PHÚC ÂM HÒA ĐIỆU
Phương Đông ví Đạo như nước. Từ thế kỷ 6
trước Công Nguyên, qua Đạo Đức Kinh,
rất nhiều lần Đức Lão Tử dùng tính của nước để liên hệ đến tính của Đạo. Cái
tính đó được người Việt diễn tả rằng: “Ở
bầu thì tròn, ở ống thì dài.” Nghĩa là Đạo uyển chuyển và nước cũng uyển
chuyển. Thế nên, những nhà truyền giáo minh triết từ phương Tây khi tới một đất
nước phương Đông bao giờ cũng trân trọng và uyển chuyển tìm cách thể hiện Phúc Âm
theo phong cách văn hóa bản địa. Và các nhà truyền giáo Tin Lành Na Uy đã từng hành
đạo như vậy.
Na Uy là nước quân chủ lập hiến ở Bắc Âu.
Nhà nước Na Uy ủng hộ Giáo Hội Tin Lành Luther, quốc vương bổ nhiệm các nhà truyền
giáo. Luật pháp Na Uy quy định chính phủ trả lương và các khoản phụ cấp cho các
nhà truyền giáo. Giáo Hội Tin Lành Luther (the
Evangelical Lutheran Church) vì thế có thể được xem là quốc giáo của Na Uy,
với tín đồ chiếm khoảng 94% dân số, mặc dù nhiều người trong tỷ lệ đó thực sự
không sinh hoạt tôn giáo. Tuy nhiên luật pháp Na Uy vẫn bảo đảm cho dân chúng
quyền tự do tín ngưỡng. Ngoài Giáo Hội Tin Lành Luther, còn có các cộng đoàn
thuộc phong trào Hiện Xuống (Pentecostalism)
cũng như các giáo hội Tin Lành khác. Dân chúng Na Uy còn theo Công Giáo La Mã (Roman Catholic); riêng tín đồ Hồi Giáo
chỉ có một số ít.([1])
Năm
1930 một số nhà truyền giáo Tin Lành Na Uy đến Hương Cảng thành lập Trung Tâm
Cơ Đốc Giáo Đạo Phong Sơn, lấy tên ngọn núi Đạo Phong ở địa phương.([2])
Với mục đích truyền bá Phúc Âm phù hợp
phong cách Trung Hoa, kiến trúc ban sơ của Trung Tâm được thiết kế theo kiểu đạo
viện Lão Giáo, cất bằng gỗ, tường trát vữa, quét vôi trắng, mái lợp ngói xanh
đen. Sau này, do mối mọt và hỏa hoạn, toàn bộ kiến trúc phải tu tạo lại, cho lắp
đặt các thiết bị hiện đại và trang trí mới. Chẳng hạn, nhà nguyện đủ chứa sáu
mươi người, cất kiểu đài bát giác, gợi nghĩ đến hai ngôi đền dẫn vào Thiên Đàn ở
Bắc Kinh. Nơi đây mỗi sáng Chúa Nhật hành lễ dùng tiếng Hoa (10:30); buổi chiều
dùng tiếng Anh (17:30).
Trung Tâm chú trọng tìm kiếm các tác phẩm
mới của họa sĩ Trung Quốc nên mở rộng quan hệ với các họa sĩ, học giả, cơ sở
giáo dục ở Hong Kong và lục địa (Trung Quốc). Các cuộc triển lãm mỹ thuật và hội
nghị được tổ chức để tạo diễn đàn chuyên môn cho các giới sáng tác và nghiên cứu
trao đổi kinh nghiệm. Phòng họp của Trung Tâm chứa được sáu mươi người, cũng
theo kiến trúc đạo viện Trung Hoa.
Ngoài việc xuất bản sách về mỹ thuật Cơ Đốc
Giáo theo phong cách Trung Hoa, Trung Tâm mở trên núi Đạo Phong một cửa tiệm
xinh xắn, tĩnh lặng, bày bán các tác phẩm mỹ thuật với nhiều chủ đề mượn từ
Kinh Thánh, thể hiện qua bốn loại chính yếu: đồ sứ, thảm dệt, cắt dán (giấy, vải),
sơn dầu.
Riêng về đồ sứ, Trung Tâm thực hiện chủ đề
Phúc âm trên đồ sứ Trung Hoa. Các tích trong Tân Ước thể
hiện trên đồ sứ làm thủ công, tranh vẽ tay theo phong cách
Minh-Thanh (thế kỷ 14-19). Chẳng hạn, một dĩa sứ vẽ Chúa Hài Đồng trong máng cỏ;
Đức Mẹ mặc y phục Trung Hoa:
Tích ba vua Gaspar (hay Caspar), Melchior
và Balthazar từ phương Đông đến chầu mừng Chúa Hài Đồng nơi hang đá. Ba vua, Đức
Mẹ đều mặc y phục Trung Hoa. Lễ vật cũng là đồ sứ Trung Hoa.
Trung Tâm Cơ Đốc Giáo Đạo Phong Sơn có
tên tiếng Anh là Tao Fong Shan Christian Centre và tên chữ Hán là Đạo Phong Sơn Cơ Đốc Giáo Tùng Lâm.([3])
Lâm
nguyên nghĩa là rừng, nhưng còn có vài nghĩa khác. Mộ phần của Đức Khổng Tử
chính danh là Khổng lâm 孔林. Người
Việt có câu “Rừng Nhu biển Thánh khôn
dò…”; rừng Nhu tức là Nho lâm 儒林. Người
Trung Hoa hiểu Nho lâm là toàn bộ những kinh điển, văn học, văn hóa đạo Nho.
Tùng
lâm là rừng rậm. Chữ Hán gọi chùa Phật là tùng lâm bởi lẽ ngày xưa Đức Phật
Tổ Thích Ca thường giảng đạo trong các khoảnh rừng thanh tĩnh; các tịnh xá (vihâra)
thời Phật Tổ cũng hay cất trong các khu rừng u nhã. Do đó tùng lâm còn được
dùng để chỉ cộng đồng tăng già (samgha) và cư sĩ hòa hiệp nhau tu học, hành đạo.
Như thế, về mặt danh xưng năm chữ Cơ Đốc Giáo
Tùng Lâm trên đây đích thị đã dùng thuật ngữ Tùng lâm theo ý nghĩa đặc biệt của văn hóa Nho-Phật Trung Hoa; còn
về mặt kiến trúc (đã nói trên đây) lại mang sắc thái đạo viện Lão Giáo. Sự chọn
lựa như thế của các giáo sĩ Tin Lành Na Uy chắc chắn phải tạo được ấn tượng và
tình cảm nhất định đối với tâm hồn một dân tộc đã mấy ngàn năm kính ngưỡng Tam Giáo.
Nói khác đi, qua hình thái kiến trúc, tên
gọi và mục đích hoạt động văn hóa nghệ thuật của Trung Tâm Cơ Đốc Giáo Đạo
Phong Sơn, quả thật các nhà truyền giáo Na Uy đã rất biết cách gieo hạt giống lành
của Chúa trên mảnh đất văn hóa Trung Hoa. Các vị ấy còn gợi cho ta lãnh hội
thêm rằng Phúc âm đến không phải để chinh phục, mà để hòa điệu mạch sống tâm
linh.
HUỆ KHẢI
18-12-2004
CGvDT số 121, tháng 01-2005
([3]) 道風山基督教叢林
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.