
bác ruột dạy chữ Hán từ bé, rồi tự học mà biết thêm tiếng Anh, Pháp, Nhật. Hội
Phật Học Bắc Kỳ thành lập (1934); ông quản lý và biên tập cho báo Đuốc Tuệ của Hội. Ông tham gia Hội Truyền Bá
Quốc Ngữ (1937-1938). Khi trường Phật Học Phổ Quang ra đời (1941), ông dạy chữ
Hán, giảng kinh và chủ trì các khóa lễ. Ông cùng một số tăng ni và trẻ mồ côi
theo kháng chiến (1946).
Bị
án oan trong cải tạo ruộng đất (1954), Thứ Năm 15-7-1954 (16-6 Giáp Ngọ), sau
khi để lại thư tuyệt mạng, ông ra bờ sông (xóm Đồng Tâm, xã Vạn Thắng, huyện
Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) thắp hương lạy bốn phương, rồi gieo mình xuống dòng
nước chảy xiết.
Ngoài
Hán-Việt Tự Điển (Hà Nội: nhà in Đuốc
Tuệ, số 73 Richaud, 1942), ông dịch nhiều kinh Phật: Di Đà, Di Giáo, Dược
Sư, Địa Tạng, Khóa Hư Lục, Kim Cương, Kinh Lễ Sáu Phương, Lục Tổ Đàn Kinh, Pháp
Hoa, Phổ Môn, Thủy Sám, Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Viên Giác. Các sách khác: Cải
Tà Quy Chính, Con Đường Phật Học Thế Kỷ 20, Khóa Tụng Hàng Ngày, Nhòm Qua Cửa
Phật, Phật Học Cương Yếu, Sự Tích Phật Tổ Diễn Ca, Tây Du Ký, Vì Sao Tôi
Tin Phật Giáo.
([10]) Đầu
đời Hậu Lê, thế kỷ 15, ở thôn An Tập, huyện Thọ Xương có khu nhà Quán Sứ dùng
tiếp đón sứ thần lân bang khi họ đến Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Vì phần lớn
sứ thần và tùy tùng theo đạo Phật, nên triều đình Việt Nam cho dựng chùa bên
cạnh khu nhà Quán Sứ để họ tiện hành lễ. Về sau khu nhà này không còn, chỉ sót
lại chùa Quán Sứ. Năm 1942 chùa được xây cất quy mô như hiện nay. Phố Richaud
đổi tên là phố Quán Sứ. Sau này chùa là cơ sở đào tạo bậc cao đẳng Phật Học cho
tăng ni miền Bắc. [Hà Nội Tự Điển 1990: 127-128]
([11]) Chùa
Bà Đá thuộc dòng thiền Lâm Tế, xuất phát từ Trung Quốc. Tên chính thức là Linh Quang Tự. Đời vua Lê Thánh Tông
(1460-1497), dân làng Báo Thiên đào được ở khu vực này tượng đá Phật Bà Quan
Âm, bèn lập miếu thờ, sau thành chùa. Trong một trận hỏa hoạn thời Pháp thuộc,
tượng Phật đá bị đánh cắp. Tượng đá Phật Thích Ca hiện nay mới tạo khoảng đầu thế
kỷ 20. Làng Báo Thiên xưa nằm ở khu vực quanh nhà thờ lớn ngày nay, cách hồ
Hoàn Kiếm không xa. Chùa Bà Đá nay ở số 3 phố Nhà Thờ. [Hà Nội Tự Điển 1990:
117]
([15]) Là con
ông Hoàng Đức Hữu, năm ấy ông Hài khoảng ba mươi tuổi, nhiệt tâm hành đạo. Khi
tiền bối Tô Văn Pho ra Hà Nội lần thứ ba (1949, Kỷ Sửu), ông Hài được phong Tiếp Đạo Hiệp Thiên Đài,
ông Hữu làm Đầu Họ Đạo. Thứ Sáu 15-7-1949 (20-6 Kỷ Sửu) Hội Thánh Cao Đài Ban
Chỉnh Đạo ngưng chức hai cha con ông Hữu và Hài vì cả hai phạm lỗi làm tổn hại
danh thể đạo Cao Đài.
([16]) Những
chi tiết về Phùng tiền bối căn cứ theo bản gia phả chép tay, viết dở dang. Năm
1993, tôi được tiền bối Trần Luyện cho phép đọc tại nhà riêng của tiền bối ở
đường Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1. (Huệ Khải)
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.