Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

91/5. THƯỢNG GIÁO HỮU TÔ VĂN PHO TRỞ RA HÀ NỘI / Lịch Sử Thánh Thất Cao Đài Thủ Đô Hà Nội



THƯỢNG GIÁO HỮU TÔ VĂN PHO
TRỞ RA HÀ NỘI (1949)

Tháng 5-1948 Thượng Phối Sư Thới về luôn trong Nam. Bảy tháng sau, Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo phái tiền bối Tô Văn Pho ra thay. Chuyến đi này như một Thiên mệnh đã biến người con xứ dừa Bến Tre mộc mạc trở thành cư dân đất Hà Thành văn vật, cũng như đã gắn liền cuộc đời tiền bối với bao thăng trầm của thánh thất Hà Nội, của cơ Đạo miền Bắc mà trải qua bao cơn binh lửa điêu linh tàn khốc, bậc chân tu vóc dáng hơi nhỏ thấp ấy nhưng mang đại chí hy sinh đã vững vàng trụ lại giữa lòng Hà Nội tan tác đạn bom, cùng dấn thân với thị dân ba mươi sáu phố phường, sống hòa đời hợp đạo để bằng nghị lực và sáng suốt, giữ gìn và phát triển thánh thất Hà Nội cho đến ngày đất nước hai miền nối liền một dải.

Chuẩn bị trở lại Hà Nội

Những ngày cuối năm 1948 (Mậu Tý), Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo chuẩn bị một số điều kiện để tiền bối Tô Văn Pho trở lại đất Bắc hợp với quyền pháp.
- Thứ Năm 18-11-1948 (18-11 Mậu Tý), đạo lịnh chung cho Văn Phòng Cửu Viện (số 32) và Văn Phòng Tổng Lý Nội-Lễ-Hòa (số 26), do Chánh Phối Sư Ngọc Đối Thanh thay mặt Hội Thánh và do Giáo Sư Ngọc Núi Thanh Quản Lý Nội Viện ký, viết rằng:
Vâng lệnh Đức Lý Giáo Tông ([1]) và chấp nhận lời xin của họ đạo Hà Nội, Hội Thánh phái em thanh đồng Tô Văn Pho sanh ngày 18 Août 1920 ([2]) đến Hà Thành giúp chức sắc Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài lo chấn chỉnh và nâng đỡ đức tin họ đạo Hà Nội và các vùng kế cận, nhứt là lo sắp đặt sự thờ phượng cúng kính và dạy tập lễ đồng nhi, y theo nghi tiết đương thi hành nơi thánh thất An Hội Bến Tre.
Phải siêng năng sốt sắng lo làm cho tròn phận sự mà lập thêm công quả.

Lên tàu ra Hải Phòng

Thứ Bảy 01-01-1949 (03-12 Mậu Tý), tiền bối Tô Văn Pho một mình lên tàu thủy để ra cảng Hải Phòng. Năm ngày sau, tàu cập bến vào buổi sáng. Rời Hải Phòng, tiền bối đặt chân đến thánh thất Hà Nội số 48 phố Hòa Mã đúng lúc nơi đây đang cúng thời Ngọ.
Tại Hà Nội, công việc đầu tiên của tiền bối Tô Văn Pho là đi thăm bổn đạo, củng cố lại tinh thần hành đạo của mọi người, duy trì sinh hoạt bình thường của một thánh thất.

Vài văn bản về Thượng Giáo Hữu Tô Văn Pho

Thứ Bảy 25-12-1948 (25-11 Mậu Tý), Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo thăng Thượng Lễ Sanh Tô Văn Pho lên Giáo Hữu. Nhưng đạo lịnh chính thức mãi đến tháng 4-1949 (tháng 3 Kỷ Sửu) mới ra tới thánh thất Hà Nội.
Sau khi tiền bối Tô Văn Pho đã đến thánh thất Hà Nội, có thêm một số văn bản khác được gởi ra:
- Thứ Tư 09-3-1949 (10-02 Kỷ Sửu), bằng văn thư số 295, Văn Phòng Cửu Viện Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo có giấy chứng nhận như sau (năm đạo thứ 24):
Tiếp theo đạo lịnh số 32 ngày 18-11-24 (18 Décembre 1948) cho thanh đồng Tô Văn Pho 29 tuổi giúp đạo Bắc Phần, lãnh thêm phận sự: Giúp Giáo Sư Thượng Tụng Thanh Đầu Họ Đạo Bắc Phần Việt Nam, kể từ ngày ban truyền giấy chứng nhận này.
Phải siêng năng sốt sắng lo thi hành cho tròn phận sự.
- Thứ Sáu 15-4-1949 (18-3 Kỷ Sửu), đạo lịnh chung cho Văn Phòng Cửu Viện (số 114) và Văn Phòng Tổng Lý Nội-Lễ-Hòa (số 80) do Chánh Phối Sư Ngọc Đối Thanh và Giáo Sư Ngọc Núi Thanh ký, viết:
Cho Giáo Hữu Thượng Pho Thanh lãnh phận sự thay mặt Hội Thánh hiệp với Đầu Họ Đạo Bắc Phần Việt Nam và Đầu Họ Đạo Hà Nội với chức sắc Hiệp Thiên Đài lo thăm viếng đạo hữu, nâng đỡ đức tin của mỗi người, phổ độ thêm người vào Đạo và nhắc nhở hết thảy trong Đạo, chức sắc với đạo hữu từ lớn chí nhỏ, phải lo thi hành luật lệ của Hội Thánh đã ban hành và sẽ ban hành, nhứt là phải thuộc lòng kinh tứ thời, ngũ giới cấm, tứ đại điều quy, v.v... Phải thông hiểu thánh ngôn của Thầy và các Đấng thiêng liêng, những tuyên ngôn của Đức Lý Giáo Tông ([3]) và các châu tri dạy đạo đã ban hành.
Phải để trọn tấc lòng mà lo thi hành cho tròn phận sự.
- Thứ Ba 19-4-1949 (22-3 Kỷ Sửu), đạo lịnh chung cho Cửu Viện (số 119) và Tổng Lý Nội-Lễ-Hòa (số 83), do Ngọc Chánh Phối Sư Lê Minh Đối và Giáo Sư Ngọc Núi Thanh ký:
Vâng mạng lịnh Đức Lý Giáo Tông số 13 ban ra ngày 11-3 Kỷ Sửu (8 Avril 1949).
Thăng thưởng: Lễ Sanh Tô Văn Pho 30 tuổi, ở làng An Hội, tổng Bảo Hựu, tỉnh Bến Tre, lên chức Giáo Hữu phái Thượng kể từ ngày ban truyền đạo lịnh này.
Phải siêng năng sốt sắng lo hành đạo lập công cho xứng phẩm vị mình.
Phạm Thị Giá (1913-2000)
Mùa xuân năm 1949 thánh thất Hà Nội ở phố Hòa Mã có thêm một tín đồ mới là bà Phạm Thị Giá, trưởng nữ của học giả Phạm Quỳnh (1893-1945). Bấy giờ bà Giá đang ngụ tại số 47 phố Lò Sũ.
Sau khi ông Phạm Quỳnh bị sát hại (06-9-1945), bà Phạm Quỳnh, nhũ danh Lê Thị Vân (1892-1953), cùng mười ba thành viên khác của gia đình được đưa từ Huế ra Hà Nội, ngụ ở số 5 phố Hàng Da, trước đây là tòa soạn Nam Phong (1917-1934), một tạp chí danh tiếng do ông Phạm Quỳnh đồng sáng lập, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.
Bà Phạm Quỳnh và các con (trừ Phạm Thị Giá) không theo đạo Cao Đài nhưng tình thân rất sâu đậm với hai tiền bối Tô Văn Pho, Ngô Thị Bình và thánh thất Hà Nội suốt mấy mươi năm. Khi bà Phạm Quỳnh tạ thế, lễ tang do Thái Giáo Hữu Lê Văn Thung và Thượng Giáo Hữu Tô Văn Pho cùng họ đạo Hà Nội chu toàn trọng thể. Riêng bà Phạm Thị Giá lần lượt là Lễ Sanh, rồi thăng Giáo Sư, làm thủ quỹ, rồi Quyền Đầu Đạo nữ phái của thánh thất Hà Nội. Tháng 12-2000 (Canh Thìn), Giáo Sư Hương Giá quy thiên ở Bạc Liêu khi đang sống bên cạnh con gái út.([4])
Nhân sự thánh thất Hà Nội
Chủ Nhật 25-12-1949 (06-11 Kỷ Sửu)
Ban Đầu Đạo:
Đầu Họ Đạo: Thượng Giáo Sư Lê Tụng.
Phó Đầu Họ Đạo: Thái Giáo Hữu Lê Văn Thung.
Thư Ký Ban Đầu Đạo: Nguyễn Đình Liêu.
Phó Đầu Họ Đạo nữ: Giáo Hữu Nguyễn Nguyệt Tiếp.
Giúp Đầu Họ Đạo nữ: Lễ Sanh Phạm Thị Giá.
Thư Ký phái nữ: Tôn Nữ Việt An.([5])
Ban Cai Quản:
Chánh Hội Trưởng: Thượng Giáo Hữu Đính.
Phó Hội Trưởng: Nguyễn Vũ.
Thư Ký Ban Cai Quản: Nguyễn Duy Phú.
Phòng Lễ:
Quản Lý: Thái Giáo Hữu Trần Văn Đường.
Phó Quản Lý: Thượng Lễ Sanh Trần Văn Hợi.
Giúp Lễ Viện: Tạ Đình Định.
Phòng Thơ:
Quản Lý: Bùi Quang Thanh.
Phó Quản Lý: Bùi Công Độ.
Phó Từ Hàn: Bùi Nguyệt Hạnh.
Phòng Lương:
Quản Lý kiêm Thủ Bổn: Lễ Sanh Phạm Thị Giá.
Phòng Công:
Quản Lý: Trần Văn Phúc.
Phó Quản Lý: Nguyễn Bá Hề, Nguyễn Bá Phú.
Ban Trị Sự:
Chánh Trị Sự: Trần Văn Phúc, Trần Thị Ngọc.
Phó Trị Sự: Nguyễn Bá Hề, Lê Thị Hiền.
Thông Sự: Nguyễn Văn Chiêm, Bùi Nguyệt Hiện, Phạm Văn Lan.
Ban Hành Thiện: Trần Thị Tỵ, Nguyễn Thị Vòng.
Ban Phổ Độ: Tô Thị Chi, Nguyễn Thị Nợi, Nguyễn Thị Loan.([6])
HUỆ KHẢI




([1]) Tức là tiền khai Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, theo cách tôn xưng trân trọng của Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo. Từ đây về sau, các đạo lịnh của Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo được dẫn lại trong sách này, nếu thấy ghi Đức Lý Giáo Tông, thì nên hiểu là nói tới Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương.
Từ khi thành lập Hội Thánh, thì thánh thất An Hội trở thành Tòa Thánh, tuy nhiên trong nhiều văn bản của Hội Thánh vẫn hay giữ tên gọi ban đầu là thánh thất An Hội. Sau gần hai năm tu tạo, khi lạc thành Chủ Nhật 16-5-1937 (07-4 Đinh Sửu), trên mặt tiền kiến trúc mới đã gắn bảng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ / Tòa Thánh. Làng An Hội xưa có ngôi thánh thất đầu tiên đặt tại nhà tiền bối Huyện hàm Nguyễn Dư Hoài (1868-1930). Bấy giờ chưa chia chi phái. Sau khi tiền bối Nguyễn Dư Hoài quy thiên, thánh thất ấy không còn. Khu đất này hiện nay đối diện nhà thờ Tin Lành, góc Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Huệ, phường 1, thành phố Bến Tre. Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương cho cất trên đất nhà một thánh thất nhỏ (cột bằng cây dừa lão, lợp ngói, nền lót gạch tàu), là thánh thất An Hội. Khi cho tu tạo thánh thất An Hội (1935), đồ từ khí và các thứ được gởi tạm tại nhà riêng ông Võ Văn Lý (1878-1953) là nhà sàn đối diện nhà tu trung thừa nữ. Nhà tu nay ở số 189 Trương Định, phường 6, thành phố Bến Tre.
([2]) Trên thẻ chứng minh nhân dân cấp tại Hà Nội, tiền bối Tô Văn Pho khai ngày sinh là 20-8-1919.
([3]) Trong những năm 1943-1947, tiền khai Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương ban hành nhiều tuyên ngôn dạy đạo để củng cố đức tin, hướng dẫn bổn đạo Hội Thánh đường lối tu học.
([4]) Thông tin do nhà báo Phạm Tôn (Tôn Thất Thành, con trai bà Phạm Thị Giá) cung cấp. (Huệ Khải)
([5]) Tôn Nữ Việt An là trưởng nữ bà Phạm Thị Giá.
([6]) [Hành Đạo 2: 20]


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.